Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng số 01/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BA BỂ – TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 01/2022/DS-ST NGÀY 29/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KHAI THÁC VÀNG SA KHOÁNG

Ngày 29 tháng 9 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 10/2021/TLST-DS, ngày 05 tháng 01 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2022/QĐXXST-DS, ngày 05 tháng 8 năm 2022 giữa:

* Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1952. Có mặt Trú tại: TK, thị trấn C, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Văn H:

Ông Đinh Xuân D - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Có mặt

* Bị đơn:

- Ông Nguyễn Công Q, sinh năm 1966 Cư trú tại: TK, thị trấn C, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

- Ông Trịnh Văn L, sinh năm 1960 Cư trú tại: TK, thị trấn C, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

(Các bị đơn đều vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt)

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Văn Đ. Địa chỉ: TK, thị trấn C, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Vắng mặt.

* Người làm chứng:

1. Ông Đặng Trọng H - sinh năm 1966 Địa chỉ: TK, thị trấn C, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

2. Bà Vi Thị C - sinh năm 1966 Địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

3. Ông Nguyễn Hữu Tn (tức Nguyễn Văn T) - sinh năm 1971 Địa chỉ: TK, thị trấn C, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. (Những người làm chứng đều vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai, hòa giải và tại phiên tòa, nguyên đơn Nguyễn Văn H trình bày như sau:

Năm 1991, 1992 ông H mua 02 mảnh đất tại khu B, thôn T, xã A, huyện Ba Bể, tỉnh Cao Bằng (Nay là huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn). Khi mua có giấy mua bán đất với các chủ đất (giấy mua bán đánh máy và có chữ ký của người bán, người mua, người làm chứng và xác nhận của UBND xã A ngày 29/7/1992 và ngày 10/7/1992). Năm 1999 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai thửa đất trên.

Cùng thời điểm năm 1992, ông L và ông Q cũng đang khai thác vàng tại xã A. Ông H có thỏa thuận bằng miệng với ông L và ông Q về việc khai thác vàng sa khoáng chung và chia nhau vàng sau khi trừ đi chi phí khai thác, việc thoả thuận không được lập thành biên bản, không có người làm chứng. Theo ông H thì chỉ có ông H, ông Q, ông L biết. Thời điểm đó, UBND xã A cho phép khai thác vàng chia làm 03 đợt. Lần 1 vào cuối tháng 10/1992 ông H khai làm được 30 cây, sau khi trừ chi phí ông H được chia 5 chỉ vàng, ông H trực tiếp nhận vàng từ ông L, ông Q và không ai làm chứng việc ông Q, ông L đưa vàng. Lần thứ 2 khai thác từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1993; lần thứ 3 khai thác từ tháng 01 đến tháng 5 năm 1994 (âm lịch) nhưng ông H chưa được chia vàng, lý do khi khai thác vàng ông H không được chứng kiến việc rửa vàng thu sản phẩm vàng sa khoáng là vì thời điểm đó bố ông H ốm nặng, ông H về thăm bố và sau đó bố ông chết, ông H về quê chịu tang và bị tai nạn vào thời điểm giỗ 49 ngày của bố ông H nên ông H cũng không biết cụ thể là khai thác được bao nhiêu cây vàng.

Theo ông H, trong giai đoạn ông L và ông Q khai thác rửa vàng (cụ thể là lần 2 và lần 3) trên đất của ông H được khoảng 700 cây vàng, vì ông cho rằng đất của ông có rất nhiều vàng. Tài liệu chứng minh là ông H lấy ý kiến của 15 người không thân với ông L, ông Q về số vàng khai thác được là khoảng 300 cây và ông H căn cứ vào các tài liệu đó để khởi kiện ông L, ông Q. Tuy nhiên, nay khởi kiện ông H chỉ yêu cầu ông Q và ông L phải có nghĩa vụ liên đới trả cho ông H số vàng là 60 cây vàng, tương đương với số tiền theo giá trị vàng tại thời điểm khởi kiện là 5.000.000 đồng/chỉ vàng. Tương ứng với số tiền là: 3.120.000.000đ (ba tỉ một trăm hai mươi triệu đồng). Ông H yêu cầu lãi suất đối với số tiền trên do ông L, ông Q chậm thanh toán (từ năm 1992 đến năm 2021 là 26 năm): 04 chỉ vàng/01 tháng x 12 tháng = 4 cây 08 chỉ/năm x 26 năm = 125 cây vàng, tương đương: 6.500.000.000đ (sáu tỉ năm trăm triệu đồng). Tổng số tiền yêu cầu ông L và ông Q phải có nghĩa vụ trả cho ông Nguyễn Văn H là: 9.620.000.000 (chín tỉ, sáu trăm hai mươi triệu đồng).

* Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại phiên họp hòa giải, bị đơn Nguyễn Công Q trình bày:

Cuối năm 1992 - đầu năm 1993, ông Q có được khai thác vàng sa khoáng tại xã A. Ông Q được thỏa thuận khai thác vàng sa khoáng làm chung với ông Trịnh Văn L, không được thỏa thuận làm chung với ông Nguyễn Văn H.

Đất làm vàng thời điểm đó là do ông Trịnh Văn L mua của mẹ ông Bế Văn Q, việc làm vàng là công khai, có Ban quản lý khu khai thác vàng quản lý. Ông Trịnh Văn L là người đứng tên mua đất với mẹ của ông Bế Văn Q - B, xã A với diện tích khoảng 1000m2. Theo ông Q biết thì việc mua bán được lập biên bản viết tay vào cuối năm 1992. Giấy tờ mua bán đất khi đó đã nộp cho Ban quản lý bãi vàng để làm thủ tục khai thác vàng. Thời điểm khai thác vàng sa khoáng là từ cuối 1992 đến đầu năm 1993, làm trong khoảng từ 5-6 tháng, sau đó ông Q và ông L rút về không làm nữa.

Nay, ông Nguyễn Văn H yêu cầu khởi kiện ông Q và ông L trả lại cho ông Nguyễn Văn H tổng số tiền 9.620.000.000 (chín tỉ sáu trăm hai mươi triệu đồng) trong đó, tổng số vàng là 60 cây vàng tương đương 3.120.000.000 (ba tỉ một trăm hai mươi triệu đồng) và lãi suất trả chậm theo cổ phẩn tương đương 6.500.000.000đ (sáu tỉ năm trăm triệu đồng), ông Q không nhất trí. Ông Nguyễn Công Q khẳng định không có việc thoả thuận miệng hợp tác khai thác vàng sa khoáng (làm chung) với ông Nguyễn Văn H, không mua đất của ông Nguyễn Văn H, không khai thác vàng trên đất của ông Nguyễn Văn H và cũng không được thỏa thuận chia vàng với ông Nguyễn Văn H. Ông Q không nhất trí với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H.

* Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại phiên họp hòa giải, bị đơn Trịnh Văn L trình bày:

Cuối năm 1992 - đầu năm 1993, ông L có đi làm vàng sa khoáng tại xã A. Ông L khẳng định chỉ được thỏa thuận khai thác vàng sa khoáng làm chung với ông Nguyễn Công Q, không được thỏa thuận làm chung với ông Nguyễn Văn H, không liên quan gì đến đất, vàng như ông H khởi kiện.

Đất ông L mua để làm vàng thời điểm đó là do ông L đứng tên mua của mẹ ông Bế Văn Q – tại B, xã A với diện tích khoảng 1000m2. Việc mua bán được lập biên bản viết tay vào cuối năm 1992 với giá khoảng 6 cây vàng – ông L đưa tiền mặt cho chủ đất. Giấy tờ mua bán đất khi đó ông L đã nộp cho Ban quản lý bãi vàng để làm thủ tục khai thác vàng. Thời điểm khai thác vàng là từ cuối 1992 đến đầu năm 1993, làm trong khoảng từ 5-6 tháng, sau đó ông L và ông Qh rút về không làm nữa.

