Bản án về tranh chấp hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ, tín dụng, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo và tranh chấp khác phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại số 24/2021/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 24/2021/KDTM-PT NGÀY 09/12/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KẾ THỪA QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ, TÍN DỤNG, YÊU CẦU XỬ LÝ TÀI SẢN ĐẢM BẢO VÀ TRANH CHẤP KHÁC PHÁT SINH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Ngày 09 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 11/2021/TLPT-KDTM ngày 13 tháng 5 năm 2021 về việc tranh chấp Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ, tín dụng, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo và tranh chấp khác phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2021/KDTM-ST ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 100/2021/QĐ-PT ngày 13 tháng 7 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 155/2021/QĐ-PT ngày 25 tháng 11 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng V Việt Nam; địa chỉ trụ sở: Số 25A Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Ngô Mạnh H; chức vụ: Phó Giám đốc Ngân hàng V Việt Nam - chi nhánh Thái Bình (theo Văn bản ủy quyền số 431/GUQ-NHPT.TBI ngày 01/7/2019); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Viết H - Luật sư của Văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt

- Bị đơn: Công ty Cổ phần đóng tàu BB; địa chỉ: Số 508 Tôn Đức Thắng, thôn AD, xã A Đ , huyện AD, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Văn D, địa chỉ: Số 508 Tôn Đức Thắng, xã A Đ , huyện AD, thành phố Hải Phòng; chức vụ: Giám đốc Công ty (là người đại diện theo pháp luật); có mặt

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Ninh và bà Ngô Thị Tuyết Nga - Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV Nguyễn Thị Ninh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; đều có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại NTS; địa chỉ trụ sở: Số 94, đường 39B, xã TH, huyện TT, tỉnh Thái Bình

Người đại diện hợp pháp của Công ty: Ông Nguyễn Văn Q, địa chỉ: Số 868 NHT, quận CL, thành phố ĐN; chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc (là người đại diện theo pháp luật); vắng mặt

2. Công ty Cổ phần VHT; địa chỉ trụ sở: Thôn KC, xã TK, huyện KT, tỉnh Hải D

Người đại diện hợp pháp của Công ty: Ông Vũ Q V, chức vụ: Giám đốc (là người đại diện theo pháp luật); có mặt

3. Bà Trần Thị Thùy D; địa chỉ: Số 403 TĐT, xã A Đ , huyện AD, thành phố Hải Phòng; có mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà D: Bà Nguyễn Thị Ninh - Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV Nguyễn Thị Ninh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn là Ngân hàng V Việt Nam; bị đơn là Công ty Cổ phần đóng tàu BB.

- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị:

Trong đơn khởi kiện, tại các bản tự khai và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngân hàng V Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (viết tắt là Ngân hàng) và Công ty Cổ phần Vận tải tàu biển và Thương mại NTS (viết tắt là Công ty NTS) có ký Hợp đồng tín dụng (viết tắt là HĐTD) số 03/2008-HĐTD ngày 05/02/2008 và các bên thống nhất nội dung: Số tiền Ngân hàng cho vay tối đa là 141 tỷ đồng; thời hạn vay 10 năm kể từ khi nhận khoản vay đầu tiên đến khi hoàn trả hết nợ gốc và lãi; mục đích vay để đầu tư mới 02 tàu vận tải biển trọng tải 5.300 tấn; thời gian ân hạn là 02 năm; thời hạn trả nợ gốc là 08 năm; lãi suất vay theo thỏa thuận. Ngoài ra, Ngân hàng và Công ty NTS còn ký một số hợp đồng điều chỉnh vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và một số Phụ lục HĐTD đầu tư sửa đổi, bổ sung. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là tài sản hình thành trong tương lai của dự án gồm 02 tàu vận tải biển trọng tải 5.300 tấn là tàu Thái Sơn 18 và Thái Sơn 28 được thể hiện theo Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 46/2008/HĐTCTS-TL ngày 18/04/2008 và các hợp đồng điều chỉnh thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản bảo đảm đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng đồng ý giải ngân cho Công ty NTS tổng số tiền tối đa là 72.168.864.419 đồng để đầu tư tàu Thái Sơn 28; trong đó tổng số tiền Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty NTS tính đến ngày 15/12/2016 là 60.001.864.419 đồng. Số vốn còn lại chưa giải ngân là 12.167.000.000 đồng.

Quá trình thực hiện dự án tàu Thái Sơn 28, Công ty NTS gặp khó khăn về năng lực và tài chính. Đều là đối tác làm ăn với nhau nên giữa Công ty NTS, Công ty Cổ phần đóng tàu BB (viết tắt là Công ty BB) và Ngân hàng đã đi đến thống nhất việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS sang cho Công ty BB tại Ngân hàng. Tại HĐTD số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 và các Hợp đồng sửa đổi bổ sung; các phụ lục Hợp đồng sang Công ty BB đều thể hiện Công ty BB nhận nguyên trạng tài sản là tàu Thái Sơn 28 đang đóng dở và kế thừa khoản vay tín dụng của Công ty NTS tại Ngân hàng. Sau khi thực hiện chuyển giao xong Ngân hàng đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu 2 Công ty thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 theo đúng nội dung thỏa thuận 3 bên.

Ngày 16/12/2016, Ngân hàng và Công ty BB đã ký Hợp đồng kế thừa quyền, nghĩa vụ tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016 (viết tắt là Hợp đồng số 01) với nội dung: Công ty BB kế thừa quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS tại HĐTD số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 ký giữa Ngân hàng với Công ty NTS. Theo đó, tổng số vốn vay tối đa để đầu tư tàu Thái Sơn 28 là 72.168.864.419 đồng; trong đó số vốn vay tín dụng đầu tư đã giải ngân đến ngày 15/12/2016 là 60.001.864.419 đồng, số tiền chưa giải ngân là 12.167.000.000 đồng. Số tiền đã trả nợ đến ngày 15/12/2016 là 9.188.784.616 đồng (trong đó nợ gốc đã trả: 0 đồng; nợ lãi đã trả: 9.188.784.616 đồng). Tính đến ngày 15/12/2016, dư nợ còn lại là 120.890.371.153 đồng, gồm nợ gốc là 60.001.864.419 đồng; nợ lãi là 60.888.506.734 đồng. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ tín dụng số 01, Công ty BB đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng.

Nay, Ngân hàng khởi kiện, đề nghị Tòa án buộc Công ty BB phải trả số tiền tạm tính đến ngày 17/3/2021 là 197.440.213.130 đồng, trong đó: Nợ gốc là 60.001.864.419 đồng; nợ lãi là 137.438.348.711đồng. Công ty BB tiếp tục phải trả số tiền lãi phát sinh trên số dư nợ còn lại theo mức lãi suất thỏa thuận trong Hợp đồng và các Phụ lục hợp đồng đã ký kể từ ngày 18/3/2021 cho đến khi trả xong nợ. Trường hợp Công ty BB không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì đề nghị phát mại tàu Thái Sơn 28 để Ngân hàng thu hồi nợ.

Đối với các yêu cầu phản tố của Công ty BB, gồm: Yêu cầu Ngân hàng trả cho Công ty BB số tiền 2.964.774.000 đồng là số tiền Công ty BB đã trả cho Công ty Cổ phần VHT (viết tắt là Công ty VHT) để nhận hóa đơn thuế Giá trị gia tăng của Công ty VHT xuất toán trị giá tàu Thái Sơn 28 là 48.490.933.132 đồng; yêu cầu Ngân hàng phải trả cho Công ty BB chi phí thuê bảo vệ, trông coi tàu Thái Sơn 28 (tính từ ngày 06/10/2016 đến ngày 17/3/2021) là 5.767.780.645 đồng, Ngân hàng không đồng ý vì: Số tiền thuế 2.964.774.000 đồng là sự thỏa thuận giữa Công ty NTS, Công ty BB và Công ty VHT; Ngân hàng không nhận khoản tiền này từ Công ty BB. Số tiền bảo vệ, trông coi tàu, tiền thuê neo đậu....là 5.767.780.645 đồng phát sinh trên cơ sở đề xuất tự nguyện giữa Công ty NTS sang Công ty BB; Ngân hàng chỉ là bên cho vay vốn. Thực tế, tàu Thái Sơn 28 đã được Công ty NTS bàn giao cho Công ty BB quản lý từ ngày 06/10/2016 nên Công ty BB phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý, trông coi, bảo vệ, bảo quản tàu. Việc Công ty BB thuê bến bãi neo đậu, trông coi bảo vệ tàu là do Công ty BB thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư mới như đã cam kết tại Biên bản làm việc ngày 06/10/2016 giữa Ngân hàng với Công ty BB và Công ty NTS; tại Biên bản làm việc ngày 06/10/2016 giữa Ngân hàng với Công ty BB, Công ty NTS và Công ty VHT; Biên bản bàn giao tài sản ngày 06/10/2016 giữa Công ty NTS, Công ty VHT, Công ty BB và Ngân hàng. Do vậy Công ty BB phải thanh toán các chi phí thuê bảo vệ, trông coi tàu, thuê neo đậu cầu cảng... đối với tàu Thái Sơn 28.

