Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán trái phiếu và bảo lãnh số 262/2020/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 262/2020/KDTM-PT NGÀY 07/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TRÁI PHIẾU VÀ BẢO LÃNH

Vào ngày 07 tháng 5 năm 2020 tại Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 166/2019/TLPT-KDTM ngày 31 tháng 12 năm 2019 về tranh chấp Hợp đồng mua bán trái phiếu và bảo lãnh.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 199/2019/KDTM-ST ngày 28 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận M bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1016/2020/QĐ-PT ngày 02 tháng 3 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 2230/2020/QĐ-PT ngày 25 tháng 3 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 3188/2020/QĐ-PT ngày 06 tháng 4 năm 2020 và Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1639/2020/QĐ-PT ngày 10 tháng 4 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng B.

Địa chỉ: Số A đường K, phường Đ, Quận M, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Trần Nhã K là đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền số 33/2020/QĐ-LPB.HCM ngày 03/4/2020).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: ông Trần Ngọc H – Công ty Luật TNHH L & Luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố H.

2. Bị đơn: Công ty TNHH T.

Địa chỉ: Số B đường H, phường B, Quận M, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Lê Thị T1 và ông Võ Hữu T2 là đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền ngày 02/01/2020)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng Đ.

Địa chỉ : Số C, phường L, quận H, Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp: Bà Tô Lê Xuân D và ông Trần Minh N là đại diện theo ủy quyền (giấy ủy quyền số 1497/GUQ.Đ.SGD2 ngày 07/11/2019).

Người kháng cáo:

1. Công ty TNHH T.

2. Ngân hàng Đ.

(Các đương sự có mặt tại tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện ngày 30/9/2015, đơn khởi kiện bổ sung ngày 17/6/2019, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn - Ngân hàng B trình bày:

Ngày 06/12/2010, Công ty TNHH T (gọi tắt là T) có Thư cam kết số 739/2010/TC.TN gửi Ngân hàngB - nay là Ngân hàng B (gọi tắt là B), cam kết với chủ đầu tư trái phiếu do T phát hành với tổng số tiền đầu tư là 510.000.000.000 đồng có mức lãi suất thực tế năm đầu tiên là 17,5%/năm, các năm tiếp theo là Ltk13tháng + 4,5%/năm, định kỳ điều chỉnh 03 tháng một lần của đầu mỗi quý.

Ngày 13/12/2010, B ký hợp đồng đặt mua 510.000.000.000 đồng trái phiếu bằng tiền đồng Việt Nam do T phát hành với sự bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng Đ - Chi nhánh Sở giao dịch 2 (gọi tắt là Đ). Trái phiếu được phát hành dưới hình thức ghi sổ với mệnh giá 1.000.000.000 đồng/trái phiếu; kỳ hạn thanh toán 3 năm ( từ ngày 15/12/2010 đến ngày 15/12/2013) lãi trả vào ngày 15 tháng 12 hàng năm, bắt đầu từ ngày 15/12/2011; lãi suất năm đầu tiên là 16%/năm, lãi suất của các kỳ tiếp theo bằng lãi suất trung bình của lãi suất tiền gửi tiết kiệm trả sau kỳ hạn 12 tháng được công bố tại Sở giao dịch - Chi nhánh Thành phố H của Ngân hàng Đ - Chi nhánh Sở giao dịch 2, Ngân hàng N - Chi nhánh Sài Gòn, Ngân hàng C - Chi nhánh Thành phố H, Ngân hàng N1 - Chi nhánh Thành phố H tại mỗi ngày xác định lãi suất cộng biên độ 4,5%/năm.

Ngày 15/12/2010, Ngân hàng B đã hoàn thành việc thanh toán số tiền mua trái phiếu và được Công ty T cấp Giấy chứng nhận sở hữu 510 trái phiếu T, tổng giá trị 510.000.000.000 đồng kỳ hạn 3 năm, ngày thanh toán ngày 15/12/2013.

Với trách nhiệm “bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi trái phiếu ” như cam kết của Đ tại điểm a điều 1 của Thư bảo lãnh , Đ đã thanh toán (thay T) cho B số tiền lãi năm 2011 là 80.503.225.806 đồng. Năm 2012, Đ đã thanh toán tiền lãi thuộc phạm vi bảo lãnh là 15%/năm là 76.500.000.000 đồng và năm 2013 Đ đã thanh toán tiền lãi là 76.500.000.000 đồng.

Ngày 15/12/2013, đáo hạn trái phiếu nhưng T không thanh toán số tiền gốc và lãi còn nợ nên B có văn bản yêu cầu T phải thực hiện việc trả nợ đồng thời có văn bản đề nghị Đ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Ngày 11/11/2014 Đ đã thanh toán đủ số nợ gốc 510.000.000.000 đồng nhưng không thanh toán tiền lãi phát sinh.

Trong quá trình tố tụng: B yêu cầu T phải thanh toán số tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 còn thiếu là 11.035.833.333 đồng, tiền lãi chưa thanh toán từ 15/12/2013 đến ngày 11/11/2014 là 69.579.583.333 đồng và tiền lãi chậm trả lãi từ ngày 11/11/2014 đến ngày 12/6/2019 là 32.354.506.250 đồng. Trường hợp Công ty T không trả thì Đ có trách nhiệm thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với trái phiếu là 73.494.521.102 đồng.