Nay, ông Nguyễn Văn H khởi kiện ông L và ông Q có nghĩa vụ liên đới trả cho ông Nguyễn Văn H tổng số tiền 9.620.000.000 (chín tỉ sáu trăm hai mươi triệu đồng) trong đó, tổng số vàng sa khoáng là 60 cây tương đương 3.120.000.000 (ba tỉ một trăm hai mươi triệu đồng) và lãi suất trả chậm theo cổ phần tương đương 6.500.000.000đ (sáu tỉ, năm trăm triệu đồng), ông L không nhất trí. Ông L khẳng định bản thân ông cũng như giữa ông và ông Q không có việc thoả thuận miệng cùng hợp tác khai thác vàng sa khoáng (làm chung) với ông Nguyễn Văn H, không mua đất của ông Nguyễn Văn H, không khai thác vàng trên đất của ông Nguyễn Văn H và cũng không được thỏa thuận chia vàng với ông Nguyễn Văn H. Ông L không nhất trí với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trần Văn Đ: Ông Trần Văn Đ đã được triệu tập hợp lệ, nhưng ông Đ không có mặt để lấy lời khai.

* Biên bản lấy lời khai, những người làm chứng trình bày như sau:

- Bà Vi Thị C là người có tên trong các tài liệu ông H cung cấp là người làm chứng được làm vàng tại xã A. Tuy nhiên, bà C khai chỉ được làm với ông L, ông Q không biết việc thỏa thuận làm chung việc khai thác vàng sa khoáng của ông H và ông L, ông Q. Khi làm vàng không biết về trình tự, thủ tục được cấp phép làm vàng và đất đai như thế nào, cũng không biết rõ về nguồn gốc đất đã khai thác vàng cho ông L, ông Q là của ai, không được cơ quan, tổ chức nào gọi để lấy ý kiến về tranh chấp ăn chia vàng khai thác được giữa ông H và ông L, ông Q. Nay được xem các tài liệu do ông H cung cấp tại Tòa án mới biết ông H có làm các biên bản đánh máy, chữ ký của người làm chứng nhưng không công nhận sự việc như đã xác nhận trong các văn bản trước đây. Do mấy năm gần đây ông H đã đến nhà nhiều lần, thấy phiền nên đã ký một số giấy tờ do ông H đánh máy nhưng không xem nội dung, mục đích thể hiện có đi làm vàng tại xã A.

- Ông Đặng Trọng H là người có tên trong các tài liệu ông H cung cấp là người làm chứng được làm vàng tại xã A. Tuy nhiên, chỉ được làm thuê cho ông L, ông Q. Ông H không biết việc thỏa thuận làm chung của ông Nguyễn Văn H và ông L, ông Q. Khi làm vàng không biết về trình tự, thủ tục được cấp phép làm vàng và đất đai như thế nào, không biết rõ về nguồn gốc đất đã khai thác vàng cho ông L, ông Q là của ai, không được cơ quan, tổ chức nào gọi để lấy ý kiến về tranh chấp ăn chia vàng khai thác được giữa ông H và ông L, ông Q. Nay được xem các tài liệu do ông H cung cấp tại Tòa án mới biết ông H có làm các biên bản đánh máy, chữ ký của người làm chứng nhưng ông H không công nhận sự việc như đã xác nhận trong các văn bản do thời điểm ông Nguyễn Văn H đưa cho ông ký tên thì ông cũng không đọc kỹ nội dung và không có chữ ký, đóng dấu của các cơ quan tổ chức như tài liệu ông H cung cấp trong hồ sơ.

