Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 05/2023/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 05/2023/KDTM-PT NGÀY 01/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 01 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 19/2022/TLPT-KDTM ngày 27 tháng 10 năm 2022 về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 15/2022/QĐ-PT ngày 09 tháng 11 năm 2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn G Việt Nam.

Cư trú: Số 2/1 khu phố Đ, phường LT, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Công Đ - Chức vụ Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thành D, sinh năm 1976 (có mặt).

Cùng địa chỉ: 320/22/1C, Nguyễn Văn Linh, phường Bt, quận B, thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Ông Lê Xuân K, sinh năm 1983 - Hộ kinh doanh cá thể (có mặt).

Địa chỉ: Số 156, đường Nguyễn Tất Thành, khóm X, phường X, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông K: Luật sư Nguyễn Tố N2 - Văn phòng Luật sư Mũi Cà Mau thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (có mặt).

- Người kháng cáo: Nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn G Việt Nam và bị đơn là ông Lê Xuân K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Grominh Việt Nam (gọi tắt là Công ty Grominh) trình bày:

Vào ngày 02/01/2019 Công ty Grominh có ký kết hợp đồng phân phối thức ăn tôm số 31/2019/HĐMB với ông Lê Xuân K là hộ kinh doanh cá thể làm đại lý cấp 1 để phân phối thức ăn nuôi tôm. Kèm theo phụ lục hợp đồng thỏa thuận Công ty Grominh cho ông K đơn nợ tiền hàng hóa là 10.000.000.000 đồngvới điều kiện ông K phải có thư bảo lãnh của Ngân hàng. Theo hợp đồng, ông K đặt hàng từ Công ty Gominh và nhận hàng tại Công ty TNHH Grobest (gọi tắt là Công ty Grobest) do Công ty Grominh hợp đồng đặt Công ty Grobest gia công. Thời hạn hợp đồng từ ngày 02/01/2019 đến ngày 31/12/2019. Hàng tháng các đơn đặt hàng của ông K sẽ được Công ty Grominh chốt công nợ và được xuất hóa đơn ngay cho mỗi lần nhận hàng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2019 ông K đã mua hàng từ Công ty Grominh với tổng số tiền 21.569.357.500 đồng (Có xuất hóa đơn kèm theo), Công ty Grominh trừ tiền chiết khấu bán hàng cho ông K là 1.343.680.000 đồng. Ông K đã thanh toán được tổng số tiền là 12.074.908.500 đồng, do ông K có thư bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng SHB chi nhánh Cà Mau, nên Ngân hàng SHB đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay ông K số tiền 5.000.000.000 đồng. Tính đến ngày 27/12/2019 ông K còn nợ Công ty Grominh số tiền 3.150.769.000 đồng nhưng ông K không thanh toán nên Công ty Grominh yêu cầu ông K phải trả số tiền là 3.150.769.000 đồng. Khoản tiền nợ này bao gồm cả khoản tiền ông K nợ được hai bên thống nhất kí xác nhận công nợ vào ngày 31/7/2019 ông K nợ số tiền 7.752.776.500 đồng, ông K có thanh toán được số tiền 7.260.000.000 đồng, ông K còn nợ lại 492.776.500 đồng (số tiền nợ ông K đã thanh toán chuyển khoản 2.260.000.000 đồng, Ngân hàng SHB thanh toán 5.000.000.000 đồng).

Hiện nay, Công ty Grominh yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông K phải trả tổng số tiền 3.298.601.950 đồng, bao gồm khoản tiền mua hàng là 3.150.769.000 đồng và tiền lãi là 147.832.950 đồng (Trong khoản tiền mua hàng ông K còn nợ tính đến ngày 27/12/2019 là 3.150.769.000 đồng, bao gồm 492.776.500 đồng của khoản nợ được chốt nợ vào ngày 31/7/2019 và khoản tiền còn lại sau khi được đối trừ là 2.657.992.500 đồng)

- Bị đơn, ông Lê Xuân K trình bày:

Ông K thừa nhận vào ngày 02/01/2019 có ký kết hợp đồng số 31/2019/HĐMB với Công ty Grominh, nội dung phân phối thức ăn tôm. Quá trình thực hiện hợp đồng, tính đến ngày 31/7/2019 ông K còn nợ Công ty Grominh số tiền 7.752.776.500 đồng, ông K có ký xác nhận vào biên bản đối chiếu công nợ. Từ ngày 01/8/2019 đến ngày 31/12/2019 ông đã chuyển trả số tiền 2.260.000.000 đồng, ngày 02/01/2020 Ngân hàng SHB chi nhánh Cà Mau đã thanh toán thay cho ông số tiền 5.000.000.000 đồng. Do đó ông K còn nợ Công ty Grominh số tiền 492.776.500 đồng. Từ ngày 01/8/2019 đến 31/12/2019 hai bên không chấm dứt hợp đồng nhưng ông K không còn lấy hàng của Công ty Grominh nữa. Theo phụ lục kích cầu từ ngày 01/4/2019 đến ngày 31/7/2019 thì khoản tiền chiết khấu cho đại lý ông K được hưởng là 385 tấn x 1.500 đồng/ký = 577.500.000 đồng nhưng Công ty Grominh chưa đối trừ cho ông K nên ông K yêu cầu Công ty Grominh phải đối trừ khoản tiền chiếc khấu với khoản tiền ông K còn nợ Công ty Grominh là 492.776.500 đồng, số tiền 84.723.500 đồng Công ty Grominh còn nợ ông K không yêu cầu Công ty Grominh hoàn lại.

Nay Công ty Grominh yêu cầu ông K thanh toán tổng số tiền gốc và lãi là 3.298.601.950 đồng ông K không đồng ý.

Quá trình giải quyết vụ án, ông Lê Xuân K có đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu đối với vụ án trên. Lý do, ông K ký bảng đối chiếu công nợ từ ngày 31/7/2019 nhưng đến ngày 07/6/2022 Công ty mới nộp đơn khởi kiện, vì vậy thời gian đã quá 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty bị xâm phạm.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc ông Lê Xuân K – Hộ kinh doanh cá thể có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH Grominh Việt Nam tổng số tiền 640.609.450 đồng. (Trong đó, tiền mua hàng còn nợ 492.776.500 đồng và tiền lãi 147.832.950 đồng).

Không chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn kiện đòi bị đơn số tiền là 2.657.992.500 đồng.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 30/9/2022 nguyên đơn là Công ty Grominh kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 05/10/2022 bị đơn là ông Lê Xuân K kháng cáo bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Công ty Grominh và ông K vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; của Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Lê Xuân K, Hội đồng xét xử xét thấy:

Ông Lê Xuân K thừa nhận có ký kết Hợp đồng mua thức ăn tôm với Công ty Grominh thể hiện tại hợp đồng số 31/2019/HĐMB ngày 02/01/2019 và các phụ lục hợp đồng kèm theo hợp đồng số 31/2019. Theo nội dung hợp đồng thì ông Lê Xuân K làm đại lý cấp 1 của Công ty Grominh để phân phối các sản phẩm thức ăn tôm. Ông K thừa nhận việc đặt hàng tại Công ty Grominh thông qua điện thoại và ông K nhận hàng tại Công ty Grobset do hàng hóa được Công ty Grominh đặt Công ty Grobset gia công. Giá trị tiền mua hàng hóa sẽ dựa vào từng lần đặt hàng của ông K. Hàng tháng hai bên sẽ chốt công nợ, Công ty Grominh sẽ xuất hóa đơn cho ông K, ông K sẽ trả tiền cho Công ty Grominh qua hình thức chuyển khoản, tiền còn nợ tháng trước được cộng dồn vào tháng sau, và hai bên sẽ thanh toán nợ dứt điểm vào ngày 31/12/2019 theo hợp đồng đã kí, nếu ông K không thanh toán thì Ngân hàng SHB sẽ trả nợ do ông K có thư bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng SHB chi nhánh Cà Mau với số tiền 5.000.000.000 đồng. Ông K thừa nhận vào ngày 31/7/2019, ông K đã ký bản đối chiếu công nợ của Công ty Grominh số tiền 7.752.776.500 đồng và đã thanh toán cho Công ty Grominh còn nợ lại 492.776.500 đồng. Số tiền nợ này được Công ty Grominh thừa nhận. Do ông K không thanh toán số tiền 492.776.500 đồng nên Công ty Grominh yêu cầu ông K phải trả lãi theo thỏa thuận được ông K thừa nhận phải chịu phạt theo mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại điều 5, mục mục 5.6 của Hợp đồng số 31/2019/HĐMB ngày 02/01/2019. Do đó, Công ty Grominh yêu cầu ông K trả tiền lãi từ ngày 31/7/2019 đến ngày 31/8/2022 là 36 tháng với lãi suất 10%/tháng bằng 147.832.950 đồng là có cơ sở. Do đó, bản án sơ thẩm buộc ông K phải trả cho Công ty Grominh 492.776.500 đồng và trả số tiền lãi do chậm trả nợ với số tiền 147.832.950 đồng là có cơ sở.

