TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 578/2019/KDTM-PT NGÀY 20/06/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN CĂN HỘ
Trong các ngày 07 và 20 tháng 6 năm 2019, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 109/2018/TLPT-KDTM ngày 05 tháng 11 năm 2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai Do Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2018/KDTM-ST ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận K bị kháng cáo Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2212/2019/QĐ-PT ngày 18 tháng 5 năm 2019 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty TNHH Quốc Tế VĐ Địa chỉ: A101 Hoàng Anh Gia Lai 3, đường NHT, xã PK, huyện O, TPHCM
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị N, đại diện theo ủy quyền (được sự thống nhất đề cử của người cùng được ủy quyền là bà Nguyễn Thị Kim D và bà Trần Nhật L theo GUQ số 190109/GUQ- PHA ngày 09/01/2019) Bị đơn: Công ty cổ phần Phú Hoàng A Địa chỉ: 549-551 đường NTP, Phường 14, Quận K Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Mai Lê Thiên H, đại diện theo ủy quyền (GUQ số 136/UQ-PHA-2018 ngày 13/6/2018) Người kháng cáo: Công ty TNHH Quốc Tế VĐ, nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm:
- Nguyên đơn trình bày:
Năm 2013, Công ty TNHH Quốc Tế VĐ (Công ty VĐ) có mua 08 căn hộ hình thành trong tương lai tại địa chỉ Khu số 9 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh của Công ty cổ phần Phú Hoàng A bằng các hợp đồng sau:
- Căn hộ 0533-C2: Hợp đồng số 038/10/PHA1 ngày 22/5/2010 và văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai ngày 12/12/2012.
- Căn hộ 0533-C1: Hợp đồng số 100/10/PHA1 ngày 24/5/2010 và văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai ngày 12/12/2012.
- Căn hộ 0533-B2: Hợp đồng số 148/10/PHA1 ngày 25/5/2010 và văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai ngày 12/12/2012.
- Căn hộ 0533-B1: Hợp đồng số 239/10/PHA1 ngày 23/11/2010 bằng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai ngày 24/5/2013.
- Căn hộ 0533-A2: Hợp đồng số 058/10/PHA1 ngày 22/5/2010 bằng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai ngày 12/12/2012.
- Căn hộ 0533-A1: Hợp đồng số 133/10/PHA1 ngày 25/5/2010 bằng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai ngày 19/12/2012.
- Căn hộ 0532-C1: Hợp đồng số 135/10/PHA1 ngày 25/5/2010 bằng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai ngày 12/12/2012.
- Căn hộ 0532- B2: Hợp đồng số 047/10/PHA1 ngày 22/5/2010 bằng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai ngày 12/12/2012.
Công ty VĐ đã thanh toán tiền mua căn hộ đúng từng đợt theo thỏa thuận tại hợp đồng và đã nhận bàn giao đủ 8 căn hộ nhưng vẫn chưa được Công ty Phú Hoàng A giao các hóa đơn VAT. Năm 2013, Công ty Phú Hoàng A yêu cầu Công ty VĐ phải chịu phí quản lý căn hộ thì mới giao hóa đơn. Do trong hợp đồng có thỏa thuận, phí quản lý căn hộ là do Công ty Phú Hoàng A Viễn Đông thu nên Công ty VĐ không đồng ý nộp phí quản lý cho Công ty Phú Hoàng A.
Năm 2014, Công ty Phú Hoàng A có gọi điện thoại cho Công ty VĐ lấy hóa đơn, nhưng lúc này đã quá thời hạn kê khai thuế nên Công ty VĐ chỉ đồng ý nhận bản phô tô các hóa đơn để kiểm tra trước khi nhận các hóa đơn bản chính.
Việc không nhận được hóa đơn đúng thời hạn dẫn đến Công ty VĐ thiệt hại rất nhiều. Cụ thể: Tại thời điểm 2012, Nhà nước có quy định trong thời hạn 6 tháng phải kê khai thuế nhưng do không có hóa đơn nên Công ty VĐ không thể kê khai thuế dẫn đến công ty không được khấu trừ 10% thuế đã nộp.
