Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 1131/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1131/2023/KDTM-PT NGÀY 05/12/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Vào ngày 05 tháng 12 năm 2023 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 97/KDTMPT ngày 02 tháng 10 năm 2023 về việc “Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa” Do bản án dân sự sơ thẩm số 09/2023/KDTM-ST ngày 09 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 4688/2023/QĐ-PT ngày 17 tháng 10 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 15132/2023/QĐ- PT ngày 08 tháng 11 năm 2023, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S Địa chỉ: Lầu 11, Tòa nhà R, số 9 đường B, Phường B1, Quận B2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Võ Anh T - là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền số 02/UQ/SG, ngày 01/11/2022).

Bị đơn: Công ty Cổ phần Công nghệ MCM Địa chỉ: A, số 58 đường V, phường V1, Quận V2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Phạm Thị Thúy D- là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền ngày 09/5/2023).

Địa chỉ: 132/20A đường H, Phường H1, Quận H2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người kháng cáo: Công ty Cổ phần Công nghệ M. (Các đương sự có mặt tại tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong Đơn khởi kiện đề ngày 30/8/2022 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S có bà Võ Anh T là đại diện ủy quyền trình bày:

Công ty TNHH Thương mại S (gọi tắt là S) và Công ty CP Công nghệ MCM (gọi tắt là MCM) ký với nhau Hợp đồng mua bán số 01102020/HĐMB/MCM-S ngày 01/10/2020 và Phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 30/11/2020.

Theo nội dung hợp đồng, MCM sẽ cung cấp hàng hóa cho S, tổng giá trị hàng hóa là 699.930.000 đồng, tổng giá trị hợp đồng bao gồm 10% VAT là 769.923.000 đồng. Thanh toán thành 02 đợt, đợt 1 thanh toán 30% ngay sau khi kí hợp đồng, đợt 2 thanh toán số tiền còn lại sau khi bên MCM giao hàng, thời hạn giao hàng không chậm hơn ngày 25/12/2020, trường hợp giao hàng trễ thì bên S được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên MCM bồi hoàn theo quy định tại Điều 7 Hợp đồng.

Ngày 02/10/2020, S đã thanh toán số tiền 30% giá trị hợp đồng, tương đương 230.976.000 đồng. Tuy nhiên, đến ngày giao hàng thì bên MCM đã không giao hàng như thỏa thuận trước đó.

Do đó, ngày 31/12/2020, S gửi thông báo về việc chấm dứt hợp đồng, yêu cầu MCM hoàn tiền đã thanh toán và bồi thường thiệt hại trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận thông báo.

Tuy nhiên, đại diện MCM đã trình bày khó khăn do hàng về Việt Nam không kịp nên chậm trễ giao hàng với S, đề nghị S thông cảm và tiếp tục hợp đồng. Sau đó, bên S đã đồng ý.

Qua quá trình trao đổi, MCM đề xuất sẽ giao hàng vào tháng 02/2021. Tại e-mail ngày 29/01/2021, S đã đưa ra phương án hỗ trợ là nhận một phần thiết bị trong Hợp đồng (mã hàng khó bán), chỉ nhận hàng trước Tết âm lịch và yêu cầu giao hàng ngày 02/02/2021, sau thời gian này thì S sẽ không chấp nhận mọi phương án hòa giải. Tuy nhiên, đến sáng ngày 02/02/2021, MCM thông báo không giao hàng với lý do hàng đang ở Hà Nội và dự định sẽ cấp cho đơn vị khác.

Ngày 03/02/2021, S gửi đến MCM “Thông báo về việc chấm dứt Hợp đồng mua bán số 01102020/HĐMB/MCM-S ngày 02/02/2021 do MCM xác nhận không giao hàng cho S và yêu cầu hoàn trả số tiền mà S đã thanh toán, chậm nhất là đến ngày 01/03/2021. Tuy nhiên, MCM đến nay vẫn chưa hoàn trả cho S.

Theo quy định thì tại Điều 7 Hợp đồng thì nếu MCM chậm giao hàng thì phải chịu phạt 0,1%/ngày chậm/tổng giá trị giao chậm.

