Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác số 44/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KẾ SÁCH, TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 44/2022/DS-ST NGÀY 27/04/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC 

Ngày 27 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 263/2021/TLST-DS ngày 08 tháng 10 năm 2021 về việc tranh chấp hợp đồng thuê đất, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 53/2022/QĐXXST-DS ngày 17 tháng 3 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa dân sự sơ thẩm số: 59/2022/QĐST-DS ngày 08 tháng 4 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Ông T. Địa chỉ: Ấp A1, xã B1, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

1.2. Bà N. Địa chỉ: Ấp A1, xã B1, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt, có đề nghị xét xử vắng mặt)

2. Bị đơn:

2.1. Bà H. Địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

2.2. Ông X. Địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt, có đề nghị xét xử vắng mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng P. Địa chỉ: thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của Ngân hàng P: Ông P1, Chức vụ: Giám đốc Ngân hàng P Chi nhánh huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Địa chỉ: Ấp A2, xã B2, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (Là người đại diện theo ủy quyền, theo Quyết định ủy quyền của Tổng Giám đốc Ngân hàng P) (vắng mặt, có đề nghị xét xử vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 17/5/2021 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, các nguyên đơn ông T và bà N trình bày: Vào ngày 19/8/2018, vợ chồng ông T và bà N có ký hợp đồng làm vườn với mẹ con bà H và ông X theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018, theo đó bà H và ông X đồng ý giao cho ông T và bà N một thửa đất vườn diện tích khoảng 10 công tầm 3m, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng trong thời hạn là 05 năm từ ngày 19/8/2018 đến ngày 19/8/2023; ông T và bà N trực tiếp canh tác, ra công chăm sóc, tu bổ, sau khi thu hoạch trừ chi phí phân thuốc còn lại lợi nhuận thì chia đôi cho mỗi bên hưởng ½. Thỏa thuận giữa hai bên tại thời điểm đó là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc; ông T, bà N, bà H và ông X đều có ký vào hợp đồng; trước khi ký tên thì hai bên đều có đọc lại hợp đồng và thống nhất về nội dung.

Tại thời điểm ký hợp đồng ông T và bà N chỉ biết đất là của bà H và do bà H đứng tên trên giấy CNQSD đất, còn giấy CNQSD đất thì bà H đã thế chấp cho Ngân hàng để vay tiền, do không am hiểu pháp luật nên ông T và bà N cũng không quan tâm đến vấn đề thế chấp giấy CNQSD đất này. Hiện nay bà H đã lấy giấy CNQSD đất từ Ngân hàng ra hay chưa thì không rõ. Tuy hợp đồng không ghi rõ đất thuộc thửa số mấy, tờ bản đồ số mấy, tọa lạc tại đâu nhưng thực tế đây là phần đất thuộc quyền sử dụng của bà H có diện tích khoảng 10 công tầm 3m, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng.

Ngay sau khi ký hợp đồng ông T và bà N đã nhận toàn bộ diện tích đất để canh tác, khi đó trên đất đã có sẵn một số cây đang cho trái như xoài, mận, vú sữa, chanh… sau đó, ông T và bà N có tự bỏ tiền ra mua thêm một số cây như mận, xoài, vú sữa để trồng xen trên đất gồm: 400 gốc mận, mỗi gốc trị giá 15.000đồng = 6.000.000đồng; 350 gốc xoài Đài Loan, mỗi gốc trị giá 15.000đồng = 5.250.000đồng; 120 gốc vú sữa, mỗi gốc trị giá 25.000đồng = 3.000.000đồng; tổng cộng 14.250.000đồng. Các cây này do ông T mua của người bán dưới ghe, mua bán dưới quê thông qua thỏa thuận miệng nên không có hóa đơn, chứng từ gì, ông T là người trả số tiền 14.250.000đồng, ông X có chứng kiến và có đứng ra kiểm điếm, tính tiền cây cùng với ông T, sau khi trồng xen trên đất thì hiện nay các cây này vẫn giữ nguyên số lượng, hiện trạng chứ không có thay đổi gì, về kích thước thì các cây này có khác biệt đáng kể so với các cây lão tồn tại trên đất từ trước đó, nên khi thẩm định có thể phân biệt được cây nào đã có trước, cây nào được trồng xen vào sau này.

