Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá số 485/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 485/2022/DS-PT NGÀY 28/11/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ

Ngày 28 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm, công khai vụ án thụ lý số 293/2022/TLPT- DS ngày 06 tháng 10 năm 2022, về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2022/DS-ST ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 441/2022/QĐ-PT ngày 01/11/2022, Quyết định hoãn phiên toà số 485/2022/QĐPT-HPT ngày 16/11/2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Trần Minh C, sinh năm 1982;

Địa chỉ: Căn 12A, đường H 5, V, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần T, sinh năm 1980; địa chỉ: Số 264, đường L, phường T, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

(Theo Giấy ủy quyền lập ngày 24/11/2022 tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Vàng A).

(Ông T có mặt).

- Bị đơn: Công ty TNHH MTV CĐ (viết tắt là CDC);

Địa chỉ: A412OT6 Vinhomes Golden River 2 đường T, phường B, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Cao Đ - Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Công ty Luật TNHH TGT; địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà ATS, 252 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Công ty Luật TNHH TGT chỉ định:

1. Ông Trần Gia T, sinh năm 1977; hộ khẩu thường trú: P3206A2, Khu đô thị chức năng thành phố Xanh, đường Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

2. Ông Lê Ngọc H, sinh năm 1993; hộ khẩu thường trú: Thôn Hải B, xã Hải B, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

(Theo Hợp đồng ủy quyền lập ngày 11/11/2022 của giám đốc Công ty TNHH MTV CĐ và Công ty Luật TNHH TGT. Công ty Luật TNHH TGT chỉ định ông Trần Gia T, ông Lê Ngọc H thực hiện các công việc được ủy quyền).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Công ty TNHH MTV CĐ - Chi nhánh tại Hà Nội;

Địa chỉ: Số 66B phố T, phường T, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Người đứng đầu: Ông Phạm Cao Đ - Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Công ty Luật TNHH TGT; địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà ATS, 252 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Công ty Luật TNHH TGT chỉ định:

1. Ông Trần Gia T, sinh năm 1977; hộ khẩu thường trú: P3206A2, Khu đô thị chức năng thành phố Xanh, đường Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

2. Ông Lê Ngọc H, sinh năm 1993; hộ khẩu thường trú: Thôn Hải B, xã Hải B, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

(Theo Hợp đồng ủy quyền lập ngày 11/11/2022 của giám đốc Công ty TNHH MTV CĐ và Công ty Luật TNHH TGT. Công ty Luật TNHH TGT chỉ định ông Trần Gia T, ông Lê Ngọc H thực hiện các công việc được ủy quyền).

Người kháng cáo, Bà Nguyễn Trần Minh C là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án dân sự sơ thẩm vụ án có nội dung như sau:

* Tại đơn khởi kiện đề ngày 08/11/2019, Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 13/01/2020 và những bản tự khai, đơn trình bày tại Tòa án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 13/01/2018, Bà Nguyễn Trần Minh C đã mua bộ sofa có mã sản phẩm KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF xuất xứ từ Italia của Công ty Cao Đ theo Hợp đồng kinh tế số 13.01.2018/HĐKT/CDC - AT ngày 13/01/2018 và bà C đã thanh toán cho Công ty Cao Đ tổng số tiền trị giá 519.683.120 đồng.

Sau đó, phía Chi nhánh Công ty Cao Đ tiến hành giao hàng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận hàng và kiểm tra thì phát hiện những lỗi khi ban đầu xem sản phẩm mẫu tại showroom CDC Home Design Center của Công ty tại 66B T, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội vẫn còn và còn tiếp tục phát hiện thêm một số lỗi khác. Cụ thể như sau:

1. Mặt da bị thủng lỗ chỗ vì tháo đường chỉ may sai để máy lại nên những lỗ thủng đó là lỗ chân chỉ để lại trên da.

2. Rất nhiều miếng da có dính phần dán dính để cố định phẳng mặt đệm không làm đúng chức năng: hoặc bị thừa, hoặc không có tác dụng dính giữ.

3. Mặt bọc da quá rộng so với đệm nên khổng thể làm mặt ghế căng phẳng được.

4. Khung xương ghế không cân, phía đằng lưng cao chúc ra ngoài nên dẫn đến tình trạng lực dồn về phía thấp hơn. Đó chính là nguyên nhân làm đệm lao ra ngoài và người ngồi trên ghế cũng bị trượt về phía trước.

5. Bản khung ghế hụt 5cm chiều sâu nên không đỡ hết mặt đệm, cộng với lỗi dốc ghế về phía trước nên đệm ghế luôn ở tình trạng: khi ngồi làm đệm và người tuột khỏi ghế.

Do vậy, bà C đã tiến hành liên hệ và trao đổi với Công ty để tìm phương án khắc phục. Sau nhiều ngày trao đổi, ngày 07/02/2018, bà C có gửi email đề nghị Công ty thu hồi lại sản phẩm.

Sau khi bà C gửi email cho bị đơn ngày 07/02/2018 phản ánh về những “lỗi” của sản phẩm, ngày 06/03/2018, đại diện của bị đơn (bà Lê Thị L - quản lý bán hàng A17, ông Lê Ngọc T - Trợ lý Tổng giám đốc, ông Trần Thế A - Team kỹ thuật) đã cùng ông Nino Marano là đại diện của hãng Mariani (hãng sản xuất Bộ sofa Kate mà bà C đã mua) đến tận nhà của bà C kiểm tra sản phẩm. Tại buổi làm việc đó, đại diện của hãng sản xuất và bị đơn và nguyên đơn đã kiểm tra. Các bên đã chụp ảnh thực trạng lỗi mà bà C đã phản ánh và phát hiện thêm một số lỗi ở trên. Khi hai bên đến kiểm tra hàng tại nhà bà C có lập biên bản không thì ông không rõ. Ông chỉ biết bị đơn có gửi cho bà C bản mail Biên bản kiểm tra hàng hóa ngày 06/03/2018 và bị đơn gủi mail cho bà C ngày 07/03/2018 với nội dung “ok, dong y cho ho chon hang de doi nhe va ho phai xem ki truoc hang chu khong co cho doi hay yeu sach lan nua, vi hang the nao ban the do”.

Ông không nhớ bị đơn đến mang bộ sofa về vào thời gian nào. Bà C có yêu cầu được xem toàn bộ các chứng từ liên quan đến sản phẩm để chứng minh cho nguồn gốc chính hãng của sản phẩm được đổi lại.

Trong suốt quá trình email trao đổi, cùng nhiều lần hai bên trực tiếp để thỏa thuận về cách giải quyết nhưng không đi đến được thỏa thuận chung, phía bị đơn Công ty Cao Đ vẫn không hề cung cấp bất kỳ một giấy tờ, tài liệu nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ và vận đơn liên quan đến bộ sofa đã mua, cũng như không đồng ý đặt hàng mới thay thế cho bộ sofa đã thu hồi hay trả lại số tiền mà nguyên đơn bà C đã thanh toán cho Công ty Cao Đ.

Ngày 08/11/2019 bà C đã có đơn khởi kiện gửi Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm yêu cầu bị đơn - Công ty Cao Đ phải giao cho bà đúng sản phẩm mà bà đã đặt mua.

