Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản số 56/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 56/2022/DS-PT NGÀY 18/03/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN

Ngày 18 tháng 3 năm 2022, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 283/2021/TLPT-DS ngày 07 tháng 12 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2021/DS-ST ngày 01/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 17/2022/QĐ-PT ngày 25/01/2022, Quyết định hoãn phiên tòa số: 29/QĐ-PT ngày 22/02/2022 và Thông báo chuyển thời gian xét xử vụ án số 216/TB-TA ngày 08/3/2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Tống Văn Đ, sinh năm 1973. Địa chỉ: Buôn T 1, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Tiến Th – Văn phòng luật sư BK, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk. Địa chỉ: 306 đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1961. Địa chỉ: Thôn M 1, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V. Địa chỉ: Lô G05-1 Khu công nghiệp Đ 1, ấp 5, xã H, huyện Đ, tỉnh Long An.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn D, sinh năm 1966. Địa chỉ: 14 đường D, phường A, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Theo văn bản ủy quyền ngày 28/7/2016), vắng mặt.

3.2. Bà Tạ Thị L, sinh năm 1981. Địa chỉ: Buôn T 1, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

4. Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn B và Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V: Luật sư Trần Trọng H – Văn phòng luật sư C, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk. Địa chỉ: 170/16B đường M, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

5. Những người làm chứng:

- Anh Trần Văn P, sinh năm 1989. Địa chỉ: Thôn K, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk;

- Ông Phạm Văn Y, sinh năm 1962;

- Ông Bùi Văn S, sinh năm 1981;

- Ông Đỗ Văn K, sinh năm 1978;

- Ông Trần Xuân D, sinh năm 1961;

- Anh Tạ Quang T, sinh năm 1990;

- Ông Bùi Văn V, sinh năm 1956;

- Ông Nguyễn Ngọc C, sinh năm 1974;

Cùng địa chỉ: Buôn T 1, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.

- Anh Phạm Văn T, sinh năm 1990;

- Bà Đào Thị M, sinh năm 1977;

Cùng địa chỉ: Buôn T 2, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.

- Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1971;

- Ông Nguyễn Ngọc A, sinh năm 1973;

Cùng địa chỉ: Thôn M 2, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.

- Ông Nguyễn Trọng T, sinh năm 1973. Địa chỉ: Thôn U 1, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk;

- Ông Phạm Huy Q, sinh năm 1962. Địa chỉ: Thôn Đ 2, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk;

(Tất cả đều vắng mặt).

6. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Tống Văn Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Tống Văn Đ trình bày:

Ông Tống Văn Đ có 04 ha đất ruộng trồng lúa nước tại Buôn T 1, xã Buôn Tr, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. Vào ngày 29/12/2015 (nhằm ngày 19/11/2015 âm lịch) ông Đ gieo sạ hết toàn bộ diện tích đất trên, sau khi gieo sạ diện tích lúa phát triển bình thường. Đến ngày 01/02/2016 ông Đ phát hiện lúa có hiện tượng bị bệnh đạo ôn nên ra cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật của ông Nguyễn Văn B để mua 10 chai thuốc do Công ty V sản xuất về phun. Hai ngày sau khi phun thuốc, toàn bộ diện tích lúa bị vàng lá, 05 ngày sau thì bắt đầu héo và cháy hết. Ông Đ có báo cho ông B và chính quyền địa phương biết. Đến ngày 05/02/2016, buôn trưởng Buôn T 1 là ông Nguyễn Ngọc C, đại diện Hội nông dân là ông Trần Xuân D, Hội cựu chiến binh là ông Bùi Văn V có đến tại đám ruộng lúa bị cháy để xem xét về tình trạng lúa. Ngày 07/02/2016 ông B có đến xem tình trạng lúa và nói là do phun thuốc không đều nên bị cháy. Tuy nhiên, ông Đ nói là đã phun đúng liều lượng do ông B chỉ dẫn và trên bao bì của nhà sản xuất, thì ông B bảo là do sạ lúa dày gây nên tình trạng cháy lúa, ông Đ có hỏi là 01m2 bốn cây lúa thì đều hay thưa nên ông B có nhận là lúa bị cháy do thuốc.