Công ty VĐ mua tổng cộng 11 căn hộ cùng trong dự án của Công ty Phú Hoàng A, trong đó 03 căn hộ mua năm 2012 bị đơn đã xuất và giao hóa đơn đầy đủ nên nguyên đơn đã được kê khai khấu trừ thuế. Riêng 08 căn hộ mua năm 2013 để làm tài sản cố định của công ty không được giao hóa đơn nên không thể kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào như 03 căn hộ mua năm 2012.
Ngày 23/3/2015 và ngày 24/11/2017, Công ty VĐ khởi kiện Công ty Phú Hoàng A yêu cầu bị đơn giao toàn bộ bản gốc các hóa đơn đã xuất đối với 08 căn hộ gồm:
- Căn hộ 0532-B2, giá trị hóa đơn phải xuất là 731.790.447 đồng, thanh toán ngày 11/12/2012.
- Căn hộ 0532-C1 giá trị hóa đơn phải xuất là 152.709.021 đồng, thanh toán ngày 11/12/2012.
- Căn 0533-A1 giá trị hóa đơn phải xuất là 100.923.140 đồng, thanh toán ngày 11/12/2012.
- Căn hộ 0533-A2 giá trị hóa đơn phải xuất là 344.974.078 đồng, thanh toán ngày 11/12/2012.
- Căn hộ 0533-B1 giá trị hóa đơn phải xuất là 2.208.001.508 đồng, thanh toán ngày 24/5/2013.
- Căn hộ 0533-B2, giá trị hóa đơn phải xuất là 162.813.791 đồng, thanh toán ngày 11/12/2012.
- Căn hộ 0533-C1, giá trị hóa đơn phải xuất là 147.987.930 đồng, thanh toán ngày 11/12/2012.
- Căn hộ 0533-C2, giá trị hóa đơn phải xuất là 1.070.676.265 đồng, thanh toán ngày 11/12/2012.
Đồng thời bồi thường số tiền 491.987.619 đồng, tương đương với số tiền 10% thuế giá trị giá tăng mà Công ty VĐ đã nộp khi mua 08 căn hộ vì Công ty VĐ không thể kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với 08 căn hộ nêu trên do không có hóa đơn.
Ngoài ra, Công ty VĐ yêu cầu Công ty Phú Hoàng A phải thanh toán tiền lãi với lãi suất 10%/năm trên số tiền chậm thanh toán tính từ ngày 15/04/2015 (ngày thụ lý vụ án) cho đến ngày bị đơn hoàn tất hết nghĩa vụ thanh toán trên số tiền chậm trả, tạm tính đến ngày 21/9/2018 là 188.095.000 đồng.
Tại phiên tòa nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, tuy nhiên sau khi kiểm tra thì thấy các hóa đơn ghi số tiền lớn hơn số tiền nguyên đơn thanh toán vào năm 2013 do bị đơn đã xuất hóa đơn luôn số tiền 5% phí nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu theo hợp đồng, cho đến nay nguyên đơn đã chuyển đủ 5% số tiền còn lại theo hợp đồng nên đồng ý với số tiền ghi trên hóa đơn đã xuất.
- Bị đơn trình bày:
Công ty Phú Hoàng A đã xuất hóa đơn đúng hạn, thậm chí xuất hóa đơn luôn cả số tiền 5% giá trị căn hộ mặc dù tháng 3 năm 2017, Công ty VĐ mới thanh toán để nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ. Cụ thể:
- Ngày 31/01/2013, Công ty VĐ đã thanh toán để nhận bàn giao 04 căn hộ 0533-C2, 0532-B2, 0533-A2 và 0533-C1, Công ty Phú Hoàng A đã xuất các hóa đơn:
Hóa đơn 0000794 ngày 31/01/2013 cho căn hộ 0532-B2, số tiền 822.142.681 đồng;
Hóa đơn số 0000797 ngày 31/01/2013 cho căn hộ 0533-C1, số tiền 180.036.975 đồng;
Hóa đơn số 0000 793 ngày 31/01/2013 cho căn hộ 0533-C2, số tiền 1.194.951.627 đồng;
Hóa đơn số 0000796 ngày 31/01/2013 cho căn hộ 0533-A2, số tiền 391.105.408 đồng.