Trong quả trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Tàu Thái Sơn 28 thuộc Dự án đầu tư đóng mới 02 tàu vận tải biển trọng tải 5.300 tấn, cấp tàu không hạn chế của Công ty NTS. Dự án sử dụng vốn vay tại Ngân hàng. Dự án được Công ty NTS thực hiện đặt đóng mới từ năm 2008 tại Công ty VHT. Đến tháng 12/2009, dự án đã hoàn thành xong 50% tương ứng với 01 tàu Thái Sơn 18 được bàn giao đưa vào khai thác, còn lại 50% dự án tương ứng với tàu Thái Sơn 28 đang hoàn thiện. Đến năm 2010, tàu Thái Sơn 28 hoàn thiện đạt khoảng 70%. Do kinh tế suy thoái, Công ty NTS không có khả năng đầu tư hoàn thiện tiếp và tàu Thái Sơn 28 dừng thi công từ năm 2010 cho đến thời điểm chuyển giao cho Công ty BB vào năm 2016. Thời gian thực hiện đầu tư dự án, ông Nguyễn Văn Q - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty NTS có vay của ông Trần Văn T - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BB số tiền 4.577.000.000 đồng và không có khả năng thanh toán, nên muốn chuyển giao tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB để gán số vốn tự có mà Công ty NTS đã tham gia vào dự án sang công nợ vay của ông Trần Văn T. Ngoài ra, hai bên tự thỏa thuận ngoài việc gán nợ ra để giảm bớt khó khăn cho Công ty NTS, khi chuyển giao tàu Thái Sơn 28 từ Công ty NTS sang Công ty BB, Công ty BB sẽ hỗ trợ cho ông Q số tiền 500.000.000 đồng. Quá trình này đã được báo cáo tại các buổi làm việc với Ngân hàng. Công ty BB đã làm tờ trình số 02/2015 ngày 02/11/2015 để xin nhận lại tàu Thái Sơn 28 và hoán cải từ tàu hàng khô sang tàu chở dầu nhưng do thủ tục phê duyệt kéo dài và vướng mắc, nhiều nhà thầu nhận thấy chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn thiện kéo dài và thời gian còn lại của dự án để trả nợ gốc, lãi là không khả thi nên Công ty BB đã có văn bản từ chối xin nhận lại để hoán cải thành tàu dầu và trình tiếp tờ trình số 505/2016 TR BE-V ngày 05/5/2016 nhận chuyển giao tàu Thái Sơn 28 và đề nghị Ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ dự án từ 10 - 25 năm và giải ngân hết số vốn còn lại theo Hợp đồng tín dụng và xóa nợ lãi tồn đọng trước khi chuyển giao để tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo cấp tàu Hạn chế III (được hạ cấp từ không hạn chế xuống III). Đồng thời Công ty BB và Công ty NTS tự thống nhất biên bản ngày 10/6/2015 với nội dung Công ty BB là đơn vị đứng lên giải quyết mọi vấn đề công nợ dở dang hợp pháp với các nhà thầu đang thi công tàu Thái Sơn 28 theo số liệu giữa Công ty NTS, Công ty BB thống nhất với các nhà thầu tại thời điểm bàn giao chuyển đổi chủ sở hữu tàu Thái Sơn 28 từ Công ty Thái Sơn sang Công ty BB. Trên cơ sở tờ trình số 505 ngày 05/5/2016, Ngân hàng đã có văn bản số 743 NHPT.TBI-TD ngày 05/10/2016 chấp thuận cho chuyển giao tàu Thái Sơn 28 từ Công ty NTS sang Công ty BB. Các bên đã thực hiện bàn giao tài sản tàu Thái Sơn 28 và ký các biên bản thỏa thuận giữa các bên liên quan vào ngày 06/10/2016, có sự chứng kiến của Ngân hàng. Thực tế, Công ty BB mới nhận bàn giao tài sản là tàu Thái Sơn 28, nhưng tàu Thái Sơn 28 chưa được Ngân hàng giải chấp nên Công ty NTS không thể chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 cho Ngân hàng. Tàu Thái Sơn 28 chưa thực hiện việc xóa tên, chưa xóa đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký tàu biển và tại Ngân hàng, chưa chuyển giao thiết kế, có nghĩa tàu Thái Sơn 28 vẫn thuộc quyền sở hữu của Công ty NTS và đang là tài sản thế chấp của Công ty NTS đối với Ngân hàng. Ngày 16/12/2016, Ngân hàng và Công ty BB đã ký hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01 có nội dung Công ty BB nhận toàn bộ nghĩa vụ vay Ngân hàng, nghĩa vụ trả gốc, lãi, thời hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng, các khế ước tín dụng đã ký giữa Công ty NTS và Ngân hàng nhưng trong hợp đồng này chưa có khoản tiền vay tương ứng với nghĩa vụ phải trả nợ ngân hàng. Công ty BB chưa nhận tiền vay từ Ngân hàng nên không có trách nhiệm trả Ngân hàng số tiền vay gốc, lãi theo yêu cầu của Ngân hàng. Công ty BB không đồng ý đối với yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng. Công ty BB mới nhận tài sản mang tên Công ty NTS, chưa nhận nợ gốc, lãi, lãi phát sinh từ ngày 16/12/2016 từ Công ty NTS chuyển sang, chưa nhận nợ gốc, lãi với Ngân hàng. Công ty BB đồng ý nhận nguyên trạng tài sản nhưng không đồng ý nhận nguyên giá trị tài sản, nhận nguyên nợ của Công ty NTS tại Ngân hàng, để nhận giá trị tài sản thì yêu cầu tài sản chuyển giao phải được định giá lại. Công ty BB rút yêu cầu phản tố đối với số tiền 4.577.000.000 đồng do Công ty NTS đã vay của ông Trần Văn T - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BB để đầu tư vào dự án đóng tàu Thái Sơn 28 để các bên tự giải quyết với nhau. Các yêu cầu phản tổ khác vẫn giữ nguyên, cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Ngân hàng phải trả cho Công ty BB số tiền Công ty BB phải thanh toán cho Công ty Vụ Hát Tưởng để xuất hóa đơn giá trị gia tăng tàu Thái Sơn 28 là 2.964.774.000 đồng và số tiền thuê bảo quản, chi phí neo đậu bến bãi tàu Thái Sơn 28 kể từ ngày 06/10/2016 tạm tính đến ngày 17/3/2021 là 5.767.780.645 đồng.

Ý kiến tại các văn bản trình bày, người đại diện cho Công ty NTS thể hiện:

Công ty NTS lập dự án đóng mới 02 tàu vận tải gồm Thái Sơn 18 và Thái Sơn 28, có sử dụng vốn vay của Ngân hàng. Tàu Thái Sơn 18 đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2008, nhưng do suy thoái kinh tế nên đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Binh tuyên phát mại để xử lý nợ cho khoản vay tín dụng tại Ngân hàng. Tàu Thái Sơn 28 là một phần của dự án đầu tư, sau này cũng gặp khó khăn do nhà thầu không có nguồn vốn để thi công nên Tàu Thái Sơn 28 không được đầu tư hoàn thiện để khai thác và phải chuyển giao cho Công ty BB, được Ngân hàng chấp nhận. Toàn bộ nghĩa vụ tín dụng của Công ty NTS tại Ngân hàng đã được chuyển giao lại cho Công ty BB theo Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ tín dụng số 01/2016/HDTD-NHPT ngày 16/12/2016. Tàu Thái Sơn 28 tuy đã được chuyển giao lại cho Công ty BB nhưng chưa thực hiện việc xóa đăng ký thế chấp tàu biển và bàn giao Giấy chứng nhận thiết kế được duyệt. Việc không bàn giao được hồ sơ tàu Thái Sơn 28 từ Công ty NTS sang cho Công ty Biền bắc là do Ngân hàng không phối hợp với Công ty NTS. Cần phải xem xét trách nhiệm và lỗi của Ngân hàng trong việc tàu Thái Sơn 28 chưa được bàn giao xong giữa 2 Công ty dẫn đến chưa đủ điều kiện pháp lý để tiếp tục hoàn thiện tàu, chưa có nguồn thu để trả nợ cho Ngân hàng.

Tại các văn bản trình bày, trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty VHT trình bày:

Công ty VHT thực hiện hợp đồng đóng tàu Thái Sơn 28 cho Công ty NTS.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty NTS còn nợ Công ty VHT số tiền 2.964.774.000 đồng và các hóa đơn chứng từ còn thiếu. Công ty VHT và Công ty NTS thỏa thuận sau khi Công ty NTS thanh toán đầy đủ số tiền 2.964.774.000 đồng thì Công ty VHT sẽ xuất toán hóa đơn Giá trị gia tăng cho Công ty NTS với số tiền 48.490.933.123 đồng. Tuy nhiên, Công ty NTS không trả được số tiền trên nên Ngân hàng, Công ty NTS, Công ty BB và Công ty VHT đã thỏa thuận bàn giao tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB. Khoản nợ của Công ty NTS với Công ty VHT yêu cầu Công ty BB có trách nhiệm thanh toán thay cho công ty NTS. Công ty VHT đã xuất hóa đơn Giá trị gia tăng cho Công ty BB với số tiền 48.490.933.123 đồng. Công ty BB phải trả cho Công ty VHT 2.964.774.000 đồng. Đối với số tiền 2.964.77 4.000 đồng là số tiền Công ty BB phải trả cho Công ty VHT để nhận hóa đơn Giá trị gia tăng, Công ty BB đã nhận nợ với Công ty VHT.

Do đó, khi Tòa án xử lý tài sản bảo đảm là tàu Thái Sơn 28 thì cơ quan tổ chức nào nhận tàu Thái Sơn 28 phải có trách nhiệm thanh toán số tiền trên cho Công ty VHT trước khi tàu rời nhà máy. Đối với yêu cầu Công ty NTS phải trả cho Công ty VHT và bà Trần Thị Thùy D số tiền neo đậu bến bãi, trông coi tạm tính đến ngày 17/3/2021 với số tiền nợ gốc là 5.767.780.645 đồng như các bên trình bày, Công ty VHT yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết ưu tiên thanh toán dứt điểm số nợ trên và chi phí phát sinh cho Công ty VHT khi xử lý tài sản bảo đảm là tàu Thái Sơn 28 cho đến khi tàu rời nhà máy.

Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần VHT vẫn giữ nguyên quan điểm như Công ty VHT đã trình bày và yêu cầu Công ty Cổ phần đóng tàu BB phải thanh toán cho Công ty Cổ phần VHT số tiền để xuất hóa đơn GTGT cho tàu Thái Sơn 28 là 2.964.774.000 đồng và tiền thuê bến bãi trông coi tàu Thái Sơn 28 tạm tính đến ngày 17/3/2021 là 5.767.780.645 đồng.

Tại các văn bản trình bày, trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Thùy D trình bày:

Do có mối quan hệ bạn hàng từ trước nên khi Công ty BB đặt vấn đề tìm cầu bến để thuê neo đậu, bảo vệ tàu trọng tải 5.300 tấn (đang thi công hoàn thiện dở), xét thấy khả năng có thể cung ứng được nhu cầu của Công ty BB nên bà D đã ký hợp đồng thuê cầu bến số 01/2016/HĐKT ngày 05/10/2016 với Công ty BB. Nội dung hợp đồng nhận trông coi bảo vệ cô chằng dây, chống nghiêng, chống bão... và bố trí cầu bến neo đậu an toàn cho tàu. Giá ký kết trọn gói cho các dịch vụ trên là 108.000.000 đồng/tháng không bao gồm hóa đơn Giá trị gia tăng; thanh toán phí dịch vụ hàng tháng vào ngày 05/10 của tháng kể tiếp. Thực hiện hợp đồng, ngày 06/10/2016, Công ty BB đã bàn giao tàu Thái Sơn 28 cho bà D, bà D đã tiếp nhận để cung ứng các dịch vụ cho Công ty BB và gửi thông báo quyết toán phí dịch vụ và đề nghị thanh toán cho Công ty BB hàng tháng. Những tháng đầu, Công ty BB chậm thanh toán do tập trung nguồn lực tài chính để hoàn thiện 02 tàu trọng tải 3.500 tấn để đưa vào hoạt động khai thác. Đến tháng 11/2017 do ảnh hưởng bão đã nhấn chìm tàu BB 16 của Công ty BB nên Công ty không có khả năng thanh toán. Công ty BB cũng cam kết thực hiện dứt điểm công nợ đối với tàu Thái Sơn 28 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Các chi phí dịch vụ như đã thỏa thuận trên đối với tàu Thái Sơn 28, Công ty VHT và bà D yêu cầu Công ty BB thanh toán toàn bộ tính từ ngày 06/10/2016 đến ngày 17/3/2021 là 5.767.780.645 đồng, không yêu cầu thanh toán số tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán. Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết ưu tiên thanh toán dứt điểm cho Công ty VHT và bà D số nợ trên và chi phí phát sinh khi xử lý tài sản bảo đảm là tàu Thái Sơn 28 trước khi tàu rời nhà máy.

Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2021/KDTM-ST ngày 22/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng đã:

Căn cứ Điều 5, khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, các điều 92, 97, 147, 165, 166, 200, khoản 2 Điều 217, điểm b khoản 2 Điều 227 và Điều 244 Bộ luật Tố tụng Dân sự; các điều 309, 310, 311, 312, 313, 314, 315, 316, 317, 323, 338, 343, 355 Bộ luật Dân sự 2005; các điều 117, 119, 298, 299, 307, 365, 366, 367, 368, 369, 370 và 371 Bộ luật Dân sự 2015; các điều 91, 95 Luật Các tổ chức tín dụng; các điều 4, 10, 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; các điều 22, 23, 24 Nghị định 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Tuyên bố Hợp đồng Kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016 vô hiệu 2. Buộc Công ty NTS phải trả cho Ngân hàng số tiền vay tại Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 với tổng số tiền tính đến ngày 16/12/2016 là 120.890.371.153 đồng, trong đó: Nợ gốc là 60.001.864.419 đồng, nợ lãi là 60.888.506.734 đồng 3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về việc buộc Công ty BB phải trả toàn bộ số tiền nợ lãi phát sinh tại Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 từ ngày 16/12/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm là 76.549.841.977 đồng.

Về lãi suất chậm thi hành án: Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Công ty NTS còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay (Án lệ số 08/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

4. Trường hợp Công ty NTS không trả được nợ, Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan có thảm quyền phát mại tài sản đã thế chấp sau đây để thu hồi nợ: Tàu Thái Sơn 28 hiện đang đóng dở với nguyên trạng tại Công ty Cổ phần VHT tại địa chỉ thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải D (Tài sản bàn giao được kê chi tiết theo biểu chi tiết tài sản bàn giao ngày 06/10/2016 có kèm theo Bản án).