Ngoài chi phí mua cây giống trồng xen trên đất với số tiền 14.250.000đồng nêu trên cũng như chi phí bỏ ra cho từng đợt thu hoạch để có lợi nhuận phân chia vào cuối mỗi đợt thu hoạch thì từ thời điểm ký kết hợp đồng cho đến khi phát sinh tranh chấp vào đầu tháng 4/2021 ông T và bà N đã bỏ ra chi phí đầu tư, cải tạo vườn với số tiền khoảng 15.000.000đồng cho việc bón phân, xịt thuốc, chăm sóc cây, làm đất… để có được hiện trạng vườn cây phát triển như hiện nay, chi phí 15.000.000đồng này còn chưa tính công sức mà ông T đã bỏ ra.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông T và ông X là người trực tiếp canh tác trên đất. Việc mua phân thuốc, bỏ ra các chi phí khác trong quá trình canh tác cũng như thu hoạch, bán trái cây của từng đợt thu hoạch thì ông X đều có tham gia nên ông X nắm rõ về chi phí bỏ ra và số tiền thu được. Cứ đến hết mỗi đợt thu hoạch, ông T và ông X sẽ ngồi lại để anh em cùng tính toán với nhau chia đôi lợi nhuận, theo đó ông T và bà N được hưởng ½ (50%) lợi nhuận còn bà H và ông X được hưởng ½ (50%) lợi nhuận, do ông T thường giao cho ông X giữ tiền nên sau mỗi đợt thu hoạch tính toán xong thì ông X sẽ giao số tiền lợi nhuận tương ứng ½ (50%) cho ông T và bà N, số tiền lợi nhuận tương ứng ½ (50%) còn lại ông X giữ lại, sau đó ông X tính toán thế nào với bà H thì ông T và bà N không rõ vì đó là việc riêng của hai mẹ con, chỉ thấy là bà H sống chung nhà với ông X, chi phí sinh hoạt, mua thuốc men cho bà H do ông X lo.

Tuy trong hợp đồng không có quy định nhưng việc thực hiện hợp đồng theo phương thức nêu trên đã được hai bên thực hiện từ khi ký hợp đồng, ông T và ông X đã tiến hành chia đôi lợi nhuận nhiều đợt (không nhớ rõ bao nhiêu đợt) với số tiền phân chia mỗi đợt đều chỉ khoảng vài triệu đồng (không nhớ rõ cụ thể số tiền), quá trình thực hiện hợp đồng ông T, bà N, bà H và ông X đều không có ý kiến và không có tranh chấp gì với nhau. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tháng 4/2021 thì bà H ngăn cản không cho ông T vào canh tác với lý do đất là của bà H, nay bà H muốn lấy lại để sang bán cho người khác chứ không đồng ý cho ông T canh tác nữa trong khi thời hạn hợp đồng đến ngày 19/8/2023 mới hết. Sự việc tranh chấp bắt đầu phát sinh từ khi ông L (con ruột bà H và em ruột ông X) về sống chung nhà với bà H và ông X, mỗi khi ông T vào canh tác là bà H và ông P1 ngăn cản, cầm dao rượt chém, đe dọa không cho ông T vào canh tác. Khi ông T và bà N gặp mặt nói chuyện với ông X thì ông X có nói là đã có khuyên nhủ bà H thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký nhưng bà H không nghe, do đất là của bà H nên ông X không còn cách nào khác để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Hiện nay, tuy đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nhưng tinh thần của bà H vẫn còn minh mẫn, chỉ đôi khi tai hơi bị lãng. Khi địa phương tiến hành hòa giải ông T và bà N có yêu cầu bà H để cho ông T và bà N thu hoạch hết cây trái và trả lại số tiền mua cây giống theo giá thị trường hiện nay nhưng bà H không đồng ý.

Theo đơn khởi kiện đề ngày 17/5/2021, ông T và bà N yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc bà H và ông X thực hiện đúng hợp đồng; nếu bà H lấy lại đất thì phải chờ cho ông T và bà N thu hoạch xong cây trái và trả lại số tiền mua cây giống theo thẩm định, định giá của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị Tòa án xem xét về mức độ lỗi của bà H và ông X trong sự việc này, vì việc không tiếp tục thực hiện được hợp đồng ông X cũng không mong muốn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, theo đó yêu cầu Tòa án giải quyết: Chấm dứt hợp đồng theo Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018; buộc bà H và ông X trả lại cho ông T và bà N giá trị cây trồng trên đất là 14.250.000đồng và chi phí đầu tư, cải tạo vườn là 15.000.000đồng, tổng cộng là 29.250.000đồng.

Tại văn bản đề ngày 15/11/2021, bà N có ý kiến thống nhất theo mọi ý kiến, yêu cầu mà ông T đưa ra; đồng thời, do bận nhiều công việc nên bà N đề nghị được vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án này.

* Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà H trình bày: Trước thời điểm ký Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 bà H không có ở ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng mà sống ở Ngã Sáu, Hậu Giang; bà H giao đất cho ông X quản lý, canh tác. Tại thời điểm ngày 19/8/2018 bà H trở về ấp A sống với ông X. Ông T và bà N có kêu người (là người nào thì bà H không nhớ) đem Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 đến cho bà H ký, bà H cũng đồng ý ký nhưng chỉ ký cho ông T và bà N làm trên đất 02 năm, không rõ lý do gì hợp đồng sửa lại thành 05 năm. Sau khi ký hợp đồng, ông T cũng có lại bón phân, xịt thuốc cây… bà H không có ngăn cản, phản đối gì. Đến khi hết hạn hợp đồng thì hai bên tranh chấp do bà H đòi lại đất.

Nay bà H không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T và bà N, không đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng, vì ông T canh tác mà chỉ đưa tiền cho ông X không đưa tiền cho bà H.

* Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông X trình bày: Ông X là con ruột của bà H, giữa hai người không có mâu thuẫn, xích mích gì. Hiện nay, hai mẹ con vẫn ở chung một nhà tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng.

Vào ngày 19/8/2018, bà H và ông X có ký hợp đồng làm vườn với ông T và bà N theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018, theo đó bà H và ông X đồng ý giao cho ông T và bà N một thửa đất vườn diện tích khoảng 10 công tầm 3m, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng trong thời hạn là 05 năm từ ngày 19/8/2018 đến ngày 19/8/2023; ông T và bà N trực tiếp canh tác, ra công chăm sóc, tu bổ, sau khi thu hoạch trừ chi phí phân thuốc còn lại lợi nhuận thì chia đôi cho mỗi bên hưởng ½. Thỏa thuận giữa hai bên tại thời điểm đó là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc; ông T, bà N, bà H và ông X đều có ký vào hợp đồng; trước khi ký tên thì hai bên đều có đọc lại hợp đồng và thống nhất về nội dung; sau khi ký xong thì bà H và ông X giao hợp đồng cho ông T và bà N giữ.

Phần đất nêu trên thuộc quyền sử dụng của bà H có nguồn gốc của cha bà H (tên K, hiện đã chết) để lại và do bà H đứng tên giấy CNQSD đất, tại thời điểm ký hợp đồng thì giấy CNQSD đất bà H đang thế chấp cho Ngân hàng P Chi nhánh C để vay tiền, hiện nay giấy CNQSD đất vẫn do Ngân hàng giữ. Tuy hợp đồng không ghi rõ đất thuộc thửa số mấy, tờ bản đồ số mấy, tọa lạc tại đâu nhưng thực tế đây là phần đất thuộc quyền sử dụng của bà H có diện tích khoảng 10 công tầm 3m, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng; ngoài ra bà H không còn phần đất nào khác, nên phần đất theo hợp đồng và phần đất bà H thế chấp cho Ngân hàng là cùng một thửa đất.

Ngay sau khi ký hợp đồng bà H và ông X đã giao toàn bộ diện tích đất cho ông T và bà N canh tác, khi đó trên đất đã có sẵn một số cây đang cho trái như xoài, mận, vú sữa, chanh… sau đó, ông T và bà N có tự bỏ tiền ra mua thêm một số cây như mận, xoài, vú sữa để trồng xen trên đất. Về số cây được trồng xen trên đất được liệt kê trong đơn khởi kiện của ông T và bà N gồm: 400 gốc mận, mỗi gốc trị giá 15.000đồng = 6.000.000đồng; 350 gốc xoài Đài Loan, mỗi gốc trị giá 15.000đồng = 5.250.000đồng; 120 gốc vú sữa, mỗi gốc trị giá 25.000đồng = 3.000.000đồng; tổng cộng 14.250.000đồng là đúng sự thật. Các cây này do ông T mua của người bán dưới ghe, mua bán dưới quê thông qua thỏa thuận miệng nên không có hóa đơn, chứng từ gì, ông T là người trả số tiền 14.250.000đồng nhưng ông X có đứng ra kiểm điếm và tính tiền cây cùng với ông T, sau khi trồng xen trên đất thì hiện nay các cây này vẫn giữ nguyên số lượng, hiện trạng chứ không có thay đổi gì, về kích thước thì các cây này có khác biệt đáng kể so với các cây lã o tồn tại trên đất từ trước đó, nên khi thẩm định có thể phân biệt được cây nào đã có trước, cây nào được trồng xen vào sau này.