Ngày 12/02/2016, ông B và ông Trần Văn D (đại diện Công ty V) có đến thăm ruộng lúa và nói là do dịch bệnh bị cháy, ngoài ra thời tiết gió bấc to nên các mảnh ruộng không bị bệnh cũng bị cháy lá nhưng vẫn phát triển bình thường. Ông D có nói là lấy chai thuốc còn nguyên đưa cho ông D đi kiểm tra thực tế nhưng do lúc đó ông Đ chỉ có mấy chai thuốc đã bóc ra sử dụng còn lại một ít nên ông D không đồng ý.

Ngày 25/02/2016, đại diện Ủy ban nhân dân xã Buôn Tr, đại diện Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện L và đại diện Trạm Bảo vệ thực vật có xuống lập biên bản nhưng do lúc đó gia đình ông Đ đã khắc phục được một phần thiệt hại nên có một số ít cây lúa đã sống trở lại còn đa số vẫn bị chết, biên bản kết luận lúa bị đạo ôn nên ông không đồng ý. Cuối vụ thu hoạch gia đình ông Đ chỉ thu được 9,7 tấn lúa (các vụ khác thu hoạch được 37 tấn). Ông Đ cho rằng toàn bộ diện tích lúa bị cháy và chết làm thiệt hại đến năng suất của gia đình ông là do thuốc không đảm bảo chất lượng.

Vì vậy, ông Đ khởi kiện yêu cầu ông B và Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V phải bồi thường cho ông diện tích lúa bị thiệt hại tương ứng với số tiền 260.000.000 đồng, trong đó có 140.000.000 đồng là toàn bộ các chi phí mà ông Đ đã bỏ ra để chăm sóc 04ha lúa và 120.000.000 đồng là giá trị sản lượng lúa sau khi đã trừ đi các chi phí. Cụ thể như sau:

- Tiền giống: 800kg/1ha x 4ha x 15.000 đồng/1kg = 48.000.000 đồng.

- Tiền làm đất: 3.500.000 đồng/ha x 4ha = 14.000.000 đồng.

- Tiền dầu để bơm nước: 03 phi 220 lít x 6.000.000 đồng/phi = 18.000.000 đồng.

- Công bơm nước: 30 ngày x 200.000 đồng/ngày = 6.000.000 đồng.

- Công sạ: 40 công x 200.000 đồng/công = 8.000.000 đồng.

- Tiền phân: 04ha x 350kg/ha x 12.000 đồng/kg = 16.800.000 đồng.

- Tiền mua thuốc cỏ: 45 chai x 35.000 đồng/chai = 1.575.000 đồng.

- Tiền mua thuốc cỏ hậu nảy mầm: 04ha x 500.000 đồng/ha = 2.000.000 đồng.

- Thuốc cỏ già (lúa sau khi trồng được 20 ngày): 40 chai x 100.000 đồng/chai = 4.000.000 đồng.

- Công phun thuốc: 03 công x 350.000 đồng/công x 03 đợt = 3.150.000 đồng.

- Công bỏ phân: 04ha x 03 công/ha x 200.000 đồng = 2.400.000 đồng.

- Công đắp bờ: 04ha x 10 công/ha x 200.000 đồng = 8.000.000 đồng.

- Công làm cỏ: 04ha x 15 công/ha x 200.000 đồng = 12.000.000 đồng.

- Công dặm: 04ha x 10 công/ha x 200.000 đồng = 8.000.000 đồng.

Tổng cộng: 151.925.000 đồng. Đây là toàn bộ chi phí ông Đ đã bỏ ra để chăm sóc 04ha lúa nhưng ông Đ chỉ khởi kiện 140.000.000 đồng. Xét thấy 04ha lúa của gia đình ông Đ sau khi phun thuốc hiệu VT 22SC đều bị cháy hết hoàn toàn và đặc trưng của trồng lúa là theo mùa vụ nên tổng thiệt hại lên đến 260.000.000 đồng.

