Bản án về tranh chấp hợp đồng gia công số 103/2018/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 103/2018/KDTM-PT NGÀY 22/01/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Trong các ngày 27 tháng 12 năm 2017 và 22 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 134/2017/TLPT-KDTM ngày 02 tháng 11 năm 2017 về việc tranh chấp hợp đồng gia công theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 2799/2017/QĐXPT-KDTM ngày 28 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm TN (tên cũ là Công ty TNHH đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN).

Địa chỉ trụ sở hiện nay: 808/10 đường NTR, ấp CL, xã ND, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Minh Th. (có mặt).

Địa chỉ: 152/2/34 đường số 10, Phường C, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

(Là người đại diện theo ủy quyền, Giấy ủy quyền ngày 22/11/2016).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Võ Xuân Tr – Luật sư của Công ty luật hợp danh SM thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BA.

Địa chỉ trụ sở: 338/9/5 đường DBP, Phường M, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Hồ Nhật T (Là người đại diện theo ủy quyền, Giấy ủy quyền ngày 25/9/2017) (có mặt).

Địa chỉ: 345/35 đường THD, phường CK, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung và quyết định của bản án sơ thẩm :

Tại đơn khởi kiện và tại phiên tòa, nguyên đơn - Công ty TNHH TN có người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 18/5/2016 Công ty TNHH thực phẩm TN (sau đây gọi tắt là Công ty TN) và Công ty TNHH thực phẩm BA (sau đây gọi tắt là Công ty BA) ký kết Hợp đồng gia công số: 01BA/HĐGC. Theo hợp đồng, Công ty TN đặt Công ty BA gia công hàng hóa gồm: Tương đậu phụng (Peanut sauce) 23.720 gói với giá 5.500 đồng/gói và Tương ớt (Sweet chili sauce) 23.720 gói với giá 6.600 đồng/gói. Toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công hàng hóa là do Công ty BA cung ứng. Mẫu mã và chữ viết trên bao bì sản phẩm theo yêu cầu của Công ty TN là chữ Hàn Quốc. Các bên thỏa thuận về tỷ lệ phần trăm nguyên liệu để sản xuất Tương đậu phụng (Peanut sauce) và Tương ớt (Sweet chili sauce) được Công ty BA xác nhận. Số hàng trên gia công để xuất qua Hàn Quốc. Tổng giá trị hợp đồng đã bao gồm thuế VAT là 287.012.000 đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng: Công ty TN đã tạm ứng cho Công ty BA 30% giá trị hợp đồng = 86.103.600 đồng. Ngày 12/6/2016 Công ty BA đã gia công xong hàng hóa và giao cho Công ty TN. Sau khi nhận được hàng, Công ty TN đã thanh toán cho Công ty BA 192.531.400 đồng. Tổng số tiền Công ty TN đã thanh toán cho Công ty BA là 278.635.000 đồng.

Ngày 14/6/2016, Công ty TN xuất khẩu toàn bộ lô hàng do Công ty BA gia công sang thị trường Hàn Quốc. Ngày 29/6/2016 nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc đã gửi thông báo cho Công ty TN biết mặt hàng Tương đậu và Tương ớt mà Công ty TN xuất khẩu sang Hàn Quốc có chứa chất Sorbic acid, chất này bị cấm sử dụng tại Hàn Quốc trong các loại nước tương, nước sốt . Kèm theo thông báo nhà nhập khẩu Hàn Quốc còn gửi cho Công ty TN bản kết quả kiểm nghiệm từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc. Sau đó, nhà nhập khẩu Hàn Quốc đã gửi trả toàn bộ lô hàng cho Công ty TN và yêu cầu Công ty TN phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc trả lại hàng.

Ngày 29/6/2016, Công ty TN đã thông báo và khiếu nại gửi Email cho Công ty BA biết hàng hóa mà Công ty BA gia công cho Công ty TN không đảm bảo chất lượng như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Mặc dù nhận được khiếu nại về chất lượng hàng hóa từ phía Công ty TN nhưng Công ty BA không đưa ra giải thích nào và cũng không giải quyết các hậu quả, thiệt hại cho Công ty TN. Công ty TN nhiều lần liên hệ với Công ty BA để giải quyết vụ việc nhưng Công ty BA không có thiện chí hợp tác nên Công ty TN đã khởi kiện Công ty BA ra Tòa án.