- Ông Nguyễn Văn T (tức Nguyễn Hữu T) trình bày: Ông có mối quan hệ quen biết ông Nguyễn Văn H, không có mâu thuẫn gì và là người có tên trong các tài liệu ông H cung cấp là người làm chứng được làm vàng tại xã A. Tuy nhiên, ông T khẳng định chỉ được làm thuê cho ông L, ông Q, ông T không biết việc thỏa thuận làm chung của ông H và ông L, ông Q. Khi làm vàng không biết về trình tự, thủ tục được cấp phép làm vàng và đất đai như thế nào, không biết rõ về nguồn gốc đất đã khai thác vàng cho ông L, ông Q là của ai, không được cơ quan, tổ chức nào gọi để lấy ý kiến về tranh chấp ăn chia vàng khai thác được giữa ông H và ông L, ông Q. Nay được xem các tài liệu do ông H cung cấp tại Tòa án mới biết ông H có làm các biên bản đánh máy, chữ ký của người làm chứng trong đó có ông T, nhưng ông T không công nhận sự việc đã xác nhận trong các văn bản trước đây do ông T không đọc nội dung mà chỉ ký vào văn bản do ông H đánh máy sẵn.

Những người làm chứng do ông H cung cấp là: Ông Nguyễn Đông Pg, Ông Nguyễn Tiến N, Ông Nông Ngọc H (đã chết); Ông Diệp Văn B, Ông Nguyễn Đông D (đã chết); Ông Đặng Đình B; Ông Lê Văn Qu, Ông Lê Hg (đã chết); ông Hoàng Văn C, Trần Văn S, Lê Sỹ S, ông Nguyễn Văn T, ông Hoàng Văn T. Hiện nay một số người ông H cung cấp thông tin là đã chết và một số người ông H không cung cấp được địa chỉ cụ thể nên không tiến hành lấy được lời khai.

* Các tài liệu xác minh tại địa phương thể hiện: Có các thửa đất đứng tên ông Nguyễn Văn H tại xã A, nhưng UBND xã A không được nhận đơn và giải quyết đơn của ông Nguyễn Văn H về việc ông H có thỏa thuận miệng hợp tác khai thác vàng sa khoáng với ông Trịnh Văn L, ông Nguyễn Công Q và chưa chia nhau cổ phần là số vàng khai thác được như đơn khởi kiện của ông H hiện nay. Đồng thời cũng không có tài liệu, chứng cứ gì lưu trữ về nội dung sự việc này.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị HĐXX xem xét giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật và đề nghị miễn án phí dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn.

Tại phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và ý kiến về việc giải quyết vụ án.

* Về tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án cho đến khi xét xử, Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật tố tụng dân sự; các đương sự không bị hạn chế quyền tham gia tố tụng và thực hiện đúng quy định pháp luật về tố tụng. Các bị đơn vắng mặt tại phiên tòa nên không tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nên không tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

* Về yêu cầu khởi kiện của đương sự và đường lối giải quyết vụ án.

- Nguyên đơn Nguyễn Văn H khởi kiện các bị đơn Nguyễn Công Q và Trịnh Văn L cho rằng năm 1992 đến năm 1994 giữa các bên có thỏa thuận miệng làm chung với nhau cùng khai thác vàng sa khoáng tại xã A, huyện Pác Nặm, cụ thể là ông H có đất để khai thác vàng, ông Q, ông L góp máy móc, thuê quân để khai thác vàng trên chính mảnh đất mà ông Hải đã mua của người dân tại xã A và được sản phẩm là vàng sa khoáng sẽ chia nhau. Việc hợp tác giữa các bên là thỏa thuận miệng, không có người làm chứng. Theo ông H các bên đã thực hiện được việc hợp tác là khai thác lần 1 vào tháng 10/1992 và đã chia nhau số sản phẩm vàng. Sau đó các bên tiếp tục hợp tác để khai thác vàng. Lần thứ 2 khai thác từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1993; lần thứ 3 khai thác từ tháng 01 đến tháng 5 năm 1994 (âm lịch) nhưng ông H chưa được chia vàng. Lý do khi khai thác vàng ông H không được chứng kiến việc rửa vàng thu sản phẩm vàng sa khoáng là vì thời điểm đó bố ông H ốm nặng, ông H về thăm bố và sau đó bố ông chết, ông H về quê chịu tang và bị tai nạn vào thời điểm giỗ 49 ngày của bố ông Hải nên ông Hải cũng không biết cụ thể là khai thác được bao nhiêu cây vàng. Sau đó ông mới làm đơn đến UBND xã A và lấy được ý kiến của những người làm chứng (vào năm 1995) cho rằng thời điểm khai thác (lần 2 và lần 3) là được 300 cây vàng. Ông H xác định đây là số vàng khai thác được trên đất của ông và do ông Q, ông L đang nắm giữ, chưa chia cổ phần cho ông như đã thỏa thuận miệng trước đó nên ông H khởi kiện yêu cầu ông Q, ông L có nghĩa vụ liên đới trả cho ông 60 cây vàng, tương đương với số tiền là: 3.120.000.000đ (ba tỉ một trăm hai mươi triệu đồng) và lãi suất đối với số tiền trên do ông L, ông Q chậm thanh toán (từ năm 1992 đến năm 2021 là 26 năm): 04 chỉ vàng/01 tháng x 12 tháng = 4 cây 08 chỉ/năm x 26 năm = 125 cây vàng, tương đương: 6.500.000.000đ (sáu tỉ năm trăm triệu đồng). Tổng số tiền yêu cầu là: 9.620.000.000 (chín tỉ, sáu trăm hai mươi triệu đồng).

