Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán điện số XX/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN XX/2023/KDTM-PT NGÀY 17/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

Trong các ngày 15, 17 tháng 3 năm 2023, tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, xét xử công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 11/2022/TLPT- KDTM ngày 25 tháng 10 năm 2022 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán điện”;Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 11/2023/QĐ-PT ngày 9 tháng 2 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

- Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thanh D; trụ sở tại số 65/3 đường Dân T, phường Tân T, quận Tân Phú, thành phố H, tỉnh Gia Lai. Do bà Nguyễn Thị Mộng H, Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật.

- Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P; trụ sở tại Chư Njết, xã Chư N, huyện Krông P, tỉnh Gia Lai. Do bà Nguyễn Thị Mộng H, Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật.

Bà H có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phan Quang H – Luật sư của Công ty luật LDL chi nhánh Gia Lai; địa chỉ: 79A đường Tôn Thất T, thành phố P, tỉnh Gia Lai. Có mặt.

2. Bị đơn:

- Tổng công ty điện lực Miền T; trụ sở tại số 78 A đường DT, phường Hòa Thuận Đ, quận HC, thành phố ĐN. Do ông Trần Duy L, Phó Trưởng Ban pháp chế - EVNPC và ông Võ Ngọc Q, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia L làm đại diện theo ủy quyền. Có mặt.

- Công ty Điện lực Gia L; trụ sở tại 66 đường Hùng V, thành phố P, tỉnh Gia Lai. Do ông Đặng Quang V, Trường phòng Thanh tra bảo vệ pháp chế, làm đại diện theo ủy quyền. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Điện lực Krông P; trụ sở tại số 295 đường Hùng V, thị trấn Phú T, huyện Krông P, tỉnh Gia Lai. Do ông Nguyễn Chấn T, Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật. Có mặt.

4. Người kháng cáo: Bị đơn là Tổng công ty Điện lực Miền T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Nguyên đơn là Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thanh D trình bày:

Ngày 26-12-2020, Hộ kinh doanh Chư Ngọc H đã ký Hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà số 20/000486-PC10DD0522211 với đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty Điện lực Miền T, là Công ty Điện lực Gia L. Ngày 11-3-2021, Hộ kinh doanh Chư Ngọc H đã chuyển chủ thể Bên bán điện trong hợp đồng sang Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh D (sau đây gọi tắt là Công ty Thanh D).

Cùng ngày 26-12-2020, Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P (sau đây gọi tắt là Công ty Vạn P) đã ký Hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà (sau đây gọi tắt là Hợp đồng) số 20/000479 - PC10DD0522201 với đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty Điện lực Miền T, là Công ty Điện lực Gia L.

Hai Hợp đồng mua bán điện nêu trên đều có hiệu lực và thời hạn từ ngày 26-12-2020 đến ngày 26-12-2040.

Tại Điều 1 và Điều 5 của 02 của Hợp đồng mua bán điện nêu trên quy định cụ thể:

Điều 1: Bên A (Công ty Thanh D và Công ty Vạn P) đồng ý bán cho Bên B (Công ty Điện lực Gia L) và Bên B đồng ý mua của Bên A sản lượng điện năng được sản xuất từ Hệ thống phát lên lưới của Bên B thông qua công tơ đo đếm được lắp đặt tại điểm giao nhận điện. Bên B có trách nhiệm thanh toán lượng điện năng từ Hệ thống của Bên A phát lên lưới của Bên B.

Điều 5: Quyền và nghĩa vụ của Bên A: Đảm bảo thiết kế, thi công lắp đặt, vận hành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật hiện hành về chất lượng điện năng, an toàn điện, xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ. Cùng với Bên B ghi nhận, thống nhất và theo dõi sản lượng điện phát lên lưới của Bên B. Bên A không được đấu nối các nguồn điện khác, ngoài hệ thống đã được thỏa thuận trong Hợp đồng này, qua công tơ đo đếm mà không được sự đồng ý của Bên B. Bên A có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo các quy định của Nhà nước.

Quyền và nghĩa vụ của Bên B: Đầu tư, lắp đặt công tơ, hệ thống đo đếm tại điểm giao nhận điện cho Bên A nếu Bên A đáp ứng các tiêu chuẩn đấu nối tại điểm a khoản 1 Điều này. Cùng với Bên A ghi nhận, thông báo, thống nhất và theo dõi lượng điện từ hệ thống phát lên lưới của Bên B. Kiểm tra, theo dõi vận hành và xử lý sự cố theo quy định hiện hành. Bên B có quyền từ chối thanh toán khi Bên A không tuân thủ các điều khoản quy định tại điểm a, c và d khoản 1 điều này.

