Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 19/2023/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 19/2023/KDTM-PT NGÀY 16/08/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 16 tháng 8 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 09/2023/TLPT-KDTM ngày 29 tháng 05 năm 2023, về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 109/2023/QĐXX-PT ngày 11 tháng 7 năm 2023; Thông báo hoãn phiên tòa số: 115/2023/TB-TA ngày 21 tháng 7 năm 2023; Thông báo hoãn phiên tòa số: 122/2023/TB-TA ngày 04 tháng 8 năm 2023, giữa các đương sự: 

1. Nguyên đơn: Công ty H. Địa chỉ: Tổ A, phường H, quận L, thành phố Đ.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông X - Chức vụ: Giám đốc. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn S;

Luật sư của Công ty Luật T; Địa chỉ: Số B, quận T, thành phố Đ. Có mặt.

2. Bị đơn: Công ty C. Địa chỉ: Số V, phường B, quận B, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông T - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lê P, sinh năm 1993; Địa chỉ: Số S, đường H, quận T, Đ. Vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Trần H; Luật sư của Công ty Luật M; Địa chỉ: Số D, đường H, quận T, thành phố Đ. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Hồ T- Sinh năm 1989 - Địa chỉ: thôn T, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Nam. Vắng mặt.

- Bà Hoàng H- Sinh năm 1979 - Địa chỉ: Chi nhánh Công ty C, quận L, thành phố Đ. Vắng mặt.

3. Người kháng cáo: Công ty C là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa Đại diện nguyên đơn - Công ty H trình bày:

Ngày 01/07/2018, Công ty H ký hợp đồng về việc mua bán mùn cưa với Công ty C để phục vụ cho việc vận hành lò hơi 30T. Thời gian thực hiện Hợp đồng từ ngày 01/07/2018 đến 31/12/2019. Sau đó, hai bên đã ký thêm Phụ lục số 01 ngày 22/09/2018 và Phụ lục số 02 ngày 01/12/2019. Theo hợp đồng: Số lượng mua bán ít nhất 600 tấn/tháng, mỗi ngày giao từ 20 tấn. Nếu giao số lượng thấp hơn thì phải giao bù vào ngày hôm sau. Quá trình thực hiện hợp đồng, căn cứ số liệu tại phiếu cân hàng thực tế và hồ sơ thanh toán (Hoá đơn GTGT) mà Công ty Hđã gửi cho Công ty C, số lượng hàng mà Công ty Hđã giao cho Công ty C:

Tháng 06/2020 là 661.545 kg (tương đương hơn 661 tấn), giá trị phải thanh toán sau thuế GTGT 10% là: 494.835.600 đồng.

Tháng 07/2020 là 612.179 kg (tương đương hơn 612 tấn), giá trị phải thanh toán sau thuế GTGT 10% là: 457.909.892 đồng.

Ngày 17 và ngày 18/08/2020, số lượng là: 27.096kg, giá trị phải thanh toán sau thuế GTGT 10% là: 20.863.920 đồng.

Tổng cộng số tiền phải thanh toán cho là: 494.835.600đ (tháng 6) + 457.909.892đ (tháng 7) + 20.863.920đ (tháng 8) = 973.609.412 đồng.

Ngày 14/08/2020, Công ty C thanh toán cho Công ty H số tiền là: 64.455.410 đồng và ngày 12/09/2020, Công ty C thanh toán tiếp cho Công ty H số tiền là :

100.000.000 đồng. Công ty H đã nhiều lần đôn đốc, thương lượng nhưng Công ty C vẫn không chịu thanh toán số tiền mua hàng còn thiếu 809.154.062 đồng.

Do vậy Công ty H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty C trả cho Công ty H số tiền 1.078.280.910 đồng, trong đó: tiền nợ mua hàng 809.154.062 đồng; phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán 64.732.320 đồng; tiền lãi chậm trả tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 10/4/2023 là 204.394.528 đồng.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn buộc nguyên đơn phải bồi thường số tiền 3.680.840.000 đồng vì không cung cấp đủ số lượng hàng cho bị đơn, cung cấp hàng cho Công ty cổ phần tập đoàn T đề nghị Tòa án không chấp nhận do Công ty H đã tuân thủ đúng hợp đồng, chỉ dừng cung cấp hàng khi bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán; việc bán hàng cho Công ty cổ phần tập đoàn T được thực hiện sau khi nguyên đơn khởi kiện vụ án này tại Tòa án nhân dân quận L.