Số tiền phát mại tài sản bảo đảm nêu trên sau khi thanh toán số tiền chi phí thuê neo đậu bến bãi cho bà Trần Thị Thùy D tính đến thời điểm tàu Thái Sơn 28 rời nhà máy và trả cho số dư nợ còn lại của Công ty NTS tại Ngân hàng V Việt Nam, nếu còn thừa sẽ được trả cho bên thế chấp, nếu thiếu Công ty NTS phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng.

5. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần đóng tàu BB đối với yêu cầu Ngân hàng thanh toán trả số tiền 2.964.774.000 đồng.

6. Buộc Công ty NTS phải trả bà Trần Thị Thùy D gồm: Tiền trông coi tàu Thái Sơn 28 từ ngày 06/10/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm (17/3/2021) là 5.767.780.645 đồng và tiền chi phí bảo quản hợp lý sau thời điểm xét xử sơ thẩm cho đến khi tàu Thái Sơn 28 rời nhà máy. Số tiền xử lý tài sản thế chấp tàu Thái Sơn 28 được ưu tiên thanh toán cho bà Trần Thị Thùy D.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác 7. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu giải quyết số tiền 4.577.000.000 đồng của Công ty Cổ phần đóng tàu BB.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.

Nội dung kháng cáo, kháng nghị, cụ thể như sau:

1. Ngày 02/4/2021, nguyên đơn là Ngân hàng V Việt Nam kháng cáo một phần bản án và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và bác toàn bộ các phán quyết sau về các nội dung sau:

+ Tuyên bố Hợp đồng Kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016 vô hiệu;

+ Buộc Công ty NTS phải trả cho Ngân hàng số tiền vay tại Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 với tổng số tiền tính đến ngày 16/12/2016 là 120.890.371.153 đồng, trong đó: Nợ gốc là 60.001.864.419 đồng, nợ lãi là 60.888.506.734 đồng;

+ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về việc buộc Công ty BB phải trả toàn bộ số tiền nợ lãi phát sinh tại Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 từ ngày 16/12/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm là 76.549.841.977 đồng.

+ Trường hợp Công ty NTS không trả được nợ, Ngân hàng V Việt Nam có quyền yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản đã thế chấp sau đây để thu hồi nợ: Tàu Thái Sơn 28 hiện đang đóng dở với nguyên trạng tại Công ty Cổ phần VHT tại địa chỉ thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải D (Tài sản bàn giao được kê chi tiết theo biểu chi tiết tài sản bàn giao ngày 06/10/2016 có kèm theo Bản án). Số tiền phát mại tài sản bảo đảm nêu trên sau khi thanh toán số tiền chi phí thuê neo đậu bến bãi cho bà Trần Thị Thùy D tính đến thời điểm tàu Thái Sơn 28 rời nhà máy và trả cho số dư nợ còn lại của Công ty NTS tại Ngân hàng V Việt Nam, nếu còn thừa sẽ được trả cho bên thế chấp, nếu thiếu Công ty NTS phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng.

+ Buộc Công ty NTS phải trả bà Trần Thị Thùy D gồm: Tiền trông coi tàu Thái Sơn 28 từ ngày 06/10/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm (17/3/2021) là 5.767.780.645 đồng và tiền chi phí bảo quản hợp lý sau thời điểm xét xử sơ thẩm cho đến khi tàu Thái Sơn 28 rời nhà máy. Số tiền xử lý tài sản thế chấp tàu Thái Sơn 28 được ưu tiên thanh toán cho bà Trần Thị Thùy D. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác + Ngân hàng V Việt Nam phải chịu 187.549.842 đồng tiền án phí sơ thẩm.

2. Ngày 06/4/2021, bị đơn là Công ty BB có đơn kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm về nội dung “không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Đóng tàu BB đối với yêu cầu Ngân hàng V Việt Nam thanh toán trả số tiền 2.964.774.000 đồng. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc Công ty NTS phải thanh toán cho Công ty VHT khoản tiền công đóng tàu 2.964.774.000 đồng trước khi nhận lại tàu Thái Sơn 28 hoặc ngay sau khi tàu Thái Sơn 28 được phát mại để Công ty BB được nhận lại số tiền 2.964.774.000 đồng đã thanh toán cho VHT bằng giá trị cổ phần của ông Trần Văn T.

3. Ngày 06/4/2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện AD có Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 06/2021/KDTM-ST ngày 22/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng; nội dung kháng nghị:

+ Bản án sơ thẩm đã nhận định lỗi dẫn đến Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016 vô hiệu thuộc về cả 3 bên là Ngân hàng, Công ty NTS và Công ty BB nhưng chỉ buộc Ngân hàng phải chịu toàn bộ thiệt hại số tiền nợ lãi phát sinh tại Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 từ ngày 16/12/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm là 76.549.841.977 đồng là không đúng, không chính xác. Ngoài ra, việc nguyên đơn phải chịu 184.549.842 đồng án phí sơ thẩm đối với số tiền không được chấp nhận là không đúng, gây thiệt hại cho Ngân hàng.

+ Bản án sơ thẩm tuyên đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu giải quyết số tiền 4.577.000.000 đồng của Công ty BB là giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự, bởi: Ngày 25/3/2020, Công ty BB có yêu cầu phản tố, yêu cầu NTS trả nợ, đến ngày 03/8/2020, Công ty BB đã có đơn rút yêu cầu không đề nghị Tòa án giải quyết, Tòa án cũng không thụ lý yêu cầu này của Công ty BB.

+ Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Trần Thị Thùy D đã yêu cầu Công ty BB thanh toán toàn bộ số tiền nhận trông coi, bảo vệ, cô chằng chống nghiêng tàu Thái Sơn 28 từ ngày 06/10/2016 đến ngày 17/3/2021 là 5.767.780.645 đồng và không yêu cầu lãi phát sinh do chậm thanh toán, không đề nghị Tòa án giải quyết chi phí phát sinh sau ngày xét xử đến ngày tàu Thái Sơn rời nhà máy. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tuyên buộc Công ty NTS phải chịu chi phí bảo quản hợp lý sau thời điểm xét xử sơ thẩm đến khi tàu Thái Sơn 28 rời nhà máy, việc tuyên như vậy là vượt quá yêu cầu của đương sự.

Tại giai đoạn xét xử và tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn là Ngân hàng cung cấp Bảng kê tính lãi phát sinh trên dự nợ gốc tiền vay và trên lãi chậm trả đối với Khế ước 115.8.5080.00.01597 và 115.1.5080.00.01598. Đồng thời, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo như đã trình bày.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm đã không nghiên cứu đầy đủ, toàn diện những tài liệu có trong hồ sơ vụ án và áp dụng những căn cứ pháp lý không chính xác, không đúng với tài liệu, chứng cứ có trong vụ án dẫn đến việc Hợp đồng vô hiệu là trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng; cụ thể:

+ Bản án sơ thẩm nhận định thủ tục chuyển giao tàu Thái Sơn 28 chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật về chuyển quyền, nghĩa vụ theo Bộ luật Dân sự 2015, chưa thực hiện việc đăng ký thay đổi bên nhận đảm bảo theo quy định tại Nghị định 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển để làm căn cứ xác định Hợp đồng số 01 vô hiệu ngay từ thời điểm giao kết, đối tượng của hợp đồng không được thực hiện, không đúng đối tượng chuyển giao. Việc nhận định và áp dụng pháp luật này là không chính xác, không đúng thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định số 171/2016/NĐ-CP. Đồng thời việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến tàu Thái Sơn 28 từ Công ty NTS sang Công ty BB là xuất phát từ hồ sơ, phương án đề xuất của Công ty BB và Công ty NTS, hai bên tự nguyện và tự chịu trách nhiệm về việc chuyển giao tàu. Công ty BB đã nhận bàn giao tàu từ Công ty NTS nên từ thời điểm nhận bàn giao tàu Thái Sơn 28, Công ty BB đã chấp nhận kế thừa mọi quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến tàu Thái Sơn 28 từ Công ty NTS.

+ Bản án sơ thẩm nhận định Ngân hàng có lỗi do không giải chấp tàu cho Công ty NTS và không làm thủ tục xóa đăng ký thế chấp tàu Thái Sơn 28 cho Công ty NTS là không chính xác, không đúng với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; bởi: Nghĩa vụ thực hiện thủ tục chuyển giao tàu Thái Sơn 28 thuộc trách nhiệm của Công ty NTS và Công ty BB. Ngân hàng chỉ có trách nhiệm ký Đơn yêu cầu xóa thế chấp với Công ty NTS. Ngay tại thời điểm ký Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT, Ngân hàng đã ký và đóng dấu vào Đơn yêu cầu xóa thế chấp, bàn giao cho Công ty NTS và yêu cầu Công ty NTS ký đóng dấu để các bên cùng phối hợp hoàn thiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28. Tuy nhiên, do Công ty NTS và Công ty BB còn có vướng mắc về một số vấn đề nên 2 Công ty chưa thực hiện hết các nội dung cam kết nên Công ty NTS chưa ký và hoàn thiện ngay các thủ tục chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 sang Công ty BB. Do đó, Ngân hàng không có lỗi trong thỏa thuận chuyển giao sở hữu đối với tàu Thái Sơn 28.

+ Đối với nội dung thanh toán tiền chi phí trông coi, bảo quản tàu Thái Sơn 28 cho bà Trần Thị Thùy D từ số tiền thu được do xử lý tài sản thế chấp là tàu Thái Sơn 28 mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là không có căn cứ, không đúng quy định và vi phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng.

Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Buộc Công ty BB phải trả cho Ngân hàng V Việt Nam toàn bộ số tiền nợ (gốc, lãi) vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (căn cứ theo Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư Nhà nước số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 và các Hợp đồng điều chỉnh vay vốn, Hợp đồng sửa đổi vay vốn, Phụ lục Hợp đồng, Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD- NHPT ngày 16/12/2016) với số tiền nợ gốc là 60.001.864.419 đồng, tiền lãi phải trả tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 137.438.348.711 đồng và tiền lãi phát sinh kể từ ngày xét xử cho đến khi Công ty BB trả hết nợ cho Ngân hàng. Đồng thời áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm của dự án là tàu Thái Sơn 28 theo quy định của pháp luật và các tài sản hợp pháp khác của Công ty BB để thu hồi nợ cho Ngân hàng.

- Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

+ Đối với kháng cáo của bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, cụ thể: Trong quá trình thực hiện Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng để bàn giao tàu Thái Sơn 28, Công ty BB đã phải trả nợ thay khoản nợ tiền công đóng tàu của Công ty NTS đối với Công ty VHT là 2.964.774.000 đồng bằng cổ phần của ông Trần Văn T tại VHT. Trong đơn phản tố, Công ty BB yêu cầu Ngân hàng phải thanh toán khoản tiền này nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên không chấp nhận mà không hướng dẫn giải quyết triệt để nội dung này. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bổ sung nội dung này để Công ty VHT có căn cứ tiếp tục đòi quyền lợi về tiền đóng tàu còn nợ đối với Công ty NTS.