Nguyên đơn không đồng ý trả lại cho Đ số tiền lãi trái phiếu trả dư năm 2013 là 3.017.500.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm: B rút lại yêu cầu đòi T trả tiền lãi chậm trả lãi tạm tính từ ngày 11/11/2014 đến ngày 12/6/2019 với số tiền là 32.354.506.250 đồng. Nguyên đơn xác định yêu cầu khởi kiện là: Yêu cầu Công ty T phải thanh toán ngay tiền lãi trái phiếu còn nợ năm 2012 là 11.035.833.333 đồng và tiền lãi trái phiếu chậm trả 331 ngày từ ngày 15/12/2013 đến ngày 11/11/2014 (trên tiền nợ gốc trái phiếu 510.000.000.000 đồng) là 94.955.625.000 đồng theo mức lãi quá hạn là 20,25%/năm nhưng để tạo điều kiện cho T, B chỉ yêu cầu T trả 90.000.000.000 đồng. Trường hợp T không trả thì Ngân hàng Đ phải trả cho Bsố tiền 90.000.000.000 đồng do chậm thực hiện trách nhiệm bảo lãnh. Ngân hàng B đồng ý hoàn trả cho Đ tiền lãi trái phiếu trả dư năm 2013 là 3.017.500.000 đồng nhưng yêu cầu được cấn trừ tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 Công ty T còn nợ là 11.035.833.333 đồng.

* Quá trình tham gia tố tụng, Công ty T trình bày:

Công ty T xác nhận ngày 06/12/2010 đã phát hành Thư cam kết số 739/2010/TC.TN gửi B và ngày 13/12/2010 B ký hợp đồng đặt mua 510.000.000.000 đồng trái phiếu bằng tiền đồng Việt Nam do Công ty T phát hành được sự bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng Đ. Trái phiếu phát hành dưới hình thức ghi sổ mệnh giá 1.000.000.000 đồng/trái phiếu; kỳ hạn thanh toán 3 năm (từ ngày 15/12/2010 đến ngày 15/12/2013) lãi trả vào ngày 15/12 hàng năm, bắt đầu từ ngày 15/12/2011, nội dung hợp đồng và mức lãi suất đúng như lời trình bày của Ngân hàng B. Tuy nhiên T không đồng ý với yêu cầu của B về việc tính lãi chậm trả quá cao. Đề nghị B áp dụng mức lãi suất bình quân 12%/năm để tính thời điểm phát sinh nợ vay vì thực tế Công ty T còn phải trả phí bảo lãnh 2%/năm cho Đ.

Về yêu cầu của ngân hàng Đ đòi Ngân hàng B hoàn trả số tiền lãi trái phiếu trả dư năm 2013 là 3.017.500.000 đồng Công ty T không có ý kiến, đây là việc của Ngân hàng Đ và Ngân hàng B.

* Quá trình tham gia tố tụng, Ngân hàng Đ trình bày:

Ngân hàng Đ xác nhận có phát hành Thư bảo lãnh số 3492/TB-CNSGD2 ngày 17/11/2010, nội dung Đ cam kết bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Trong mọi trường hợp, giá trị bảo lãnh thanh toán tiền gốc trái phiếu tối đa bằng tổng mệnh giá trái phiếu lưu hành thực tế tại mọi thời điểm tính từ ngày phát hành cho đến ngày đáo hạn (thời hạn trái phiếu) nhưng không vượt quá 1.200 tỷ đồng, giá trị bảo lãnh thanh toán lãi trái phiếu tối đa bằng tổng mệnh giá trái phiếu lưu hành thực tế trong thời hạn trái phiếu nhân (x) lãi suất tối đa 15%/năm. Cam kết nếu T không thực hiện nghĩa vụ thanh toán vì bất kỳ lý do gì khi đến hạn theo các điều kiện, điều khoản trái phiếu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi Đ nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thanh toán cho Bkhoản tiền tương đương với khoản tiền mà Bcó quyền được nhận nếu như nghĩa vụ thanh toán được thực hiện. Đ sẽ không chịu bất cứ khoản lãi hay bất cứ chi phí phát sinh nào khác liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh của mình ngoài việc thanh toán đủ các nghĩa vụ thanh toán mà T không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, Đ đã thanh toán cho B tiền lãi năm 2011 là 80.503.225.806 đồng (lãi suất thanh toán 16%/năm), tiền lãi năm 2012 là 76.500.000.000 đồng, tiền lãi năm 2013 là 76.500.000.000 đồng (lãi suất thanh toán 15%/năm) và đến ngày 11/11/2014 Đ đã thanh toán đủ số tiền 510.000.000.000 đồng tiền gốc trái phiếu nên Đ đã thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh theo Thư bảo lãnh số 3492/TB-CNSGD2 ngày 17/11/2010.

Nguyên đơn yêu cầu trường hợp T không trả nợ, Đ phải trả thay số tiền lãi chậm trả tính từ ngày 15/12/2013 đến ngày 11/11/2014 do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì Đ không đồng ý vì đây là tiền lãi lũy kế không thuộc phạm vi bảo lãnh. Việc Đ trì hoãn thanh toán tiền gốc trái phiếu là để các bên có thời gian đàm phán, thỏa thuận gia hạn trái phiếu. Các bên đã thỏa thuận gia hạn trái phiếu trước ngày đáo hạn nên thời hạn bảo lãnh kéo dài đến khi các bên có quyết định chính thức do đó nghĩa vụ thanh toán lãi phát sinh sau ngày đáo hạn trái phiếu thuộc trách nhiệm của T, không thuộc phạm vi bảo lãnh của Ngân hàng Đ vì theo cam kết bảo lãnh “… mỗi trái phiếu sẽ không được hưởng lãi kể từ ngày đáo hạn, hoặc ngày đến hạn mua lại trừ khi tiền gốc của trái phiếu không được thanh toán đầy đủ hoặc bị từ chối thanh toán. Trong trường hợp đó, trái phiếu sẽ tiếp tục được hưởng lãi với lãi suất đã nêu trên…”, khoản tiền lãi phát sinh sau ngày trái phiếu đáo hạn là lãi lũy kế. Ngân hàng B sở hữu trái phiếu, việc không được thanh toán tiền gốc vào ngày đáo hạn mà được thanh toán vào ngày 11/11/2014 thì B được hưởng khoản lãi lũy kế theo quy định vì T là tổ chức phát hành có trách nhiệm thanh toán cho B. Do trước ngày đáo hạn trái phiếu, T thông qua Ngân hàng Đ, đề nghị B hỗ trợ khó khăn, gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu để T có điều kiện cơ cấu nguồn tài chính, quá trình đàm phán gia hạn thanh toán trái phiếu giữa các bên về các điều kiện lãi suất, phí, quyền mua lại trước hạn để các bên có thời gian đàm phán gia hạn. Đ buộc phải tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán tiền gốc trái phiếu vào ngày trái phiếu đáo hạn để đợi B và T có quyết định chính thức nhưng các bên không thỏa thuận được việc gia hạn trái phiếu nên Ngân hàng Đ không có lỗi trong việc chậm bảo lãnh thanh toán tiền gốc trái phiếu và không có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi chậm trả cho B.

Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, Ngân hàng Đ đã thanh toán tiền lãi trái phiếu cho Ngân hàng B theo cam kết tại Thư bảo lãnh thanh toán số 3492/TB – CN SGD2 ngày 17/11/2010. Năm 2013, Ngân hàng Đ đã thanh toán tiền lãi trái phiếu là 76.500.000.000 đồng, trả dư 3.017.500.000 đồng so với nghĩa vụ bảo lãnh 73.482.500.000 đồng nên ngày 09/7/2018, Ngân hàng Đ có yêu cầu độc lập đòi Ngân hàng Btrả lại số tiền 3.017.500.000 đồng. Đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung của Ngân hàng B, Ngân hàng Đ không có ý kiến.

Tại phiên tòa sơ thẩm : Đ không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn đòi Đ phải trả thay cho T tiền lãi chậm trả từ ngày 15/12/2013 đến ngày 11/11/2014 vì tiền lãi phát sinh sau ngày trái phiếu đáo hạn không thuộc phạm vi bảo lãnh nên Đ không có trách nhiệm trả. Yêu cầu B hoàn trả tiền lãi trái phiếu năm 2013 trả dư là 3.017.500.000 đồng cho Ngân hàng Đ.

Với nội dung trên, Tại Bản án sơ thẩm số 199/2019/KDTM-ST ngày 28 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận M, Thành phố H đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ khoản 18 Điều 4, điểm c khoản 3 Điều 98, khoản 3 Điều 107 Luật các tổ chức tín dụng;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Điều 6, Điều 7, Điều 9, Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng B:

1.1. Buộc Công ty TNHH T có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng B tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 là 11.035.833.333đ (mười một tỷ, không trăm ba mươi lăm triệu, tám trăm ba mươi ba nghìn, ba trăm ba mươi ba đồng).

1.2. Buộc Công ty TNHH T có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng B tiền lãi chậm trả 331 ngày từ ngày 15/12/2013 đến ngày 11/11/2014 trên tiền nợ gốc trái phiếu 510.000.000.000 đồng là 90.000.000.000đ (chín mươi tỷ đồng).

Đến thời hạn trả mà T không trả thì Ngân hàng Đ phải trả thay cho Công ty TNHH T số tiền lãi chậm trả là 90.000.000.000đ (chín mươi tỷ đồng) cho Ngân hàng B do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp Ngân hàng Đ và Công ty TNHH T phát sinh tranh chấp thì dành cho các bên trong một vụ án khác.

Thi hành ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật, nếu không có thỏa thuận mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

1.3. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của Ngân hàng B đòi Công ty TNHH T trả tiền lãi chậm trả lãi tạm tính từ ngày 11/11/2014 đến ngày 12/6/2019 là 32.354.506.250đ (ba mươi hai tỷ, ba trăm năm mươi bốn triệu, năm trăm lẻ sáu nghìn, hai trăm năm mươi đồng).

2. Chấp nhận yêu cầu độc lập của Ngân hàng Đ:

Buộc Ngân hàng B có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Đ tiền lãi trái phiếu trả dư năm 2013 là 3.017.500.000đ (ba tỷ, không trăm mười bảy triệu, năm trăm nghìn đồng).

Thi hành ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty TNHH T phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 209.035.833đ (hai trăm lẻ chín triệu, không trăm ba mươi lăm nghìn, tám trăm ba mươi ba đồng). Ngân hàng B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 92.350.000 đ (chín mươi hai triệu, ba trăm năm mươi nghìn đồng), hoàn lại số tiền tạm ứng án phí 87.281.042đ (tám mươi bảy triệu, hai trăm tám mươi mốt nghìn, không trăm bốn mươi hai đồng) đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AE/2014/0005256 ngày 07 tháng 10 năm 2015 và số tiền 104.967.045đ (một trăm lẻ bốn triệu, chín trăm sáu mươi bảy nghìn, không trăm bốn mươi lăm đồng) đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2018/0007686 ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chi Cục thi hành án dân sự Quận M. Ngân hàng Đ không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, hoàn lại số tiền tạm ứng án phí 46.175.000đ (bốn mươi sáu triệu, một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2017/0023299 ngày 18 tháng 7 năm 2018 của Chi Cục thi hành án dân sự Quận M.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 23 tháng 10 năm 2019, Công ty TNHH T và ngày 07 tháng 11 năm 2019 Ngân hàng Đ có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo một phần bản án số 199/2019/KDTM-ST ngày 28/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận M, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn .

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị đơn - Công ty T trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm buộc T thanh toán cho B tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 với số tiền 11.035.833.333 đồng là không đúng vì năm 2013, Đ đã trả dư tiền lãi cho B là 3.017.500.000 đồng, nên nghĩa vụ nợ lãi trái phiếu năm 2012 của T còn lại chỉ là 8.018.333.333 đồng (không phải là 11.035.833.333 đồng). Vì số tiền 76.500.000.000 đồng mà Đ đã trả cho B vào năm 2013 đến thời điểm hiện nay T còn đang nhận nợ (gồm cả gốc và lãi) đối với Đ. Đối với tiền lãi trả chậm từ ngày 15/12/2013 đến ngày 11/11/2014 Báp dụng mức lãi suất 20,25%/năm, căn cứ theo mức lãi suất tại thời điểm áp dụng (năm 2014) theo Thư cam kết số 739/2010/TC.TN là không đúng vì sau đó Bđã đồng ý mức lãi suất trái phiếu áp dụng từ ngày 15/12/2013 đến hết ngày 11/11/2014 là 11,5%/năm (Theo Thông báo số 38/2014/TB-LienVietPostBank BT ngày 10/11/2014). Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất cao hơn mức mà B Post Bank đã cam kết là trái với thỏa thuận của các bên, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Ngân hàng Đ trình bày: Tòa cấp sơ thẩm buộc T phải thanh toán cho B tiền lãi chậm thanh toán với số tiền 90 tỷ là không đúng và yêu cầu của B đã vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu vì các bên có thỏa thuận nếu việc gia hạn trái phiếu thành công thì mức lãi suất mà Ngân hàng B được hưởng sẽ là 11,5%/năm. Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Đ phải trả thay cho Công ty T khoản tiền lãi 90 tỷ đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là không có cơ sở pháp lý, bởi lẽ theo Hợp đồng bảo lãnh và thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu, khoản tiền lãi phát sinh sau ngày trái phiếu đáo hạn nằm ngoài phạm vi bảo lãnh thanh toán của Đ; Việc gia hạn Trái phiếu và gia hạn bảo lãnh giữa các bên không thành công, theo đó, quan hệ bảo lãnh thanh toán trái phiếu sau thời điểm trái phiếu đáo hạn chưa hình thành; Trước ngày đáo hạn trái phiếu, T đã có văn bản đề nghị Bgia hạn thời hạn trái phiếu, B đã đồng ý và gửi văn bản phản hồi cho T; với tư cách bên bảo lãnh thanh toán, Đ đã phải trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh để các bên có thời gian đàm phán thống nhất điều khoản điều kiện gia hạn trái phiếu. Khoản tiền lãi trái phiếu phát sinh sau ngày đáo hạn gọi là Lãi lũy kế thuộc nghĩa vụ thanh toán của T. T chậm thanh toán tiền lãi lũy kế cho B không phải là hành vi vi phạm hợp đồng của Đ. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 08/2018/KDTM-GĐT ngày 09/2/2018 của Tòa án cấp cao tại Thành phố H đã nhận định rõ: “Sau khi trái phiếu hết hạn, Công ty T và Ngân hàng Bưu điện Btiếp tục thỏa thuận kéo dài thời hạn trái phiếu, nhưng không được Đ đồng ý gia hạn thời hạn bảo lãnh nên trong khoản thời gian từ ngày 15/12/2013 (trái phiếu hết hạn) cho đến ngày 11/11/2014 (ngày Đ trả số tiền nợ gốc 510.000.000.000 đồng) thì Đ không có trách nhiệm phải trả tiền lãi cho Ngân hàng B”, do đó đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Đ phải trả thay cho T số tiền nợ lãi 90 tỷ. Đồng thời chỉnh sửa lại nội dung về việc tính lãi đối với số tiền trong giai đoạn thi hành án cho phù hợp qui định pháp luật.

- Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Trước ngày trái phiếu đến hạn thì Bđã gửi công văn số 66 ngày 8/11/2013 yêu cầu T và Đ thanh toán nợ gốc và lãi. Đ và T có văn bản xin gia hạn và B đã gửi văn bản số 70 thông báo cho Đ và T biết chỉ đồng ý gia hạn trái phiếu với điều kiện lãi suất không thay đổi và Đ phải gia hạn bảo lãnh, nếu không đồng ý thì phải thực hiện việc thanh toán theo đúng thời hạn qui định tại công văn số 66 của B. Mặc dù không đồng ý với các điều kiện của nguyên đơn nêu ra nhưng đến kỳ hạn thanh toán của trái phiếu T không thanh toán và Đ cũng không thực hiện ngay trách nhiệm bảo lãnh như cam kết. Đ viện dẫn phần nhận định của Quyết định giám đốc thẩm số 08/2018/KDTM-GĐT ngày 09.2.2018 là không có cơ sở, T và B chưa từng đạt được thỏa thuận về việc gia hạn trái phiếu. Trên thực tế, các bên (có cả sự tham gia của Đ) chỉ đàm phán về các điều kiện gia hạn trái phiếu nhưng không thống nhất được với nhau, không có tài liệu hay chứng cứ nào chứng tỏ Bđã thỏa thuận kéo dài thời hạn trái phiếu với T và đồng ý cho Đ chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Nếu Đ không đồng ý gia hạn thời hạn bảo lãnh như nhận định của giám đốc thẩm thì trong tình huống T không thanh toán nợ gốc và Bnhiều lần yêu cầu T, Đ thanh toán nợ gốc và nợ lãi, sao Đ không thực hiện ngay nghĩa vụ bảo lãnh để không phải chịu lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo qui định tại Điều 306 Luật Thương mại. Kháng cáo của T và Đ là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của T và Đ.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu: Việc Tòa án nhân dân Thành phố H thụ lý và giải quyết vụ án là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kháng cáo của bị đơn - Công ty T yêu cầu tính lãi theo mức lãi suất 11,5% là không có cơ sở vì mức lãi suất này không được các bên chấp nhận, nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty T, chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng Đ về việc không phải chịu trách nhiệm trả thay công ty T, không chấp nhận kháng cáo của Đ cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu vì nguyên đơn đã có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lãi chậm trả 101.934.089.583 đồng và đã đóng tiền tạm ứng án phí bổ sung cho yêu cầu trên. Đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; Sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Tại phiên tòa hôm nay các bên không tự hòa giải với nhau được về việc giải quyết vụ án, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo nên Hội đồng xét xử tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

