Bản án về tranh chấp hợp đồng giao khoán số 117/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 117/2023/DS-PT NGÀY 07/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIAO KHOÁN

Ngày 07 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 10/2023/TLPT-DS ngày 06/01/2023, về việc “Tranh chấp hợp đồng giao khoán”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 41/2022/DSST ngày 13 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 53/2023/QĐ-PT ngày 20 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV C; địa chỉ: Xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. mặt).

Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Khắc T – chức vụ: Giám đốc (vắng Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng:

Ông Võ Khắc T1; địa chỉ: Thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).

Bà Nguyễn Thị Phồn V, ông Trần Văn Đ; cùng địa chỉ: Xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (bà V, ông Đ đều có mặt).

* Bị đơn: Bà Lê Thị Hồng L (Lê Thị L), sinh năm 1971; địa chỉ: Xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Thị N, sinh năm 1973; địa chỉ: Xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk và Ông Lê Duy T2, sinh năm 1964; địa chỉ: Xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Bà N, ông Thắng đều có mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lê Thị N, sinh năm: 1973, ông Trần Anh S, ông Nguyễn Văn H.

Người đại diện theo ủy quyền của ông S: Bà Lê Thị N. (Bà N có mặt, ông H vắng mặt và có đơn từ chối tham gia tố tụng)

* Người kháng cáo: Bà Lê Thị Hồng L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Công ty TNHH MTV C trình bày:

Ngày 03/08/2011, Bà Lê Thị Hồng L (Lê Thị L) đã ký với Công ty TNHH MTV C (Công ty 720) hợp đồng giao nhận khoán đất sản xuất cà phê giai đoạn 2011-2015 theo Hợp đồng số 22+23/9/2011/HĐGNK và được Công ty giao đất với diện tích 13.693 m2 tại thửa đất số 20, 24; tờ bản đồ số 71. Đối tượng nhận khoán là Công nhân có tham gia BHXH. Thời hạn thực hiện hợp đồng đến hết ngày 31/12/2015.

Đến cuối năm 2015, thực hiện Nghị quyết của Tổng công ty C Việt nam về việc kéo dài phương án khoán thêm 02 năm 2016-2017 do Tổng công ty đang thực hiện sắp xếp đổi mới lại Doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, Công ty ký Phụ lục hợp đồng số 22/9/2016/PLHĐ ký ngày 04/08/2016 và ngày 07/11/2016 về việc kéo dài hợp đồng giao nhận khoán sản xuất cà phê giai đoạn 2011-2015 thêm 02 năm (2016- 2017) với diện tích 13.693m2 với hộ Bà Lê Thị Hồng L, do bà Lê Thị N là em của bà L ký và viết ra. (trong diện tích đất này bà L một phần và Bà N đang canh tác một phần). Phụ lục hợp đồng số 22/9/2016 có hiệu lực đến ngày 31/12/2017 và không tách rời bản hợp đồng số 22+23/9/2011 /HĐGNK ngày 3/8/2011.

Quá trình thực hiện Hợp đồng từ năm 2011 đến năm 2015, bà L luôn nộp đầy đủ sản phẩm. Từ năm 2016, 2017 không nộp đủ sản phẩm khoán, mặc dù Công ty và đơn vị đội đã đôn đốc nhắc nhở và gửi thông báo nhiều lần. Hiện nay Hộ bà Lê Thị Hồng L còn nợ Công ty sản phẩm cà phê như sau:

- Năm 2016, bà L còn nợ 1.017kg cà phê quả tươi quy ra cà phê nhân là 203kg .Giá cà phê tại thời điểm 15/02/2017 là 43.000đ/kg thành tiền là 43.000đ/kg x 203kg = 8.746.200 đồng, lãi suất từ 15/2/2017-20/2/2020 là: 3.206.940 đồng, Tổng nợ cả gốc và lãi đến 20/02/2020 là 11.953.140 đồng.

- Năm 2017, hộ bà L không nộp sản lượng, còn nợ 1.106 kg cà phê quả tươi quy cà phê nhân 217 kg. Giá cà phê tại thời điểm 15/02/2018 là 33.000 đ/kg thành tiền 7.156.471 đồng, lãi suất từ 15/2/2018-20/2/2020 là: 1.753.335 đồng, Tổng nợ cả gốc và lãi đến 20/02/2020 là 8.909.806 đồng.

Tổng số tiền cả gốc + lãi hộ bà L còn nợ năm 2016+2017 Công ty là: 20.862.946 đồng Thực hiện Quyết định số 06/TCT-HĐTV ngày 12/01/2018 của Hội đồng thành viên Tổng công ty Cà phê Việt Nam về việc thanh lý 104,93 ha cà phê vối trồng năm 1985 đã già cỗi hết hạn hợp đồng khoán ngày 31/12/2017 của Công ty TNHH MTV C để lập phương án tái canh với các hộ nhận khoán để triển khai thanh lý hợp đồng khoán và tiến hành nhổ cây để cải tạo đất. Công ty và đội 9 đã thông báo bằng văn bản và đôn đốc nhiều lần đến các hộ nhận khoán nhưng đến tháng 01 năm 2020 vẫn có người cản trở không cho nhổ cây trong đó có bà Lê Thị Hồng L và bà Lê Thị N là em của bà L.

Từ ngày 04/02/2020 đến ngày 15/02/2020, Bà N tự ý đưa máy cưa cắt cành cà phê, thuê máy cày chở cây cà phê mang đi bán. Mặc dù Công ty đã nhắc nhở. Hiện nay, Công an huyện Eakar đang điều tra làm rõ để xử lý.

Như vậy, bà Lê Thị Hồng L và bà Lê Thị N đã vi phạm Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng do các bên ký kết, không chấp hành thông báo của Công ty về thanh lý hợp đồng để ký hợp đồng khoán mới giai đoạn 2018-2022, không nộp đủ sản lượng, cố tình không hợp tác với Công ty để triển khai phương án tái canh, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của Doanh nghiệp.

Đề nghị Toà án giải quyết:

1/Chấm dứt hợp đồng số 22, 23/9/2011/HĐGNK ngày 03/8/2011; Phụ lục hợp đồng số 22/9/2016.

2/Yêu cầu bà Lê Thị Hồng L phải trả lại giá trị tài sản vườn cây đã cắt mang đi bán là 14.840.000 đồng.

3/Hoàn trả cho Công ty nợ sản phẩm khoán cà phê năm 2016 +2017 và tiền lãi đến ngày 20/02/2020 là: 20.862.946 đồng.

