TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 05/2023/KDTM-PT NGÀY 16/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 16 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Long An tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 16/2022/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 10 năm 2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2022/KDTM-ST ngày 19 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 16/2022/QĐ-PT ngày 20 tháng 12 năm 2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H (gọi tắt Công ty H). Công ty TNHH Sản xuất Thương mại K đã được sáp nhập vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H theo Hợp đồng sáp nhập số 01/2022/HĐSN ngày 03/6/2022. Địa chỉ trụ sở chính: Tỉnh lộ 830 Ấp 8, xã L, huyện B, tỉnh Long An.
Người đại diện hợp pháp theo pháp luật của nguyên đơn: Ông Gịp Cao T – Chức danh: Giám đốc Công ty.
Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Đặng Thị Cẩm H, sinh năm 1981. Chức danh: Phó giám đốc Công ty. Địa chỉ: Số 89 đường V, Khu phố 2, thị trấn B, huyện B, tỉnh Long An; Địa chỉ liên hệ:103-105 Khu dân cư 135, khu phố 10, thị trấn B, huyện B, tỉnh Long An. (Có mặt).
- Bị đơn: Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 (gọi tắt Công ty H1). Địa chỉ trụ sở chính: Cụm 2, xã L, huyện Đ, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp theo pháp luật của bị đơn: Ông Nguyễn Xuân H – Chức danh: Giám đốc Công ty.
Người đại diện theo ủy quyền của Công ty là: Công ty Luật TNHH T. Địa chỉ trụ sở chính: số 35, ngách 29/62, phố K, phường K, quận T, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền của Công ty T:
1. Bà Phạm Thị Nguyệt T (Có mặt).
2. Ông Nguyễn Thế H1 (Vắng mặt).
3. Ông Vi Văn L (Có mặt).
Là luật sư Công ty Luật TNHH T (theo văn bản số 210/2022/QĐ-THL ngày 01/10/2022).
- Người kháng cáo: Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Đơn khởi kiện ghi ngày 03/7/2021, trong quá trình giải quyết vụ án, và tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Căn cứ vào các Hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa Công ty K (Bên A) và Công ty H1 (Bên B) gồm: Số 2210/HĐKK-HT, ngày 22/10/2020; số 1011/HĐKK-HT, ngày 10/11/2020 và số 0812/HĐKK-HT, ngày 08/12/2020 với nội dung:
Công ty K cung cấp “Tấm copha nhựa 1.22 X 2.44 X 15mm” cho Công ty H1; Chiết khấu tối đa là 7%; Bên (B) thanh toán 100% giá trị của Hợp đồng cho Bên (A) ngay sau khi Bên (A) hoàn tất thủ tục xuất hàng.
Thời gian giao nhận hàng là 30 ngày làm việc kể từ ngày Bên (A) nhận được tiền hàng. Giao hàng tại kho của Bên (A).
Khi nhận hàng, Bên (B) có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa đúng chất lượng và số lượng theo như đơn đặt hàng. Nếu có hư hỏng hoặc tổn thất phải thông báo ngay cho Bên (A) biết bằng hình ảnh. Nếu Bên (B) không thông báo các vấn đề trên ngay khi nhận hàng thì Bên (B) phải tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa hư hỏng đó.
Thực hiện theo các Điều khoản của các Hợp đồng nêu trên, thì Công ty K đã giao hàng đầy đủ cho Công ty H1 tại kho hàng của Công ty K theo các Phiếu giao hàng ngày 15/10/2020; ngày 26/10/2020; ngày 10/11/2020; ngày 17/11/2020; ngày 23/11/2020; ngày 28/11/2020 và ngày 10/12/2020. Tổng giá trị các Hợp đồng mua bán nêu trên là 4.461.971.500 đồng nhưng Công ty H1 chỉ thanh toán cho Công ty K tổng cộng là 3.430.806.500 đồng, số tiền còn nợ là 1.031.165.000 đồng, Công ty K không yêu cầu tính tiền lãi của số nợ này nhưng Công ty H1 cũng không chịu thanh toán.
