Bản án về tranh chấp hợp đồng kinh tế số 55/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 55/2023/KDTM-PT NGÀY 28/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Ngày 28/3/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 18/2023/TLPT-KDTM ngày 04/01/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H về việc “Tranh chấp hợp đồng kinh tế”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân quận C, thành phố H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 40/2023/QĐ-PT ngày 16/02/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 102/2023/QĐ-PT ngày 07/3/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, giữa các đương sự:

-Nguyên đơn: Công ty A Địa chỉ: đường PĐG, phường PL, quận T, thành phố H Người đại diện theo pháp luật: Ông H1– Giám đốc; có mặt

-Bị đơn: Công ty B Địa chỉ: đường NPS, phường DVH, quận C, thành phố H Người đại diện theo pháp luật: Ông H2 - Giám đốc; có mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà G1 và bà P1, Luật sư của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn TM. Địa chỉ: đường MTT, phường YH, quận C, H; có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Theo đơn khởi kiện và các lời khai, nguyên đơn và người đại diện của nguyên đơn trình bày:

Công ty A tham gia gói thầu số 04: Cung cấp máy in màu A0, Chủ đầu tư là Chi nhánh Tập đoàn X– Công ty than DH - TKV. Sau đó, Công ty B và Công ty A đã ký Hợp đồng số 992020 ngày 09 tháng 09 năm 2020, giá hợp đồng trọn gói 89 triệu đồng bao gồm: Cung cấp, vận chuyển, lắp đặt theo đúng hàng hóa thể hiện trên Hợp đồng (và đúng như với hàng hóa mà Công ty A ký với Công ty than DH) tới tận tay người tiêu dùng là Công ty than DH, theo đúng địa chỉ: Phường CT - thành phố CP - tỉnh Q với các yêu cầu: hàng hóa cung cấp phải có đủ chứng từ chứng minh hợp lệ như tờ khai Hải quan, giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận xuất xứ… Tuy nhiên, Công ty B đã không cung cấp đúng hàng hóa nên bị bên sử dụng (Công ty than DH) từ chối nhận hàng. Sau khi hết thời gian giao hàng, Công ty B vẫn không giao được hàng hóa theo Hợp đồng (đồng nghĩa Công ty A không thể giao hàng), nên Công ty than DH đơn phương hủy và phạt hợp đồng với Công ty A vì không thực hiện hợp đồng.

Công ty A rất nhiều lần yêu cầu Công ty B hoàn trả lại số tiền 89 triệu đồng đã thanh toán và số tiền đã đặt cọc 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, Công ty B không trả mà bắt Công ty A phải trả chi phí vận chuyển là 3.000.000 đồng rồi mới thanh toán lại tiền. Ban đầu, Công ty A không chấp nhận nhưng vì muốn lấy lại số tiền 89.000.000 đồng để trả nợ Ngân hàng G đã quá hạn nên Công ty A đã chuyển tiếp 3 triệu đồng vào tài khoản của kế toán Công ty B. Như vậy, Công ty A đã chuyển khoản hai lần, lần thứ nhất là 2 triệu đồng và lần thứ hai là 3 triệu đồng (chi phí vận chuyển), tổng cộng là 5 triệu đồng, đáp ứng yêu sách của Công ty B để mong nhận lại tiền. Mặc dù đã nhận 5 triệu đồng, Công ty B vẫn cố tình không trả số tiền 89 triệu đồng theo Hóa đơn số 0001702 ngày 28/12/2020 do Công ty A phát hành cho Công ty B (kèm theo Biên bản giao nhận hóa đơn ngày 28/12/2020).

Công ty A đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an, tại biên bản làm việc ngày 05/2/2021 của Công an quận TX, Công ty B đã đồng ý thanh toán hoàn trả ngay số tiền 02 triệu đồng bằng tiền mặt và 89 triệu đồng (tiền hàng) chậm nhất vào buổi sáng ngày 08/02/2021. Tuy nhiên đến nay, Công ty B vẫn chưa thanh toán số tiền 89.000.000 đồng.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Công ty A yêu cầu Tòa án nhân dân quận C giải quyết các vấn đề sau:

1. Bị đơn phải trả 89.000.000 đồng tiền hàng 2. Bị đơn phải trả 3.000.000 đồng phí vận chuyển.

3. Tiền phạt cọc 89.000.000 đồng bằng với số tiền thanh toán mua hàng.

4. Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là 3% giá trị hợp đồng, số tiền là 89.000.000 đồng x 3% = 2.670.000 đồng.

