Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa số 518/2023/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H

BẢN ÁN 518/2023/KDTM-PT NGÀY 27/04/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA

Trong các ngày 03 tháng 4 năm 2023, ngày 21 tháng 4 năm 2023 và ngày 27 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 126/2022/TLPT-KDTM ngày 18 tháng 11 năm 2022 về việc tranh chấp hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 130/2022/KDTM-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Tòa Án Nhân Dân quận T, thành phố H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1196/2023/QĐPT- KDTM ngày 20 tháng 3 năm 2023 giữa các đương sự:

1.Nguyên đơn: Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển ID Địa chỉ: 52-54-56 Trường Sơn, Phường 2, quận TB, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của Nguyên đơn: Bà Võ Thị Hồng Ngân, sinh năm 1983 (Văn bản ủy quyền: ngày 26/4/2021). (có mặt) Địa chỉ liên lạc: Số 8, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố H.

2.Bị đơn: Công ty TNHH may thời trang G Địa chỉ: Tầng trệt, block B tòa nhà Topaz Garden, số 4 Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh, quận T, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của Bị đơn theo văn bản ủy quyền ngày 09/01/2022 là: Ông Phan Tấn Tài, sinh năm 1960 và ông Ngô Thanh Hoàng, sinh năm 1971 (có mặt). Địa chỉ liên lạc: Số 245 Thống Nhất, phường Tân Thành, quận T, Thành phố H.

3. Người kháng cáo: Bị đơn

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung và quyết định của bản án sơ thẩm :

Theo đơn khởi kiện ngày 26/ 04/2021 và tại phiên tòa, nguyên đơn là Công ty Cổ phần giao nhận và vận chuyển ID (sau đây gọi tắt Công ty ID) có người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty ID là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ giao nhận vận chuyển nội địa và quốc tế. Từ tháng 4/2019, Công ty TNHH may thời trang G (gọi tắt Công ty G) bắt đầu sử dụng dịch vụ giao nhận quốc tế của Công ty ID. Trong thời gian thực hiện dịch vụ, hai bên chưa ký kết hợp đồng. Vì vậy, yêu cầu dịch vụ của Công ty G được thực hiện theo từng lô hàng và hai bên xác nhận giao kết dịch vụ theo từng vận đơn của các lô hàng và bằng thư điện tử (email) theo trình tự cụ thể như sau:

- Công ty G sẽ gửi thư điện tử (email) thông báo cho Công ty ID về việc cung cấp thông tin chính và các tài liệu liên quan đến lô hàng gồm: khối lượng hàng hóa; quy cách đóng hàng; tuyến đường yêu cầu vận chuyển; thời gian vận chuyển...Bộ chứng từ nhận hàng, Hóa đơn thương mại là hóa đơn Công ty G (invoice và packinglist) xuất cho bên nhận hàng làm chứng từ nhận hàng;

- Căn cứ theo nhu cầu của Công ty G thì Công ty ID sẽ xác nhận khả năng cung ứng dịch vụ, bao gồm các thông tin về tuyến đường vận chuyển, khối lượng thể tích hàng hoá vận chuyển, đơn giá cước vận chuyển, thời gian nhận hàng, thời gian chuyển hàng, thời gian giao hàng;

- Công ty G xác nhận thông tin đặt chỗ cho từng lô hàng theo xác nhận khả năng cung ứng dịch vụ của Công ty ID. Công ty ID nhận hàng từ Công ty G tại cảng tập trung hàng hóa của sân bay và phát hành cho Công ty G vận đơn đối với từng lô hàng được xác nhận;

- Phí dịch vụ vận chuyển được các bên thỏa thuận trước khi hàng được vận chuyển lên máy bay theo thỏa thuận của các bên trong thư điện tử và được ghi nhận tại vận đơn.

Quá trình thực hiện: Từ ngày 31/5/2019 đến ngày 12/7/2019 Công ty ID đã cung cấp dịch vụ vận chuyển 05 lô hàng là quần áo nữ đến sân bay Los Angeles Hoa Kỳ theo yêu cầu của Công ty G thể hiện tại các vận đơn số: ITL79396426 ngày 31/5/2019; ITL79396427 ngày 05/6/2019; ITL79396535 ngày 16/6/2019; ITL79396563 ngày 21/6/2019; ITL79396640 ngày 02/7/2019. Tổng cộng phí dịch vụ đối với 05 lô hàng này là 1.293.752.683 đồng.