4/ Trả lại diện tích 13.693m2 đất đã nhận giao khoán theo hợp đồng số 22, 23/9/2011/HĐGNK ngày 03/8/2011; Phụ lục hợp đồng số 22/9/2016.

Vào ngày 15/07/2020, ngày 03/8/2021 và ngày 04/8/2020 công ty có đơn xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện; Không buộc bà Lê Thị Hồng L phải trả lại giá trị tài sản vườn cây đã cắt bán là 14.840.000 đồng. Hoàn trả cho Công ty nợ sản phẩm khoán cà phê năm 2016 +2017 và tiền lãi đến ngày 20/02/2020 là: 20.862.946 đồng. Không buộc bà Lê Thị Hồng L phải trả phải trả lại diện tích 2.081 m2 đất, thuộc thửa đất số 343, tờ bản đồ số 71 và 3.130 m2 đất, thuộc thửa đất 20, tờ bản đồ số 74. Tổng cộng diện tích 02 thửa là; 5.211 m2.

- Chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết Buộc bà Lê Thị Hồng L phải trả lại diện tích 8.482 m2 đất, thuộc thửa đất số 24, tờ bản đồ số 74 tại: xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk theo hợp đồng giao nhận giao khoán theo hợp đồng số 22, 23/9/2011/HĐGNK ngày 03/8/2011; Phụ lục hợp đồng số 22/9/2016, ngày 04/08/2016 và ngày 07/11/2016.

Đối với yêu cầu khởi kiện phản tố của bị đơn đề nghị Tòa án không chấp nhận bởi vì các khoản thu này phía công ty thu đúng theo như nội dung hợp đồng khoán các bên đã ký kết, khi hết thời hạn hợp đồng của từng giai đoạn bị đơn không có ý kiến hay khiếu nại gì. Nội dung yêu cầu phản tố có liên quan đến các hợp đồng năm 1995, năm 2017 đối với các hợp đồng này đã hết hiệu lực và đã được thay thế bằng các hợp đồng mới. Do đó đề nghị xem xét không chấp nhận.

* Bà Lê Thị N - Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn; người đại diện theo ủy quyền của ông Trần Anh S; đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn tôi không đồng ý bởi vì chúng tôi không vi phạm hợp đồng giữa các bên đã ký kết như nội dung Công ty đã nêu ra, do chúng tôi không ký kết lại hợp đồng tái canh là do giữa các bên không thống nhất được thỏa thuận nên không ký kết hợp đồng tái canh mới.

Nay công ty C khởi kiện đề nghị xem xét đến các yêu cầu phản tố sau đây: Về nguyên tắc: Giao khoán và nhận khoán đảm bảo lợi ích của các bên: ổn định lâu dài thông qua hợp đồng thế hiện được nội dung kinh tế, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên và những cam kết để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng.

Quyền và nghĩa vụ của bên giao khoán: Xác định giá trị cây trồng, vốn, các chính sách hỗ trợ, bảo hộ, bảo hiểm xã hội theo pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện hợp đồng đúng pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của bên nhận khoán: Chủ động sản xuất trên diện tích đất nhận khoán, được hưởng thành quả lao động và kết quả đầu tư trên đất nhận khoán theo hợp đồng được nuôi, trồng xem và hưởng toàn bộ sản phẩm nơi trồng làm lán tạm cất giữ dụng cụ, làm sân phơi, đào giếng, xây bể chứa nước, hố ủ phân chuồng, nuôi gia súc, gia cầm. Khi bên giao khoán vi phạm hợp đồng bên nhận khoán được bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ vi phạm, nghĩa vụ nộp cho bên giao các khoản, thuế sử dụng đất, giá trị cây trồng do dốn bên giao khoán đã đầu tư theo hợp đồng, BHXH, BHYT, quỹ phúc lợi theo quy định của nhà nước. Về thời hạn giao khoán đất 50 năm, khi hết chu kỳ kinh doanh của vườn cây mà thời hạn giao khoán đất vẫn còn thì bên nhận khoán tiếp tục sử dụng diện tích đất đó để sản xuất cho đến hết thời hạn giao khoán đất.

- Căn cứ vào quyết định số 109 ngày 27/2/1995 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp về việc ban hành mẫu hợp đồng khoán đất nông nghiệp và mẫu số khoán cho hộ nhận khoán. Về mẫu hợp đồng khoán đất đã trồng cây lâu năm công ty không minh bạch, không ghi tổng số cây trên diện tích, mật độ cây, % chất lượng cây loại A, B, C, bao nhiêu tổng giá trị cây trồng (tiền) là bao nhiêu? - Căn cứ vào công văn số 159 ngày 12/9/1996 nội dung hướng dẫn của trên cơ sở nghị định 01 của chính phủ ngày 04/01/1995 theo pháp lệnh kế toán thống kê và được văn bản khác có liên quan đã được nhà nước ban hành làm phương án khoán gửi tổng công ty để xét duyệt các phương án đều được thông qua hội nghị công nhân viên chức và được tổng công ty phê duyệt.

- Căn cứ vào bảng tính chi phí khoán vườn cà phê kinh doanh cho 0l ha cà phê kèm theo công văn 159 của Tổng công ty ngày 12/9/1996 là phương án khoán hướng dân công ty đầu tư 100% người nhận khoán chỉ làm công ăn lương và người nhận khoán được hưởng 100% sản phẩm vượt khoán. Nhưng hình thức giao khoán của công ty cà phê 720 là hình thức giao khoán trắng, khoán thẳng cho người nhận khoán tự đầu tư 100%.

Vì vậy mà trong hợp đồng giao khoán năm 1996 của tôi và bố tôi có sản lượng giao nộp là 3705kg cà tươi/ha quy ra nhân xấp xỉ 762kg/ha trong bảng chi phí khoán vườn cà phê kinh doanh của tổng công ty hướng dẫn. Còn trong bản nghị quyết người lao động ngày 18/11/1995 được xác định rất rõ phần nghĩa vụ các khoản tôi phải đóng còn phần vật tư, phân bón, nhân công, nước tưới thì tôi phải trừ ra nên sản lượng giao nộp trong bản nghị quyết người lao động năm 1995 là 2848kg cà tươi/ha và là bản nghị quyết mẫu để áp dụng cho các bản nghị quyết.