Ngày 20/02/2020, Ông T - đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn bà C đã có đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Theo đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải giao đúng sản phẩm là bộ Sofa theo đúng Hợp đồng, cung cấp toàn bộ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc hoàn trả lại nguyên đơn bà C số tiền 519.683.120 đồng và bồi thường thiệt hại cho bà C trong quá trình tranh chấp là 100.000.000 đồng gồm chi phí Luật sư và chi phí trong quá trình giải quyết vụ án.

Do thời gian đã lâu, bà C đã mua bộ sofa mới cho gia đình nên bà C không yêu cầu bị đơn giao sản phẩm là bộ sofa mới nữa và rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc bồi thường số tiền 50.000.00 đồng là chi phí mà nguyên đơn đã bỏ ra để mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trong vụ án.

Nay nguyên đơn nhận thấy bị đơn đã có những vi phạm sau:

+ Bị đơn không thực hiện nghĩa vụ là thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm hàng hóa đã bán cho bà C; không công bố tiêu chuẩn áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật để xác định các lỗi của sản phẩm như mặt da thủng lỗ chỗ, mặt da nhăn, chân ghế hoen gỉ…để xác định các lỗi này có phải là lỗi của nhà sản xuất hay không? + Cao Đ có hành vi lừa dối khách hàng, cụ thể là: Các bên thống nhất thỏa thuận mua bán theo Hợp đồng là đặt hàng mới hoặc mua sản phẩm có sẵn nhưng cũng phải là hàng mới;

+ Cao Đ không cung cấp cho bà C biết sản phẩm là bộ ghế sofa có mã sản phẩm KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF xuất xứ từ Italia đã bán cho bà C là sản phẩm đã hết thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.

+ Cao Đ đã vi phạm nghĩa vụ của người nhập khẩu theo quy định tại khoản 7 Điều 12 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Nguyên đơn căn cứ vào Điều 302 của Luật thương mại năm 2005, Điều 608 của Bộ luật dân sự năm 2015. Điều 12, Điều 16, Điều 60, Điều 61 của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền 198.415.015 đồng. Căn cứ của số tiền bồi thường, nguyên đơn tính trên lãi suất trung bình cho vay của Ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hà Nội tương đương với 10%/năm, cụ thể:

519.683.120 đồng x 10%/năm x 46 tháng (tạm tính từ ngày 17/01/2018 đến ngày 17/10/2021 là 46 tháng) = 198.415.015 đồng.

Tại Điều 2 của Hợp đồng quy định về điều khoản bảo hành có ghi: “… bao bì đóng gói sản phẩm do hãng sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển quốc tế, sản phẩm được nhập khẩu chính thức có thông quan với các quy định khắt khe như kiểm định hóa chất nguyên liệu từ Trung tâm kiểm tra và đo lường chất lượng Việt Nam và hàng vận chuyển có bảo hiểm quốc tế do bên A thực hiện…”. Theo tôi được biết đây chỉ là nội dung mà (bên A) Công ty Cao Đ nêu ra trong Hợp đồng chứ thực tế bà C không được tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề này. Bà C khi mua sản phẩm ghế sofa không được Công ty Cao Đ giải thích Trung tâm kiểm tra và đo lường chất lượng Việt Nam là Trung tâm nào, có địa chỉ ở đâu.

Đến nay, các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung sau:

1. Buộc bị đơn hoàn trả lại cho nguyên đơn toàn bộ số tiền mua sản phẩm đã thanh toán là: 519.683.120 đồng (Năm trăm mười chín triệu, sáu trăm tám mươi ba nghìn, một trăm hai mươi đồng);

2. Do bị đơn vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng mua bán hàng hóa nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền do bị đơn vi phạm Hợp đồng là 519.683.120 đồng x 0,83%/tháng x 46 tháng = 198.415.015 đồng (tạm tính từ thời gian Công ty Cao Đ giao sản phẩm lỗi từ ngày 17/01/2018 đến ngày 17/10/2021).

Tổng cộng: 718.098.000 đồng (Bảy trăm mười tám triệu, không trăm chín mươi tám nghìn đồng).

* Những người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn - Công ty TNHH MTV CĐ trình bày:

Bị đơn xác nhận nguyên đơn có ký kết Hợp đồng kinh tế số 13.01.18/HĐKT/CDC-AT (Hợp đồng) ngày 13/01/2018 với bị đơn để mua bộ sofa có mã hàng hóa KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF có xuất xứ từ Italia (bộ sofa Kate) về sử dụng như nguyên đơn trình bày.

Quá trình thực hiện Hợp đồng: Bị đơn đã thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình như tại Điều IV của Hợp đồng: Cung cấp hàng hóa đúng chất lượng, đúng xuất xứ và chính hãng cho nguyên đơn, và trên thực tế bị đơn đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ này, cụ thể:

- Hàng đã giao cho nguyên đơn đã đúng chất lượng của nhà sản xuất Nguyên đơn cho rằng bộ sofa Kate có lỗi từ nhà sản xuất như trình bày tại Đơn khởi kiện. Tuy nhiên, bị đơn khẳng định rằng bộ sofa Kate đã đạt tiêu chuẩn chất lượng của hãng sản xuất Mariani và không có bất kỳ lỗi nào từ nhà sản xuất.

Điều này đã được chính hãng sản xuất Mariani tại Ý xác nhận trong quá trình giải quyết kiến nghị của nguyên đơn, cụ thể như sau:

+ Liên quan đến chất lượng sản phẩm, hãng sản xuất Mariani đã cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng để xác nhận rằng Bộ sofa Kate đã đạt các tiêu chuẩn chất lượng của hãng Mariani.

+ Hơn nữa, sau khi nhận được email ngày 07/02/2018 của nguyên đơn phản ánh về những “lỗi” của sản phẩm, ngày 06/03/2018, đại diện của bị đơn (bà Lê Thị L) đã cùng ông Nino Marano là đại diện của hãng Mariani (hãng sản xuất Bộ sofa Kate mà nguyên đơn đã mua) đến tận nhà của nguyên đơn kiểm tra sản phẩm. Tại buổi làm việc đó, đại diện của hãng sản xuất và bị đơn đã kiểm tra và ghi nhận những phản hồi của nguyên đơn về chất lượng sản phẩm để xác định xem đó có phải là lỗi của nhà sản xuất hay không. Sau đó, vào ngày 19/03/2018, đại diện của hãng đã giải thích với bị đơn và kết luận rằng các vấn đề nguyên đơn phản ánh không phải là lỗi từ nhà sản xuất.

+ Đối với phản ánh về việc một tấm nệm ngồi bị lún sau, nhoài về phía trước và khi đứng lên không về form: đó là do hàng bọc da cao cấp của các hãng sản xuất đến từ Italia hầu hết đều sử dụng form mouse mềm lún tự nhiên để tạo độ êm ái và bản chất vật liệu làm từ da bò tự nhiên phải có độ đàn hồi và giãn nở. Vì bộ sofa không dùng nệm lò xo nên không thể nào tự phồng lên và về đúng như form cũ khi đứng lên - đây cũng là đặc tính đã được làm rõ khi trao đổi với nguyên đơn trước khi nguyên đơn mua hàng. Bị đơn tin rằng những đặc tính trên của bộ sofa Kate có thể được kiểm chứng tại bất kì các đơn vị kinh doanh nội thất cao cấp nhập khẩu Ý nào tại Việt Nam vì các sản phẩm nệm làm từ da thật sẽ phải có độ sụt lún và giãn nở tự nhiên.