- Ngày 13/3/2013, Công ty VĐ đã thanh toán để nhận bàn giao 03 căn hộ:
0532-C1; 0533-B2; 0533-A1, Công ty Phú Hoàng A đã xuất các hóa đơn:
Hóa đơn số 0000865 ngày 13/3/2013 cho căn hộ 0532-C1, số tiền 185.230.175 đồng;
Hóa đơn số 0000864 ngày 13/3/2013 cho căn hộ 0533-B2, số tiền 196.167.379 đồng;
Hóa đơn số 0000878 ngày 30/3/2013 cho căn hộ 0533-A1, số tiền 122.779.587 đồng.
Ngày 24/5/2013, Công ty VĐ đã thanh toán để nhận bàn giao 01 căn hộ 0533-B1, Công ty Phú Hoàng A đã xuất Hóa đơn số 0000992 ngày 25/5/2013 cho căn hộ 0533-B1, số tiền 2.445.831.351 đồng.
Sau khi xuất hóa đơn, Công ty Phú Hoàng A đã kê khai và nộp thuế theo đúng quy định. Ngay sau khi xuất hóa đơn, công ty đã gọi điện thoại cho Công ty VĐ lên nhận bàn giao căn hộ, nhận hóa đơn và các chứng từ liên quan. Tuy nhiên, Công ty VĐ không lên nhận hóa đơn và không lên nhận bàn giao căn hộ theo quy định.
Ngày 03/5/2013, Công ty Phú Hoàng A nhận được Văn bản 02/DDN là văn bản đầu tiên từ Công ty VĐ nhưng nội D không đề cập đến việc nhận hóa đơn mà chỉ đề cập đến phí quản lý chung cư cho 08 căn hộ mà Công ty VĐ đã thanh toán đủ và sẽ nhận bàn giao. Sau đó, hai bên có trao đổi bằng nhiều văn bản nhưng không đề cập đến việc nhận hóa đơn. Việc nguyên đơn cho rằng do bên nguyên đơn không đồng ý đóng phí quản lý cho Công ty Phú Hoàng A nên Công ty Phú Hoàng A không đồng ý bàn giao hóa đơn là không có căn cứ vì đúng là hai bên không thống nhất được việc thanh toán phí quản lý nhưng không liên quan đến việc xuất hóa đơn.
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Nghị định 51/2010 Nghị định của Chính Phủ thì trách nhiệm của người mua hàng hóa dịch vụ là yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ. Như vậy, trong trường hợp Công ty Phú Hoàng A không tự nguyện xuất hóa đơn thì Công ty VĐ cũng có quyền yêu cầu Công ty Phú Hoàng A xuất hóa đơn. Trong trường hợp này, Công ty Phú Hoàng A đã xuất hóa đơn nhưng Công ty VĐ không đến nhận là lỗi của Công ty VĐ.
Công ty Phú Hoàng A đồng ý giao toàn bộ bản chính 08 hóa đơn giá trị gia tăng nói trên cho Công ty VĐ. Đối với yêu cầu bồi thường số tiền 491.987.619 đồng do Công ty VĐ không thể kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với 08 căn hộ nêu trên, Công ty Phú Hoàng A không đồng ý. Tuy nhiên, do Công ty VĐ là khách hàng mua nhiều căn hộ của Công ty Phú Hoàng A nên Công ty Phú Hoàng A sẽ hỗ trợ ½ số tiền 491.987.619 đồng mà nguyên đơn yêu cầu, tương đương 245.993.809 đồng và Công ty Phú Hoàng A không có lỗi nên không đồng ý trả lãi.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2018/KDTM-ST ngày 21 tháng 9 năm 2018, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định:
- Ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự về việc giao nhận bản chính các hóa đơn giá trị gia tăng liên quan các căn hộ đã được mua bán giữa các bên.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi bồi thường số tiền 491.987.619 đồng và tiền lãi tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 188.095.000 đồng.
- Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty cổ phần Phú Hoàng A về việc hỗ trợ Công ty TNHH Quốc Tế VĐ số tiền 245.993.809 đồng.