Đối với kết quả kiểm định chất lượng thuốc bảo vệ thực vật của Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cả khu vực phía Nam và phía Bắc thì nguyên đơn không có ý kiến và yêu cầu gì.

Bị đơn ông Nguyễn Văn B trình bày:

Vào ngày 01/02/2016 (nhằm ngày 23/12/2015 âm lịch) ông B có bán cho ông Đ 10 chai thuốc hiệu VT 22SC loại 480ml với số tiền 1.300.000 đồng. Ngày 05/02/2016, ông Đ ra nhà ông B nói là thuốc đạo ôn mua của ông B phun lên lúa bị đỏ cháy lá, ông B nói ông Đ lấy loại thuốc khác phun thêm để trị bệnh đạo ôn và vi khuẩn nhưng ông Đ không đồng ý. Đến tối ngày 06/02/2016, ông Đ yêu cầu ông B và phía Công ty V phải xuống xem xét về tình trạng nguyên nhân lúa bị cháy lá nhưng vì lúc đó đã giáp Tết, công ty đã nghỉ hết nên không xem xét được. Sáng ngày 07/02/2016 một mình ông B xuống thăm ruộng ông Đ thì thấy bệnh đạo ôn quá nặng, lúa bị cháy hết lá.

Đến ngày 12/02/2016, ông B và phía đại diện Công ty V cùng ông Đ ra xem lúa thì xác định lúa cháy là do đạo ôn vi khuẩn và sương muối, phía công ty có yêu cầu ông Đ làm văn bản xử lý sự cố nhưng ông Đ không đồng ý nên ông B và phía đại diện công ty về. Sau đó ông Đ có làm đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã Buôn Tr, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm bảo vệ thực vật giải quyết thì xác định nguyên nhân lúa cháy là do bệnh đạo ôn cấp 5 và cấp 6.

Vì diện tích 04 ha lúa của ông Đ bị cháy là do bị bệnh, thời tiết, khí hậu lúc ông Đ phun thuốc chứ không phải do thuốc bảo vệ thực vật mà ông Đ đã mua tại cửa hàng ông B. Vì vậy, ông B không đồng ý với yêu cầu của ông Đ buộc ông B và Công ty thuốc bảo vệ thực vật V phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Đ với tổng số tiền là 260.000.000 đồng.

Đối với kết quả kiểm định chất lượng thuốc bảo vệ thực vật của Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cả khu vực phía Nam và phía Bắc thì ông B không có ý kiến và yêu cầu gì.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V là ông Trần Văn D trình bày:

Ông Tống Văn Đ phun thuốc VT 22SC loại 480ml cho 04 ha lúa giống VNĐ 95-20 được khoảng 01 tháng tuổi, sau 05 ngày phun lúa bị cháy ngang đầu lá, đại diện Công ty V cùng hộ kinh doanh BM đã xuống đồng ruộng để kiểm tra, hiện tượng này gọi là cháy bìa lá, vàng lá do vi khuẩn và đạo ôn. Sau đó đã mời ông Đ, Trạm bảo vệ thực vật huyện L, lãnh đạo xã Buôn Tr, Đại lý BM về Ủy ban nhân dân xã Buôn Tr làm việc nêu rõ là lúa bị cháy do vi khuẩn và đạo ôn cấp 2, 3, có chỗ cấp 7 nhưng ông Đ không đồng ý.

