TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH Đ
BẢN ÁN 373/2023/DS-PT NGÀY 01/12/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GỬI TÀI SẢN
Ngày 01 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đ xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 104/2023/TLPT-DS, ngày 08 tháng 5 năm 2023. Do bản án dân sự sơ thẩm số 24/2023/DS-ST ngày 14/3/2023 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đ bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 281/2023/QĐXX-PT ngày 11 tháng 10 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 251/2023/QĐ-PT ngày 02/11/2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Hồ Thanh Q; địa chỉ: Số 217/26 NQ, thành phố B, tỉnh Đ; có mặt.
Người đại diện theo ùy quyền: Ông Phan Minh H; địa chỉ: Số 57 đường A5, thôn 1, xã C, thành phố B, tỉnh Đ; có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư ông PN-Văn phòng Luật sư TN - Đoàn Luật sư tỉnh Đ; địa chỉ: Số 57 đường A5, thôn 1, xã C, thành phố B, tỉnh Đ; có mặt khi xét xử, tuyên án vắng mặt.
- Bị đơn: Ngân hàng X; trụ sở: Số 02 HL, phường CT, quận ĐB, Hà Nội.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư ông Dương Thanh M, thuộc Công ty luật TNHH D - Chi nhánh Miền Nam, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; địa chỉ: Số 16-12 W, 28 MCT, phường AP, quận TĐ, thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Danh U – Phó giám đốc phụ trách phòng Giao dịch Đại học B; địa chỉ: Số 298 đường HHT, phường TL, thành phố B, tỉnh Đ; có mặt.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan + Bà Trương Thị Mỹ Th; địa chỉ: Số 30 HT, thành phố B, tỉnh Đ; vắng mặt.
+ Ông HTH và bà HTL; cùng địa chỉ: Số 217/26 NQ, thành phố B, tỉnh Đ; vắng mặt.
+ Phòng phòng Giao dịch Đại học B;
Ông Nguyễn Danh U – Phó giám đốc phụ trách phòng Giao dịch Đại học B, tỉnh Đ; có mặt.
Địa chỉ: Số 298 đường HHT, phường TL, thành phố B, tỉnh Đ.
+ Bà Trương Thị Mỹ X; địa chỉ: Số 24 PTT, thành phố B, tỉnh Đ; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cũng như tại phiên tòa nguyên đơn, người được ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Ông Q và bà Trương Thị Mỹ Ng, sinh năm 1959 kết hôn với nhau vào năm 1987 tại UBND phường TA, Tp. B. Quá trình chung sống Ông Q và bà Ng có 02 con chung là HTH sinh năm 1989 và HTL sinh năm 1993. Bà Trương Thị Mỹ Ng chết ngày 10- 01-2018 không để lại di chúc.
Trước khi qua đời, bà Mỹ Ng có mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng X chi nhánh Đ, số tài khoản: 5201205003620. Ngày 16-01-2015, bà Ng lập chứng từ rút từ tài khoản nói trên số tiền 01 tỷ đồng. Đồng thời ngay sau khi rút tiền, trong ngày 16-01-2015, bà Ng lập sổ tiết kiệm mang tên em gái là Trương Thị Mỹ Th, địa chỉ số 67/17 HV, phường TA, Tp. B CMND số XXXXXXXXX do Công an Đăk Lak cấp ngày 20-10-2006 và gửi tiết kiệm số tiền 01 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm tài khoản số 5208- 601258960 tại chi nhánh Ngân hàng X chi nhánh Buôn Hồ (Nay là chi nhánh Bắc Đ), sổ tiết kiệm số AM XXXXXXX ngày 16-01-2015, mã khách hàng 520800835773, thời hạn gửi là 03 tháng từ ngày 16-01-2015 đến 16- 4-2015, lãi suất 5%/năm. Đáo hạn bà Ng không rút lãi, mà nhập lãi vào số tiền gốc. Tất cả các chữ ký trong các chứng từ giao dịch đều do bà Trương Thị Mỹ Ng viết, ký tên Trương Thị Mỹ Th. Bà Trương Thị Mỹ Th công nhận không liên quan đến số tiền gửi này.