Ngoài chi phí mua cây giống trồng xen với số tiền 14.250.000đồng nêu trên cũng như chi phí bỏ ra cho từng đợt thu hoạch để có lợi nhuận phân chia vào cuối mỗi đợt thu hoạch thì từ thời điểm ký kết hợp đồng cho đến khi phát sinh tranh chấp vào đầu tháng 4/2021 ông T và bà N đã bỏ ra chi phí đầu tư, cải tạo vườn với số tiền khoảng 15.000.000đồng cho việc bón phân, xịt thuốc, chăm sóc cây, làm đất… để có được hiện trạng vườn cây phát triển như hiện nay, ông X biết rõ là do ông X có trực tiếp tham gia canh tác cùng với ông T, chi phí 15.000.000đồng này còn chưa tính công sức mà ông T đã bỏ ra.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông T và ông X là người trực tiếp canh tác trên đất. Việc mua phân thuốc, bỏ ra các chi phí khác trong quá trình canh tác cũng như thu hoạch, bán trái cây của từng đợt thu hoạch thì ông X đều có tham gia nên ông X nắm rõ về chi phí bỏ ra và số tiền thu được. Cứ đến hết mỗi đợt thu hoạch, ông T và ông X sẽ ngồi lại để anh em cùng tính toán với nhau chia đôi lợi nhuận, theo đó ông T và bà N được hưởng ½ (50%) lợi nhuận còn bà H và ông X được hưởng ½ (50%) lợi nhuận, do ông T thường giao cho ông X giữ tiền nên sau mỗi đợt thu hoạch tính toán xong thì ông X sẽ giao số tiền lợi nhuận tương ứng ½ (50%) cho ông T và bà N, số tiền lợi nhuận tương ứng ½ (50%) còn lại ông X giữ để chăm lo chi phí sinh hoạt, mua thuốc men cho bà H do bà H đã lớn tuổi và sống chung nhà với ông X, phần còn lại ông X giữ chi tiêu cá nhân.

Tuy trong hợp đồng không có quy định nhưng việc thực hiện hợp đồng theo phương thức nêu trên đã được hai bên thực hiện từ khi ký hợp đồng, ông T và ông X đã tiến hành chia đôi lợi nhuận nhiều đợt (không nhớ rõ bao nhiêu đợt) với số tiền phân chia mỗi đợt đều chỉ khoảng vài triệu đồng (không nhớ rõ cụ thể số tiền), quá trình thực hiện hợp đồng bà H, ông X, ông T và bà N đều không có ý kiến và không có tranh chấp gì với nhau. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tháng 4/2021 thì bà H bắt đầu ngăn cản không cho ông T vào canh tác với lý do đất là của bà H, nay bà H muốn lấy lại để sang bán cho người khác chứ không đồng ý cho ông T canh tác nữa trong khi thời hạn hợp đồng đến ngày 19/8/2023 mới hết. Sự việc tranh chấp bắt đầu phát sinh từ khi ông L (con ruột bà H và em ruột ông X) về sống chung nhà với bà H và có lời lẽ xúi giục bà H. Từ đó, mỗi khi ông T vào canh tác là bà H và ông P1 ngăn cản, cầm dao rượt chém, đe dọa không cho ông T vào canh tác. Ông X đã có nhiều lần khuyên nhủ bà H thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký nhưng bà H không nghe lời ông X mà chỉ nghe lời ông P1, do đất là của bà H nên ông X cũng không còn cách nào khác để xử lý cho ổn thỏa. Từ trước khi ký hợp đồng cho đến cuối tháng 3/2021 thì chỉ có bà H sống chung nhà với ông X, khi đó việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên vẫn bình thường không có tranh chấp gì với nhau, chỉ từ khi có thêm ông P1 về sống chung nhà với bà H và ông X thì không rõ ông P1 đã nói gì làm bà H muốn lấy lại đất không cho ông T và bà N vào canh tác nữa. Hiện nay tuy đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nhưng tinh thần của bà H vẫn còn minh mẫn, chỉ đôi khi tai hơi bị lãng.

Nay đối với yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng của ông T và bà N thì theo ông X là rất khó vì đất của bà H nhưng bà H đã không đồng ý cho ông T và bà N vào canh tác; đồng thời, hiện nay bà H đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nên việc buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà có gì xảy ra thì rất khó lòng; hơn nữa, khi hai bên ký hợp đồng thì giấy CNQSD đất đang thế chấp Ngân hàng nên việc thỏa thuận không có sự đồng ý của Ngân hàng thì cũng chưa đảm bảo. Do đó, theo ông X là Tòa án nên giải quyết hủy bỏ hợp đồng giữa hai bên; ông X cũng xác định bản thân có ký hợp đồng với ông T và bà N, nay việc không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tuy không phải hoàn toàn xuất phát từ lỗi của ông X nhưng ông X vẫn phải có trách nhiệm với ông T và bà N, nên trong trường hợp Tòa án có giải quyết buộc ông X bồi thường cho ông T và bà N thì ông X cũng đồng ý, chỉ đề nghị Tòa án xem xét về mức độ lỗi của ông X trong sự việc này.