Sau khi ký Hợp đồng, Công ty Thanh D và Công ty Vạn P đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với Công ty Điện lực Gia L, nhưng Công ty Điện lực Gia L chỉ mới thanh toán tiền điện được 03 lần tương ứng các tháng 12-2020, tháng 1-2021, tháng 02-2021 và tạm ngưng thanh toán tiền điện phát sinh từ ngày 11-3-2021 đến nay cho Công ty Thanh D và Công ty Vạn P, mặc dù Công ty Thanh D và Công ty Vạn P liên tục có văn bản thúc giục đề nghị và khiếu nại thanh toán tiền điện.

Ngày 15-4-2021, Điện lực Krông P đến kiểm tra Hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Thanh D và Công ty Vạn P; lập Biên bản làm việc với kết luận: “Công ty Thanh D lắp dư 779 tấm pin 410 Wp, vượt 319.780 Wp so với nghiệm thu ban đầu”; “Công ty Vạn P lắp dư 334 tấm pin 410 Wp, vượt 137.330 Wp so với nghiệm thu ban đầu”.

Ngày 19-4-2021, Điện lực Krông P ra Thông báo số: 269/GLPC-ĐLKR về việc xử lý tồn tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Thanh D và Công ty Vạn P, kết luận: “.... Điện lực Krông P sẽ không thực hiện xác nhận thanh toán tiền điện đối với phần lắp đặt vượt công suất trong hợp đồng mua bán điện đã ký kết”.

Ngày 22-4-2021, Công ty Thanh D và Công ty Vạn P đã làm Đơn khiếu nại gửi đến Điện lực Krông P và Công ty Điện lực Gia L đề nghị hủy Biên bản làm việc ngày 15-4-2021 và không đồng ý hướng xử lý trong Thông báo số:

269/GLPC-ĐLKR ngày 19-4-2021.

Ngày 06-5-2021, Công ty Điện lực Gia L tổ chức cho kiểm đếm và lập Biên bản làm việc ghi nhận số lượng tấm pin của Hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Thanh D thực tế là: 2.915 tấm pin tương ứng công suất 1.195,15 MWp; và của Hệ Thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Vạn P thực tế là:

2.916 tấm pin tương ứng công suất 1.195,56 MWp. Biên bản làm việc này đã ghi nhận số lượng tấm pin khác với số lượng tấm pin mà Điện lực Krông P đã kiểm tra và lập Biên bản làm việc ngày 15-4-2021.

Ngày 14-5-2021, Công ty Điện lực Gia L trả lời Đơn khiếu nại của Công ty Thanh D và của Công ty Vạn P, tại Văn bản số 1424/GLPC-KTGSMBĐ+KD và số 1425/GLPC-KTGSMBĐ+KD với nội dung chủ yếu là hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Thanh D đã được nâng công suất vượt công suất trong Hợp đồng mua bán điện đã ký kết là 195,55 kwp tương ứng với 476 tấm pin lắp dư; Công ty Vạn P đã được nâng công suất vượt công suất trong Hợp đồng mua bán điện đã ký kết là 195,96 kwp tương ứng với 477 tấm pin lắp dư và đã vi phạm điểm c khoản 1 Điều 5 của Hợp đồng nên việc Điện Lực Krông P không thực hiện xác nhận sản lượng điện sản xuất của hệ thống để thanh toán tiền điện là đúng với điểm d khoản 2 Điều 5 của Hợp đồng. Nội dung trả lời nêu trên, là không hợp lý và không phù hợp với thỏa thuận tại Hợp đồng và quy định của pháp luật, cụ thể:

Công ty Thanh D và Công ty Vạn P hoàn toàn không gắn thêm tấm pin, không nâng công suất kể từ khi ký Hợp đồng vào ngày 26/12/2020 vì: Công ty Thanh D đã lắp đặt 2.915 tấm pin; Công ty Vạn P đã lắp đặt 2.916 tấm pin trước ngày 26-12-2020, theo hình ảnh hoàn thành thi công số lượng tấm pin trên mái nhà ngày 14-12-2020. Do đó, Công ty Thanh D và Công ty Vạn P không đấu nối với các nguồn điện khác, ngoài hệ thống như nêu tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Hợp đồng.

