Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác số 02/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

BẢN ÁN 02/2022/DS-PT NGÀY 05/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC

Trong các ngày 31 tháng 12 năm 2021 và 05 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 54/2021/TLPT-DS ngày 13 tháng 5 năm 2021 về “Tranh chấp hợp đồng hợp tác”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 82/2021/QĐ-PT ngày 01 tháng 10 năm 2021, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 90/2021/QĐ-PT ngày 27 tháng 10 năm 2021; Thông báo thay đổi thời gian xét xử số 105/2021/TB-TA ngày 23 tháng 11 năm 2021 và Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng số 110A/2021/QĐ-TA ngày 30 tháng 12 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đỗ Đình Đ, sinh năm 1972.

Địa chỉ: Chung cư V, đường L, phường N, thành phố T, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt)

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:

Ông Phan Minh Đ, sinh năm 1979.

Địa chỉ: Đường Đ, phường T, thành phố R, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Theo Giấy ủy quyền ngày 28-01-2019) (có mặt).

- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn L.

Địa chỉ: Khu C, đường T, phường H, thành phố T, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Ngọc B – Giám đốc (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền:

1. Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1985 (có mặt).

2. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1987 (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Đường N, phường C, thành phố T, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

3. Ông Phạm Trường G, sinh năm 1986 (có mặt).

Địa chỉ: Khu C, phường H, thành phố T, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lê Văn Q, sinh năm 1973.

Địa chỉ: Số 60 DHT đường H, phường T, quận H, thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Bà Lưu Thị Kim T, sinh năm 1960.

Địa chỉ: Khu C, phường H, thành phố T, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vắng mặt).

- Người làm chứng:

Ông Phạm Văn M, sinh năm 1974.

Địa chỉ: Ấp H, xã M, huyện M, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (vắng mặt).

- Người kháng cáo: Công ty Trách nhiệm hữu hạn L – Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Đỗ Đình Đ trình bày:

Ông Đỗ Đình Đ cùng với ông Lê Văn Q là chủ sử dụng hợp pháp của diện tích đất 57.901 m2 tọa lạc tại xã T, huyện M. Trong đó, ông Đ góp 25%, còn ông Q góp 75% giá trị quyền sử dụng đất và ông Q đại diện đứng tên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất trên.

Tháng 09-2016, ông Đ và ông Q thỏa thuận miệng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn L (sau đây gọi tắt là Công ty L) do ông Vũ Ngọc B làm đại diện về việc để cùng hợp tác chăn nuôi heo thịt cung cấp cho thị trường. Cụ thể, trên diện tích 57.901m2, ông Đ đã có sẵn 01 trại heo diện tích 1.200m2 với công suất nuôi 1.000 con (Trại 1); giá trị lượng heo, thuốc cám tại thời điểm này tương ứng số tiền 684.000.000 đồng.

Đến tháng 04-2017, ông Đ góp thêm 1.043.300.000 đồng để xây thêm 01 trại heo thứ hai (Trại 02) với công suất nuôi 2.000 con. Ông Đ đã chuyển tiền vào tài khoản của bà Lưu Thị Kim T (vợ ông B) nhiều lần với tổng số tiền là 1.043.000.000 đồng. Ông Đ và ông Q cùng thỏa thuận giao cho Công ty L thực hiện việc chăn nuôi và quản lý diện tích đất 57.901m2. Ngoài ra, trên đất còn có các cây trồng như điều, nhãn... trên diện tích khoảng 03ha đang trong thời kỳ thu hoạch.

Từ tháng 09-2016 đến tháng 10-2018, ông Đ và ông Q không được ông B cho biết về tình hình hoạt động chăn nuôi của 02 trại heo và hoa lợi thu được trên đất. Mặc dù nhiều lần ông Đ và ông Q yêu cầu ông B phải ngồi lại tính toán việc chăn nuôi heo nhưng ông B không thực hiện. Theo ông Đ được biết, Công ty L chăn nuôi heo đều có lợi nhuận chứ không thua lỗ, ông B cố ý tránh né ông Đ để được hưởng lợi riêng cho Công ty. Do đó, ngày 20-10-2018, các bên họp xem xét việc kinh doanh và yêu cầu Công ty L phải thông tin minh bạch việc chăn nuôi, lời lỗ.

Tại cuộc họp này, lần đầu tiên ông Đ được ông B thông báo việc chăn nuôi heo bị thua lỗ 33 tỷ đồng. Ông Đ biết con số này hoàn toàn sai và khẳng định không chịu trách nhiệm về số lỗ này vì ông không được biết từ đầu khi dự án đi vào hoạt động.

Theo thỏa thuận góp vốn chăn nuôi heo chung, ông Đ và ông Q giao đất cho Công ty L quản lý chỉ nhằm mục đích thực hiện chăn nuôi heo. Tuy nhiên, Công ty không báo cáo tình hình hoạt động cho ông Đ và ông Q biết mặc dù ông Đ và ông Q nhiều lần yêu cầu. Do đó, lỗi này thuộc về phía Công ty, ngược lại Công ty còn có hành vi chặt phá cây trồng trên đất, xây dựng công trình và khai thác cát trái phép trên đất của ông Đ và ông Q.

Do vậy, ông Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

1. Chấm dứt việc thỏa thuận nuôi heo chung giữa ông Đ và Công ty L, buộc Công ty phải hoàn trả cho ông Đ số tiền góp vốn ban đầu gồm: 171.000.000 đồng (1/4 của số tiền 648.000.000 đồng - Trại 1) và 1.043.300.000 đồng (Trại 02), tổng cộng là 1.214.300.000 đồng. Đồng thời buộc Công ty giao trả lại cho ông Đ hai trại nuôi heo để ông Đ được toàn quyền sử dụng.

