TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẮC TÂN UYÊN, TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 04/2021/KDTM-ST NGÀY 29/12/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 29 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện B xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 04/2021/TLST-KDTM ngày 10 tháng 8 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa về thanh toán công nợ” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2021/QĐXX-ST ngày 02 tháng 12 năm 2021; Quyết định hoãn phiên tòa số 04/2021/QĐST-KDTM ngày 21 tháng 12 năm 2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH Nhuận B; địa chỉ: Lô A, đường B, Khu công nghiệp TB, thị trấn TB, huyện BTU, tỉnh BD. Đại diện theo pháp luật: Ông L, M– Tổng giám đốc;
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Vương ĐT, sinh năm 1986; địa chỉ: Km X, Quốc Lộ Y, khu phố CT, phường BA, thành phố DA, tỉnh BD. Theo Văn bản ủy quyền ngày 20/5/2021, có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH Biển Đ; địa chỉ: Thửa đất số A, tờ bản đồ số B, ấp BC, xã BM, huyện BTU, tỉnh BD. Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn DT – Giám đốc.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1990;
địa chỉ: Ấp BC, xã BM, huyện BTU, tỉnh BD. Theo Văn bản ủy quyền ngày 20/5/2021, có mặt.
Người làm chứng: Bà LN (Tên thường gọi là Ng), sinh năm 1993; địa chỉ thường trú: Ấp A, xã PV, huyện ĐQ, tỉnh ĐN; địa chỉ cư trú: Lô A, đường B, Khu công nghiệp TB, thị trấn TB, huyện BTU, tỉnh BD.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 20/5/2020, Bản tự khai ngày 23/9/2021, ngày 29/9/2021 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Nhuận B (gọi tắt là Cty NB) ông Vương ĐT trình bày: Năm 2020, NB bán cho Công ty TNHH Biển Đ (gọi tắt là Cty BĐ) hàng hóa là các loại hóa chất. Việc mua bán không ký hợp đồng mà thông qua giao nhận hàng hóa thực tế. Tổng giá trị hàng hóa Cty NB đã giao cho Cty BĐ là 1.323.269.750 đồng. Cty NB đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số (1) 2170 ngày 17/01/2020; (2) 2322 ngày 01/03/2020; (3) 2408 ngày 25/03/2020; (4) 2446 ngày 31/03/2020; (5) 2579 ngày 18/05/2020; (6) 2633 ngày 29/05/2020; (7) 2646 ngày 01/06/2020; (8) 2709 ngày 26/06/2020; (9) 2736 ngày 29/06/2020; (10) 2762 ngày 04/07/2020. Đến nay, Cty BĐ chỉ thanh toán được 198.443.000 đồng, còn nợ lại 1.124.826.750 đồng. Do đó, Cty NB khởi kiện Cty BĐ, yêu cầu Tòa án buộc Cty BĐ trả 1.226.061.157 đồng, trong đó nợ gốc là 1.124.826.750 đồng; nợ lãi theo lãi suất 1%/tháng, tạm tính từ ngày 30/08/2020 đến hết ngày 30/05/2021 là 09 tháng:
1.124.826.750 đồng x 1% x 9 tháng = 101.234.407 đồng (Lãi suất sẽ được tiếp tục tính cho tới khi Cty BĐ hoàn thành nghĩa vụ thanh toán).
Đại diện bị đơn Cty BĐ ông Nguyễn Văn H trình bày tại Bản tự khai ngày 23/9/2021 vời lời khai trong quá trình giải quyết vụ án như sau: Thống nhất với lời trình bày của đại diện Cty NB về việc Cty BĐ có giao dịch mua bán hàng hóa với Cty NB số lượng hàng hóa được liệt kê trong Bảng đối chiếu công nợ ngày 05/12/2020. Không thống nhất với tổng số nợ gốc mà đại diện nguyên đơn trình bày vì trong số nợ gốc này bao gồm giá trị hàng bị hư hỏng là 424.129.200 đồng.