[2] Về thời hiệu: Ông K kháng cáo cho rằng vào ngày 02/01/2020 là thời điểm Công ty Grominh yêu cầu ông K trả số nợ 492.776.500 đồng nhưng đến ngày 07/6/2022 Công ty Grominh mới khởi kiện là hết thời hiệu nên yêu cầu bác đơn khởi kiện của Công ty Grominh đối với khoản nợ 492.776.500 đồng.

Hội đồng xét xử xét thấy, vào ngày 02/01/2020 là ngày Ngân hàng SHB chuyển trả cho Công ty Grominh số tiền 5.000.000.000 đồng thay cho ông K do hợp đồng số 31/2019 đã kết thúc vào ngày 31/12/2019. Tại thời điểm này, Công ty Grominh có gửi bảng đối chiếu công nợ cho ông K với số tiền nợ đến ngày 27/12/2019 là 3.150.769.000 đồng, trong đó bao gồm khoản nợ 492.776.500 đồng được ông K thừa nhận nhưng ông K không có văn bản từ chối việc trả nợ cho Công ty Grominh. Tại hồ sơ và tại phiên tòa, ông K cũng thừa nhận sau khi nhận bảng đối chiếu công nợ của Công ty Grominh được gửi qua đường bưu điện, ông K không có văn bản phản hồi về việc không đồng ý trả nợ cho Công ty Grominh. Do đó, không thể xác định ngày 02/01/2020 là thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Grominh bị xâm phạm theo quy định tại điều 319 Luật Thương mại để xác định hết thời hiệu khởi kiện. Vì vậy không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông K.

[3] Xét yêu cầu kháng cáo của Công ty Grominh, Hội đồng xét xử xét thấy: Công ty Grominh yêu cầu ông K trả tiền mua hàng từ ngày 01/8/2019 đến ngày 31/12/2019 là 2.657.992.500 đồng. Tại hồ sơ thể hiện có 23 hóa đơn giá trị gia tăng do Công ty Grominh xuất cho ông K từ ngày 07/8/2019 đến ngày 20/12/2019 (BL số 474 đến 500) kèm theo 23 phiếu xuất hàng do ông K nhận hàng tại Công ty Grobest (BL 339-362) đều phù hợp về thời gian nhận hàng và thời gian xuất hóa đơn với 23 Hóa đơn giá trị gia tăng do Công ty Grobest xuất cho Công ty Grominh khi giao hàng cho Công ty Grominh để Công ty Grominh giao hàng và xuất hóa đơn cho ông K (BL 930-953). Các bảng đối chiếu công nợ giữa Công ty Grobest với Công ty Grominh cũng phù hợp về số lượng hàng hóa do Công ty Grominh xuất hàng cho ông K (BL 566-929) phù hợp với các tờ khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng do Công ty Grominh khai kèm theo bảng kê hóa đơn chứng từ hàng hóa bán ra cho ông K để nộp hồ sơ báo thuế với cơ quan thuế (BL 253-290). Do đó có cơ sở xác định Công ty Grominh có nhận hàng của Công ty Grobest từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 để giao cho ông K.