+ Đối với phản ánh của nguyên đơn về việc đôn sofa bị may lỗi và cho rằng nhà máy đã tháo ra để may lại: đây chỉ là ý kiến phỏng đoán chủ quan của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý với nhận định này. Hơn nữa, đây cũng là chi tiết mà nguyên đơn đã kiểm tra và ngồi thử trước khi quyết định mua hàng. Việc nguyên đơn cáo buộc rằng tại các buổi xem thử hàng trước khi mua đã phát hiện thấy một số lỗi sản phẩm và bị đơn nói hàng giao sẽ không còn tình trạng đó cũng là một thông tin không đúng sự thật và do nguyên đơn tạo ra nhằm hợp lý hóa việc đổi trả sản phẩm.

+ Sau nhiều lần xem sản phẩm trực tiếp từ Showroom, thỏa thuận mua bán thành công, CDC đã giao hàng đến tận nhà cho nguyên đơn. Việc nguyên đơn ký nhận vào Phiếu giao hàng thể hiện rằng nguyên đơn đã nhận được đúng sản phẩm theo thỏa thuận và đã kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm trước khi ký nhận. Cụ thể, Điều V.3 của Hợp đồng quy định về trách nhiệm của nguyên đơn như sau: “Chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm cùng với đại diện giao hàng của Bên A (bị đơn) và ký nhận vào biên bản giao hàng và đồng ý chất lượng sản phẩm sau khi kiểm tra và nhận hàng”. Tương tự, Điều III.2 của Hợp đồng cũng quy định “Bên B (nguyên đơn) có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa và ký duyệt xác nhận chất lượng hàng giao không bị lỗi, hư cho bộ phận giao hàng của Bên A (bị đơn). Bên A sẽ không chấp nhận bất kỳ việc hoàn trả nào sau khi Bên B đã nhận hàng”. Bản thân nguyên đơn cũng đã hiểu rõ chính sách đổi hàng. Trong đó, Điều 2 của Phiếu giao hàng có ghi chính sách đổi hàng quy định rằng: “hàng chỉ được đổi một lần trong vòng 02 ngày với điều kiện chưa giao hàng”. Hợp đồng được ký ngày 13/01/2018 và các bên thỏa thuận giao hàng đến nhà nguyên đơn vào ngày 17/01/2018. Theo đó, nguyên đơn chỉ được yêu cầu đổi hàng trước ngày 15/01/2018 khi Bộ sofa Kate chưa được giao đến nhà nguyên đơn. Tuy nhiên, đến ngày 07/02/2018 (sau 23 ngày kể từ ngày được phép đổi hàng theo quy định và sau khi nguyên đơn đã nhận và sử dụng sản phẩm), nguyên đơn mới phản hồi và yêu cầu đổi lấy sản phẩm khác. Như vậy, dù vì bất kỳ lý do gì thì nguyên đơn cũng không còn quyền để yêu cầu đổi sản phẩm trong trường hợp này. Trên tinh thần thiện chí nên CDC đã chấp nhận đổi hàng cho bà C mặc dù CDC không có nghĩa vụ phải đổi hàng theo quy định của Hợp đồng và chính sách đổi trả hàng. Tuy nhiên, bà C vẫn không hợp tác và có các hành động gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của cửa hàng như: Cho người đến cửa hàng gây rối, đăng bài trên các trang mạng xã hội với những nội dung không đúng ảnh hưởng đến uy tín của CDC.

- Hàng hóa đã giao cho nguyên đơn là đúng với nguồn gốc, xuất xứ quy định tại Hợp đồng:

Mặc dù tại Hợp đồng mua bán hàng hóa không quy định nghĩa vụ của bị đơn phải cung cấp các tài liệu để chứng minh xuất xứ của hàng hóa. Tuy nhiên, bị đơn đã thiện chí đề nghị cung cấp cho nguyên đơn những giấy tờ có giá trị để chứng minh xuất xứ của hàng hóa như:

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) do Phòng thương mại công nghiệp, thủ công và nông nghiệp tỉnh Como của Ý cấp, thể hiện người gửi hàng là hãng sản xuất Mariani;

Thư xác nhận xuất xứ sản phẩm của hãng sản xuất Mariani. Văn bản này đã được bị đơn gửi cho nguyên đơn theo email ngày 05/07/2018; và những văn bản, chứng nhận nêu trên là các tài liệu quan trọng, đủ giá trị để xác minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, mà không phải là vận đơn.

Không những đề xuất cung cấp các chứng nhận về xuất xứ, chất lượng hàng hóa, bị đơn còn đề xuất tạo điều kiện cho nguyên đơn làm việc trực tiếp với hãng sản xuất Mariani ở Ý để xác minh hàng hóa mà nguyên đơn đã mua là đúng nguồn gốc, xuất xứ. Điều này thể hiện được cách làm việc minh bạch, chuyên nghiệp của bị đơn.

Về vận đơn của hàng hóa: Vận đơn là tài liệu mô tả lịch sử vận chuyển cả một lô hàng (trong đó bộ sofa Kate chỉ là một mặt hàng trong lô hàng đó). Vì vậy, danh sách hàng hóa đính kèm vận đơn sẽ không chỉ bao gồm thông tin bộ sofa Kate nguyên đơn đã mua mà gồm cả những mặt hàng khác, và đây là những thông tin kinh doanh nội bộ mà bị đơn không có nghĩa vụ cũng như không thể cung cấp cho nguyên đơn. Hơn nữa, về bản chất, vận đơn chỉ cung cấp thông tin tổng thể về số lượng lô hàng, kiện hàng, mà không thể hiện thông tin cụ thể của mỗi món hàng như tên hàng, hãng sản xuất, chủng loại, kiểu dáng, chất lượng hàng hóa. Do đó, vận đơn không phải là tài liệu đủ giá trị để chứng minh nguồn gốc của bộ sofa Kate nguyên đơn đã mua.

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 08/11/2019, nguyên đơn viện dẫn tới khoản 2 Điều 8 và Điều 23 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Điều 24 của Luật Hải quan năm 2014. Điều 16 và Điều 26 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ tài chính để làm căn cứ yêu cầu bị đơn cung cấp tất cả các giấy tờ chứng minh đi kèm với bộ sofa bao gồm cả vận đơn vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, lưu ý rằng: Khoản 2 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chỉ quy định người tiêu dùng “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa” mà không quy định rằng bên bán hàng phải cung cấp tất cả các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Thậm chí, kể cả trong trường hợp bị đơn - bên bán phải cung cấp các tài liệu để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì như đã nêu trên, vận đơn không đáp ứng được yêu cầu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của hàng hóa. Tiếp theo, việc nguyên đơn viện dẫn Điều 23 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa khuyết tật gây ra cũng không chính xác vì như đã trình bày ở trên, hàng hóa bị đơn bán ra cho nguyên đơn không có bất kỳ khuyết tật nào khiến cho nguyên đơn chịu thiệt hại.