- Các bị đơn Nguyễn Công Q và Trịnh Văn L đều có lời khai khẳng định không được thỏa thuận miệng việc khai thác vàng làm chung với ông Nguyễn Văn H nên không có số lượng vàng như ông H khởi kiện. Không nhất trí với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Căn cứ đơn khởi kiện, lời khai của nguyên đơn cho rằng có việc thỏa thuận miệng với các bị đơn về việc nguyên đơn cho các bị đơn cùng khai thác vàng sa khoáng trên đất của nguyên đơn tại B, xã A , nên cần xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng.

Qua các tài liệu chứng cứ đã thu thập được và lời khai của các bên đương sự thấy: Các bị đơn không thừa nhận có việc thỏa thuận miệng hợp tác khai thác vàng sa khoáng, nên không có số lượng vàng như nguyên đơn khởi kiện yêu cầu các bị đơn phải có nghĩa vụ chia cổ phần, đồng thời nguyên đơn cũng không có chứng cứ gì chứng minh cho việc có hợp đồng thỏa thuận miệng này nên không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Về án phí: Nguyên đơn là người cao tuổi, sống độc thân, người có công với cách mạng thuộc đối tượng “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học” và ông Nguyễn Văn H có đơn xin miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Đủ điều kiện xem xét miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Đề nghị Căn cứ Pháp lệnh số 52-LCT/HDDNN8 ngày 29/4/1991 của Hội đồng Nhà nước về Hợp đồng dân sự; Căn cứ Điều 28, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 157 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điểm đ, khoản 1, Điều 12; Điều 14 và Điều 15 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn H đối với các bị đơn ông Nguyễn Công Q và ông Trịnh Văn L về “Tranh chấp hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng” - Về tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Ông Nguyễn Văn H phải chịu 2.400.000đ (Hai triệu bốn trăm nghìn đồng) tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn H được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

[1.1]. Quan hệ pháp luật tranh chấp: Khi thụ lý vụ án, Tòa án đã xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp đòi lại tài sản”. Sau khi thu thập tài liệu chứng cứ, hòa giải và hỏi làm rõ yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa, nguyên đơn khẳng định có việc thỏa thuận miệng với các bị đơn về việc nguyên đơn cho các bị đơn cùng khai thác vàng sa khoáng trên đất của nguyên đơn tại B thuộc thôn T, xã A (cụ thể theo nguyên đơn là ông có quyền sử dụng đất, ông H có được thỏa thuận miệng với các bị đơn ông L, ông Q góp máy móc, thuê quân cùng khai thác vàng sa khoáng trên đất của ông H được sản phẩm vàng sẽ chia nhau), nguyên đơn và các bị đơn đều là cá nhân không có đăng ký kinh doanh, nên cần thay đổi lại quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng”. Đồng thời sự việc đã xảy ra từ năm 1991 đến năm 1994 nên áp dụng pháp lệnh số 52- LCT/HDDNN8, ngày 29 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng nhà nước về Hợp đồng dân sự để giải quyết.