Ngày 10-01-2018 bà Ng qua đời không để lại di chúc. Ông Q lập thủ tục đề nghị phía Ngân hàng X Đ tất toán toàn bộ số tiền gửi gốc là 01 tỷ đồng và lãi phát sinh từ ngày 16-01-2015, nhưng phía ngân hàng không đồng ý. Ông Q cáo tố cáo đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đ.
Tại bản kết luận nội dung tố cáo số 89 ngày 31-01-2020 của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đ đã kết luận: “Kiểm tra các chứng từ giao dịch gửi tiết kiệm của khách hàng Trương Thị Mỹ Ng tại phòng giao dịch Đ có dấu hiệu bị giả chữ ký khi thực hiện giao dịch.” Và “bà Trương Thị Mỹ Ng gửi tiết kiệm tại sổ tiết kiệm số AM0025279 ngày 16-01-2015 số tiền 01 tỷ là có thật. Tuy nhiên, tại bản kết luận này thể hiện “nội dung tố cáo Bà Trương Thị Mỹ X (giám đốc chi nhánh Đ) giả chữ ký của khách hàng Trương Thị Mỹ Ng là có cơ sở”.
Như vậy, có căn cứ xác định bà Ng gửi vào ngân hàng X phòng giao dịch Đ (Nay là phòng giao dịch Đại học B) thuộc chi nhánh Ngân hàng X chi nhánh Bắc Đ số tiền 01 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm từ ngày 16-01-2015, với điều kiện đáo hạn, ngân hàng có trách nhiệm nhập tiền lãi phát sinh 3 tháng vào tiền gốc và trả lãi tiếp cho đến khi tất toán khách gửi tiền rút toàn bộ tiền gửi.
Sau khi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đ kết luận sổ tiết kiệm mà bà Ng lập số AM XXXXXXX ngày 16-01-2015 số tiền gốc là 01 tỷ đồng, nhưng phía Ngân hàng X chi nhánh Bắc Đ không chi trả toàn bộ số tiền trên cho Ông Q sở hữu theo quy định.
Vì vậy, với tư cách là đại diện uỷ quyền của nguyên đơn tôi đề nghị Toà án nhân dân Tp. B buộc Ngân hàng X chi nhánh Bắc Đ phải trả cho Ông Q số tiền gốc mà bà Ng đã gửi tiết kiệm là 01 tỷ đồng mang tên Bà Trương Thị Mỹ Th và tiền lãi phát sinh tính từ ngày 16-01-2015 và cứ mỗi 3 tháng nhập tiền lãi 1 lần vào nợ gốc cho đến nay ước tính khoảng 300 triệu đồng theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cũng như tại phiên tòa người được ủy quyền của bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:
Ngày 16/01/2015, tại Ngân hàng X – Phòng giao dịch Đ, nay là Phòng giao dịch Đại học B (“Ngân hàng” / “NGÂN HÀNG X PGD BMT”), có chứng từ giao dịch (SBT: 39) thể hiện bà Trương Thị Mỹ Ng rút tiền mặt với số tiền 1.000.000.000 VNĐ (Một tỷ đồng) từ tài khoản số 5208205003620.
Cùng ngày, tại NGÂN HÀNG X PGD BMT có sổ tiết kiệm AM0025279 đứng tên Trương Thị Mỹ Th (“Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX”) với nội dung cơ bản như sau:
- Số tiền gửi tiết kiệm: 1.000.000.000 VNĐ (Một tỷ đồng);Thời hạn gửi tiết kiệm: 3 tháng, kể từ ngày 16/01/2015 đến ngày 16/4/2015; Lãi suất: 5%/năm.
Ngày 16/4/2015, ngày đáo hạn (tất toán) sổ tiết kiệm AM0025279, trên chứng từ tất toán sổ tiết kiệm thể hiện khách hàng Trương Thị Mỹ Th đã thực hiện ký và nhận số tiền là 1.012.500.000 đồng (gốc và lãi phát sinh).
