Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 721/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 721/2023/KDTM-PT NGÀY 10/07/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Vào ngày 15 tháng 6 và ngày 10 tháng 7 năm 2023 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 42/KDTMPT ngày 09 tháng 3 năm 2023 về tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 4037/2022/KDTM-ST ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1681/2023/QĐ-PT ngày 18 tháng 4 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 5922/2023/QĐ-PT ngày 16 tháng 5 năm 2023, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty cổ phần thương mại A.

Địa chỉ: 99 A, phường B, Thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Trần Thị Thanh T – là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền số 0506/2023/GUQL ngày 08/6/2023).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị M – Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH A – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Công ty TNHH thương mại B Địa chỉ: 451 A, khu phố B, phường C, Thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: ông Trần Tiến H – là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 13/6/2023).

Địa chỉ: 153 A, phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: bà Nguyễn Thị Minh P – Luật sư thuộc Đoàn luật sư B và ông Phạm Sỹ C - Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Ngưi kháng cáo: Công ty TNHH thương mại B (Các đương sự có mặt tại tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và lời khai tại Tòa án, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Công ty cổ phần thương mại A là bà Đỗ Thị B trình bày:

Vào ngày 26/8/2019, Công ty cổ phần thương mại A và Công ty TNHH thương mại B có ký Hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng số 26.08DKTPHCM/HDHL/TBD/2019. Theo hợp đồng, Công ty cổ phần thương mại A bán khí dầu hóa lỏng (gọi tắt là LPG) với điều khoản như sau:

- Số lượng hàng hóa giao nhận: Tùy thuộc vào nhu cầu bán hàng của Công ty TNHH thương mại B - Địa điểm và thời gian giao hàng: Giao hàng tại kho của bên mua với thời gian giao hàng là 24h/24h trong điều kiện thời tiết cho phép.

- Thời hạn thanh toán: Bên mua thanh toán cho bên bán số tiền tương ứng với giá trị tiền hàng trong vòng 05 ngày sau khi nhận đủ hàng và hóa đơn giá trị gia tăng.

Bên cạnh việc mua bán LPG như nói trên, Công ty cổ phần thương mại A còn cung cấp thêm LPG theo dạng chiết nạp và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, gia công có liên quan cho Công ty TNHH thương mại B Sau khi ký kết hợp đồng mua bán dầu khí hóa lỏng nêu trên, tuân thủ theo các quy định tại Hợp đồng, Công ty cổ phần thương mại A đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tại Hợp đồng. Tính đến ngày 31/01/2021, Công ty TNHH thương mại B còn nợ số tiền là: 26.895.300.931 đồng. Công ty TNHH thương mại B xác nhận một phần nợ tính đến ngày 31 tháng 01 năm 2021 với số tiền 24.359.494.353 đồng tại Biên bản đối chiếu công nợ giữa các bên. Số nợ còn lại là tiền mua LPG phát sinh trong tháng 02 năm 2021.

Mặc dù sau đó Công ty TNHH thương mại B vẫn chưa thanh toán số công nợ trên, tuy nhiên, với tinh thần hợp tác, thiện chí nhằm giúp Công ty TNHH thương mại B duy trì hoạt động kinh doanh, nguyên đơn vẫn tiếp tục thực hiện Hợp đồng mua bán trên với Công ty TNHH thương mại B Tuy nhiên, bị đơn vẫn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo các cam kết trong Hợp đồng mặc dù nguyên đơn đã nhiều lần thông báo, nhắc nhở, yêu cầu thanh toán số công nợ phát sinh thêm. Cụ thể, từ thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện đến thời điểm có đơn khởi kiện bổ sung, tổng số công nợ phát sinh thêm mà Công ty TNHH thương mại B vẫn chưa thanh toán cho Công ty cổ phần thương mại A là 5.191.065.466 đồng (Năm tỷ một trăm chín mươi mốt triệu không trăm sáu mươi lăm nghìn bốn trăm sáu mươi sáu đồng). Số công nợ trên đã được Công ty TNHH thương mại B xác nhận theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31 tháng 05 năm 2021. Đến ngày 31/01/2022, Công ty TNHH thương mại B còn nợ Công ty cổ phần thương mại A số tiền 26.846.647.800 đồng.

Căn cứ theo Điều 4.1 của Hợp Đồng thì trong vòng 05 ngày sau khi nhận được đủ LPG từ Công ty cổ phần thương mại A, Công ty TNHH thương mại B có nghĩa vụ thanh toán giá trị hàng hóa cho Công ty cổ phần thương mại A. Đồng thời, căn cứ tại Điều 50 Luật Thương mại 2005 thì Công ty TNHH thương mại B có trách nhiệm thanh toán tiền mua hàng cho Công ty cổ phần thương mại A theo thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, Công ty TNHH thương mại B vẫn chưa thanh toán.