5. Bên bị kiện phải trả cho bên khởi kiện toàn bộ số tiền lãi phạt chậm trả kể từ ngày 01/1/2021 (ngày phát hành hóa đơn hoàn trả hàng hóa) tạm tính đến ngày 10/8/2022 là (89.000.000 đồng tiền gốc + 89.000.000 đồng tiền cọc + 3.000.000 tiền chi phí vận chuyển) X 11%/365 X 150% = 48.029.466 đồng.

6. Tiền thuê luật sư là 1.980.000 đồng.

7. Tiền tổn thất tinh thần 10 tháng lương là 46.800.000 đồng.

Ngoài ra, Công ty A không còn yêu cầu gì khác.

Bị đơn và người đại diện của bị đơn trình bày:

Ngày 9/9/2020, Công ty A và Công ty B có ký hợp đồng kinh tế số: 992020 về việc cung cấp hàng hóa gói thầu: “Gói thầu số 04: Cung cấp máy in màu A0”; Chủ đầu tư: “Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty than DH - TKV” , giá trị Hợp đồng là 89 triệu đồng.

Ngày 16/9/2020 Công ty B giao hàng cho Công ty than DH theo hợp đồng, nhưng Công ty than DH không nhận hàng với lý do trên vỏ thùng catton máy không có chữ “44-in”. Công ty B đã giải thích qua Zalo và gọi điện cho Công ty A, hai bên thống nhất chở máy về để đàm phán tiếp với Chủ đầu tư (Viết tắt là CĐT). Ngay sau đó Công ty B đã có công văn của hãng sản xuất HP giải thích và xác nhận về việc 2 sản phẩm: HP DesignJet T1708 44-in PostScript Printer (1VD84A) và HP DesignJet T1708 PostScript Printer (1VD84A) là một sản phẩm. Công ty A và Công ty B đồng ý với chủ đầu tư hủy thầu và hỗ trợ các giấy tờ.

Ngày 10/11/2020 Công ty B và Công ty A yêu cầu hoàn trả lại tiền máy và đưa ra phương án xử lý: Hỗ trợ nhận lại máy với nguyên giá trên Hợp đồng (là 89 triệu đồng) và Công ty A trả chi phí hồ sơ dịch thuật và thuê xe vận chuyển 2 chiều từ H đến Cẩm Phả, Q và ngược lại (tổng là 5 triệu đồng).

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, Công ty B chỉ chi phí chở hàng đi, không có thỏa thuận về việc phải chịu chi phí chở hàng về H. Vì vậy, bên Công ty A yêu cầu chuyển hàng về nên phải chịu khoản tiền vận chuyển là 3 triệu đồng.

Trước đó ngày 20/8/2020, Công ty A đã đặt cọc 2 triệu đồng để ký hợp đồng, Công ty B hỗ trợ phần hồ sơ cấu hình máy dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, Công ty B yêu cầu chuyển thêm 3 triệu đồng (tiền vận chuyển máy chiều về) theo như đã thỏa thuận.

Lúc đầu Công ty A không đồng ý và yêu cầu Công ty B chuyển 89 triệu đồng trước, còn tiền vận chuyển làm việc sau. Công ty B không đồng ý.

Ngày 3/12/2020, Công ty A có văn bản về việc quá hạn giao hàng và phạt hợp đồng. Ngày 25/12/2020 Công ty A yêu cầu xuất trả lại hóa đơn. Công ty B không đồng ý với lý do chưa nhận đủ 3 triệu đồng, ngày 26/12/2020 Công ty A chuyển khoản 3 triệu đồng cho Công ty B.

Ngày 28/12/2020, Công ty B làm công văn về việc không trúng thầu của Công ty A kèm Biên bản thanh lý hợp đồng, Công ty B nhận lại hàng và sẽ thu tiền vận chuyển (5 triệu đồng) và sẽ thanh toán 89 triệu đồng.