* Bị đơn là Công ty C trình bày:

Bị đơn thừa nhận việc ký kết hợp đồng như nguyên đơn đã trình bày và xác nhận Công ty C chưa thanh toán tiền mua hàng của tháng 6, tháng 7 và ngày 17, 18/8/2020 cho Công ty H. Tuy nhiên không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì các phiếu cân Công ty H cung cấp không khách quan, từ tháng 6/2020 hai bên đã thống nhất trong hồ sơ thanh toán còn phải bao gồm: phiếu nhập kho, phiếu xuất kho nhưng đến nay nguyên đơn vẫn không cung cấp được nên Công ty C không có căn cứ để thanh toán.

Đồng thời bị đơn phản tố, cho rằng trong thời gian từ ngày 01/8/2020 đến ngày 30/4/2021, Công ty H cung cấp cho Công ty C thiếu 5.413 tấn hàng; mặt khác Công ty H còn cung cấp hàng cho Công ty cổ phần tập đoàn T là vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của hợp đồng mua bán và phụ lục số 01, phụ lục số 02. Do vậy, Công ty C yêu cầu Tòa án buộc Công ty H thanh toán số tiền phạt là: (272 ngày x 20tấn/ngày - 27 tấn) x 680.000đ/tấn = 3.680.840.000 đồng (Ba tỷ, sáu trăm tám mươi triệu, tám trăm bốn mươi ngàn đồng).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hoàng H trình bày: Bà được giao nhiệm vụ quản lý việc xuất nhập hàng giữa Công ty Cvà Công ty H. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, do thấy việc cân hàng không được khách quan nên bà đề xuất với ông Hoàng T(người đại diện theo pháp luật của Công ty C) chỉ chấp nhận thanh toán cho Công ty H khi có phiếu xuất kho của Công ty H và phiếu nhập kho của Công ty C cùng với phiếu cân. Từ tháng 6 năm 2020, ông T thống nhất với đề xuất trên đây của bà H, sau đó bà đã yêu cầu người được giao nhiệm vụ cân hàng là ông Hồ T phải có phiếu xuất, phiếu nhập khi cân hàng. Còn trao đổi, thỏa thuận cụ thể vấn đề này giữa Công ty C và Công ty H như thế nào bà không biết. Việc cân hàng do Công ty C trực tiếp thực hiện tại Công ty HT (Công ty HT cho thuê cân, không liên quan đến việc cân hàng, nhập hàng, xuất hàng của Công ty C).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Hồ T trình bày:

Tại thời điểm năm 2020, ông làm việc cho Công ty C và được giao nhiệm vụ cân loại mặt hàng dăm bào của Công ty H giao. Sau khi cân xong ông nhận hàng và lưu kho, việc cân hàng đảm bảo đúng quy trình, khách quan, không có gì gian dối.

Đối với chỉ đạo liên quan đến phiếu nhập kho, phiếu xuất kho khi thanh toán đi kèm với phiếu cân thì ông không nắm được và không thuộc trách nhiệm của ông.

* Người làm chứng: Công ty cổ phần tập đoàn T vắng mặt tại phiên tòa, nhưng tại Văn bản ngày 21/7/2022 vàVăn bản số 2203/2023/CV-TTG ngày 31/3/2023 gửi Tòa án đã có ý kiến: Công ty cổ phần tập đoàn T không biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ việc, không liên quan đến quan hệ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty H.

* Ý kiến phát biểu của ông Nguyễn S - Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì các lý do sau:

- Thứ nhất, ông Hồ T là nhân viên của Công ty C đã nhận đầy đủ số lượng mùn cưa của tháng 6, tháng 7 và một phần của tháng 8/2020 nhưng Công ty C không thanh toán đúng hạn số tiền mua hàng là vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng được ký kết vào ngày 01/7/2018, Phụ lục số 01 ngày 22/09/2018 và Phụ lục số 02 ngày 01/12/2019 về nghĩa vụ thanh toán.

- Thứ hai, tại Văn bản thừa phát lại nội dung ghi âm về các cuộc đàm thoại qua điện thoại cầm tay giữa ông Võ Xê - Giám đốc Công ty H và ông Hoàng T - Giám đốc Công ty C đã được lập vi bằng số 63/2020/VB-TPLPH, ông T đã thừa nhận khoản nợ 809.154.062 đồng và hứa hẹn thanh toán.

- Thứ ba, yêu cầu của nguyên đơn về phạt vi phạm hợp đồng 8% trên số tiền mua hàng Công ty C chưa thanh toán tương đương số tiền 64.732.325 đồng phù hợp với Điều 301 Luật thương mại và thấp hơn mức phạt quy định tại hợp đồng hai bên đã ký kết là 0,3%/tổng giá trị thanh toán/ngày chậm thanh toán.

- Thứ tư, yêu cầu trả tiền lãi 204.394.528 đồng của nguyên đơn với mức lãi suất được áp dụng 10%/năm phù hợp với Điều 468 Bộ luật dân sự, thấp hơn mức lãi suất quy định tại Điều 306 Luật thương mại nên có căn cứ.