- Án phí sơ thẩm Công ty TNHH Quốc Tế VĐ phải chịu là 32.203.304 đồng, Công ty cổ phần Phú Hoàng A phải chịu là 1.000.000 đồng.
Ngày 05/10/2018, Công ty TNHH Quốc Tế VĐ đã nộp đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội D của bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay :
- Nguyên đơn: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên buộc bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Quốc Tế VĐ khoản tiền thiệt hại còn lại là 245.993.809 đồng (tương đương 50% tổng số thuế VAT không được khấu trừ) và 188.095.000 đồng tiền lãi mà bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu buộc bị đơn phải bồi thường.
- Bị đơn: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên:
+ Hội đồng xét xử phúc thẩm và Thư ký Tòa án đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
+ Các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
+ Đơn kháng cáo của nguyên đơn là hợp lệ, còn trong thời hạn kháng cáo.
+ Về nội D kháng cáo:
● Căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên bán có nghĩa vụ xuất hóa đơn cho bên mua.
● Căn cứ vào bản sao các hóa đơn mà bị đơn đã xuất trình cho Hội đồng xét xử phúc thẩm, bị đơn đã có xuất hóa đơn trong năm 2013 theo thỏa thuận trong hợp đồng.
● Về việc giao nhận hóa đơn, nguyên đơn có gửi cho bị đơn một số văn bản nhưng nội D không có đề cập đến việc giao hóa đơn. Do đó, có cơ sở để xác định giữa các bên không có tranh chấp về việc giao nhận hóa đơn. Đến năm 2014, bị đơn có giao nhưng nguyên đơn không nhận hóa đơn. Do đó, Công ty Quốc Tế VĐ yêu cầu bồi thường thiệt hại do không có hóa đơn là không có căn cứ. Tuy nhiên, do bị đơn đã tự nguyện hỗ trợ 50% số tiền thuế VAT mà nguyên đơn đòi bồi thường là có lợi cho nguyên đơn, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
● Về án phí sơ thẩm, do Tòa án cấp sơ thẩm quyết định buộc các bên chịu án phí chưa phù hợp với phần yêu cầu được chấp nhận và không được chấp nhận của nguyên đơn nên cần được sửa lại cho phù hợp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1]. Xét kháng cáo của Công ty TNHH Quốc Tế VĐ yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên buộc bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Quốc Tế VĐ khoản tiền thiệt hại còn lại là 245.993.809 đồng và 188.095.000 đồng tiền lãi (Tổng thiệt hại phải bồi thường là 491.987.619 đồng + 188.095.000 đồng):
Nguyên đơn cho rằng bị đơn là bên bán phải có nghĩa vụ giao hóa đơn cho bên mua theo quy định của pháp luật ngay sau khi bên mua đã thanh toán tiền mua hàng cho bên bán nhưng thực tế bị đơn đã từ chối giao hóa đơn cho nguyên đơn (dù nguyên đơn đã có yêu cầu qua điện thoại) dẫn đến hậu quả là nguyên đơn không được khấu trừ 491.987.619 đồng tiền thuế VAT (do không có hóa đơn để làm thủ tục khấu trừ thuế trong thời hạn quy định 6 tháng) nên bị đơn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền này và 188.095.000 đồng tiền lãi chậm trả.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm cũng như cấp phúc thẩm, nguyên đơn không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc nguyên đơn đã có yêu cầu giao hóa đơn và có khiếu nại bị đơn về việc bị đơn không thực hiện nghĩa vụ giao hóa đơn của bên bán cho bên mua trong thời hạn khiếu nại quy định tại Khoản 3 Điều 318 của Luật thương mại năm 2005 (9 tháng kể từ ngày phải hoàn thành nghĩa vụ) và trong thời hạn kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (6 tháng kể từ thời điểm phát sinh sai sót).