Công ty A không đồng ý ký xác nhận mặc dù đã giải thích bản xác nhận đúng thực tế sự việc, đúng nội dung trao đổi giữa 2 bên đã thống nhất trước đó, để tránh những phát sinh sau này.

Ngày 5/1/2020, Công ty A gửi biên bản hoàn trả hàng hóa với nội dung không đúng thực tế rằng “Công ty B cấp máy không đúng chủng loại hàng hóa” gây bất lợi vì thực tế giao đúng hàng hóa như trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên (điều này đã có công văn của hãng HP xác nhận), chính vì vậy Công ty B không ký biên bản thanh lý.

Ngày 05/02/2021 Công ty A gửi đơn ra cơ quan Công an, tại Công an quận TX (nội dung biên bản kèm theo...) Công ty B gửi lại bản mẫu thanh lý hợp đồng theo đúng nội dung làm việc với cơ quan Công an nhưng Công ty A vẫn không đồng ý ký vào biên bản. Chính vì vậy không thể hoàn thành thủ tục chuyển khoản thanh toán số tiền 89.000.000 đồng.

Công ty B đồng ý trả lại số tiền theo hợp đồng là 89 triệu và đề nghị giảm tiền lãi cho hợp lý.

Trong buổi hòa giải ngày 01/6/2022:

Công ty A nêu ý kiến nếu Công ty B chấp nhận trả ngay một lần số tiền 89.000.000 đồng, và trả tiền lãi theo lãi suất ngân hàng là 16.000.000 đồng, tổng cộng 105.000.000 đồng vào ngày 25/6/2022 (bằng mọi hình thức chuyển khoản, trực tiếp...) thì Công ty A sẽ rút đơn khởi kiện.

Công ty B đồng ý phương án Công ty A đưa ra để hòa giải. Đồng ý trả ngay một lần số tiền 89.000.000 đồng, và trả tiền lãi theo lãi suất ngân hàng là 16.000.000 đồng, tổng cộng 105.000.000 đồng vào ngày 25/6/2022 (bằng mọi hình thức chuyển khoản, trực tiếp...) và đề nghị Công ty A rút đơn khởi kiện, nhưng Công ty B không chuyển tiền cho Công ty A, nên nguyên đơn yêu cầu Tòa án đưa vụ án ra xét xử.

Tại phiên tòa sơ thẩm:

Nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc Công ty B phải trả 89.000.000 đồng tiền đã thanh toán, 3.000.000 đồng phí vận chuyển, phạt cọc 89.000.000 đồng, phạt vi phạm hợp đồng 2.670.000 đồng, lãi suất chậm trả 48.029.466 đồng. Rút 1 phần yêu cầu khởi kiện đối với tiền thuê luật sư và bồi thường tổn thất tinh thần… Bị đơn cho rằng công ty không có lỗi, do vậy đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của Công ty A.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân quận C, thành phố H đã xử: Căn cứ:

- Điều 117; Điều 119, Điều 439 Bộ luật dân sự 2015.

- Điều 24; Điều 306 Luật thương mại 2005.

- Điều 30; điểm a, khoản 1, Điều 35, điểm a, khoản 1, Điều 39; Điều 147, Điều 244, Điều 264, Điều 267, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

- Điều 24, 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A đối với yêu cầu đòi bồi thường tổn thất và phí tư vấn luật.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A đối với Công ty B về hợp đồng kinh tế số 992020 ngày 09/9/2020.

Buộc Công ty B phải thanh toán trả cho Công ty A số tiền tạm tính đến ngày 09/8/2022 là 116.000.000đồng (trong đó tiền đã thanh toán 89.000.000đồng, 3.000.000 tiền phí vận chuyển; 24.412.767 đồng nợ lãi chậm thanh toán).

Không chấp nhận yêu cầu của Công ty A đòi số tiền do vi phạm hợp đồng là 2.670.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của Công ty A đòi phạt cọc là 89.000.000 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Công ty A còn phải chịu số tiền lãi trên số tiền chậm trả theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của 03 ngân hàng tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả cho đến khi thanh toán xong.