Nay, Công ty cổ phần thương mại A yêu cầu Công ty TNHH thương mại B thanh toán tiền mua khí dầu hóa lỏng với số tiền 26.846.647.800 đồng và tiền lãi với lãi suất trung bình của ba Ngân hàng thương mại là 14,9%/năm tạm tính đến ngày 27/10/2022 là 8.121.280.833 đồng, cụ thể tiền lãi được tính như sau:

- Tính đến ngày 31/8/2020 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 10.302.858.269 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/9/2020 đến ngày 30/9/2020: 10.302.858.269 đồng x 30 ngày x 14,9%/365 ngày = 126.174.730 đồng.

- Tính đến ngày 30/9/2020 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 13.957.437.290 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/10/2020: 13.957.437.290 đồng x 31 ngày x 14,9%/365 ngày = 176.628.501 đồng.

- Tính đến ngày 31/10/2020 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 17.175.619.333 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/11/2020 đến ngày 30/11/2020: 17.175.619.333 đồng x 30 ngày x 14,9%/365 ngày = 210.342.516 đồng.

- Tính đến ngày 30/11/2020 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 18.744.902.604 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/12/2020 đến ngày 31/12/2020: 18.744.902.604 đồng x 31 ngày x 14,9%/365 ngày = 237.212.891 đồng.

- Tính đến ngày 31/12/2020 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 20.469.219.701 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/01/2021: 20.469.219.701 đồng x 31 ngày x 14,9%/365 ngày = 259.033769 đồng.

- Tính đến ngày 31/01/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 24.359.494.353 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/02/2021 đến ngày 28/02/2021: 24.359.494.353 đồng x 28 ngày x 14,9%/365 ngày = 278.432.357 đồng.

- Tính đến ngày 28/02/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 29.085.331.649 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/3/2021 đến ngày 31/03/2021: 29.085.331.649 đồng x 31 ngày x 14,9%/365 ngày = 368.068.896 đồng.

- Tính đến ngày 31/3/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 30.467.881.151 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/4/2021 đến ngày 30/4/2021: 30.467.881.151 đồng x 30 ngày x 14,9%/365 ngày = 373.127.202 đồng.

- Tính đến ngày 30/4/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 30.520.342.188 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/5/2021: 30.520.342.188 đồng x 31 ngày x 14,9%/365 ngày = 386.228.659 đồng.

- Tính đến ngày 31/5/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 32.086.366.397 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/6/2021 đến ngày 13/6/2021: 32.086.366.397 đồng x 13 ngày x 14,9%/365 ngày = 170.277.512 đồng.

- Tính đến ngày 14/6/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 31.086.366.397 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 14/6/2021 đến ngày 17/6/2021: 31.086.366.397 đồng x 04 ngày x 14,9%/365 ngày = 50.760.204 đồng.

- Tính đến ngày 18/6/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 30.786.366.397 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 18/6/2021 đến ngày 27/6/2021: 30.786.366.397 đồng x 10 ngày x 14,9%/365 ngày = 125.675.852 đồng.

- Tính đến ngày 28/6/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 30.472.712.410 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 28/6/2021 đến ngày 30/6/2021: 30.472.712.410 đồng x 03 ngày x 14,9%/365 ngày = 37.318.637 đồng.

- Tính đến ngày 01/7/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 29.962.978.756 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 01/7/2021 đến ngày 04/7/2021: 29.962.978.756 đồng x 04 ngày x 14,9%/365 ngày = 48.925.850 đồng.

- Tính đến ngày 05/7/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 29.558.767.256 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 05/7/2021 đến ngày 05/7/2021: 29.558.767.256 đồng x 01 ngày x 14,9%/365 ngày = 12.066.456 đồng.

- Tính đến ngày 06/7/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 29.239.233.756 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 06/7/2021 đến ngày 07/7/2021: 29.239.233.756 đồng x 02 ngày x 14,9%/365 ngày = 23.872.032 đồng.

- Tính đến ngày 08/7/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 28.790.571.256 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 08/7/2021 đến ngày 11/7/2021: 28.790.571.256 đồng x 04 ngày x 14,9%/365 ngày = 47.011.453 đồng.