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ và thực tế chúng tôi cho rằng, yêu cầu của nguyên đơn về việc “Buộc Ngân hàng phải trả cho tôi số tiền gốc mà vợ tôi đã gửi là 01 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh từ ngày 16/01/2015 và cứ mỗi 3 tháng nhập tiền lãi 1 lần vào nợ gốc cho đến nay ước tính khoảng 300 triệu đồng theo quy định pháp luật” là không phù hợp, cụ thể:
- Thứ nhất, vào ngày 16/01/2015 Ngân hàng không xác lập giao dịch tiền gửi nào với bà Trương Thị Mỹ Ng nên Ông Q không có quyền yêu cầu Ngân hàng phải trả cho ông số tiền theo Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX vì những lý do sau đây:
Một là, việc nguyên đơn cho rằng: “ngày 16/01/2015, bà Ng lập chứng từ rút từ tài khoản nói trên số tiền 01 tỷ đồng. Đồng thời ngay sau khi rút tiền, trong ngày 16/01/2015, bà Ng lập sổ tiết kiệm mang tên em gái là Trương Thị Mỹ Th và gửi tiết kiệm số tiền 01 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm tài khoản số 5208601258960” là không có cơ sở. Cụ thể, hồ sơ thể hiện không có chứng cứ, tài liệu chứng minh bà Ng xác lập giao dịch tiền gửi cũng như mở sổ tiết kiệm cho bà Th vào ngày 16/01/2015. Trường hợp, nếu bà Ng dùng số tiền 1.000.000.000 đồng được rút từ số tài khoản của mình vào mục đích riêng, thì đó là quan hệ cá nhân (nếu có), bà Ng không phải là bên gửi tiền, khách hàng tiền gửi với Ngân hàng.
Việc nguyên đơn trích dẫn và đưa ra nội dung “bà Trương Thị Mỹ Ng gửi tiết kiệm tại sổ tiết kiệm số AM XXXXXXX ngày 16-01-2015 số tiền 01 tỷ là có thật”, nội dung này là ý kiến chủ quan, tự nguyên đơn đưa ra và không đúng với Kết luận nội dung tố cáo số 89/KL-ĐAL ngày 31/01/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Đ (“Kết luận số 89”) mà ông đã trích dẫn. Kết luận số 89 không có nội dung như nguyên đơn nêu, không có nội dung kết luận về việc bà Ng gửi số tiền tiết kiệm 01 tỷ đồng vào ngày 16/01/2015. Như vậy, ý kiến này của nguyên đơn là chủ quan, không có căn cứ, không có cơ sở.
Hai là, theo hồ sơ vụ việc, ngày 16/01/2015 có một Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX đứng tên khách hàng Trương Thị Mỹ Th. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 6 của Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN, thì bà Ng không phải là chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm như nguyên đơn đề cập. Như vậy, Ông Q không có quyền yêu cầu Ngân hàng phải trả cho ông số tiền gốc và tiền lãi phát sinh từ ngày 16/01/2015 trên Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX. Từ đó cho thấy, theo pháp luật Ông Q không có quyền khởi kiện và yêu cầu thanh toán hay tranh chấp hợp đồng tiền gửi với Ngân hàng trong vụ việc này.
Ba là, vào ngày 16/4/2015 Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX đã được tất toán. Đồng thời, thực tế cho thấy, sau khi sổ tiết kiệm này được tất toán cho đến khi bà Ng mất (ngày 10/01/2018), không có bất kỳ ý kiến khiếu nại, tranh chấp hay yêu cầu gì về giao dịch liên quan đến Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX. Điều này cũng đã được kết luận tại điểm 4 Phần III của Kết luận số 89.