- Thứ năm, phản tố của bị đơn yêu cầu phạt nguyên đơn số tiền vi phạm hợp đồng 3.680.840.000đồng không có cơ sở vì Công ty H không vi phạm hợp đồng.

* Ý kiến phát biểu của ông Trần H - Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn:

- Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc Công ty C hanh toán số tiền mua hàng 890.613.000 đồng không có cơ sở, bởi lẽ: tại Hợp đồng ký kết ngày 01/7/2018, hai bên đã thỏa thuận Công ty C thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty H khi có đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo Điều 3 của hợp đồng. Tuy nhiên trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2020 các bên không chốt được khối lượng hàng hóa mua bán cụ thể. Do kết quả cân hàng không chính xác, Công ty C đã nhiều lần yêu cầu Công ty H cung cấp chứng từ xuất kho, nhập kho để thanh toán nhưng nguyên đơn không cung cấp vì vậy Công ty C không có căn cứ thanh toán tiền mua hàng, việc chậm thanh toán (tạm ngừng thanh toán) không do lỗi của Công ty C và hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 51 Luật thương mại “bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán”.

- Đối với phản tố của Công ty C yêu cầu Công ty H bồi thường hợp đồng:

Điều 5 của Hợp đồng mua bán ngày 01.7.2018, được sửa đổi bởi Phụ lục hợp đồng số 02 có quy định“Điều kiện thực hiện - Vi phạm hợp đồng: Bên B cam kết phải giao đủ số lượng hàng cho bên A theo khoản 1.3, điều 1 và cam kết không được cung cấp hàng cho công ty Cty Đ, Cty cổ phần TH. Nếu bên B giao thiếu hàng sẽ phải chịu phạt theo số lượng hàng giao thiếu hoặc bên B giao hàng cho Cty Đ và Công ty cổ phần tập đoàn T thì bên B sẽ phải chịu phạt số tiền tương ứng với số lượng hàng mà bên B vi phạm (Do giao thiếu hoặc giao hàng cho Cty Đ và Công ty cổ phần tập đoàn T)”. Theo các điều khoản của Hợp đồng mua bán và Phụ lục hợp đồng số 02 thì thỏa thuận các bên ký kết có hiệu lực đến ngày 30.4.2021, trong thời gian này Công ty H không được quyền cung cấp hàng cho Công ty Đ và Công ty cổ phần tập đoàn T nhưng vào ngày 11.12.2020 Công ty H ký kết hợp đồng và cung cấp hàng cho Công ty cổ phần tập đoàn T là đã vi phạm thỏa thuận.

Cũng theo quy định tại điều 5 của hợp đồng mua bán ngày 01.7.2018, nếu bên mua thanh toán không đúng theo hợp đồng thì bên bán có quyền ngừng cung cấp hàng, không đề cập đến quyền hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do vậy, trong thời gian từ ngày 01.8.2020 đến ngày 18.8.2020, Công ty H cung cấp thiếu số lượng hàng hóa và từ ngày 19.8.2020 đến nay không cung cấp hàng cho Công ty C là vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận.

Kể từ thời điểm Công ty H đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty C để hợp tác với các công ty khác, phía Công ty C không nhận được thông báo chính thức về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của Công ty H. Giữa hai bên cũng không có văn bản nào thể hiện thanh lý hợp đồng trước thời hạn này. Do vậy Công ty H đã vi phạm quy định tại Điều 315 Luật Thương mại về nghĩa vụ thông báo khi tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng.

Từ những lý do trên đây, yêu cầu phản tố buộc Công ty H phải bồi thường số tiền 3.680.840.000 đồng của Công ty C hoàn toàn có căn cứ.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 10/4/2023 của Toà án nhân dân quận L, thành phố Đ đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm g khoản 1 Điều 40, Điều 147, 200, 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 24, 50, 55, 300, 301, 306 Luật thương mại;

Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/20016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc Công ty C trả cho Công ty H số tiền: 1.078.280.910đ (Một tỷ, không trăm bảy mươi tám triệu, hai trăm tám mươi ngàn, chín trăm mười đồng), trong đó: Tiền nợ mua hàng 809.154.062đ (Tám trăm lẻ chín triệu, một trăm năm mươi bốn ngàn, không trăm sáu mươi hai đồng); Tiền phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán 64.732.320đ (sáu mươi bốn triệu, bảy trăm ba mươi hai ngàn, ba trăm hai mươi đồng); Tiền lãi chậm thanh toán 204.394.528đ (Hai trăm lẻ bốn triệu, ba trăm chín mươi bốn ngàn, năm trăm hai mươi tám đồng).