Qua việc đi xem xét thực tế và kiểm tra hiện trạng lúa của gia đình ông Đ thì ông D khẳng định việc lúa nhà ông Đ bị cháy là do bị bệnh vi khuẩn và đạo ôn quá nặng. Nguyên nhân là do giống VNĐ 95-20 mà ông Đ trồng là loại giống lúa kháng bệnh kém. Khi kết hợp với khí hậu lạnh và gió mùa đông bắc tràn về sẽ làm cho lúa bị cháy lá càng nhanh. Khi bị như vậy thì ông Đ có khắc phục hậu quả nhưng lại chưa phun đúng và đủ loại thuốc cần phun, trong khi đó thì ngoài việc phun thuốc hãng team 22SC ra cần phải phun thêm các loại thuốc kháng sinh khác để trị vi khuẩn gây hại. Bằng chứng là rất nhiều hộ nông dân trên cánh đồng Buôn Tr bị hiện tượng lúa cháy lá như gia đình ông Đ (thậm chí còn nặng hơn, ví dụ như gia đình cô H ở Buôn T 1 - Có ảnh và video kèm theo), mặc dù họ không dùng hãng thuốc team 22SC của Công ty V mà dùng thuốc của công ty SynGenTa. Sau đó thì một số hộ dân đã khắc phục hậu quả, còn một số hộ dân khác không khắc phục được, vì vậy mà rất nhiều hộ dân trên cánh đồng xã Buôn Tr bị thiệt hại rất nhiều. Vụ đông xuân năm 2015 trên địa bàn xã Buôn Tr xảy ra tình trạng lúa bị đạo ôn và cháy lá do vi khuẩn, kết hợp với thời tiết lạnh nên làm cho lúa bị cháy ngang nửa cây, tình trạng này xảy ra phổ biến, đặc biệt là đối với giống lúa VNĐ vì thế nên tình trạng lúa của hộ ông Tống Văn Đ đều nằm trong tình trạng chung trên. Sau khi lúa ông Đ bị cháy lá thì phía công ty có yêu cầu ông Đ phun thuốc bệnh và phân bón lá, về mọi chi phí thì công ty hỗ trợ nhưng ông Đ không đồng ý.

Đối với ý kiến của ông Đ cho rằng lúa bị cháy là do thuốc của công ty không đảm bảo là không có cơ sở vì từ trước đến nay và đặc biệt là trong vụ mùa đông xuân công ty đã bán rất nhiều loại thuốc này và chất lượng đều đảm bảo. Ông D khẳng định rằng thuốc team 22SC là hoàn toàn đảm bảo chất lượng và thuốc của cửa hàng ông Nguyễn Văn B bán là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, ông D không đồng ý theo đề nghị của ông Đ là yêu cầu Công ty thuốc Bảo vệ thực vật V và ông B phải bồi thường 260.000.000 đồng. Công ty thuốc Bảo vệ thực vật V chỉ đồng ý hỗ trợ toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật dùng cho vụ mùa sau cho gia đình ông Đ bằng chính sản phẩm của công ty.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Tạ Thị L trình bày:

Bà L đồng quan điểm với chồng là ông Tống Văn Đ. Việc lúa bị cháy, héo làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất thu hoạch của gia đình bà L, làm thiệt hại lớn trong việc phát triển kinh tế gia đình. Do vậy, bà Liên cùng với ông Đ yêu cầu ông B và Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V phải liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình bà với tổng số tiền là 260.000.000 đồng.

Người làm chứng là ông Trần Văn P, ông Phạm Văn Y, ông Bùi Văn S, ông Đỗ Văn K, bà Đào Thị M, ông Phạm Văn T, ông Bùi Văn S trình bày:

Ông, bà là các hộ làm lúa cùng cánh đồng với gia đình ông Đ, sau khi ông Đ phun thuốc được khoảng 02 - 03 ngày thì các ông, bà thấy ruộng lúa bị cháy lá, sau đó thì cháy rụi hoàn toàn, nghe ông Đ nói là do phun thuốc của ông B bán nên bị như vậy. Các ông, bà không phun thuốc như của ông Đ mà phun thuốc khác và lúa phát triển bình thường. Gia đình ông Đ có phun thêm thuốc và bón phân để phục hồi nhưng đến khi thu hoạch thì năng suất rất thấp.