Theo quy định của Luật Hải Quan năm 2014 và Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ tài chính (về thủ tục hồ sơ hải quan và kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu), bị đơn chỉ có nghĩa vụ cung cấp vận đơn và các tài liệu liên quan đến xuất xứ hàng hóa khác với cơ quan có thẩm quyền khi nhập khẩu hàng hóa và làm thủ tục khai báo hải quan, chứ không có nghĩa vụ cung cấp cho người mua là nguyên đơn. Để làm rõ hơn, bị đơn sẵn sàng cung cấp cho Tòa án theo văn bản, tài liệu sau thể hiện Bộ sofa Kate được xuất khẩu cho bị đơn bởi hãng sản xuất Mariani, bao gồm: Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa bị đơn (bên mua) và hãng Mariani (bên bán) và danh sách hàng hóa đính kèm; Hóa đơn xuất theo Hợp đồng mua bán; vận đơn; và Tờ khai hàng hóa nhập khẩu thông quan (trang số 1, 16 và 17).

Từ những nội dung nêu trên, bị đơn khẳng định rằng các xác nhận, chứng nhận CDC cung cấp, đề xuất cung cấp đã đủ giá trị pháp lý để chứng minh bộ sofa Kate là hàng chính hãng được sản xuất bởi hãng Mariani và vận đơn không phải là tài liệu bắt buộc và cần thiết phải cung cấp cho nguyên đơn hay bất kỳ khách hàng nào khác để chứng minh xuất xứ của hàng hóa mà chúng tôi bán ra thị trường. Vì vậy, bị đơn không có nghĩa vụ cung cấp vận đơn cho nguyên đơn.

Đến nay, trước những yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có ý kiến như sau:

1. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn hoàn trả lại toàn bộ số tiền mua sản phẩm đã thanh toán là 519.683.120 đồng.

Bị đơn không đồng ý hoàn trả số tiền nguyên đơn đã mua sản phẩm và đã thanh toán 519.683.120 đồng cho bị đơn, vì Công ty Cao Đ không vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng, cụ thể: Đã giao đúng chất lượng sản phẩm của hãng; Đã giao đúng hàng theo nguồn gốc xuất xứ; Đã giao đúng hàng và nguyên đơn đã ký nhận vào phiếu giao hàng, ở mặt sau của phiếu giao hàng có quy định về đổi trả hàng, nguyên đơn phải biết về chính sách đó.

2. Đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường do vi phạm hợp đồng.

Nguyên đơn cho rằng bị đơn vi phạm Hợp đồng, bởi:

“1. Bị đơn không thực hiện nghĩa vụ thông tin trung thực về chất lượng hàng hóa đã bán cho nguyên đơn bà C;

2. Bị đơn có hành bi lừa dối khách hàng khi vi phạm thỏa thuận mua bán. Ban đầu các bên đã thống nhất thỏa thuận sản phẩm giao đến tay bà C phải là sản phẩm đặt mới hoặc nếu là sản phẩm có sẵn thì cũng phải là sản phẩm mới. Nhưng thực tế, sản phẩm bà C nhận được là hàng cũ và tồn tại rất nhiều lỗi;

3. Bị đơn không thông tin cho bà C biết sản phẩm bộ ghế Sofa mã sản phẩm KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF đã bán cho bà C là sản phẩm đã hết thời hạn bảo hành của nhà sản xuất” Theo đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn: “Mức bồi thường mà nguyên đơn yêu cầu được tính theo lãi suất trung bình cho vay của Ngân hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội (10%/năm = 0,83%/tháng) tương ứng với thời gian gia đình bà C không có sản phẩm sử dụng. Thời gian được tính từ thời điểm CDC giao sản phẩm lỗi tạm tính từ ngày 17/01/2018 đến ngày 17/10/2021 là 46 tháng. Số tiền bà C yêu cầu CDC phải bồi thường thiệt hại tạm tính là: 519.683.120 đồng x 0,83% x 46 tháng = 198.415.015 đồng.

Sau khi nghiên cứu nội dung Đơn khởi kiện bổ sung, bị đơn bác bỏ toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của nguyên đơn căn cứ vào những nội dung sau:

Nguyên đơn không có căn cứ khi cho rằng bị đơn không thực hiện nghĩa vụ thông tin trung thực về chất lượng hàng hóa đã bán cho nguyên đơn.

Tại Mục 1 của Đơn khởi kiện bổ sung, nguyên đơn cho rằng bị đơn không thực hiện nghĩa vụ thông tin trung thực về chất lượng hàng hóa đã bán cho nguyên đơn nhưng không đưa ra được bất kỳ dẫn chứng cũng như tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho lập luận của mình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh, nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp này là nghĩa vụ của nguyên đơn. Vì vậy, bị đơn không có nghĩa vụ phải chứng minh đối với cáo buộc vô căn cứ nêu trên của nguyên đơn. Ngược lại, bị đơn cho rằng nguyên đơn đang có hành vi vu khống cho bị đơn.

Bị đơn bán sản phẩm cho nguyên đơn trên cơ sở nguyên đơn đã tìm hiểu kỹ lưỡng về hàng hóa trước khi các bên giao kết Hợp đồng kinh tế, và bị đơn không bán “hàng cũ” cũng như không có hành vi lừa dối nguyên đơn về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bởi:

+ Thứ nhất, bộ sofa với mã sản xuất KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF mà CDC bán cho nguyên đơn không phải là hàng cũ. Bộ Sofa này là hàng mẫu trưng bày tại showroom số 66B T. Bộ Sofa chưa từng được bán cho ai dưới bất kì hình thức nào nên không phải là hàng cũ. Do vậy, việc nguyên đơn cho rằng bị đơn bán hàng cũ cho nguyên đơn là hoàn toàn không đúng sự thật.

+ Thứ hai, việc mua sản phẩm là quyết định của nguyên đơn sau khi hai bên tuân thủ quy trình bán hàng, báo giá, ký kết Hợp đồng theo chính sách của bị đơn mà theo đó nguyên đơn đã được cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ cũng như tình trạng của sản phẩm, và bị đơn hoàn toàn không lừa dối, cưỡng ép cũng như không bao giờ có ý định che giấu bất kỳ thông tin nào về sản phẩm. Bị đơn khẳng định việc kiểm tra chất lượng sản phẩm là quyền và cũng là nghĩa vụ của nguyên đơn theo quy định tại Điều V của Hợp đồng kinh tế. Do đó, việc nguyên đơn cho rằng bị đơn bán hàng cũ và lừa dối nguyên đơn là hoàn toàn vô căn cứ.

Trên thực tế, bị đơn đã cung cấp đầy đủ bộ hồ sơ pháp lý của bộ Sofa cho Quý Tòa, bao gồm Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO) do cơ quan có thẩm quyền của Italia cung cấp, Giấy chứng nhận chất lượng (CQ) và Thư xác nhận của hãng sản xuất Mariani, cùng bộ chứng từ vận đơn/thông quan của sản phẩm. Những tài liệu này đã đủ giá trị chứng minh rằng bộ Sofa mà bị đơn đã bán cho nguyên đơn là đúng với nguồn gốc xuất xứ và chất lượng mà bị đơn đã công bố cũng như tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu và thông quan hàng hóa trước khi đem bán tới khách hàng.