Do đã lớn tuổi, đi lại khó khăn nên ông X đề nghị được vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án này.

* Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng P (do ông P1 là người đại diện hợp pháp) trình bày: Ngày 10/11/2011, bà H và ông X nộp Giấy đề nghị vay vốn và 01 Giấy CNQSD đất số R843332, thửa số 102, 103, 104, tờ bản đồ số 04, cấp ngày 06/3/2001, nơi cấp UBND huyện C, tỉnh Sóc Trăng cho Ngân hàng P Chi nhánh huyện C, tỉnh Sóc Trăng, để ký Hợp đồng cấp tín dụng số LAV-201105713, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp - chăn nuôi heo… Nay Ngân hàng đề nghị Tòa án giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng đối với khoản vay trên, do tài sản tranh chấp đang thế chấp tại Ngân hàng theo Hợp đồng thế chấp số 504 ngày 11/11/2010.

Do bận công tác vào thời điểm mở phiên tòa nên Ngân hàng đề nghị được vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, theo đó yêu cầu Tòa án giải quyết chấm dứt hợp đồng theo Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018; buộc bà H và ông X trả lại cho ông T và bà N giá trị cây trồng trên đất là 14.250.000đồng và chi phí đầu tư, cải tạo vườn là 15.000.000đồng, tổng cộng là 29.250.000đồng; bà N vắng mặt nhưng trong văn bản đề nghị xét xử vắng mặt thì bà N có ý kiến thống nhất theo mọi ý kiến, yêu cầu mà ông T đưa ra; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng dân sự của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện đã được thay đổi một phần tại phiên tòa sơ thẩm của ông T và bà N.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, theo phát biểu và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Theo yêu cầu khởi kiện ban đầu, ông T và bà N yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà H và ông X thực hiện đúng hợp đồng theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018, nếu bà H lấy lại đất thì phải chờ cho ông T và bà N thu hoạch xong cây trái và trả lại số tiền mua cây giống theo thẩm định, định giá của cơ quan có thẩm quyền; TAND huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thụ lý vụ án, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp hợp đồng thuê đất là chưa chính xác, vì bản chất của hợp đồng theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 là hợp đồng hợp tác; Hội đồng xét xử xác định lại quan hệ pháp luật trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng hợp tác theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Các bị đơn bà H và ông X cư trú tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng; TAND huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[3] Tại phiên tòa sơ thẩm, bà N là nguyên đơn, ông X là bị đơn, ông P1 là người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng P vắng mặt nhưng có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt; bà H là bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không lý do và không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; việc vắng mặt của những người này cũng không ảnh hưởng đến việc xét xử; Hội đồng xét xử căn cứ các Điều 227, 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tiến hành xét xử vụ án.

[4] Theo đơn khởi kiện, ông T và bà N yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà H và ông X thực hiện đúng hợp đồng theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018, nếu bà H lấy lại đất thì phải chờ cho ông T và bà N thu hoạch xong cây trái và trả lại số tiền mua cây giống theo thẩm định, định giá của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, ông T thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, theo đó yêu cầu Tòa án giải quyết chấm dứt hợp đồng theo Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018; buộc bà H và ông X trả lại cho ông T và bà N giá trị cây trồng trên đất là 14.250.000đồng và chi phí đầu tư, cải tạo vườn là 15.000.000đồng, tổng cộng là 29.250.000đồng; bà N thống nhất theo mọi ý kiến, yêu cầu mà ông T đưa ra. Xét thấy, việc thay đổi yêu cầu khởi kiện này của ông T và bà N là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu và phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Căn cứ theo sự thừa nhận của các bên đương sự, các tài liệu, chứng cứ mà các bên đã cung cấp cho Tòa án cũng như các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, thể hiện: Các bên đã thống nhất với nhau về việc ông T và bà N với bà H và ông X có ký với nhau hợp đồng hợp tác theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 (BL số 31), theo đó bên bà H và ông X đóng góp phần đất vườn thuộc các thửa số 102, 103, 104, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng theo Giấy CNQSD đất số R843332, ngày 06/3/2001 do UBND huyện C, tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà H đứng tên, còn bên ông T và bà N đóng góp công chăm sóc, tu bổ phần đất vườn để trồng cây ăn trái, sau khi thu hoạch trừ chi phí phân thuốc còn lại lợi nhuận thì chia đôi cho mỗi bên hưởng ½ (50%). Ông T, bà N, bà H và ông X đều thừa nhận có ký tên vào hợp đồng, tại thời điểm ký hợp đồng các bên đều hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc. Tại thời điểm ký hợp đồng, phần đất vườn đang được bà H thế chấp để vay vốn của Ngân hàng P Chi nhánh huyện C, tỉnh Sóc Trăng, cho đến hiện nay việc thế chấp này vẫn còn tồn tại, nhưng các bên tham gia ký hợp đồng không thông báo cho Ngân hàng biết, chỉ khi được Tòa án thông báo thì Ngân hàng mới biết được sự việc.