Người làm chứng ông Trần Xuân D, ông Bùi Văn V, ông Nguyễn Ngọc C trình bày:

Sáng 05/02/2016 (27/12/2015 âm lịch), ông Đ có báo cho các ông ra thăm ruộng của ông Đ vì lúa bị cháy do phun thuốc. Khi đến nơi, các ông thấy toàn bộ ruộng của ông Đ đều bị cháy hết, thỉnh thoảng còn một vài lá còn xanh. Khi hỏi ông Đ thì ông Đ nói cháy do phun thuốc. Các ông có đi qua một số ruộng cạnh đó thì thấy không có hiện tượng cháy như của nhà ông Đ. Về nguyên nhân lúa bị cháy thì ông C không biết vì tại thời điểm đó trên khu vực cánh đồng một số diện tích của các hộ bị đốm và cháy đầu lá nhưng được bà con phun thuốc phòng trừ nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Những người làm chứng là ông Phạm Huy Q, ông Nguyễn Trọng T, ông Nguyễn Ngọc A, bà Nguyễn Thị D trình bày:

Vụ đông xuân năm 2015, cả 04 ông bà đều đến mua thuốc bảo vệ thực vật loại team 22SC, dung tích 480ml tại cửa hàng ông B về phun để phòng trừ bệnh đạo ôn, sâu đốm lá. Sau khi phun xong một thời gian thì họ đều nhận thấy cây lúa khỏi bệnh và phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng bình thường, không ảnh hưởng đến năng suất.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là ông Nguyễn Tiến Th trình bày:

Trước khi ông Đ phun thuốc hiệu team 22SC do Công ty thuốc bảo vệ thực vật V sản xuất (mua tại Đại lý BM) thì ruộng lúa của gia đình ông Đ có hiện tượng mới chớm bị bệnh đạo ôn, tuy nhiên, chỉ sau 02 ngày phun thuốc thì toàn bộ diện tích lúa bị úa vàng, héo và 05 ngày sau thì lúa cháy toàn bộ. Mọi năm, gia đình ông Đ phun loại thuốc khác thì không hề có hiện tượng gì. Những người làm chứng đều cho biết trước khi ông Đ phun thuốc thì thấy lúa xanh, tốt, đến 02 - 03 ngày sau thì ruộng lúa bắt đầu ngả sang màu vàng sẫm, sau đó thì lúa bị héo quắt lại cháy rụi hết lá.

Mặt khác, theo kết luận giám định của Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật phía Nam về việc trưng cầu giám định thì: Hàm lượng hoạt chất Tricyclazole không Đ yêu cầu (vượt quá mức sai lệch cho phép) so với số liệu trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật số 3032/CNĐKT-BVTV của Cục Bảo vệ thực vật (theo đơn vị tính %w/w) và so với số liệu công bố trên nhãn chai thuốc (đơn vị tính g/L), hàm lượng hoạt chất Sulfur đạt yêu cầu so với số liệu trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật số 3032/CNĐKT-BVTV của Cục Bảo vệ thực vật (theo đơn vị tính %w/w) và không Đ yêu cầu (vượt quá mức sai lệch cho phép) so với số liệu công bố trên nhãn chai thuốc (đơn vị tính g/L).

Ngoài ra, đơn vị tính hàm lượng hoạt chất Tricyclazole và Sulfur ghi trên nhãn các chai thuốc VT 22SC là g/lít, không phù hợp với đơn vị tính ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp (đơn vị là % w/w).

Như vậy, thuốc VT 22SC của Công ty V là không đảm bảo chất lượng, dẫn đến không có công dụng hoặc công dụng bị giảm, không trị được bệnh đạo ôn và gây cháy lúa đối với ruộng lúa nhà ông Đ. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc ông Nguyễn Văn B và Công ty thuốc bảo vệ thực vật V phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 260.000.000 đồng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V), Luật sư Trần Trọng H trình bày:

Căn cứ vào các kết luận của Ủy ban nhân dân xã Buôn Tr; Biên bản làm việc của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện L; Công văn của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk; Công văn trả lời của Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam…thì thuốc VT 22SC của Công ty V hoàn toàn đạt tiêu chuẩn và yêu cầu theo như Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật số 3032/CNĐKT-BVTV của Cục bảo vệ thực vật và số liệu công bố trên nhãn chai thuốc; Hơn nữa thuốc VT 22SC đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận tại “Quyết định số 59/2006/QĐ-BNN ngày 02/8/2006 về việc bổ sung một số loại thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam”. Vì vậy ông Tống Văn Đ cho rằng thuốc VT 22SC không đảm bảo chất lượng gây nên hậu quả lúa của ông bị vàng lá, héo và cháy là không có căn cứ để chấp nhận.