Thời hạn bảo hành của hãng sản xuất và thời hạn bảo hành của bị đơn áp dụng đối với nguyên đơn là hai chính sách hoàn toàn độc lập.

Thứ nhất: Điều II.2 của Hợp đồng kinh tế quy định rằng bị đơn có nghĩa vụ bảo hành một năm cho nguyên đơn đối với lỗi kỹ thuật do sản xuất. Điều này có nghĩa là bất kì lỗi nào do nhà sản xuất (nếu có) không cần biết rằng sản phẩm có còn trong thời hạn bảo hành của nhà sản xuất hay không - đều sẽ được bị đơn bảo hành trong thời hạn một năm kể từ khi bán hàng cho nguyên đơn. Trên thực tế, bị đơn cũng không hề “trốn tránh” nghĩa vụ bảo hành sản phẩm cho nguyên đơn bởi bị đơn đã sắp xếp nhân sự đến tận nhà nguyên đơn và xem xét kỹ lưỡng các khiếu nại về chất lượng của nguyên đơn đối với sản phẩm và trong quá trình trao đổi giải quyết vấn đề bị đơn cũng đã từng sẵn sàng hỗ trợ nguyên đơn đổi hoặc đặt sản phẩm mới thay thế.

Thứ hai: Không có quy định nào của Hợp đồng kinh tế hoặc của pháp luật Việt Nam buộc bị đơn phải thông báo cho nguyên đơn về chính sách bảo hành của hãng đối với bị đơn nên bị đơn không có nghĩa vụ phải thông báo cho nguyên đơn biết về chế độ bảo hành của nhà sản xuất đối với bộ Sofa. Các quy định của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cũng chỉ áp dụng đối với chính sách bảo hành của bị đơn cho nguyên đơn chứ không áp dụng cho chính sách bảo hành của hãng sản xuất vì nguyên đơn mua hàng trực tiếp từ bị đơn chứ không mua từ hãng sản xuất. Chính sách và thời hạn bảo hành bởi nhà sản xuất và bởi bị đơn (người bán hàng) là hai chính sách hoàn toàn khác và độc lập với nhau. Cụ thể, chính sách và thời hạn bảo hành của nhà sản xuất là để áp dụng đối với bị đơn chứ không phải nguyên đơn, còn chính sách và thời hạn bảo hành của bị đơn là chính sách mà bị đơn áp dụng đối với khách hàng của mình. Trong trường hợp này, thời hạn bảo hành của bộ Sofa mà bị đơn áp dụng đối với nguyên đơn đã quy định rõ ràng là một năm trong Hợp đồng kinh tế và hoàn toàn không phụ thuộc vào thời hạn bảo hành của hãng sản xuất Mariani áp dụng cho bị đơn.

Thứ ba: Trên thực tế, bị đơn đã tạo điều kiện cho nguyên đơn nhiều hơn chính sách bảo hành mà bị đơn áp dụng chung cho các khách hàng bởi mặc dù những vấn đề của sản phẩm mà nguyên đơn nại ra không phải là lỗi do nhà sản xuất (mà do đặc tính của hàng thủ công handmade và hao mòn tự nhiên) nhưng bị đơn đã luôn sẵn sàng thay phụ kiện hoặc đã từng sẵn sàng đổi sản phẩm khác cho nguyên đơn. Sau này, việc bị đơn từ chối bảo hành hay đổi mới sản phẩm cho nguyên đơn hoàn toàn không liên quan đến việc thời hạn bảo hành sản phẩm của hãng sản xuất còn hay hết, mà do bị đơn đã luôn thiện chí hỗ trợ đổi sản phẩm cho nguyên đơn mặc dù các vấn đề của sản phẩm hoàn toàn không phải lỗi do nhà sản xuất và không được áp dụng chế độ bảo hành đổi trả hàng, nhưng nguyên đơn đã liên tục đưa ra các yêu cầu vô lý đối với bị đơn khi đổi mới sản phẩm.

Bộ ghế sofa mà CDC bán cho bà C là do CDC nhập khẩu vào ngày 03/12/2016. Đến ngày 13/01/2018 Công ty Cao Đ ký Hợp đồng bán cho bà C. Đối với bộ ghế sofa này được bảo hành sản phầm là: Nhà sản xuất bảo hành cho nhà phân phối là một năm kể từ ngày bàn giao sản phẩm cho nhà phân phối.

Còn thời hạn bảo hành cho khách hàng là thời điểm nhà phân phối CDC bán cho khách hàng. Trong Hợp đồng mua bán giữa CDC với bà C có điều khoản bảo hành: Bên A bảo hành hàng hóa một năm cho bên B đối với phần lỗi kỹ thuật do sản xuất, và bằng hình thức một đổi một sản phẩm tương đương hoặc nhập và giao mới sản phẩm cho khách hàng trong thời gian ấn định giao hàng do bên A đưa ra.

Theo chính sách chung thì thời hạn bảo hành sản phẩm của CDC bán cho khách hàng là một năm kể từ thời điểm CDC bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Ngày CDC bàn giao sản phẩm cho bà C là ngày 17/01/2018, vậy thời hạn bảo hành sản phẩm bộ sofa bà C mua là từ ngày 17/01/2018 đến ngày 17/01/2019.

Bên A không bảo hành các điều kiện sau khi đã giao hàng cho bên B sử dụng như sau: Hàng bị trầy xước, gãy vỡ, sụn lún do sử dụng, tác động từ bên ngoài, va chạm, dơ bẩn do sử dụng ,không bảo hành điều kiện thời tiết: ẩm mốc, quá khô nóng, để dưới ánh nắng chiếu vào trực tiếp, bị dính các vết do nước và thức ăn trong quá trình sử dụng gây ra...

Từ những căn cứ trên, bị đơn bác bỏ hoàn toàn các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C.

* Bà Lê Thị L và ông Trần Thế A là những người trực tiếp bán hàng cho Bà Nguyễn Trần Minh C tại Showroom 66B T thống nhất trình bày các nội dung sau:

Khoảng đầu năm 2018, bà C đến Showroom CDC tại 54ª Nguyễn Chí Thanh để xem hàng, bà Lê Thị L là người tiếp đón. Do có nhu cầu mua Sofa nên nhân viên đã đưa bà C tới Showroom tại 66B T. Tại đây, nhân viên đã giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn bà C chọn sản phẩm. Sản phẩm mà bà C chọn là bộ Sofa Kate chỉ có duy nhất một bộ đang trưng bày tại cửa hàng. Do đã ưng sản phẩm nên bà C đề nghị báo giá. Hôm sau bà cùng chồng đến xem lại một lần nữa rồi quyết định mua. Sau đó hai bên làm Hợp đồng, bà C thanh toán đủ tiền thì sau hai ngày tức là ngày 17/01/2018 bộ ghế Sofa được chuyển tới gia đình bà C. Sau khi gia đình bà sử dụng được một thời gian, ngày 07/02/2018 CDC có nhận được email của bà C phản hồi, khiếu nại về bộ Sofa “mặt ghế bị nhàu không phẳng, bên cạnh mặt đệm phía dưới mặt ghế bị bong một đoạn da, phần gỉ sét dưới chân ghế”. Sau khi nhận được phản hồi từ khách hàng, Công ty đã cử nhân viên kỹ thuật là ông Trần Thế A đến nhà bà C để kiểm tra. Ông Thế A sau khi kiểm tra đã giải thích cho bà C: về việc mặt ghế bị nhàu, không phẳng là do để dễ dàng vệ sinh nên phần da bên ngoài không được cố định với phần nệm bên trong mà chỉ dán vào, ông đã chỉnh lại cho bà C, phần da bị bong theo phản ánh của bà C là do sản phẩm thủ công, được may bằng tay, phần dưới nệm mà bà C phản ánh là phần nếp gấp thừa rất bình thường của thiết kế chứ không phải phần da bị bong. Về việc chân ghế gỉ sét là do hao mòn tự nhiên do thời tiết, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ vì phải cúi xuống mới nhìn thấy.