- Tính đến ngày 12/7/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 28.351.100.906 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 12/7/2021 đến ngày 13/7/2021: 28.351.100.906 đồng x 02 ngày x 14,9%/365 ngày = 23.146.926 đồng.

- Tính đến ngày 14/7/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 27.776.515.906 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 14/7/2021 đến ngày 18/7/2021: 27.776.515.906 đồng x 05 ngày x 14,9%/365 ngày = 56.694.532 đồng.

- Tính đến ngày 19/7/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 27.181.371.906 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 19/7/2021 đến ngày 21/7/2021: 27.181.371.906 đồng x 02 ngày x 14,9%/365 ngày = 33.287.872 đồng.

- Tính đến ngày 22/7/2021 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 26.882.573.406 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 22/7/2021 đến ngày 30/01/2022: 26.882573.406 đồng x 193 ngày x 14,9%/365 ngày = 2.117.978.530 đồng.

- Tính đến ngày 31/01/2022 Công ty TNHH thương mại B còn nợ 26.846.647.800 đồng, tiền lãi quá hạn được tính từ ngày 31/01/2022 đến ngày 27/10/2022: 26.846.647.800 đồng x 270 ngày x 14,9%/365 ngày = 2.959.015.455 đồng.

Công ty cổ phần thương mại A không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty TNHH thương mại B vì Công ty TNHH thương mại B vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Công ty cổ phần thương mại A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng số 26.08DKTPHCM/HDHL/TBD/2019 ngày 26/8/2019 theo quy định thỏa thuận tại Điều 9.1 của Hợp đồng và Điều 310 Luật Thương mại.

Trong quá trình giải quyết vụ án và lời khai tại Tòa án, đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty TNHH thương mại B là ông Vỏ Mạnh C trình bày:

Công ty TNHH thương mại B thống nhất với Công ty cổ phần thương mại A về quá trình ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH thương mại B không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần thương mại A. Do Công ty cổ phần thương mại A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp khí dầu hóa lỏng số 26.08DKTPHCM/HDHL/TBD/2019 ngày 26/8/2019 nên đã gây thiệt hại cho Công ty TNHH thương mại B Nay Công ty TNHH thương mại B yêu cầu Công ty cổ phần thương mại A bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng với số tiền 22.740.400.283 đồng.

Công ty TNHH thương mại B xác nhận vẫn còn nợ tiền mua hàng của Công ty cổ phần thương mại A nhưng không xác định được số nợ chính xác.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng Công ty TNHH thương mại B vẫn thanh toán nợ và Công ty cổ phần thương mại A vẫn thực hiện việc bán hàng hóa bình thường. Tuy nhiên, Công ty cổ phần thương mại A đột ngột không tiếp tục bán hàng cho Công ty TNHH thương mại B là đã vi phạm hợp đồng. Mặc dù Công ty TNHH thương mại B vẫn còn nợ Công ty cổ phần thương mại A nhưng do nguyên đơn đã vi phạm hợp đồng nên Công ty TNHH thương mại B không đồng ý trả nợ. Do phía Công ty cổ phần thương mại A không tiếp tục bán hàng theo hợp đồng dẫn đến Công ty TNHH thương mại B không thể cung cấp hàng hóa cho các đối tác của Công ty TNHH thương mại B nên đã gây thiệt hại cho Công ty TNHH thương mại B Do đó, đề nghị chỉ tính lãi theo mức lãi suất 10%/năm; đồng thời chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Với nội dung trên, tại Bản án sơ thẩm số 4037/2022/KDTM-ST ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

- Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm b khoản 1 Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Áp dụng Điều 24, Điều 50, Điều 306, Điều 310 của Luật Thương mại;

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn:

Buộc Công ty TNHH thương mại B phải trả cho Công ty cổ phần thương mại A số tiền 34.967.928.632 đồng (ba mươi bốn tỷ chín trăm sáu mươi bảy triệu chín trăm hai mươi tám ngàn sáu trăm ba mươi hai đồng) bao gồm nợ gốc 26.846.647.800 đồng (hai mươi sáu tỷ tám trăm bốn mươi sáu triệu sáu trăm bốn mươi bảy ngàn tám trăm đồng) và tiền lãi 8.121.280.832 đồng (tám tỷ một trăm hai mươi mốt triệu hai trăm tám mươi ngàn tám trăm ba mươi hai đồng) theo hợp đồng thương nhân mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng số 26.08DKHCM/HĐhl/TBD/2019 ngày 26 tháng 8 năm 2019.