Nội dung yêu cầu phản tố cụ thể như sau:

Phần I: các khoản chênh lệch, thu sai, thu tăng 1. Cân đối các khoản chênh lệch hợp đồng và Nghị quyết đại hội công nhân viên chức ngày 18/11/1995 theo bản giải trình số 45 ngày 22/5/2019 của công ty cà phê 720 để phản tố:

+ Giai đoạn hợp đồng 1995 – 1998: 04 năm, thời gian tính lãi 25 năm 7 tháng:

Hợp Đồng 3705kg/ha, Nghị quyết người lao động 2848kg/ha, Nghị quyết thống nhất khoản thuế nông nghiệp đóng bằng tiền mặt. Như vậy 2848kg/ha – 243kg/ha là khoản thuế nông nghiệpcòn lại 2605kg/ha.

Khoản chênh lệch hợp đồng và nghị quyết là 1100kg/ha x 4 năm = 4400kg tươi quả tươi x 3800đ/kg = 16.720.000đ x 10%/năm x 25 năm 7 tháng = 42.970.400đ lãi + gốc = 59.690.400đ (Năm mươi chín triệu sáu trăm chín mươi ngàn bốn trăm đồng).

+ Giai đoạn 1999 – 2004: 6 năm, thời gian tính lãi 21 năm 7 tháng Hợp đồng là 3705kg/ha; Nghị quyết giảm khoản khấu hao cơ bản tài sản cố định là 752kg/ha, Nghị quyết còn 1852kg/ha.

Khoản chênh lệch hợp đồng và nghị quyết là 1853kg x 6 năm = 11.118kg x 3.800đ/kg = 42.248.400đ x 10%/năm x 21 năm 7 tháng = 91.679.028đ lãi + gốc = 133.927.428đ (Một trăm ba mươi ba triệu, chín trăm hai mươi bảy ngàn bốn trăm hai mươi tám đồng) + Giai đoạn 2005 – 2006: 2 năm, thời gian tính lãi 15 năm 7 tháng. Diện tích tăng 13.693m2, Hợp đồng là 3705kg/ha; Nghị quyết giảm 1852kg khoản thuế 21kg/ha. Nghị quyết còn 1831kg/ha.

Khoản chênh lệch 1874 kg/ha x 13.693m2 = 2567kg/ha/13.693m2 x 2 năm = 5134kg x 3800đ/kg = 19.509.200đ x 10%/năm x 15 năm 7T = 30.629.444đ lãi + gốc = 50.138.644đ (Năm mươi triệu một trăm ba mươi tám ngàn sáu trăm bốn mươi bốn đồng).

+ Giai đoạn 2007 – 2010: Hợp đồng ký lại còn 2991kg/ha, 4 năm, tính lãi 13 năm 7 tháng, Nghị quyết là 1831kg giảm 3 quý là 645kg/ha còn phải nộp 150kg/ha, thuế giảm 195kg/ha còn phải nộp 27kg/ha. Như vậy được giảm 3 quỹ và thuế nông nghiệp là 840kg/ha. Nghị quyết còn 991kg/ha.

Khoản chênh lệch là 2000kg/ha x 13.693m2 = 2739kg x 4 năm = 10.956kg x 5.080đ/kg = 55.656.480đ x 10%/năm x 13 năm 7T = 76.249.378đ lãi + gốc = 131.905.857đ (Một trăm ba mươi mốt triệu chín trăm lẻ năm ngàn tám trăm năm mươi bảy đồng).

+ Giai đoạn 2011 – 2015: Hợp đồng ký lại còn 2913kg/ha, 5 năm, tính lãi 9 năm 7 tháng, Hợp đồng là 2913kg/ha, NQ giảm 3 quý 150kg/ha không còn phải nộp nữa, thuế tăng 3kg/ha. Nghị quyết còn 841kh/ha.

Khoản chênh lệch là 2069kg/ha x 13.693m = 2834kg x 5 năm = 14.470kg quả tươi x 7.680đ/kg = 108.825.600đ x 10%/năm x 9 năm 7 tháng = 105.560.832đ lãi + gốc = 214.386.432đ (Hai trăm mười bốn triệu ba trăm tám mươi sáu ngàn bốn trăm ba mươi hai đồng).

+ Giai đoạn 2016: 01 năm, thời gian tính lãi 4 năm 7 tháng. Hợp đồng 2913kg/ha; Nghị quyết 841kg/ha.

Khoản chênh lệch là 2069kg/ha x 13.693m2 = 2.834kg/13.693m2 x 7.680đ/kg = 21.756.120đ × 10% năm × 4 năm 7 tháng = 10.229.606đ lãi + gốc = 31.985.726đ (Ba mươi mốt triệu, chín trăm tám mươi lăm ngàn, bảy trăm hai mươi sáu đồng).

+ Giai đoạn 2017: 01 năm, Diện tích còn 0,7ha. Hợp đồng 2913kg/ha; Nghị quyết 841kg/ha.

Khoản chênh lệch là 2069kg/ha x 0,7ha = 1.445kg x 7.680đ/kg = 11.097.600đ x 10%/năm x 3 năm 7 tháng = 4.106.112đ lãi + gốc = 15.203.712đ (Mười lăm triệu hai trăm lẻ ba ngàn, bảy trăm mười hai đồng).

Các khoản được miễn giảm theo chính sách của nhà nước mà nghị quyết đề ra cho một chu kỳ vòng đời cây cà phê gồm Khấu hao cơ bản tài sản cố định 752kg, 3 quỹ 795kg đã hoàn trả xong cho nhà nước khoản thuế chỉ còn phải đóng 30kg thuế đất phi nông nghiệp. Tổng khoản chênh lệch này được quy đổi từ cà phê tươi ra tiền là 637.238.199đ (Sáu trăm ba mươi bảy triệu hai trăm ba mươi tám ngàn một trăm chín mươi chín đồng). Như vậy Nghị quyết chỉ còn 1058kg/ha từ năm 2007.

2. Các khoản người lao động tham gia BHXH đóng để hưởng khoản Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Công đoàn:

+ Giai đoạn 1995 – 2004: 10 năm x 205kg/ha x 10 năm = 2.050kg x 3.800đ/kg = 7.790.000đ x 10%/năm x 25 năm 7 tháng = 20.020.300đ lãi + gốc 27.810.300đ (Hai mươi bảy triệu tám trăm mười ngàn ba trăm đồng).

+ Giai đoạn 2005 – 2016: 12 năm, thời gian tính lãi 14 năm 7 tháng. Diện tích tăng 13.693m2 là 205kg/ha x 13.693m2 = 281kg x 12 năm = 3.372kg x giá bình quân 5.777đ/kg = 19.480.044đ x 10%/năm x 14 năm 7 tháng = 28.635.664đ lãi + gốc = 48.115.708đ (Bốn mươi tám triệu một trăm mười lăm ngàn bảy trăm linh tám đồng).