Chị H – Phó Giám đốc Công ty K nhiều lần gọi điện và gửi Công văn đến Công ty H1 để yêu cầu thanh toán số tiền còn nợ nhưng Giám đốc Công ty H1 có nhiều lời lẽ chửi bới, xúc phạm chị H. Ngày 22/6/2021, Công ty H1 có gửi cho Công ty K Công văn về việc xử lý hàng lỗi và đề nghị Công ty K phải “…đổi trả các tấm ván gãy vỡ do lỗi của nhà sản xuất…nếu không thực hiện, Công ty H1 sẽ không thanh toán số tiền còn nợ Công ty K, coi như chi phí đền bù cho lượng hàng lỗi của quý Công ty, hai bên thanh lý hợp đồng và kết thúc nghĩa vụ với nhau…”. Sau khi nhận được Công văn này của Công ty H1, thì Công ty K có Công văn phúc đáp ngày 25/6/2021 xác định “…Công ty H1 đã nhận hàng hóa của Công ty chúng tôi tổng cộng 8 đợt giao hàng. Tính từ lần đầu tiên nhận hàng vào ngày 15 tháng 10 năm 2020 đến lần nhận hàng sau cuối ngày 10 tháng 12 năm 2020. Như vậy, kể từ thời điểm Công ty H1 kiểm tra và nhập hàng vào kho, thì Công ty K đã hết trách nhiệm, đến nay (22/6/2021) công ty mới làm công văn thông báo cho công ty chúng tôi rằng hàng hóa công ty chúng tôi không đủ chất lượng là không hợp lý và cũng không đủ cơ sở để công ty chúng tôi xem xét khiếu nại này của quý công ty và đề nghị công ty thanh toán số tiền còn lại trước ngày 02/7/2021...”. Tuy nhiên, cho đến trước khi Công ty K khởi kiện và cho đến hôm nay, thì Công ty H1 cũng không đưa ra được căn cứ pháp lý nào để xác định lỗi của Công ty K bán hàng không đảm bảo chất lượng.
Công ty K đã làm đơn khởi kiện Công ty H1 tại Tòa án nhân dân huyện B. Tuy nhiên, sau khi Tòa án thụ lý đã tống đạt các Văn bản tố tụng, thì bị đơn mới gửi Văn bản ý kiến nêu trên cho Tòa án và cho rằng Công ty K bán hàng kém chất lượng để né tránh nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng đã quy định tại Điều 4. Do đó, xét ý kiến nêu trên của Công ty H1 là không hợp lý và cũng không đủ cơ sở để Công ty K chấp nhận.
Liên quan đến Biên bản làm việc ngày 01/12/2020 giữa Công ty H1 và ông Bùi Sĩ D, Công ty K không được biết vấn đề này. Công ty chúng tôi không có tuyển dụng ông D làm việc chính thức. Ông D chỉ làm việc bán thời gian và hưởng lương theo mức doanh thu mà ông D bán ra. Ông D đã nghĩ làm tại Công ty kể từ khi dịch bệnh COVID xảy ra, Công ty K không có bất cứ một thông tin cá nhân nào liên quan đến ông D để cung cấp cho Tòa án nhằm làm rõ vấn đề được nêu trên theo Biên bản ngày 01/12/2020. Tuy nhiên, Công ty K nhận thấy theo Biên bản làm việc này, thì Công ty H1 xác nhận “…với khối lượng 100 tấm thì có 4-5 tấm bị vỡ kích thước lớn, không thể sử dụng được – tương đương 4%- 5%, có phương án cải thiện, kiểm tra và đảm bảo chất lượng các lô hàng sắp tới”. Nhưng sau đó, Công ty K và Công ty H1 lại tiếp tục ký kết Hợp đồng mua bán số 0812/HĐKK-HT ngày 08/12/2020. Điều này chứng tỏ, Công ty K không có vi phạm chất lượng như Biên bản làm việc ngày 01/12/2020 và cũng như lời trình bày của Công ty H1. Sau nhiều lần kế toán Công ty K liên lạc bằng điện thoại và cả Văn bản yêu cầu Công ty H1 thanh toán phần tiền còn nợ. Công ty H1 đã không thanh toán.