Đình chỉ Hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng số 26.08DKHCM/HĐHL/TBD/2019 ngày 26/8/2019 giữa Công ty cổ phần thương mại A với Công ty TNHH thương mại B Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH thương mại B: yêu cầu Công ty cổ phần thương mại A bồi thường thiệt hại số tiền 22.740.400.283 đồng (hai mươi hai tỷ bảy trăm bốn mươi triệu bốn trăm ngàn hai trăm tám mươi ba đồng).

3. Duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định số 08/2021/QĐ- BPKCTT ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi Công ty TNHH thương mại B thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền phải thi hành án theo bản án có hiệu lực pháp luật.

Nguyên đơn Công ty cổ phần thương mại A được nhận lại số tiền bảo đảm: 1.500.000.000 đồng đã nộp tại Ngân hàng C –Chi nhánh 9, Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm số 08/2021/QĐ- BPBĐ ngày 20/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

4. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

- Công ty TNHH thương mại B phải nộp án phí sơ thẩm là 142.967.929 đồng (một trăm bốn mươi hai triệu chín trăm sáu mươi bảy ngàn chín trăm hai mươi chín đồng).

- Công ty TNHH thương mại B phải nộp án phí sơ thẩm do yêu cầu phản tố không được chấp nhận số tiền là 130.740.400 đồng (một trăm ba mươi triệu bảy trăm bốn mươi ngàn bốn trăm đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phản tố là 65.370.200 đồng (sáu mươi lăm triệu ba trăm bảy mươi ngàn hai trăm đồng) theo biên lai thu tiền số AA/2021/0025368 ngày 30/12/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Công ty TNHH thương mại B còn phải tiếp tục nộp số tiền 65.370.200 đồng (sáu mươi lăm triệu ba trăm bảy mươi ngàn hai trăm đồng).

- Trả lại cho cho Công ty cổ phần thương mại A số tiền 68.460.376 đồng (sáu mươi tám triệu bốn trăm sáu mươi ngàn ba trăm bảy mươi sáu đồng) theo biên lai thu tiền số AA/2019/0047760 ngày 16/4/2021 và số tiền 56.853.408 đồng (năm mươi sáu triệu tám trăm năm mươi ba ngàn bốn trăm lẻ tám đồng) biên lai thu tiền số AA/2021/0024988 ngày 02/12/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Đức Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.

Đến ngày 01/12/2022 Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức ra Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án số 8394/2022/SCBSBA quyết định sưả chữa phần quyết định tại dòng thứ 7 từ dưới lên trang 13 của bản án đã ghi “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.” Nay sửa chữa, bổ sung như sau: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành xong, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả”.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 15 tháng 11 năm 2022, bị đơn – Công ty TNHH thương mại B có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 4037/2022/KDTM-ST ngày 03/11/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức về việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử không phù hợp với thực tế và chưa phù hợp với qui định của pháp luật gây thiệt hại cho bị đơn. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị đơn trình bày: Bị đơn xác định chỉ yêu cầu kháng cáo về phần tiền lãi suất chậm thanh toán. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán từ ngày 31/8/2020 với mức lãi suất trung dài hạn quá hạn 14.9% là không đúng pháp luật và không phù hợp với các tình tiết trong vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị đơn vì từ thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng cho đến ngày 31/1/2022 là ngày nguyên đơn gửi biên bản đối chiếu công nợ sau cùng yêu cầu bị đơn xác nhận tổng số tiền còn nợ, nguyên đơn cũng không thực hiện quyền yêu cầu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Nguyên đơn dựa vào tổng số tiền công nợ của các Biên bản đối chiếu công nợ để tính lãi là không đúng vì đây là tổng công nợ của cả 4 hợp đồng mà hai bên đang thực hiện chứ không phải của riêng Hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng ngày 26/8/2019, nguyên đơn yêu cầu trả 8.121.280.832 đồng tiền lãi trong khi khoản lãi này tính trên số tiền nợ bao gồm cả tiền mua hàng, chiết ga, bảo dưỡng bình, trong khi Bị đơn đã trả khoản tiền nợ theo hợp đồng khác rồi nhưng nguyên đơn tiếp tục cộng thêm vào và lấy tổng số tiền trong các biên bản này để tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo từng thời điểm buộc bị đơn phải thanh toán số tiền nợ lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán từ thời điểm ngày 31/8/2020 cho đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 27/10/2022 đối với Hợp đồng mua bán dầu mỏ hóa lỏng là không đúng với các tình tiết chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và không phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng, đây là sự thỏa thuận của cả hai bên về việc không tính tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng chưa bao giờ nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán và bị đơn cũng không có ý kiến nào đồng ý chịu tiền lãi. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn tính lãi chậm thanh toán từ ngày 01/2/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm theo mức lãi suất 12.45% là mức lãi suất quá hạn của ba ngân hàng mà tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập.