2. Về án phí: Công ty B phải chịu án phí sơ thẩm là 5.800.000 đồng.

Công ty A phải chịu số tiền án phí sơ thẩm là 4.500.000đồng; được khấu trừ vào số tiền tạm tứng án phí đã nộp 2.300.000 đồng theo Biên lai số 0018393 ngày 05/5/2022 tại Cục thi hành án dân sự quận C, còn phải nộp 2.200.000 đồng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.

Án xử công khai sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, Công ty B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa hôm nay: các đương sự đã tự nguyện thỏa thuận như sau:

- Công ty B đồng ý trả và Công ty A đồng ý nhận số tiền 105.000.000 đồng.

- Công ty A đã nhận đủ số tiền 105.000.000 đồng của Công ty B vào ngày 28/3/2023.

- Nguyên đơn và bị đơn không còn yêu cầu, đề nghị gì khác. Vụ việc tranh chấp hợp đồng kinh tế đến nay chấm dứt.

- Về án phí, Công ty B tự nguyện chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H tham gia phiên tòa nhận xét và đề nghị:

- Vế tố tụng: Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành các thủ tục tố tụng đúng pháp luật. Các đương sự chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Xét tại phiên tòa hôm nay các đương sự đã tự nguyện thỏa thuận về cách giải quyết toàn bộ vụ án. Căn cứ Điều 300 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự cung cấp và Tòa án thu thập được trong quá trình tiến hành tố tụng, sau khi đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] - Về thủ tục tố tụng:

Đơn kháng cáo của Công ty B được nộp trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ.

- Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết:

Tranh chấp giữa Công ty A với Công ty B phát sinh từ hợp đồng kinh tế, nên được xác định là tranh chấp kinh doanh thương mại.

Bị đơn là Công ty B có địa chỉ tại đường NPS, phường DVH, quận C, thành phố H, nên Tòa án nhân dân quận C, thành phố H giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

[2] - Về nội dung kháng cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Tại phiên tòa hôm nay, các đương sự đã hòa giải và thống nhất với nhau về cách giải quyết toàn bộ nội dung vụ án như sau:

- Công ty B đồng ý trả và Công ty A đồng ý nhận số tiền 105.000.000 đồng.

- Công ty A đã nhận đủ số tiền 105.000.000 đồng của Công ty B vào ngày 28/3/2023.

- Nguyên đơn và bị đơn không còn yêu cầu, đề nghị gì khác. Vụ việc tranh chấp hợp đồng kinh tế đến nay chấm dứt.

- Về án phí, Công ty B tự nguyện chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Xét sự tự thỏa thuận của các đương sự về cách giải quyết toàn bộ nội dung vụ án là hoàn toàn tự nguyện, đúng pháp luật, không trái đạo đức xã hội và theo đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H, nên căn cứ Điều 300 của Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Về án phí phúc thẩm : Công ty B kháng cáo, nên phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Từ những nhận định trên.

Căn cứ Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự

QUYẾT ĐỊNH

 Áp dụng Điều 30; Điều 37; Điều 38; Điều 148; Điều 300 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Áp dụng Điều 357; Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân quận C, thành phố H và Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

- Công ty B đồng ý trả và Công ty A đồng ý nhận số tiền 105.000.000 đồng.

- Công ty A đã nhận đủ số tiền 105.000.000 đồng của Công ty B vào ngày 28/3/2023.

- Nguyên đơn và bị đơn không còn yêu cầu, đề nghị gì khác. Vụ việc tranh chấp hợp đồng kinh tế đến nay chấm dứt.

2. Về án phí sơ thẩm:

Công ty B phải chịu án phí sơ thẩm là 5.250.000 đồng.

Hoàn trả Công ty A 2.300.000 đồng tạm ứng án phí (đã nộp) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2020/0018393 ngày 05/5/2022 tại Chi cục thi hành án dân sự quận C, thành phố H.

3. Về án phí phúc thẩm:

Công ty B phải chịu 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí (đã nộp) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2020/0018707 ngày 12/9/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố H, nên còn phải nộp 1.700.000 đồng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

37
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng kinh tế số 55/2023/KDTM-PT

Số hiệu:55/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về