Bản án về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản số 14/2022/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUẾ VÕ, TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 14/2022/DS-ST NGÀY 28/04/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ TÀI SẢN

Ngày 28 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện QV xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số 72/2022/TLST-DS ngày 18/02/2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 18/2022/QĐXXST-DS ngày 13/4/2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đình N, sinh năm 1960 (có mặt)

- Bị đơn:

1. Ông Nguyễn Kim T, sinh năm 1965 (Vắng mặt)

2. Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1965 (Vắng mặt)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1961 (Vắng mặt) Đều trú tại: Thôn L, xã VH, huyện QV, tỉnh BN.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Nguyễn Đình N trình bày:

Tháng 12/2018, ông có mang 331kg khoai giống đến kho lạnh nhà ông T gửi. Khi giao nhận khoai giống, bà D là vợ ông T chỉ ghi vào sổ để theo dõi về số bao và khối lượng khoai. Ngoài ra, hai bên không lập biên bản kiểm tra chất lượng khoai và không làm hợp đồng gửi giữ.

Ngày 20/9/2019, ông T thông báo trên loa của địa phương về việc trả khoai cho nhân dân. Trong một ngày ông T đã trả toàn bộ số khoai có trong kho và gia đình ông đã nhận đủ số khoai đã gửi và trả ông T tiền gửi giữ là 2.400đ/1 kg tương đương số tiền là 794.400đ. Khi nhận khoai về, ông đã mang ra kiểm tra ngay và phát hiện khoai bị hỏng, bổ khoai ra thì thấy màu khoai khác và khoan rắn, bên trong củ khoai bị đen. Ngay sau đó, ông đã xuống nhà ông T và gặp bà D. Ông đã nói với bà D về việc khoai hỏng nhưng bà D có nói là “Thôi anh cứ về, sau nhà em đền người ta thế nào thì nhà em đền anh thế”, ông T và bà D không đến nhà ông để kiểm tra khoai hỏng thế nào, ông cũng không gọi người đến chứng kiến vì thời điểm đó trong thôn nhiều gia đình gửi khoai tại kho lạnh nhà ông T đều bị hỏng như vậy. Các gia đình bị khoai hỏng đã yêu cầu ông T bồi thường 50% giá trị khoai tây giống, ban đầu ông T đồng ý nhưng sau khi lên xã làm việc thì ông T không đồng ý nữa.

Tại thời điểm gửi khoai, trong thôn có nhiều hộ dân cùng một giống khoai nhưng gửi giữ hai nơi, nhưng khi gửi kho của ông T thì bị hỏng nhưng gửi giữ kho khác thì không bị hỏng. Do đó, ông xác định lỗi khoai tây giống bị hỏng là hoàn toàn do kho lạnh của ông T, do ông T điều chỉnh điều hòa lạnh dẫn đến khoai bị đóng đá. Số khoai của gia đình ông bị hỏng toàn bộ, không thể trồng được nên vợ chồng ông đã đổ đi, hiện tại không còn mẫu phẩm khoai hỏng cung cấp cho Tòa án vì thời gian đã quá dài.

Do phía gia đình ông và ông T, bà D không có hợp đồng gửi giữ và việc khoai hỏng là nằm ngoài ý muốn chủ quan của hai bên nên để giảm bớt thiệt hại cho cả hai gia đình, ông đề nghị Tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông T và bà D phải có trách nhiệm bồi thường 50% giá trị khoai của gia đình ông bị hỏng tương đương số tiền ông mua khoai giống là 16.000đ/1kg. Cụ thể là: 331.000kg x 16.000đ = 5.296.000đ : 2 = 2.648.000đ.

Đối với khoản tiền điện và tiền dịch vụ vợ chồng ông đã thanh toán trả vợ chồng ông T, ông không đòi lại.

Ngoài ra, ông không có bất cứ yêu cầu nào khác Tại bản tự khai, biên bản ghi lời khai ngày 31/3/2022, bị đơn là ông Nguyễn Kim T trình bày:

Vào cuối năm 2018, gia đình ông bắt đầu tiếp nhận khoai tây vụ Đông Xuân của nhiều hộ gia đình trong thôn đến gửi giữ tại kho lạnh nhà ông, trong đó có vợ chồng ông N, bà Đ. Vợ chồng ông N và bà Đ đã gửi tại kho lạnh của gia đình ông với số lượng 10 bao tương đương 331 kg.