2. Bồi thường thiệt hại giá trị số cây nhãn, điều Công ty chặt phá là 01 tỷ đồng.

3. Buộc Công ty L chấm dứt việc xây dựng và khai thác cát trái phép trên thửa số 240, 260 tờ bản đồ số 05 và thửa số 348, tờ bản đồ số 04 tọa lạc tại xã T và khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu cho ông Đ.

Sau đó, tại đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 27-11-2020, ông Đỗ Đình Đ thay đổi yêu cầu như sau:

Yêu cầu chấm dứt việc thỏa thuận nuôi heo chung giữa ông Đ và Công ty L; buộc Công ty L phải thanh toán cho ông Đ số tiền góp vốn ban đầu 1.000.000.000 đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật từ ngày 20-10-2018 cho đến nay, theo biên bản làm việc ngày 20-10-2018 mà Công ty L và các bên góp vốn đã cam kết. Đối với các yêu cầu còn lại, ông Đ xin rút và sẽ khởi kiện bằng vụ án khác nếu có yêu cầu.

Bị đơn Công ty L trình bày:

Ông Đ là chỗ quen biết với Công ty L từ trước, nên sau khi ông Đ mua đất cạnh Công ty thì hai bên tự nguyện thỏa thuận tiến hành xây dựng, lắp đặt trang thiết bị và nuôi heo dưới hình thức cụ thể như sau:

- Đối với “Trại số 1”: Công ty hỗ trợ ông Đ hoàn thiện trang thiết bị trại heo này vì Trại heo có sẵn trên đất của ông Đ là trại thô, chưa thể nuôi heo. Công ty ứng tiền chi trả việc mua thiết bị máng ăn, uống nước, sau đó quyết toán với ông Đ, nhưng ông Đ không trả lại tiền này mà để trừ dần vào tiền bán heo sau này. Sau khi “Trại số 1” được lắp đặt thiết bị xong, Công ty và ông Đ thỏa thuận như sau: Công ty hỗ trợ cung ứng toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc... tìm kiếm đầu ra, đứng ra xuất bán heo cho ông Đ và thu tiền về. Sau đó, Công ty được quyền trừ các khoản tiền đã ứng để lắp đặt thiết bị ban đầu, chi phí con giống, thức ăn.... khoản tiền lãi còn lại (nếu có) sẽ trả lại cho ông Đ.

Công ty làm việc với một mình ông Đ từ tháng 5-2016 đến ngày 17-09-2016 nuôi và xuất được 19 đợt heo với tổng số tiền thu về là 5.370.281.000 đồng. Ngoài khoản tiền ông Đ nợ do Công ty cung ứng heo giống, cám, thuốc thì trong khoảng thời gian này ông Đ có vay tiền mặt của Công ty 3 đợt, mỗi đợt là 100.000.000 đồng. Những số liệu cụ thể của việc lắp đặt trang thiết bị trại heo, chi phí nuôi và xuất bán của từng tháng đều được Công ty tổng kết và chuyển, báo cho ông Đ. Trong suốt quá trình đó, ông Đ không hề có ý kiến phản hồi hay thắc mắc gì. Cả quá trình nuôi heo, toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc, nhân công, chi phí điện nước, trông coi... đều do Công ty đảm nhận bằng nguồn tiền của mình, ông Đ không phải làm bất cứ việc gì, ông Đ chỉ thỉnh thoáng xuống thăm, kiểm tra.

Tới cuối tháng 09-2016, ông Đ có hợp tác thêm với ba người khác là ông Lê Văn Q, ông Nguyễn Thế I, ông Nguyễn Văn T để kinh doanh trại heo. Sau đó, cả bốn ông có ngồi họp lại với Công ty và đều đồng thuận thống nhất tiếp tục hợp tác nuôi heo thịt xuất bán dưới hình thức cũ với ông Đ. Lợi nhuận từ bán heo thịt Công ty chi trả cho 4 ông. Ông Q là người đứng tên trên toàn bộ quyền sử dụng đất và được cử ra làm đại diện cho 04 ông để đàm phán, quyết định các vấn đề kinh doanh và phân chia lợi nhuận cho những người còn lại theo “Cổ phần” của các bên (nếu có).

Tại thời điểm thực hiện “Cổ phần” thì ông Đ còn thiếu của Công ty tiền heo giống, cám, lương công nhân là 484.299.896 đồng. Số tiền này được chia đều cho 4 người mỗi người là 121.075.000 đồng. Trong đó, ông Đ đã chuyển phần của ông Đ và ông Q tổng số tiền là 243.300.000 đồng vào ngày 03-04-2017 và ông I, ông T cũng đã chuyển đủ số tiền của 2 ông là 241.000.000 đồng.

Kiểm kê số heo, cám, thuốc, còn trong trại của ông Đ thì cả 4 ông đều thống nhất giá trị còn lại là 684.933.660 đồng. Số tiền này được 4 ông thống nhất chia đều cho 4 người tương ứng mỗi người là 171.000.000 đồng. Khoản tiền này, Công ty được biết ba ông còn lại là ông Q, ông I, ông T sẽ phải trả cho ông Đ mỗi người là 171.000.000 đồng, không liên quan gì đến Công ty.

- Đối với “Trại số 2”: Đầu năm 2017, cả 4 ông bàn bạc và thống nhất với Công ty xây thêm một trại heo nữa trên phần đất của bốn ông để mở rộng nuôi heo thịt với công suất 2.000 con. Ban đầu các bên dự kiến tiền xây dựng khoảng 4 tỷ, mỗi ông góp 1 tỷ. Ngày 08-10-2016, ông Q góp 400.000.000 đồng, đến ngày 15- 03-2017 ông Q đóng thêm 350.000.000 đồng, ngày 18-03-2017 ông Q tiếp tục đóng 150.000.000 đồng; ông Ích và ông Thắng đã góp đủ mỗi người là 1.000.000.000 đồng, ông Đ góp 300.000.000 đồng ngày 06-03-2017 và 300.000.000 đồng ngày 16-3-2017, ông Đ góp tiếp 200.000.000 đồng ngày 24-3- 2017. Số tiền thiếu trong quá trình xây dựng Công ty tạm ứng trước. Số thực tế xây dựng là 4.942.190.000 đồng, mỗi ông góp 1 tỷ là không đủ.