Công ty ID đã hoàn thành đầy đủ trách nhiệm vận chuyển hàng hóa cho Công ty G và các bên không có bất cứ tranh chấp nào có liên quan đến 05 lô hàng trên. Riêng đối với công nợ của hai lô hàng có vận đơn số 79396426 và vận đơn số 79396427, Công ty ID đã gửi thư điện tử (email) vào các ngày 19/6/2019, 21/6/2019, 27/6/2019, 03/7/2019, 05/07/2019. Đại diện Công ty G đã phản hồi cho Công ty ID qua email với nội dung đã làm hồ sơ thanh toán và đang chờ cấp trên duyệt lệnh chi.

Tính đến thời điểm hiện nay thì Công ty G đã chậm thanh toán tiền dịch vụ nên phát sinh tiền lãi đối với thời gian chậm trả tiền nợ gốc theo từng vận đơn vận chuyển kể từ thời điểm phát hành vận đơn vận chuyển cho đến khi Công ty G thanh toán đủ số tiền nợ. Công ty ID đã gửi Công ty G (bằng đường bưu điện) công văn đề nghị thanh toán công nợ lần 1 ngày 31/7/2019 theo vận đơn số 90003267002 và công văn đề nghị thanh toán công nợ lần 2 ngày 20/8/2019 theo vận đơn số 90003267036. Tuy nhiên cho đến nay thì Công ty G vẫn chưa thanh toán. Do vậy, Công ty ID yêu cầu Tòa án buộc Công ty G phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty ID ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật đối với các khoản tiền gồm :

- Tiền phí vận chuyển tổng cộng là 1.293.752.683 đồng, cụ thể:

Đối với lô hàng theo vận đơn ITL79396426 ngày 31/5/2019. Hoá đơn giá trị gia tăng số 0016876 ngày 31/5/2019 với số tiền là: 293.841.257 đồng.

Đối với lô hàng theo vận đơn ITL79396427 ngày 05/6/2022. Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017131 ngày 13/6/2019 với số tiền là 213.005.269 đồng.

Đối với lô hàng theo vận đơn ITL79396535 ngày 16/6/2019. Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017360 ngày 21/6/2019 với số tiền là 228.568.825 đồng.

Đối với lô hàng theo vận đơn ITL79396563 ngày 21/6/2019. Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017497 ngày 26/6/2019 với số tiền là 237.239.145 đồng.

Đối với lô hàng theo vận đơn ITL79396640 ngày 02/7/2019. Hoá đơn giá trị gia tăng số 0018158 ngày 12/7/2019 với số tiền là 321.093.187 đồng.

- Tiền lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm thanh toán, tính từ ngày phát sinh nghĩa vụ thanh toán của từng lô hàng đến ngày Công ty G thanh toán đầy đủ, với mức lãi suất 10%/năm. Số tiền lãi tổng cộng là 417.793.804 đồng tính đến ngày Tòa án xét xử là ngày 22/9/2022, cụ thể:

Khoản tiền là 293.841.257 đồng ( theo Hoá đơn giá trị gia tăng số 0016876 ngày 31/5/2019 và Vận đơn số 79396426 ngày 31/5/2019), thời gian tính lãi từ ngày 31/5/2019 đến ngày 22/9/2022 là 39 tháng: 293.841.257 đồng x 10%/năm x 39 tháng = 95.498.409 đồng Khoản tiền là 213.005.269 đồng ( theo Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017131 ngày 13/6/2019 và Vận đơn số 79396427 ngày 05/6/2019), thời gian tính tiền lãi từ ngày 05/6/2019 đến ngày 22/9/2022 là 39 tháng: 213.005.269 đồng x 10%/năm x 39 tháng = 69.226.712 đồng.

Khoản tiền là 228.568.825 đồng (theo Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017360 ngày 21/6/2019 và Vận đơn số 79396535 ngày 16/6/2019), thời gian tính tiền lãi từ ngày 16/6/2019 đến ngày 22/9/2022 là 39 tháng = 228.568.825 đồng x 10%/năm x 39 tháng = 74.284.868 đồng.

Khoản tiền là 237.239.145 đồng (theo Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017497 ngày 26/6/2019 và Vận đơn số 79396563 ngày 21/6/2019), thời gian tính tiền lãi từ ngày 21/6/2019 đến ngày 22/9/2022 là 39 tháng: 237.239.145 đồng x 10%/năm x 39 tháng = 77.102.722 đồng.