Kể từ ngày Công ty H có đơn yêu cầu thi hành án, Công ty C còn phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty C về việc buộc Công ty H thanh toán cho Công ty C số tiền 3.680.840.000đ (Ba tỷ, sáu trăm tám mươi triệu, tám trăm bốn mươi ngàn đồng) 3. Về án phí: Công ty C phải chịu 149.965.326đ (Một trăm bốn mươi chín triệu, chín trăm sáu mươi lăm ngàn, ba trăm hai mươi sáu đồng) án phí KDTM sơ thẩm, trong đó: án phí đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là 44.348.427đ, án phí đối với yêu cầu phản tố là 105.616.899đ. Khấu trừ số tiền Công ty C đã nộp tạm ứng án phí 52.808.000đ theo biên lai thu số 0000198 ngày 31/12/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận L. Buộc Công ty C nộp tiếp số tiền: 97.157.326đ (Chín mươi bảy triệu, một trăm năm mươi bảy ngàn, ba trăm hai mươi sáu đồng).

Hoàn trả cho Công ty H số tiền tạm ứng án phí 19.359.195đ đã nộp theo biên lai thu số 0004808 ngày 27/22/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận L, thành phố Đ.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn Công ty C kháng cáo nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2023/KDTM- ST ngày 10/4/2023 của Tòa án nhân dân quận L, thành phố Đ theo hướng không chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn Công ty H và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty C.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên nội dung khởi kiện, bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo, các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đ đề nghị: HĐXX tạm ngừng phiên tòa để giám định chữ ký của ông Hồ Tấn Phượng.

Luật sư nguyên đơn: Đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ kháng cáo và không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bị đơn: Đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị đơn, chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Ngày 24/4/2023 bị đơn Công ty C có đơn kháng cáo là trong thời hạn luật định, nên hợp lệ.

[2] Về nội dung kháng cáo:

[2.1] Xét nội dung kháng cáo của Công ty C về việc không thanh toán cho Công ty H vì lý do sau:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty C nhận thấy các phiếu cân (do Công ty HT phát hành) mà Công ty H cung cấp không chính xác, không có biên bản giao nhận hàng hóa, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho để thể hiện Công ty H đã giao hàng cho Công ty C, bảng kê nhập hàng hóa cũng không có chữ ký xác nhận của người đại diện Công ty C. Công ty C đã nhiều lần yêu cầu Công ty H cung cấp các chứng từ trên nhưng Công ty H vẫn không cung cấp. Vì vậy Công ty C không thực hiện thanh toán là có cơ sở, không phải lỗi của Công ty C và phù hợp với quy định pháp luật về việc tạm ngừng thanh toán.

Xét thấy:

Ngày 01/07/2018, Công ty H (gọi tắt là Bên A) ký hợp đồng về việc mua bán mùn cưa với Công ty C (gọi tắt là Bên B) để phục vụ cho việc vận hành lò hơi 30T. Thời gian thực hiện Hợp đồng từ ngày 01/07/2018 đến 31/12/2019. Sau đó, hai bên đã ký thêm Phụ lục số 01 ngày 22/09/2018 và Phụ lục số 02 ngày 01/12/2019. Theo hợp đồng: Số lượng mua bán ít nhất 600 tấn/tháng, mỗi ngày giao từ 20 tấn. Nếu giao số lượng thấp hơn thì phải giao bù vào ngày hôm sau.

Quá trình thực hiện hợp đồng, căn cứ số liệu tại phiếu cân hàng thực tế và hồ sơ thanh toán (Hoá đơn GTGT) mà Công ty H đã gửi cho Công ty C, số lượng hàng mà Công ty Hđã giao cho Công ty Cnhư sau:

Tháng 06/2020 là 661.545 kg (tương đương hơn 661 tấn), giá trị phải thanh toán sau thuế GTGT 10% là: 494.835.600 đồng.

Tháng 07/2020 là 612.179 kg (tương đương hơn 612 tấn), giá trị phải thanh toán sau thuế GTGT 10% là: 457.909.892 đồng.

Ngày 17 và ngày 18/08/2020, số lượng là: 27.096kg, giá trị Công ty Cphải thanh toán sau thuế GTGT 10% là: 20.863.920 đồng.

Công ty H cho rằng tổng cộng số tiền Công ty C phải thanh toán là:

973.609.412 đồng. Sau đó, ngày 14/08/2020, Công ty C thanh toán cho Công ty H:

64.455.410 đồng và ngày 12/09/2020, thanh toán tiếp: 100.000.000 đồng. Công ty C không chịu thanh toán số tiền mua hàng còn thiếu 809.154.062 đồng.

