Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá số XX/2024/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN XX/2024/KDTM-PT NGÀY 27/02/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ

Ngày 27/02/2024 tại Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 285/2023/TLPT-KDTM ngày 19 tháng 12 năm 2023 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 60/2023/KDTM-ST ngày 28 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội bị kháng cáo theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 36/2024/QĐ-PT ngày 12 tháng 01 năm 2024 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty cổ phần H5

Địa chỉ: B đường T, tổ A phường Đ, thành phố L, tỉnh Lai Châu.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn N, Chức vụ: Giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tuấn A, sinh năm 1992; địa chỉ: số H tổ C phường Q, quận H, Hà Nội và ông Dương Văn D, sinh năm 1993; địa chỉ: Số nhà C đường X, phường X, quận B, Hà Nội (Văn bản ủy quyền ngày 11/7/2022); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Dương Đức T và ông Vũ Văn M - Luật sư Công ty L; Địa chỉ: Số A, ngõ B, đường T, phường T, quận C, thành phố Hà Nội; vắng mặt.

Bị đơn: Công ty TNHH K4 Địa chỉ: Số C, ngách E, ngõ F phố C, phường Q, quận C, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thế K, Giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Việt H1 và bà Nguyễn Thị Lan H2 - Công ty L1; Địa chỉ: Tầng E, tòa nhà V, số E L, phường T, quận B, thành phố Hà Nội (theo Giấy ủy quyền số 108/GUQ-K4 ngày 10/8/2022).

(Bà Nguyễn Thị Việt H1 và bà Nguyễn Thị Lan H2 có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, Nguyên đơn trình bày:

Ngày 12/04/2022, Công ty cổ phần H5 (sau đây gọi tắt là “Công ty H5”) và Công ty TNHH K4 (sau đây gọi tắt là “Công ty K4”) ký Hợp đồng mua bán hàng hóa số 12/04- 2022/HĐTM-HTC (sau đây gọi tắt là Hợp đồng) về việc mua bán bóng bay Tai Cheng với tổng giá trị hợp đồng là 2.500.000.000 đồng. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày sau khi ký Hợp đồng, Công ty H5 có trách nhiệm thanh toán cho Công ty K4 70% giá trị hợp đồng (tương ứng với số tiền 1.750.000.000 đồng). Ngày 13/4/2022, theo đề nghị của ông Nguyễn Thế K - Người đại diện theo pháp luật của Công ty K4, Công ty H5 đã chuyển số tiền 1.750.000.000 đồng vào tài khoản cá nhân của ông K. Sau đó, ông K xác nhận với Công ty H5 về việc đã chuyển số tiền nêu trên vào tài khoản Công ty K4 để thực hiện Hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 21/4/2022, Công ty H5 bất ngờ nhận được Công văn số 006/CV ngày 19/4/2022 của Công ty K4 thông báo về việc hủy Hợp đồng mà không đưa ra được lý do chính đáng và căn cứ pháp lý. Việc Công ty K4 đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty H5. Theo quy định tại khoản 2.5, khoản 2.6 Điều 2 của Hợp đồng, Công ty K4 có trách nhiệm hoàn trả số tiền Công ty H5 đã thanh toán, bởi thường thiệt hại và chịu phạt vi phạm hợp đồng Sau đó, đến ngày 07/5/2022, ông K tự ý chuyển số tiền 1.750.000.000 đồng vào tài khoản cá nhân của ông Hà Tiến D1- Người đại diện theo pháp luật (cũ)của Công ty H5 với lý do chuyển lại số tiền bị chuyển nhầm tài khoản. Đồng thời, Công ty K4 cũng không đồng ý bồi thường thiệt hại và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo thỏa thuận do đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật.

Vì vậy, Công ty H5 làm Đơn khởi kiện Công ty K4, đề nghị Tòa ánbuộc Công ty K4 thanh toán các khoản tiền sau:

1. Thanh toán tiền bồi thưởng thiệt hại tương ứng với số tiền Công ty H5 đã thanh toán cho Công ty K4 là 1.750.000.000 đồng.

2. Thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng tương ứng 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là: 2.500.000.000 đồng x 8% = 200.000.000 đồng.

Tổng số tiền Công ty H5 yêu cầu Công ty K4 thanh toán là: 1.950.000.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/09/2023: Công ty H5 tự nguyện rút yêu cầu buộcCông ty K4 bồi thường thiệt hại tương ứng với số tiền H5 đã thanh toán cho Công ty K4 là 1.750.000.000 đồng. Nay chỉ yêu cầu Công ty K4 thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng tương ứng 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là 200.000.000 đồng.

Bị đơn trình bày:

Ngày 12/4/2022, Công ty H5 và Công ty K4 ký Hợp đồng mua bán hàng hóa số 12/04-2022/HĐTM-HTC ngày 12/4/2022 (gọi tắt là "Hợp đồng”) thỏa thuận về việc mua bán bóng bay Tai Cheng với tổng giá trị Hợp đồng là 2.500.000.000 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ năm trăm triệu đồng). Sau khi ký kết, Công ty H5 không thực hiện đúng các thoả thuận về thanh toán, do vậy Công ty K4 đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng vào ngày 19/4/2022 (07 ngày sau khi ký hợp đồng). Việc khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường và phạt hợp đồng của Công ty H5 là không có căn cứ bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, Hợp đồng mua bán hàng hóa số 12/04-2022/HĐTM-HTC ngày 12/4/2022 giữa Công ty H5 và Công ty K4 (gọi tắt là "Hợp đồng") chưa phát sinh nghĩa vụ đối với Công ty K4 do H5 vi phạm về điều khoản thanh toán:

Tại khoản 2.1 Điều 2 của Hợp đồng quy định: "Bên A thanh toán 70% giá trị tiền hàng ghi tại Điều 1 của Hợp đồng trong vòng tối đa 03 (ba) ngày sau khi ký hợp đồng, tương ứng với số tiền 1.750.000.000 đồng cho bên B". Tuy nhiên, sau 03 (ba) ngày kể từ ngày ký Hợp đồng, Công ty H5 không thực hiện việc thanh toán số tiền trên cho Công ty K4.

Thời điểm ký hợp đồng là thời điểm dịch bệnh Covid đang diễn biến rất phức tạp, hàng hoá mua bán là hàng hoá mang tính chất đặc thù và định danh (thương hiệu) nên chỉ có một nhà cung cấp duy nhất, các bên cùng hiểu rằng để ký kết được hợp đồng sản xuất với nhà máy bên Trung Quốc thì Công ty K4 cần cử người sang trực tiếp nhà máy để làm việc. Do vậy, hai bên đã thống nhất, bên cạnh các nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng thì ông D1 sẽ bằng tiền cá nhân của mình đặt cọc cho ông K số tiền tương ứng 1.750.000.000 đồng để ông K đủ tin tưởng cử người sang Nhà máy tại Trung Quốc. Việc đặt cọc bằng tiền cá nhân của ông D1 không liên quan gì đến Hợp đồng đã ký kết và đây là thoả thuận giữa các cá nhân với nhau. Trong quá trình trao đổi công việc, ông D1 cũng đã chủ động bàn bạc với Ông K rằng việc thanh toán vào tài khoản của Công ty theo Hợp đồng bên ông D1 sẽ có trách nhiệm xử lý sau, trước mắt ông K cứ làm việc với nhà máy để đảm bảo ký được hợp đồng sản xuất và có lịch giao hàng trước. Mọi vấn đề khó khăn hai bên sẽ cùng nhau trao đổi với mục đích là nhập được hàng về Việt Nam.

Tuy nhiên, đến ngày 19/4/2022, Công ty H5 vẫn không thực hiện việc thanh toán theo thoả thuận tại Hợp đồng, nên Công ty K4 không có cơ sở để ký kết hợp đồng chính thức với nhà máy tại Trung Quốc. Ngày 19/4/2022, Công ty K4 đã ra Công văn số 006/Cv ngày 19/4/2022 gửi Công ty H5 về việc hủy hợp đồng do Công ty K4 chưa nhận được số tiền đặt cọc theo thỏa thuận. Đến ngày 07/5/2022, ông K đã chủ động chuyển lại toàn bộ số tiền đã nhận từ ông D1 vào tài khoản cá nhân của ông D1.