[4] Ông K thừa nhận từ tháng 01/2019 đến 31/7/2019, theo hợp đồng số 31/2019, ông K có nhiều lần điện thoại cho Công ty Grominh để đặt hàng và thông báo cho Công ty Grominh biết biển số xe để ông K được vào Công ty Grobest nhận hàng và nhận hóa đơn thuế giá trị gia tăng. Hàng tháng, ông K chuyển tiền trả cho Công ty Grominh bằng hình thức chuyển khoản, nhưng nợ tháng trước được cộng dồn vào nợ tháng sau theo bảng đối chiếu công nợ hàng tháng nên đến ngày 31/7/2019 ông K nợ Công ty Grominh tổng số tiền theo bảng đối chiếu công nợ ông K đã kí là 7.752.776.500 đồng. Từ ngày 01/8/2019 đến ngày 31/12/2019, ông K thừa nhận không chấm dứt hợp đồng số 31/2019 với Công ty Grominh nhưng ông K cho rằng không điện thoại Công ty Grominh để đặt nhận hàng của Công ty Grominh nên không cho xe vào Công ty Grobest nhận hàng theo hợp đồng mua bán với Công ty Grominh.

Hội đồng xét thấy, căn cứ 23 phiếu xuất hàng từ Công ty Grobetst đã xuất hàng cho Công ty Grominh để Công ty Grominh giao cho ông K tại Công ty Grobest do tài xế của xe ông K nhận hàng có ông Nguyễn Minh Sơn, là người trực tiếp giao hàng cho tài xế xe ông K nhận hàng gồm có 4 phiếu xuất hàng do tài xế xe biển số 69C026.xx do ông K điều khiển kí nhận hàng, 01 phiếu xuất hàng do tài xế Võ Quốc Huy điều khiển xe biển số 69C026.xx nhận hàng, 01 phiếu xuất hàng do tài xế Trần Văn Tuấn điều khiển xe biển số 94L- 77xx kí nhận hàng, 01 phiếu nhận hàng do tài xế Mai Minh Phụng điều khiển biển số xe 94C-01xxx kí nhận hàng. Ông K thừa nhận đã cho tài xế điều khiển các xe có biển số nêu trên vào nhận hàng của Công ty Grominh trong thời gian từ tháng 01/2019 đến tháng 7/2019. Như vậy, với hình thức điện thoại đặt hàng và thông báo biển số xe với Công ty Grominh để tài xế điều khiển xe vào Công ty Grobest nhận hàng trong thời gian từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 phù hợp với các biển số xe đã nhận hàng từ tháng 01/2019 đến tháng 7/2019 nhưng ông K cho rằng không biết các biển số xe này và không có nhận hàng của Công ty Grominh từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 là không có cơ sở. Ngoài ra, ông K cho rằng không đặt hàng và mua hàng của Công ty Grominh từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 nhưng trong thời gian này ông K vẫn chuyển tiền để trả cho Công ty Grominh theo các lệnh thanh toán tại Ngân hàng Agribank (Bl 91-97), đến ngày 02/01/2020 thì Ngân hàng SHB đã chuyển cho Công ty Grominh số tiền 5.000.000.000 đồng theo thư bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng SHB (BL135-138). Xét thấy, các bảng đối chiếu công nợ của Công ty Grominh với ông K được thực hiện theo từng tháng với hình thức nợ tháng trước được liệt kê cộng dồn vào tháng sau và được ông K chuyển tiền trả hàng tháng cho Công ty Grominh đến ngày 20/12/2019. Do đó ông K không thừa nhận có đặt hàng và nhận hàng của Công ty Grominh từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 là không có cơ sở.

[5] Việc ông K cho rằng không nhận bảng đối chiếu công nợ của Công ty Grominh từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019, nhưng ông Đinh Văn Quân là người giao các bản đối chiếu hàng hóa và công nợ cho ông K đã thừa nhận hàng tháng ông K đều nhận các bảng đối chiếu công nợ vào tháng 7 và tháng 8/2019, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019 ông K không tiếp ông Q nên không giao được bảng đối chiếu công nợ trực tiếp nên các bảng đối chiếu công nợ được chuyển qua đường bưu điện. Đồng thời ông Q đã nhiều lần nhắn tin để thông báo số nợ do ông K nợ Công ty Grominh.