Yêu cầu của Công ty TN:

- Yêu cầu hủy hợp đồng gia công số 01BA/HĐGC ngày18/5/2016. Công ty TN trả lại 23.650 gói Tương ớt (Sweet chili sauce) và 23.670 gói Tương đậu phụng (Peanut sauce) cho Công ty BA. Số lượng hàng hóa bị thất thoát so với hợp đồng gồm Tương ớt (Sweet chili sauce) = 70 gói x 5.500 đồng = 385.000 đồng, Tương đậu phụng (Peanut sauce) = 50 gói x 6.600 đồng = 330.000 đồng thì Công ty TN đồng ý khấu trừ vào số tiền 278.635.000 đồng mà Công ty TN đã thanh toán cho Công ty BA.

- Yêu cầu Công ty BA trả số tiền 277.920.000 đồng ( đã khấu trừ giá trị hàng bị thất thoát) cho Công ty TN ngay sau khi Bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

- Yêu cầu Công ty BA phải bồi thường tiền chi phí vận chuyển hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam là 20.075.000 đồng.

Công ty TN rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đòi Công ty BA: Tiền phí kiểm tra, hải quan, bốc dỡ trả hàng từ phía Hàn Quốc là 24.530.000 đồng; Tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 22.960.960 đồng; Tiền lợi nhuận được hưởng từ việc bán hàng cho nhà nhập khẩu Hàn Quốc là 28.701.200 đồng.

Đại diện Bị đơn - Công ty BA trình bày: Bị đơn thừa nhận có thỏa thuận và ký kết với Công ty TN Hợp đồng gia công số: 01BA/HĐGC ngày 18/5/2016 đúng như Nguyên đơn trình bày. Công ty BA đã gia công và giao hàng cho Công ty TN theo đúng hợp đồng. Công ty TN đã thanh toán 278.635.000 đồng tiền gia công hàng hóa cho Công ty BA. Tại thời điểm giao hàng Công ty TN không có khiếu nại về số lượng và chất lượng hàng hóa. Đến ngày 29/6/2016 Công ty TN mới khiếu nại Công ty BA về việc hàng hóa giao không đảm bảo chất lượng có chất Sorbic acid. Việc khiếu nại của Công ty TN đối với Công ty BA là không có cơ sở bởi sau ngày giao nhận hàng Công ty BA không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự cố nào về hàng hóa đã giao. Công ty BA không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của Công ty TN. Công ty BA không yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ và cũng không đưa ra yêu cầu giám định về chất lượng hàng hóa đã giao cho Công ty TN.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận M phát biểu ý kiến: đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 96/2017/KDTM-ST ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân Quận M, thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên:

- Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 266, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Áp dụng Điều 178; Điều 179; Điều 181, Điều 182, Điều 306, Điều 312, Điều 314 Luật Thương mại;

- Áp dụng Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Áp dụng Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án;

1. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN về việc buộc bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BA bồi thường tiền phí kiểm tra, hải quan, bốc dỡ trả hàng từ phía Hàn Quốc là 24.530.000 đồng. Tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 22.960.960 đồng. Tiền lợi nhuận được hưởng từ việc bán hàng cho nhà nhập khẩu Hàn Quốc là 28.701.200 đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Hủy bỏ hợp đồng gia công số: 01BA/HĐGC ngày 18/5/2016 giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN với Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BA.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BA phải trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN số tiền 297.995.000 đồng gồm: Tiền gia công hàng hóa 277.920.000 đồng, tiền vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc về Việt Nam là 20.075.000 đồng. Thi hành tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành chưa thi hành khoản tiền trên, thì hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN về việc trả lại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BA 23.650 gói Tương ớt (Sweet chili sauce) và 23.670 gói Tương đậu phụng (Peanut sauce) theo “Bảng kiểm tra hàng Sauce tồn kho” ngày 10/9/2017 của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN (đính kèm theo Bản án). Thi hành tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

3. Án phí dân sự sơ thẩm về kinh doanh thương mại: 14.899.750 đồng buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BA phải chịu.

Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 9.582.001 đồng theo biên lai thu số 0000371 ngày 03/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 11/10/2017, Công ty BA kháng cáo.

Nội dung kháng cáo: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Tại phiên Tòa phúc thẩm :

Bị đơn trình bày : Đề nghị giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Nguyên đơn trình bày: Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị giữ y bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Đơn kháng cáo của bị đơn-Công ty BA còn trong hạn luật định nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả hỏi, tranh luận tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng: Căn cứ vào đơn khởi kiện của nguyên đơn thì Công ty TN tranh chấp với Công ty BA về hợp đồng gia công số 01BA/HĐGC ngày 18/5/2016. Công ty TN và Công ty BA đều có đăng ký kinh doanh và khi xác lập giao dịch các bên đều nhằm mục đích lợi nhuận, nên có cơ sở xác định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng gia công hàng hóa” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Bị đơn có trụ sở tại Quận M, TP. Hồ Chí Minh nên Tòa án nhân dân Quận M, TP.Hồ Chí Minh căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự xác định thẩm quyền giải quyết là đúng thẩm quyền.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của Bị đơn:

[2.1] Về yêu cầu của nguyên đơn đòi hủy Hợp đồng gia công số 01BA/HĐGC ngày 18/5/2016 đã ký kết với Công ty BA. Xét thấy:

[2.1.1] Theo Bảng tỷ lệ phần trăm nguyên liệu lập ngày 18/05/2016 có xác nhận của Công ty BA thì thành phần nguyên liệu để Công ty BA gia công cho Công ty TN các sản phẩm: Tương đậu phụng (Peanut sauce) gồm có: Đậu phộng = 43.00%, Muối = 7.60%, Đường = 29.00%, Bơ thực vật = 15.10%, Giấm = 1.30%, Nissin natalat = 1.00%, E621 = 3.00%; Tương ớt (Sweet chili sauce) gồm có: Muối = 4.40%, Đường = 31.60%, Dầu thực vật = 2.70%, Ớt = 14.50%, Giấm = 13.30, Vị chanh = 18.30%, Gừng = 11.20%, Nissin natalat = 1.00%, E621 = 3.00%. Tại Tòa án, Công ty BA thừa nhận toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công hàng hóa là do công ty BA cung ứng.

[2.1.2] Về trình bày của Công ty BA cho rằng khi nhận hàng phía Công ty TN không có khiếu nại về chất lượng sản phẩm nên Công ty BA không chấp nhận việc khiếu nại sau khi đã nhận hàng. Xét thấy: Công ty BA giao hàng cho Công ty TN vào ngày 12/6/2016. Ngày 29/6/2016, Công ty TN khiếu nại về chất lượng hàng hóa nhưng không được Công ty BA giải quyết. Theo quy định về thời hạn khiếu nại chất lượng hàng hóa tại khoản 2 Điều 318 Luật thương mại năm 2005 là : “Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hóa” thì việc khiếu nại về chất lượng hàng hóa của Công ty TN đối với Công ty BA là còn thời hạn khiếu nại. Theo kết quả thử nghiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn EUROFINS Sắc Ký Hải Đăng mà Công ty TN yêu cầu thử nghiệm đã kết luận sản phẩm Tương đậu phụng (Peanut sauce) và Tương ớt (Sweet chili sauce) có chất Potassium sorbate với hàm lượng 550mg/kg. Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty BA không có ý kiến gì về các kết quả kiểm nghiệm do nguyên đơn cung cấp. Công ty BA cũng không yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ cũng như không yêu cầu giám định lại về chất lượng hàng hóa đã giao cho Công ty TN. Căn cứ khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về nghĩa vụ chứng minh quy định:“một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh”. Do đó, có cơ sở chấp nhận trình bày của Công ty TN cho rằng sản phẩm Tương đậu phụng (Peanut sauce) và Tương ớt (Sweet chili sauce) mà Công ty BA giao cho Công ty TN có chất Potassium sorbate là chất nằm ngoài danh mục Bảng tỷ lệ phần trăm nguyên liệu đã được các đương sự thỏa thuận ngày 18/05/2016. Điều này cũng có nghĩa là chất lượng sản phẩm đã không đảm bảo theo yêu cầu của bên đề nghị gia công. Tại Điều V của hợp đồng quy định về trách nhiệm của các bên có thỏa thuận trách nhiệm của Công ty BA là phải giao hàng đúng chất lượng và số lượng. Việc Công ty BA đã giao hàng không đúng chất lượng là vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng. Do vậy Công ty TN khởi kiện yêu cầu hủy bỏ hợp đồng gia công số 01BA/HĐGC ngày 18/5/2016 đã ký kết với Công ty BA là có cơ sở, phù hợp với điểm b khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại năm 2005.