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Trong quá trình thực hiện hợp đồng bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán nhưng để tạo điều kiện nguyên đơn vẫn tiếp tục giao hàng. Mặc dù trong hợp đồng ký kết các bên không có thỏa thuận về việc trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán và tại các biên bản đối chiếu công nợ cũng như các văn bản trao đổi làm việc giữa các bên, nguyên đơn không có phát hành công văn nào yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả nhưng quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán đã được qui định tại Điều 306 Luật Thương mại nên việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu tiền lãi chậm thanh toán từ ngày bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo các Biên bản đối chiếu công nợ là đúng. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn thừa nhận ngoài việc ký kết Hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng ngày 26/8/2019, nguyên đơn và bị đơn còn ký kết với nhau Hợp đồng thuê nạp khí dầu mỏ hóa lỏng ngày 29/8/2019, Hợp đồng bảo dưỡng vỏ bình số ngày 01/9/2019, Hợp đồng gia công vỏ bình ngày 01/9/2019 và các Biên bản đối chiếu công nợ là khoản nợ của tất cả các hợp đồng trên. Kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ngoài ra, nguyên đơn yêu cầu Hội đồng xét xử Phúc thẩm buộc Công ty B thanh toán thêm khoản tiền lãi do chậm trả (với mức lãi 14,9%/năm) phát sinh thêm từ thời điểm xét xử sơ thẩm (từ ngày 27 tháng 10 năm 2022) đến thời điểm xét xử phúc thẩm (ngày 15 tháng 06 năm 2022) là 230 ngày, với số tiền là 2.520.642.795 đồng.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu:

Việc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và giải quyết vụ án là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kháng cáo của bị đơn là có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa phần tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh từ sau ngày hai bên ký Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/01/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm theo mức lãi suất 12,45% để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Tại phiên tòa hôm nay các bên không tự hòa giải với nhau được về việc giải quyết vụ án, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo nên Hội đồng xét xử tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

[1] Xét quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa,tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa hai pháp nhân và đều có mục đích lợi nhuận, bị đơn - Công ty TNHH thương mại B có địa chỉ trụ sở làm việc tại Thành phố Thủ Đức, Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức xét xử sơ thẩm là phù hợp quy định về thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35, Khoản 1 Điều 36 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Đơn kháng cáo của bị đơn được nộp trong thời hạn quy định là hợp lệ, nên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo trình tự phúc thẩm là phù hợp qui định tại Điểm b Khoản 3 Điều 38 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn - Công ty TNHH thương mại B nhận thấy:

Nguyên đơn - Công ty cổ phần thương mại A (gọi tắt là bên bán) ký kết hợp đồng kinh tế số 26.08DKTPHCM/HDHL/TBD/2019 ngày 26/8/2019 với Bị đơn - Công ty TNHH thương mại B (gọi tắt là bên mua) với nội dung Công ty cổ phần thương mại A cung cấp cho Công ty TNHH thương mại B khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); về số lượng hàng hóa giao nhận: tùy thuộc vào nhu cầu phát triển của Công ty TNHH thương mại B; về giá cả: tùy thuộc vào từng thời điểm; Về phương thức giao nhận: giao hàng tại nhà máy của Công ty cổ phần thương mại A; Thời hạn thanh toán: bên mua thanh toán cho bên bán trong vòng 05 ngày khi nhận đủ hàng và xuất Hóa đơn giá trị gia tăng. Bên bán có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu bên mua không thanh toán tiền LPG cho bên bán vượt quá 20 ngày so với ngày đến hạn thanh toán.Trong hợp đồng các bên không có thỏa thuận về việc trả lãi.