Biên bản nghiệm thu đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà giữa Điện lực Krông P với Hộ kinh doanh Chư Ngọc H và Công ty Vạn P ngày 26-12-2020 có xác định rõ đối tượng nghiệm thu là: “Thông số kỹ thuật của các tấm pin quang điện và bộ chuyển đổi Inverter (không bao gồm phần kết cấu chịu lực, các giá đỡ, mối liên kết của hệ giá đỡ với các tấm pin trên mái nhà không bao gồm trong biên bản nghiệm thu này)”, kết luận: “Hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt và nghiệm thu đạt các tiêu chuẩn và đáp ứng các yêu cầu vận hành nối lưới. Công trình thi công cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để đưa vào vận hành”. Theo đó, các bên đã khẳng định số lượng tấm pin không thuộc đối tượng nghiệm thu và điều này hoàn toàn phù hợp với Văn bản số 3725/EVN-KD ngày 1-6-2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tổng công suất Hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Thanh D bao gồm 9 inverter với công suất 110 KW/inverter và 2.915 tấm pin với công suất 410 WP/tấm và của Công ty Vạn P bao gồm 09 inverter với công suất 110 KW/inverter và 2.916 tấm pin với công suất 410 WP/tấm thì cả 2 hệ thống điện mặt trời mái nhà đều không vượt quá 1 MW hoặc 1,25 MWp được lắp đặt trước ngày 26-12-2020, là phù hợp với quy định của pháp luật nêu tại khoản 5 Điều 3 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 18/2020/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; và tại Văn bản số: 3725/EVN-KD ngày 1-6-2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Còn công suất 999,6 kwp được thể hiện trong phần đầu của 02 Hợp đồng mua bán điện mà Công ty Thanh D và Công ty Vạn P đã ký với Công ty Điện lực Gia L chỉ là công suất kỹ thuật chứ không phải công suất giới hạn giá trị của Hợp đồng mua bán điện, vì công suất kỹ thuật thay đổi liên tục theo từng giờ trong ngày, có khi chỉ 0 kwp hoặc có khi lên đến 1.195 kwp. Do đó, nếu dựa vào công suất kỹ thuật 999,6 kwp này thì hợp đồng sẽ không còn giá trị thực hiện, nên việc Công ty Điện lực Gia L dựa vào công suất kỹ thuật yêu cầu tách bỏ 476 tấm pin tương đương với công suất 195,55 kwp của Công ty Thanh D; tách 477 tấm pin tương đương với công suất 195,96 kwp của Công ty Vạn P, là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Qua nhiều buổi làm việc không thống nhất ý kiến với Điện lực Krông P và Công ty Điện lực Gia L cũng như việc hòa giải bất thành của Sở Công thương tỉnh Gia Lai, theo hướng dẫn của Sở Công thương tỉnh Gia Lai tại Văn bản số 1722/SCT-TTS ngày 21-9-2021, Công ty Thanh D và Công ty Vạn P làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Điện lực Gia L và Tổng Công ty Điện lực Miền T tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được ký kết và thanh toán tiền mua điện cho Công ty Thanh D và Công ty Vạn P, cụ thể:

Thanh toán cho Công ty Thanh D các khoản sau: Số tiền điện tạm tính đến ngày 30-9-2021 là 2.304.322.310 đồng. Lãi phạt do chậm trả tạm tính từ ngày 11-3-2021 đến ngày 30-9-2021 là: 53.115.806 đồng.

Thanh toán cho Công ty Vạn P các khoản sau: Số tiền điện tạm tính đến ngày 30-9-2021 là 2.298.080.400 đồng. Lãi phạt do chậm trả tạm tính từ ngày 11-3-2021 đến ngày 30-9-2021 là 52.915.728 đồng.

2. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Tổng Công ty Điện lực Miền T (sau đây gọi tắt là EVNCPC) thông qua đại diện là Công ty Điện lực Gia L (sau đây viết gọi tắt là GLPC) với Công ty Thanh D (trước đây là Hộ kinh doanh Chư Ngọc H) và Công ty Vạn P đang thực hiện giao dịch bằng Hợp đồng mua bán điện số 20/000486 ngày 26/12/2020, mã khách hàng PC10DD0522211 và số 20/000479 mã khách hàng PC10DD0522201. Hợp đồng có công suất lắp đặt là 999,6 kwp, tại xã Chư N, huyện Krông P, tỉnh Gia Lai.