Tháng 04-2017, tổng số tiền ông Đ góp được 1.043.000.000 đồng nhưng trong đó có 243.300.000 đồng để trả nợ cũ cho Công ty và số tiền thực tế góp để xây dựng “Trại số 2” là 800.000.000 đồng, ông Q góp được 900.000.000 đồng, ông T, ông I mỗi ông góp đủ 1.000.000.000 đồng. Tổng số tiền bốn ông góp được là 3.700.000.000 đồng, số còn lại là 1.242.190.000 đồng.

Sau khi Trại số 2 xây xong đi vào hoạt động (tháng 02-2017), Công ty tiếp tục hỗ trợ cung ứng con giống, thức ăn, nhân công, kỹ thuật... trước để nuôi heo thịt bán thay cho 4 ông như “Trại số 1”. Mọi số liệu chi phí đầu vào, doanh thu lúc đầu được thống kê và thông báo cho các ông Đ, Q, I, T. Trong suốt khoảng thời gian bán heo bị thua lỗ cho tới khi ông Đ có đơn khởi kiện, 04 ông đều không ai có ý kiến gì về những số liệu thống kê việc thua lỗ cũng như cách làm của Công ty. Tất cả chỉ biết là làm ăn thua lỗ còn lại không ai có trách nhiệm gánh vác số lỗ này, hiện nay cũng chỉ có mình ông Đ có ý kiến ngoài ra không ai có ý kiến gì.

Từ tháng 01-2017 đến hết tháng 04-2018 giá heo xuống thấp kỷ lục. Để duy trì đàn heo cho hai trại heo, cả bốn ông đã nhờ Công ty hỗ trợ bỏ vốn gánh lỗ trước cho các ông này, sau đó sẽ trừ dần vào tiền bán heo khi có lãi. Trong khoảng thời gian khủng hoảng này cả 4 ông vẫn thỉnh thoảng xuống thăm trại heo nhưng đều không hỏi han đến việc Công ty đang phải gánh lỗ hộ bao nhiêu, cũng không nói gì đến việc góp thêm vốn để trả bớt công nợ cho Công ty, đồng thời cũng không nghĩ đến việc dừng nuôi heo để tránh lỗ, mọi việc đều phó mặc hết cho Công ty tự gánh, tự duy trì hoạt động của hai trại heo này.

Tháng 05-2018, giá heo có chuyển biến tốt, việc nuôi heo đã bắt đầu có lãi trở lại. Tuy nhiên, các khoản nợ từ trước và khoản lỗ mà Công ty gánh giúp cho bốn ông tính từ 09-2016 đến hết ngày 17-9-2018 là 33.111.204.722 đồng, do khoản lỗ tăng cao nên ông Đ muốn thoái vốn rút ra nhưng ông I, ông Q, ông T không đồng ý.

Nhận thấy, việc giữa 4 ông có sự bất đồng quan điểm mà khoản nợ của Công ty chưa thu hồi được, cho nên tháng 10-2018 Công ty đã đề nghị cả bốn ông và Công ty cùng ngồi họp lại để bàn bạc thống nhất cách giải quyết thanh toán khoản công nợ còn tồn đọng mà Công ty đang gánh giúp bốn ông. Tại cuộc họp ngày 20- 10-2018 tại Công ty các bên bàn bạc và thông báo, thống nhất một số nội dung sau:

- Ông Q, ông I, ông T thông báo ông I và ông T đã chuyển toàn bộ phần góp vốn của hai ông qua cho ông Q.

- Công ty thông báo cho các bên biết tình hình chăn nuôi heo và thông báo công nợ của bốn ông với Công ty (Đã gửi bảng kê chỉ tiết cho bốn ông tại cuộc họp).

- Các bên đều thống nhất sẽ để cho Công ty tiếp tục nuôi heo thịt trên hai trại của ông Q và ông Đ (Do ông I và ông T đã sang nhượng cổ phần), Công ty vẫn tiếp tục đầu tư và tự thu để khấu trừ công nợ cho tới hết tháng 05-2020. Tới hết tháng 05-2020, công nợ giữa Công ty và hai ông sẽ được xoá hết, Công ty sẽ trao trả toàn bộ trại heo và đất cho ông Q và ông Đ tự kinh doanh.

- Các bên có lập biên bản ghi nội dung cuộc họp, tuy nhiên ông Đ lấy lý do bận việc nên về trước mà không ký biên bản, chỉ có ông Q là người chiếm 77% vốn góp ký tên.

Như vậy, khoản tiền 171.000.000 đồng là tiền heo, cám, thuốc... còn lại của ông Đ khi ông Đ “Cổ phần” cho ông Q, ông I, ông T thì phải yêu cầu ba ông này trả chứ Công ty không có cổ phần trong đó để mà có nghĩa vụ phải trả cho ông Đ.

Đối với khoản tiền 1.043.300.000 đồng theo lời khai của ông Đ góp vốn xây dựng “Trại số 2” thì bây giờ “Trại số 2” đã được xây dựng xong và đang hoạt động. Đây là tài sản của ông Q và ông Đ nằm trên đất của ông Q và ông Đ chứ không phải của Công ty. Khi góp vốn làm ăn thì “Lời ăn lỗ chịu” và việc góp vốn này ông Đ góp với ông Q, ông I, ông T chứ không phải góp vốn làm ăn với Công ty nên ông Đ không thể yêu cầu Công ty phải trả cho ông Đ bất cứ một khoản tiền góp vốn hợp tác làm ăn với người khác của ông Đ.

Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Đ về việc yêu cầu Công ty L trả số tiền 01 tỷ đồng theo biên bản làm việc ngày 0-10-2018, Công ty L không đồng ý. Vì ông Đ không đồng ý với nội dung buổi làm việc này nên bỏ về trước và không ký vào biên bản. Sau khi các bên thỏa thuận theo biên bản làm việc ngày 20-10-2018, đến tháng 12-2018, ông Đ đã khởi kiện Công ty yêu cầu chấm dứt thỏa thuận việc nuôi heo chung, buộc Công ty trả lại 02 trại heo cho ông Đ. Ông Đ còn tố cáo Công ty L tại Công an huyện M gây rất nhiều khó khăn cho Công ty trong hoạt động nuôi heo. Do vậy, Công ty không đồng ý trả tiền cho ông Đ. Mặt khác, ông Đ cho rằng 01 tỷ đồng là tiền ông Đ góp vốn xây dựng Trại heo số 2, hiện nay Công ty đã giao trả Trại heo này cho ông Q nên nếu ông Đ muốn rút lại số tiền đã góp vốn này thì phải liên hệ ông Q, không liên quan đến Công ty L.

Do vậy, đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện nêu trên của ông Đ.

Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Đ về việc bồi thường do chặt phá cây nhãn, lấn chiếm đất xây dựng trại cá chình và chấm dứt việc khai thác cát trái phép: Do ông Đ đã rút các yêu cầu khởi kiện này nên Công ty không có ý kiến.

Ngày 15-10-2019, Công ty L có đơn phản tố, yêu cầu ông Đỗ Đình Đ phải trả cho Công ty tổng số tiền là 8.277.801.180 đồng, tương ứng với 25% tổng số nợ còn lại là 33.111.204.722 đồng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn Q trình bày:

Đầu năm 2016, ông Q và ông I cùng nhau hợp tác với Công ty L để nuôi heo, ban đầu các bên thỏa thuận chăn nuôi trên đất của Công ty nhưng vào thời điểm đó ông Đ có ý định bán đất. Khi biết ông Đ bán đất thì ông B giám đốc Công ty L có nói chuyện gì đó với ông Đ. Sau khi nói chuyện xong ông Đ đồng ý bán đất lại cho 3 người cổ đông ban đầu gồm ông Q, ông T, ông I. Một tuần sau, ông B có mời ông Q, ông T, ông I, ông Đ đến Công ty để bàn bạc việc mua bán đất và tài sản gắn liền trên đất. Sau khi bàn bạc, ông Đ đồng ý bán, ông Q không nhớ chính xác số tiền ông Đ bán. Được sự đồng ý của ông Đ các bên tiến hành giao dịch mua bán đất của ông Đ và phân chia cổ đông nhưng tại thời điểm đó ông Đ có giữ lại 25% trên tổng số giá trị ban đầu mà ông Đ bán đất. Sau đó, ông Q chuyển tiền thanh toán 75% giá trị tài sản là đất, tài sản trên đất cho ông Đ.

Nội dung thỏa thuận của 4 người gồm ông Q, ông Thắng, ông Ích, ông Đ để ông Q đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cử ông Q làm người đại diện để quản lý, giao dịch với Công ty L. Ban đầu do ông T, ông I chưa đủ điều kiện kinh tế để góp vốn nên ông Q ứng toàn bộ số tiền của 3 người (Ông Q, ông I, ông T) để mua lại 75% đất và tài sản trên đất của ông Đ. Ông T từ trước đến nay không hề bỏ tiền mặc dù có thỏa thuận ban đầu. Khoảng 6 tháng sau khi góp vốn thì phát sinh một khoảng tiền hơn 600.000.000 đồng, cụ thể bên phía Công ty T thông báo cho ông Đ công nợ cũ gì đó mà 4 người còn thiếu nên phải thanh toán thêm. Khi đó ông I có chuyển cho ông Q khoảng 190.000.000 đồng mục đích trả tiền phát sinh này, ông Q chuyển lại số tiền khoảng 190.000.000 đồng của ông I và chuyển luôn 171.000.000 đồng của ông Q cho ông Đ, tương ứng 50% tỷ lệ góp vốn phát sinh, còn việc nợ như thế nào thì ông Q không rõ.

Ban đầu các bên chăn nuôi trên trại heo cũ của ông Đ do Công ty L quản lý, sử dụng và chăn nuôi, còn 4 người góp vốn không trực tiếp chăn nuôi. Năm 2017, ông B nói xây thêm trang trại lớn, lạnh để chăn nuôi có hiệu quả và đầu tư trang trại khoảng 4 tỷ hơn, ông Q có góp 1 tỷ và nghe ông Đ nói có chuyển 1 tỷ; còn phần ông I, ông T thì do ông B góp. Sau khi xây hoàn thiện trại heo không biết chi phí xây hết bao nhiêu nhưng các bên có biết mỗi người góp 1 tỷ và ông B nói do ông B cho gạch riêng để xây. Sau khi hoàn thiện trại heo thì tiến hành chăn nuôi bình thường.

Từ khi làm trại cho đến khi tổ chức cuộc họp ngày 20-10-2018, ông Q không nhận được bất cứ báo cáo, email nào của Công ty L thông báo về việc chăn nuôi bị thua lỗ. Tại cuộc họp này, Công ty L mới thông báo số lỗ hơn 30 tỷ. Từ đây bắt đầu có mâu thuẫn giữa các bên. Sau một thời gian nói chuyện, ông Đ bỏ về nói để kiểm tra chi tiết lời lỗ, còn lại ông Q, ông T, ông I và ông B. Lúc đó, ông Q đồng ý giao lại trại heo cho Công ty L tự kinh doanh đến tháng 05-2020 và yêu cầu Công ty trả lại số tiền đã góp vốn ban đầu cho ông Q và ông Đ. Còn ông I, ông T do ông B đã ứng ra trước nên không phải trả lại. Ông B đồng ý với phương án của ông Q.