Đồng thời, theo Điều 306 Luật thương mại và Điều 357 Bộ luật dân sự thì bên MCM phải trả thêm tiền lãi đối với số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

Đến nay, đã quá thời hạn trả tiền nhưng MCM vẫn chưa hoàn trả cho S. Do không có thỏa thuận lãi suất nên S sẽ áp dụng mức lãi suất 10%/năm tính từ ngày 02/03/2022 cho đến khi MCM hoàn tất việc trả tiền.

Vì vậy, S yêu cầu Tòa án buộc Công ty CP Công nghệ MCM phải hoàn trả:

- Số tiền 230.976.000 đồng (Hai trăm ba mươi triệu chín trăm bảy mươi sáu ngàn đồng).

- Tiền phạt do MCM giao hàng trễ 27.297.270 đồng (Hai mươi bảy triệu hai trăm chín mươi bảy ngàn hai trăm bảy mươi đồng) từ ngày 26/12/2020 đến 02/02/2021.

- Tiền lãi chậm trả tiền tính từ ngày 02/03/2021 đến khi MCM hoàn tất việc trả tiền, số tiền tạm tính từ ngày 02/03/2021 đến 02/9/2022 là 34.646.400 đồng (Ba mươi bốn triệu sáu trăm bốn mươi sáu ngàn bốn trăm đồng).

Tổng số tiền tạm tính đến thời điểm ngày 02/9/2022 là 292.919.670 đồng (Hai trăm chín mươi hai triệu chín trăm mười chín ngàn sáu trăm bảy mươi đồng).

* Bị đơn Công ty Cổ phần Công nghệ MCM có bà Nguyễn Ngọc L, bà Nguyễn Thị Thúy D là đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty TNHH S và Công ty CP Công nghệ MCM ký với nhau Hợp đồng mua bán số 01102020/HĐMB/MCM-S ngày 01/10/2020. Tổng giá trị hợp đồng bao gồm 10% VAT là 769.923.000 đồng. Thời gian đặt hàng là 6-8 tuần.

S thanh toán đợt 1 là 30% tạm ứng ngày 02/10/2020 (thời gian giao hàng không tính các ngày lễ, tết và cuối tuần).

Trong thời gian chờ hàng về, MCM luôn cập nhật tình hình hàng hóa qua các thông tin cho S từ phía kinh doanh hỗ trợ thông qua Zalo/điện thoại/Email. Ngày 18/11/2020, MCM nhận được yêu cầu từ phía S phải làm phụ lục thay đổi thời hạn hợp đồng đến ngày 25/12/2020 giao hàng, nếu không sẽ hủy đơn hàng. Xét theo thực tế, thời gian đặt hàng tại thời điểm làm Phụ lục, Hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

Ngày 25/12/2020, MCM nhận thông tin đơn hàng đã về đến và sẽ giao cho S vào ngày 05/01/2021. MCM thông báo đến S qua điện thoại, nhưng phía S đã không thực hiện Phụ lục số 01 và yêu cầu phải giao trước 15/12/2020, như trước đó S có email nếu không giao vào ngày 15/12/2020 thì không được mặc dù đã làm Phụ lục số 01.

Ngày 30/12/2020, MCM nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng từ S.

Ngày 12/01/2021, MCM gửi email đề nghị S cùng hỗ trợ hợp tác chia sẻ rủi ro về đơn hàng và MCM sẽ chịu phạt số ngày phạt trễ hàng hóa giao ở mục 1: “DELL TOWER 5820 WTS W-2123”. Tất cả các mục 2, 3, 4 còn lại MCM sẽ chấp nhận chịu thiệt hại giữ lại tồn kho và tự tìm đầu ra.

Ngày 29/01/2021, S hẹn gặp MCM thương thảo, sau đó hủy lịch hẹn và S gửi email đề nghị MCM giao hàng ngày 02/02/2021. Qua trao đổi bằng điện thoại, S mong muốn sẽ không thanh toán phần còn lại của mục 1 sau khi giao hàng. Trong quá trình trao đổi, MCM đề nghị S thanh toán cùng thời gian MCM chuyển hàng từ Hà Nội vào. Đại diện nhân sự tên Trâm của S đồng ý và sẽ bàn giao tại địa chỉ kho đối diện 68 đường K, phường K1, huyện K2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong quá trình MCM chuyển hàng vào từ Hà Nội đến Hồ Chí Minh thì ngày 03/02/2021 MCM nhận được email từ phía S thông báo chấm dứt hợp đồng ký ngày 03/02/2021 vì không đồng ý thanh toán giao hàng.