Đến ngày 15/8/2019, các hộ dân đến lấy khoai giống để trồng vụ Đông, gia đình ông N, bà Đ cũng đến lấy khoai và vợ chồng ông đã trả đủ số lượng là 10 bao tương đương 331 kg. Ông N, bà Đ đã thanh toán tiền phí gửi giữ cho ông là 794.000đ.

Sau thời gian ông N, bà Đ nhận khoai về, ông không nhận được phản hồi nào về việc khoai nhà ông N bị hỏng nên ông hoàn toàn không biết. Đến khi ông N làm đơn khởi kiện thì ông mới biết gia đình ông N bị hỏng khoai.

Về kho lạnh: Ông đã xây dựng kho lạnh và nhận khoai của người dân đến gửi từ năm 2005 nên về kỹ thuật và cách bảo quản khoai giống ông đã có rất nhiều kinh nghiệm. Trong các năm nhận khoai tây giống của người dân mang đến gửi thì chưa xảy ra tình trạng khoai bị hỏng do kho lạnh.

Xét về quyền và nghĩa vụ: Ông N và bà Đ đã nhận lại khoai giống đủ số lượng và đã thanh toán trả đủ tiền dịch vụ cho vợ chồng ông, sau khi nhận khoai về ông N không có phản hồi về việc khoai bị hỏng nên vợ chồng ông không biết. Do đó, thỏa thuận việc gửi giữ khoai đã hoàn thành, hai bên không còn nghĩa vụ gì với nhau.

Nay ông N đề nghị vợ chồng ông phải bồi thường giá trị ½ số khoai nhà ông N bị hỏng, bản thân ông nhận thấy việc khoai giống nhà ông N bị hỏng, số lượng khoai hỏng, nguyên nhân khoai bị hỏng ông không biết nên ông cho rằng ông N không có căn cứ để khởi kiện ông và ông không nhất trí bồi thường như yêu cầu của ông N.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 18/3/2022, bà Nguyễn Thị D trình bày:

Khoảng tháng 12/2018, vợ chồng ông N có mang khoai tây giống đến kho lạnh của gia đình bà để nhờ gửi giữ với số lượng 10 bao tương đương 331 kg. Bà đã nhận số khoai do ông bà N, bà Đ mang đến gửi và bà Đ đã ký vào sổ để xác nhận số lượng khoai gửi tại sổ theo dõi của bà.

Sau khi nhận khoai, gia đình bà đã bảo quản theo đúng quy định. Đến khoảng tháng 8, tháng 9, gia đình bà đã thông báo để người dân đến lấy khoai về trồng vụ Đông - Xuân. Vợ chồng ông N cũng đã đến lấy khoai giống và bà đã giao đủ số bao, số kg cho ông N, bà Đ. Bà Đ đã thanh toán trả vợ chồng bà phí dịch vụ là 794.000đ. Việc gửi giữ khoai giống và việc trả khoai diễn ra công khai. Ông N nhận khoai về và sau đó không hề có phản hồi đến vợ chồng bà về việc khoai hỏng nên bà không biết.

Nay ông N yêu cầu vợ chồng bà phải bồi thường giá trị tương đương 50% của số khoai bị hỏng thì bà nhận thấy không có căn cứ nên bà không chấp nhận.

Bà Nguyễn Thị Đ trình bày:

Tháng 12/2018, gia đình bà có mang khoai tây giống đến kho lạnh nhà ông T để gửi giữ, ông bà đã mang 10 bao tương đương 331 kg. Khi bà mang khoai đến, bà D có ghi vào sổ và bà có ký nhận là gửi 10 bao tương đương 331 kg. Ngoài ký nhận vào sổ theo dõi thì giữa bên gửi và bên nhận gửi không có thoả thuận miệng hay bằng văn bản về trách nhiệm của các bên tham gia gửi giữ. Hai bên chỉ đếm số lượng gửi giữ mà không kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tháng 9/2019, khi ông bà đến lấy khoai về để trồng vụ Đông thì đã nhận đủ số bao và số lượng khoai giống. Số tiền gửi giữ là 2.400đ/1kg như thoả thuận, vợ chồng bà đã trả cho vợ chồng ông T. Sau khi mang khoai về khoảng 1 tuần thì thấy khoai bị chảy nước, khi bổ ra phát hiện bị đen nên ông N đã đến gặp bà D nói về việc khoai bị hỏng. Sau đó, vợ chồng bà đã đem toàn bộ số khoai đi đổ. Trong thôn cũng có nhiều hộ dân phản ánh về việc gửi khoai tại kho lạnh nhà ông T bị hỏng nhưng phía ông T không có biện pháp khắc phục cho người dân. Số khoai gửi giữ là tài sản của hai vợ chồng và bà có đại diện ký vào sổ của bà D. Với việc khởi kiện bà giao toàn quyền cho ông N và ông N có toàn quyền quyết định đối với vụ án này.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã báo gọi các bên đương sự lên để tiếp hành phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tuy nhiên, ông T, bà D vắng mặt nên Tòa án không tiến hành phiên họp và hòa giải được.