Trong khi đó, đại diện bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm không thừa nhận việc nguyên đơn có yêu cầu giao hóa đơn và có khiếu nại về việc bị đơn không giao hóa đơn cho nguyên đơn sau khi nguyên đơn đã thanh toán tiền mua các căn hộ (Ngược lại, bị đơn cho rằng bị đơn đã xuất hóa đơn ngay sau khi nguyên đơn đã thanh toán tiền mua các căn hộ và sẵn sàng giao hóa đơn cho nguyên đơn nhưng nguyên đơn không cử người đến nhận). Các văn bản trao đổi qua lại giữa các bên trong thời gian nói trên và cả biên bản làm việc giữa các bên trong năm 2014 sau đó (được các bên xuất trình tại Tòa án) không có nội D nào thể hiện việc nguyên đơn đã có yêu cầu hoặc khiếu nại về việc giao hóa đơn mua bán các căn hộ giữa các bên.
Việc nguyên đơn không chứng minh được mình có khiếu nại bị đơn về việc chậm giao hóa đơn được coi như là sự chấp nhận của nguyên đơn về việc chậm giao hóa đơn của bị đơn và do đó, nguyên đơn không có căn cứ để đòi bị đơn bồi thường thiệt hại do không có hóa đơn để làm thủ tục kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đúng hạn theo quy định của pháp luật về thuế.
Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn số tiền thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ do không có hóa đơn là 491.987.619 đồng và tiền lãi chậm trả 188.095.000 đồng là không có căn cứ để chấp nhận, bản án sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có cơ sở.
Tuy nhiên, do bị đơn đã tự nguyện hỗ trợ cho nguyên đơn số tiền 245.993.809 đồng (tương đương 50% tổng số thuế VAT không được khấu trừ) và đã được Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận trong bản án sơ thẩm, các bên không có kháng cáo, Viện kiểm sát cũng không có kháng nghị về nội D này nên phần nội D này đã có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét lại. Kháng cáo của nguyên đơn đối với phần quyết định của bản án sơ thẩm về số tiền đòi bồi thường còn lại, bao gồm 245.993.809 đồng tiền thuế VAT (tương đương 50% tổng số thuế VAT không được khấu trừ) và 188.095.000 đồng tiền lãi chậm trả là không có căn cứ để chấp nhận, cần giữ nguyên phần nội D này của bản án sơ thẩm.
Với nhận định như trên, lẽ ra trong phần quyết định, bản án sơ thẩm cần phải tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn có nghĩa vụ bồi thường số tiền 245.993.809 đồng, tương đương 50% tổng số thuế VAT không được khấu trừ (trên cơ sở tự nguyện hỗ trợ của bị đơn) và không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi bồi thường 245.993.809 đồng tiền thuế VAT còn lại (tương đương 50% tổng số thuế VAT không được khấu trừ) và 188.095.000 đồng tiền lãi chậm trả, nhưng bản án sơ thẩm lại tuyên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi bồi thường 491.987.619 đồng tiền thuế VAT và tiền lãi chậm trả 188.095.000 đồng là không chính xác, dẫn đến việc tính án phí sơ thẩm không đúng (như phân tích ở Mục 2 dưới đây), nên cần sửa lại cho đúng.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét lại.
[2]. Về án phí:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 147, Khoản Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các điều 5, 18, 27 của Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án và Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm có giá ngạch đối với yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường toàn bộ tiền thuế VAT không được khấu trừ (491.987.619 đồng) và tiền lãi chậm trả (188.095.000 đồng) và chịu 50% án phí không có giá ngạch đối với yêu cầu đòi giao hóa đơn mà không buộc bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận là không đúng với quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án (có hiệu lực thi hành tại thời điểm thụ lý và xét xử sơ thẩm), gây thiệt hại cho nguyên đơn.
Theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án nói trên, Tòa án chỉ buộc nguyên đơn phải chịu án phí có giá ngạch đối với yêu cầu đòi bồi thường số tiền còn lại không được chấp nhận (bao gồm tiền thuế VAT 245.993.809 đồng và tiền lãi chậm trả 188.095.000 đồng, tổng cộng 434.088.809 đồng), tính ra án phí nguyên đơn phải chịu là 21.363.552 đồng. Đồng thời, cần buộc bị đơn chịu toàn bộ án phí không có giá ngạch là 2.000.000 đồng đối với yêu cầu đòi giao hóa đơn của nguyên đơn (vì yêu cầu này được chấp nhận) và chịu án phí có giá ngạch đối với một phần yêu cầu của nguyên đơn đòi bồi thường 245.993.809 đồng tiền thuế VAT đã được Tòa án chấp nhận trên cơ sở tự nguyện hỗ trợ của bị đơn, tính ra án phí có giá ngạch bị đơn phải chịu là 12.299.690 đồng, tổng cộng án phí bị đơn phải chịu là 14.299.690 đồng.