[2.1.3] Về phần trình bày của phía Công ty BA cho rằng mẫu sản phẩm tương ớt và tương đậu phụng mà Công ty TN nộp có trong hồ sơ không phải là mẫu mà Công ty BA gia công. Xét thấy: trong quá trình thu thập chứng cứ và giải quyết tại cấp sơ thẩm thì Công ty BA không phản đối chứng cứ là mẫu sản phẩm mà Công ty TN cung cấp. Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty BA cũng không xuất trình được chứng cứ về sản phẩm mà Công ty BA gia công là sản phẩm khác với sản phẩm mà Công ty TN cung cấp. Do vậy không có cơ sở để chấp nhận trình bày nêu trên của Công ty BA.

Từ phân tích trên, xét thấy: Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy hợp đồng gia công nêu trên là có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ y quyết định của bản án sơ thẩm như quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát. Kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[2.2] Về yêu cầu của Công ty TN đòi Công ty BA phải trả lại khoản tiền đã thanh toán là 277.920.000 đồng: Xét thấy: tại Điều 314 Luật Thương mại năm 2005 quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng được thì do hợp đồng mà các bên ký kết đã hủy bỏ. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Công ty BA đã giao cho Công ty TN 23.720 gói Tương đậu phụng (Peanut sauce) và 23.720 gói Tương ớt (Sweet chili sauce). Theo Bảng kiểm tra hàng hóa ngày 10/9/2017 do nguyên đơn cung cấp thì hiện nay Công ty TN đang trực tiếp quản lý 23.650 gói Tương ớt (Sweet chili sauce) và 23.670 gói Tương đậu phụng (Peanut sauce) do Công ty BA gia công. Phía bị đơn không có ý kiến phản đối về Bảng kiểm tra hàng lập ngày 10/9/2017 của Công ty TN nên có cơ sở xác định hiện Công ty TN đang trực tiếp quản lý 23.650 gói Tương ớt (Sweet chili sauce) và 23.670 gói Tương đậu phụng (Peanut sauce) do Công ty BA gia công. Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty TN tự nguyện trả lại 23.650 gói Tương ớt (Sweet chili sauce) và 23.670 gói Tương đậu phụng (Peanut sauce) cho Công ty BA nên bản án sơ thẩm ghi nhận là có cơ sở. Công ty TN tự nguyện bồi thường số hàng hóa bị thất thoát cho Công ty BA gồm Tương ớt (Sweet chili sauce) = 70 gói x 5.500 đồng = 385.000 đồng, Tương đậu phụng (Peanut sauce) = 50 gói x 6.600 đồng = 330.000 đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận và cho khấu trừ vào số tiền 278.635.000 đồng mà Công ty TN đã thanh toán cho Công ty BA. Buộc Công ty BA phải trả lại cho Công ty TN Số tiền còn lại là 277.920.000 đồng ngay sau khi Bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật như quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát là có cơ sở. Kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[2.3] Về yêu cầu của Công ty TN đòi Công ty BA phải bồi thường tiền vận chuyển hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam là 20.075.000 đồng. Xét thấy: Căn cứ vào Hợp đồng gia công do các bên ký kết có thỏa thuận lô hàng gia công nêu trên được xuất vào Hàn Quốc. Việc Công ty của Hàn Quốc trả hàng do hàng không đảm bảo chất lượng thì Công ty BA là bên gia công có lỗi do phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mà mình nhận gia công. Công ty TN đã thuê Công ty TNHH vận tải biển Ngôi Sao Vương vận chuyển hàng từ Hàn Quốc trả về Việt Nam với chi phí là 20.075.000 đồng là khoản thiệt hại phát sinh do lỗi vi phạm hợp đồng của Công ty BA nên Công ty BA phải gánh chịu chi phí cho thiệt hại là phù hợp. Công ty TN đã chi khoản tiền này nên Công ty BA phải trả lại cho Công ty TN. Bản án sơ thẩm buộc Công ty BA phải bồi thường cho Công ty TN toàn bộ chi phí vận chuyển ngay sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật là thỏa đáng phù hợp khoản 3 Điều 314 Luật Thương mại năm 2005 quy định về bồi thương thiệt hại nên Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ y phần quyết định này của bản án sơ thẩm. Kháng cáo của Công ty BA không có căn cứ nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[2.4] Đối với phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc Công ty BA bồi thường tiền phí kiểm tra, hải quan, bốc dỡ trả hàng từ phía Hàn Quốc là 24.530.000 đồng. Tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 22.960.960 đồng. Tiền lợi nhuận được hưởng từ việc bán hàng cho nhà nhập khẩu Hàn Quốc là 28.701.200 đồng. Xét thấy: Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty TN đã tự nguyện rút lại phần yêu cầu khởi kiện này. Bản án sơ thẩm căn cứ vào khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu khởi kiện nêu trên của nguyên đơn là có căn cứ pháp luật nên Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ y.