Cty BĐ sẻ xuất hóa đơn để trả lại số hàng này cho Cty NB. Cty BĐ chỉ đồng ý thanh toán cho Cty NB số tiền: 1.124.826.750 đồng – 424.129.200 đồng = 700.697.550 đồng. Buổi hòa giải ngày 01/12/2021, đại diện Cty BĐ cho biết, do hàng hóa Cty NB giao cho Cty BĐ không còn, Cty BĐ cũng không có tài liệu chứng minh hàng hóa đã nhận không đạt chất lượng nên đồng ý thanh toán nợ gốc 1.124.826.750 đồng theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Về tiền lãi, bị đơn chỉ đồng ý thanh toán tiền lãi theo lãi suất 2%/năm tính từ ngày 01/10/2020 đến thời điểm xét xử sơ thẩm.
Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Về việc tính lãi và thời điểm tính lãi, do giữa các bên không ký hợp đồng cụ thể, do đó, thời hạn thanh toán tiền tính từ ngày Cty BĐ nhận hàng và xuất hóa đơn theo quy định tại Điều 55 Luật Thương mại. Hàng hóa được giao xong mới xuất hóa đơn. Hóa đơn cuối cùng được xuất vào ngày 04/7/2021 nên Cty NB tính lãi theo lãi suất 1%/tháng tính từ ngày 30/8/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm 29/12/2021 là tròn 16 tháng.
Tại phiên tòa, đại diện bị đơn thay đổi ý kiến so với lời trình bày tại buổi hòa giải ngày 01/12/2021, chỉ đồng ý thanh toán tiền hàng còn nợ của Cty NB sau khi trừ đi số hàng bị hư hỏng trị giá 424.129.200 đồng. Hàng hóa Cty NB giao cho Cty BĐ hiện không còn nhưng hàng hóa bị hư hỏng thể hiện qua việc Cty NB cử 1 chuyên gia người Trung Quốc (không rõ tên) và 01 kế toán tên Ngọc qua Cty BĐ làm việc. Buổi làm việc do các bên không thống nhất nên không lập thành văn bản. Ngoài việc gọi điện thoại báo thì không có tài liệu nào thể hiện Cty BĐ báo cho Cty NB về việc hàng bị hỏng. Cty BĐ cũng không đồng ý thanh toán tiền lãi. Bị đơn không có yêu cầu phản tố.
Người làm chứng Ngọc thừa nhận bà là người liên lạc với nhân viên Cty BĐ nhưng chỉ làm việc liên quan đến công nợ vì bà là kế toán của Cty NB, bà không có nghiệp vụ chuyên môn về chất lượng hàng hóa nên không thể xác nhận hàng hóa của Cty chất lượng như thế nào. Bà Ngọc cũng xác định chưa từng nói với ai hàng hóa của Cty NB không đạt chất lượng.
Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu quan điểm tại phiên toà sơ thẩm như sau: Về thủ tục tố tụng: Quá trình tiến hành tố tụng và tại phiên toà, những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng trình tự, thủ tục theo qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Xét nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán 1.124.826.750 đồng tiền nợ phát sinh từ việc mua bán hàng hóa; bị đơn thừa nhận nợ gốc theo các hóa đơn do nguyên đơn xuất nên đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận. Về tiền lãi, mức lãi do nguyên đơn yêu cầu là phù hợp với quy định của pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Cty NB khởi kiện Cty BĐ có trụ sở tại ấp BC, xã BM, huyện B, tỉnh Bình Dương nên căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện B, tỉnh Bình Dương.
[2] Cty NB khởi kiện yêu cầu Cty BĐ thanh toán công nợ phát sinh từ việc mua bán hàng hóa tổng số nợ gốc là 1.124.826.750 đồng, phiên hòa giải ngày 01/12/2021, đại diện Cty BĐ đồng ý thanh toán toàn bộ nợ gốc nhưng tại phiên tòa, đại diện bị đơn thay đổi ý kiến, chỉ đồng ý thanh toán số tiền 700.697.550 đồng sau khi trừ giá trị hàng hóa bị hư hỏng số tiền 424.129.200 đồng. Xét thấy, hàng hóa Cty BĐ nhận từ Cty NB hiện không còn; không có tài liệu hoặc phản ứng của Cty BĐ đối với Cty NB thể hiện hàng hóa được giao không đạt chất lượng; Cty NB cũng không thừa nhận điều này. Cty BĐ thừa nhận đã nhận hàng hóa theo các hóa đơn do Cty NB xuất, tiền hàng chưa thanh toán là 1.124.826.750 đồng. Cty BĐ không có yêu cầu phản tố. Do đó, yêu cầu khởi kiện của Cty NB yêu cầu Cty BĐ phải thanh toán nợ gốc là có cơ sở chấp nhận.