Do đó, cần sửa một phần bản án sơ thẩm về án phí cho đúng với quy định như trên.
- Về án phí dân sự phúc thẩm: Do Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo là Công ty TNHH Quốc Tế VĐ không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ vào Điều 318 của Luật thương mại năm 2005 và Điều 12 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008;
1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH Quốc Tế VĐ, sửa một phần bản án sơ thẩm về án phí, tuyên xử :
a) Ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự, buộc Công ty cổ phần Phú Hoàng A có trách nhiệm giao bản chính các hóa đơn giá trị gia tăng sau đây cho Công ty TNHH Quốc Tế VĐ:
- Hóa đơn số 0000794 ngày 31/01/2013 cho căn hộ 0532-B2 số tiền 822.142.681 đồng;
- Hóa đơn số 0000797 ngày 31/01/2013 cho căn hộ 0533-C1 số tiền 180.036.975 đồng;
- Hóa đơn số 0000793 ngày 31/01/2013 cho căn hộ 0533-C2 số tiền 1.194.951.627 đồng;
- Hóa đơn số 0000796 ngày 31/01/2013 cho căn hộ 0533-A2 số tiền 391.105.408 đồng;
- Hóa đơn số 0000865 ngày 13/3/2013 cho căn hộ 0532-C1 số tiền 185.230.175 đồng;
- Hóa đơn số 0000864 ngày 13/3/2013 cho căn hộ 0533-B2 số tiền 196.167.379 đồng;
- Hóa đơn số 0000878 ngày 30/3/2013 cho căn hộ 0533-A1 số tiền 122.779.587 đồng;
- Hóa đơn số 0000992 ngày 25/5/2013 cho căn hộ 0533-B1 số tiền 2.445.831.351 đồng.
b) Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trên cơ sở tự nguyện hỗ trợ của bị đơn, buộc Công ty cổ phần Phú Hoàng A phải thanh toán cho Công ty TNHH Quốc Tế VĐ số tiền mà Công ty cổ phần Phú Hoàng A đã tự nguyện hỗ trợ là 245.993.809 (hai trăm bốn mươi lăm triệu chín trăm chín mươi ba ngàn tám trăm lẻ chín) đồng.
c) Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi Công ty cổ phần Phú Hoàng A phải bồi thường số tiền 245.993.809 đồng (tương đương 50% số tiền thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ) và tiền lãi chậm trả ính đến ngày xét xử sơ thẩm là 188.095.000 đồng.
Các đương sự thi hành ngay sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Công ty TNHH Quốc Tế VĐ, nếu Công ty cổ phần Phú Hoàng A chưa thi hành khoản tiền nói trên thì hàng tháng còn phải chịu tiền lãi trên số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
d) Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Công ty cổ phần Phú Hoàng A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 14.299.690 (mười bốn triệu hai trăm chín mươi chín ngàn sáu trăm chín mươi) đồng.
- Công ty TNHH Quốc Tế VĐ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 21.363.552 (hai mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi ba ngàn năm trăm năm mươi hai) đồng, cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 11.839.752 đồng (theo Biên lai thu tiền số AA/2012/08586 ngày 07/4/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận K), Công ty TNHH Quốc Tế VĐ còn phải nộp thêm 9.523.800 đồng.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm:
Công ty TNHH Quốc Tế VĐ không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm nên được nhận lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 2.000.000 đồng (theo Biên lai thu tiền số AA/2018/0016489 ngày 12/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận K).
3. Bản án này có hiệu lực pháp luật ngay.
4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ số 578/2019/KDTM-PT
Số hiệu: | 578/2019/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 20/06/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về