Khoản tiền là 321.093.187 đồng (theo Hoá đơn giá trị gia tăng số 0018158 ngày 12/7/2019 và Vận đơn số 79396640 ngày 02/7/2019). Thời gian tính lãi từ ngày 02/7/2019 đến ngày 22/9/2022 là 38 tháng : 321.098.187 đồng x 10%/năm x 38 tháng=101.681.093 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn - Công ty G có người đại diện theo ủy quyền cùng trình bày:

Công ty G có ký hợp đồng nguyên tắc về hợp đồng vận chuyển với Công ty ID. Hình thức gửi bằng thư điện tử. Sau khi xem xét hợp đồng nguyên tắc do Công ty ID gửi thì Công ty G có ký và gửi lại cho Công ty ID bằng thư điện tử và gửi bằng văn bản chuyển phát nhanh vào ngày 12/7/2019. Công ty G chưa nhận được bản hợp đồng có chữ ký của Công ty ID. Về nguyên tắc hợp đồng trên đã phát sinh hiệu lực khi bên được đề nghị giao kết nhận được đề nghị đó. Theo quy định của pháp luật không quy định thời hạn gửi lại hợp đồng cho bên đề nghị. Sau đó hai bên vẫn tiến hành vận chuyển hàng hóa là hàng may mặc đến nước Mỹ. Công ty ID đã vận chuyển 10 vận đơn hàng hóa là quần áo phụ nữ đến nước Mỹ theo yêu cầu của Công ty G. Công ty G đã thanh toán được 03 vận đơn. Việc thanh toán thực hiện sau 30 ngày kể từ ngày Công ty G nhận được chứng từ của Công ty ID.

Ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn: Bị đơn xác nhận 05 vận đơn mà Nguyên đơn đang khởi kiện tại vụ án này thì Nguyên đơn đã vận chuyển hàng hóa hoàn tất. Lý do Bị đơn chưa thanh toán: Lý do thứ nhất: chưa đến hạn thanh toán theo hợp đồng nguyên tắc, thực tế những vận đơn trước đó mà Bị đơn đã thanh toán cũng sau khi có chứng từ 30 ngày, phía Nguyên đơn không có ý kiến gì đối với việc thanh toán trễ của các vận đơn trước đó. Do đó Bị đơn khẳng định các bên thực hiện việc thanh toán là theo hợp đồng nguyên tắc. Lý do thứ hai: do Nguyên đơn vi phạm việc vận chuyển hàng hóa đối với hai vận đơn số 79396646 ngày 08/7/2019 và 79396647 ngày 03/7/2019 nên Bị đơn ngừng hợp đồng và ngừng thanh toán đối với 05 vận đơn trên đồng thời Công Ty G đã khởi kiện Công ty ID tại Tòa án nhân dân quận TB về tranh chấp về bồi thường thiệt hại liên quan đến 2 vận đơn nêu trên. Do vụ án có yếu tố nước ngoài nên vụ án chuyển thẩm quyền đến Tòa án nhân dân Thành phố H. Do Công ty ID vi phạm hợp đồng vận chuyển, chưa giao hàng hóa cho khách hàng của Công ty G theo hai vận đơn số 79396646 và 79396647 nên Công ty G có quyền dừng thanh toán để giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, Công ty G yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu giao dịch cung cấp dịch vụ logistics giữa Công ty ID với Công ty G vì: Vi phạm việc hai bên báo giá, thỏa thuận giá thông qua các thư điện tử bằng đồng ngoại tệ đôla Mỹ (USD).

Người thỏa thuận thực hiện giao dịch của Công ty G không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty G nên không có thẩm quyền. Công ty G không yêu cầu giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu.

Tại phiên tòa sơ thẩm:

Bị đơn trình bày: Yêu cầu Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố H về vụ kiện bồi thường thiệt hại giữa Công ty G với Công ty ID.

Nguyên đơn trình bày: Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên. Do đó việc hai bên thống nhất dịch vụ, Công ty G thực hiện việc gửi hàng và Công ty ID lập vận đơn được xem là giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Công ty ID đã hoàn thành trách nhiệm của nhà vận chuyển theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo 5 vận đơn nêu trên đã hoàn tất và Công ty ID đã xuất hóa đơn tài chính cho Công ty G. Công ty G không có ý kiến, hay khiếu nại về dịch vụ vận chuyển của Công ty ID đối với 05 lô hàng trên. Vụ kiện bồi thường thiệt hại giữa Công ty G với Công ty ID là tranh chấp các vận đơn của lô hàng khác không liên quan đến 5 vận đơn của 5 lô hàng trên. Do vậy không đồng ý với ý kiến trình bày của Bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận T phát biểu quan điểm:

Về tố tụng : Thẩm phán thực hiện thời hạn chuẩn bị xét xử đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký chấp hành đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, các đương sự thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.