Tại phiên tòa, ông Q cung cấp chứng cứ là tin nhắn điện thoại do ông Q nhắn tin cho ông K vào các ngày 20 và ngày 22/01/2020 để đòi ông K số tiền 3.150.769.000 đồng nhưng ông K không trả lời. Đồng thời kèm theo chứng từ là phiếu chuyển bưu điện về việc báo công nợ, ông K đã nhận vào lúc 12h ngày 12/11/2019 nhưng ông K không phản hồi về số tiền nợ của Công ty Grominh. Ông K thừa nhận số điện thoại qua tin nhắn do ông Q cung cấp là của ông Q đã nhắn tin cho ông K để đòi tiền, nhưng ông cho rằng tin rác nên ông không trả lời, tuy nhiên tại tin nhắn vào lúc 15h37 phút ngày 16/5/2019 ông K đã nhắn tin cho ông Q để báo cho ông Q biết đã chuyển cho nguyên đơn 1 tỷ đồng. Do đó ông K cho rằng tin nhắn vào ngày 20/01/2020 và 22/01/2020 do ông Q nhắn đòi nợ ông K 3.150/769.000 là tin nhắn rác là không có cơ sở.

[6] Xét thấy, mặc dù việc ông Q giao bảng đối chiếu công nợ hàng tháng cho ông K không có kí giao nhận, nhưng các bảng đối chiếu công nợ do Công ty gửi cho ông K qua đường bưu điện thể hiện ông K đã nhận bảng đối chiếu công nợ vào ngày 12/11/2019 (BL 1075) nhưng ông K không có ý kiến với Công ty Grominh về việc chấm dứt hợp đồng số 31/2019 với Công ty Grominh và không mua hàng hóa của Công ty Grominh. Đồng thời ông K cũng không từ hchoosi khoản nợ của Công ty Grominh theo bảng đối chiếu công nợ ông K đã nhận. Căn cứ vào mục 8.6 Điều 8 của Hợp đồng số 31/2019 thì mặc nhiên số nợ này ông K thừa nhận nên ông K phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Grominh.

[7] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông K cho rằng trong thời gian đặt hàng và nhận hàng của Công ty Grominh từ tháng 02/2019 đến 31/7/2019, ông K có có thuê xe của bà Ngô Thị Thùy Trang biển số xe 69C – 026.xx cùng một số xe khác để đến Công ty Grobest nhận hàng, nhưng từ ngày 01/8/2019 ông K không còn thuê xe của bà Trang và cung cấp cho Hội đồng xét xử giấy xác nhận của bà Trang (BL 1039-1040). Nhưng theo 06 phiếu nhận hàng tại Công ty Grobest ngày 07/8/2019, ngày 09/08/2019, ngày 14/8/2019, ngày 11/10/2019, ngày 04/11/2019, ngày 16/11/2019 thể hiện tài xế điều khiển xe biển số 69C-02684 nhận hàng. Theo Công văn số 26/CV PC08 ngày 02/02/2023 Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau xác định biển số xe 69C – 026.xx thuộc sở hữu của bà Đỗ Mai Hương từ năm 2019. Tại biên bản làm việc ngày 10/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau với bà Hương, bà Hương cho rằng bà Hương là người đứng tên chủ xe nhưng xe là của bà Ngô Thị Thùy Trang hoạt động, lý do bà Trang thiếu nợ bà nên chuyển cho bà đứng tên giấy tờ xe từ năm 2019 đến tháng 2/2022 bà Hương đã chuyển tên chủ sở hữu xe lại cho bà Trang. Như vậy phù hợp với lời trình bày của ông K đã thuê xe của bà Trang có biển số xe 69C–026.xx để đến Công ty Grobest nhận hàng. Do đó việc bà Trang xác nhận từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 bà Trang không cho tài xế xe đến nhận hàng cho ông K tại Công ty Grobest là không có cơ sở nên không chấp nhận lời trình bày và việc cung cấp chứng cứ của ông K. Ông K không thừa nhận đã cho các xe có biển số 69C–026.xx và một số xe khác đến Công ty Grobest nhận hàng từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 như lời trình bày của Công ty Grominh, nhưng ông K không cung cấp được chứng cứ để chứng minh các xe này không vào cổng của Công ty Grobest và ông K yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ tại Công ty Grobest. Theo văn bản ngày 13/02/2023 của Công ty Gorbest cũng đã từ chối cung cấp thông tin về việc các biển số xe đã đến Công ty Grobest nhận hàng theo yêu cầu của Tòa án theo công văn số 14/TA ngày 01/02/2023 (BL 1013). Trong khi đó hiện nay ông K là khách hàng của Công ty Grobest. Do đó ông K cho rằng không mua hàng hóa của nguyên đơn nên không nhận hàng của Công ty Grobest từ ngày 01/8/2019 đến ngày 31/12/2019 là không có cơ sở chấp nhận.