Theo thực tế, đến thời điểm hiện tại thì MCM đã lưu tồn kho hàng hơn 2 năm vì đây là hàng đặt theo yêu cầu nên không thể cung cấp cho 1 đơn vị khác, nhiều lần MCM đã đưa ra phương án hòa giải là sẽ chịu phạt số ngày trễ theo hợp đồng, 1 ngày thì phạt 01% không quá 8% (80 ngày) theo Điều 7 Hợp đồng mua bán, nhưng xét theo đúng thực tế, hợp đồng chưa trễ ngày bàn giao. Sau thời gian đó, S vẫn có thể lấy hàng vì phía S thông báo với MCM rằng S có thể cung cấp cho khách hàng của S ở tiếp đợt sau, nhưng S tự hủy hợp đồng trong khi MCM phải thanh toán 100% đơn hàng này cho đơn vị nhà cung cấp và không thể hủy đơn đặt hàng này.

Thời điểm cuối năm thiếu nguyên liệu sản xuất nên việc trễ hàng đều nằm trong phạm vi hợp đồng đã ký kết. MCM cũng đã thiện chí chia sẻ rủi ro và ra phương án là cùng nhau tìm khách hàng ra đơn hàng này.

Bị đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tại phiên tòa sơ thẩm:

Nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc buộc Công ty CP Công nghệ MCM phải hoàn trả tiền phạt do giao hàng trễ 27.297.270 đồng. Giữ nguyên yêu cầu còn lại về việc buộc Công ty CP Công nghệ MCM phải hoàn trả lại số tiền 230.976.000 đồng và tiền lãi chậm trả tiền tính từ ngày 02/03/2021 đến ngày xét xử sơ thẩm, tương ứng 02 năm 68 ngày với lãi suất 10%/năm là 50.498.314 đồng.

Đại diện bị đơn cho rằng nguyên đơn không chịu nhận hàng chứ không phải bị đơn không giao hàng và theo Điều 306 Luật Thương mại, lãi chậm thanh toán áp dụng đối với bên mua, không áp dụng đối với bên bán và đưa ra yêu cầu phản tố về việc buộc nguyên đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng và thanh toán tiền phạt vi phạm số tiền 37.806.370 đồng.

Với nội dung trên, tại Bản án sơ thẩm số 09/2023/KDTM-ST ngày 09 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 217, Điều 218, khoản 1 Điều 227; Điều 228; khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 413, 422, 424, 427 Bộ luật Dân sự năm 2015; Căn cứ 298, 306 Luật Thương mại;

Căn cứ Điều 26 Luật Thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S về việc buộc Công ty Cổ phần Công nghệ MCM thanh toán số tiền 281.474.314 đồng (hai trăm tám mươi mốt triệu bốn trăm bảy mươi bốn ngàn ba trăm mười bốn đồng) phát sinh từ Hợp đồng mua bán số 01102020/HĐMB/MCM-S ngày 01/10/2020 ký kết giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S và Công ty Cổ phần Công nghệ MCM, trong đó bao gồm: Số tiền đã thanh toán trước là 230.976.000 đồng và tiền lãi chậm trả tiền tính từ ngày 02/03/2021 đến ngày 09/5/2023 là 50.498.314 đồng.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S về việc buộc Công ty Cổ phần Công nghệ MCM thanh toán tiền phạt giao hàng trễ là 27.297.270 đồng.