[6] Về thời hạn của hợp đồng, nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 thể hiện thời hạn của hợp đồng là 05 năm, ông T, bà N và ông X cũng như những người chứng kiến ông Q và ông V đều xác định thời hạn của hợp đồng là 05 năm, bà H thừa nhận có ký tên vào hợp đồng nhưng cho rằng thời hạn của hợp đồng chỉ là 02 năm không rõ lý do gì hợp đồng sửa lại thành 05 năm, nhưng bà H chỉ trình bày miệng chứ không đưa ra được tài liệu, chứng cứ gì chứng minh. Do đó, có cơ sở xác định thời hạn của hợp đồng là 05 năm, từ thời điểm ký hợp đồng ngày 19/8/2018 cho đến ngày 19/8/2023 mới hết thời hạn của hợp đồng.

[7] Về phương thức phân chia lợi nhuận của hợp đồng, theo ông T và ông X trình bày từ trước khi ký hợp đồng ngày 19/8/2018 thì giữa ông T và bà N với bà H và ông X đã có thỏa thuận về một hợp đồng hợp tác khác có nội dung tương tự như Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 nhưng vào thời điểm đó bà H sống ở Ngã Sáu, Hậu Giang và giao đất cho ông X trực tiếp quản lý, canh tác; sau này khi đã lớn tuổi, sức khỏe yếu thì bà H mới về sống cùng với ông X tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng nhưng vẫn tiếp tục giao đất cho ông X trực tiếp quản lý, canh tác; việc phân chia lợi nhuận được thực hiện theo phương thức cứ đến hết mỗi đợt thu hoạch, ông T và ông X trực tiếp đứng ra tính toán, phân chia lợi nhuận cho bên ông T và bà N được hưởng ½ (50%) lợi nhuận và cho bên bà H và ông X được hưởng ½ (50%) lợi nhuận, phần lợi nhuận của bên bà H và ông X thì do ông X giữ vì bà H sống chung nhà với ông X và do ông X trực tiếp chăm lo chi phí sinh hoạt, mua thuốc men cho bà H hàng ngày. Căn cứ vào diễn biến của quá trình quản lý, sử dụng đất và hoàn cảnh gia đình của bà H và ông X có cơ sở xác định phương thức phân chia lợi nhuận theo lời trình bày của ông T và ông X là phù hợp, trên thực tế từ khi ký hợp đồng ngày 19/8/2018 cho đến trước khi các bên phát sinh tranh chấp vào khoảng đầu tháng 4/2021 thì bà H hoàn toàn không có ý kiến phản đối hay tranh chấp gì về phương thức phân chia lợi nhuận nêu trên, điều này khẳng định việc bà H mặc nhiên đồng ý với việc ông X đại diện cho bà H nhận tiền phân chia lợi nhuận để sử dụng vào việc chăm lo cho bà H hàng ngày, hợp đồng cũng không có quy định bắt buộc ông T và bà N phải để cho bà H hay ông X đứng ra nhận tiền phân chia lợi nhuận, quá trình thực hiện hợp đồng ông T và bà N vẫn thực hiện đúng theo phương thức phân chia lợi nhuận sau mỗi đợt thu hoạch, còn việc sau khi nhận được tiền phân chia lợi nhuận ông X với bà H là mẹ con và là một bên tham gia hợp đồng tính toán với nhau như thế nào là việc riêng của ông X và bà H. Từ đó, việc bà H cho rằng ông T canh tác mà chỉ đưa tiền cho ông X không đưa tiền cho bà H là không có căn cứ chấp nhận.