Tại Điều 3 của Hợp đồng mua bán hàng hóa quy định về điều khoản thanh toán như sau:

Thời hạn thanh toán: Vào ngày 30 hoặc 31 hàng tháng hai bên đối chiếu công nợ, chốt số lượng và xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Bên A (Công ty C) sẽ thanh toán cho bên B (Công ty H) trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ bản chính hồ sơ thanh toán.

Hồ sơ thanh toán gồm: Hóa đơn giá trị gia tăng; Bảng kê hàng có xác nhận nợ của 2 bên và biên bản đối chiếu công nợ có xác nhận hai bên.

Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn - Công ty H đã cung cấp chứng cứ: Phiếu cân trong tháng 6, tháng 7 và các ngày 17, ngày 18/8/2020 do Công ty H phát hành; hóa đơn giá trị gia tăng ngày 30/6/2020, ngày 28/7/2020 và ngày 30/8/2020 của Công ty H; biên bản đối chiếu khối lượng từ tháng 01/2020 đến tháng 8/2020, biên bản đối chiếu công nợ đề ngày 30/9/2020; Vi bằng số 63/2020/VB-TPLPH.

Còn bị đơn - Công ty C thừa nhận việc ký kết hợp đồng như nguyên đơn đã trình bày và xác nhận bị đơn chưa thanh toán tiền mua hàng của tháng 6, tháng 7 và ngày 17, 18/8/2020 cho nguyên đơn. Tuy nhiên không thừa nhận đối với chứng cứ là phiếu cân, hóa đơn giá trị gia tăng trong tháng 6, tháng 7 và ngày 17, ngày 18/8/2020 do nguyên đơn cung cấp, cho rằng các phiếu cân có xác nhận của ông Hồ Tkhông phản ánh đúng thực tế khối lượng hàng nhập do có sự gian dối khi cân.

HĐXX nhận thấy:

Công ty C và Công ty H đều xác nhận thông lệ đối chiếu công nợ, thanh toán giữa hai bên kể từ khi ký kết hợp đồng năm 2018 cho đến tháng 5 năm 2020 theo quy trình: Nguyên đơn gửi mail cho bị đơn về số lượng hàng đã cung cấp trong tháng, bị đơn xem xét thống nhất hoặc điều chỉnh rồi gửi mail trở lại cho nguyên đơn, nếu nguyên đơn không có ý kiến sẽ xuất hóa đơn gửi cho bị đơn để thanh toán. Từ tháng 6/2020, bị đơn cho rằng hai bên đã thống nhất hồ sơ thanh toán phải có thêm phiếu nhập kho, phiếu xuất kho nhưng không cung cấp được văn bản có nội dung thỏa thuận nội dung này; còn nguyên đơn xác định không có nội dung thỏa thuận trên.

Mặt khác, bị đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh, cũng không cung cấp được số lượng dăm bào thực tế đã nhận của nguyên đơn trong tháng 6, tháng 7 và ngày 17, 18/8/2020 là bao nhiêu. Sau khi nhận các phiếu cân (gửi trực tiếp cho bị đơn), hóa đơn giá trị gia tăng, biên bản đối chiếu khối lượng, công nợ (gửi qua mail) của nguyên đơn, bị đơn không có ý kiến phản đối về việc khối lượng hàng theo các phiếu cân là không đúng, đồng thời vẫn chấp nhận thanh toán tiền mua hàng của tháng 6, tháng 7 và ngày 17, 18/8/2020 cho nguyên đơn, cụ thể vào ngày 14/08/2020 thanh toán: 64.455.410 đồng và vào ngày 12/09/2020 thanh toán tiếp: 100.000.000 đồng.

Đối với Vi bằng lập số 63/2020/VB-TPLPH ghi nhận nội dung ghi âm về điện thoại giữa ông X - Giám đốc Công ty H và ông Hoàng T - Giám đốc Công ty C, trong đó có nội dung ông T hứa hẹn chuyển tiền cho ông X, bị đơn không phản đối chứng cứ này.

Vì vậy, cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của Công ty H, buộc Công ty C phải trả tiền nợ mua hàng cho Công ty H với số tiền là 809.154.062 đồng là có căn cứ, cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo này của Công ty C.

[2.2]. Xét kháng cáo của Công ty C về nội dung: Các dịch vụ mua mùn cưa, dăm bào, dăm lát đều thuê cân dịch vụ Công ty HT. Người ký tên trên các phiếu cân là ông Hồ T không phải là nhân viên của Công ty C. Khi các phiếu cân đo không chính xác, mà ông T lại là người ký tên trên các phiếu cân này, Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh ông T là nhân viên công ty nào, không triệu tập Công HT, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty C.