Tháng 05-2020, ông B đã chuyển khoản cho ông Q 01 tỷ đồng tiền ông Q góp vốn và ông B cũng đã bàn giao lại đất, trại heo và tài sản trên đất cho ông Q quản lý, sử dụng.

Phần 25% vốn góp của ông Đ trị giá là 2.850.000.000 đồng, ông Q đồng ý mua lại của ông Đ và đã trả trước cho ông Đ 500.000.000 đồng. Hiện nay, ông Q còn nợ ông Đ là 2.350.000.000 đồng, bao gồm đất, tài sản trên đất và cả 01 tỷ đồng ông Đ góp vào để xây dựng trại heo lạnh.

Tính đến hiện nay, ông B đã trả cho ông Đ 01 tỷ đồng theo nội dung cuộc họp cổ đông năm 2018 hay chưa thì ông Q không rõ.

Ông Q thừa nhận hiện nay Công ty L đã bàn giao 02 trại chăn nuôi heo, trại cá chình, cùng toàn bộ đất và tài sản trên đất cho ông Q quản lý, sử dụng. Ông Q đề nghị Công ty L thanh toán cho ông Đ số tiền 01 tỷ đồng theo biên bản làm việc ngày 20-10-2018 để chấm dứt việc nuôi heo chung giữa ông Đ và công ty L.

Ông Q không có yêu cầu độc lập gì trong vụ án, nếu có yêu cầu ông Q sẽ khởi kiện bằng vụ án khác.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lưu Thị Kim T vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng và không có lời khai tại Tòa án.

Người làm chứng ông Phạm Văn M trình bày: Khoảng tháng 10-2018, ông M thấy hiện tượng nhãn trên đồi của ông Q bị chết (Thời điểm đó ông M không biết đồi của ai). Ông M có hỏi ông Đ đốn nhãn đó để trồng nhãn xuồng, ông Đ đồng ý. Khi ông M đốn gần hết nhãn, ông Q có xuống đất hỏi lý do tại sao đốn thì ông M nói đã hỏi ông Đ. Sự việc sau đó thì hoàn toàn ông M không biết. Nay các bên khởi kiện, ông M không có ý kiến gì và đề nghị Tòa án cho xét xử vắng mặt.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đỗ Đình Đ về việc yêu cầu Công ty L bồi thường thiệt hại về giá trị số cây nhãn, điều do Công ty trách nhiệm hữu hạn L chặt phá là 1.000.000.000 đồng; yêu cầu Công ty L chấm dứt việc xây dựng, khai thác cát trái phép trên thửa số 240, 260, tờ bản đồ số 05 và thửa số 348, tờ bản đồ số 04 tọa lạc tại xã T và khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Đình Đ về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn L.

Chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa ông Đỗ Đình Đ và Công ty trách nhiệm hữu hạn L (Ông Vũ Ngọc B làm đại diện).

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn L (Ông Vũ Ngọc B làm đại diện) có nghĩa vụ thanh toán cho ông Đỗ Đình Đ số tiền là 1.000.000.000 đồng và số tiền lãi là 232.400.000 đồng, tổng cộng là 1.232.400.000 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ trả tiền lãi do chậm thi hành án, án phí, chi phí đo đạc, định giá và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 09-3-2021, bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn L có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn ông Đỗ Đình Đ (do ông Phan Minh Đ đại diện) giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn L giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Đơn kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn L nộp trong thời hạn luật định. Những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định. Những đương sự có mặt tại phiên tòa đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH L, sửa bản án sơ thẩm về phần tính tiền lãi trên số tiền 1.000.000.000 đồng mà Công ty L phải trả cho ông Đ, chỉ tính lãi từ ngày 01-11- 2020 đến ngày xét xử sơ thẩm, theo đúng thỏa thuận tại biên bản làm việc ngày 20- 10-2018 với mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo của bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn L nộp trong thời hạn luật định nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lưu Thị Kim T vắng mặt không rõ lý do dù đã được triệu tập lần thứ 2. Do vậy, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, xử vắng mặt đương sự này.

[1.3] Về việc xác định tư cách tố tụng: Cấp sơ thẩm xác định Công ty TNHH N là người làm chứng trong vụ án là không phù hợp quy định tại Điều 77 Bộ luật tố tụng dân sự. Vì người làm chứng phải là cá nhân cụ thể, biết được các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án, còn Công ty N là một pháp nhân, không phải là cá nhân cụ thể nào nên không thể là người làm chứng.

Mặt khác, trong vụ án này, ông Phạm Trường G đã tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn nhưng cấp sơ thẩm vẫn xác định ông G là người làm chứng trong vụ án là không phù hợp. Mặc dù đưa Công ty N và ông G làm người làm chứng nhưng trong hồ sơ vụ án không ghi nhận bất cứ lời khai làm chứng nào của các chủ thể này. Đây là những sai sót về tố tụng nhưng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[1.4] Trong vụ án này, theo thỏa thuận ban đầu về việc góp vốn xây dựng Trại heo có sự tham gia của ông Nguyễn Thế I và ông Nguyễn Văn T. Tuy nhiên, theo lời khai xác nhận của ông Đ, ông Q và đại diện Công ty L thì trên thực tế, ông I, ông T không bỏ tiền ra góp vốn, các khoản góp của hai người này đều do ông Q và Công ty L bỏ ra. Khi giữa các bên xảy ra mâu thuẫn, ông I và ông T đã xin rút khỏi thỏa thuận hợp tác. Thực tế, trong biên bản làm việc ngày 20-10-2018 mà ông Đ dùng làm căn cứ khởi kiện cũng thể hiện việc ông T đã rút vốn và hai người này cũng không ký vào biên bản làm việc này. Cấp sơ thẩm đã nhiều lần yêu cầu các đương sự cung cấp địa chỉ cụ thể của ông I, ông T để triệu tập tham gia tố tụng nhưng các đương sự không cung cấp được. Do vậy, cấp sơ thẩm không đưa ông I, ông T vào làm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là phù hợp. Mặt khác, vụ án này chỉ giải quyết yêu cầu chấm dứt quan hệ hợp tác nuôi heo giữa ông Đ và Công ty L, không giải quyết quan hệ góp vốn giữa ông Đ, ông Q, ông I và ông T. Nếu giữa những người này phát sinh tranh chấp về hợp đồng góp vốn thì có quyền khởi kiện vụ án khác theo quy định của pháp luật.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty L:

[2.1] Trong đơn khởi kiện và các lời khai ban đầu, nguyên đơn ông Đ yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết nhiều yêu cầu liên quan đến việc hợp tác nuôi heo giữa ông Đ với Công ty L. Tuy nhiên, tại Đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 27-11-2020 (Bl 05a), ông Đ chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết hai nội dung: Chấm dứt thỏa thuận nuôi heo giữa ông Đ và Công ty L và buộc Công ty L trả cho ông Đ số tiền 1.000.000.000 đồng theo thỏa thuận ngày 20-10-2018 và lãi suất theo quy định từ ngày 20-10-2018 đến nay. Các yêu cầu khởi kiện khác ông Đ xin rút và sẽ khởi kiện bằng vụ án khác. Do vậy, quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp hợp đồng hợp tác như cấp sơ thẩm xác định là hoàn toàn phù hợp. Đối với thỏa thuận góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất và đầu tư xây dựng các Trại heo giữa ông Đ, ông Q và ông I, ông T là một quan hệ khác và các bên không yêu cầu giải quyết trong vụ án này nên cấp sơ thẩm không giải quyết là phù hợp.

[2.2] Xét yêu cầu thứ nhất của ông Đ về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác:

Theo lời khai thống nhất của nguyên đơn, bị đơn và ông Q thì thỏa thuận hợp tác nuôi heo đầu tiên phát sinh giữa cá nhân ông Đ với Công ty L vào tháng 03- 2016. Sau đó ông Q, ông I, ông T có thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại một phần quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là Trại heo số 1 từ ông Đ với tỷ lệ mỗi người 25% (thực tế phần của ông I, ông T là do ông Q ứng trước). Sau khi thỏa thuận góp vốn này được thực hiện thì các ông Đ, Q, I, T thống nhất thỏa thuận với Công ty L về việc hợp tác chăn nuôi heo thịt để bán ra thị trường. Mặc dù không được lập thành văn bản nhưng các bên tham gia đều thừa nhận có sự thỏa thuận bằng lời nói về việc hợp tác này và các bên đã thực hiện thỏa thuận trên thực tế, thể hiện bằng việc các ông Đ, Q, I, T đã giao toàn bộ quyền sử dụng đất và Trại heo thứ nhất cho Công ty L đầu tư nuôi heo, sau đó mỗi người góp thêm 01 tỷ đồng để xây dựng Trại heo thứ 02 và cũng giao cho Công ty L đầu tư nuôi heo. Vì vậy, có căn cứ để kết luận hợp đồng hợp tác (thỏa thuận miệng) giữa Công ty L với ông Đ và ông Q là có thật và đã được các bên thực hiện trên thực tế.

Tuy nhiên, giữa các bên không thỏa thuận rõ ràng, cụ thể bằng văn bản về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên, trong đó có việc báo cáo kết quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận, gánh chịu rủi ro... Điều này dẫn đến sự không minh bạch, đồng thuận trong quá trình kinh doanh. Đến tháng 10-2018, khi các bên phát sinh mâu thuẫn và tổ chức cuộc họp để bàn bạc cách thức chấm dứt quan hệ hợp tác này. Do ông Đ bỏ về trước nên không đi đến thống nhất với những người còn lại. Tại biên bản làm việc ngày 20-10-2018, ông Q và Công ty L (ông B đại diện) đã thống nhất để Công ty L tiếp tục sử dụng 02 trại heo để nuôi heo đến hết tháng 05-2020 nhằm thu hồi vốn; sau thời điểm này, Công ty L phải bàn giao lại 02 trại heo cho ông Q. Hiện nay, Công ty L đã giao trả 02 Trại heo cho ông Q quản lý, sử dụng và hai bên đã chấm dứt việc hợp tác nuôi heo. Riêng ông Đ, do không tham gia ký kết thỏa thuận trên nên ông Đ mới khởi kiện yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng hợp tác nuôi heo giữa ông với Công ty L. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Công ty L và ông Q cũng đồng ý với yêu cầu này của ông Đ. Do vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ về việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác nuôi heo với Công ty L là hoàn toàn có căn cứ. Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất giữ nguyên phần này của bản án sơ thẩm.

[2.3] Xét yêu cầu của ông Đ về việc buộc Công ty L trả số tiền 01 tỷ đồng và tiền lãi trên số tiền này.

Quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, ông Đ thừa nhận: Đối với Trại heo thứ nhất, ông Đ và ông Q, ông I, ông T đã thỏa thuận thanh toán phần vốn góp với nhau xong và không liên quan gì đến Công ty L. Số tiền 01 tỷ đồng mà ông Đ yêu cầu Công ty L trả theo biên bản làm việc ngày 20-10-2018 chính là khoản tiền ông đã góp để xây dựng Trại heo thứ 2. Ông Đ cũng thừa nhận, tổng chi phí xây dựng trại heo thứ 2 này là 4 tỷ đồng, do ông và ông Q, ông I, ông T góp mỗi người 01 tỷ để xây dựng (trong đó phần của ông I và ông T do ông B nộp thay), Công ty L không góp tiền xây dựng Trại heo này mà chỉ đứng ra xây dựng Trại heo giúp cho bốn ông vì Công ty có sẵn vật liệu, công nghệ và nhân công. Trại heo này cũng được xây dựng trên phần đất thuộc quyền sử dụng của ông Q và ông Đ. Do vậy, Trại heo này là tài sản chung của ông Đ, ông Q, ông I và ông T. Khi ông I và ông T rút vốn thì thuộc quyền sở hữu của ông Q và ông Đ, không phải là tài sản của Công ty L. Lời khai này của ông Đ được ông Q và đại diện Công ty L xác nhận là đúng. Vì vậy, đủ cơ sở khẳng định số tiền 01 tỷ đồng mà ông Đ yêu cầu Công ty L trả chính là khoản ông Đ góp vốn cùng ông Q để xây dựng Trại heo số 2.