Căn cứ vào hồ sơ Tòa án cung cấp cho Công ty K là Biên bản làm việc vào 01/10/2020 giữa Công ty H1 và ông Bùi Sĩ D. Sau khi xem xét nội dung Biên bản này, thì người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của Công ty K là chị Đặng Thị Cẩm H đã trực tiếp liên lạc đến số điện thoại cá nhân của ông Nguyễn Xuân H cũng là Giám đốc Công ty H1 nhưng ông Thịnh không hợp tác. Công ty K với tinh thần thiện chí, hợp pháp và mong muốn hòa giải nên Công ty K sẽ hỗ trợ 5% giá trị hàng hóa của đợt giao hàng ngày 10/11/2020 và khấu trừ vào số tiền mà Công ty H1 còn nợ là: 1.031.165.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ không trăm ba mươi mốt triệu một trăm sáu mươi lăm nghìn đồng chẳn). Như vậy, số tiền khấu trừ là 31.165.000 đồng.
Hiện tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại K đã được sáp nhập vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H theo Hợp đồng sáp nhập số 01/2022/HĐSN ngày 03/6/2022 nên số tiền hàng mà Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Sản xuất H1 còn nợ nêu trên sẽ được chuyển giao cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của Công ty K yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty H1 phải thanh toán số tiền hàng còn nợ là: 1.000.000.000 đồng và tự nguyện không tính tiền lãi của số nợ này. Ngoài ra, không còn yêu cầu nào khác.
Trong quá trình Tòa án giải quyết và tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Sản xuất H1 vắng mặt nhưng Theo Công văn số 01/CV- HT/2022 ngày 11/6/2022 của Công ty H1 trình bày:
Đầu tháng 10/2020, ông Bùi Sĩ D có ra làm việc tại Công ty H1 để giới thiệu về sản phẩm ván nhựa của Công ty K. Sau khi hai bên làm việc, xét thấy hàng hóa của Công ty K phù hợp với nhu cầu sử dụng của Công ty H1 và đặt hàng.
Ngày 22/10/2020, Công ty H1 đặt mua hàng của Công ty K. Ngày 23/10/2020, Công ty K đã giao hàng và xuất hóa đơn GTGT số 0000098 với số tiền là 680.806.500 đồng. Công ty H1 đã thanh toán toàn bộ số tiền này vào tài khoản của Công ty K: 117002642506 tại Ngân hàng ViettinBank – Chi nhánh B, tỉnh Long An.
Ngày 08/12/2020, Công ty H1 đặt lô hàng tiếp theo và cùng ngày, thì Công ty K đã giao hàng xong, xuất hóa đơn GTGT số 0000129 ngày 08/12/2020 với số tiền là 195.937.500 đồng, số tiền này Công ty H1 chưa thanh toán. Nhưng sau một thời gian sử dụng Công ty H1 thấy hàng hóa bên Công ty K không đạt yêu cầu như cam kết, sản phẩm bị gãy, vỡ khi chỉ mới dùng được 01 lần. Công ty H1 có thông báo về tình trạng của hàng hóa cho Công ty K và ông Bùi Sĩ D được biết. Ngày 01/12/2020, ông Bùi Sĩ D có mặt tại công trường nhà máy S INTERNATIONNAL VIỆT NAM tại KCN Quế Võ III – Quế Trân – Quế Võ – Bắc Ninh để kiểm tra tình trạng hàng hóa của Công ty K.
Sau nhiều lần liên hệ trao đổi qua điện thoại với ông D. Ngày 22/6/2021, Công ty H1 có gửi cho Công ty K Công văn đề nghị xử lý hàng lỗi“…đổi trả các tấm ván gãy vỡ do lỗi của nhà sản xuất…nếu không thực hiện, Công ty H1 sẽ không thanh toán số tiền còn nợ Công ty K, coi như chi phí đền bù cho lượng hàng lỗi của quý Công ty, hai bên thanh lý hợp đồng và kết thúc nghĩa vụ với nhau…”. Nhưng Công ty K có gửi Công văn phúc đáp với tinh thần không hợp tác để giải quyết sự việc nên cho đến nay Công ty H1 vẫn chưa thanh toán khoản công nợ của Công ty K.