Trước đó ngày 17-12-2020, Hộ kinh doanh Chư Ngọc H và Công ty Vạn P cung cấp thông tin đăng ký đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà (sau đây viết tắt là HTĐMTMN) đến GLPC. Cùng ngày, GLPC với Hộ kinh doanh Chư Ngọc H và Công ty Vạn P có Biên bản thỏa thuận đấu nối số 17/12/4/GLPC- KD+KT, theo đó thỏa thuận quy mô dự án là 999,6 kwp.

Ngày 24-12-2020, Hội đồng kiểm tra kỹ thuật GLPC tiến hành kiểm tra công trình điện của chủ đầu tư và có Biên bản số 02-12/BB-GLPC-KT về việc kiểm tra kỹ thuật công trình điện ĐZ&TBA 1000kVA-0,4/22kV Hộ kinh doanh Chư Ngọc H và Công ty Vạn P, ghi nhận công suất hệ thống ĐMTMN là 999,6 kwp. Cùng ngày, Hộ kinh doanh Chư Ngọc H và Công ty Vạn P có Giấy đề nghị bán điện gửi GLPC ghi rõ công suất dự án là 999,6 kwp.

Để có căn cứ thực hiện ký kết Hợp đồng, Điện lực Krông P - GLPC tiến hành công tác nghiệm thu bao gồm: Biên bản kiểm tra kỹ thuật công trình điện (ngày 24-12-2020); Biên bản nghiệm thu đưa công trình vào vận hành hệ thống ĐMTMN (ngày 26-12-2020) của Hộ kinh doanh Chư Ngọc H và Công ty Vạn P với các thông số chính của HTĐMTMN được ghi nhận như sau: 2.439 tấm pin loại Next Energy 410Wp/tấm tương ứng tổng công suất là 999,6 kwp/hệ thống và 9 bộ inverter Sungrow-100 kW/bộ.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Điện lực Krông P - GLPC đã thực hiện chốt số công tơ các tháng 1, 2 và 3-2021, xác nhận sản lượng điện và đã thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho chủ đầu tư theo quy định của nội dung hợp đồng và pháp luật có liên quan.

Ngày 11-3-2021, chủ đầu tư có văn bản đề nghị và được GLPC đồng ý thỏa thuận thay đổi chủ thể Hợp đồng số 20/000486 – PC10DD0522211 từ Hộ kinh doanh Chư Ngọc H sang Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh D.

Ngày 10-4-2021, sau khi thực hiện chốt số, Điện lực Krông P phát hiện sản lượng điện của Công ty Thanh D và Công ty Vạn P tăng bất thường, nên ngày 15-4-2021, Điện lực Krông P đã tiến hành kiểm đếm thực tế lại số lượng tấm pin của 2 hệ thống điện nói trên. Qua kiểm tra đã phát hiện tổng số pin thực tế của hệ thống nhiều hơn so với biên bản nghiệm thu ngày 26-12-2020 và Hợp đồng đã ký với GLPC. Ngày 19-4-2021, Điện lực Krông P gửi Thông báo số 269/GLPC-ĐLKR đến Công ty Thanh D và Công ty Vạn P, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng với hợp đồng mua bán điện đã ký kết và phải tháo phần pin lắp vượt ra khỏi hệ thống, đồng thời thông báo không thực hiện xác nhận thanh toán tiền điện đối với phần lắp đặt vượt công suất, nhưng chủ đầu tư không phối hợp thực hiện và có đơn khiếu nại gửi GLPC ngày 22-4-2021 với các nội dung như: “Khiếu nại nội dung Biên bản làm việc ngày 15-4-2021 giữa Điện lực KrôngPa với Công ty Thanh D và Công ty Vạn P; Khiếu nại Điện lực KrôngPa không thực hiện xác nhận thanh toán tiền điện đối với phần lắp đặt vượt công suất trong HĐMBĐ đã ký kết và Đề nghị thu hồi thông báo số 269/GLPC-ĐLKR ngày 19-4-2021”.

Ngày 6-5-2021, GLPC tổ chức đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm đếm trực tiếp lại số lượng tấm pin đối với hệ thống điện, kết quả: Công ty Thanh D có 2915 tấm pin 410 Wp, vượt 476 tấm pin; Công ty Vạn P có 2.916 tấm pin 410Wp, vượt 477 tấm pin so với nghiệm thu ngày 26-12-2020.