Xét thấy:

Tại cấp sơ thẩm bà Hoàng H được giao nhiệm vụ quản lý việc xuất nhập hàng giữa Công ty C và Công ty H đã xác định: Ông Hồ T là người được giao nhiệm vụ cân hàng. Việc cân hàng do Công ty C trực tiếp thực hiện tại Công ty TNHH MTV HT. Công ty HT cho thuê cân, không liên quan đến việc cân hàng, nhập hàng, xuất hàng của Công ty C.

Còn ông Hồ T cũng xác định: Trong tháng 6 và tháng 7 năm 2020, ông làm việc cho Công ty C và được giao nhiệm vụ cân loại mặt hàng dăm bào của Công ty H giao. Sau khi cân xong, ông nhận hàng và lưu kho, không tiếp tục giao hàng cho người nào khác. Số lượng hàng nhận theo phiếu cân, ông chỉ có nhiệm vụ nhận hàng xong thì đưa vào lưu kho, chứ không được công ty cho biết trước số lượng hàng hóa mà mình sẽ được nhận, nên không có ý kiến thiếu đủ gì cả. Việc đủ hay thiếu hàng, sau khi kiểm tra Công ty Cs ẽ trực tiếp có ý kiến với Công ty H.

Mặt khác, Công ty HT là do Công ty C thuê để cân hàng hóa cho Công ty C.

Các phiếu cân cũng được giao cho Công ty C để các bên cùng kiểm tra, đối chiếu trước khi hai bên đối chiếu công nợ và xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Ngày 15/8/2023, Công ty Ccó đơn đề nghị triệu tập Công ty HT và giám định chữ ký của ông Hồ T. Tại phiên tòa Công ty C yêu cầu giám định chữ ký của ông Hồ T trong các phiếu cân và chỉ chấp nhận thanh toán đối với các phiếu cân do ông Hồ T ký. HĐXX nhận thấy: Bà Hoàng H là người được giao nhiệm vụ quản lý việc xuất nhập hàng giữa Công ty C cũng xác định việc Công ty HT cho thuê cân, không liên quan đến việc cân hàng, nhập hàng, xuất hàng của Công ty C, nên việc triệu tập Công ty HT đến phiên tòa là không cần thiết.

Về việc giám định chữ ký của ông Hồ T, HĐXX nhận thấy: Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, tài liệu chứng cứ về các phiếu cân do Công ty H cung cấp: Trong suốt một năm 2019 và 05 tháng đầu năm 2020, các phiếu cân của Công ty HT thể hiện khách hàng là anh X và có rất nhiều người ký phiếu cân có khi là ông Hồ T ký, có khi là người khác ký thay, Công ty C đều công nhận các phiếu cân này và chấp thuận thanh toán, không có ý kiến phản đối gì. Tuy nhiên từ tháng 6, tháng 7 và ngày 17, ngày 18 tháng 8 năm 2020, cụ thể là sau khi Công ty H khởi kiện tại Tòa án, lúc này mới có ý kiến khai nại về các phiếu cân là không phù hợp với thông lệ thanh toán từ trước đến nay và đã được các bên mặc nhiên thừa nhận, để làm cơ sở thanh toán công nợ. Vì vậy, HĐXX thấy không cần thiết và không chấp nhận như đề nghị của Công ty C cũng như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đ về việc ngừng phiên tòa để xác minh, giám định chữ ký của ông Hồ T.

Từ nhận định và phân tích trên, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận đề nghị cũng như kháng cáo của Công ty C về nội dung này.

[2.3] Xét kháng cáo của Công ty C về việc cấp sơ thẩm đã buộc Công ty C trả số tiền lãi 204.394.528 đồng cho Công ty H, thấy:

Tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 10/4/2023), Công ty C vẫn chưa thanh toán số tiền nợ mua hàng trong tháng 6, 7 và 8 năm 2020 là 809.154.062 đồng cho Công ty H, nên Công ty H yêu cầu tính lãi kể từ ngày 01/10/2020 đến ngày 10/4/2023 trên số tiền chậm thanh toán là có căn cứ theo quy định tại Điều 306 của Luật thương mại “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng … thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả …”.

Xét mức lãi suất 10%/năm nguyên đơn đề nghị áp dụng và số tiền cụ thể được tính: 809.154.062 đồng x (10%/365) x 922 ngày = 204.394.528 đồng phù hợp quy định tại Điều 306 Luật thương mại và lãi suất, lãi suất quá hạn của các ngân hàng nên cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả tiền lãi 204.394.528 đồng là đúng pháp luật, nên cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo này của bị đơn.