[1] Xét quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên là tranh chấp hợp đồng mua bán trái phiếu và bảo lãnh, bị đơn có trụ sở tại Quận M Thành phố H. Tòa án nhân dân Quận M xét xử sơ thẩm là đúng quy định về thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Đơn kháng cáo của bị đơn – Công ty T và đơn kháng cáo của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Ngân hàng Đ nộp đúng thời hạn và thủ tục hợp lệ, nên Tòa kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố H giải quyết theo trình tự phúc thẩm là phù hợp qui định tại Điểm b Khoản 3 Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời thừa nhận của các đương sự tại phiên tòa có cơ sở xác định ngày 13/12/2010 giữa nguyên đơn - Ngân hàng Bvà bị đơn - Công ty T đã ký kết hợp đồng đặt mua 510.000.000.000 đồng trái phiếu do T phát hành, kỳ hạn thanh toán là 3 năm (từ ngày 15/12/2010 đến ngày 15/12/2013). Đ đã cam kết bảo lãnh theo Thư bảo lãnh thanh toán số 3492/TB- CNSGD2 ngày 17/11/2010 cam kết bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi trái phiếu của T. Xét thấy việc các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận về việc mua bán trái phiếu và cam kết bảo lãnh thanh toán trái phiếu là tự nguyện, hợp pháp, không vi phạm điều cấm của pháp luật nên có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên.

Ngày 15/12/2010, Bđã thanh toán đủ số tiền mua trái phiếu. Sau khi phát hành trái phiếu T không thanh toán tiền lãi trái phiếu hàng năm cho Btheo thỏa thuận. Với tư cách là người bảo lãnh, Đ đã thanh toán đủ số tiền lãi trái phiếu năm 2011 với số tiền là 80.503.225.806 đồng, tiền lãi năm 2012 là 76.500.000.000 đồng và tiền lãi năm 2013 là 76.500.000.000 đồng cho B.

[3] Xét tại phiên tòa các đương sự đều thừa nhận: Tiền lãi trái phiếu năm 2011 Đ đã thanh toán đủ; Tiền lãi trái phiếu năm 2012 là 87.535.833.333 đồng, Đ thực hiện trách nhiệm bảo lãnh với mức lãi suất tối đa là 15%/năm trả thay T 76.500.000.000 đồng, (số tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 còn lại chưa trả là 11.035.833.333 đồng thuộc trách nhiệm thanh toán của T); Tiền lãi trái phiếu năm 2013 là 73.482.500.000 đồng, nhưng khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh Đ đã thanh toán cho Bdư 3.017.500.500 đồng so với số tiền lãi T phải trả. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm buộc T phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 là 11.035.833.333 đồng và chấp nhận yêu cầu độc lập của Đ buộc nguyên đơn phải thanh toán lại cho Đ số tiền 3.071.500.000 đồng tiền lãi trái phiếu trả dư năm 2013 là phù hợp với qui định tại Điều 197 Bộ luật dân sự 2005 và phù hợp với thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng đặt mua trái phiếu ngày 13/12/2010 và Thư cam kết ngày 6/12/2010 của T. T kháng cáo cho rằng Đ đã trả dư 3.017.500.000 đồng vào tiền nợ lãi năm 2013 và T đã phải viết giấy nhận nợ toàn bộ số tiền này với Đ, do đó số tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 mà T còn nợ Bchỉ là 8.018.333.333 đồng là không có căn cứ vì Đ đã thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh trả thay tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 theo trách nhiệm bảo lãnh tối đa là 15%/năm. Tại tòa Đ xác định số tiền 11.035.833.333 đồng nợ lãi trái phiếu năm 2012 còn lại mà T chưa trả thuộc trách nhiệm của bị đơn, không thuộc phạm vi bảo lãnh của Đ và yêu cầu nguyên đơn hoàn trả lại cho Đ số tiền 3.071.500.000 đồng tiền lãi trái phiếu trả dư năm 2013 chứ không đồng ý theo kháng cáo của T là yêu cầu cấn trừ số tiền nợ lãi trái phiếu năm 2013 trả dư vào tiền nợ lãi năm 2012 do T nợ, do đó Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn yêu cầu được cấn trừ số tiền Đ trả dư tiền lãi năm 2013 vào số tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 mà T còn phải thanh toán.

[4] Theo hợp đồng đặt mua trái phiếu và phụ lục 1 ngày 13/12/2010, các điều khoản, điều kiện trái phiếu kèm theo Bản công bố thông tin ngày 10/12/2010 kỳ hạn trái phiếu là 03 năm kể từ ngày 15/12/2010 đến ngày 15/12/2013.

Tại tòa các bên đều xác nhận trước ngày trái phiếu hết hạn, Bđã gửi công văn số 66/2013/TB-LienvietpostbankBT ngày 08.11.2013 cho T và Đ yêu cầu chậm nhất đến ngày 15/12/2013 phải thanh toán nợ gốc trái phiếu đến hạn. Ngày 5/12/2013 Đ gửi công văn số 2880/CV-CN SDG2 cho nguyên đơn đề nghị phương án gia hạn thời hạn thanh toán nợ gốc hoặc tái cấu trúc tài chính. Sau đó B gửi công văn số 70/2013/TB- LienvietpostbankBT ngày 14/12/2013, đồng ý gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu với điều kiện: Đ phải gia hạn bảo lãnh thanh toán trái phiếu; Thời hạn gia hạn bảo lãnh kể từ ngày 15/12/2013 cho đến khi Công ty T hoặc Đ thực hiện hết nghĩa vụ được bảo lãnh; Lãi suất áp dụng cho trái phiếu trong thời gian gia hạn không thay đổi. Sau đó các bên đã có nhiều biên bản làm việc và văn bản trao đổi khác, nhưng các bên không đạt được thỏa thuận về việc gia hạn trái phiếu hoặc thay đổi, chỉnh sửa, thay thế hợp đồng đặt mua trái phiếu và Thư bảo lãnh thanh toán số 3492. Đến ngày 11/11/2014, Ngân hàng Đ mới trả nợ gốc tiền trái phiếu 510.000.000.000 đồng là vi phạm nghĩa vụ trả nợ đến hạn đã cam kết nên Công ty T phải có nghĩa vụ trả tiền lãi chậm trả (quá hạn) trên nợ gốc theo thỏa thuận của hợp đồng đặt mua trái phiếu.