[3] Tại phiên tòa các bên đều xác nhận: Ngoài việc ký kết Hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng số 26.08DKTPHCM/HDHL/TBD/2019 ngày 26/8/2019, nguyên đơn và bị đơn còn ký kết với nhau các Hợp đồng khác như : Hợp đồng thuê nạp khí dầu mỏ hóa lỏng số 01/2009/HDDV/XNKTBD- CITYPETRO ngày 29/8/2019, Hợp đồng bảo dưỡng vỏ bình số 01/2009/HDBD/XNK-TBD/2019 ngày 01/9/2019, Hợp đồng gia công vỏ bình số 03/KT/DV/2019 ngày 01/9/2019. Quá trình thực hiện các hợp đồng trên, Công ty TNHH thương mại B còn nợ tiền mua hàng nhưng Công ty cổ phần thương mại A vẫn tiếp tục bán hàng và nguyên đơn không có văn bản hoặc ý kiến nào thể hiện việc yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả. Hai bên thực hiện việc đối chiếu công nợ bằng cách bên bán sẽ gửi Biên bản đối chiếu công nợ đến bên mua để yêu cầu xác nhận số tiền nợ chưa thanh toán của các Hợp đồng nêu trên . Tất cả các Biên bản đối chiếu công nợ do nguyên đơn phát hành đều không thể hiện số tiền lãi chậm thanh toán mà bị đơn phải thanh toán. Tại phiên tòa hai bên đều xác nhận đồng ý số liệu theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/01/2022 xác định số tiền nợ liên quan đến Hợp đồng mua bán LPG tính đến ngày 31/01/2022 với số tiền công nợ còn lại bị đơn phải thanh toán là 26.846.647.800 đồng và đều xác nhận Bị đơn đã thanh toán đủ cho Nguyên đơn công nợ theo Hợp đồng chiết nạp LPG và Hợp đồng gia công, bảo dưỡng vỏ bình gas. Các tình tiết nêu trên đều được các đương sự thừa nhận là sự thật không cần chứng minh theo qui định tại Khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự và phù hợp với các tài liệu chứng cứ do các bên xuất trình.

[4] Như đã phân tích ở đoạn [3], các Biên bản đối chiếu công nợ ghi nhận số tiền nợ của cả 4 hợp đồng chứ không phải của riêng Hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng số 26.08DKTPHCM/HDHL/TBD/2019 ngày 26/8/2019, do đó việc bị đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu tính lãi của nguyên đơn căn cứ vào số liệu của các Biên bản đối chiếu công nợ có bao gồm tiền nợ của các Hợp đồng khác để tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo từng thời điểm buộc bị đơn Công ty TNHH thương mại B phải thanh toán số tiền nợ lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán từ thời điểm ngày 31/8/2020 cho đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 27/10/2022 đối với Hợp đồng mua bán dầu mỏ hóa lỏng là không đúng với các tình tiết chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và không phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng là có cơ sở chấp nhận.

[5] Về thời điểm tính lãi chậm thanh toán:

Xét thấy: tại Hợp đồng các bên không có thỏa thuận về việc trả lãi chậm thanh toán nhưng có thỏa thuận “bên mua thanh toán cho bên bán trong vòng 5 ngày sau khi nhận đủ hàng và xuất hóa đơn”. Như vậy hết thời hạn này mà bên mua vẫn không thanh toán tiền hàng là đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán và Bên bán có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu bên mua không thanh toán tiền LPG cho bên bán vượt quá 20 ngày so với ngày đến hạn thanh toán. Mặt khác tại Điều 306 Luật thương mại có qui định về Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng ….thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác”. Như vậy nguyên đơn có quyền yêu cầu bị đơn trả tiền lãi trên số tiền vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng nguyên đơn không có ý kiến gì về việc yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thể hiện tại các Biên bản đối chiếu công nợ do chính nguyên đơn phát hành gửi bị đơn cũng chỉ ghi nhận khoản tiền phải trả là khoản tiền nợ mua hàng, không có nội dung nào đề cập đến việc yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền lãi quá hạn. Đồng thời sau thời điểm khởi kiện, nguyên đơn vẫn tiếp tục bán hàng cho bị đơn, hai bên vẫn tiếp tục ký các biên bản đối chiếu công nợ trên số tiền nợ mua hàng mà không thực hiện quyền yêu cầu trả lãi. Biên bản đối chiếu công nợ sau cùng vào ngày 31/01/2022 do nguyên đơn Công ty cổ phần thương mại A gửi cho bị đơn cũng xác định “ Như vậy, số tiền công nợ còn lại quý công ty còn nợ công ty chúng tôi đến ngày 31/01/2022 là 28.742.195.669 VNĐ ” thì có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn coi như hai bên đã có thỏa thuận mới về việc thực hiện hợp đồng.