[8] Hợp đồng hợp tác theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 được ký giữa ông T và bà N với bà H và ông X là hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng, không vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội, nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch dân sự, phù hợp với quy định tại các Điều 504, 505 Bộ luật Dân sự năm 2015, nên ràng buộc trách nhiệm của các bên. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông T và bà N không có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, giữa các bên không có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng và cũng không thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật, nhưng đến khoảng đầu tháng 4/2021 thì bà H đã tranh chấp yêu cầu ông T và bà N trả lại đất trong khi đến ngày 19/8/2023 mới hết thời hạn của hợp đồng. Do đó, trong trường hợp này được xem là bà H đã đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ pháp luật, từ đó bà H được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng và phải có trách nhiệm bồi thường cho ông T và bà N theo quy định tại khoản 4 Điều 422, các khoản 4, 5 Điều 428, điểm đ khoản 1 Điều 512 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ông X cũng có một phần lỗi trong sự việc này do ông X cùng với bà H là một bên tham gia hợp đồng, nhưng khi bà H đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì ông X không có biện pháp gì để tiếp tục thực hiện hợp đồng, đồng thời nguyên nhân chính dẫn đến việc các bên phát sinh tranh chấp cũng là do sau khi ông X nhận được tiền phân chia lợi nhuận thì giữa ông X và bà H đã không thống nhất được với nhau về việc sử dụng tiền phân chia lợi nhuận, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên tham gia hợp đồng còn lại là ông T và bà N, nên ông X cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho ông T và bà N theo quy định tại khoản 3 Điều 507 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra”. Hiện nay, ông X cũng đồng ý bồi thường cho ông T và bà N, chỉ đề nghị Tòa án xem xét về mức độ lỗi của ông X, đề nghị này của ông X là có căn cứ chấp nhận. Mức độ lỗi của bà H và ông X trong sự việc này được xác định tương ứng là bà H 70%, ông X 30%.

[9] Hiện nay, việc để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng là không phù hợp, do hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng của bà H đã dẫn đến việc ông T, bà N và ông X đều có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, cho nên yêu cầu của ông T và bà N về việc chấm dứt hợp đồng theo Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 là có căn cứ chấp nhận. Đối với yêu cầu của ông T và bà N về việc buộc bà H và ông X trả lại cho ông T và bà N giá trị cây trồng trên đất là 14.250.000đồng và chi phí đầu tư, cải tạo vườn là 15.000.000đồng, tổng cộng là 29.250.000đồng, thấy rằng: Kết quả thẩm định ngày 01/3/2022 của Tòa án xác định hiện nay trên đất có nhiều cây xoài Đài Loan, mận An Phước, vú sữa được trồng với số lượng nhiều hơn so với số lượng cây giống mà ông T và bà N đã liệt kê và yêu cầu trong đơn khởi kiện, các cây này đều do ông T trồng trên 03 năm, đa số là từ 05 năm trở lên, hầu hết thuộc loại A đang trong thời kỳ cho ra trái, một phần các cây này được trồng sau khi ký hợp đồng ngày 19/8/2018 và phần còn lại được trồng trước đó khi ông T và bà N thực hiện một hợp đồng hợp tác khác với bà H và ông X. Hiện trạng phát triển của vườn cây hiện nay đã khẳng định việc ông T và bà N có bỏ tiền ra để mua cây giống trồng trên đất và bỏ chi phí ra để đầu tư, cải tạo vườn trong quá trình thực hiện hợp đồng là sự việc có thật, vấn đề này cũng được ông X thừa nhận, số tiền 29.250.000đồng theo yêu cầu của ông T và bà N cũng thấp hơn nhiều so với giá trị cây được trồng trên đất hiện nay, khi chấm dứt hợp đồng thì bà H và ông X phải có trách nhiệm bồi thường các khoản tiền và chi phí này cho ông T và bà N, từ đó việc ông T và bà N yêu cầu bà H và ông X trả lại cho ông T và bà N số tiền 29.250.000đồng là có căn cứ chấp nhận. Tương ứng theo mức độ lỗi bà H phải trả cho ông T và bà N 29.250.000đồng x 70% = 20.475.000đồng, ông X phải trả cho ông T và bà N 29.250.000đồng x 30% = 8.775.000đồng. Bà H được quyền quản lý, sở hữu toàn bộ các cây xoài Đài Loan, mận An Phước, vú sữa do ông T và bà N trồng trên đất. Do từ khi phát sinh tranh chấp vào khoảng đầu tháng 4/2021 cho đến nay bà H đã ngăn cản không cho ông T và bà N vào canh tác nên không đặt ra xem xét, giải quyết về vấn đề buộc giao trả đất.