Ngoài ra, tại thời điểm Đoàn liên ngành kiểm tra có nhiều hộ dân trên địa bàn xã Buôn Tr có sử dụng sản phẩm VT 22SC mua của Đại lý ông B về phun nhưng không lúa nhà ai bị hiện tượng như lúa nhà ông Đ, cụ thể: Ông Nguyễn Trọng T, ông Phạm Huy Q, ông Nguyễn Ngọc A, bà Nguyễn Thị D.

Do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn về việc buộc ông Nguyễn Văn B và Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V phải bồi thường số tiền 260.000.000 đồng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2021/DS-ST ngày 01/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ vào các điều 428, 429, 430, 442, 444 của Bộ luật dân sự năm 2005;

khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các Điều 144, 147, 161, 162, khoản 2 Điều 266, của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tống Văn Đ về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn B và Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông với tổng số tiền là 260.000.000 đồng.

Ghi nhận việc ông Trần Văn D, chủ cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật V hỗ trợ toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật V cho ông Tống Văn Đ sử dụng trên 01ha ruộng lúa trong thời gian 05 năm.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí giám định, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 12/10/2021, nguyên đơn ông Tống Văn Đ kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nội dung đơn kháng cáo và yêu cầu khởi kiện.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự. Không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 15/2021/DS-ST ngày 01/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lắk.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn được nộp trong thời hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên vụ án được xem xét theo trình tự phúc thẩm là phù hợp.

[2] Về nội dung:

[2.1] Vào ngày 01/02/2016 (nhằm ngày 23/12/2015 âm lịch), ông Tống Văn Đ phát hiện ruộng lúa của gia đình có dấu hiệu của bệnh đạo ôn nên đến Đại lý thuốc bảo vệ thực vật BM do ông Nguyễn Văn B làm chủ cơ sở để mua 10 chai thuốc hiệu VT 22SC loại 480ml do Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V sản xuất, với số tiền 1.300.000 đồng, thuốc chuyên trị bệnh đạo ôn cho cây lúa. Ông Đ mô tả các dấu hiệu của cây lúa, suy đoán lúa bị đạo ôn theo kinh nghiệm nhiều năm làm lúa, từ đó ông B giới thiệu và bán cho ông Đ thuốc trừ bệnh nêu trên. Sau khi tiến hành phun thuốc được 02 ngày thì toàn bộ diện tích lúa bị vàng lá, 05 ngày sau thì bắt đầu héo và cháy hết. Theo ông Đ, toàn bộ diện tích lúa bị cháy và chết là do thuốc VT 22SC ông B bán cho ông không đảm bảo chất lượng.

Xét, loại thuốc VT 22SC ông Đ mua của ông B có nguồn gốc xuất xứ do ông B mua của Hộ kinh doanh V, thuốc do Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V sản xuất đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam theo Quyết định số 59/2006/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thành phần hoạt chất là Sufur và Tricyclazole, đối tượng phòng trừ bệnh đạo ôn cho cây lúa, thuốc còn hạn sử dụng (ngày sản xuất 25/8/2015, hạn sử dụng 02 năm kể từ ngày sản xuất). Đại lý BM cũng được Chi cục Bảo vệ thực vật Đắk Lắk chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, bản thân ông Nguyễn Văn B chủ cơ sở có chứng chỉ hành nghề hợp pháp, hàng năm đều được bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.