+ Giai đoạn 2017. Diện tích còn 0,7ha là 205kg/ha x 0,7ha = 143,5kg x 7.680đ/kg = 1.102.080₫ x 10%/năm x 3 năm 7 tháng = 407.769đ lãi + gốc = 1.509.849đ (Một triệu năm trăm linh chín ngàn tám trăm bốn mươi chín đồng).

Tổng cộng là 77.435.857đ (Bảy mươi bảy triệu bốn trăm ba mươi lăm nghìn tám trăm năm mươi bảy đồng) 3. Khoản mất việc làm, phép:

Khoản mất việc làm là 80kg/ha + Phép 50kg/ha = 130kg/ha.

+ Giai đoạn 1995 – 2004 : 10 năm, tính lãi 25 năm 7 tháng = 130kg/ha x 10 năm = 1.300kg x 3.800d/kg = 4.940.000d x 10%/năm x 25 năm 7 tháng = 12.695.800đ lãi + gốc = 17.636.800₫ (Mười bảy triệu sáu trăm ba mươi sáu ngàn tám trăm đồng).

+ Giai đoạn 2005 – 2016: 12 năm, tính lãi 14 năm 7 tháng. Diện tích tăng 13.693m2 sẽ là 130kg/ha x 13.693m2 = 178kg x 12 năm = 2136kg x giá bình quân 5.777đ/kg = 12.339.672đ x 10%/năm x 14 năm 7 tháng = 18.139.317đ lãi + gốc = 30.478.990đ (Ba mươi triệu bốn trăm bảy mươi tám ngàn chín trăm chín mươi đồng).

+ Giai đoạn 2017: 1 năm, tính lãi 3 năm 7 tháng với Diện tích còn 0,7ha = 130kg/ha x 0,7ha = 91kg x 7.680đ = 698.880đ x 10%/năm x 3 năm 7 tháng = 258.586đ lãi + gốc = 957.466đ.

Tổng hai khoản mất việc làm và lễ phép 49.072.256đ (Bốn mươi chín triệu không trăm bảy mươi hai ngàn hai trăm năm mươi sáu đồng).

4. Khoản thuế vốn và lợi tức: 410kg/ha.

+ Giai đoạn 1995 – 2004: 10 năm, tính lãi 25 năm 7 tháng 410kg/ha x 10 năm = 4.100kg x 3.800đ/kg = 15.580.000đ x 10%/năm x 25 năm 7 tháng = 40.040.600đ lãi + gốc = 55.620.600đ (Năm mươi lăm triệu sáu trăm hai mươi ngàn sáu trăm đồng).

+ Giai đoạn 2005 – 2016: 12 năm, tính lãi 15 năm 7 tháng. Diện tích tăng 13.693m2 là 410kg/ha x 13.693m2 = 552kg/năm x 12 năm = 6.624kg tươi x giá bình quân 5.777đ/kg = 38.266.848đ x 10%/năm x 15 năm 7 tháng = 60.078.951đ lãi + gốc =98.345.799đ (Chín mươi tám triệu ba trăm bốn mươi lăm ngàn bảy trăm chín mươi chín đồng).

+ Giai đoạn 2017: 1 năm, tính lãi 3 năm 7 tháng, Diện tích giảm còn 0,7 ha là 410kg/ha x 0,7ha = 287kg x 7.680đ/kg = 2.204.160đ x 10% x 3 năm 7 tháng = 815.539đ lãi = gốc = 3.019.699đ (Ba triệu không trăm mười chín ngàn, sáu trăm chín mươi chín đồng).

Tổng khoản thuế vốn và lợi tức là 156.986.098đ (Một trăm năm mươi sáu triệu chín trăm tám mươi sáu ngàn không trăm chín mươi tám đồng).

5. Khoản thuế nông nghiệp (Thuê đất): 243kg/ha theo Nghị quyết năm 1995, Tại biên bản hòa giải công ty trình bày chỉ thu tiền mặt 1 năm 1995, năm 1996 đưa vào khoán không thu bằng tiền nữa. Khoản thuế này được giảm chỉ còn 222 kg/ha trùng khớp với bản giải trình số 45 của công ty giải trình cho chi cục thuế Eakar. Vậy là khoản thuế này được giảm 21kg/ha. Như vậy lời trình bày khoản thuế này của công ty trong biên bản hòa giải và bản giải trình số 45 ngày 22/5/2019 là đúng. Còn bản nghị quyết ngày 4/7/1996 công ty thu tăng 222 kg khoản thuế này bằng 465 kg/ha là công ty thu không của người nhận khoán là 243 kg/ha nhưng tôi đã cân đối khoản thuế này trong khoản chênh lệch lên chỉ tính 243 kg của năm 1995 và 21 kg được giảm của năm 1996 là 264 kg x 3.800đ/kg = 1.003.200đ x 10%/năm x 25 năm 7tháng = 2.578.224đ lãi + gốc = 3.581.224đ (Ba triệu năm trăm tám mươi mốt nghìn hai trăm hai mươi bốn đồng).

Phần cân đối các khoản được miễn giảm trong bản phương thức khoán năm 1990 gồm: Khấu hao tài sản cố định 310kg nhân quy ra tươi 1.550kg/ha; thuế Nông nghiệp 112kg nhân quy ra tươi 560kg/ha; Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Công đoàn 26kg nhân quy ra tươi 130kg/ha; chi phí quản lý NT-Đội 52kg nhân quy ra tươi 260kg/ha; chi phí quản lý xí nghiệp 333 là 25kg nhân quy ra tươi 125kg/ha; công trình xã hội 45kg nhân quy ra tươi 225kg/ha = 570kg nhân quy ra tươi 2.850kg/ha.