Như vậy, việc bà Ng rút tiền từ tài khoản của bà Ng (rút tiền mặt) và ghi nội dung rút tiền là để gửi tiết kiệm cho người khác chưa có cơ sở chứng minh việc thực gửi. Việc ghi nội dung rút tiền là quyền của khách hàng rút, không phải là giao dịch gửi tiền kế tiếp và không có cơ sở chứng minh đã thực hiện. Đối với Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX, cho thấy bà Ng không phải là bên gửi tiền, là khách hàng tiền gửi với Ngân hàng và đứng tên trên Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX. Ngoài ra, Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX đã tất toán. Từ đó thể hiện, đây là các giao dịch độc lập và tách bạch nhau, việc áp đặt nghĩa vụ và trách nhiệm hoàn trả đối với Ngân hàng là không có căn cứ, không phù hợp với tình tiết khách quan và quy định của pháp luật. Trường hợp có quan hệ mang tính cá nhân (quan hệ tài sản hay quan hệ gia đình liên quan đến giao dịch cá nhân…) mà Ông Q cho rằng có quyền đòi lại tài sản (nếu có) thì đây là những quan hệ riêng và chủ thể, bên bị yêu cầu là cá nhân mà không phải là Ngân hàng.
- Thứ hai, về quan điểm cho rằng các chứng từ gửi tiết kiệm của bà Ng tại Ngân hàng “có dấu hiệu giả chữ ký khi thực hiện giao dịch”, chúng tôi khẳng định không liên quan đến Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX, vì các lý do sau:
Một là, ý kiến tại Đơn khởi kiện, khởi kiện bổ sung đều khẳng định: “Tất cả chữ ký trong các chứng từ giao dịch đều do bà Trương Thị Mỹ Ng viết, ký tên Trương Thị Mỹ Th” là không có cơ sở, chứng cứ chứng minh; tại Kết luận số 89 và các văn bản liên quan cũng không có nội dung nào về việc “bà Trương Thị Mỹ Ng viết, ký tên Trương Thị Mỹ Th” trên chứng từ nộp tiền và mở số tiết kiệm đối với Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX;
Hai là, tại Mục A điểm 3.2 của Phần I của Kết luận số 89 cho thấy: 05 giao dịch gửi tiết kiệm (không liên quan đến Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX) được thực hiện vào ngày 14/02/2015 và ngày 24/02/2015 (liệt kê tại Mục A1 và được cho là Bà Trương Thị Mỹ X ký thay chữ ký của bà Ng), sau đó đã xác định toàn bộ việc tất toán 05 giao dịch này được thực hiện vào các ngày 05/3/2015, 18/6/2015, 14/7/2015 và 17/12/2015 (được liệt kê tại Mục A2) thì “chữ ký trên chứng từ nhận tiền khi thực hiện thủ tục tất toán 05 sổ tiết kiệm nêu tại Mục A1 phù hợp với mẫu chữ ký của khách hàng Trương Thị Mỹ Ng đăng ký với ngân hàng lưu tại hồ sơ mở tài khoản”. Như vậy, việc tất toán 05 sổ tiết kiệm nêu tại Mục A1 đã được bà Ng thực hiện, đồng thời các giao dịch nêu trên không liên quan đến Sổ Tiết Kiệm AM XXXXXXX.
Thứ ba, số tiền mà nguyên đơn cho rằng là của bà Ng cũng không có cơ sở chứng minh, đặc biệt là trong mối quan hệ với những cá nhân khác và điều này cũng phù hợp với mấu chốt là bà Ng không tự gửi tiết kiệm đứng tên chính mình trong lúc cho rằng đã có mặt tại Ngân hàng để rút 1.000.000.000 đồng từ tài khoản của mình.