+ Đối với kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát: Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD và các Phụ lục Hợp đồng tín dụng kèm theo được ký kết giữa Ngân hàng và Công ty NTS để Công ty NTS thực hiện việc đóng tàu Thái Sơn 28, sau đó, Công ty NTS không trả được nợ cho Ngân hàng nên Công ty NTS, Ngân hàng và Công ty BB thống nhất chuyển giao nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi của Công ty NTS đối với Ngân hàng sang BB, để thực hiện được việc này, Công ty NTS phải chuyển giao quyền sở hữu tài Thái Sơn 28 cho Công ty BB. Tuy nhiên, Công ty NTS và Ngân hàng không bàn giao hồ sơ tàu Thái Sơn 28, không chuyển chủ sở hữu tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB nên Công ty BB không thể hoàn thiện tàu và đưa vào khai thác, sử dụng. Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ giữa Ngân hàng và Công ty BB là Hợp đồng vô hiệu do Hợp đồng này thực chất là chuyển quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS đối với Ngân hàng nhưng lại không có sự tham gia của Công ty NTS, Công ty NTS không ủy quyền mà chỉ có Ngân hàng giao cho Công ty BB là không có căn cứ pháp lý để thực hiện, không thể thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba là Công ty NTS, Công ty NTS không có trách nhiệm thực hiện Hợp đồng này. Hợp đồng chuyển quyền và nghĩa vụ nhưng Hợp đồng chỉ quy định nghĩa vụ mà không quy định về quyền, chỉ quy định nghĩa vụ của BB về việc trả gốc và lãi thay Công ty NTS mà không quy định việc bàn giao hồ sơ, tài liệu tàu, chuyển chủ sở hữu tàu, Ngân hàng không giao tiền hoặc hiện vật cho Công ty BB nên không có cơ sở để buộc Công ty BB phải trả gốc và lãi cho Ngân hàng. Ngân hàng phải cùng với Công ty NTS chuyển chủ sở hữu tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB, trách nhiệm thực hiện này không thuộc trách nhiệm của Công ty BB.

Tàu Thái Sơn 28 hiện nay chưa được chuyển chủ sở hữu cho Công ty BB và vẫn thuộc sở hữu của Công ty NTS và đang là tài sản thế chấp của Công ty NTS tại Ngân hàng nên tất cả các khoản chi phí trông coi, bảo vệ tàu Thái Sơn 28 đến khi tàu rời bến đều do Công ty NTS trả cho bà Trần Thị Thùy D. Tại phiên tòa, bà D có yêu cầu phải trả chi phí trông coi bảo vệ từ ngày xét xử sơ thẩm đến ngày tàu Thái Sơn 28 rời bến nhưng Viện kiểm sát kháng nghị bà D không nêu yêu cầu này là không có căn cứ.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của Công ty BB về việc nêu cụ thể biện pháp giải quyết khoản nợ tiền đóng tàu 2.964.774.000 đồng của Công ty NTS đối với Công ty VHT. Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:

+ Đối với kháng cáo của bị đơn: Số tiền 2.964.774.000 đồng là khoản tiền công đóng tàu, tiền đầu tư của Công ty VHT vào tàu Thái Sơn 28, Công ty NTS đã xác nhận khoản tiền nợ này nhiều lần nhưng không có khả năng thanh toán. Công ty NTS và Công ty BB có thỏa thuận Công ty BB phải thay Công ty NTS trả khoản tiền công đóng tàu cho Công ty VHT để Công ty NTS bàn giao tàu Thái Sơn cho Công ty BB, Công ty BB đã trả khoản tiền này cho Công ty VHT bằng cổ phần tương ứng của ông Trần Văn T có trong Công ty VHT. Tuy nhiên, do Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ giữa Ngân hàng và Công ty BB bị vô hiệu, các quyền và nghĩa vụ của NTS với Ngân hàng được trả lại cho NTS nên khoản tiền nợ công đóng tàu vẫn là khoản nợ của NTS với VHT, Công ty BB không phải trả thay, Ngân hàng không phải chịu trách nhiệm về khoản tiền này đối với Công ty BB. Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên cụ thể các nội dung này để các bên thực hiện mà chỉ không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là không thỏa đáng, không giải quyết trọn vẹn tranh chấp này.

+ Đối với kháng cáo của Ngân hàng: Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ vô hiệu do khi ký hợp đồng, Công ty NTS không tham gia, chỉ có Ngân hàng ký chuyển giao quyền và nghĩa vụ kế thừa của Công ty NTS cho Công ty BB. Công ty NTS không ủy quyền, không phải là thành phần tham gia ký Hợp đồng kế thừa nên việc Ngân hàng chuyển giao cho Công ty BB kế thừa là không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ kế thừa cho Công ty BB tại Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ không phải là Công ty NTS chuyển giao cho Công ty BB mà là Ngân hàng chuyển giao nên không có căn cứ và không thể thực hiện được. Tàu Thái Sơn 28 chưa được chuyển chủ sở hữu cho Công ty BB nên Công ty BB không thể và không phải có trách nhiệm trả tiền gốc và lãi vay cho Ngân hàng thay Công ty NTS. Việc bàn giao tàu mới chỉ thực hiện về mặt hiện trạng, hiện vật, chưa thực hiện về hồ sơ nên tàu vẫn chưa được bàn giao từ Công ty NTS sang Công ty BB. Đến nay, tàu Thái Sơn 28 vẫn thuộc sở hữu của Công ty NTS và đang là tài sản thế chấp tại Ngân hàng, không thuộc sở hữu của Công ty BB nên Công ty BB không có căn cứ để trả gốc và lãi cho Ngân hàng, vì vậy không thể nói Ngân hàng đã hoàn thành cả trong và ngoài trách nhiệm của mình. Công ty NTS và Ngân hàng đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cung cấp hồ sơ tài liệu, chứng cứ để chuyển chủ sở hữu tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB để Công ty BB thực hiện quyền và nghĩa vụ kế thừa. Việc Ngân hàng trình bày đã ký và bàn giao Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp cho Công ty NTS nên không thuộc trách nhiệm của Ngân hàng là không đúng. Trách nhiệm trả chi phí trông coi, bảo quản tàu Thái Sơn 28 thuộc Công ty NTS và phải được ưu tiên trả từ chi phí xử lý tài sản đảm bảo tàu Thái Sơn 28.

+ Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát về việc Tòa sơ thẩm buộc Ngân hàng phải chịu toàn bộ thiệt hại là số tiền nợ lãi phát sinh là không đúng, gây thiệt hại cho Ngân hàng: Do Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ vô hiệu nên Công ty BB không phải kế thừa và thực hiện thay quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS. Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ thể hiện Ngân hàng chuyển giao nghĩa vụ nợ của Công ty NTS cho Công ty BB nhưng hoàn toàn không chuyển giao quyền tương ứng nghĩa vụ bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Quá trình thực hiện Hợp đồng, Ngân hàng không chuyển chủ sở hữu tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB nên Công ty BB không có căn cứ trả gốc lãi cho Ngân hàng, lỗi này toàn bộ thuộc Ngân hàng. Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ có thể coi là Hợp đồng tín dụng mới giữa Ngân hàng và Công ty BB, tuy nhiên, Công ty BB chưa nhận được một đồng tiền vay nào từ Ngân hàng, không sử dụng tiền vay Ngân hàng, nên hoàn toàn không có nghĩa vụ trả gốc và lãi cho Ngân hàng. Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát về số tiền chi phí thuê bảo vệ, trông coi tàu, thuê bến bãi neo đậu: Số tiền chi phí thuê bảo vệ, trông coi tàu, thuê bến bãi neo đậu của tàu Thái Sơn 28 tiếp tục phát sinh từ ngày 17/3/2021 đến khi Công ty NTS hoặc Ngân hàng thực nhận con tàu này ra khỏi bến bãi neo đậu thì Công ty NTS bắt buộc phải tiếp tục thanh toán những khoản chi phí phát sinh này cho bà Trần Thị Thùy D là phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm toàn bộ chi phí thuê bảo vệ, trông coi tàu, thuê bến bãi neo đậu của tàu Thái Sơn 28. Tại phiên tòa, bà D đã trình bày yêu cầu này và được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận nên việc kháng nghị của Viện kiểm sát là không chính xác.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty VHT trình bày: Công ty NTS có nợ của Công ty VHT số tiền 2.964.774.000 đồng là tiền chi phí đóng tàu còn thiếu. Công ty NTS đã bàn giao tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB, sau khi bàn giao, Công ty BB đã thuê bà Trần Thị Thùy D trông coi tàu tại bến bãi của Công ty VHT. Công ty VHT đã rất có trách nhiệm bảo quản, trông coi nguyên vẹn tàu Thái Sơn 28, đến nay, Công ty VHT vẫn chưa nhận được số tiền nợ Công ty NTS còn thiếu, đề nghị Tòa án xem xét.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về kháng cáo, kháng nghị:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã cơ bản thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về quan điểm giải quyết vụ án:

+ Xét một phần nội dung kháng cáo của nguyên đơn và nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện AD đối với phần quyết định của bản án sơ thẩm về việc tuyên bố hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016 vô hiệu và việc đánh giá lỗi của các bên, giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu:

Về việc Tòa án tuyên hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016 vô hiệu: Xét thấy, Hợp đồng số 01 ngày 16/12/2016 được ký kết bởi Ngân hàng và Công ty BB, không có sự tham gia của Công ty NTS. Tàu Thái Sơn 28 được bàn giao hiện trạng nhưng lại không được chuyển giao quyền sở hữu do Ngân hàng không thực hiện giải chấp tàu cho Công ty NTS. Thủ tục chuyển giao tàu Thái Sơn 28 giữa Công ty BB và Công ty NTS chưa đảm bảo về mặt pháp lý. Cụ thể: chưa thực hiện đăng ký thay đổi chủ sở hữu, thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy có căn cứ trên các biên bản làm việc giữa các bên từ năm 2015 về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa Công ty NTS và Công ty BB nhưng các thủ tục chưa hoàn thành. Sau khi ký Hợp đồng số 01, Công ty BB cũng không trả tiền theo Khế ước đã ký. Công ty BB và Công ty NTS cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28, Ngân hàng cũng không ký hợp đồng thế chấp với Công ty BB, chỉ có hợp đồng với Công ty NTS. Do đó, có thể thấy Hợp đồng 01 không thể thực hiện được trên thực tế. Vì vậy, Tòa án sơ thẩm xác định Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ số 01 vô hiệu do có đối tượng không thực hiện được là có phần có căn cứ. Tuy nhiên, không có đương sự nào yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng số 01 ngày 16/12/2016 vô hiệu nên việc Tòa án sơ thẩm tuyên hợp đồng số 01 ngày 16/12/2016 vô hiệu là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, vi phạm Điều 5 BLTTDS 2015: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Tòa án sơ thẩm tuyên bố Hợp đồng số 01 ngày 16/12/2016 vô hiệu nhưng lại không xác định lỗi của các bên khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu mà lại xác định Ngân hàng có lỗi nên không được thanh toán tiền lãi kể từ ngày 16/12/2016 là không có căn cứ bởi theo nhận định của Tòa án sơ thẩm về nguyên nhân dẫn đến Hợp đồng 01 vô hiệu thì đều do lỗi của cả 3 bên. Do đó, khi giải quyết hậu quả cần đánh giá mức độ lỗi để xác định nghĩa vụ mà mỗi bên phải chịu tương ứng mới giải quyết toàn diện vụ án. Hơn nữa, Tòa án sơ thẩm chỉ tuyên bố Hợp đồng số 01 ngày 16/12/2016 vô hiệu còn Hợp đồng tín dụng vẫn có hiệu lực thì việc Ngân hàng được yêu cầu tính lãi là có căn cứ. Tòa án không chấp nhận toàn bộ phần tiền lãi từ ngày 16/12/2016 là không đúng. Như vậy, một phần nội dung kháng cáo của Nguyên đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD về việc cần đánh giá lỗi của các bên khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là có phần có cơ sở và cần được chấp nhận. Kiểm sát viên xét thấy do Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ số 01 vô hiệu nên không có căn cứ xác định Công ty BB là chủ tàu Thái Sơn 28 nên việc Công ty BB ký Hợp đồng trông giữ tàu với bà Trần Thị Thùy D vô hiệu do hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền. Chi phí phát sinh từ việc trông coi tàu với số tiền là 5.767.780.645 đồng được xác định là thiệt hại phát sinh do hợp đồng vô hiệu.