Ngày 14-5-2021, GLPC đã có văn bản số 1424/GLPC-KTGSMBĐ+KD và số 1425/GLPC-KTGSMBĐ+KD trả lời đơn khiếu nại của Công ty Thanh D và Công ty Vạn P. Theo đó GLPC đề nghị chủ đầu tư phối hợp với Điện lực Krông P xác định rõ phần công suất lắp vượt, thực hiện tách đấu nối ra khỏi hệ thống; đối với sản lượng điện năng do phần công suất lắp vượt phát lên, GLPC sẽ tạm thời không thanh toán cho đến khi có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 21-5-2021, Công ty Thanh D và Công ty Vạn P có Giấy đề nghị thanh toán tiền điện dự án năng lượng mặt trời mái nhà gửi GLPC.

Ngày 28-5-2021, Điện lực Krông P có Biên bản làm việc số 365/GLPC- ĐLKR về việc thanh toán tiền điện với Công ty Thanh D và Công ty Vạn P. Tại buổi làm việc, Điện lực Krông P đã đưa ra số liệu sản lượng điện vượt công suất lắp đặt, yêu cầu Công ty Thanh D và Công ty Vạn P tách bỏ số lượng tấm pin lắp vượt ra khỏi hệ thống điện mặt trời mái nhà và GLPC chỉ thực hiện thanh toán tiền điện tạm tính theo công suất lắp đặt theo đúng hợp đồng hai bên đã ký kết. Tuy nhiên, Công ty Thanh D và Công ty Vạn P đã không đồng ý.

Ngày 3-6-2021, GLPC nhận được Đơn đề nghị thanh toán tiền điện (lần 2) của Công ty Thanh D và Công ty Vạn P. Ngày 7-6-2021, GLPC đã có Văn bản số 1761/GLPC-KD+KTGSMBĐ về việc trả lời đề nghị thanh toán tiền điện của Công ty Thanh D và Công ty Vạn P, nội dung trả lời của GLPC đề nghị Công ty Thanh D tách bỏ 195,55 kwp, tương ứng 476 tấm pin; đề nghị Công ty Vạn P tách bỏ 195,55 kwp, tương ứng 477 tấm pin, thì GLPC sẽ thực hiện thanh toán tiền điện tạm tính tương ứng với công suất đã ký kết theo hợp đồng.

Ngày 21-9-2021, Điện lực Krông P đã có Văn bản số 679/GLPC-ĐLKR về việc đề nghị Công ty Thanh D và Công ty Vạn P phối hợp trong việc thanh toán tiền điện mặt trời mái nhà. Cũng trong ngày 21-9-2021, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã có Văn bản số 1722/SCT-TTS về việc trả lời đơn của Công ty Thanh D và Công ty Vạn P. Theo đó Sở Công thương đề nghị Công ty Thanh D và Công ty Vạn P “thực hiện việc tách bỏ phần Pin lắp vượt ra khỏi hệ thống điện mặt trời mái nhà. Sau đó, Điện lực Krông P sẽ thanh toán tiền điện tạm tính tương ứng với công suất đã ký kết trong hợp đồng”.

Ngày 4-10-2021, GLPC đã có Văn bản số 3373/GLPC-KD+KTGSMBĐ về việc đề nghị Công ty Thanh D và Công ty Vạn P thực hiện tách bỏ phần tấm pin vượt ra khỏi hệ thống ĐMTMN và phối hợp thực hiện thanh toán tiền điện.

Ngày 14-10-2021, Điện lực Krông P có Giấy mời số 738/GLPC-ĐLKR về việc mời Công ty Thanh D và Công ty Vạn P phối hợp thực hiện thanh toán tiền điện mặt trời mái nhà. Ngày 22-10-2021, Điện lực Krông P tiếp tục có Giấy mời lần 2 số 753/GLPC-ĐLKR về việc mời Công ty Thanh D và Công ty Vạn P phối hợp thực hiện thanh toán tiền điện mặt trời mái nhà, nhưng Công ty Thanh D và Công ty Vạn P không đến làm việc.