[2.4] Xét kháng cáo của Công ty C về việc cấp sơ thẩm đã buộc Công ty C trả số tiền vi phạm hợp đồng 64.732.320 đồng, thấy:

Như đã nhận định và phân tích trên, bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên nguyên đơn yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng là có căn cứ theo Điều 301 Luật thương mại. Vì, tại Điều 5 của Hợp đồng các bên đã thỏa thuận “... Trong trường hợp bên A chậm thanh toán cho bên B so với thời hạn thanh toán ghi trong hợp đồng như tại điều 3 thì bên A sẽ bị phạt 0,3% trên tổng giá trị theo đợt thanh toán chậm trễ cho một ngày chậm trễ...” Việc Công ty C cho rằng, tại Điều 5 của Hợp đồng đã được hai bên bãi bỏ tại Điều 1.2 của phụ lục Hợp đồng số 02 là không có căn cứ. Trong phụ lục Hợp đồng số 02 chỉ ghi : Sửa đổi Điều 5 chứ không ghi bãi bỏ Điều 5 và Công ty H cũng khẳng định là sửa đổi Điều 5 của Hợp đồng.

Số tiền phạt cụ thể mà nguyên đơn yêu cầu là: 809.154.062 đồng x 8% = 64.732.325 đồng hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật và thấp hơn so với thỏa thuận tại Điều 5 của Hợp đồng, nên cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng là có căn cứ, nên cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo này của bị đơn.

[3]. Xét kháng cáo của bị đơn đối với yêu cầu phản tố về việc buộc Công ty H thanh toán cho Công ty C số tiền phạt vi phạm hợp đồng 3.680.840.000 đồng, nhận thấy:

Theo Công ty C, từ ngày 01/8/2020 đến ngày 30/4/2021 Công ty H cung cấp thiếu 5.413 tấn hàng và trong thời gian hợp đồng giữa hai bên còn hiệu lực đã cung cấp hàng cho Công ty cổ phần tập đoàn T là vi phạm quy định tại Điều 5 của Hợp đồng mua bán được sửa đổi bởi Phụ lục hợp đồng số 02 “Điều kiện thực hiện - Vi phạm hợp đồng: Bên B cam kết phải giao đủ số lượng hàng cho bên A theo khoản 1.3, điều 1 và cam kết không được cung cấp hàng cho công ty Đ, công ty cổ phần Tập Đoàn T. Nếu bên B giao thiếu hàng sẽ phải chịu phạt theo số lượng hàng giao thiếu hoặc bên B giao hàng cho công ty Đ và Công ty cổ phần tập đoàn T thì bên B sẽ phải chịu phạt số tiền tương ứng với số lượng hàng mà bên B vi phạm (Do giao thiếu hoặc giao hàng cho công ty Đ và công ty cổ phần tập đoàn T)” nên phải chịu phạt vi phạm hợp đồng với số tiền 3.680.840.000 đồng.

Xét thấy:

Như đã viện dẫn trên, tại Điều 3 của Hợp đồng, Công ty C đã vi phạm thời hạn thanh toán là vào ngày 30 hoặc 31 hàng tháng hai bên đối chiếu công nợ, chốt số lượng và xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Mặt khác, ngày 27/7/2020, tin nhắn qua điện thoại của chị H gửi cho ông X có nội dung: “ Bên e (em) sẽ ngưng nhập hàng từ ngày 28/7 đến ngày 14/8 mới nhập lại ...”. Nên ngày 17 và 18/8/2020, Công ty H mới tiếp tục cung cấp hàng cho Công ty C.

Ngày 05/11/2020, tại Công văn số: 06/2020/CV-YNH Công ty H gửi Công ty C có nội dung về việc đề nghị thanh toán công nợ số tiền mua hàng chưa thanh toán là 809.154.062 đồng. Công ty H nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu Công ty C thanh toán dứt điểm số tiền trên trong thời hạn 07 ngày. Nhưng đến ngày 16/11/2020 (11 ngày sau), Công ty C vẫn không thanh toán nên Công ty H làm đơn khởi kiện đến Tòa án, yêu cầu Công ty C thanh toán tiền trên.

Ngoài ra, tại Điều 5 của Hợp đồng hai bên đã ký kết: “...Nếu việc thanh toán không đúng theo hợp đồng thì Bên B có quyền ngưng cung cấp hàng...”.

Lẽ ra, Công ty C khi thấy Công ty H không giao hàng hoặc giao hàng không đầy đủ, hoặc có ý kiến phản đối về các phiếu cân, người cân thì trước khi hai bên đối chiếu công nợ phải có thông báo ngay cho Công ty H. Tuy nhiên từ đợt giao hàng cuối cùng ngày 18/8/2020 cho đến khi Công ty C khởi kiện tại Tòa án ngày 16/11/2020, đến ngày 22/12/2021 Công ty C mới có đơn yêu cầu phản tố cho rằng Công ty H cung cấp thiếu 5.413 tấn hàng là không phù hợp với nội dung Hợp đồng: Số lượng mua bán ít nhất 600 tấn/tháng, mỗi ngày giao từ 20 tấn. Nếu giao số lượng thấp hơn thì phải giao bù vào ngày hôm sau.