Căn cứ vào khoản 2.1, 2.3 Điều 2; khoản 6.1 Điều 6 Hợp đồng 12/04- 2022/HĐTM-HTC ngày 12/4/2022 và các nội dung thoả thuận giữa hai bên, Công ty K4 khẳng định rằng Hợp đồng số 12/04-2022/HĐTM-HTC chưa phát sinh nghĩa vụ do của K1 do bên mua là Công ty H5 không thực hiện theo đúng các thoả thuận trong hợp đồng đã ký về điều khoản thanh toán mà không có lý do chính đáng. Tại hồ sơ Công ty H5 cung cấp cho Toà không có bất kỳ văn bản thoả thuận nào thống nhất về việc điều chỉnh phương thức thanh toán phù hợp với ý chí các bên cũng như phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, lời khai của Nguyên đơn không đúng và không phù hợp với thực tế khách quan cũng như các quy định chung về Hợp đồng và nghĩa vụ dân sự:

- Tại Văn bản số 2204/2022/CV-HTC ngày 22/4/2022, Công ty H5 phúc đáp Công văn số 006/CV ngày 19/4/2022, theo đó, Công ty H5 cho rằng: “Sau khi các bên ký kết hợp đồng, ngày 13/4/2022 theo đề nghị của Ông Nguyễn Thế K, chúng tôi đã chuyển đủ số tiền cọc 1.750.000.000 đồng để thanh toán mua hàng hoá theo chỉ định của ông K. Theo xác nhận bằng tin nhắn của Ông K thì số tiền nêu trên vào dòng tiền của Q Công ty và chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán lần 1 theo Hợp đồng”.

- Tại Đơn mời Luật sư ngày 26/4/2022, Công ty H5 cung cấp thông tin: “Ngày13/4/2022, theo đề nghị của Ông Nguyễn Thế K, chúng tôi chuyển tiền thanh toán mua hàng vào tài khoản cá nhân của ông K. Sau đó ông K xác nhận đã chuyển số tiền mà chúng tôi đã thanh toán vào tài khoản Công ty K4 để thực hiện Hợp đồng”.

- Tại trang 2, dòng 8 từ trên xuống Vi bằng số 81/2022/VB-TPLTBG lập ngày 06/5/2022 của Thừa phát lại Phạm Hoàng P do Ông Hà Tiến D1 yêu cầu có khai: “Ngày 13/4/2022, theo đề nghị của Ông Nguyễn Thế K – người đại diện theo pháp luật Công ty K4, tôi đã chuyển 1.750.000.000 đồng tiền thanh toán mua bán hàng hoá theo đúng các điều khoản Hợp đồng nêu trên vào tài khoản cá nhân của ông K. Sau đó, ông K xác nhận đã nhận đúng, đủ số tiền trên và chuyển số tiền mà tôi thanh toán nêu trên vào tài khoản của Công ty K4 để thực hiện Hợp đồng”.

- Tại Đơn khởi kiện ngày 10/5/2022, Công ty H5 nêu: “Ngày 13/4/2022, theo đề nghị của Ông Nguyễn Thế K, chúng tôi chuyển tiền thanh toán mua hàng vào tài khoản cá nhân của ông K. Sau đó ông K xác nhận đã chuyển số tiền mà chúng tôi đã thanh toán vào tài khoản Công ty K4 để thực hiện Hợp đồng”.

- Tại Công văn số 1005/2022/CV-HTC ngày 10/5/2022, Công ty H5 tiếp tục khẳng định: “Ngày 13/4/2022, theo đề nghị của Ông Nguyễn Thế K, chúng tôi chuyển tiền thanh toán mua hàng vào tài khoản cá nhân của ông K. Sau đó ông K xác nhận đã chuyển số tiền mà chúng tôi đã thanh toán vào tài khoản Công ty K4 để thực hiện Hợp đồng”.