Cấp sơ thẩm đã tiến hành trưng cầu giám định đối với chai thuốc ông Đ đã khui với 02 chai thuốc cùng lô sản xuất với thuốc ông Đ sử dụng và được Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam kết luận: 02 chai thuốc (mẫu so sánh) có hàm lượng hoạt chất Tricyclazole và Sulfur đạt yêu cầu so với số liệu trong giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật số 3032/CNĐKT-BVTV của Cục bảo vệ thực vật (đơn vị % w/w) và so với số liệu công bố trên nhãn chai thuốc (đơn vị g/L); còn 01 chai thuốc (mẫu giám định, đã mở nắp từ lâu) hàm lượng hoạt chất Tricyclazole không Đ yêu cầu so với số liệu trong giấy chứng nhận và trên nhãn chai thuốc, hàm lượng hoạt chất Sulfur đạt yêu cầu so với số liệu trong giấy chứng nhận và không Đ yêu cầu so với số liệu trên nhãn chai thuốc.

Như vậy, việc ông Đ cho rằng thuốc trừ bệnh mà ông B bán cho ông Đ không đảm bảo chất lượng là không có căn cứ.

[2.2] Tại Biên bản làm việc ngày 19/02/2016 (BL 57-60) với các thành phần đại diện chính quyền địa phương, Phòng nông nghiệp, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện L thì ông Đ xác định ông phun thuốc VT 22SC thành 02 đợt, đợt 1 sử dụng hết 06 chai 480ml cho diện tích 3,8ha, đợt 2 sử dụng 02 chai VT 22SC cộng với 02 chai Kamsu trên diện tích 03ha. Vụ đông xuân 2015-2016 gia đình gieo sạ 20kg/1000m2, giống lúa VNĐ 95-20 giống của gia đình để lại. Theo đó, tại Kết luận số 01/KL-UBND ngày 25/02/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Buôn Tr, huyện L về việc giải quyết đơn đề nghị của ông Tống Văn Đ (BL 36) khẳng định tại buổi xem xét thực tế ngày 19/02/2016 diện tích lúa của ông Tống Văn Đ bị bệnh đạo ôn và bị vi khuẩn gây thối thân, bệnh đạo ôn từ cấp 3 đến cấp 5, cục bộ lên đến cấp 7, kết luận lúa bị vàng lá, héo do sử dụng sản phẩm VT 22SC của Công ty thuốc bảo vệ thực vật V là chưa đủ căn cứ.

Tại Công văn số 412/TTBVTV-BVTV ngày 28/7/2020 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk cho biết:

- Mật độ gieo sạ giống lúa VNĐ 95-20 khuyến cáo là 100-120kg/ha đối với gieo sạ lan. Mật độ gieo sạ ảnh hưởng lớn đến khả năng phát sinh, phát triển của bệnh đạo ôn, gieo sạ càng dày sẽ càng tạo điều kiện vi khí hậu thuận lợi cho nấm gây bệnh đạo ôn phát triển.

- Triệu chứng bệnh xuất hiện trên lá ban đầu giống như vết dầu nhỏ màu xanh tái, sau phát triển thành hình thoi, bầu dục, tròn; rìa bệnh có màu nâu đỏ, ở giữa màu bạc trắng. Bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu mát mẻ, ấm độ cao, mưa nhỏ kéo dài, đêm sương mù nhiều.

- Phân bón đặc biệt quan trọng với bệnh đạo ôn, ruộng bón thừa đạm hoặc thiếu kali thường bị bệnh nặng hơn.

- Bệnh đạo ôn chủ yếu phòng bệnh là chính, đặc biệt là đạo ôn cổ bông...khả năng trị bệnh hiệu quả khi cây lúa nhiễm bệnh nhẹ cấp 1-3, khi cây lúa nhiệm bệnh ở cấp độ 7 trở lên thì không có khả năng trị bệnh và cây lúa không thể phục hồi. Bệnh ở cấp độ 5 trở lên đã gây thiệt hại rõ rệt và làm giảm năng suất, sản lượng lúa.