[8] Ngoài ra, ông K cho rằng từ ngày 01/8/2019 đến tháng 12/2019 ông K không mua hàng của Công ty Grominh nhưng ông K không chứng minh được đã mua hàng của Công ty nào để bán, lượng hàng bán ra và lượng hàng nhập vào từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 như thế nào. Tại phiên tòa ông K cho rằng đã mua hàng của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh NM3 tại Đồng Nai để bán và cung cấp cho Tòa án 24 hóa đơn nhưng các hóa đơn do ông K cung cấp không t hiện do Công ty xuất ra hợp pháp (BL 1014-1037) trong khi đó trong thời gian ông K mua hàng hóa của Công ty khác để bán trong thời gian hợp đồng số 31/2019 do ông K kí với Công ty Grominh vẫn còn đang thực hiện chưa được chấm dứt. Do đó không có cơ sở chấp nhận lời trình bày của ông K. Do đó cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Grominh, buộc ông K trả cho Công ty Grominh số tiền mua hàng hóa từ ngày 01/8/2019 đến ngày 31/12/2019 với số tiền 2.657.992.500 đồng là phù hợp.

[9] Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông K cho rằng Công ty Grominh xuất hóa đơn không hợp lệ, có dấu hiệu hình sự nên yêu cầu chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an giải quyết. Xét thấy, việc mua bán xuất phát từ hợp đồng số 31/2019/HĐMB ngày 02/01/2019, cả nguyên và bị đơn đều thừa nhận có việc mua bán, hiện nay các bên tranh chấp việc trả tiền hàng hóa đã mua, nên không có cơ sở xác định có dấu hiệu hình sự để chuyển cơ quan điều tra theo yêu cầu của ông K.

[10] Xét đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tại phiên tòa là chưa phù hợp nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[11] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Grominh nên Công ty Grominh không phải chịu án phí, ông K phải chịu theo quy định.

[12] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông K, nên ông K phải nộp theo quy định. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Grominh nên Công ty không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH GroMinh Việt Nam. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê Xuân K.

Sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc ông Lê Xuân K – Hộ kinh doanh cá thể có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH Grominh Việt Nam tổng số tiền 3.298.601.905 đồng.

Kể từ ngày Công ty Grominh có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông K không thi hành xong khoản tiền trên, thì còn phải trả thêm khoản lãi phát sinh theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành.

Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Buộc ông Lê Xuân K phải chịu 97.972.000 đồng.

Công ty TNHH Grominh Việt Nam không phải chịu án phí, ngày 14/6/2022 Công ty TNHH Grominh Việt Nam đã nộp tạm ứng án phí số tiền 55.385.000đ theo biên lai thu số 0001552 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau được nhận lại.

Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH Grominh Việt Nam không phải chịu, ngày 07/10/2022 Công ty đã dự nộp 2.000.000 đồng theo biên lai số 0002085 tại Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Cà Mau được nhận lại.

Ông Lê Xuân K phải chịu 2.000.000 đồng, ngày 05/10/2022 ông K đã dự nộp 2.000.000 đồng theo biên lai số 0002043 tại Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Cà Mau được chuyển thu.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

19
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 05/2023/KDTM-PT

Số hiệu:05/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 01/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về