Do Công ty C còn nợ tiền mua hàng trong tháng 6, tháng 7 và ngày 17, ngày 18 tháng 8 năm 2020, nhưng tính đến ngày 16/11/2020 Công ty C vẫn không thanh toán, đã vi phạm hợp đồng, nên Công ty H tạm ngừng cung cấp hàng cho Công ty C kể từ ngày 19/8/2020 là có căn cứ và đúng theo thỏa thuận mà các bên đã ký kết.

Do Công ty C đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng cho đợt giao hàng cuối cùng là ngày 18/8/2020, nên đến ngày 11/12/2020 Công ty H mới ký kết hợp đồng mua bán nhiên liệu với Công ty cổ phần tập đoàn T là không vi phạm điều khoản đã ký với Công ty C.

Như vậy, có thể khẳng định việc ngừng cung cấp hàng cho bị đơn và nguyên đơn giao dịch mua bán hàng với Công ty cổ phần tập đoàn T là không vi phạm thỏa thuận mà nguyên đơn đã ký kết với bị đơn trước đó, nên cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là đúng pháp luật.

Từ những nhận định và phân tích trên, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ kháng cáo và yêu cầu phản tố của Công ty C.

[8] Về quan điểm của Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để tiến hành giám định chữ ký đối với các phiếu cân do ông Hồ T ký tên, HĐXX không chấp nhận như đã nhận định và phân tích trên.

[9] Luật sự nguyên đơn trình bày quan điểm phù hợp với nhận định của HĐXX, nên chấp nhận.

[10] Luật sư của bị đơn trình bày quan điểm không phù hợp với nhận định của HĐXX, nên không chấp nhận.

[11] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Kháng cáo của Công ty C không được chấp nhận, nên phải chịu án phí 2.000.000 đồng, nhưng được khấu trừ tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại biên lai thu số 0007952 ngày 05/5/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận L, thành phố Đ. Công ty C đã nộp đủ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Các phần quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo và yêu cầu phản tố của Công ty C. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 01/2023/KDTM-ST ngày của Tòa án nhân dân quận L, thành phố Đ.

Căn cứ Điều 24, 50, 55, 300, 301, 306 Luật thương mại;

Căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/20016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.

Xử:

1. Buộc Công ty C phải trả cho Công ty H số tiền: 1.078.280.910 đồng (một tỷ, không trăm bảy mươi tám triệu, hai trăm tám mươi ngàn, chín trăm mười đồng), trong đó: Tiền nợ mua hàng 809.154.062đ (tám trăm lẻ chín triệu, một trăm năm mươi bốn ngàn, không trăm sáu mươi hai đồng); tiền phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán 64.732.320đ (sáu mươi bốn triệu, bảy trăm ba mươi hai ngàn, ba trăm hai mươi đồng) và tiền lãi chậm thanh toán 204.394.528đ (hai trăm lẻ bốn triệu, ba trăm chín mươi bốn ngàn, năm trăm hai mươi tám đồng).

Kể từ ngày Công ty H có đơn yêu cầu thi hành án, Công ty C còn phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty C về việc buộc Công ty H thanh toán cho Công ty C số tiền 3.680.840.000đ (ba tỷ, sáu trăm tám mươi triệu, tám trăm bốn mươi ngàn đồng.) 3. Về án phí: Công ty C phải chịu 149.965.326đ (một trăm bốn mươi chín triệu, chín trăm sáu mươi lăm ngàn, ba trăm hai mươi sáu đồng) án phí KDTM sơ thẩm, trong đó: án phí đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là 44.348.427đ, án phí đối với yêu cầu phản tố là 105.616.899đ. Khấu trừ số tiền Công ty C đã nộp tạm ứng án phí 52.808.000đ theo biên lai thu số 0000198 ngày 31/12/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận L. Buộc Công ty C nộp tiếp số tiền: 97.157.326đ (chín mươi bảy triệu, một trăm năm mươi bảy ngàn, ba trăm hai mươi sáu đồng).

Hoàn trả cho Công ty H số tiền tạm ứng án phí 19.359.195đ đã nộp theo biên lai thu số 0004808 ngày 27/11/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận L, thành phố Đ.

4. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty C phải chịu án phí 2.000.000 đồng. Được khấu trừ 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại biên lai thu số 0007952 ngày 05/5/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận L, thành phố Đ. Công ty C đã nộp đủ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Các phần quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

135
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 19/2023/KDTM-PT

Số hiệu:19/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:16/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về