Căn cứ vào các Biên bản đối chiếu công nợ nêu trên có căn cứ để xác định tính đến ngày ký Biên bản công nợ cuối cùng (vào ngày 31/01/2022) nguyên đơn đã mặc nhiên chấp nhận việc vi phạm thanh toán của bị đơn và nguyên đơn đã tự từ bỏ quyền được yêu cầu bên vi phạm phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo qui định tại Điều 306 Luật Thương mại từ thời điểm bị đơn vi phạm cho đến thời điểm nguyên đơn phát hành Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/01/2022 gửi cho Bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đều thừa nhận số liệu công nợ theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/01/2022 do nguyên đơn phát hành gửi cho bị đơn là chính xác và hai bên đều xác nhận đây là số tiền nợ mua hàng của Hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng số 26.08DKTPHCM/HDHL/TBD/2019 ngày 26/8/2019, đồng thời hai bên đều đồng ý tính lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng trên số công nợ này từ ngày 01/02/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 03/11/2022. Do đó có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận lời trình bày của bị đơn và quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa xác định thời điểm tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán được lấy mốc từ ngày 01/2/2022 cho đến ngày 3/11/2022 (là ngày tuyên án của phiên toà sơ thẩm) là 9 tháng 2 ngày.

[6] Về mức lãi suất áp dụng:

Xét khi ký kết hợp đồng các bên không thỏa thuận về lãi suất chậm trả. Căn cứ Điều 306 Luật thương mại, lãi suất chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. Như đã phân tích tại đoạn [5], do xác định thời gian trả lãi là 9 tháng 2 ngày nên không thể tính mức lãi suất trung và dài hạn như yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán theo mức lãi suất 14,9%/ năm mà phải lấy mức lãi suất cho vay ngắn hạn trên 6 tháng đến 12 tháng để xác định mức lãi suất trung bình nợ quá hạn của ba ngân hàng thương mại có trụ sở tại nơi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Cụ thể :

- Theo văn bản ngày 06/5/2022 của Ngân hàng D Chi nhánh Thủ Đức thì mức lãi suất ngắn hạn cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) đối với loại cho vay thông thường là 8%/năm;

- Theo Văn bản số 147 ngày 20/3/2022 của Ngân hàng Công thương VN, Chi nhánh Thủ Đức thì lãi suất trong hạn của loại cho vay trung hạn (trên 06 tháng - 12 tháng ) là 09,5%/năm;

- Theo Văn bản ngày 04/01/2022 và Thông báo của Ngân hàng C số 782 ngày 26/8/2021 thì mức lãi suất trong hạn với loại hình cho vay kinh doanh thông thường đối với pháp nhân là 7,4%. Do đó mức lãi suất trung bình của 03 ngân hàng là : (8% + 9,5% + 7,4% )/ 3 x 150% = 12,45% Do đó kháng cáo của Bị đơn yêu cầu được thanh toán số tiền lãi chậm trả theo mức lãi suất 12,45 %/năm từ thời điểm ngày 01/02/2022 đến ngày 03/11/2022 là phù hợp với qui định tại Điều 306 Luật Thương mại và phù hợp với qui định tại Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nên có cơ sở để hội đồng xét xử chấp nhận.

Cụ thể số tiền lãi sẽ được tính trên số tiền nợ gốc là 26.846.647.800 đồng và tính từ thời điểm ngày 01/2/2022 (là ngày hai bên ký Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/1/2022) đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 03/11/2022 (tổng cộng 276 ngày) với mức lãi suất là 12.45%/năm (26.846.647.800 đồng x 12.45%/365 x 276 ngày = 2.527.409.622 đồng).

Do đó số tiền lãi do chậm thanh toán của nguyên đơn được chấp nhận là 2.527.409.622 đồng và phần yêu cầu tiền lãi không được Tòa án chấp nhận là 5.593.871.210 đồng.

[7] Xét thấy việc Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức ra Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án số 8394/2022/SCBSBA ngày 01/12/2022 quyết định sửa chữa phần quyết định “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.” Để sửa chữa, bổ sung thành: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành xong, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả” là không đúng cả về thủ tục và nội dung. Về thủ tục: Thẩm phán tự ban hành quyết định sửa chữa bổ sung mà không phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án là không đúng theo qui định tại Khoản 2 Điều 263 Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung: đây là trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng kinh doanh thương mại mà trong hợp đồng các bên không thỏa thuận về việc trả lãi, do đó căn cứ hướng dẫn tại Điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần phải tuyên tính lãi tiếp tục “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả” chứ Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định sửa đổi với nội dung tuyên tính lãi tiếp theo từ ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong là không đúng vì các bên đều xác định không có thỏa thuận về việc trả lãi trong hợp đồng. Do đó việc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán thêm khoản tiền lãi do chậm trả phát sinh thêm từ thời điểm xét xử sơ thẩm đến thời điểm xét xử phúc thẩm với số tiền là 2.520.642.795 đồng là không có cơ sở để hội đồng xét xử xem xét yêu cầu này vì nguyên đơn không kháng cáo.