Đối với nghĩa vụ phải thanh toán tiền nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng: Từ việc nhận định Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ số 01 vô hiệu, Tòa án sơ thẩm buộc Công ty NTS phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đến ngày 16/12/2016 đối với Ngân hàng là có căn cứ. Tuy nhiên, Hợp đồng tín dụng số 03/2008 vẫn có hiệu lực nên việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận số tiền lãi kể từ sau ngày 16/12/2016 là không có căn cứ. Theo hợp đồng vay vốn tín dụng số 03 ngày 05/3/2008 và phụ lục hợp đồng tín dụng đầu tư số 03I2 ngày 16/12/2016 thể hiện thỏa thuận giữa các bên về kỳ hạn trả nợ đối với các khoản nợ của Công ty NTS tại Ngân hàng tính đến ngày 16/12/2016 như sau: Số vốn vay còn lại chưa giải ngân:

12.167.000.000 đồng; dư nợ vay đến 16/12/2016 là 120.890.371.153 đồng, trong đó: 60.001.864.419 đồng tiền nợ gốc, 60.888.506.734 đồng nợ lãi. Thời hạn cho vay: 12 năm kể từ khi rút vốn lần đầu theo khế ước nhận nợ (28/7/2008) đến khi trả hết nợ vay (gốc, lãi và phí). Căn cứ Khế ước nhận nợ 115.1.5080.00.01597 (gọi tắt là Khế ước số 01597), 115.1.5080.00.01598 (gọi tắt là Khế ước số 01598), thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng tín dụng, tính ra số tiền nợ gốc và lãi mà Công ty NTS phải trả như sau: Khế ước 01597: Dư nợ gốc: 36.456.331.042 đồng, nợ lãi (quá hạn) là 26.892.924.014 đồng; Khế ước 01598: Dư nợ gốc: 23.545.533.377 đồng; nợ lãi trong hạn là 1.814.628.642 đồng; nợ lãi quá hạn là 7.790.843.333 đồng. Tổng cộng tính đến này 17/3/2021, số tiền nợ là 139.369.995.891 đồng (trong đó nợ gốc là 60.001.864.419 đồng; lãi quá hạn từ thời điểm giải ngân đến ngày 16/12/2016 là 42.869.735.483 đồng; nợ lãi trong hạn sau ngày 16/12/2016 là 1.814.628.642 đồng; nợ lãi quá hạn sau ngày 16/12/2016 là 34.683.767.347 đồng).

Đối với số tiền lãi phạt trên lãi chậm trả, trong hợp đồng số 03/2008 các bên thỏa thuận về lãi phạt chậm trả lãi nhưng thời điểm này, pháp luật không cho phép tính lãi trên lãi chậm trả. Đến nay, các bên cũng không có thỏa thuận lại về phạt trên lãi trong hạn chậm trả theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận khoản lãi phạt trên lãi chậm trả theo yêu cầu của Ngân hàng là 58.070.217.239 đồng (bao gồm 6.767.823.763 đồng lãi phạt của Khế ước 01598; 33.283.622.225 đồng lãi phạt của Khế ước 01597 và 18.018.771.251 lãi phạt từ thời điểm giải ngân cho đến ngày 16/12/2016).

Trường hợp Công ty NTS không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì phát sinh nghĩa vụ bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp đã ký giữa Công ty NTS và Ngân hàng.

+ Xét nội dung kháng cáo của bị đơn là Công ty BB về việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần đóng tàu BB đối với yêu cầu Ngân hàng V Việt Nam thanh toán trả số tiền 2.964.774.000 đồng.

Theo Biên bản thỏa thuận ngày 06/10/2016 giữa 03 công ty là Công ty BB, Công ty NTS và Công ty VHT khi nhận chuyển giao Tàu Thái Sơn 28 từ Công ty NTS, Công ty BB phải có trách nhiệm thanh toán số nợ 2.964.774.000 đồng cho Công ty VHT, đồng thời Công ty Vụ Hát Tưởng có trách nhiệm xuất hóa đơn cho Công ty BB. Theo đó, thỏa thuận giữa các bên chỉ ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia ký kết là Công ty BB, Công ty NTS và Công ty VHT nên không làm phát sinh nghĩa vụ với Ngân hàng. Mặt khác, bị đơn không có yêu cầu đối với Công ty NTS về việc hoàn trả số tiền này. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty BB về việc buộc Ngân hàng phải hoàn trả số tiền 2.964.774.000 đồng mà Công ty BB đã thanh toán cho Công ty VHT chi phí đóng tàu Thái Sơn 28 là có căn cứ. Nội dung kháng cáo của bị đơn đối với vấn đề này không có cơ sở để chấp nhận.

+ Xét việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Công ty NTS phải trả cho bà Trần Thị Thùy D tiền trong coi tàu Thái Sơn 28 từ ngày 06/10/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm (17/3/2021) là: 5.767.780.645 đồng và tiền chi phí bảo quản hợp lý sau thời điểm xét xử sơ thẩm cho đến khi tàu Thái Sơn 28 rời nhà máy. Công ty BB yêu cầu Ngân hàng phải thanh toán số tiền chi phí trông coi, bảo vệ, cô chẳng chống nghiêng tàu Thái Sơn 28 từ ngày 06/10/2016 đến ngày 17/3/2021 là 5.767.780.645 đồng. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Thùy D yêu cầu Công ty BB thanh toán toàn bộ số tiền nhận trông coi, bảo vệ, co chằng chống nghiêng tàu Thái Sơn 28 từ ngày 06/10/2016 đến ngày 17/3/2021 là 5.767.780.645 đồng, và yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết khi xử lý tài sản đảm bảo ưu tiên thanh toán dứt điểm số và chi phí phát sinh đến ngày tàu Thái Sơn rời nhà máy. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà D khẳng định số tiền 5.767.780.645 đồng là tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm còn bà vẫn yêu cầu tiếp tục tính tiền trông coi tàu đến ngày tàu rời nhà máy. Do Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ số 01 ngày 16/12/2016 vô hiệu nên Công ty BB không có quyền ký hợp đồng thuê người trông coi, bảo vệ tàu Thái Sơn với bà Trần Thị Thùy D. Do đó, xác định số tiền trông coi, bảo quản tàu này là thiệt hại do hợp đồng vô hiệu. Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty VHT khẳng định đã hoàn thành trách nhiệm theo hợp đồng đóng tàu giữa Công ty VHT và Công ty NTS nên xác định 3 bên là Ngân hàng, Công ty BB và Công ty NTS đều có lỗi trong việc hợp đồng vô hiệu phải có trách nhiệm đối với thiệt hại là số tiền thuê người trông coi, bảo quản tàu với mức độ lỗi được xác định là mỗi bên chịu 1/3 số tiền thiệt hại (tương đương với số tiền là 1.922.593.548 đồng).

+ Xét nội dung kháng nghị về việc Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu chưa được thụ lý của đương sự, là phần Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu giải quyết số tiền 4.577.000.000 đồng của Công ty BB khi không thụ lý đối với yêu cầu này là giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự. Cụ thể: Tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 25/3/2020 Công ty BB có yêu cầu phản tố, yêu cầu Công ty NTS trả nợ cho ông Trần Văn T - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BB số tiền 4.577.000.000 đồng. Tuy nhiên, Tòa án không tiến hành thụ lý đối với yêu cầu phản tố này của bị đơn. Ngày 03/8/2020, Công ty BB có đơn rút yêu cầu, không đề nghị Tòa án nhân dân huyện AD giải quyết đối với số tiền này.Tại Bản án sơ thẩm tuyên đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu giai quyết số tiền 4.577.000.000 đồng của Công ty BB là giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự, vi phạm Khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Do đó, cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD theo hướng không đình chỉ đối với yêu cầu giải quyết số tiền số tiền 4.577.000.000 đồng của Công ty BB do đây không phải là yêu cầu được thụ lý trong vụ án.

Vì các lẽ trên, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Kiểm sát viên đề xuất: Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD, một phần kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng:

- Buộc Công ty NTS phải trả cho Ngân hàng V Việt Nam số tiền vay tại Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 với tổng số tiền tính đến ngày 17/3/2021 là 139.369.995.891 đồng (trong đó nợ gốc là 60.001.864.419 đồng; lãi từ thời điểm giải ngân đến ngày 16/12/2016 là 42.869.735.483 đồng; nợ lãi trong hạn sau ngày 16/12/2016 là 1.814.628.642 đồng; nợ lãi quá hạn là 34.683.767.347 đồng).

Kể từ ngày 17/3/2021, nếu Công ty NTS không trả được nợ thì còn phải trả lãi trên số tiền còn phải thi hành án cho đến khi thanh toán xong khoản nợ với mức lãi suất quy định tại từng khế ước nhận nợ nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng về việc buộc bị đơn phải trả số tiền 58.070.217.239 đồng là khoản tiền phạt trên số tiền lãi chậm trả.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn về việc buộc Ngân hàng phải trả cho bà Trần Thị Thùy D một phần chi phí trông coi tàu tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm (17/3/2021).

Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty BB về việc: Yêu cầu Ngân hàng thanh toán trả số tiền là 2.964.774.000 đồng.

* Về nghĩa vụ thanh toán chi phí trông coi, bảo vệ tàu Thái Sơn 28:

Ngân hàng, Công ty BB và Công ty NTS mỗi bên phải trả cho bà Trần Thị Thùy D số tiền chi phí trông coi, bảo vệ tàu Thái Sơn 28 tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.922 593.548 đồng) (tương ứng 1/3% chi phí trông coi, bảo quản tàu) * Về xử lý tài sản bảo đảm:

- Trường hợp công ty NTS không trả được nợ, Ngân hàng V Việt Nam có quyền yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản đã thế chấp là Tàu Thái Sơn 28 hiện đang đóng dở với nguyên trạng tại Công ty Cổ phần VHT tại địa chỉ Thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải D. Số tiền thu được từ tài sản phát mại sẽ ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ trông coi tàu mà NTS phải chịu, phần còn lại dùng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Nếu còn thừa thì trả lại cho Công ty NTS.

- Về án phí sơ thẩm: cần xác định lại số tiền án phí sơ thẩm các đương sự phải nộp theo quy định của pháp luật.

- Về án phí phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Do bản án bị sửa nên những người kháng cáo không phải nộp tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kháng cáo của các đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về thủ tục tố tụng:

[1] Về thẩm quyền và quan hệ pháp luật: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ, tín dụng, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo và tranh chấp khác phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng theo khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

[2] Về sự vắng mặt của các đương sự: Tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty NTS đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2 nhưng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do, vì vậy Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn là Ngân hàng V Việt Nam, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD liên quan đến Hợp đồng kế thừa quyền, nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016:

[3] Về hiệu lực của Hợp đồng tín dụng số số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008và hiệu lực của Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016:

[4] Ngày 05/02/2008, Ngân hàng V Việt Nam - chi nhánh Ngân hàng V Thái Bình (Ngân hàng) và Công ty Cổ phần vận tải biển và Thương mại NTS đã ký Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước số 03/2008/HĐTD, nội dung Hợp đồng thể hiện: Số tiền Ngân hàng cho vay tối đa là 141 tỷ đồng; thời hạn vay 10 năm kể từ khi nhận khoản vay đầu tiên cho đến khi hoàn trả hết nợ gốc và lãi;

mục đích vay để đầu tư mới 02 tàu vận tải biển trọng tải 5.300 tấn. Ngoài ra, Ngân hàng và Công ty NTS còn ký một số phụ lục Hợp đồng và Hợp đồng điều chỉnh vay vốn tín dụng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là tài sản hình thành trong tương lai của dự án gồm 02 tàu vận tải biển trọng tải 5.300 tấn là tàu Thái Sơn 18 và Thái Sơn 28 được thể hiện theo Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 46/2008/HĐTCTS-TL ngày 18/4/2008 và các Hợp đồng điều chỉnh thế chấp tài sản; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Quá trình thực hiện Hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty NTS số tiền 68.831.135.581 đồng để đầu tư tàu Thái Sơn 18 (số tiền nợ này đã được giải quyết theo Bản án số 03/2018/KDTM-ST ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình); Ngân hàng đồng ý giải ngân cho Công ty NTS tổng số tiền là 72.0168.864.419 đồng để đầu tư tàu Thái Sơn 28; trong đó, đã giải ngân 60.001.864.419 đồng; số tiền còn lại chưa giải ngân là 12.167.000.000 đồng. Quá trình thực hiện dự án tàu Thái Sơn 28, do gặp khó khăn về năng lực và tài chính nên Công ty NTS đã đề nghị chuyển giao quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS sang cho Công ty BB để tiếp tục thực hiện dự án tàu Thái Sơn 28.