[1.2]. Thẩm quyền giải quyết vụ án: Đây là vụ án dân sự, các bị đơn đều có nơi cư trú tại thị trấn C, huyện Ba Bể. Căn cứ vào Điều 26; 35 và Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

[1.3]. Về sự vắng mặt của người tham gia tố tụng:

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trần Văn Đ đã được Tòa án tống đạt văn bản hợp lệ trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa vẫn vắng mặt không có lý do. Căn cứ khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp với quy định của pháp luật.

- Tại phiên tòa, các bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 vẫn vắng mặt, nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 227; khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các bị đơn là phù hợp với quy định của pháp luật.

- Những người làm chứng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 vắng mặt không có lý do, căn cứ khoản 2 Điều 229/BLTTDS. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người làm chứng là phù hợp với quy định của pháp luật.

[1.4]. Về thời hiệu khởi kiện: Do đương sự không có yêu cầu áp dụng thời hiệu, nên vụ án được thụ lý và giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.

[2]. Về nội dung vụ án và các tài liệu chứng cứ thu thập được: Nguyên đơn khẳng định do nguyên đơn có mối quan hệ quen biết với các bị đơn và có quyền sử dụng đất tại xã A nên đã xin được phép khai thác vàng sa khoáng vào thời điểm năm 1992 đến năm 1994. Cùng thời điểm đó các bị đơn cũng đang khai thác vàng tại xã A, huyện Pác Nặm nên nguyên đơn có thỏa thuận miệng với các bị đơn về việc khai thác vàng chung và chia nhau sản phẩm vàng sau khi trừ đi chi phí khai thác, việc thoả thuận không được lập thành biên bản, không có người làm chứng. Theo nguyên đơn thì chỉ có nguyên đơn và các bị đơn biết việc thỏa thuận miệng này, cụ thể nguyên đơn có quyền sử dụng đất, các bị đơn có máy móc, thuê quân cùng nhau khai thác vàng trên đất của nguyên đơn và thỏa thuận được vàng sẽ cùng chia nhau. Thời điểm đó, UBND xã A cho phép khai thác vàng chia làm 03 đợt. Lần 1: Vào cuối tháng 10/1992, ông H khai làm được 30 cây vàng, sau khi trừ chi phí ông H được ông L, ông Q chia cho 05 chỉ vàng, ông H thừa nhận trực tiếp nhận vàng từ ông L, ông Q và không ai làm chứng việc đưa vàng và nhận vàng của nguyên, bị đơn. Lần thứ 2 khai thác từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1993; lần thứ 3 khai thác từ tháng 01 đến tháng 5 năm 1994 (âm lịch) nhưng ông Hải chưa được ông L, ông Q chia vàng. Lý do khi khai thác vàng (lần 2 và lần 3) nguyên đơn không được chứng kiến việc rửa thu sản phẩm vàng sa khoáng là vì thời điểm đó bố đẻ của nguyên đơn ốm nặng, ông H về thăm bố và sau đó bố ông chết, ông H về quê chịu tang và bị tai nạn vào thời điểm giỗ 49 ngày của bố ông H nên ông H cũng không biết cụ thể là khai thác được bao nhiêu cây vàng. Như vậy, căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn khẳng định có hợp đồng miệng giữa các bên đương sự thỏa thuận về việc cùng nhau góp vốn khai thác vàng sa khoáng nên xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng và việc nguyên đơn đòi các bị đơn thanh toán số vàng khai thác được do nguyên đơn chưa được chia chỉ là hậu quả của việc thực hiện hợp đồng này. Ông H cho rằng trong 2 lần khai thác đó được 300 cây vàng và do ông Q, ông L đang nắm giữ, chưa chia cổ phần cho ông như đã thỏa thuận miệng với các bị đơn trước đó nên ông H khởi kiện yêu cầu ông Qh, ông L có nghĩa vụ liên đới trả cho ông 60 cây vàng, tương đương với số tiền là:

3.120.000.000đ (ba tỉ, một trăm hai mươi triệu đồng) và lãi suất đối với số tiền trên do ông L, ông Q chậm thanh toán (từ năm 1992 đến năm 2021 là 26 năm):

04 chỉ vàng/01 tháng x 12 tháng = 4 cây 08 chỉ/năm x 26 năm = 125 cây vàng, tương đương: 6.500.000.000đ (sáu tỉ năm trăm triệu đồng). Tổng số tiền yêu cầu là: 9.620.000.000 (chín tỉ, sáu trăm hai mươi triệu đồng).

Đối với các bị đơn Nguyễn Công Q và Trịnh Văn L đều khẳng định không được thỏa thuận miệng về việc hợp tác khai thác vàng sa khoáng (cụ thể là người góp máy móc, thuê quân khai thác vàng chung trên đất của ông Nguyễn Văn H và được sản phẩm vàng sa khoáng sẽ chia nhau) như ông H khởi kiện, nên không nhất trí toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Ông H yêu cầu các bị đơn phải liên đới chia số cổ phần bằng số lượng vàng sa khoáng 60 cây vàng là do ông H cung cấp các tài liệu chứng cứ về người làm chứng được khai thác vàng cho ông L, ông Q tại thời điểm năm 1992 đến năm 1994 và có khai số lượng vàng khai thác được là khoảng 300 cây vàng. Theo nguyên đơn là do ông đề nghị UBND xã A giải quyết và được chính quyền xã thời điểm năm 1995 gọi những người làm chứng lên lấy lời khai và xác nhận là làm cho ông L, ông Q được số lượng vàng khoảng 300 cây vàng. Các tài liệu có chữ ký của cơ quan, đoàn thể, chính quyền xã A. Nhưng xác minh tại xã A hiện nay, UBND xã không có tài liệu chứng cứ gì liên quan đến đơn thư của ông Nguyễn Văn H lưu lại nên không có căn cứ để đối chiếu về nguồn gốc, giá trị của nguồn tài liệu ông H cung cấp. Đồng thời ông H khẳng định là tài liệu, chứng cứ ông H tự xây dựng và xin chữ ký xác nhận của cơ quan, đoàn thể, tại xã A qua các thời kỳ từ 1995 đến 2012. Như vậy khẳng định đây chỉ là những chứng cứ do ông H tự thu thập, không có tài liệu, chứng cứ khác đối chiếu giữa lời khai của các đương sự, người làm chứng nên không có giá trị pháp lý về mặt chứng cứ. Đồng thời những người làm chứng lấy được lời khai khẳng định từ năm 1995 không được cơ quan tổ chức nào gọi để làm việc về nội dung ông Hải đang khởi kiện mà chỉ được ông H gặp riêng hỏi về số lượng vàng đã khai thác được trong thời kỳ làm thuê cho ông L, ông Q tại xã A và khẳng định không biết việc thỏa thuận hợp tác khai thác vàng sa khoáng của ông H, ông L, ông Q.

Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ để xác định vị trí đất ông H có quyền sử dụng tại xã A (nay đã được cấp quyền sử dụng đất) và là tài sản góp vốn thỏa thuận miệng hợp tác khai thác vàng sa khoáng với các bị đơn thời điểm năm 1992 đến 1994. Nhưng tại thực địa, ông H xác định vị trí thửa đất để làm vàng như ông H khởi kiện không trùng với vị trí thửa đất các bị đơn đã khai thác vàng tại thời điểm làm vàng cuối năm 1992 đầu năm 1993. Đồng thời cũng không có người làm chứng về việc các bị đơn có khai thác vàng tại địa điểm ông H xác định diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Văn H [3]. Xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thấy rằng: Xuất phát từ hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng được nguyên đơn thỏa thuận bằng miệng với các bị đơn, nhưng không có người làm chứng. Đồng thời các bị đơn không thừa nhận có việc thỏa thuận miệng với nguyên đơn về việc cùng hợp tác khai thác vàng như nguyên đơn khởi kiện. Mặc dù nguyên đơn có cung cấp các tài liệu chứng cứ cho rằng có những người làm chứng khẳng định được khai thác vàng với ông L, ông Q tại thời điểm khai thác vàng tại xã A nhưng những người làm chứng không biết việc thỏa thuận hợp tác của ông L, ông Q với ông Nguyễn Văn H. Người làm chứng chỉ biết được làm thuê cho ông Q, ông L và không biết đất để thực hiện việc khai thác vàng là của ai. Nay ông H khởi kiện yêu cầu ông Q, ông L có nghĩa vụ liên đới trả cho ông 60 cây vàng, tương đương với số tiền theo giá trị vàng tại thời điểm khởi kiện là 5.000.000 đồng/chỉ vàng. Tương ứng với số tiền là: 3.120.000.000đ (ba tỉ một trăm hai mươi triệu đồng) và lãi suất đối với số tiền trên do ông L, ông Q chậm thanh toán (từ năm 1992 đến năm 2021 là 26 năm): 04 chỉ vàng/01 tháng x 12 tháng = 4 cây 08 chỉ/năm x 26 năm = 125 cây vàng, tương đương: 6.500.000.000đ (sáu tỉ, năm trăm triệu đồng). Tổng số tiền yêu cầu là: 9.620.000.000 (chín tỉ, sáu trăm hai mươi triệu đồng) xác định đây chỉ là nghĩa vụ của hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng mà ông H đã thỏa thuận miệng với các bị đơn. Do các bị đơn không thừa nhận có việc thỏa thuận miệng hợp tác khai thác vàng sa khoáng, đồng thời nguyên đơn cũng không có chứng cứ gì chứng minh cho việc có hợp đồng thỏa thuận miệng này. Từ những phân tích trên, không có cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Do vậy, đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Bể không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn H là có căn cứ.

[4]. Về tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Hải yêu cầu Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với các thửa đất tại xã A để xác định cụ thể tại thực địa vị trí đất mà ông H cho rằng đã được thỏa thuận với các bị đơn cùng nhau khai thác vàng sa khoáng tại thời điểm 1992 đến 1994. Tòa án đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của nguyên đơn và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 2.400.000đ (Hai triệu bốn trăm nghìn đồng). Do không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên ông Nguyễn Văn H phải chịu toàn bộ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 2.400.000đ (Hai triệu bốn trăm nghìn đồng).

[5]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn là người cao tuổi, sống độc thân, người có công với cách mạng thuộc đối tượng là “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học” và ông Nguyễn Văn H có đơn xin miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Căn cứ điểm đ, khoản 1, Điều 12; Điều 14 và Điều 15 của Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật cho ông Nguyễn Văn H.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 1, Điều 3 và Điều 13 Pháp lệnh số 52-LCT/HDDNN8 ngày 29/4/1991 của Hội đồng Nhà nước về Hợp đồng dân sự;

Căn cứ Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 100; Điều 156; Điều 157; Điều 147, Điều 227, Điều 228, Điều 229, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Điểm đ, khoản 1, Điều 12; Điều 14 và Điều 15 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn H đối với các bị đơn ông Nguyễn Công Q và ông Trịnh Văn L về “Tranh chấp hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng” 2. Về tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Ông Nguyễn Văn H phải chịu 2.400.000đ (Hai triệu bốn trăm nghìn đồng) tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ. Xác nhận ông Nguyễn Văn H đã nộp đủ số tiền 2.400.000đ (Hai triệu bốn trăm nghìn đồng).

3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn H được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

Án xử công khai sơ thẩm, có mặt nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Vắng mặt các bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành bản án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

278
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác khai thác vàng sa khoáng số 01/2022/DS-ST

Số hiệu:01/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ba Bể - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về