Nghị quyết 1995: 2.848kg/ha gồm: KHCBTSCĐ 752kg tươi/ha; thuế nông nghiệp 243kg tươi/ha; BHXH, YT, CĐ 205kg tươi/ha; phân bổ 23kg tươi/ha;

lương phép 30kg tươi/ha; 5 quỹ khuyến khích, khen thưởng, phúc lợi, xã hội, Bảo hộ sản xuất, mất việc làm 795 kg tươi/ha; thuế vốn, lợi tức 410kg tươi/ha; chi phí quản lý Xí nghiệp, Nông trường, Đội 390kg tươi/ha = 2.848 kg/ha năm 1996 được giảm 21kg thuế nông nghiệp = 2.827 kg năm 1999 được miễn 752 kg, Khấu hao cơ bản tài sản cố định = 2.075kg năm 2007; 5 quỹ được giảm 3 quỹ 645kg = 1430 kg năm 2011, 2 quỹ bảo hộ sản xuất và mất việc làm là 150kg không thu nữa = 1280kg – 390kg chi phí quản lý = 890kg – 30kg thuế đất phi nông nghiệp = 860kg này gồm các khoản không phải đóng 410kg là thuế vốn, lợi tức và 23kg phân bổ trong phương thức khoán năm 1990 có tổng tài sản cố định là 4.607.144.000đ, vườn cà phê là 132.828.000đ còn lại là giá trị máy móc và nhà làm việc là 4.474.316.000đ (để hoàn trả lại vốn vay của nhà nước bằng phương pháp trả dần hàng năm vào ngân sách, nông trường cho công nhân vay vốn bằng đất đai, vườn cây, công nhân dùng vốn này để kinh doanh và phải trả cho nông trường: khấu hao vườn cây và tài sản cố định khác).

Như vậy 410kg thuế vốn và lợi tức người nhận khoán không phải trả họ đã tư đầu tư 100%, còn 23kg phân bổ trong Nghị quyết 1995 là khoản khấu hao ô tô là không đúng, vì ô tô cũng là máy móc không thể nằm riêng thành một khoản được. Như vậy là 433kg công ty thu khống của người nhận khoán.

Như vậy 860kg – 433kg của 2 khoản = 427kg – 205kg BHXH mà người công nhân đã đóng 100% bằng tiền mặt. Như vậy công ty thu khoản Bảo hiểm xã hội hai lần = 222kg là khoản thuế đất nông nghiệp – 30kg đất phi nông nghiệp = 192kg, khoản thuế nông nghiệp được nhà nước miễn giảm từ năm 1995 – 2006 (năm 2007 còn 27kg) là đúng với các quyết định nhà nước đã miễn giảm cho các hộ nhận khoán. Vậy mà công ty cho rằng người nhận khoán thiếu tiền thuế đất của nhà nước ở chỗ nào? Mà đòi truy thu tiền thuế đất.

6. Khoản Khấu hao cơ bản tài sản cố định:

Năm 1999 nhà nước không thu nữa, đã cân đối trong khoản chênh lệch tôi không tính nữa.

Trên đây là phần phản tố của các khoản thu sai và chênh lệch tổng cộng là 924.313.634đ (Chín trăm hai mươi bốn triệu, ba trăm mười ba ngàn, sáu trăm ba mươi tư đồng).

Phần II: phần bồi thường hợp đồng Có tính giá trị quyền sử dụng đất (trồng cà phê và cây ăn trái), thủ tục bồi thường hợp đồng.

+ Đối với cây cà phê: Căn cứ quy định, quyết định, kế hoạch tái canh 16 nghìn ha cà phê già cỗi trong tổng công ty cà phê Việt Nam của chính phủ được thực hiện từ năm 2016 – 2020. Căn cứ quyết định số 340/QĐ-BNN và PTNT ngày 23/02/2013 của Bộ nông nghiệp về việc phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật trồng tái canh cà phê vối và quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy trình tái canh cà phê vối.

Về định mức kỹ thuật mà Bộ nông nghiệp tính cho 1 ha cà phê vối theo quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 được áp dụng như sau: Năng suất 15000kg quả tươi/ha quy đổi = 3000kg nhân khô/ha/năm x giá 43.000đ/kg = 129.000.000đ/năm x 20 năm = 2.580.000.000đ (Hai tỷ năm trăm tám mươi triệu đồng)/ha. Đối với phần diện tích 8,482m2 x 2.580.000.000đ = 2.188.356.000đ (Hai tỷ một trăm tám mươi tám triệu, ba trăm năm mươi sáu ngàn đồng) + Đối với cây ăn trái: Được trồng đối với các loại cây: sầu riêng, bơ, chôm chôm. Quy định 1 ha cà phê được trông xen sầu riêng là 40 cây/ha. Như vậy 8482m2 được trồng là 34 cây sầu riêng, thời gian cho thu hoạch là 6 năm, thời gian còn lại của hợp đồng 50 năm còn 24 năm nữa. Tính 24 năm – 6 năm kiến thiết vườn cây còn 18 năm, vườn cây vào kinh doanh mỗi một cây tôi chỉ tính 200kg/cây x 34 cây = 6800 kg/năm x giá 25.000đ/kg = 170.000.000₫/năm x 16 năm = 2.720.000.000đ (Hai tỷ bảy trăm hai mươi triệu đồng). Đối với yêu cầu này chúng tôi xin rút yêu cầu phản tố đối với vườn cây ăn trái.

Tổng chúng tôi yêu cầu phản tố sau khi đã rút lại thì yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty 720 phải trả lại số tiền thu sai, thu chênh lệch và bồi thường vườn cây cà phê phần còn lại của hợp đồng với số tiền là 3.112.669.634đ.

Tôi đề nghị tòa án huyện Eakar buộc công ty cà phê 720 phải thanh lý các hợp đồng theo từng giai đoạn khoán của các hợp đồng mà các khoản thu sai, thu tăng, thu chênh lệch mà tôi tôi đã tính trong bản giải trình này và phải trả lợi nhuận phát sinh trên diện tích 8482m2 đất giao khoán của tôi bị công ty thu hồi không có lý do.

Ý kiến của chúng tôi cũng là ý kiến của ông S (chồng Bà N).

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 41/2022/DSST ngày 13 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

- Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 203; Điều 212; Điều 213; Khoản 1 Điều 217; Điều 218; Điều 244; Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Căn cứ Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 388, Điều 390, Điều 392, Điều 408, Điều 412, Điều 414; Điều 501; Điều 502, Điều 506 Bộ luật dân sự 2005;

- Điều 4, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ.

- Thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hướng dẫn một số Điều của nghị định số 135/2005/NĐ – CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ.

- Căn cứ vào Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

I. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TMHH MTV cà phê 720.

Chấm dứt hợp đồng giao nhận khoán số 22, 23/9/2011/HĐGNK ngày 03/8/2011; Phụ lục hợp đồng số 22/9/2016 giữa Công ty TNHH MTV C và bà Lê Thị Hồng L (Lê Thị L) Buộc bà Lê Thị Hồng L phải trả lại diện tích 8482 m2, tại thửa đất số 24, tờ bản đồ số 74, tại xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có vị trí và tứ cận như sau:

+ Phía Đông: Giáp thửa đất số 199 có cạnh dài 29m;

+ Phía Tây: Giáp đường liên xã Cư Ni đi Ea Păl có cạnh dài 29m;

+ Phía Nam: Giáp thửa đất số 68 có cạnh dài 276m;

+ Phía Bắc: Giáp đường bờ lô có cạnh dài 278,03m.

II. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn bà Lê Thị Hồng L về yêu cầu Công ty TNHH MTV C trả số tiền gồm các khoản sau:

1. Các khoản thu sai, chênh lệch, thu tăng theo yêu cầu phản tố từ năm 1995 – 2017 với số tiền là 924.313.634đ gồm các khoản sau:

+ Khoản chênh lệch hợp đồng và nghị quyết người lao động với số tiền là 637.238.199đ (Sáu trăm ba mươi bảy triệu hai trăm ba mươi tám ngàn một trăm chín mươi chín đồng).

+ Các khoản người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Công Đoàn với số tiền là 77.435.857 (Bảy mươi bảy triệu bốn trăm ba mươi lăm ngàn tám trăm năm mươi bảy đồng).

+ Khoản mất việc làm, phép với số tiền là 49.072.256đ (Bốn mươi chín triệu không trăm bảy mươi hai ngàn hai trăm năm mươi sáu đồng).

+ Khoản thuế vốn và lợi tức với số tiền là 156.986.098đ (Một trăm năm mươi sáu triệu chín trăm tám mươi sáu ngàn không trăm chín mươi tám đồng).

+ Khoản tiền thuế nông nghiệp (thuê đất) với số tiền là 3.581.224 đồng (Ba triệu năm trăm tám mươi mốt ngàn hai trăm hai mươi bốn đồng).

+ Khoản khấu hao cơ bản tài sản cố định: năm 1999 nhà nước không thu nữa, đã cân đối trong khoản chênh lệch nên không tính nữa.

2. Phần bồi thường khoảng thời gian còn lại của hợp đồng 50 năm đối với cây cà phê vối với số tiền là 2.188.356.000đ (Hai tỷ một trăm tám mươi tám triệu, ba trăm năm mươi sáu ngàn đồng).

Tổng các khoản thu sai, chênh lệch, bồi thường cây cà phê của thời gian còn lại trong hợp đồng giao khoán đất 50 năm = 3.112.669.634đ (Ba tỉ một trăm mười hai triệu sáu trăm sáu mươi chín nghìn sáu trăm ba mươi bốn đồng).

III. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty 720 đối với các yêu cầu:

+ Đối với phần diện tích đất của thửa đất số 20, diện tích là 3130 m2 và thửa đất số 21, diện tích 2567m2, tại xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

+ Yêu cầu bà L phải trả lại giá trị tài sản vườn cây đã cắt mang đi bán là 14.840.000 đồng.

+ Yêu cầu bà L hoàn trả cho Công ty nợ sản phẩm khoán cà phê năm 2016 là 1017 kg cà phê quả tươi quy ra cà phê nhân là 203kg x giá thời điểm ngày 15/2/2017 là 43.000 đồng/kg = 8.746.200 đồng, lãi suất tính từ 15/2/2017 đến 20/2/2020 là 3.206.940 đồng, tổng là 11.953.140 đồng.

+ Yêu cầu bà L hoàn trả cho Công ty nợ sản phẩm khoán cà phê năm 2017 là 1.106 kg cà phê quả tươi quy ra cà phê nhân là 217kg x giá thời điểm năm ngày 15/2/2018 là 33.000 đồng/kg = 7.156.471 đồng, lãi suất tính từ 15/2/2018 đến 20/2/2020 là 1.753.335 đồng, tổng là 8.909.806 đồng. Tổng cộng năm 2016 và năm 2017 là 20.862.946 đồng.

IV. Đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu bồi thường về cây ăn trái với số tiền là 2.720.000.000 đồng (Hai tỉ bảy trăm hai mươi triệu đồng).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, án phí và tuyên quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án và thỏa thuận thi hành án cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/9/2022, bị đơn bà Lê Thị Hồng L kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Đề nghị xem xét giải quyết theo hướng chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Buộc Công ty 720 phải trả cho bà L số tiền 3.112.669.634 đồng và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn giữ nguyên yêu cầu phải tố và nội dung kháng cáo.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, thẩm phán, Hội đồng xét xử, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Nhận thấy, bà L đã vi phạm nghĩa vụ nộp sản phẩm đối với Công ty vì vậy công ty yêu cầu chấm dứt hợp đồng giao nhận khoán và buộc bà L phải trả lại diện tích đất nhận khoán cho Công ty là có căn cứ, đúng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Đối với yêu cầu phản tố của bà L không có căn cứ để chấp nhận. Ngoài ra, bà L cho rằng Tòa án không triệu tập Tổng công ty cà phê Việt Nam, các cơ quan thuế và Ngân hàng tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Xét thấy, Công ty TNHH MTV C chuyển từ Công ty cà phê 720 theo Quyết định số 1887/QĐ-ĐMDN ngày 27/4/2010 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất vào mục đích kinh doanh sản xuất cây cà phê, sản xuất lúa nước và áp dụng khoán vườn cây và đất cho người lao động trong sản xuất. Nên Công ty có đầy đủ tư cách pháp nhân để thực hiện ký kết hợp đồng giao khoán với các hộ dân. Việc Công ty và bà L ký kết hợp đồng giao khoán làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên chứ không liên quan đến các cơ quan, tổ chức nào khác. Vì vậy, việc giải quyết vụ án này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người khác do đó không cần thiết để đưa vào tham gia tố tụng. Do đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Lê Thị Hồng L, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 41/2022/DSST ngày 13 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa;

căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Lê Thị Hồng L nộp trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn:

[2.1] Xét kháng cáo đối với hợp đồng giao nhận khoán và việc trả lại diện tích đất nhận khoán:

Công ty TNHH MTV C (Gọi tắt là Công ty 720) được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất vào mục đích kinh doanh sản xuất cây cà phê, sản xuất lúa nước… Công ty áp dụng khoán vườn cây cho người lao động. Năm 2011, Công ty 720 đã ký kết hợp đồng giao nhận khoán đất sản xuất cà phê giai đoạn 2011 – 2015 với bà Lê Thị Hồng L. Theo Hợp đồng số 22+23 /9/2011/HĐGNK ngày 03/08/2011, bà Lê Thị Hồng L được Công ty giao diện tích 13.693 m2 thửa đất số 20, 24 tờ bản đổ số 74; thửa số 343 tờ bản đồ số 71. Bà L là Công nhân có tham gia Bảo hiểm xã hội. Nghĩa vụ hàng năm bà L phải nộp là 3.989 kg cà phê quả chín tươi.