Ngày 06/03/2018 khi có đại diện của hãng Mariani bay từ Ý sang Việt Nam thì ông, bà Liên, bà Lê Ngọc T đã cùng ông Nino Marano đại diện của Hãng đến nhà bà C để kiểm tra sản phẩm, lập biên bản ghi nhận hiện trạng. Ngày 19/03/2018 nhà sản xuất đã phản hồi lại cho CDC: không có bất kỳ lỗi nào ở phần da và đệm, nhưng nhà sản xuất sẵn sàng đổi miễn phí phần chân ghế kim loại gỉ sét. Sau đó, CDC đã thông báo cho bà C được biết.

Tại phiên tòa:

* Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Ông T trình bày:

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên các trình bày trong quá trình giải quyết vụ án.

Bị đơn CDC khi ký kết, thực hiện Hợp đồng mua bán với nguyên đơn bà C đã vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của mình trong việc giao hàng và bảo hành hàng hóa. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: CDC không cung cấp thông tin trung thực về hàng hóa cho nguyên đơn, thậm chí đưa thông tin không đúng sự thật gây thiệt hại cho khách hàng, cụ thể là thông tin về bảo hành, xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, sản phẩm cũng không được thông qua quy trình kiểm định của bất kỳ cơ quan, tổ chức chuyên môn nào nhưng CDC vẫn đưa thông tin kiểm định chất lượng sản phẩm vào Hợp đồng.

Thứ hai: Sản phẩm CDC cung cấp không có nhãn mác, bộ nhận dạng thương hiệu, không có cơ sở để xác định hàng hóa CDC nhập khẩu từ nhà sản xuất và hàng hóa CDC cung cấp cho khách hàng là cùng một sản phẩm, vi phạm Điều 5 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP quy định: “Hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này”.

Thứ ba: CDC không thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng sản phẩm theo quy định của pháp luật. Với tư cách là người nhập khẩu đồng thời cũng là người bán hàng, CDC có nghĩa vụ phải công bố tiêu chuẩn áp dụng sản phẩm theo Điều 23 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa nhưng ngay tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện bị đơn đã khẳng định sản phẩm này không cần phải công bố. Vì bị đơn không cung cấp được bất kỳ tài liệu, giấy tờ nào về việc công bố tiêu chuẩn áp dụng sản phẩm đồng thời cũng không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa nên không có cơ sở nào để đánh giá chất lượng của bộ sofa KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF.

Do bị đơn vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng mua bán hàng hóa nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải hủy bỏ Hợp đồng mua bán, trả lại cho nguyên đơn toàn bộ số tiền mua sản phẩm mà nguyên đơn đã thanh toán là 519.683.120 đồng, đồng thời phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền do bị đơn vi phạm Hợp đồng (tạm tính từ thời gian CDC giao sản phẩm lỗi ngày 17/01/2018 đến 05/5/2022) là 519.683.120 đồng x 10%/tháng x 04 năm 02 tháng 19 ngày = 219.421.762 đồng. Tổng cộng:

739.104.000 đồng (Bảy trăm ba mươi chín triệu, một trăm linh tư nghìn đồng).

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn - Luật sư Đinh Cao Thanh trình bày:

Quá trình ký kết, thực hiện Hợp đồng, bị đơn vi phạm các nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như vi phạm những thỏa thuận với nguyên đơn như: thiếu trung thực trong cung cấp thông tin hàng hóa, lừa dối khách hàng, bán sản phẩm hết bảo hành… Việc vi phạm các nghĩa vụ nói trên của bị đơn là nghiêm trọng, căn cứ khoản 2 Điều 423 của Bộ luật dân sự quy định: “Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.” Điều 430 của Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.” Nguyên đơn có quyền hủy Hợp đồng mua bán, yêu cầu bị đơn hoàn trả lại tiền đã mua hàng và bồi thường thiệt hại do vi phạm Hợp đồng.

Do bị đơn vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ theo Hợp đồng mua bán nên phải bồi thường theo khoản 3 Điều 427 của Bộ luật dân sự. Khi bị hủy bỏ thì Hợp đồng mua bán không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận nên nguyên đơn không bị buộc phải trả tiền cho bị đơn, mà bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn số tiền mà nguyên đơn đã thanh toán cho bị đơn khi mua sản phẩm là 519.683.120 đồng.

Do bị đơn chiếm dụng tiền của nguyên đơn kể từ ngày 15/01/2018 nên đã làm cho nguyên đơn không được sử dụng số tiền này, gây thiệt hại về kinh tế cho nguyên đơn. Việc xác định thiệt hại của nguyên đơn có thể được áp dụng tương tự pháp luật theo Điều 6 của Bộ luật dân sự “Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 357 của Bộ luật dân sự quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”. Áp dụng khoản 2 Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự, do các bên không có thỏa thuận lãi suất nên áp dụng mức lãi suất bằng 1/2 mức tối đa mà Bộ luật dân sự cho phép là 20% : 2 = 10%/năm. Bị đơn phải trả nguyên đơn tiền lãi trên số tiền đã thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 15/01/2018 cho đến khi bị đơn thực tế trả hết tiền cho nguyên đơn. Số tiền lãi này tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 207.244.408 đồng.

* Những người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Thế và ông Chính trình bày:

Bị đơn giữ nguyên quan điểm trong quá trình giải quyết vụ án, hoàn toàn không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn, vì các lí do sau đây: Thứ nhất, CDC khẳng định rằng bộ sofa đã bán cho nguyên đơn là hàng chính hãng, có xuất xứ tại Ý đúng với cam kết của CDC với người mua thể hiện bằng các giấy tờ, tài liệu liên quan đến xuất xứ của sản phẩm, bao gồm Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO) của cơ quan có thẩm quyền của Ý, Giấy chứng nhận chất lượng (CQ) do hãng sản xuất là Mariani cung cấp, Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Mariani và CDC, bộ hồ sơ khai báo hải quan bao gồm Vận đơn, các Hóa đơn và danh sách hàng hóa, Thư xác nhận nguồn gốc hàng hóa của hãng sản xuất Mariani…. Đồng thời, sản phẩm không có lỗi từ nhà sản xuất. Những nhận định về lỗi sản phẩm của nguyên đơn hoàn toàn chỉ là nhận định của người mua hàng chứ không có giá trị pháp lý để chứng minh hàng hóa có lỗi từ nhà sản xuất, do đó không được áp dụng chính sách bảo hành quy định tại Hợp đồng.