[5] Ngày 06/10/2016, Công ty BB, Công ty NTS và Ngân hàng đã tiến hành làm việc và thống nhất thỏa thuận: Công ty NTS tự nguyện bàn giao nguyên trạng tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB, Công ty BB đồng ý tự nguyện nhận lại nguyên trạng tàu Thái Sơn 28 để hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng và kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ theo Hợp đồng tín dụng đã ký giữa Công ty NTS và Ngân hàng liên quan đến tàu Thái Sơn 28; kể từ thời điểm bàn giao, Công ty BB có trách nhiệm về tài sản. Công ty NTS có trách nhiệm giải trình toàn bộ nội dung liên quan đến tàu Thái Sơn 28 từ thời điểm chuyển giao trở về trước và cung cấp đầy đủ hồ sơ (thiết kế tàu, chứng chỉ vật tư, thiết bị, máy móc…) và giải quyết các vấn đề có liên quan đối với tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB đảm bảo tàu Thái Sơn 28 đủ điều kiện thi công tiếp và đủ điều kiện đăng ký tàu. Phần vốn tự có mà Công ty NTS đã tham gia đầu tư cho tàu Thái Sơn 28 sẽ được chuyển giao cho Công ty BB. Đồng thời tại biên bản làm việc cùng ngày giữa các bên và Công ty VHT đã thống nhất việc Công ty NTS và Công ty VHT có trách nhiệm bàn giao đầy đủ hồ sơ (thiết kế tàu, chứng chỉ vật tư, thiết bị, máy…) liên quan đối với tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB đảm bảo tàu Thái Sơn 28 đủ điều kiện thi công và đủ điều kiện đăng ký tàu. Công ty NTS và Công ty VHT đã tiến hành bàn giao nguyên trạng tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB dưới sự chứng kiến của Ngân hàng V và Phòng Công chứng số 1 - Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình.

[6] Ngày 16/12/2016, Ngân hàng và Công ty NTS đã ký Phụ lục Hợp đồng tín dụng đầu tư số 03I2/2016/PLHĐTDĐT-NHPT với nội dung xác định số tiền vốn vay, thời hạn cho vay, lãi suất và mức trả nợ đối với tàu Thái Sơn 28 như sau: Số vốn vay tín dụng đầu tư đã giải ngân đến ngày 15/12/2016 là 60.001.864.419 đồng, số tiền chưa giải ngân là 12.167.000.000 đồng; số tiền đã trả nợ đến ngày 15/12/2016 là 9.188.784.616 đồng (gốc đã trả 0 đồng, lãi đã trả 9.188.784.616 đồng); dư nợ vay đến ngày 15/12/2016 là 120.890.371.153 đồng (nợ gốc là 60.001.864.419 đồng, nợ lãi là 60.888.506.734 đồng). Các bên đã thống nhất nội dung tại các Biên bản làm việc, biên bản thỏa thuận thể hiện các nội dung: Các bên tiếp tục thực hiện chuyển giao tàu Thái Sơn 28 chính thức kể từ ngày 16/12/2016 theo nội dung tại các Biên bản làm việc đã ký ngày 06/10/2016. Ngoài nghĩa vụ bỏ vốn đề đầu tư hoàn thiện tàu Thái Sơn 28, Công ty BB còn phải có trách nhiệm giải quyết tối đa đối với các nhà thầu, nhà cung ứng thi công cho tàu Thái Sơn 28 (gồm Công ty VHT, Công ty Âu Á, Xí nghiệp Bình An, Công ty Phi Hùng và Cơ quan đăng kiểm Hải Hưng) để nhận hóa đơn, chứng từ; Công ty NTS và Công ty BB cam kết giải quyết mọi vướng mắc với các nhà thầu còn lại để không xảy ra tranh chấp trong quá trình chuyển giao tàu Thái Sơn 28, nếu có tranh chấp xảy ra Công ty NTS có trách nhiệm giải quyết.

[7] Đồng thời, cùng ngày Ngân hàng và Công ty BB đã ký Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT, theo đó, Ngân hàng tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng, Công ty BB kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS phát sinh theo Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD và Phụ lục Hợp đồng tín dụng đầu tư số 03I2/2016/PLHĐTDĐT-NHPT ngày 16/12/2016. Công ty BB tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS liên quan đến tàu Thái Sơn 28 theo Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 kể từ ngày 16/12/2016 và chịu trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện tàu Thái Sơn 28 đưa vào khai thác, sử dụng.

[8] Xét thấy, Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ thể hiện Công ty NTS sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ của mình cho Công ty BB để thực hiện với Ngân hàng. Theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ”. Theo các biên bản thỏa thuận, làm việc giữa các bên thể hiện, Công ty BB sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS đối với Ngân hang liên quan đến tàu Thái Sơn 28, Ngân hàng là bên có quyền biết và đồng ý với việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ dân sự này; do đó Công ty NTS được chuyển giao nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ liên quan đến tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB. Tuy nhiên, khi ký Hợp đồng kế thừa, Công ty NTS không ký Hợp đồng để chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho Công ty BB mà chỉ có Công ty BB và Ngân hàng ký, trong khi đó Công ty BB không nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ từ Ngân hàng. Như vậy, việc chủ thể ký hợp đồng kế thừa không đúng, chủ thể chuyển giao quyền, nghĩa vụ không ký Hợp đồng, mục đích của việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ từ Công ty NTS sang Công ty BB không đạt được nên Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD- NHPT vô hiệu do chủ thể ký kết không đúng. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT vô hiệu là có căn cứ, nhưng việc áp dụng pháp luật là chưa phù hợp, Hợp đồng số 01/2016/HĐTD-NHPT được ký kết ngày 16/12/2016, thời điểm giao kết hợp đồng, Bộ luật Dân sự 2015 chưa có hiệu lực pháp luật nên phải áp dụng Bộ luật Dân sự 2005. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về việc tuyên Hợp đồng vô hiệu.

[9] Về hậu quả của Hợp đồng vô hiệu: Mặc dù, Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT vô hiệu nhưng Hợp đồng Kế thừa quyền và nghĩa vụ được giao kết trên cơ sở các biên bản làm việc, biên bản thỏa thuận giữa các bên để thống nhất các nội dung trong Hợp đồng Kế thừa nên để giải quyết vụ án cần xem xét các thỏa thuận giữa các bên về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS đối với Ngân hàng liên quan đến tàu Thái Sơn 28 sang Công ty BB. Theo đó, các bên đã thống nhất việc Công ty BB sẽ nhận bàn giao lại tàu Thái Sơn 28 từ Công ty NTS và kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của Công ty NTS đối với Ngân hàng liên quan đến tàu Thái Sơn 28; đồng thời Công ty NTS phải cung cấp đầy đủ hồ sơ và giải quyết các vấn đề có liên quan cho Công ty BB đảm bảo tàu Thái Sơn 28 đủ điều kiện thi công tiếp và đủ điều kiện đăng ký tàu. Tàu Thái Sơn 28 là tài sản hình thành trong tương lai của Công ty NTS được thế chấp tại Ngân hàng, do đó khi chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS đối với Ngân hàng liên quan đến tàu Thái Sơn 28 thì bên cạnh việc chuyển giao các nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, còn chuyển giao cả quyền sở hữu và cả nghĩa vụ thế chấp tài sản liên quan đến tàu Thái Sơn 28. Như vậy, vẫn có việc thỏa thuận chuyển giao quyền, nghĩa vụ của Công ty NTS liên quan đến tàu Thái Sơn 28 tại Ngân hàng cho Công ty BB được thực hiện đồng thời với việc Công ty NTS phải chuyển giao tài sản là tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB để làm các thủ tục cần thiết liên quan đến việc thế chấp tài sản.

[10] Tuy nhiên, quá trình thực hiện thỏa thuận, Công ty NTS chưa làm được thủ tục xóa thế chấp tàu Thái Sơn 28 nên các bên đã không thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 từ Công ty NTS sang Công ty BB. Do đó, Công ty BB không thể tiến hành các hoạt động cần thiết để tiếp tục đóng tàu Thái Sơn 28 theo thỏa thuận. Đến nay, tàu Thái Sơn 28 cũng chưa được chuyển quyền sở hữu cho Công ty BB, do đó các bên không thể thực hiện được các thỏa thuận về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ Công ty NTS sang Công ty BB.

[11] Hội đồng xét xử đã đánh giá cụ thể trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện thỏa thuận tại các biên bản làm việc như sau:

[12] Công ty NTS là chủ thể chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho Công ty BB đã không thực hiện đúng cam kết của mình về trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ và giải quyết các vấn đề có liên quan tới tàu Thái Sơn 28 để đảm bảo đủ điều kiện thi công tiếp và đăng ký tàu tại các Biên bản làm việc ngày 06/10/2016 và 16/12/2016. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cam kết, Công ty NTS đã chưa bàn giao bản gốc các tài liệu cần thiết như Đơn đề nghị xóa đăng ký tàu biển đang đóng, Công văn đề nghị xóa tên tàu, Thông báo thay đổi chủ sử dụng thiết kế cho Công ty BB (Công văn số 002/2017/CV-NTS ngày 03/02/2017) và đã có các văn bản gửi Phòng Quy phạm - Cục Đăng kiểm Việt Nam để đề nghị không duyệt thay đổi thiết kế đối với tàu Thái Sơn 28 theo đề nghị của Công ty BB (Công văn số 006/2017/CV-NTS ngày 25/04/2017). Mặc dù, đã được các bên đôn đốc việc phối hợp thực hiện nhưng Công ty NTS vẫn không phối hợp thực hiện với Công ty BB, dẫn đến việc đến nay tàu Thái Sơn 28 chưa xóa đăng ký thế chấp, chưa chuyển chủ sở hữu sang Công ty BB để Công ty BB tiến hành các hoạt động cần thiết để tiếp tục hoàn thiện tàu. Do đó, Công ty NTS có lỗi chính trong việc thực hiện các cam kết theo thỏa thuận 3 bên, dẫn đến việc tàu Thái Sơn 28 đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Tại các biên bản làm việc 3 bên đã thống nhất, trách nhiệm của Công ty NTS là cung cấp đầy đủ hồ sơ và giải quyết các vấn đề có liên quan đối với tàu Thái Sơn 28 để Công ty BB có đủ điều kiện thi công tiếp và đăng ký tàu. Để Công ty BB thực hiện được việc đăng ký tàu thì Công ty NTS phải thực hiện việc xóa thế chấp và làm thủ tục sang tên nhưng khi thực hiện, Công ty NTS lại không cung cấp đầy đủ văn bản, không có trách nhiệm đề nghị Ngân hàng cung cấp các tài liệu để thực hiện việc xóa thế chấp, đồng thời Công ty NTS đẩy trách nhiệm xóa thế chấp thuộc về Ngân hàng và cho rằng các bên không thỏa thuận về việc cung cấp tài liệu để xóa thế chấp là không phù hợp với nội dung các bên đã thỏa thuận.