Với những căn cứ, chứng cứ trên thực tế và quy định của pháp luật, NGÂN HÀNG X ý kiến và đề nghị như sau:
Bác yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc NGÂN HÀNG X phải trả cho Ông Hồ Thanh Q số tiền gốc gửi là 1.000.000.000 đồng và tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Trương Thị Mỹ Th: trình bày: Tôi là em ruột bà Trương Mỹ Ng (vợ của Ông Hồ Thanh Q) và là em ruột Bà Trương Thị Mỹ X là giám đốc Phòng giao dịch Đ - Ngân hàng X - Chi nhánh Buôn Hồ thời điểm năm 2015. Tôi được Phòng giao dịch Đ và Ông Hồ Thanh Q cho biết tôi có mở 01 sổ tiết kiện với số tiền 1.000.000.000 đồng ngày 16/01/2015 gửi tại Phòng giao dịch Đ - Ngân hàng X - Chi nhánh Buôn Hồ đứng tên Trương Thị Mỹ Th. Tuy nhiên tôi không lập sổ tiết kiệm số tiền trên trên và không ký trên sổ không nộp tiền và nhận tiền bất cứ gì liên quan đến sổ tiết kiện trên tại Ngân hàng đề nghị Tòa án xét xử theo quy định.
4. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Trương Thị Mỹ X trình bày: Vào thời điểm tháng 01/2015 tôi giám đốc Phòng giao dịch Đ - Ngân hàng X - Chi nhánh Buôn Hồ.
Tôi là chị em ruột của bà Trương Thị Mỹ Ng và Bà Trương Thị Mỹ Th nên vào ngày 16/01/2015 chị tôi là Trương Thị Mỹ Ng có mở tài khoản để gửi tiết kiệm đứng tên em gái tôi là Trương Thị Mỹ Th do là chị em ruột trong một gia đình nên khi ký vào vị trí gửi tiền tôi đã ký chữ Th, quá trình thực hiện giao dịch số tiền này theo yêu cầu của chị tôi (bà Ng) đã thực hiện và khi ký rút tiền tôi ký tên trên chứng từ và chị Ng đã nhận tiền tại quầy và chị tôi không có kiện tụng gì tôi sau khi kết thúc giao dịch nên đề nghị Tòa án xét xử theo quy định là bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ông Hồ Thanh Q theo quy định.
5. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông HTH và bà HTL trình bày: Chúng tôi là con Ông Hồ Thanh Q và bà Trương Thị Mỹ Ng. Nay bố tôi khởi kiện buộc Ngân hàng X số tiền 01 tỷ đồng mang tên Bà Trương Thị Mỹ Th và tiền lãi phát sinh tính từ ngày 16-01-2015 và cứ mỗi 3 tháng nhập tiền lãi 1 lần vào nợ gốc cho đến nay thì đề nghị Toán xét xử theo quy định. Do bận công việc không thể tham gia tố tụng nên tôi đề nghị Tòa án hòa giải xét xử vắng mặt chúng tôi theo quy định.
Tại bản án Dân sự sơ thẩm số 24/2023/DS-ST ngày 14/3/2023 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39;
khoản 1 Điều 147; Điều 161; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 3 Điều 228; Điều 266;
Điều 271; Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Căn cứ Điều 597 Bộ luật dân sự năm 2015;
Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Không nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ông Hồ Thanh Q về việc:
Buộc Ngân hàng X phải bồi thường 1.407.777.777 đồng theo tài khoản số AM XXXXXXX; trong đó; Tiền gốc: 1.000.000.000 đồng gốc và lãi suất tính đến ngày 14/03/2023 là: 407.777.777 đồng cho Ông Hồ Thanh Q.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên án phí về quyền kháng cáo cho các đương sự. Ngày 28/3/2023, nguyên đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm với nội dung đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Quá trình tố tụng và tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, thay đổi nội dung kháng cáo theo hướng đề nghị hủy bản án sơ thẩm;
- Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà và các đương sự đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Về nội dung: Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 của BLTTDS không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án Dân sự sơ thẩm số 24/2023/DS-ST ngày 14/3/2023 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn: Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết theo thẩm quyền.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích của bị đơn: Đề nghị HĐXX bác kháng cáo của đại diện ủy quyền của nguyên đơn. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và các đương sự. Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Ông Phan Minh H – đại diện ủy quyền của nguyên đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, người kháng cáo đã nộp tiền tạm ứng kháng cáo, nên Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là phù hợp.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Trương Thị Mỹ Th; Ông HTH, bà HTL; Bà Trương Thị Mỹ X mặc dù đã được triêu tập tham gia phiên tòa hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không lý do nên xét xử vắng mặt những người trên là phù hợp với quy định tại Điều 227 của BLTTDS.