- Tại Bản tự khai ngày 28/6/2022, Ông Nguyễn Tuấn A, đại diện theo uỷ quyền của Công ty H5 khai: “Ngày 13/4/2022, theo đề nghị của Ông Nguyễn Thế K, chúng tôi chuyển tiền thanh toán mua hàng vào tài khoản cá nhân của ông K. Sau đó ông K xác nhận đã chuyển số tiền mà chúng tôi đã thanh toán vào tài khoản Công ty K4 để thực hiện Hợp đồng”.

Với tư cách là Người đại diện theo pháp luật của Công ty K4 và là người trực tiếp đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng, ông Nguyễn Thế K cam kết và khẳng định như sau:

Một là, ông K không có bất kỳ “đề nghị nào về việc H5 chuyển tiền thanh toán theo hợp đồng vào tài khoản cá nhân của ông K”.

Hai là, ông K xác nhận không việc có thoả thuận ông K phải chuyển số tiền ông D1 đã chuyển làm tin từ tài khoản cá nhân của ông D1 vào tài khoản cá nhân của ông K, sau đó ông K phải tự hợp thức hoá việc thanh toán bằng việc tự chuyển số tiền đó vào tài khoản của Công ty K4 như lời khai của Nguyên đơn.

Ba là, việc chuyển tiền từ tài khoản cá nhân của ông D1 vào tài khoản cá nhân của ông K và ông K có xác nhận đã nhận đủ là sự thoả thuận cá nhân giữa ông D1 và ông K. Theo đó, ông K có đủ cơ sở niềm tin để cử người sang nhà máy tại Trung Quốc để đàm phán hợp đồng trong giai đoạn dịch bệnh đang tăng cao. Về bản chất, ông D1 và ông K đều hiểu rằng, việc ký kết hợp đồng được với nhà máy tại thời điểm đó là rất khó khăn, và Hợp đồng số 12/04-2022/HĐTM-HTC ngày 12/4/2022 cũng là một trong những bước để Công ty K4 căn cứ pháp lý khi làm việc với nhà sản xuất.

Bốn là, các bên đều hiểu, các thoả thuận trong hợp đồng là thể hiện ý chí chủ quan của các chủ thể, các điều khoản đã thoả thuận là điều khoản có ý nghĩa bắt buộc thực hiện và nó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ tương ứng. Cần đặt ra câu hỏi vì sao trường hợp các bên đã ký hợp đồng chính thức với nhau mà thay vì H5 chuyển tiền thanh toán từ tài khoản Hatico sang tài khoản của K1 theo quy định thì Ông D1 lại chuyển từ tài khoản cá nhân của mình sang tài khoản cá nhân của ông K. Ở đây, cần tách bạch hai mối quan hệ chủ thể giữa pháp nhân-pháp nhân và cá nhân-cá nhân kể cả khi các cá nhân đó là Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nhất là khi, ông K hoàn toàn bác bỏ lời khai một chiều của H4 và trong hồ sơ cũng không tồn tại bất kỳ một văn bản nào chứng minh cho lời khai là phù hợp.

Thứ ba, bác bỏ tính hợp pháp của Vi bằng số 81/2022/VB-TPLTBG lập ngày 06/5/2022 bởi Thừa phát lại Phạm Hoàng K2 theo yêu cầu của Ông Hà Tiến D1:

Ngày 08/11/2022, trong Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải tại TAND quận Cầu Giấy, qua việc sao chụp các tài liệu, chứng cứ do phía Nguyên đơn là Công ty H5 cung cấp, Công ty K4 nhận thấy nội dung của Vi bằng số 81/2022/VB-TPLTBG lập ngày 06/5/2022 đã có sự thay đổi, không đầy đủ so với toàn bộ nội dung mà ông K và ông D1 đã trao đổi qua tin nhắn zalo từ ngày 12/4/2022. Trên cơ sở đối chiếu các nội dung, ông K đã tiến hành lập Vi bằng ghi nhận lại các nội dung tin nhắn giữa hai bên để làm chứng cứ giao nộp cho Toà án. Do đó, Công ty K4 yêu cầu Tòa án bác bỏ chứng cứ là Vi bằng số 81/2022/VB-TPLTBG lập ngày 6/5/2022 mà Nguyên đơn đã cung cấp, đồng thời tôn trọng những nội dung mà các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng.