[8] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên căn cứ Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án cấp phúc thẩm không xem xét giải quyết.

[9] Do chấp nhận kháng cáo sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu tiền lãi không được Tòa án chấp nhận (5.593.871.210 đồng) và Bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được tòa án chấp nhận là 22.740.400.283 đồng và với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận trên số tiền 29.374.057.422 đồng.

Vì các lẽ trên.

Căn cứ Khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

QUYẾT ĐỊNH

 Chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH thương mại B Sửa một phần quyết định của bản án sơ thẩm số 4037/2022/KDTM-ST ngày 03/11/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

- Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 271; khoản 1 Điều 273 và Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 302, Điều 303, Điều 304, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.

- Căn cứ Khoản 2 Điều 26 ,Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 3/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;

- Căn cứ Điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Buộc Công ty TNHH thương mại B phải thanh toán cho Công ty cổ phần thương mại A số tiền 29.374.057.422 đồng (Hai mươi chín tỷ ba trăm bảy mươi bốn triệu không trăm năm mươi bảy nghìn bốn trăm hai mươi hai đồng), trong đó bao gồm: Số tiền nợ gốc là 26.846.647.800 đồng (hai mươi sáu tỷ tám trăm bốn mươi sáu triệu sáu trăm bốn mươi bảy ngàn tám trăm đồng) và số tiền lãi do chậm thanh toán là 2.527.409.622 đồng (Hai tỷ năm trăm hai mươi bảy triệu bốn trăm lẻ chín nghìn sáu trăm hai mươi hai đồng) theo hợp đồng thương nhân mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng số 26.08DKHCM/HĐhl/TBD/2019 ngày 26 tháng 8 năm 2019.

Đình chỉ Hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng số 26.08DKHCM/HĐHL/TBD/2019 ngày 26/8/2019 giữa Công ty cổ phần thương mại A với Công ty TNHH thương mại B Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH thương mại B về việc yêu cầu Công ty cổ phần thương mại A bồi thường thiệt hại số tiền 22.740.400.283 đồng (hai mươi hai tỷ bảy trăm bốn mươi triệu bốn trăm nghìn hai trăm tám mươi ba đồng).

3. Duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định số 08/2021/QĐ- BPKCTT ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi Công ty TNHH thương mại B thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền phải thi hành án theo bản án có hiệu lực pháp luật.

Nguyên đơn Công ty cổ phần thương mại A được nhận lại số tiền bảo đảm: 1.500.000.000 đồng (một tỷ năm trăm triệu đồng) đã nộp tại Ngân hàng C –Chi nhánh 9, Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm số 08/2021/QĐ-BPBĐ ngày 20/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

4/ Về án phí:

4.1- Công ty TNHH thương mại B phải chịu Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 160.114.000 đồng (Một trăm sáu mươi triệu một trăm mười bốn nghìn đồng), được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 65.370.200 đồng (Sáu mươi lăm triệu ba trăm bảy mươi ngàn hai trăm đồng) theo biên lai thu tiền số AA/2021/0025368 ngày 30/12/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Công ty TNHH thương mại B còn phải nộp số tiền là 94.743.800 đồng (Chín mươi bốn triệu bảy trăm bốn mươi ba nghìn tám trăm đồng).

4.2- Công ty Công ty cổ phần thương mại A phải chịu Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 113.594.000 (Một trăm mười ba triệu năm trăm chín mươi bốn nghìn đồng). Được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 68.460.376 đồng (Sáu mươi tám triệu bốn trăm sáu mươi nghìn ba trăm bảy mươi sáu đồng) theo biên lai thu tiền số AA/2019/0047760 ngày 16/4/2021 và số tiền 56.853.408 đồng (Năm mươi sáu triệu tám trăm năm mươi ba nghìn bốn trăm lẻ tám đồng) biên lai thu tiền số AA/2021/0024988 ngày 02/12/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Thủ Đức. Công ty cổ phần thương mại A được hoàn trả lại số tiền là 11.719.784 đồng (Mười một triệu bảy trăm mười chín nghìn bảy trăm tám mươi bốn nghìn đồng).

4.3 Công ty TNHH thương mại B không phải chịu Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn lại cho Công ty TNHH thương mại B số tiền tạm ứng án phí Kinh doanh thương mại đã nộp là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2022/0007032 ngày 24/11/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thi hành ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

49
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 721/2023/KDTM-PT

Số hiệu:721/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 10/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về