Ngày 2-11-2021, EVNCPC nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án, về việc Công ty Thanh D và Công ty Vạn P khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Việc Công ty Thanh D đơn phương đấu nối thêm 476 tấm pin (tương ứng 195,16 kwp); Công ty Vạn P đơn phương đấu nối thêm 477 tấm pin (tương ứng 195,57 kwp) vào hệ thống điện mặt trời sẵn có đã làm tăng công suất đăng ký bán điện, làm thay đổi số liệu đã được ghi nhận tại các biên bản nghiệm thu và quy định tại nội dung Hợp đồng ngày 26-12-2020, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trách nhiệm của EVNCPC, GLPC trong việc quản lý, theo dõi thực hiện nội dung hợp đồng theo quy định của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4- 2020 của Thủ tướng Chính phủ, pháp luật có liên quan và yêu cầu của Sở Công thương tỉnh Gia Lai.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, GLPC và Điện lực Krông P đã rất thiện chí và nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư để yêu cầu và đề nghị chủ đầu tư tháo dỡ phần vi phạm. Đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thanh toán tiền điện tương ứng với công suất đã được ký kết trong hợp đồng mua bán điện nhưng không được chủ đầu tư phối hợp thực hiện. Do đó, việc GLPC và Điện lực Krông P không thực hiện thanh toán đúng sản lượng điện mua từ hợp đồng số 20/000486 và số 20/000479 ngày 26-12-2020, là do xuất phát từ ý chí của chủ đầu tư.

Từ những căn cứ như đã nêu, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh D và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P về việc yêu cầu EVNCPC, GLPC phải thực hiện thanh toán toàn bộ số tiền điện và lãi phạt chậm trả cho nguyên đơn; yêu cầu Công ty Thanh D và Công ty Vạn P phải tháo dỡ phần tấm pin lắp thêm ra khỏi hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được các bên nghiệm thu.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 , Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai đã quyết định:

Áp dụng các Điều 274, 275, 278, 280, 288, 291, 351, 352, 357, 405 của Bộ luật dân sự; Điều 4, 24, 50, 55, 297, 306 của Luật Thương mại;

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh D.

Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền T và Công ty Điện lực Gia L phải liên đới thanh toán cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh D số tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 8-9-2022 là 5.518.622.769 đồng và tiền lãi suất do chậm thanh toán theo mức 0,8%/tháng tính từ ngày 11-3-2021 đến 8-9- 2022 là 373.602.917 đồng; tổng cộng số tiền phải thanh toán là 5.892.225.686 đồng.

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P.

Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền T và Công ty Điện lực Gia L phải liên đới thanh toán cho Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P số tiền bán điện từ ngày 11-03-2021 đến ngày 8-9-2022 là 5.479.335.501 đồng và tiền lãi suất do chậm thanh toán theo mức 0,8%/tháng tính từ ngày 11-3-2021 đến 8-9-2022 là 370.957.240 đồng; tổng cộng số tiền phải thanh toán là 5.850.292.741 đồng.

- Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm:

Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền T và Công ty Điện lực Gia L phải liên đới chịu án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm nộp vào ngân sách nhà nước, số tiền là 119.742.518 đồng (quy tròn).

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh D và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P không phải chịu án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm; trả lại cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh D toàn bộ số tiền đã nộp tạm ứng án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm là 39.574.000 đồng; trả lại cho Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P toàn bộ số tiền đã nộp tạm ứng án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm là 39.510.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ chịu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán; thông báo quyền thoả thuận, quyền yêu cầu, tự nguyện hoặc bị cưỡng chế thi hành án, thời hiệu thi hành án; tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Trong thời hạn luật định, Tổng Công ty Điện lực Miền T kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa, hủy hoặc hủy một phần bản án sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Nguyên đơn giữ yêu cầu khởi kiện;

- Bị đơn giữ kháng cáo;

- Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án;

- Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; cụ thể như sau:

[1.1] Xác định sai tư cách tố tụng dẫn đến quyết định nghĩa vụ của đương sự không đúng:

Tổng công ty Điện lực Miền T là thành viên của Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam, hoạt động theo hình thức công ty mẹ và công ty con, trong đó Tổng Công ty Điện lực Miền T là công ty con và là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Công ty Điện lực Gia L là chi nhánh của Tổng công ty Điện lực Miền T, hoạch toán phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân.

Điện lực Krông P là đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Gia L và cũng không có tư cách pháp nhân.