[3] Về tiền lãi. Cty NB yêu cầu Cty BĐ thanh toán tiền lãi 1%/tháng tính từ ngày 30/8/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm. Đại diện Cty BĐ chỉ đồng ý thanh toán tiền lãi 2%/năm tính từ ngày 01/10/2020.
[4] Hóa đơn số 2762 ngày 04/07/2020 là hóa đơn cuối cùng đối với số hàng hóa Cty NB giao Cty BĐ. Bên mua và bên bán đều thừa nhận thời điểm xuất hóa đơn là sau khi giao hàng. Khoản 1 Điều 55 Luật Thương mại quy định “Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá”; Khoản 2 Điều 440 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ trả tiền phát sinh như sau: “Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản”. Khoản 3 Điều 440 Bộ luật Dân sự quy định “Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này”. Như vậy, nghĩa vụ thanh toán xuất phát từ thời điểm tháng 7/2020. Cty NB yêu cầu tính lãi từ ngày 30/8/2020 là tự nguyện và có lợi cho Cty BĐ là có cơ sở chấp nhận. Cty BĐ đề nghị tính tiền lãi từ ngày 01/10/2020 nhưng không cung cấp được tài liệu thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên và nguyên đơn không đồng ý nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[5] Về lãi suất chậm trả, do các bên không thỏa thuận nên căn cứ quy định của pháp luật để giải quyết. Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng ... thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả ...”. Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định: Khi lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 Ngân hàng …nơi Tòa án đang giải quyết tại thời điểm xét xử sơ thẩm để quyết định mức lãi suất chậm trả.
[6] Công văn số 06/NHNoTU-CV ngày 21/12/2021 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh thị xã Tân Uyên cho biết lãi suất trung bình cho vay là 8,5%, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn là 12,75%; Công văn số 01/CV/PGD BTU ngày 21/12/2021 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Phòng giao dịch B cho biết lãi suất chậm trả bằng 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; Công văn số 1565/BDU-KT ngày 23/12/2021 của Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Bình Dương cho biết lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất 9,5% tương đương 14,25%/năm. Như vậy, lãi suất bình quân 1 tháng là: 10,5% + 12,75% + 14,25% = 12,5%/12 = 1,042%/tháng. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lãi theo lãi suất 1%/tháng là thấp hơn mức bình quân của 3 Ngân hàng nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[7] Tiền lãi Cty BĐ phải chịu tính từ ngày 30/8/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm 29/12/2021 là 16 tháng: 1.124.826.750 đồng x 16 tháng = 179.972.280 đồng. Tổng số tiền Cty BĐ phải thanh toán cho Cty NB là 1.124.826.750 đồng + 179.972.280 đồng = 1.304.799.030 đồng.
[8] Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[9] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 92, khoản 4 Điều 147, khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228, Điều 266, Điều 271, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 55, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005; Điều 357, Điều 440 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-NĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;
Căn cứ Điều 26 và Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH NB đối với Công ty TNHH BĐ về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa về thanh toán công nợ.
Công ty TNHH BĐ có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH NB số tiền nợ mua hóa chất là 1.124.826.750 đồng và nợ lãi phát sinh tính từ ngày 30/8/2020 đến ngày 29/12/2021 là 179.972.280 đồng. Tổng số tiền phải thanh toán là 1.304.799.030 (Một tỷ ba trăm lẽ bốn triệu bảy trăm chín mươi chín nghìn không trăm ba mươi) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu của người được thi hành án, nếu người phải thi hành chậm thi hành thì phải chịu tiền lãi theo lãi suất 1%/tháng tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành.
2. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
Công ty TNHH BĐ phải chịu 51.143.971 (Năm mươi mốt triệu một trăm bốn mươi ba nghìn chín trăm bảy mươi mốt) đồng.
Hoàn trả cho Công ty TNHH NB 24.391.000 (Hai mươi bốn triệu ba trăm chín mươi mốt nghìn) đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2016/0054802 ngày 12/7/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Bình Dương.
3. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn và Bị đơn thông qua người đại diện có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án Dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 04/2021/KDTM-ST
Số hiệu: | 04/2021/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bắc Tân Uyên - Bình Dương |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 29/12/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về