[2] Về nội dung:
[2.1] Xét yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn, HĐXX thấy: Bà Ng mở tài khoản tiết kiệm tiền gửi số 5201205003620 (viết tắt tài khoản 20) tại Phòng giao dịch Đ (nay là Phòng Giao dịch Đại học B). Ngày 16/01/2015, bà Ng thực hiện giao dịch tất toán rút tiền mặt gốc lãi từ tài khoản tiết kiệm trên. Nguyên đơn, cho rằng sau khi bà Ng tất toán tài khoản 20 cùng ngày 16-01-2015, bà Ng dùng 1 tỷ chuyển sang tài khoản số AM XXXXXXX (viết tắt tài khoản 79) mã khách hàng 520800835773, thời hạn gửi là 03 tháng từ ngày 16-01-2015 đến 16-4-2015, lãi suất 5%/năm đứng tên bà Th, nguyên đơn xác nhận chữ viết, chữ ký các chứng từ giao dịch mang tên Trương Thị Mỹ Th đều do bà Ng thực hiện. HĐXX thấy: cấp sơ thẩm chưa làm rõ lý do và yêu cầu nguyên đơn cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh việc bà Ng không bị giới hạn quyền về tài sản (đứng tên sổ tiết kiệm) nhưng lại thực hiện giao dịch gửi tiết kiện đứng tên bà Th, có hay không bà Ng đã thực hiện việc chuyển quyền về tài sản từ bà Ng cho bà Th, bà Ng gửi tiết kiệm đứng tên bà Th trong khi bà Th xác nhận không biết và không có tài khoản tiết kiệm trên, chưa làm rõ bà Ng có nhằm mục đích trốn tránh việc kê khai tài sản hay trốn tránh nghĩa vụ về tài sản với ai khác để làm rõ bản chất nội dung của tranh chấp.
Nguyên đơn khởi kiện nhưng không cung cấp được bản gốc sổ tiết kiệm. Trong khi, sổ tiết kiệm bản gốc do Ngân hàng thu gửi cùng hồ sơ tất toán. Do đó, Ngân hàng đã tất toán tài khoản tiết kiệm, chi trả gốc, lãi và thu giữ sổ tiết kiệm bản gốc đứng tên bà Th nên Bản án sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Ngân hàng phải trả tiền gốc, lãi của tài khoản tiết kiệm đứng tên bà Th là có căn cứ, phù hợp với tài liệu chứng cứ do Ngân hàng giao nộp.
Xét tài liệu chứng cứ kết luận thanh tra Ngân hàng thể hiện sau ngày 16/4/2015 bà Ng còn thực hiện tất toán 05 giao dịch tại Phòng giao dịch Đ trong các ngày 05/3/2015, 18/6/2015, 14/7/2015 và 17/12/2015. Đến ngày 10/01/2018, bà Ng chết. Như vậy, sau ngày 16/4/2015 cho đến lúc bà Ng chết là gần 03 năm bà Ng không có ý kiến, khiếu nại gì tài khoản tiết kiệm đứng tên bà Th đã được tất toán ngày 16/01/2015. Quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm bà X thừa nhận chữ ký nhận tiền, ký thủ tục tất toán tài khoản tiết kiệm đứng tên bà Th là của bà X nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ sổ tiết kiệm bản gốc từ đâu mà bà X có, có hay không bà X được ủy quyền hoặc hình thức nào khác mà bà X có bản gốc sổ tiết kiệm để tất toán, ngoài sổ tiết kiệm bản gốc các liệu khác như giấy chứng minh nhân dân của bà Th do ai cung cấp cho Ngân hàng, ở đâu bà X có đều chưa được làm rõ. Ngoài ra, bà X cho rằng sau khi tất toán sổ tiết kiệm và nhận tiền đã đưa lại cho bà Ng nhưng không cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh nên cần làm rõ trách nhiệm của bà X, quan hệ giao nhận tiền sau khi Ngân hàng tất toán sổ tiết kiệm thuộc về bà X.