Trên cơ sở các lập luận nêu trên tại phiên tòa đại diện ủy quyền của Công ty K4 đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty K4 thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng tương ứng 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là: 2.500.000.000 VND x 8% = 200.000.000 đồng.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 60/2023/KDTM-ST ngày 28/9/2023, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần H5 đối với Công ty TNHH K4. Buộc Công ty TNHH K4 phải trả cho Công ty cổ phần H5 số tiền phạt vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa, cụ thể:

Thanh toán số tiền phạt vi phạm hợp đồng tương ứng 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là: 2.500.000.000 VNĐ x 8% = 200.000.000 đồng.

Đình chỉ yêu cầu của Công ty cổ phần H5 buộc Công ty TNHH K4 bồi thường thiệt hại tương ứng với số tiền đã thanh toán cho Công ty TNHH K4 là 1.750.000.000 đồng.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí,thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 29/9/2023, Công ty TNHH K4 có đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, HĐXX và việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, bị đơn đúng qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đơn kháng cáo của bị đơn trong thời hạn và hợp lệ.

Xét kháng cáo của bị đơn: Hợp đồng mua bán được các bên ký kết là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên có hiệu lực pháp luật.

Nguyên đơn đã chuyển tiền đặt cọc 70% tổng giá trị hợp đồng vào tài khoản cá nhân của ông K vào ngày 13/4/2022. Tại biên bản hoà giải cấp sơ thẩm ông K xác nhận đồng ý để nguyên đơn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của mình. Việc thoả thuận này được các bên trao đổi qua tin nhắn điện thoại.

Ông K vừa là người đại diện theo pháp luật của bị đơn và xác nhận đã nhận tiền do nguyên đơn chuyển. Vì vậy Hợp đồng đã phát sinh nghĩa vụ phải thực hiện.

Tại phiên hoà giải ở cấp sơ thẩm, ông K trình bày do nguồn hàng Trung Quốc không đảm bảo, ông K3 không đảm bảo có nguồn hàng để cung cấp nên ông đã ban hành văn bản số 006 chấm dứt hợp đồng với nguyên đơn với lý do nguyên đơn vi phạm hợp đồng, không thực hiện chuyển tiền đặt cọc cho bị đơn.

Việc bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có căn cứ. Kháng cáo của bị đơn cho rằng việc tuyên bố chấm dứt hợp đồng do nguyên đơn vi phạm hợp đồng là không có cơ sở. Vì vậy không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

Đề nghị HĐXX: Căn cứ khoản 1 điều 308 Bộ luật tố tụng Dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

- Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Toà án nhân dân quận Cầu Giấy.

- Án phí xử lý theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Đơn kháng cáo của các đương sự nộp trong thời hạn quy định của pháp luật và đã nộp dự phí kháng cáo nên kháng cáo là hợp lệ.

[2]. Xét kháng cáo của Công ty TNHH K4:

Hợp đồng mua bán hàng hóa số 12/04-2022/HĐTM-HTC ngày 12/04/2022 được các bên ký kết trên cơ sở thoả thuận về việc mua bán bóng bay Tai Cheng, sản xuất tại Trung Quốc. Tổng giá trị hợp đồng là 2.500.000.000 đồng.

Điều 2: Thanh toán: Trong thời hạn 03 ngày sau khi ký Hợp đồng, Công ty H5 có trách nhiệm thanh toán cho Công ty K4 70% giá trị hợp đồng (tương ứng với số tiền 1.750.000.000 đồng).

Điều 3: Thời gian giao hàng tối đa 45 ngày tính từ ngày Công ty K4 nhận được số tiền thanh toán lần 1.