[10] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T và bà N; tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 giữa ông T và bà N với bà H và ông X; buộc bà H trả cho ông T và bà N giá trị cây trồng trên đất và chi phí đầu tư, cải tạo vườn với số tiền là 20.475.000đồng; buộc ông X trả cho ông T và bà N giá trị cây trồng trên đất và chi phí đầu tư, cải tạo vườn với số tiền là 8.775.000đồng; bà H được quyền quản lý, sở hữu toàn bộ các cây xoài Đài Loan, mận An Phước, vú sữa do ông T và bà N trồng trên đất; không đặt ra xem xét, giải quyết về vấn đề buộc giao trả đất.

[11] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng tại phiên tòa sơ thẩm là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[12] Về án phí sơ thẩm: Ông T và bà N không phải chịu và được nhận lại số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp; bà H và ông X phải chịu án phí sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đồng đối với yêu cầu khởi kiện về chấm dứt hợp đồng hợp tác của ông T và bà N được chấp nhận và án phí sơ thẩm có giá ngạch là 29.250.000đồng x 5% = 1.462.500đồng tương ứng trên số tiền phải trả cho ông T và bà N, tổng cộng là 1.762.500đồng; bà H phải chịu tương ứng theo mức độ lỗi là 1.762.500đồng x 70% = 1.233.750đồng; ông X phải chịu tương ứng theo mức độ lỗi là 1.762.500đồng x 30% = 528.750đồng nhưng do ông X là người cao tuổi (sinh năm 1958, đã trên 60 tuổi) và có đơn xin miễn nộp án phí nên ông X được miễn nộp toàn bộ án phí sơ thẩm, theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 15, điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 24, khoản 2 Điều 26, điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[13] Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tổng cộng là 1.950.000đồng: Do yêu cầu khởi kiện của ông T và bà N được chấp nhận nên bà H phải chịu tương ứng theo mức độ lỗi là 1.950.000đồng x 70% = 1.365.000đồng, ông X phải chịu tương ứng theo mức độ lỗi là 1.950.000đồng x 30% = 585.000đồng và có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông T và bà N các khoản tiền này do ông T và bà N đã nộp tạm ứng trước, theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 1 Điều 157, Điều 227, Điều 228, khoản 1 Điều 244, Điều 266, Điều 271, khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 351, Điều 360, khoản 4 Điều 422, các khoản 4, 5 Điều 428, Điều 504, Điều 505, Điều 507, điểm đ khoản 1 Điều 512 Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 15, điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 24, khoản 2 Điều 26, điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử :

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T và bà N về việc tranh chấp hợp đồng hợp tác.

- Tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác theo nội dung Tờ hợp đồng làm vườn đề ngày 19/8/2018 giữa ông T và bà N với bà H và ông X.

- Buộc bà H phải có nghĩa vụ trả cho ông T và bà N giá trị cây trồng trên đất và chi phí đầu tư, cải tạo vườn với số tiền là 20.475.000đồng (Hai mươi triệu bốn trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

Buộc ông X phải có nghĩa vụ trả cho ông T và bà N giá trị cây trồng trên đất và chi phí đầu tư, cải tạo vườn với số tiền là 8.775.000đồng (Tám triệu bảy trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của ông T và bà N đối với các khoản tiền phải trả nêu trên cho đến khi thi hành xong, hàng tháng bà H và ông X còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

- Bà H được quyền quản lý, sở hữu toàn bộ các cây xoài Đài Loan, mận An Phước, vú sữa do ông T và bà N trồng trên các thửa đất số 102, 103, 104, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng.

- Do ông T và bà N hiện không quản lý, sử dụng đất nên không đặt ra xem xét, giải quyết về vấn đề buộc giao trả đất.

2. Về án phí sơ thẩm:

- Ông T và bà N không phải chịu án phí sơ thẩm và được nhận lại số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm mà ông T và bà N đã nộp (do ông T đại diện nộp) là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001402, ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

- Bà H phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền là 1.233.750đồng (Một triệu hai trăm ba mươi ba nghìn bảy trăm năm mươi đồng).

- Ông X được miễn nộp toàn bộ án phí sơ thẩm.

3. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tổng cộng là 1.950.000đồng:

- Ông T và bà N không phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

- Bà H phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ với số tiền là 1.365.000đồng (Một triệu ba trăm sáu mươi lăm nghìn đồng) và phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông T và bà N số tiền này.

- Ông X phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ với số tiền là 585.000đồng (Năm trăm tám mươi lăm nghìn đồng) và phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông T và bà N số tiền này.

4. Về quyền kháng cáo: Ông T có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm. Riêng đối với bà N, bà H, ông X và Ngân hàng P không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo nêu trên được tính từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

390
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác số 44/2022/DS-ST

Số hiệu:44/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kế Sách - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về