Xét bản án sơ thẩm căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 6 của Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN, thì bà Ng không phải là chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm như nguyên đơn đề cập là có căn cứ. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm của bà X. Ngoài ra, quá trình tố tụng nguyên đơn cho rằng bà X có hành vi giả chữ ký bà Th trong hồ sơ tất toán nên có đơn yêu cầu chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý nhưng cấp sơ thẩm không xem xét xử lý đơn là vi phạm tố tụng. Tại cấp phúc thẩm nguyên đơn tiếp tục gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền và yêu cầu cấp phúc thẩm tạm đình chỉ vụ án. Tại Văn bản số 2119/CSKT-DD4 ngày 28/9/2023 của Cơ quan canh sát điều tra công an (CQCSĐTCA) tỉnh Đ trả lời: Ngày 18/8/2020, CQCSĐTCA tỉnh Đ nhận đơn tố cáo của Ông Q tố cáo bà X có hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Ng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng do bà X làm Giám đốc, ngày 20/8/2020, CQCSĐTCA tỉnh Đ ban hành phiếu chuyển đơn số 3849/PHĐ-CSKT trả lại đơn cho Ông Q và hướng dẫn Ông Q gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để được giải quyết. Ngày 16/8/2023, CQCSĐTCA tỉnh Đ nhận đơn tố giác tội phạm của Ông Q, nội dung như trên, nhưng xét thấy vụ việc đang được TAND tỉnh Đ đang giải quyết nên CQCSĐTCA tỉnh Đ ban hành phiếu chuyển đơn số 10/PCĐ-CSKT ngày 25/9/2023 chuyển đến TAND tỉnh Đ giải quyết theo thẩm quyền. Do đó, Bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đủ cơ sở vững chắc, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
[2.2] Về xác định tư cách tố tụng của đương sự Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.” Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 21/2013/TT-NHNN, phòng giao dịch là đơn vị phụ thuộc ngân hàng thương mại, được quản lý bởi một chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại, hạch toán báo sổ, có con dấu, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh quản lý.
Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định Phòng Giao dịch Đại học B là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng.
Từ nhận định và phân tích trên, cần chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Cần hủy bản án sơ thẩm số 24/2023/DS-ST ngày 14/3/2023 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, giao hồ sơ cho TAND cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thu tục chung.
[3] Về án phí dân sự
[3.1] Về án phí dân sự sơ thẩm: Số tiền tạm ứng án phí 25.500.000 Ông Q đã nộp theo biên lai số 003898 ngày 20/4/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố B được xử lý khi vụ án được giải quyết lại theo thủ tục chung.
[3.2] Về án phí phúc thẩm:
Ông Hồ Thanh Q không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Ông Hồ Thanh Q (Ông Phan Minh H nộp thay) theo biên lai thu tiền số AA/2022/0001695 ngày 06/4/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Đ.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ khoản 3 Điều 308; khoản 1 Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự; chấp nhận kháng cáo của Ông Hồ Thanh Q.
Hủy Bản án Dân sự sơ thẩm số 24/2023/DS-ST ngày 14/3/2023 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đ, giao hồ sơ cho TAND Tp. BMT giao quyết lại theo thủ tục chung.
[2] Về án phí dân sự [2.1] Về án phí dân sự sơ thẩm: số tiền tạm ứng án phí 25.500.000đ (hai mươi lăm triệu năm trăm nghìn đồng) Ông Q đã nộp theo biên lai số 003898 ngày 20/4/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố B được xử lý khi vụ án được giải quyết lại theo thủ tục chung.
[2.2] Về án phí phúc thẩm:
Ông Hồ Thanh Q không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả số tiền 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Ông Hồ Thanh Q (Ông Phan Minh H nộp thay) theo biên lai thu tiền số AA/2022/0001695 ngày 06/4/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Đ.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng gửi tài sản số 373/2023/DS-PT
Số hiệu: | 373/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 01/12/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về