[3]Về án phí:

[3.1] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH 12 của Ủy ban thường vụ quốc hội ngày 27 tháng 02 năm 2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì do yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải trả tổng cộng là 297.995.000 đồng được chấp nhận nên Bị đơn phải chịu án phí là 14.899.750 đồng .

[3.2] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu toàn bộ án phí phúc thẩm.

Về những nội dung khác trong bản án, không có kháng cáo và kháng nghị nên đã phát sinh hiệu lực thi hành.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn Cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 178, Điều 179, Điều 181, Điều 182, Điều 306, Điều 312, Điều 314 Luật Thương mại năm 2005;

- Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008 Tuyên xử: Không chấp nhận kháng cáo của Bị đơn - Công ty TNHH BA. Giữ nguyên bản án sơ thẩm như sau:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn - Công ty TNHH thực phẩm TN:

1.1 Hủy bỏ hợp đồng gia công số: 01BA/HĐGC ngày 18/5/2016 ký kết giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm TN với Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BA.

1.2 Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm BA phải trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm TN số tiền tổng cộng là 297.995.000 đồng bao gồm: Tiền gia công hàng hóa 277.920.000 đồng, tiền vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc về Việt Nam là 20.075.000 đồng.

Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH thực phẩm TN về việc trả lại cho Công ty TNHH thực phẩm BA 23.650 gói Tương ớt (Sweet chili sauce) và 23.670 gói Tương đậu phụng (Peanut sauce) theo “Bảng kiểm tra hàng Sauce tồn kho” ngày 10/9/2017 của Công ty TNHH đầu tư dịch vụ thương mại và sản xuất thực phẩm TN.

Các bên thi hành tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày Công ty TNHH thực phẩm TN có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty TNHH thực phẩm BA chưa thanh toán số tiền nêu trên thì hàng tháng Công ty TNHH thực phẩm BA còn phải trả thêm tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian và khoản tiền chưa thi hành án.

2. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn -Công ty TNHH thực phẩm TN về việc buộc bị đơn Công ty TNHH thực phẩm BA bồi thường tiền phí kiểm tra, hải quan, bốc dỡ trả hàng từ phía Hàn Quốc là 24.530.000 đồng. Tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 22.960.960 đồng. Tiền lợi nhuận được hưởng từ việc bán hàng cho nhà nhập khẩu Hàn Quốc là 28.701.200 đồng.

3.Về án phí :

3.1 Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty TNHH BA phải nộp số tiền 14.899.750 đồng . Công ty TNHH thực phẩm TN không phải chịu án phí sơ thẩm. Hoàn trả cho Công ty TNHH thực phẩm TN số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 9.582.001 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí số AE/2014/0000371 ngày 03/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.2 Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH thực phẩm BA phải chịu là 2.000.000 đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu số AE/2014/0001811 ngày 11/10/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty TNHH thực phẩm BA đã nộp đủ án phí phúc thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

140
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng gia công số 103/2018/KDTM-PT

Số hiệu:103/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:22/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về