Tại phiên tòa hôm nay, ông N vẫn cho rằng việc khoai bị hỏng là do kho lạnh nhà ông T. Tuy nhiên, phía ông cũng có một phần lỗi là khi gửi khoai và nhận khoai cả hai bên đều không có văn bản cam kết trách nhiệm của các bên, khi phát hiện khoai hỏng ông đã đến báo với ông T và gặp bà D. Việc khoai bị hỏng là nằm ngoài ý muốn của các bên nên ông không yêu cầu ông T phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ mà chỉ yêu cầu ông T bồi thường ½ giá trị số khoai nhà ông bị hỏng. Cụ thể: Số lượng 331kg x16.000đ/1kg = 5.296.000đ : 2 = 2.648.000đ.

Đối với số tiền dịch vụ gửi giữ mà ông đã trả cho vợ chồng ông T thì ông không yêu cầu giải quyết.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện QV phát biểu ý kiến:

Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự đều đã tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án.

Về quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị HĐXX áp dụng các điều 554, 555, 556, 557, 558 Bộ luật dân sự: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình N, buộc ông Nguyễn Kim T, bà Nguyễn Thị D phải bồi thường cho ông N giá trị của một nửa số khoai tây giống đã gửi tại kho lạnh nhà ông T, bà D là 2.648.000đ.

Về án phí: Ông Nguyễn Kim T có bố đẻ là liệt sĩ Nguyễn Kim Tập, bà D hiện đang cùng ông T thờ cúng cụ Tập. Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghi quyết 326 ngày 30/12/2016 của UBTVQH miễn án phí DSST cho ông T, bà D.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng: Ông Nguyễn Đình N khởi kiện yêu cầu ông Nguyễn Kim T, bà Nguyễn Thị D; Trú tại: thôn L, xã VH, huyện QV, tỉnh BN phải bồi thường ½ giá trị số khoai tây giống bị hỏng khi gửi tại kho lạnh của ông T nên quan hệ tranh chấp của vụ án là “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản” và Tòa án nhân dân huyện QV có thẩm quyền xét xử sơ thẩm.

Tại phiên tòa hôm nay, bị đơn là ông Nguyễn Kim T, bà Nguyễn Thị D, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Đ được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Tuy nhiên, ông T, bà D và bà Đ đã có đơn xin được giải quyết vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt đương sự theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung vụ án: Khoảng cuối năm 2018, ông Nguyễn Đình N và bà Nguyễn Thị Đ có đem 331kg khoai tây giống gửi tại kho lạnh của vợ chồng ông Nguyễn Kim T, bà Nguyễn Thị D. Khi mang đến gửi và khi nhận lại khoai hai bên đều không kiểm tra chất lượng khoai gửi. Sau khi nhận lại khoai giống, ông N thấy toàn bộ số khoai của ông lấy về từ kho lạnh của ông T bị hỏng và đã bổ thử thì thấy củ khoai rắn cứng, rỗng và đen bên trong không thể trồng được nữa. Hội đồng xét xử thấy rằng:

Việc gửi giữ khoai tây giống được các bên thực hiện dựa trên thỏa thuận miệng và các bên đã được thực hiện nhiều năm. Tuy nhiên, các bên không có thỏa thuận cụ thể về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên khi xác lập việc gửi giữ tài sản cũng như trách nhiệm của các bên như thế nào khi có thiệt hại xảy ra. Như vậy cả nguyên đơn và bị đơn đều có lỗi trong việc xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản trong Bộ luật dân sự (từ Điều 554 đến Điều 561 BLDS).

Về nguyên nhân khoai tây giống của ông N gửi tại kho nhà ông T, bà D bị hỏng: Ông N và ông T đều không đưa ra được căn cứ chứng minh nguyên nhân khoai nhà ông N bị hỏng là do đâu. Quá trình giải quyết vụ án, ông T cung cấp cho Tòa án kết quả giám định mẫu bệnh của khoai. Tuy nhiên, đây không phải là kết quả xét nghiệm khoai của nhà ông N và kết quả giám định này cũng không xác định được thời điểm khoai bị bệnh là trước, trong hoặc sau khi gửi khoai. Khi ông N mang khoai đến gửi thì ông T, bà D đồng ý nhận bảo quản mà không kiểm tra chất lượng khoai, nên ông bà đã nhận gửi thì ông bà phải chịu trách nhiệm về chất lượng giống đã nhận gửi.