[13] Công ty BB là chủ thể nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS. Tại Biên bản thỏa thuận ngày 16/12/2016 giữa Công ty NTS và Công ty BB thể hiện Công ty BB phải có trách nhiệm giải quyết với 04 nhà thầu, nhà cung ứng và 01 cơ quan đăng kiểm liên quan đến việc thi công tàu Thái Sơn 28. Đồng thời, tại Biên bản làm việc ngày 06/10/2016 giữa Công ty BB và Ngân hàng, Công ty BB cũng đã cam kết cùng với Công ty NTS giải quyết xong tồn tại giữa Công ty NTS với các đơn vị thi công tàu Thái Sơn 28. Tuy nhiên, đến các buổi làm việc ngày 28/9/2017, 06/10/2017, Công ty BB lại đề nghị chỉ giải quyết với 02 nhà thầu (Công ty VHT và công ty Phi Hùng) và cơ quan Đăng kiểm là không thực hiện đúng thỏa thuận giữa các bên. Theo trình bày của Công ty NTS, giữa Công ty BB và Công ty NTS có thỏa thuận về việc Công ty BB hỗ trợ Công ty NTS số tiền 500.000.000 đồng nhưng Công ty BB chưa thực hiện nghĩa vụ đã cam kết nên dẫn tới việc Công ty NTS chưa thực hiện việc xóa thế chấp. Tuy nhiên, xét thấy, việc vi phạm nghĩa vụ hỗ trợ là thỏa thuận riêng giữa Công ty NTS và Công ty BB, không liên quan đến thỏa thuận 3 bên, đồng thời việc hỗ trợ được thực hiện khi đã hoàn tất hồ sơ chuyển giao hợp pháp quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 và xóa bỏ mọi quyền lợi liên quan của chủ đầu tư cũ đến tàu Thái Sơn 28; do đó, Công ty BB chưa vi phạm nghĩa vụ này đối với Công ty NTS. Như vậy, Công ty BB cũng có một phần lỗi trong quá trình thực hiện cam kết 3 bên, dẫn tới việc chưa thể chuyển giao quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 sang cho Công ty BB.

[14] Ngân hàng sau khi chứng kiến việc bàn giao tàu vào ngày 06/10/2016 và ký Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD- NHPT ngày 16/12/2016. Sau khi Công ty NTS và Công ty BB chưa thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28, Ngân hàng đã mở các cuộc họp làm việc các bên để tiến hành giải quyết nhưng không có kết quả do Công ty NTS vắng mặt. Đồng thời, để thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28, Ngân hàng đã phối hợp với Công ty NTS để làm thủ tục giải chấp tàu Thái Sơn 28, theo đó Công ty NTS đã thừa nhận đã nhận “Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển” của Ngân hàng V, như vậy, thể hiện Ngân hàng đã phối hợp với các bên để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB. Đối với trình bày của Công ty NTS về việc Ngân hàng không phối hợp với Công ty NTS để bàn giao hồ sơ. Xét thấy, theo quy định tại Điều 30 Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT ngày 30/03/2012 về việc hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển quy định về hồ sơ xóa đăng ký thế chấp tàu biển gồm: Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển, Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển đã cấp, Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp tàu biển của bên nhận thế chấp tàu biển hoặc văn bản chứng minh nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên thế chấp, Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền. Theo đó, khi làm thủ tục giải chấp tàu Thái Sơn 28, Ngân hàng đã thực hiện đầy đủ đề nghị của Công ty NTS và Công ty BB, cung cấp đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp để Công ty BB thực hiện việc xóa thế chấp. Do Công ty NTS không thực hiện, không bàn giao các văn bản cần thiết để thực hiện việc xóa thế chấp, việc này đã được thể hiện tại các văn bản của Công ty NTS. Ngoài ra, sau khi thấy có vướng mắc trong việc thực hiện thỏa thuận của các bên, Ngân hàng đã tiến hành mời các bên họp để tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, cần đánh giá Ngân hàng cũng có một phần trách nhiệm trong việc không chuyển giao quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB; với vai trò là người có quyền lợi, trong quá trình thực hiện không có sự đôn đốc, nhắc nợ kịp thời đối với việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Công ty BB. Quá trình thực hiện, Ngân hàng cũng không có ý kiến đối với Công ty NTS về việc không thực hiện cam kết về việc chuyển quyền và nghĩa vụ cho Công ty BB. Đến năm 2019, Công ty NTS yêu cầu Ngân hàng cung cấp bản gốc một số tài liệu liên quan đến việc xóa thế chấp và chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 nhưng Ngân hàng cũng chưa có ý kiến về việc này.

[15] Như vậy, Công ty BB chỉ được chuyển giao nghĩa vụ thanh toán khoản nợ thay cho Công ty NTS mà không được chuyển giao quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 là không phù hợp với thỏa thuận của các bên. Do đó, thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ của Công ty NTS cho Công ty BB không thực hiện được. Như đã phân tích, cần xác định trách nhiệm chính trong việc không thực hiện được việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ là do Công ty NTS chiếm đến 80%, Công ty BB có một phần trách nhiệm tương ứng với 10%, Ngân hàng V cũng có một phần trách nhiệm tương ứng 10%.

[16] Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập……Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Do đó, Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT vô hiệu nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của Công ty BB đối với Ngân hàng nên Công ty BB không phải chịu số nợ thay cho Công ty NTS theo Hợp đồng này. Cụ thể:

[16.1] Về số tiền nợ gốc và lãi tại thời điểm ký Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ (ngày 16/12/2016): Do Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ vô hiệu, đồng thời các thỏa thuận về chuyển giao quyền và nghĩa vụ không thực hiện được nên việc thanh toán số tiền nợ gốc và lãi tại thời điểm các bên ký Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ không chuyển giao cho Công ty BB, Công ty NTS vẫn phải chịu nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ gốc và tiền lãi tính đến ngày 16/12/2016 theo Phụ lục Hợp đồng đã ký. Theo Ngân hàng trình bày, số tiền nợ gốc tính đến ngày 16/12/2016 là 60.001.864.419 đồng; lãi quá hạn là 42.869.735.483 đồng; lãi phạt là 18.018.771.251 đồng.

[16.2] Về số tiền lãi phát sinh kể từ thời điểm ký Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ từ ngày 16/12/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm: Do Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ vô hiệu nên không thực hiện việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thanh toán hợp đồng từ Công ty NTS sang Công ty BB, do đó Công ty NTS vẫn phải chịu khoản lãi phát sinh từ Hợp đồng tín dụng và theo Phụ lục hợp đồng ngày 16/12/2016 đã ký với Ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền tiền lãi phát sinh từ ngày 16/12/2016 đến khi xét xử sơ thẩm là 76.549.841.977 đồng trong đó, lãi quá hạn là 36.498.395.989 đồng, lãi phạt phát sinh trên dự nợ lãi chậm trả là 40.051.445.988 đồng. Đồng thời, từ thời điểm giải ngân đến ngày 16/12/2016, tiền lãi phạt phát sinh trên dư nợ lãi chậm trả là 18.018.771.251 đồng, Như vậy, tổng số tiền lãi phạt phát sinh trên dư nợ lãi chậm trả kể từ thời điểm giải ngân cho đến ngày xét xử sơ thẩm là 18.018.771.251 + 40.051.445.988 = 58.070.217.239 đồng. Việc tính lãi phạt trên lãi chậm trả là không đúng quy định tại khoản 4 Điều 13, Điều 34 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; HĐTD và các Khế ước nhận nợ được ký trước thời điểm 01/01/2017 nên chỉ được tính lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả và lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả mà không được tính lãi trên số tiền lãi chậm trả. Do đó, không chấp nhận yêu cầu tính lãi phạt của Ngân hàng. Chỉ chấp nhận số lãi phát sinh kể từ thời điểm giải ngân đến ngày xét xử sơ thẩm là 79.368.131.472 đồng.

[17] Theo phân tích trên, Công ty NTS chỉ phải chịu nghĩa vụ thanh toán tiền nợ gốc là 60.001.864.419 đồng, lãi phát sinh là 79.368.131.472 đồng; tổng cộng 139.369.995.891 đồng

[18] Xét về chi phí trông coi neo đậu, bến bãi: Đây là chi phí phát sinh trong quá trình đợi chuyển giao tàu và thực hiện việc đóng mới tàu Thái Sơn 28, Công ty BB đã thuê Công ty VHT và bà Trần Thị Thùy D để neo đậu, bảo vệ tàu Thái Sơn 28 đang thi công hoàn thiện dở. Tuy nhiên, trước khi chuyển giao tàu Thái Sơn 28 cho Công ty BB vào ngày 16/12/20216, Công ty NTS không phát sinh chi phí trông coi, neo đậu và bến bãi do thực hiện việc đóng tàu tại Công ty VHT. Sau khi bàn giao, Công ty VHT đã thực hiện xong việc đóng tàu theo Hợp đồng và do Công ty BB chưa triển khai thực hiện việc đóng tàu nên phải tạm thời thuê bà Trần Thị Thùy D và Công ty VHT để tìm bến thuê neo đậu và bảo vệ tàu. Do đó, Công ty BB, Công ty NTS và Ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền 5.767.780.645 đồng cho bà Trần Thị Thùy D; theo mức độ lỗi của các bên thì Công ty NTS phải chịu số tiền 4.614.224.515 đồng (chiếm 80%), Công ty BB phải chịu số tiền 576.778.065 đồng (chiếm 10%); Ngân hàng phải chịu số tiền 576.778.065 đồng (chiếm 10%), nhưng được trừ vào số tiền phát mại tàu Thái Sơn 28. Do đó, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn và một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD.

[19] Xét kháng cáo của nguyên đơn về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản: Tàu Thái Sơn 28 là tài sản hình thành trong tương lai của Công ty NTS, hiện nay, chưa làm thủ tục giải chấp tại Ngân hàng nên vẫn xác định là tài sản của Công ty NTS và đã được thế chấp tại Ngân hàng theo Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 48/2008/HĐTCTS-TL ngày 18/4/2008 và các hợp đồng điều chỉnh thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; việc thế chấp đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Theo điểm a khoản 2 Điều 10 Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 48/2008/HĐTCTS-NHPT ngày 18/04/2008 giữa Ngân hàng V và Công ty NTS, thể hiện: “Thứ tự thanh toán cho nghĩa vụ bảo đảm:

- Chi phí cần thiết để xử lý tài sản thế chấp: Chi phí vận chuyển, bảo quản, định giá tài sản thế chấp, tiền hoa hồng, lệ phí bán đấu giá, các chi phí hợp lý khác.

- Nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (thuế, phí, lệ phí) liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp (nếu có) - Nợ gốc, nợ lãi và phí, tiền bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên A tính đến ngày tài sản được giao cho người xử lý tài sản.

- Các khoản tiền bên B phải hoàn trả, thanh toán cho bên A khi Hợp đồng tín dụng bị hủy bỏ, vô hiệu, đơn phương chấm dứt”.

[19.1] Theo đó, khoản tiền trông coi, neo giữ tàu trong quá trình Công ty NTS và Công ty BB thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tàu Thái Sơn 28 không thuộc thứ tự ưu tiên thanh toán theo thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp. Đồng thời, theo quy định tại Điều 355 và Điều 336, 338 Bộ luật Dân sự 2005, thì chi phí Công ty BB thuê trông coi, neo giữ tàu này không phải là chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác để được khấu trừ trước khi thanh toán khoản nợ, bởi quá trình đóng tàu đến khi bàn giao tàu, Công ty NTS không phải thuê bến bãi để thực hiện việc trông coi, việc Công ty BB thuê trông coi, neo giữ, bảo vệ tàu trong thời gian chưa thi công tiếp được. Mặt khác, theo nhận định trên, do cả Công ty NTS và Công ty BB đều có lỗi nên đều phải chịu chi phí phát sinh, trong đó có chi phí trông coi tàu.

[19.2] Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định ưu tiên thanh toán khoản tiền thuê neo đậu bên bãi trước là không phù hợp. Do đó, có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về nội dung này.