Công ty H1 đề nghị Công ty K cử người đại diện ra kiểm tra và xử lý lô hàng không đạt tiêu chuẩn đúng như thỏa thuận mà ông Bùi Sĩ D làm việc và chưa có biện pháp khắc phục, xử lý hàng hóa hỏng, gãy vỡ và không đạt yêu cầu nên không đồng ý thanh toán số tiền còn nợ mà Công ty K đã khởi kiện. Đồng thời, Công ty H1 xin vắng mặt tại buổi làm việc vào lúc 08 giờ ngày 27/6/2022 theo Thông báo của Tòa án và yêu cầu Tòa án có biện pháp can thiệp để Công ty K giải quyết vấn đề hàng hư hỏng, gãy vỡ cho Công ty H1 để hai bên hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Ngoài ra, Công ty H1 không có ý kiến hay yêu cầu gì khác.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên ý kiến, yêu cầu và trình bày của mình. Đồng thời, cam kết ngoài những chứng cứ đã cung cấp cho Tòa án, thì không yêu cầu Tòa án thu thập thêm chứng cứ nào khác tại thời điểm hiện tại cho đến khi Tòa án xét xử ở các cấp. Đồng thời, cũng không yêu cầu Tòa án triệu tập thêm những người khác tham gia tố tụng trong vụ án này.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2022/KDTM-ST ngày 19 tháng 8 năm 2022, Toà án nhân dân huyện B đã tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại K được sáp nhập vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H đối với bị đơn Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 về việc tranh chấp “Hợp đồng mua bán hàng hóa”.
2. Buộc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 có nghĩa vụ thanh toán số tiền mua hàng còn nợ cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại K được sáp nhập vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H là 1.000.000.000 đồng (Bằng chữ: một tỷ đồng).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí; quyền kháng cáo; quyền yêu cầu, nghĩa vụ và thời hiệu thi hành án.
Ngày 21/9/2022, Tòa án nhân dân huyện B nhận được đơn kháng cáo đề ngày 19/9/2022 của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm số 06/2022/KDTM-ST ngày 19/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Long An.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Ông Vi Văn L và bà Phạm Thị Nguyệt T thống nhất trình bày:
Công ty H1 với Công ty K có ký Hợp đồng mua bán hàng hóa số 2210/HĐKK-HT, ngày 22/10/2020; số 1011/HĐKK-HT, ngày 10/11/2020 và số 0812/HĐKK-HT, ngày 08/12/2020 tổng giá trị các Hợp đồng mua bán nêu trên là 4.461.971.500 đồng. Công ty H1 đã nhận đầy đủ hàng hóa theo các hợp đồng được ký kết và đã thanh toán cho Công ty K số tiền 3.430.806.500 đồng, còn nợ lại 1.031.165.000 đồng. Công ty H1 mua hàng của Công ty K không phải tự tìm hiểu mà do ông D là nhân viên làm việc bán thời gian tại Công ty K giới thiệu sản phẩm để Công ty H1 mua hàng của Công ty K. Công ty K là bên soạn thảo hợp đồng và đề xuất hợp đồng mua bán thì hợp đồng có quy định tại mục 3.1 nhận hàng kiểm tra đúng chất lượng và số lượng nhưng về chất lượng không quy định cụ thể chất lượng sản phẩm như thế nào nên để xác định chất lượng phải có văn bản công bố chất lượng sản phẩm nếu chỉ đánh giá bằng mắt thường không thể biết sản phẩm sử dụng một lần hay nhiều lần.
Sản phẩm là cốp pha phải sử dụng nhiều lần để đảm bảo kinh tế nên Công ty K phải gửi công bố chất lượng sản phẩm và hướng dẫn sử dụng đối với sản phẩm đã bán cho Công ty H1. Sau khi sử dụng sản phẩm của Công ty K cung cấp bị hư hỏng, gãy vỡ không đảm bảo chất lượng được ghi nhận tại biên bản làm việc ngày 01/12/2020 của Công ty H1 có ông D ký xác nhận. Các bên không xác nhận được số lượng sản phẩm lỗi và chất lượng sản phẩm như thế nào để thực hiện khấu trừ sản phẩm lỗi, hư hỏng, không đảm bảo chất lượng vào tiền thanh toán. Công ty K khởi kiện yêu cầu thanh toán 1.031.165.000 đồng thì Công ty H1 không đồng ý vì hai bên chưa thanh lý hợp đồng và chưa đối chiếu công nợ để cấn trừ sản phẩm lỗi vào số tiền chưa thanh toán đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty H1 sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty K.