Về số lượng khoai và giá trị khoai hỏng: Theo ông N trình bày số lượng khoai ông gửi tại kho lạnh nhà ông T là 331 kg, khi nhận khoai về đã phát hiện khoai bị hỏng toàn bộ không thể trồng được nên đã đem cả 10 bao khoai đi đổ, ông phải mua khoai giống khác với giá 16.000đ/1kg. Phía ông T, bà D cũng xác định số lượng khoai mà ông N gửi tại kho lạnh của gia đình ông đúng là 331 kg nhưng ông xác nhận việc khoai nhà ông N bị hỏng thì ông không biết. Tại phiên tòa hôm nay, ông N trình bày đã thông báo về việc khoai hỏng với bà D nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh việc ông đã đến thông báo với bà D, ông không nhờ người đến chứng kiến việc khoai tây giống bị hỏng. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã xác minh tại UBND xã VH và xác định được, thời gian vào ngày 01/10/2019, ông N cùng với 75 hộ dân khác đã làm đơn đề nghị UBND xã VH, UBND huyện QV và các cơ quan chức năng khác giải quyết về việc khoai hỏng khi gửi giữ tại kho lạnh nhà ông T. Ngày 15/10/2019, UBND xã VH đã có biên bản làm việc “về việc gửi khoai tây giống vụ Đông tại kho ông Nguyễn Kim T thôn L”. Tại buổi làm việc, ông T có mặt nên ông T đã biết được danh sách 76 hộ dân có yêu cầu giải quyết, bồi thường nhưng ông T không kiểm tra, phối hợp để xác định nguyên nhân, xác định số lượng khoai bị hỏng để cùng giải quyết hậu quả. Do đó, lời khai của ông T và bà D cho rằng không biết việc khoai tây giống nhà ông N bị hỏng và cho rằng sau 02 năm ông N mới khởi kiện là không có căn cứ. Như vậy cả hai bên đều có lỗi và đều phải chịu trách nhiệm về lỗi của mình. Quá trình giải quyết, ông N cho rằng sự việc khoai hỏng không ai mong muốn nên bản thân ông cũng chấp nhận thiệt hại một phần là 50% giá trị số khoai bị hỏng.

Xem xét các tình tiết của vụ án và qua yêu cầu của ông N đòi ông T, bà D bồi thường ½ giá trị khoai bị hỏng là có căn cứ cần được chấp nhận.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành thu thập chứng cứ để xác định mức giá khoai tây giống trên thị trường tại thời điểm tháng 9/2019 là 16.000 đồng/kg như ông N trình bày là đúng.

Từ những phân tích trên, HĐXX thấy có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N, buộc ông T, bà D bồi thường cho ông N giá trị của một nửa số khoai tây giống đã gửi, tức là: 331 kg x 16.000 đồng : 2 = 2.648.000 đồng.

Đối với số tiền gửi giữ, ông N đã thanh toán xong cho ông T và không đề nghị Tòa án giải quyết.

Đối với bà Nguyễn Thị Đ là người cùng mang khoai đến gửi với ông N và đại diện ký nhận vào sổ với bà Nguyễn Thị D. Quá trình giải quyết, bà Đ xác định việc ký vào sổ của bà D là bà đại diện ký. Tuy nhiên, bà xác định đã thỏa thuận với ông N và giao toàn bộ quyền khởi kiện cho ông N nên ông N có quyền khởi kiện và quyết định toàn bộ nội dung trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, Tòa án bổ sung bà tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp.

[3] Về án phí:

Ông N không phải chịu án phí DSST;

Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Nguyễn Kim T, bà Nguyễn Thị D theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 của Ủy ban thường vụ quốc hội.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các Điều 554, 555, 556, 557, 558 Bộ luật dân sự; Các Điều 147, 227, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Xử Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình N.

Buộc ông Nguyễn Kim T, bà Nguyễn Thị D phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình N số tiền 2.648.000 đồng (Hai triệu sáu trăm bốn mươi tám nghìn đồng) do làm hỏng tài sản mà ông T nhận gửi giữ.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

2. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Nguyễn Kim T, bà Nguyễn Thị D.

Nguyên đơn có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

234
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản số 14/2022/DS-ST

Số hiệu:14/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quế Võ - Bắc Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:28/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về