Đến cuối năm 2015, thực hiện Nghị quyết của Tổng công ty C Việt nam về việc sắp xếp đổi mới lại Doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, kéo dài phương án khoán thêm 02 năm 2016-2017. Công ty tiếp tục ký với hộ bà Lê Thị Hồng L bản Phụ lục hợp đồng số 22/9/2016/PLHĐ ký ngày 07/11/2016 về việc kéo dài hợp đồng giao nhận khoán sản xuất cà phê với diện tích 13.693m2 (do bà Lê Thị N là em của bà Lê Thị Hồng L ký và viết, trong diện tích đất này bà L canh tác một phần và Bà N đang canh tác một phần). Phụ lục hợp đồng có hiệu lực đến ngày 31/12/2017 và không tách rời bản hợp đồng số 22+23/9/2011/HĐGNK ngày 3/8/2011. Việc ký kết phụ lục hợp đồng bà L đều biết và thừa nhận.

Việc các bên xác lập hợp đồng được thông qua tại Hội nghị đại biểu Công nhân viên chức – người lao động và đã được Tổng công ty cà phê Việt Nam phê duyệt. Khi ký kết hợp đồng các bên đều hoàn toàn tự nguyện, cam kết thực hiện, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện các hợp đồng giai đoạn khoán 2011 – 2015, thì bà L chấp hành đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi ký kết phụ lục hợp đồng giao nhận khoán kéo dài 2 năm 2016 – 2017, thì năm 2016 bà L không đóng sản lượng khoán cho Công ty vì cho rằng vườn cây đã hết chu kỳ kinh doanh. Đến cuối năm 2017, Công ty TNHH MTV C thông báo thì bà L không đóng, Công ty tổ chức người thu sản phẩm thì bà Lê Thị Hồng L đóng được một phần còn nợ lại một phần cho đến nay vẫn chưa đóng.

Thực hiện Quyết định số 06/TCT-HĐTV ngày 12/01/2018 của Hội đồng thành viên Tổng công ty Cà phê Việt Nam về việc thanh lý 104,93 ha cà phê vối trồng năm 1985 đã già cỗi đã hết hạn hợp đồng khoán ngày 31/12/2017.

Để cải tạo đất và thực hiện tái canh cho chu kỳ mới, Công ty đã lập phương án, tổ chức họp các hộ nhận khoán để triển khai thanh lý hợp đồng khoán và tiến hành nhổ cây để cải tạo đất. Mặc dù Công ty đã thông báo bằng văn bản và đôn đốc nhiều lần nhưng hộ bà Lê Thị Hồng L không thực hiện. Đến tháng 01/2020 Nhà thầu của Công ty thực hiện nhổ cây nhưng Bà N không cho, nguyên nhân do bà Lê Thị N và bà Lê Thị Hồng L cản trở. Từ ngày 04/02/2020 đến ngày 15/02/2020, bà Lê Thị N cùng một số người khác tự ý đưa máy cưa cắt vườn cây cà phê, chở cây cà phê đi bán mặc dù Công ty và đơn vị nhắc nhở. Hiện nay giữa Công ty TNHH MTV C và bà Lê Thị Hồng L vẫn không thực hiện được ký kết hợp đồng tái canh cà phê nên dẫn đến tranh chấp.

Xét thấy, cho đến nay bà Lê Thị Hồng L và Bà N không chịu nộp sản lượng còn lại, không thanh lý hợp đồng khoán số 22+23/9/BBGNK ngày 03/08/2011 và phụ lục hợp đồng số 22/9/2016 có hiệu lực đến ngày 31/12/2017, nhưng các bên không ký kết hợp đồng mới để tiếp tục thực hiện việc tái canh hay có thỏa thuận nào khác nên cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chấm dứt hợp đồng giao nhận khoán với bị đơn và yêu cầu trả lại phần diện tích đất đã nhận giao khoán là có căn cứ.

Đối với các yêu cầu khởi kiện khác nguyên đơn đã rút là hoàn toàn tự nguyện nên Cấp sơ thẩm đình chỉ đối với các yêu cầu này là phù hợp.

[2.2] Xét kháng cáo về việc đề nghị Tòa án chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn xét thấy:

[2.2.1] Đối với yêu cầu phản tố đề nghị buộc Công ty TNHH MTV C trả lại các khoản chênh lệch do thu sai, thu tăng theo yêu cầu phản tố từ năm 1995 – 2017 với số tiền là 924.313.634 đồng:

Việc thu sản lượng khoán của Công ty TNHH MTV C thực hiện trên cơ sở phương án được thông qua tại Hội nghị Công nhân viên chức – người lao động và đã được Tổng công ty cà phê Việt Nam phê duyệt. Tại mỗi giai đoạn khoán giữa Công ty và người lao động đều tự nguyện thỏa thuận Thanh lý hợp đồng giao khoán cũ ký kết Hợp đồng khoán mới để thay thế. Quá trình thực hiện hợp đồng tại từng giai đoạn bà Lê Thị Hồng L tự nguyện thoả thuận ký kết hợp đồng và không có khiếu nại, khiếu kiện gì đối với các hợp đồng khoán trước đó. Chứng tỏ, việc khoán sản phẩm và thu các khoản đối với người nhận khoán là phù hợp với các điều khoản trong các hợp đồng đã ký kết. Do vậy, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố này của bị đơn là phù hợp.

[2.2.2] Đối với yêu cầu phản tố đề nghị buộc Công ty TNHH MTV C bồi thường thiệt hại hợp đồng đối với cây cà phê vối trong thời gian còn lại của hợp đồng giao nhận khoán đất 50 năm với số tiền là 2.188.356.000 đồng:

Công ty TNHH MTV C do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, nhà nước đại diện quyền sở hữu là Tổng công ty cà phê Việt Nam, để thực hiện việc sản xuất kinh doanh thì Công ty TNHH MTV C đã thực hiện thuê đất của UBND tỉnh Đắk Lắk theo quy định của pháp luật nên Công ty TNHH MTV C đã ký kết hợp đồng lao động đối với bà Lê Thị Hồng L là công nhân có tham gia bảo hiểm xã hội với thời hạn là 50 năm gắn với hợp đồng giao nhận khoán. Việc bà L không nộp sản lượng cà phê theo phụ lục hợp đồng giao nhận khoán 2016 - 2017, không tiếp tục ký kết hợp đồng giao nhận khoán mới để tiếp tục thực hiện việc tái canh cây cà phê. Việc bà L tự ý cắt vườn cây cà phê nhận khoán, không được sự đồng ý của Công ty lỗi thuộc về phía bà L. Hơn nữa, hiện tại trên đất khoán hiện nay là đất trắng không có tài sản gì. Do vậy, cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn yêu cầu phản tố của bà L yêu cầu công ty phải bồi thường giá trị vườn cây còn lại theo hợp đồng giao khoán đất 50 năm là 2.188.356.000 đồng là có cơ sở.