Thứ hai, Nguyên đơn hoàn toàn tự nguyện khi giao kết Hợp đồng với bị đơn CDC, thể hiện trong suốt quá trình trải nghiệm và mua bộ ghế sofa. Vì vậy, Hợp đồng mua bán hàng hóa đối với bộ ghế sofa giữa nguyên đơn và bị đơn, mặc dù chưa được các bên ký đầy đủ, đã hoàn toàn phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm nguyên đơn thanh toán tiền hàng và bị đơn giao hàng cho nguyên đơn căn cứ vào khoản 1 Điều 129 của Bộ Luật Dân Sự 2015, đồng thời CDC cũng yêu cầu Tòa án quận Hoàn Kiếm công nhận hiệu lực của Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa CDC và bà C căn cứ vào quy định trên.

Thứ ba: Nguyên đơn đã vi phạm chính sách đổi, trả hàng hóa được ghi rõ trên Phiếu giao hàng. Điều 2 của chính sách đổi hàng đính kèm phiếu giao hàng quy định: rằng hàng chỉ được đổi một lần trong vòng 02 ngày với điều kiện chưa giao hàng. Tuy nhiên, thời gian nguyên đơn nhận và sử dụng bộ Sofa đã lâu rồi mới yêu cầu đổi, trả là không có căn cứ.

Thứ tư: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn cung cấp Vận đơn của sản phẩm là hoàn toàn không có căn cứ. Khoản 2 Điều 8 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chỉ quy định người tiêu dùng “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa” mà không quy định rằng bên bán hàng phải cung cấp tất cả các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Thậm chí, kể cả trong trường hợp bị đơn - bên bán phải cung cấp các tài liệu để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì như đã nêu trên, Vận đơn không đáp ứng được yêu cầu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của hàng hóa. Tiếp theo, việc nguyên đơn viện dẫn Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa khuyết tật gây ra cũng không chính xác vì như đã trình bày ở trên, hàng hóa bị đơn bán ra cho nguyên đơn không có bất kỳ khuyết tật nào khiến cho nguyên đơn chịu thiệt hại.

Hơn nữa, việc nguyên đơn cho rằng bị đơn vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng mua bán hàng hóa nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền bị đơn vi phạm Hợp đồng (tạm tính từ thời gian bị đơn giao sản phẩm lỗi ngày 17/01/2018 đến 05/5/2022) là 519.683.120 đồng x 10%/năm x 04 năm 02 tháng 19 ngày = 219.421.762 đồng và yêu cầu bị đơn hoàn trả lại cho nguyên đơn toàn bộ số tiền mà nguyên đơn mua sản phẩm đã thanh toán là 519.683.120 đồng. Tổng cộng là: 739.104.000 đồng (Bảy trăm ba mươi chín triệu, một trăm linh tư nghìn đồng) là không có căn cứ, vì bị đơn đã thực hiện đúng theo Hợp đồng mua bán nên bị đơn không có nghĩa vụ phải hoàn trả nguyên đơn số tiền nguyên đơn đã bỏ ra để mua bộ ghế Sofa và bồi thường tiền lãi của số tiền trên.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2022/DS-ST ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã quyết định:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn là Bà Nguyễn Trần Minh C với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ.

2. Xác định Hợp đồng kinh tế số 13.01.2018/HĐKT/CDC - AT ngày 13/01/2018 giữa nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C và bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ có hiệu lực pháp luật.

3. Xác định bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ đã thực hiện đúng các thỏa thuận trong Hợp đồng kinh tế số 13.01.2018/HĐKT/CDC - AT ngày 13/01/2018, giao hàng đúng mẫu mã, là bộ Sofa có mã hàng hóa KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF của nhà sản xuất I.4 MARIANI S.P.A tại Ý cho nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C.

4. Xác định bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ không vi phạm Hợp đồng .

5. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C buộc bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ nhận lại sản phẩm và hoàn lại tiền mua hàng là 519.683.120 đồng (Năm trăm mười chín triệu, sáu trăm tám mươi ba nghìn, một trăm hai mươi đồng).

6. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C buộc bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ phải bồi thường thiệt hại số tiền là 219.421.762 đồng (Hai trăm mười chín triệu, bốn trăm hai mươi mốt nghìn, bảy trăm sáu hai đồng).

Ngoài ra Bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Không đồng ý, Bà Nguyễn Trần Minh C do người đại diện theo uỷ quyền là ông Nguyễn Văn Thân ông kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm. Đơn kháng cáo của bà C có nội dung chính: Không đồng ý với Bản án dân sợ sơ thẩm ngày 10/5/2022 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm do Bị đơn không thực hiện nghĩa vụ chứng minh theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 dẫn đến hệ quả không làm rõ được bản chất vụ án, Tòa cấp sơ thẩm đưa ra kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn. Bà C yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đương sự giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo, không xuất trình chứng cứ mới.

Tham gia phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung, sau khi phân tích đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Bà Nguyễn Trần Minh C, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

Về tố tụng, Bà Nguyễn Trần Minh C nộp đơn kháng cáo, nộp tiền tạm ứng án phí trong hạn luật định là hợp lệ.

Về nội dung, xét yêu cầu kháng cáo của Bà Nguyễn Trần Minh C, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Trước khi ký kết hợp đồng, Bà Nguyễn Trần Minh C đã đến Showroom của Công ty TNHHMTV Cao Đ- Chi nhánh tại Hà Nội để tìm mua bộ sofa, sau khi tìm hiểu, xem trực tiếp sản phẩm tại các Showroom, bà C đã chọn mua bộ sofa có mã sản phẩm KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF xuất xứ từ Italia của Công ty Cao Đ. Ngày 13/01/2018, Bà Nguyễn Trần Minh C với Công ty TNHHMTV Cao Đ đã ký Hợp đồng kinh tế số 13.01.2018/HĐKT/CDC - AT ngày 13/01/2018 (sau đây gọi là Hợp đồng).

Thực hiện Hợp đồng đã ký kết, ngày 17/01/2018 CDC đã giao cho bà C bộ Sofa mà bà đặt mua đến nhà riêng tại V, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Việc giao hàng được thể hiện bằng Phiếu giao hàng kèm theo là chính sách đổi hàng và có chữ ký xác nhận của Bà Nguyễn Trần Minh C và kế toán của CDC.

Sau một thời gian sử dụng, bà C cho rằng bộ Sofa có một số lỗi, cụ thể như:

- Mặt da bị thủng lỗ chỗ vì tháo đường chỉ may sai để máy lại nên những lỗ thủng đó là lỗ chân chỉ để lại trên da.

- Rất nhiều miếng da có dính phần dán dính để cố định phẳng mặt đệm không làm đúng chức năng: hoặc bị thừa, hoặc không có tác dụng dính giữ.

- Mặt bọc da quá rộng so với đệm nên khổng thể làm mặt ghế căng phẳng được.