[5] Xét kháng cáo của Công ty T và Ngân hàng Đ cho rằng tại thời điểm trái phiếu hết hạn lãi suất thị trường trên thực tế giảm so với mức lãi suất trái phiếu mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, B đã đồng ý với mức lãi suất gia hạn trái phiếu là 11,5/năm (thể hiện tại thông báo số 38/2014/TB-LienvietpostbankBT ngày 10/11/2014 do Bphát hành yêu cầu thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu với mức lãi suất áp dụng từ 15/12/2013 đến 12/11/2014 là 11,5%) nên Bchỉ được hưởng lãi suất 11,5% với khoản tiền lãi được hưởng từ 15/12/2013 đến 11/11/2014 là 53.184.408.602 đồng chứ không phải là 90 tỷ như án sơ thẩm đã tuyên. Hội đồng xét xử nhận thấy kháng cáo nêu trên là không có cơ sở chấp nhận vì các bên đều thừa nhận trước tòa là mức lãi suất 11,5%/năm mà Ngân hàng B yêu cầu T phải thanh toán là mức lãi suất sẽ được các bên áp dụng trong trường hợp các bên thống nhất được việc gia hạn Trái phiếu (bao gồm cả việc thống nhất mức lãi suất 11,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn mới của Trái phiếu). Thông báo số 38/2014 của Bchỉ là đề nghị đơn phương của Bvà mức lãi suất này không được T và Đ chấp thuận, đây không phải là thỏa thuận mới giữa các bên về lãi suất chậm trả đối với T và các bên không hề ký kết với nhau một phụ lục hay biên bản nào về việc sửa đổi bổ sung hợp đồng đặt mua trái phiếu, T và Đ đã không đồng ý mức lãi suất này và không đồng ý gia hạn Trái phiếu, do đó mức lãi suất 11,5%/năm không có hiệu lực áp dụng đối với các bên như kháng cáo của T và Đ.

[6] Tại Mục 5 Phụ lục 01 kèm theo hợp đồng đặt mua trái phiếu ngày 13/12/2010 các bên đã thỏa thuận: “Trường hợp tổ chức phát hành không thanh toán cho bên đặt mua trái phiếu đầy đủ số tiền gốc trái phiếu đúng kỳ hạn theo hợp đồng này thì phải trả cho bên đặt mua trái phiếu lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trái phiếu tại thời điểm áp dụng lãi suất quá hạn. Lãi suất quá hạn được tính từ ngày quá hạn thanh toán (gốc trái phiếu), áp dụng đối với tổng mệnh giá trái phiếu quá hạn thanh toán”. Vào thời điểm trái phiếu quá hạn, mức lãi suất trái phiếu theo thỏa thuận tại hợp đồng đặt mua trái phiếu là 15,3%/năm (lãi suất quá hạn sẽ là 22,95%/năm), thực tế vào thời điểm tháng 12/2013 (ngay trước khi Trái phiếu đến hạn), lãi suất trái phiếu đang được các bên áp dụng là 13,5%/năm (lãi suất quá hạn sẽ là 20,25%/năm tương đương 93.371.917.808 đồng), nên tiền lãi chậm thanh toán nợ gốc trái phiếu từ ngày 16/12/2013 đến ngày 11/11/2014 sẽ cao hơn số tiền lãi chậm thanh toán trái phiếu mà nguyên đơn yêu cầu T phải thanh toán. Việc Đ cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là vượt quá phạm vi khởi kiện là không có cơ sở vì nguyên đơn đã có làm đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu T phải thanh toán tiền lãi chậm trả (lãi quá hạn) và tòa án cấp sơ thẩm đã cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng bổ sung cũng như đã tiến hành đầy đủ các thủ tục tố tụng đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung theo đúng qui định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Do đó buộc bị đơn có nghĩa vụ trả tiền lãi chậm trả từ ngày 16/12/2013 đến ngày 10/11/2014 trên tiền nợ gốc trái phiếu 510.000.000.000 đồng với số tiền 90.000.000.000 đồng là phù hợp với thỏa thuận của hai bên tại hợp đồng và phụ lục số 01 ngày 13/12/2010 và phù hợp với qui định tại Khoản 1 Điều 14; Khoản 1 Điều 45 Nghị định 522/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và qui định tại Điều 197 Bộ luật Dân sự 2005 về quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài sản, tuy nhiên tòa án cấp sơ thẩm tính tiền lãi quá hạn chậm trả kể từ ngày 15/12/2013 đến ngày 11/11/2014 là không chính xác mà phải tính lãi quá hạn từ ngày 16/12/2013 đến ngày 10/11/2014.