Từ những phân tích và nhận định trên, hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn bà Lê Thị Hồng L.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn bà Lê Thị Hồng L phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì những lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn bà Lê Thị Hồng L – Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2022/DS-ST Ngày 13/09/2022 của Tòa án nhân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

[2] Điều luật áp dụng:

- Căn cứ Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 388, Điều 390, Điều 392, Điều 408, Điều 412, Điều 414; Điều 501; Điều 502, Điều 506 Bộ luật dân sự 2005;

- Căn cứ Điều 4, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ.

- Thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hướng dẫn một số Điều của nghị định số 135/2005/NĐ – CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ.

Căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/ 2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

[3] Tuyên xử:

[3.1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH MTV C.

Chấm dứt hợp đồng giao nhận khoán số 22, 23/9/2011/HĐGNK ngày 03/8/2011; Phụ lục hợp đồng số 22/9/2016 giữa Công ty TNHH MTV C và bà Lê Thị Hồng L (Lê Thị L).

Buộc bà Lê Thị Hồng L phải trả lại diện tích 8.482 m2, tại thửa đất số 24, tờ bản đồ số 74, tại Thôn 9, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có vị trí và tứ cận như sau:

+ Phía Đông: Giáp thửa đất số 199 có cạnh dài 29m;

+ Phía Tây: Giáp đường liên xã Cư Ni đi Ea Păl có cạnh dài 29m;

+ Phía Nam: Giáp thửa đất số 68 có cạnh dài 276m;

+ Phía Bắc: Giáp đường bờ lô có cạnh dài 278,03m.

[3.2] Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn bà Lê Thị Hồng L về yêu cầu Công ty TNHH MTV C trả số tiền gồm các khoản sau:

[3.2.1] Các khoản chênh lệch do thu sai, thu tăng theo yêu cầu phản tố từ năm 1995 – 2017 với số tiền là 924.313.634 đồng gồm các khoản sau:

+ Khoản chênh lệch hợp đồng và nghị quyết người lao động với số tiền là 637.238.199đ (Sáu trăm ba mươi bảy triệu hai trăm ba mươi tám ngàn một trăm chín mươi chín đồng).

+ Các khoản người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Công Đoàn với số tiền là 77.435.857 đ (Bảy mươi bảy triệu bốn trăm ba mươi lăm ngàn tám trăm năm mươi bảy đồng).

+ Khoản mất việc làm, phép với số tiền là 49.072.256đ (Bốn mươi chín triệu không trăm bảy mươi hai ngàn hai trăm năm mươi sáu đồng).

+ Khoản thuế vốn và lợi tức với số tiền là 156.986.098đ (Một trăm năm mươi sáu triệu chín trăm tám mươi sáu ngàn không trăm chín mươi tám đồng).

+ Khoản tiền thuế nông nghiệp (thuê đất) với số tiền là 3.581.224 đồng (Ba triệu năm trăm tám mươi mốt ngàn hai trăm hai mươi bốn đồng).

+ Khoản khấu hao cơ bản tài sản cố định: Năm 1999 nhà nước không thu nữa, đã cân đối trong khoản chênh lệch nên không tính nữa.

[3.2.2] Phần bồi thường khoảng thời gian còn lại của hợp đồng 50 năm đối với cây cà phê vối với số tiền là 2.188.356.000đ (Hai tỷ một trăm tám mươi tám triệu, ba trăm năm mươi sáu ngàn đồng).

Tổng các khoản thu sai, chênh lệch, bồi thường cây cà phê của thời gian còn lại trong hợp đồng giao khoán đất 50 năm = 3.112.669.634đ (Ba tỉ một trăm mười hai triệu sáu trăm sáu mươi chín nghìn sáu trăm ba mươi bốn đồng).

[3.3] Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty 720 đối với các yêu cầu:

+ Đối với phần diện tích đất của thửa đất số 20, diện tích là 3130 m2 và thửa đất số 21, diện tích 2567m2, tại xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

+ Yêu cầu bà L phải trả lại giá trị tài sản vườn cây đã cắt mang đi bán là 14.840.000 đồng.

+ Yêu cầu bà L hoàn trả cho Công ty nợ sản phẩm khoán cà phê năm 2016 là 1017 kg cà phê quả tươi quy ra cà phê nhân là 203kg x giá thời điểm ngày 15/2/2017 là 43.000 đồng/kg = 8.746.200 đồng, lãi suất tính từ 15/2/2017 đến 20/2/2020 là 3.206.940 đồng, tổng là 11.953.140 đồng.

+ Yêu cầu bà L hoàn trả cho Công ty nợ sản phẩm khoán cà phê năm 2017 là 1.106 kg cà phê quả tươi quy ra cà phê nhân là 217kg x giá thời điểm năm ngày 15/2/2018 là 33.000 đồng/kg = 7.156.471 đồng, lãi suất tính từ 15/2/2018 đến 20/2/2020 là 1.753.335 đồng, tổng là 8.909.806 đồng. Tổng cộng năm 2016 và năm 2017 là 20.862.946 đồng.

[3.4] Đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu bồi thường về cây ăn trái với số tiền là 2.720.000.000 đồng (Hai tỉ bảy trăm hai mươi triệu đồng).

[3.5] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Buộc bị đơn bà Lê Thị Hồng L phải trả cho Công ty TNHH MTV C số tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng).

[3.6] Về án phí:

[3.6.1] Án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc bà Lê Thị Hồng L phải nộp 300.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và 94.325.392đ ồng án phí dân sự có giá ngạch. Được khấu trừ vào 116.061.336 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2019/0011361, ngày 11/09/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea Kar. Bà L được nhận lại số tiền là 21.741.894 đồng.

Hoàn trả lại cho Công ty TNHH MTV C số tiền 300.000đ theo biên lai thu số AA/2019/0011165 ngày 18/6/2020 và số tiền 892.573 đồng theo biên lai thu số AA/2019/0011166 ngày 18/6/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea Kar.

[3.6.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà Lê Thị Hồng L phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu số AA/2021/0020194 ngày 27/9/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea Kar, tỉnh ĐắkLắk.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

42
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng giao khoán số 117/2023/DS-PT

Số hiệu:117/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về