Theo quy trình kinh doanh điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Quyết định số 67/QĐ-EVN ngày 28-2-2018 và tại Quyết định số 29/QĐ-EVN ngày 11-2-2019 về việc ban hành quy chế về công tác sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam, thì Tổng Công ty Điện lực Miền T là doanh nghiệp được phân cấp ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà, đồng thời, cũng được quyền ủy quyền cho các cá nhân, tổ chức khác thực hiện việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo phân cấp.

Tại Văn bản số 4354/UQ-EVNCPC, Tổng công ty Điện lực Miền T đã ủy quyền cho Giám đốc Công ty Điện lực Gia L, Giám đốc Điện lực Krông P thực hiện các thủ tục thỏa thuận đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, ký kết và thực hiện các hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn do Tổng công ty điện lực Miền T quản lý, trong đó có hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Thanh D và của Công ty Vạn P.

Tại Hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà số 20/000486-PC10DD0522211 ngày 26-12-2020 và Hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà số 20/000479-PC10DD0522201 cùng ngày 26- 12-2020, Giám đốc Công ty Điện lực Gia L đại diện cho Tổng công ty Điện lực Miền T đã thỏa thuận mua điện của Hộ kinh doanh Chư Ngọc H (sau đó đã chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty Thanh D) và của Công ty Vạn P, theo đúng nội dung đã nhận ủy quyền tại Văn bản số 4354/UQ-EVNCPC ngày 21-5-2019 của Tổng công ty điện lực Miền T.

Các tình tiết, sự kiện, văn bản nêu trên cho thấy Tổng công ty Điện lực Miền T đã ủy quyền cho cá nhân chứ không phải ủy quyền cho tổ chức (Công ty Điện lực Gia L, Điện lực Krông P) nhân danh mình để thực hiện việc ký kết hợp đồng mua điện của 2 công ty nêu trên (mặc dù hợp đồng có đóng dấu của Công ty Điện lực Gia L và phần đầu hợp đồng có ghi “Tổng công ty điện lực Miền T;

địa chỉ...Công ty Điện lực Gia L; địa chỉ ...do ông Văn Đình Hậu, Giám đốc là người đại diện”, nhưng bên B trong hợp đồng vẫn xác định thẩm quyền của mình là theo Văn bản ủy quyền lại số 4354/UQ-EVNCPC ngày 21-5-2019 của Tổng Công ty điện lực Miền T (điều này được ghi rõ trong hợp đồng); việc sử dụng con dấu của Công ty Điện lực Gia L để đóng dấu chữ ký của Giám đốc là phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp để xác định người có chức danh, chức vụ của doanh nghiệp).

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 7-10-2021 (bút lục 01-02 của mỗi hồ sơ), người khởi kiện (2 công ty) ghi rõ:

“Người bị kiện: Tổng công ty điện lực Miền T (mã số doanh nghiệp…; địa chỉ trụ sở…);

Đại diện: Công ty Điện lực Gia L.

Theo Văn bản ủy quyền lại số 4354/UQ-EVNCPC ngày 21-5-2019 của Tổng Công ty điện lực Miền T”.

Như vậy, người khởi kiện xác định Tổng công ty điện lực Miền T là người bị kiện và cho rằng Tổng công ty điện lực Miền T do Công ty Điện lực Gia L đại diện. Người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Tổng công ty điện lực Miền T - đại diện là Công ty Điện lực Gia L thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng số 20/000486-PC10DD0522211 và số 20/000479-PC10DD0522201 cùng ngày 26-12-2020; đồng thời còn yêu cầu Công ty Điện lực Gia L phải liên đới cùng Tổng công ty điện lực Miền T thanh toán tiền điện tạm tính đến ngày 30.9.2021 và lãi chậm trả theo quy định;

Như vậy, người khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Điện lực Gia L phải thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mua bán điện, nhưng Công ty Điện lực Gia L không phải là một trong các bên giao kết hợp đồng; Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án và xác định Công ty Điện lực Gia L là bị đơn, là không đúng quy định của pháp luật và không đúng với nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn (nguyên đơn không xác định Công ty Điện lực Gia L là người bị kiện). Lẽ ra, trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm phải yêu cầu 2 công ty phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện liên quan đến Công ty Điện lực Gia L cho phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự về đại diện, thì mới đúng quy định tại Điều 186, Điều 189, Điều 191, Điều 193, Điều 195, Điều 196 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Tòa án cấp sơ thẩm không những xác định không đúng tư cách tố tụng của Công ty Điện lực Gia L mà còn tuyên buộc Công ty Điện lực Gia L phải liên đới cùng Tổng Công ty Điện lực Miền T thanh toán cho Công ty Thanh D, Công ty Vạn P 11.742.518.427 đồng tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 08-9- 2022 và lãi do chậm thanh toán theo mức lãi suất là 0,8%/tháng, tính từ ngày 11- 3-2021 đến 08-9-2022, là không đúng, bởi lẽ Công ty Điện lực Gia L không có nghĩa vụ gì liên quan đến hợp đồng mua bán điện của tổng công ty Điện lực Miền T với 2 công ty.