- Để phòng trừ bệnh, cần sử dụng giống lúa từ cấp xác nhận trở lên, không nên tự để giống cho vụ sau, giống lúa phải có tính kháng bệnh hoặc kháng vừa, nên dùng biện pháp sạ hàng với lượng giống trung bình 80-120kg; bón phân cân đối N- P-K, không bón thừa phân đạm 80-100kg/ha là đủ; vệ sinh đồng ruộng, giữ mực nước đầy đủ thường xuyên trên mặt ruộng, tránh để ruộng khô nước khi bệnh đạo ôn xảy ra; cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện.

- Đặc biệt, đối với diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn thì tuyệt đối không được bón phân đạm hoặc phun phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng và luôn giữ nước trong ruộng. Cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu khi bệnh mới phát sinh và những nơi hàng năm thường bị bệnh, sau khi phun thuốc trừ bệnh, khi nào bệnh ngừng mới được bón phân trở lại. Sử dụng thuốc đã đăng ký trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam có hoạt chất như Tricyclazole...Sử dụng đúng khuyến cáo trên bao bì, theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng lúc, đúng cách) trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Như vậy, để phòng, trừ bệnh đạo ôn, theo ý kiến của cơ quan chuyên môn thì có rất nhiều yếu tố quyết định, không chỉ là việc sử dụng thuốc trừ bệnh đảm bảo chất lượng. Với lời khai ban đầu của ông Đ thì liều lượng ông Đ phun là thấp hơn khuyến cáo của nhà sản xuất (liều lượng 1,0-1,2l/ha; phun, pha với lượng nước 400- 500l/ha), sử dụng giống lúa không đủ khả năng kháng bệnh, gieo sạ với mật độ độ dày,... còn những yếu tố khác như việc ông Đ phát hiện bệnh trên cây lúa có kịp thời không, cách phun có đúng không, lượng phân bón như thế nào, ông Đ khẳng định ông đã phun đúng liều lượng ghi trên nhãn chai thuốc, phát hiện khi mới chớm bệnh nhưng không có chứng cứ chứng minh.

Do đó không đủ căn cứ khẳng định ruộng lúa của gia đình ông Đ bị héo và cháy là do sản phẩm thuốc VT 22SC do Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V sản xuất mà ông B bán cho ông Đ gây nên. Tòa án cấp sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của nguyên đơn là phù hợp với những nhận định trên, cấp phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn mà cần giữ nguyên án sơ thẩm đã tuyên.

[3] Về chi phí giám định: Ông Tống Văn Đ phải chịu tiền chi phí giám định là 3.322.000 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng chi phí giám định đã nộp là 10.000.000 đồng, ông Đ đã được hoàn trả số tiền tạm ứng chi phí giám định là 6.678.000 đồng.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự:

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Tống Văn Đ. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2021/DS-ST ngày 01/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Căn cứ vào các điều 428, 429, 430, 442, 444 của Bộ luật dân sự năm 2005; Căn cứ khoản 1 Điều 14, khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; Khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tống Văn Đ về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn B và Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật V phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông với tổng số tiền là 260.000.000 đồng.

Ghi nhận việc ông Trần Văn D, chủ Hộ kinh doanh V hỗ trợ toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật V cho ông Tống Văn Đ sử dụng trên 01ha ruộng lúa trong thời gian 05 năm.

2. Về chi phí giám định: Ông Tống Văn Đ phải chịu 3.322.000 đồng tiền chi phí giám định, được khấu trừ số tiền ông Đ đã nộp tạm ứng và đã chi phí xong.

3. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Tống Văn Đ được miễn 6.500.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Còn phải chịu 6.500.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ hết số tiền 3.500.000 đồng (Ba triệu năm trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2016/0001545 ngày 12/7/2016 và 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) theo biên lai số AA/2016/0001523 ngày 09/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Tống Văn Đ phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng, được khấu trừ số tiền 300.000 đồng theo biên lai số 60AA/2021/0001599 ngày 12/10/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

214
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản số 56/2022/DS-PT

Số hiệu:56/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về