[20] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát về việc Bản án sơ thẩm giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự:

[20.1] Xét việc Bản án sơ thẩm tuyên đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu giải quyết số tiền 4.577.000.000 đồng của Công ty BB: Ngày 25/3/2020, Công ty BB có đơn phản tố, trong đó có yêu cầu Tòa án giải quyết số tiền 4.577.000.000 đồng liên quan đến việc Công ty NTS vay tiền của ông Trần Văn T - Chủ tịch HĐQT của Công ty BB. Ngày 30/3/2020, Công ty BB tiếp tục có đơn phản tố vẫn giữ nguyên nội dung này. Đến ngày 03/8/2020, Công ty BB có đơn phản tố (bổ sung) và rút yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu trên. Việc rút yêu cầu được thực hiện trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra Thông báo thụ lý yêu cầu phản tố và việc rút yêu cầu là hoàn toàn tự nguyện nên trong Thông báo không ghi nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc giải quyết số tiền 4.577.000.000 đồng; đồng thời, tại Biên bản hòa giải ngày 06/01/2021, Công ty BB cũng không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết. Do Công ty BB đã rút yêu cầu phản tố trước khi Tòa án thụ lý nên việc Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố này của bị đơn trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm là không đúng quy định, cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD về nội dung này.

[20.2] Xét việc Bản án sơ thẩm vẫn tuyên buộc Công ty NTS phải chịu chi phí bảo quản hợp lý sau thời điểm xét xử sơ thẩm đến khi tàu Thái Sơn 28 rời nhà máy: Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Trần Thị Thùy D đã yêu cầu Công ty BB thanh toán toàn bộ số tiền nhận trông coi, bảo vệ, cô chằng chống nghiêng tàu Thái Sơn 28 từ ngày 06/10/2016 đến ngày 17/3/2021 là 5.767.780.645 đồng và không yêu cầu lãi phát sinh do chậm thanh toán. Đồng thời, theo biên bản phiên tòa thể hiện, bà D có trình bày: “Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết ưu tiên thành toán dứt điểm số nợ trên và chi phí phát sinh cho Công ty VHT khi xử lý tài sản đảm bảo là tàu Thái Sơn 28 cho đến khi tàu rời nhà máy„. Như vậy, bà D vẫn yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết chi phí bảo quản hợp lý sau thời điểm xét xử sơ thẩm đến khi tàu Thái Sơn 28 rời nhà máy; bà D chỉ không yêu cầu tính lãi phát sinh do chậm thanh toán nên việc Tòa án cấp sơ thẩm vẫn xem xét và giải quyết chi phí phát sinh sau ngày xét xử đến ngày tàu Thái Sơn rời nhà máy là phù hợp và có căn cứ. Do đó, không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung này. Tuy nhiên, do số tiền phát sinh sau ngày xét xử sơ thẩm chưa tính toán được cụ thể nên chưa có căn cứ buộc các bên phải trả cho bà D mà chỉ tính đến ngày xét xử sơ thẩm, [21] Xét kháng cáo của bị đơn về việc Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu Ngân hàng V Việt Nam thanh toán trả số tiền 2.964.774.000 đồng: Xét thấy, việc Công ty BB thanh toán số tiền 2.964.774.000 đồng cho Công ty VHT là thỏa thuận giữa Công ty BB và Công ty NTS khi thực hiện việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ, theo đó, Công ty BB có trách nhiệm làm việc với các nhà thầu trong đó có Công ty VHT. Tuy nhiên, như đã nhận định, Công ty BB và Công ty NTS đã không thực hiện đúng các cam kết theo thỏa thuận nên việc chuyển giao quyền và nghĩa không thực hiện được, Công ty BB phải thanh toán số tiền trên cho Công ty VHT để xuất hóa đơn GTGT tàu Thái Sơn 28 nhưng hiện nay, tàu Thái Sơn 28 vẫn thuộc quyền sở hữu của Công ty NTS, chưa được chuyển giao cho Công ty BB nên Công ty NTS phải có trách nhiệm thanh toán. Ngân hàng không phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này cho Công ty BB như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định là có căn cứ. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, Công ty BB đề nghị Công ty NTS thanh toán trực tiếp cho Công ty VHT khoản tiền công đóng tàu 2.964.774.000 đồng trước khi nhận lại tàu Thái Sơn 28 hoặc ngay sau khi tàu Thái Sơn 28 được phát mại để Công ty BB được nhận lại số tiền 2.964.774.000 đồng đã thanh toán cho VHT bằng giá trị cổ phần của ông Trần Văn T. Tuy nhiên, thực tế, Công ty BB chưa thanh toán số tiền này cho Công ty VHT; Công ty VHT không thừa nhận việc nhận nợ giữa Công ty BB và Công ty VHT. Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, Công ty VHT không có yêu cầu độc lập buộc các bên phải thanh toán số tiền 2.964.774.000 đồng; Công ty BB chưa thanh toán số tiền này cho Công ty VHT nên quyền lợi của Công ty BB không bị xâm phạm nên Công ty BB không có quyền khởi kiện yêu cầu Ngân hàng trả số tiền này cho Công ty VHT. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Nếu Công ty BB có căn cứ chứng minh bị thiệt hại trực tiếp đối với số tiền 2.964.774.000 đồng thì có quyền khởi kiện bằng vụ án khác.

[22] Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự cung cấp thêm một số tài liệu mới, là căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của đương sự, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện Kiểm sát và là căn cứ để sửa bản án sơ thẩm.

- Về án phí:

[23] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

[23.1] Ngân hàng phải chịu số tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận (số tiền 58.070.217.239 đồng), số tiền án phí phải chịu là 166.070.217 đồng và án phí sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận (số tiền 576.778.065 đồng) là 27.071.123 đồng. Ngoài ra, Ngân hang còn phải chịu án phí không có giá ngạch là 3.000.000 đồng (đối với yêu cầu tuyên Hợp đồng kế thừa có hiệu lực, không được chấp nhận). Tổng số tiền án phí sơ thẩm Ngân hang phải chịu là 166.070.217 đồng + 27.071.123 đồng + 3.000.000 đồng = 196.141.340 đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 136.965.466 đồng theo Biên lai thu tiền số 0004640 ngày 30/12/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện AD. Ngân hàng còn phải nộp số tiền 59.175.874 đồng.

[23.2] Công ty BB phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận (số tiền 2.964.774.000 đồng + 576.778.065 đồng), số tiền án phí phải chịu là 102.831.041 đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 87.593.546 đồng theo Biên lai thu tiền số 0012729 ngày 11/8/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện AD. Công ty BB còn phải chịu số tiền 15.237.495 đồng.

[23.3] Công ty NTS phải chịu số tiền án phí sơ thẩm đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận (số tiền 139.369.995.891 đồng) là 247.369.996 đồng và yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận (số tiền 4.614.224.515đồng) là 112.614.225 đồng. Tổng số tiền án phí phải chịu là 359.984.221 đồng.

[24] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

[24.1] Do kháng cáo của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

[24.2] Kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận và nội dung sửa Bản án không liên quan đến phần kháng cáo của bị đơn nên bị đơn vẫn phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 5, khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, các Điều 92, 97, 147, 165, 166, 200, khoản 2 Điều 217, điểm b khoản 2 Điều 227 và Điều 244; Điều 296, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự Căn cứ các Điều 309, 310, 311, 312, 313, 314, 315, 316, 317, 323, 338, 343, 355 Bộ luật Dân sự 2005; Căn cứ các Điều 117, 119, 298, 299, 307, 365, 366, 367, 368, 369, 370 và 371 Bộ luật Dân sự 2015 Căn cứ các Điều 91, 95 Luật Các tổ chức tín dụng; các Điều 4, 10, 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; các Điều 22, 23, 24 Nghị định 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển;

Căn cứ Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm.

Căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn; không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD; sửa Bản án sơ thẩm, cụ thể:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn:

1. Tuyên bố Hợp đồng Kế thừa quyền và nghĩa vụ Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD-NHPT ngày 16/12/2016 vô hiệu.

2. Buộc Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại NTS phải trả cho Ngân hàng V Việt Nam số tiền vay theo Hợp đồng tín dụng số 03/2008/HĐTD ngày 05/02/2008 và Phụ lục Hợp đồng tín dụng đầu tư số 03I2/2016/PLHĐTDĐT- NHPT ngày 16/12/2016 với tổng số tiền tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 139.369.995.891 (Một trăm ba mươi chín tỷ, ba trăm sáu mươi chín triệu, chín trăm chín mươi lăm nghìn, tám trăm chín mươi mốt) đồng (Trong đó: Nợ gốc là 60.001.864.419 đồng, nợ lãi là 79.368.131.472 đồng).

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại NTS còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

3. Trường hợp Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại NTS không trả được nợ hoặc trả không đủ, Ngân hàng V Việt Nam có quyền yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản đã thế chấp sau đây để thu hồi nợ: Tàu Thái Sơn 28 hiện đang đóng dở với nguyên trạng tại Công ty Cổ phần VHT tại địa chỉ thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải D (Tài sản bàn giao được kê chi tiết theo biểu chi tiết tài sản bàn giao ngày 06/10/2016 có kèm theo Bản án).

Nếu còn thừa sẽ được trả cho bên thế chấp, nếu thiếu Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại NTS phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng.

4. Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng V Việt Nam về việc trả tiền lãi phạt đối với số tiền chậm trả lãi là 58.070.217.239 đồng.

5. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần đóng tàu BB về việc buộc Ngân hàng V Việt Nam phải thanh toán trả số tiền 2.964.774.000 (Hai tỷ, chín trăm sáu mươi tư triệu, bảy trăm bảy mươi tư nghìn) đồng cho Công ty Cổ phần VHT.

6. Buộc Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại NTS và Công ty Cổ phần BB, Ngân hàng V Việt Nam phải liên đới trả bà Trần Thị Thùy D gồm: Tiền trông coi tàu Thái Sơn 28 từ ngày 06/10/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm ngày17/3/2021 là 5.767.780.645 (Năm tỷ, bảy trăm sáu mươi bảy triệu, bảy trăm tám mươi nghìn, sáu trăm bốn mươi lăm) đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại NTS phải chịu số tiền 4.614.224.515 (Bốn tỷ, sáu trăm mười bốn triệu, hai trăm hai mươi tư nghìn, năm trăm mười lăm) đồng, Công ty Cổ phần BB phải chịu số tiền 576.778.065 (Năm trăm bảy mươi sáu triệu, bảy trăm bảy mươi tám nghìn, không trăm sáu mươi lăm) đồng; Ngân hàng V Việt Nam phải chịu số tiền 576.778.065 (Năm trăm bảy mươi sáu triệu, bảy trăm bảy mươi tám nghìn, không trăm sáu mươi lăm) đồng nhưng được thanh toán vào tiền phát mại tàu.

7. Về án phí:

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

+ Ngân hàng V Việt Nam phải nộp tổng số tiền án phí có giá ngạch và không có giá ngạch là 196.141.340 (Một trăm chín mươi sáu triệu, một trăm bốn mươi mốt nghìn, ba trăm bốn mươi) đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 136.965.466 đồng theo Biên lai thu tiền số 0004640 ngày 30/12/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện AD. Ngân hàng V Việt Nam còn phải nộp số tiền 41.157.103 đồng.

+ Công ty BB phải nộp số tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 102.831.041 (Một trăm linh hai triệu, tám trăm ba mươi mốt nghìn, không trăm bốn mươi mốt) đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 87.593.546 đồng theo Biên lai thu tiền số 0012729 ngày 11/8/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện AD. Công ty BB còn phải nộp số tiền 15.237.495 đồng.

+ Công ty NTS phải nộp số tiền án phí sơ thẩm là 359.984.221 (Ba trăm năm mươi chín triệu, chín trăm tám mươi tư nghìn, hai trăm hai mươi mốt) đồng - Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

+ Nguyên đơn không phải nộp án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, trả lại Ngân hàng V Việt Nam số tiền 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0013125 ngày 16/4/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện AD nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành phần án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

+ Công ty Cổ phần đóng tàu BB phải nộp 2.000.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0013117 ngày 14/4/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện AD. Công ty BB đã nộp đủ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

500
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ, tín dụng, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo và tranh chấp khác phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại số 24/2021/KDTM-PT

Số hiệu:24/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 09/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về