Trường hợp Công ty Cổ phần Công nghệ MCM không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nêu trên thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với số tiền và thời hạn chậm thanh toán.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo về án phí, quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 23 tháng 5 năm 2023, bị đơn – Công ty Cổ phần Công nghệ M làm đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 09/2023/KDTM-ST ngày 09/5/2023 của Tòa án nhân dân Quận 3 với lý do Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, đánh giá toàn diện, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dẫn đến việc ra bản án không đúng qui định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn trình bày: Vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu tính lãi của nguyên đơn. Bị đơn chỉ đồng ý hoàn trả 50% số tiền tạm ứng do nguyên đơn không nhận hàng nên bị đơn phải giữ hàng chịu chi phí lưu kho và bán thanh lý. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: Việc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và giải quyết vụ án là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Tại phiên tòa hôm nay các bên không tự hòa giải với nhau được về việc giải quyết vụ án, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, bị đơn không rút đơn kháng cáo nên Hội đồng xét xử tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

[1] Xét quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa hai pháp nhân và đều có mục đích lợi nhuận, bị đơn - Công ty Cổ phần Công nghệ MCM có địa chỉ trụ sở làm việc tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân Quận 3 xét xử sơ thẩm là phù hợp quy định về thẩm quyền theo qui định tại Khoản 1 Điều 30, điểm b Khoản 1 Điều 35, Khoản 1 Điều 36 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Đơn kháng cáo của bị đơn được nộp trong thời hạn quy định là hợp lệ, nên Tòa kinh tế tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo trình tự phúc thẩm là phù hợp qui định về thẩm quyền theo qui định tại điểm b Khoản 3 Điều 38 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn - Công ty Cổ phần Công nghệ MCM, nhận thấy:

Công ty Cổ phần Công nghệ MCM (bên bán) ký kết Hợp đồng mua bán số 01102020/HĐMB/MCM-S ngày 01/10/2020 với Công ty TNHH Thương mại S (bên mua) thỏa thuận mua bán hàng hóa là các phụ kiện máy tính, tổng giá trị hàng hóa là 699.930.000 đồng, tổng giá trị hợp đồng bao gồm 10% VAT là 769.923.000 đồng. Thời gian giao hàng là 06 -08 tuần kể từ khi ký kết hợp đồng và nhận được thanh toán. Địa điểm giao hàng do bên S chỉ định. Quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 31/12/2020 S đã thanh toán cho MCM số tiền 230.976.000 đồng tương đương 30% giá trị hợp đồng.

Ngày 30/11/2020, MCM và S tiếp tục ký kết phụ lục Hợp đồng số 01 thỏa thuận lại thời gian giao hàng vào ngày 25/12/2020 nhưng đến ngày hẹn MCM không giao hàng theo cam kết đã thỏa thuận. Do đó, ngày 31/12/2020, S gửi thông báo về việc chấm dứt hợp đồng, yêu cầu MCM hoàn tiền đã thanh toán và bồi thường thiệt hại trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận thông báo. Sau quá trình trao đổi, S đồng ý nhận một phần thiết bị trong hợp đồng và yêu cầu giao hàng vào ngày 02/02/2021. Tuy nhiên, đến ngày 02/02/2021, MCM vẫn không giao hàng cho S. Ngày 03/02/2021, S yêu cầu MCM hoàn trả số tiền mà S đã thanh toán, chậm nhất đến ngày 01/03/2021. Nhưng đến nay bị đơn vẫn không hoàn trả số tiền mà S đã thanh toán nên S khởi kiện yêu cầu MCM phải hoàn trả lại số tiền 230.976.000 đồng mà S đã trả trước theo hợp đồng và yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

[3] Xét: Hợp đồng mua bán số 01102020/HĐMB/MCM-S ngày 01/10/2020 và phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 30/11/2020 được ký kết bởi người đại diện hợp pháp của các bên trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận giữa hai pháp nhân. Hợp đồng không vi phạm các điều kiện có hiệu lực được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, Hợp đồng có hiệu lực pháp luật, ràng buộc các bên trên cơ sở khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 theo đó “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