[2.4] Nguyên đơn đưa ra yêu cầu Công ty L trả khoản tiền 01 tỷ đồng là căn cứ vào nội dung Biên bản làm việc ngày 20-10-2018 do bị đơn cung cấp (Bl 75F, 76). Xét biên bản này ghi nhận sự thỏa thuận như sau:

1. L sẽ tiếp tục sử dụng Trại chăn nuôi đến hết tháng 05-2020 sau đó sẽ bàn giao lại Trại cho ông Q.

2. L sẽ thanh toán cho ông Q và ông Đ mỗi người 01 tỷ đồng (phần tiền này sẽ được L thanh toán hết vào tháng 10/2020)”.

Mặc dù phần đầu biên bản này ghi thành phần tham gia cuộc họp có sự tham gia của ông Đ, ông Q, ông I, ông T và đại diện Công ty L, nhưng phần cuối biên bản chỉ có chữ ký ghi họ tên ông Lê Văn Q và ông Vũ Ngọc B, không có chữ ký của ông Đ, ông T và ông I. Các bên đều khai thống nhất là tại cuộc họp ngày 20- 10-2018, ban đầu ông Đ có tham gia, nhưng khi nghe Công ty L thông báo việc nuôi heo lỗ trên 33 tỷ đồng thì ông Đ không đồng ý và đã bỏ về trước, không tham gia họp tiếp. Vì vậy, những nội dung thỏa thuận sau đó giữa các bên không có sự tham gia của ông Đ và ông Đ không ký vào biên bản này. Ông Q khai sau khi ông Đ bỏ về, ông Q với tư cách là người góp vốn nhiều nhất (75%) nên đã tự đứng ra thỏa thuận với Công ty L những nội dung trên, việc này không có sự bàn bạc với ông Đ và không có sự ủy quyền của ông Đ. Sau khi ký biên bản khoảng 02-03 tháng, ông Q mới thông báo nội dung biên bản này cho ông Đ biết.

[2.5] Xét, thỏa thuận góp vốn giữa ông Đ, ông Q, ông I, ông T là thỏa thuận giữa 4 cá nhân với nhau để cùng bỏ tiền xây dựng trại heo, sau đó hợp tác với Công ty L nuôi heo. Sự thỏa thuận này cũng không lập thành văn bản, các bên không thành lập doanh nghiệp, không thỏa thuận rõ về quyền, nghĩa vụ của từng người cũng như việc ai là đại diện cho bốn người trong mối quan hệ với bên thứ 3. Khi ông T và ông I rút vốn, ông Q và ông Đ cũng chưa có sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi người. Vì vậy, ông Q không phải là người đại diện cho ông Đ, không được quyền thay mặt ông Đ thỏa thuận với Công ty L về toàn bộ tài sản chung của hai người khi chưa có sự ủy quyền của ông Đ. Do đó, thỏa thuận tại biên bản làm việc ngày 20-10-2018 ký giữa ông Q và Công ty L là sự thỏa thuận riêng giữa ông Q và Công ty L, không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với ông Đ. Khi được ông Q thông báo về nội dung biên bản làm việc này, ông Đ cũng không đồng ý với thỏa thuận trong biên bản, không chấp nhận thực hiện theo đúng thỏa thuận này. Cụ thể, trong biên bản làm việc ngày 20-10-2018 đã thỏa thuận Công ty L được tiếp tục sử dụng Trại chăn nuôi đến hết tháng 05-2020 sau đó sẽ bàn giao lại Trại cho ông Q, nhưng ngày 20-12-2018 (02 tháng sau), ông Đ đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, yêu cầu chấm dứt việc thỏa thuận nuôi heo chung, buộc Công ty L trả lại tiền vốn góp và trả lại 02 trại heo cho ông Đ toàn quyền sử dụng (Bl 03-05). Trước đó, ngày 14-11-2018, ông Đ cũng đã nộp đơn tố giác tội phạm tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Xuyên Mộc, tố cáo ông Vũ Ngọc B - Giám đốc Công ty L có hành vi sử dụng trái phép tài sản, xây dựng công trình, khai thác cát trái phép trên đất của của ông Đ và ông Q. Điều này đã gây cản trở và khó khăn cho việc nuôi heo của Công ty L tại hai Trại heo trên. Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty L xác nhận sau khi bị ông Đ khởi kiện và tố cáo, Công ty này không thể thực hiện được việc nuôi heo bình thường như trước đó.

[2.6] Mặt khác, thỏa thuận tại Biên bản làm việc ngày 20-10-2018 là thỏa thuận song vụ, mỗi bên đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng thỏa thuận. Nghĩa vụ của bên này tương ứng với quyền của bên kia và ngược lại. Công ty L có quyền sử dụng 02 Trại heo của ông Q, ông Đ để nuôi heo đến tháng 05- 2020 thì mới có nghĩa vụ trả cho mỗi người 1 tỷ đồng. Ngược lại, ông Q, ông Đ phải đồng ý cho Công ty L sử dụng 02 trại heo của mình đến hết tháng 05-2020 để nuôi heo thì mới được nhận mỗi người 01 tỷ đồng từ Công ty L.