[7] Xét kháng cáo của Đ cho rằng Khoản tiền lãi phát sinh sau ngày trái phiếu đáo hạn nằm ngoài phạm vi bảo lãnh; Quan hệ bảo lãnh trái phiếu sau thời điểm đáo hạn chưa hình thành và tiền lãi phát sinh sau ngày đáo hạn là lãi lũy kế, thuộc trách nhiệm của T nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc Đ phải trả thay T khoản tiền lãi 90 tỷ đồng là không có cơ sở. Hội đồng xét xử nhận thấy:

Vào ngày 8/11/2013 B đã gửi Thông báo số 66/2013 cho T và Đ về việc yêu cầu thu tiền gốc đầu tư trái phiếu đến hạn. Khi đến hạn thanh toán vào ngày 15/12/2013, T đã không thanh toán tiền gốc trái phiếu cho nguyên đơn, do đó T phải trả khoản lãi quá hạn theo quy định của Hợp đồng đặt mua trái phiếu là 93.371.917.808 tỷ đồng theo lãi suất quá hạn 20.25%/năm trên 330 ngày chậm trả từ 16/12/2013 đến 10/11/2014 (nhưng Bchỉ yêu cầu 90 tỷ đồng). Mặt khác, kể từ ngày đến hạn thanh toán, Công ty T chưa thanh toán trái phiếu thì Đ phát sinh nghĩa vụ thanh toán thay như đã cam kết tại điểm b mục 1 của Thư bảo lãnh thanh toán số 3492, nhưng đến ngày 11.11.2014 Đ mới thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, trong khi các bên không ký kết với nhau một thỏa thuận mới nào, như vậy Đ đã chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Trong suốt quá trình tham gia tố tụng tại tòa Đ không xuất trình được tài liệu chứng cứ để chứng minh “Sau khi trái phiếu hết hạn, Công ty T và Ngân hàng Bưu điện Btiếp tục thỏa thuận kéo dài thời hạn trái phiếu, nhưng không được Đ đồng ý gia hạn thời hạn bảo lãnh...” như nhận định của quyết định giám đốc thẩm số 08/2018 ngày 09/2/2018. Đ không xuất trình được chứng cứ để chứng minh các bên đã đạt được thỏa thuận mới về thời hạn thanh toán trái phiếu hoặc văn bản của nguyên đơn đồng ý cho T và Đ tạm hoãn việc thanh toán và đồng ý miễn trách nhiệm thanh toán tiền lãi chậm trả trong thời gian thương lượng đàm phán vể việc gia hạn trái phiếu.

Như các phần trên đã phân tích, do các bên không đạt được thỏa thuận mới về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn trái phiếu và không có cam kết nào của Bmiễn trách nhiệm trả lãi quá hạn cho T hoặc đồng ý cho Đ tạm hoãn thực hiện trách nhiệm bảo lãnh. Trước ngày đáo hạn và trong quá trình thương lượng, tại các công văn số 70/2013/TB-LienvietpostbankBT ngày 14/12/2013 (bút lục 241); số 72/2013/TB- LienvietpostbankBT ngày 23/12/2013 (bút lục 150); số 28/2014/CV- LienvietpostbankBT ngày 27/5/2014 (bút lục 253) Bđã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Đ thực hiện ngay thủ tục gia hạn trái phiếu hoặc thực hiện ngay nghĩa vụ bảo lãnh theo thư bảo lãnh.

Theo khoản 1 Điều 305 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ”. Khoản 1 Điều 423 Bộ luật dân sự: “Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Trên thực tế B(bên có quyền) đã không gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu cho T cũng như các bên không đạt được thỏa thuận mới về việc sửa đổi Hợp đồng đặt mua trái phiếu , do đó các bên vẫn phải thực hiện theo Hợp đồng đặt mua trái phiếu và Thư bảo lãnh thanh toán số 3492 nghĩa là chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì phải trả lãi theo qui định tại Điều 306 Luật Thương mại.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử: Trong trường hợp T không trả thì buộc Đ phải trả thay T toàn bộ số tiền lãi chậm trả 90.000.000.000 đồng cho Ngân hàng Bdo chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là không đúng vì Khoản tiền lãi 90 tỷ đồng mà T phải thanh toán là tiền lãi quá hạn do các bên có thỏa thuận căn cứ vào Hợp đồng đặt mua trái phiếu mà Bvà T đã ký kết (như đã phân tích tại mục 6), còn giữa Đ và Bkhông có thỏa thuận về việc trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nên theo qui định tại Điều 306 Luật thương mại 2005 thì Đ phải chịu trách nhiệm trả tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán thay cho T theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Xét thấy, Trái phiếu T đến hạn thanh toán vào ngày 15/12/2013 nhưng T đã không thực hiện nghĩa vụ trả tiền, do đó theo Thư bảo lãnh thanh toán, Đ đã phát sinh trách nhiệm thanh toán thay cho T, nhưng đến ngày 11/11/2014 Đ mới thực hiện trả số tiền gốc 510 tỷ đồng, Đ đã vi phạm cam kết bảo lãnh, cụ thể là chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong thời gian từ ngày 16/12/2013 đến ngày 10/11/2014. Theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại 2005 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Nguyên đơn có quyền yêu cầu Đ trả tiền lãi trên số tiền chậm trả (510 tỷ đồng), theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm tương ứng với thời gian chậm trả.

Vào thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày 28/10/2019) thì lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng tại Agribank - Chi nhánh Thành phố H đối với khách hàng pháp nhân là 10,5%/năm nên lãi suất nợ quá hạn là 15,75% (Văn bản số 0172/NHNoHCM- KHNV ngày 11/03/2020 của Agribank - Chi nhánh Thành phố H v/v cung cấp lãi suất); lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thành phố H đối với khách hàng doanh nghiệp là 9,50%/năm nên lãi suất nợ quá hạn là 14,25% (Văn bản số 433/CNTPHCM-KHTH ngày 13/2/2020 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thành phố H v/v cung cấp lãi suất nợ quá hạn) và lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng tại Vietcombank - Chi nhánh Thành phố H đối với khách hàng doanh nghiệp là 9,00%/năm nên lãi suất nợ quá hạn là 13,5% (Văn bản số 2125/HCM-TH ngày 20/3/2020 của Vietcombank - Chi nhánh Thành phố H v/v cung cấp lãi suất nợ quá hạn). Bình quân lãi suất nợ quá hạn của ba ngân hàng tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 14,5%/năm.