Tòa án cấp sơ thẩm quyết định như nêu trên là gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Điện lực Gia L và không đảm bảo cho việc tổ chức thi hành án.

[1.2] Thụ lý và giải quyết vụ án sai thẩm quyền:

- Điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định Tòa án nơi nơi bị đơn có trụ sở có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định, nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;

Bị đơn trong vụ án theo đơn khởi kiện của Công ty Thanh D, Công ty Vạn P là Tổng công ty Điện lực Miền T và bị đơn có trụ sở tại quận Hải Châu, thành phố ĐN;

Đối tượng của hợp đồng mua bán điện giữa Tổng công ty Điện lực Miền T với 2 công ty là hoạt động đấu nối để truyền tải dòng điện do 2 công ty sản xuất được lên lưới điện do Tổng công ty Điện lực Miền T quản lý, chứ không phải việc thanh toán giá trị điện mua bán, nên nơi thực hiện hợp đồng được xác định phải là nơi xảy ra sự kiện đấu nối, địa điểm đó là tại huyện Krông P, tỉnh Gia Lai;

Như vậy, theo các quy định đã viện dẫn nêu trên, thì chỉ Tòa án nhân dân quận Hải Châu hoặc Tòa án nhân dân huyện Krông P mới có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án.

- Điểm b khoản 1 Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định “Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết”;

Như đã nêu tại mục [1], Văn bản ủy quyền lại số 4354/UQ-EVNCPC ngày 21-5-2019, Tổng Công ty điện lực Miền T ủy quyền cho cá nhân chứ không phải ủy quyền cho tổ chức, nhân danh mình để thực hiện việc ký kết hợp đồng mua điện của 2 công ty nêu trên; như vậy, với việc ủy quyền cho cá nhân, thì các giao dịch mà Giám đốc Công ty Điện lực Gia L, Giám đốc điện lực Krông P thực hiện nhân danh Tổng công ty điện lực Miền T không thể là hoạt động của Công ty Điện lực Gia L hay của Điện lực Krông P. Do đó, tranh chấp hợp đồng mua bán điện theo đơn khởi kiện của Công ty Thanh D, Công ty Vạn P không phải là tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh Tổng công ty Điện lực Miền T, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự đã viện dẫn nêu trên, nên Tòa án nhân dân thành phố P không có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án.

Các sự kiện và nhận định trên cho thấy, việc Tòa án nhân dân thành phố P thụ lý vụ án, ra bản án giải quyết tranh chấp trong trường hợp này, là không đúng thẩm quyền.

[2] Các nhận định tại mục [1.2] trên đây còn chứng tỏ ý kiến của phía nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng Tòa án nhân dân thành phố P có thẩm quyền giải quyết vụ án do đây là tranh chấp phát sinh từ hoạt động của Công ty Điện lực Gia L là chi nhánh của Tổng công ty điện lực Miền T và quá trình thanh toán nguyên đơn đều xuất hóa đơn cho Công ty Điện lực Gia L, là không có cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật.

[3] Từ các đánh giá, phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy do Tòa án cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và những vi phạm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nên cần phải hủy bản án sơ thẩm và do Tòa án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền, hơn nữa, cũng không xác định được thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn, nên mặc dù hủy bản án sơ thẩm, nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[4] Án phí phúc thẩm:

Do Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm bị kháng cáo, nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 148, khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Điện lực Miền T; hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai đã xét xử vụ án về “Tranh chấp hợp đồng mua bán điện” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thanh D, Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn P với bị đơn là Tổng Công ty điện lực Miền T.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Tổng Công ty điện lực Miền T không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm; hoàn trả cho Tổng Công ty điện lực Miền T 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0002466 ngày 3-10-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố P, tỉnh Gia Lai.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

868
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán điện số XX/2023/KDTM-PT

Số hiệu:XX/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Gia Lai
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:17/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về