Bà Đặng Thị Cẩm H trình bày: Bà H vẫn giữ nguyên các ý kiến mà bà đã trình bày tại cấp sơ thẩm, bà không đồng ý với ý kiến trình bày và yêu cầu kháng cáo của bị đơn, bà đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu ý kiến:
Về tính hợp lệ của kháng cáo: Đơn kháng cáo nằm trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Về chấp hành pháp luật: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng những quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng pháp luật.
Về giải quyết yêu cầu kháng cáo:
Công ty H1 trình bày hàng hóa của Công ty K bị lỗi không đảm bảo chất lượng bị hư hỏng, gãy vỡ khi sử dụng nhưng theo hợp đồng về khiếu nại hàng hóa hư hỏng phải thông báo cho Công ty K bằng hình ảnh khi nhận hàng nên Công ty H1 cung cấp biên bản làm việc ngày 01/12/2020 ghi nhận sản phẩm hư hỏng sau khi sử dụng mà không thông báo bằng hình ảnh hay văn bản cho Công ty K và không có xác nhận của Công ty K vào biên bản làm việc nên không có cơ sở để xem xét. Công ty H1 kháng cáo cho rằng các bên tranh chấp chưa tiến hành thanh lý hợp đồng, chưa thống nhất được công nợ nhưng tại công văn trình bày ý kiến số 01/CV-HT/2022 ngày 11/6/2022 thì Công ty H1 xác nhận chưa thanh toán số tiền 1.031.165.000 đồng cho Công ty K.
Như vậy, Công ty H1 đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Công ty K khởi kiện yêu cầu buộc Công ty H1 thực hiện nghĩa vụ thanh toán là có cơ sở. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm Công ty K yêu cầu Công ty H1 thanh toán 1.000.000.000 đồng, không tính lãi và đồng ý khấu trừ 5% hàng hóa bị lỗi theo Công văn ngày 01/12/2020 là phù hợp, đúng pháp luật. Bị đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm nhưng không cung cấp thêm tài liệu chứng cứ gì mới để chứng minh nên không có căn cứ chấp nhận, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Về thủ tục tố tụng:
[1] Tòa án cấp sơ thẩm xác định thẩm quyền Tòa án giải quyết, quan hệ pháp luật tranh chấp, người tham gia tố tụng và xét xử theo trình tự sơ thẩm là phù hợp với quy định tại Điều 26, 35, 39, 227, 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, bản án sơ thẩm đảm bảo thủ tục tố tụng.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, những người được Tòa án triệu tập có mặt Tòa án tiến hành xét xử theo trình tự phúc thẩm là phù hợp quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về việc giải quyết yêu cầu kháng cáo:
[3] Xét kháng cáo của bị đơn Công ty H1 yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử thấy rằng:
[4] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và ý kiến trình bày của các đương sự đủ cơ sở xác định Công ty K với Công ty H1 có ký hợp đồng mua bán hàng hóa số 2210/HĐKK-HT ngày 22/10/2020; số 1011/HĐKK- HT ngày 10/11/2020 và số 0812/HĐKK-HT ngày 08/12/2020 với tổng giá trị các Hợp đồng mua bán nêu trên là 4.461.971.500 đồng. Công ty H1 thừa nhận đã nhận đầy đủ hàng hóa theo các hợp đồng và thanh toán được 3.430.806.500 đồng còn 1.031.165.000 đồng chưa thanh toán. Theo quy định tại Điều 1 của Hợp đồng “...Bên (B) thanh toán 100% giá trị của Hợp đồng cho Bên (A) ngay sau khi Bên (A) hoàn tất thủ tục xuất hàng...), Công ty H1 thừa nhận đã nhận đầy đủ hàng hóa theo hợp đồng và còn 1.031.165.000 đồng chưa thanh toán nên Công ty K khởi kiện yêu cầu Công ty H1 thanh toán số tiền này là có cơ sở.