Số ngày chậm thực hiện nghĩa vụ là từ ngày 16/12/2013 đến 10/11/2014 là 330 ngày. Tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ mà Đ phải chịu theo Điều 306 Luật thương mại là: 510 tỷ x 14,5 % x 330/365 = 66.858.904.110 đồng.

Đến thời hạn thanh toán mà T không trả số tiền lãi chậm trả 90.000.000.000 đồng nêu trên thì Đ phải thanh toán cho Btiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán tiền nợ gốc trái phiếu T là 66.858.904.110 đồng, số tiền còn lại là 23.141.095.890 đồng, T có trách nhiệm phải thanh toán cho nguyên đơn.

[8] Xét kháng cáo của Đ về việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc Đ phải chịu tiền lãi kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong là không đúng. Hội đồng xét xử nhận thấy số tiền 66.858.904.110 đồng mà Đ phải thanh toán cho B là tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán tiền nợ gốc trái phiếu T, đây là trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng bảo lãnh mà các bên không có thỏa thuận về việc trả lãi trong án KDTM, do đó việc tòa án cấp sơ thẩm quyết định buộc Đ phải chịu lãi tiếp tục kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm là không đúng mà theo qui định tại điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Đ còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả (theo Điều 306 vì đây là vụ án Kinh doanh thương mại) kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng Bcho đến khi thi hành án xong, do đó chấp nhận một phần kháng cáo của Đ sửa lại cho đúng qui định của Điều 306 Luật Thương mại vì đây là vụ án Kinh doanh thương mại.

Do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn - Công ty TNHH T.

- Chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng Đ.

Sửa một phần bản án sơ thẩm số 199/2019/KDTM-ST ngày 10/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận M, Thành phố H - Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 266, khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Áp dụng Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2005;

- Áp dụng Điều 306 Luật Thương mại 2005;

- Áp dụng Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;

- Áp dụng khoản 1 Điều 8, Điều 11 và Điểm a điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Áp dụng Khoản 1 Điều 14; Khoản 1 Điều 45 Nghị định 522006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

- Áp dụng Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng B:

1.1. Buộc Công ty TNHH T phải thanh toán cho Ngân hàng B tiền nợ lãi trái phiếu năm 2012 là 11.035.833.333đ (mười một tỷ, không trăm ba mươi lăm triệu, tám trăm ba mươi ba nghìn, ba trăm ba mươi ba đồng) ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

1.2. Buộc Công ty TNHH T phải thanh toán cho Ngân hàng B tiền lãi chậm trả (từ ngày 16/12/2013 đến ngày 10/11/2014) trên tiền nợ gốc trái phiếu 510.000.000.000 đồng là 90.000.000.000đ (chín mươi tỷ đồng) ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, Công ty TNHH T còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật, nếu không có thỏa thuận mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đến thời hạn thanh toán mà Công ty TNHH T không trả số tiền lãi chậm trả 90.000.000.000 đồng nêu trên thì Ngân hàng Đ phải thanh toán cho Ngân hàng B tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán tiền nợ gốc trái phiếu T là 66.858.904.110 đồng. Số tiền còn lại là 23.141.095.890 đồng Công ty TNHH T phải thanh toán cho nguyên đơn.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng B yêu cầu Ngân hàng Đ phải thanh toán cho Ngân hàng B tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán tiền nợ gốc trái phiếu T là 66.858.904.110 đồng cho đến khi thi hành án xong, Ngân hàng Đ còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của Ngân hàng B đòi Công ty TNHH T trả tiền lãi chậm trả tạm tính từ ngày 11/11/2014 đến ngày 12/6/2019 là 32.354.506.250đ (ba mươi hai tỷ, ba trăm năm mươi bốn triệu, năm trăm lẻ sáu nghìn, hai trăm năm mươi đồng).

3. Chấp nhận yêu cầu độc lập của Ngân hàng Đ:

Buộc Ngân hàng B có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Đ tiền lãi trái phiếu trả dư năm 2013 là 3.017.500.000đ (ba tỷ, không trăm mười bảy triệu, năm trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng Đ cho đến khi thi hành án xong, Ngân hàng B còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

4. Về án phí:

- Công ty TNHH T phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 209.035.833 đồng (hai trăm lẻ chín triệu, không trăm ba mươi lăm nghìn, tám trăm ba mươi ba đồng).

- Ngân hàng B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 92.350.000 đồng (chín mươi hai triệu, ba trăm năm mươi nghìn đồng), hoàn lại số tiền tạm ứng án phí 87.281.042 đồng (tám mươi bảy triệu, hai trăm tám mươi mốt nghìn, không trăm bốn mươi hai đồng) đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AE/2014/0005256 ngày 07 tháng 10 năm 2015 và số tiền 104.967.045 đồng (một trăm lẻ bốn triệu, chín trăm sáu mươi bảy nghìn, không trăm bốn mươi lăm đồng) đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2018/0007686 ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chi Cục thi hành án dân sự Quận M, Thành phố H.

- Ngân hàng Đ không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, hoàn lại cho Ngân hàng Đ số tiền tạm ứng án phí là 46.175.000 đồng (bốn mươi sáu triệu, một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2017/0023299 ngày 18 tháng 7 năm 2018 của Chi Cục thi hành án dân sự Quận M, Thành phố H.

- Công ty TNHH T không phải chịu án phí KDTM phúc thẩm. Hoàn lại cho Công ty TNHH T số tiền tạm ứng án phí KDTM phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0005238 ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M, Thành phố H.

- Ngân hàng Đ không phải chịu án phí KDTM phúc thẩm. Hoàn lại cho Ngân hàng Đ số tiền tạm ứng án phí KDTM phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0005232 ngày 07 tháng 11 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M, Thành phố H.

Thi hành ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, tại thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

180
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán trái phiếu và bảo lãnh số 262/2020/KDTM-PT

Số hiệu:262/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:07/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về