- Khung xương ghế không cân, phía đằng lưng cao chúc ra ngoài nên dẫn đến tình trạng lực dồn về phía thấp hơn. Đó chính là nguyên nhân làm đệm lao ra ngoài và người ngồi trên ghế cũng bị trượt về phía trước.

- Bản khung ghế hụt 5cm chiều sâu nên không đỡ hết mặt đệm, cộng với lỗi dốc ghế về phía trước nên đệm ghế luôn ở tình trạng: khi ngồi làm đệm và người tuột khỏi ghế.

Tại khoản 1 Điều 2 của Hợp đồng quy định: “Phẩm chất kỹ thuật: Bên A giao đúng mẫu hàng, màu sắc, chất liệu do bên B đã ký duyệt và cam kết đảm bảo nhãn hiệu, xuất sứ sản xuất của sản phẩm do bên B đã chọn mua” Tại Điều IV của Hợp đồng kinh tế số 13.01.2018/HĐKT/CDC - AT ngày 13/01/2018 về trách nhiệm của bên A (Công ty Cao Đ), theo đó Công ty Cao Đ có trách nhiệm sau:“Cung cấp hàng hóa đúng chất lượng, số lượng cho bên B theo như trên Hợp đồng đã ký và giao hàng đúng thời hạn; Cam kết sản phẩm đúng xuất xứ và chính hãng đối với bên B; Bên A giao hàng đến tận địa điểm do bên B cung cấp trong một lần và không phát sinh địa điểm khác”.

Theo lời khai của bà C: Sản phẩm mà bà C chọn là bộ Sofa Kate chỉ có duy nhất một bộ đang trưng bày tại cửa hàng. Do đã ưng sản phẩm nên bà C đề nghị báo giá. Hôm sau bà cùng chồng đến xem lại một lần nữa rồi quyết định mua. Như vậy, tài sản mà bà C chọn mua là vật đặc địnhtheo khoản 2 Điều 113 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Thực hiện Hợp đồng, ngày 17/01/2018 CDC đã giao cho bà C bộ Sofa mà bà đã đặt mua, khi nhận hàng bà C cũng không có ý kiến gì về sản phẩm mà CDC đã giao. Như vậy, có cơ sở xác định CDC đã giao đúng sản phẩm mà bà C đã chọn mua khi ký hợp đồng là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật dân sự năm 2015: “Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó” Tại khoản 3 Điều 445 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:“3. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây: Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua”. Theo lời khai của bà C, khi mua bà đã phát hiện ra một số lỗi của sản phẩm, nhưng vẫn trả tiền để mua sản phẩm, khi giao hàng, bà vẫn nhận hàng. Như vậy, bà C đồng ý mua bộ Sofa mặc dù theo bà C sản phẩm có một số lỗi.

Quá trình giải quyết vụ án, CDC đã cung cấp cho Tòa án các tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của bộ Sofa có mã hàng hóa KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF có xuất xứ từ Ý, gồm: Hợp đồng mua bán giữa CDC và Hãng MARIANI S.p.A, Hóa đơn của lô hàng, Vận đơn của lô hàng, Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa do nhà sản xuất cung cấp (đã được dich từ tiếng Anh sang tiếng Việt và được chứng nhận công chứng). Theo đó, sản phẩm ghế Sofa Kate 260x20cm bằng da PF 4129, có mã sản phẩm KATE00DI260DX, ghế Sofa 4 chỗ 260cm với cánh tay phải và bánh xích và bánh xích trái KATE00CH210SXPF - là sản phẩm do bên bán là I.4 MARIANI S.P.A có địa chỉ tại Ý người đại diện là Ông MARIANI STEFANO bán cho bên mua là Công ty TNHH Một thành viên Cao Đ có địa chỉ tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện là ông Phạm Cao Đ kèm theo Hóa đơn số 695 ngày 24/10/2016. Kèm theo sản phẩm có Giấy chứng nhận chất lượng mô tả chính xác các thông số kỹ thuật của sản phẩm, chất liệu, số lượng. CDC cũng đã nộp cho Tòa án Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan). Như vậy, bộ Sofa Kate nói riêng cũng như các sản phẩm khác trong lô hàng mà CDC nhập khẩu từ I.4 MARIANI S.P.A đều đã đầy đủ các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm, đã kê khai hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng Bản án dân sự sơ thẩm xác định quá trình thực hiện Hợp đồng, bị đơn CDC đã thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình là phù hợp với thoả thuận của hai bên trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại: Do quá trình thực hiện Hợp đồng, bị đơn CDC đã không vi phạm Hợp đồng, không có trách nhiệm nhận lại hàng hóa và hoàn lại số tiền mua hàng cho bà C. Do đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà C không có căn cứ.

Như phân tích trên, Bản án dân sự sơ thẩm đã căn cứ và áp dụng đúng các quy định của pháp luật hiện hành để xét xử vụ kiện, kháng cáo của Bà Nguyễn Trần Minh C không có căn cứ, không được chấp nhận; cần giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.

Án phí phúc thẩm: Bà Nguyễn Trần Minh C phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 26, 30, 35, 39, 147,148, 227, 228, 271, 273, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 113, 116, 129, 430, 431, 432, 445 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 12; Điều 21; Điều 30; Điều 41 của Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngµy 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án.

Xử:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Bà Nguyễn Trần Minh C.

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2022/DS-ST ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, cụ thể như sau:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn là Bà Nguyễn Trần Minh C với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ.

2. Xác định Hợp đồng kinh tế số 13.01.2018/HĐKT/CDC - AT ngày 13/01/2018 giữa nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C và bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ có hiệu lực pháp luật.

3. Xác định bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ đã thực hiện đúng các thỏa thuận trong Hợp đồng kinh tế số 13.01.2018/HĐKT/CDC - AT ngày 13/01/2018, giao hàng đúng mẫu mã, là bộ Sofa có mã hàng hóa KATE00DI260DXPF và KATE00CH210SXPF của nhà sản xuất I.4 MARIANI S.P.A tại Ý cho nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C.

4. Xác định bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ không vi phạm Hợp đồng .

5. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C buộc bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ nhận lại sản phẩm và hoàn lại tiền mua hàng là 519.683.120 đồng (năm trăm mười chín triệu, sáu trăm tám mươi ba nghìn, một trăm hai mươi đồng).

6. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Bà Nguyễn Trần Minh C buộc bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Đ phải bồi thường thiệt hại số tiền là 219.421.762 đồng (hai trăm mười chín triệu, bốn trăm hai mươi mốt nghìn, bảy trăm sáu hai đồng).

7. Về án phí:

* Án phí sơ thẩm: Bà Nguyễn Trần Minh C phải chịu 33.565.000 đồng (ba mươi ba triệu, năm trăm sáu mươi lăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 14.390.000 đồng theo Biên lai thu số 017997 ngày 29/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm. Bà C còn phải nộp tiếp số tiền 19.175.000 đồng (mười chín triệu, một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

* Án phí phúc thẩm: Bà Nguyễn Trần Minh C phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 051639 ngày 27/5/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm.

8. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

739
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá số 485/2022/DS-PT

Số hiệu:485/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:28/11/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về