[5] Công ty H1 kháng cáo cho rằng hai bên chưa thực hiện đối chiếu công nợ để khấu trừ sản phẩm bị lỗi, hư hỏng, không đảm bảo chất lượng nên không đồng ý thanh toán cho Công ty K số tiền còn nợ là 1.031.165.000 đồng. Theo Công ty H1 chứng minh cho việc hàng hóa không đảm bảo chất lượng đó là biên bản làm việc ngày 01/12/2020 có ông D là nhân viên bán thời gian của Công ty K ký xác nhận.
[6] Tuy nhiên, Hội đồng xét xử thấy rằng việc khiếu nại chất lượng sản phẩm được quy định tại mục 3.1 Điều 3 của các Hợp đồng như sau: “Khi nhận hàng, Bên (B) có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa đúng chất lượng và số lượng theo như đơn đặt hàng. Nếu có hư hỏng hoặc tổn thất phải thông báo ngay cho Bên (A) biết bằng hình ảnh. Nếu Bên (B) không thông báo các vấn đề trên ngay khi nhận hàng thì Bên (B) phải tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa hư hỏng đó.”. Như vậy, Công ty H1 sau khi sử dụng sản phẩm mới phát sinh hư hỏng nhưng không thông báo bằng hình ảnh cho Công ty K mà chỉ lập biên bản làm việc để ghi nhận sảm phẩm hư hỏng và không gửi biên bản hay thông báo cho Công ty K biết, đến khi Công ty K khởi kiện yêu cầu thanh toán tiền thì Công ty H1 mới cung cấp biên bản làm việc này cho Tòa án. Mặt khác, theo Điều 2 của các Hợp đồng quy định về chất lượng sản phẩm “Bên A đảm bảo cung cấp cho Bên B các sản phẩm với tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất”, không có Điều, khoản nào của Hợp đồng mua bán hàng hóa hay phụ lục Hợp đồng hoặc văn bản cam kết nào mà hai bên ký kết thể hiện số lần sử dụng sản phẩm nên Công ty H1 cho rằng sản phẩm bị hư hỏng sau một lần sử dụng là không đảm bảo chất lượng là không có cơ sở.
[7] Công ty H1 kháng cáo nhưng không cung cấp thêm tài liệu chứng cứ gì mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Công ty H1, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như ý kiến của Kiểm sát viên.
[8] Công ty H1 phải chịu án phí phúc thẩm do kháng cáo không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1.
Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 06/2022/KDTM-ST ngày 19 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện B.
Căn cứ vào các Điều 30, 35, 39, điểm g khoản 1 Điều 40, Điều 147, 148, 483 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2020;
Điều 24, 50 Luật Thương mại năm 2005; Điều 26, 29 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại K được sáp nhập vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H đối với Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 về việc tranh chấp “Hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Buộc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 phải thanh toán số tiền mua hàng còn nợ cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại K được sáp nhập vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H là 1.000.000.000 đồng (Bằng chữ: một tỷ đồng).
2. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.
3. Về án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp kinh doanh thương mại:
Buộc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 phải chịu án phí với số tiền là 42.000.000 đồng.
Hoàn trả tiền tạm ứng án phí cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại K được sáp nhập vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại H đã nộp là 21.467.475 đồng (Bằng chữ: Hai mươi mốt triệu bốn trăm sáu mươi bảy ngàn bốn trăm bảy mươi lăm đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0008476 ngày 25/01/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Long An.
4. Về án phí phúc thẩm: Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại sản xuất H1 phải chịu 2.000.000đ (Hai triệu đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 3.000.000đ (ba triệu đồng) theo biên lai thu số 0012144 ngày 05/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B; hoàn trả cho Công ty H1 số tiền 1.000.000đ tạm ứng án phí còn thừa.
5. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 05/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 05/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Long An |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 16/03/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về