Thực hiện hợp đồng, ngày 13/4/2022, Công ty H5 đã chuyển số tiền 1.750.000.000 đồng vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Thế K – Giám đốc công ty K4. Trước khi chuyển tiền đặt cọc, hai bên có thoả thuận chuyển số tiền đặt cọc này vào tài khoản cá nhân của giám đốc công ty K4 và được ông K đồng ý.

Ngày 19/4/2022, Công ty K4 có công văn số 006/CV thông báo hủy Hợp đồng với lý do Công ty chưa nhận được số tiền đặt cọc do H5 chuyển. Đồng thời ngày 7/5/2022 ông Nguyễn Thế K đã chuyển trả lại số tiền 1.750.000.000 đồng cho ông Hà Tiến D1 – Giám đốc công ty H5 với lý do chuyển lại số tiền bị chuyển nhầm tài khoản.

Việc lý do huỷ hợp đồng của công ty K4 là không cơ cơ sở bởi lẽ: Khi ký kết hợp đồng, ông K là đại diện theo pháp luật của công ty K4 cũng đồng ý để công ty H5 chuyển số tiền này vào tài khoản cá nhân của ông K. Sau đó ngày 16/4/2022 hồi 10h16’ ông K còn trao đổi qua Zalo với ông D1 “hiện tại người của anh đang ở nhà máy và đang chờ họ chốt ngày giao hàng”. Như vậy ông K đã liên hệ với nhà máy để thực hiện hợp đồng, không thắc mắc gì về việc chuyển tiền đặt cọc đồng nghĩa với việc ông K đồng ý với việc chuyển tiền của nguyên đơn. Tại biên bản hoà giải ngày 10/7/2023 tại Toà án nhân dân quận Cầu Giấy ông K trình bày:..“Nguồn hàng Trung Quốc bị gián đoạn vì dịch Covid 19, tôi không chắc chắn đảm bảo về nguồn hàng nên cung cấp số tài khoản cá nhân để ông D1 chuyển tiền đặt cọc giống như khoản tiền đảm bảo để mua hàng. Tuy nhiên tình hình đến ngày 19/4/2022 do nguồn hàng Trung Quốc không đảm bảo nên tôi đã gửi công văn 006/CV ngày 19/4/2022 để huỷ bỏ hợp đồng” Như vậy lý do huỷ hợp đồng của công ty K4 thực chất không đảm bảo nguồn hàng, không có hàng để giao, còn không phải do nguyên đơn vi phạm Hợp đồng vì chưa chuyển tiền đặt cọc bởi việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân đã được ông K đồng ý. Bị đơn cũng không chứng minh được việc không giao được hàng thuộc trường hợp bất khả kháng do nhà máy Trung Quốc phải ngừng sản xuất, thành phố nơi nhà máy S bị phong toả do dịch bệnh covid…. Do đó việc huỷ bỏ hợp đồng hoàn toàn do lỗi của bị đơn.

Theo quy định tại điều 2.5 và 2.6 của hợp đồng các bên thoả thuận việc chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại và chịu phạt vi phạm hợp đồng áp dụng mức tối đa theo luật định. Nay nguyên đơn chỉ yêu cầu phạt vi phạm và rút yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức phạt vi phạm hợp đồng án sơ thẩm áp dụng bằng 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm: 2.500.000.000 đ x 8% = 200.000.000 đ là đúng quy định tại điều 300 Luật thương mại. Vì vậy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

Kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí KDTM phúc thẩm.

Từ những nhận định nêu trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điều 300, 301 Luật Thương mại 2005;

Căn cứ điều 30, 35, 147, 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Xử: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH K4 Giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 60/2023/KDTM-ST ngày 28/9/2022 của Toà án nhân dân quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Về án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH K4 phải chịu 2.000.000 đồng án phí KDTM phúc thẩm. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng đã nộp theo biên lai số AA/2020/0019850 ngày 17/10/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có Hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1166
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá số XX/2024/KDTM-PT

Số hiệu:XX/2024/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:27/02/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về