[4]Tại phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 30/11/2020 các bên thỏa thuận thời hạn giao hàng là ngày 25/12/2020. Tuy nhiên, bị đơn không thực hiện sau đó các đương sự cùng thống nhất thỏa thuận lại thời hạn giao hàng là ngày 02/2/2021 tại kho hàng của nguyên đơn. Tuy nhiên, bị đơn thừa nhận đến ngày 02/02/2021, bị đơn vẫn chưa giao hàng cho S do hàng hóa vẫn đang trên đường vận chuyển gửi từ Hà Nội vào và bị đơn cần thời gian để sắp xếp chuyển hàng do nhà cung cấp giao hàng trễ. Như vậy việc nguyên đơn xác định bị đơn đã giao hàng trễ so với cam kết, vi phạm Điều 2 và Điều 5 của Hợp đồng là có cơ sở. Việc bị đơn kháng cáo cho rằng giao hàng trễ do nhà cung cấp giao hàng trễ không phải là lý do thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định tại Điều 6 của Hợp đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị đơn vi phạm hợp đồng và buộc bị đơn hoàn trả lại số tiền ứng trước đã nhận của S 230.976.000 đồng là có cơ sở phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng và đúng với quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự nên kháng cáo của bị đơn cho rằng giao hàng trễ là do bất khả kháng không có cơ sở để chấp nhận.

[5] Xét kháng cáo của bị đơn cho rằng tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán cho nguyên đơn là không đúng, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bị đơn vi phạm hợp đồng, không giao hàng như cam kết đã thỏa thuận tại Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng. Ngày 03/02/2021, S gửi văn bản yêu cầu bị đơn phải hoàn trả số tiền mà S đã thanh toán, chậm nhất là đến ngày 01/03/2021. Đến nay bị đơn vẫn chưa trả lại số tiền 230.976.000 đồng cho nguyên đơn, các bên không có thỏa thuận cụ thể về mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả số tiền lãi chậm thanh toán trên số tiền 230.976.000 đồng tính từ ngày 02/3/2021 đến ngày 9/5/2023 ( là ngày xét xử sơ thẩm) theo mức lãi suất 10%/năm với số tiền 50.498.314 đồng là thấp hơn mức lãi suất trung bình nợ quá hạn của ba ngân hàng thương mại có trụ sở tại nơi Tòa án đang giải quyết, có lợi cho bị đơn và phù hợp với qui định tại Điều 306 Luật Thương mại và phù hợp với qui định tại Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, do đó kháng cáo của bị đơn không đồng ý thanh toán tiền lãi chậm thanh toán cho nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận.

[6] Xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên trách nhiệm chịu tiền lãi tại phần quyết định: “Trường hợp Công ty Cổ phần Công nghệ MCM không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nêu trên thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với số tiền và thời hạn chậm thanh toán” là thiếu sót do không nêu thời điểm áp dụng tiền lãi chậm thi hành án, các khoản tiền này các bên không thỏa thuận về việc trả lãi, do đó cần thiết phải sửa lại quyết định tính lãi tiếp tục “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả” cho phù hợp với hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[7] Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần Công nghệ M. Giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm số 09/2023/KDTM-ST ngày 09/5/2023 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

- Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; khoản 2 Điều 244; Điều 271; khoản 1 Điều 273 và Khoản 1 Điều 308, Điều 413, 422, 424, 427 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 50 , Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.

- Căn cứ Khoản 2 Điều 26, Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 3/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;

- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S về việc buộc Công ty Cổ phần Công nghệ MCM phải thanh toán số tiền 281.474.314 đồng (hai trăm tám mươi mốt triệu bốn trăm bảy mươi bốn ngàn ba trăm mười bốn đồng) phát sinh từ Hợp đồng mua bán số 01102020/HĐMB/MCM-S ngày 01/10/2020 ký kết giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S và Công ty Cổ phần Công nghệ MCM, trong đó bao gồm: Số tiền đã thanh toán trước là 230.976.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán (tính từ ngày 02/03/2021 đến ngày 09/5/2023) là 50.498.314 đồng.

2. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S về việc buộc Công ty Cổ phần Công nghệ MCM thanh toán tiền phạt giao hàng trễ là 27.297.270 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

3. Về án phí:

3.1 Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty Cổ phần Công nghệ MCM phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 14.073.716 đồng (mười bốn triệu không trăm bảy mươi ba ngàn bảy trăm mười sáu đồng).

Hoàn lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 7.322.992 đồng theo biên lai thu tiền số 0007579 ngày 28/9/2022 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 3.

3.2 Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) Công ty Cổ phần Công nghệ MCM phải chịu. Được cấn trừ vào số tiền 2.000.000 đồng Công ty Cổ phần Công nghệ MCM đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2022/0000521 ngày 02/6/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

86
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 1131/2023/KDTM-PT

Số hiệu:1131/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 05/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về