Nhưng như trên đã phân tích, ông Đ không tham gia ký kết thỏa thuận ngày 20-10-2018, không thừa nhận quyền của Công ty L theo thỏa thuận này cũng có nghĩa là không thừa nhận quyền của chính mình; đồng thời ông Đ cũng không thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận này mà có nhiều biện pháp nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho Công ty L trong việc thực hiện quyền của họ. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để buộc Công ty L phải thực hiện nghĩa vụ trả 01 tỷ đồng cho ông Đ như nội dung biên bản làm việc ngày 20-10-2018.

Việc Công ty L chấp nhận trả số tiền 1 tỷ đồng cho ông Q theo biên bản làm việc trên là do ông Q đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, khác hoàn toàn với trường hợp của ông Đ.

[2.7] Mặt khác, ông Đ và ông Q đều thừa nhận 02 Trại heo là tài sản chung của ông Q và ông Đ cùng góp vốn xây dựng (sau khi ông I, ông T rút vốn). Nay ông Q xác nhận tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm là đã được Công ty L giao trả lại 02 trại heo này và ông Q đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Ông Q cũng xác nhận đã thỏa thuận mua lại phần vốn góp 25% của ông Đ tại 02 trại heo này bao gồm cả quyền sử dụng đất và tài sản trên đất với giá 2.850.000.000 đồng, trong đó bao gồm có cả phần 01 tỷ đồng ông Đ đã góp vào Trại heo thứ 2. Hiện ông Q đã trả trước cho ông Đ 500.000.000 đồng, còn nợ 2.350.000.000 đồng. Điều này cho thấy, số tiền 01 tỷ đồng ông Đ góp vào Trại heo thứ 2 đã được dùng để xây dựng Trại heo này và đây là tài sản chung của ông Đ, ông Q và hiện ông Q đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Trường hợp, ông Đ muốn lấy lại 1 tỷ đồng trên thì có thể thỏa thuận với ông Q về việc rút vốn. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì ông Đ có quyền khởi kiện ông Q trong một vụ án khác theo quy định của pháp luật.

[2.8] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận: Yêu cầu khởi kiện của ông Đ về việc buộc bị đơn trả 01 tỷ đồng theo biên bản làm việc ngày 20-10-2018 là không có căn cứ nên không được chấp nhận. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn về nội dung này, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không phù hợp với nhận định nêu trên của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[2.9] Đối với các yêu cầu khởi kiện khác của ông Đ về việc yêu cầu Công ty L bồi thường thiệt hại 01 tỷ đồng giá trị số cây nhãn, điều bị chặt phá; yêu cầu Công ty L chấm dứt việc xây dựng, khai thác cát trái phép trên thửa đất số 240, 260 tờ bản đồ số 5 và thửa 348 tờ bản đồ số 04 xã T, huyện M và khôi phục lại hiện trạng ban đầu: Do ông Đ đã tự nguyện rút các yêu cầu này nên cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết các yêu cầu này của nguyên đơn là phù hợp quy định pháp luật.

[2.10] Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn: Công ty L có yêu cầu phản tố đối với ông Đ, nhưng do Công ty không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm nên cấp sơ thẩm không thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn là phù hợp quy định của pháp luật. Công ty có quyền khởi kiện vụ án khác đối với ông Đ theo quy định của pháp luật, nếu có yêu cầu.

[3] Về chi phí tố tụng và án phí:

[3.1] Về chi phí tố tụng: Tổng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 3.000.000 đồng. Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận và nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện làm phát sinh các chi phí này nên nguyên đơn phải chịu toàn bộ chi phí này và đã nộp xong.

[3.2] Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 48.972.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền 38.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp. Ông Đ còn phải nộp 10.972.000 đồng án phí sơ thẩm.

Công ty L không phải nộp án phí sơ thẩm.

- Án phí dân sự phúc thẩm:

Kháng cáo của Công ty L được chấp nhận nên Công ty không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn L, sửa bản án sơ thẩm.

Căn cứ khoản 3 điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 40, Điều 157, Điều 165, Điều 227, Điều 228, Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 504, 508, 512 Bộ luật dân sự; các điều 26, 27, 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đỗ Đình Đ về việc yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn L (Ông Vũ Ngọc B làm đại diện) bồi thường thiệt hại về giá trị số cây nhãn, điều do Công ty trách nhiệm hữu hạn L chặt phá là 1.000.000.000 (một tỷ) đồng; Yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn L chấm dứt việc xây dựng, khai thác cát trái phép trên thửa số 240, 260, tờ bản đồ số 05 và thửa số 348, tờ bản đồ số 04 tọa lạc tại xã T và khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Đình Đ về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn L.

Chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh (thỏa thuận miệng) giữa ông Đỗ Đình Đ và Công ty trách nhiệm hữu hạn L (ông Vũ Ngọc B làm đại diện).

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Đình Đ về việc buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn L thanh toán cho ông Đ số tiền 1.000.000.000 đồng và tiền lãi là 232.400.000 đồng, tổng cộng là 1.232.400.000 (một tỷ hai trăm ba mươi hai triệu bốn trăm ngàn) đồng.

4. Vê chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và đinh gia tài sản:

Ông Đỗ Đình Đ phải chịu 3.000.000 (ba triệu) đồng và đã nộp xong.

5. Về án phí:

5.1. Án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Đỗ Đình Đ phải nộp 48.972.000 (bốn mươi tám triệu, chín trăm bảy mươi hai ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, được khấu trừ số tiền 38.000.000 (ba mươi tám triệu) đồng tạm ứng án phí đã nộp, theo biên lai thu tiền số 0006504 ngày 20-12-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện M, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Đ còn phải nộp 10.972.000 (mười triệu chín trăm bảy mươi hai ngàn) đồng án phí sơ thẩm.

5.2. Án phí dân sự phúc thẩm:

Công ty trách nhiệm hữu hạn L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được hoàn trả 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp, theo biên lai thu tiền số 0009186 ngày 10-3-2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện M, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

5. Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (05-01- 2022).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

291
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác số 02/2022/DS-PT

Số hiệu:02/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về