Về nội dung vụ án: Nguyên đơn đã hoàn thành dịch vụ vận chuyển hàng hóa và được Bị đơn thừa nhận. Nguyên đơn đã xuất hóa đơn tài chính. Bị đơn không có bất kỳ khiếu nại về việc vận chuyển của các vận đơn trên. Tại giấy báo nợ, hóa đơn tài chính Nguyên đơn gửi cho Bị đơn thể hiện việc yêu cầu thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng. Do đó ý kiến của Bị đơn về việc vô hiệu do giao dịch bằng ngoại tệ và giao dịch vận chuyển không do người có thẩm quyền xác lập là không có căn cứ. Mặt khác, Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên phải chịu lãi suất chậm thanh toán theo Điều 306 Luật thương mại. Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán với mức lãi suất 10%/năm. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu về của nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn về việc buộc Bị đơn phải trả ngay số tiền phí vận chuyển và tiền lãi.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm: 130/KDTM-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Tòa Án Nhân Dân quận T, thành phố H đã tuyên xử: Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35;điểm a, c khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147;Điều 228; khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự ;

- Điều 126 Luật hàng không dân dụng Việt Nam ;

- Điều 123; Điều 468; Điều 530, Điều 531, Điều 533, Điều 536 của Bộ luật dân sự năm 2015;

- Điều 85, Điều 87; Điều 306 của Luật thương mại;

- Điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn may thời trang G phải thanh toán cho Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển ID số tiền là 1.711.546.487 đồng trong đó nợ gốc là 1.293.752.683 đồng và nợ lãi là 417.793.804 đồng.

Thanh toán một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển ID có đơn yêu cầu thi hành án mà Công ty trách nhiệm hữu hạn may thời trang G không thi hành, còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành án xong.

Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: 63.346.400 đồng Công ty trách nhiệm hữu hạn may thời trang G chịu.

Hoàn lại cho Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển ID số tiền 28.854.180 đồng theo biên lai thu số 0072131 ngày 17/5/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận T.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 04/10/2022, Bị đơn có đơn kháng cáo.

Nội dung kháng cáo: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên Tòa phúc thẩm :

* Đại diện cho Bị đơn trình bày: Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Cụ thể: Yêu cầu hủy bản án sơ thẩm. Lý do: Ngày 15/8/2022, Bị đơn có nộp đơn phản tố về việc: Tuyên giao dịch cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa phát sinh giữa Công ty G và Công ty ID bị vô hiệu do có giao dịch bằng ngoại tệ là vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý yêu cầu phản tố của Bị đơn là vi phạm khoản 2 Điều 200 Bộ Luật tố tụng dân sự. Bản án sơ thẩm không nhập vụ án thụ số 02/TB-TBTL ngày 06/01/2020 của Tòa Án Nhân Dân Thành phố H vào giải quyết trong vụ án này. Bị đơn đã thông báo tạm ngừng thực hiện hợp đồng về việc ngừng thanh toán phí vận chuyển nhưng bản án sơ thẩm vẫn buộc Bị đơn phải thanh toán tiền phí vận chuyển cho Nguyên đơn. Ngày 11/4/2023, Bị đơn gửi văn bản yêu cầu tạm đình chỉ vụ án phúc thẩm để chờ kết quả giải quyết vụ án sơ thẩm thụ lý số 84 TB-TBTL ngày 06/01/2020 của Tòa Án Nhân Dân Quận TB thụ lý vụ án yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ Logictics giữa Công ty G và Công ty ID.

* Nguyên đơn trình bày: Đề nghị giữ y bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của Bị đơn. Nguyên đơn cho rằng hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ Logictics giữa Công ty G và Công ty ID mà Bị đơn đang khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận TB chưa được hai bên xác lập. Các khoản tiền mà Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán là khoản nợ cước vận chuyển phát sinh theo 05 vận đơn mà Nguyên đơn đã thực hiện dịch vụ theo yêu cầu của Bị đơn và không có liên quan tới tranh chấp hợp đồng nguyên tắc đang được Tòa án nhân dân Quận TB đang thụ lý. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận các trình bày nêu trên của Bị đơn.

* Ý kiến của Đại diện Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố H:

- Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử thực hiện trình tự thủ tụng tố tụng tại phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật. Các đương sự thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm. Không chấp nhận kháng cáo của Bị đơn và các trình bày của Bị đơn tại phiên tòa. Riêng khoản tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng :

Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền: Theo đơn khởi kiện của Nguyên đơn ghi nhận: Nguyên đơn là thương nhân chuyên cung cấp dịch vụ giao nhận vận chuyển nội địa và quốc tế. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trình bày của Nguyên đơn và Bị đơn tại Tòa án thì các bên đều thống nhất xác định Bị đơn đã yêu cầu Nguyên đơn thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo 5 vận đơn hàng không mang số: ITL79396426 ngày 31/5/2019; ITL79396427 ngày 05/6/2019; ITL79396535 ngày 16/6/2019; ITL79396563 ngày 21/6/2019; ITL79396640 ngày 02/7/2019. Phí dịch vụ phát sinh tổng cộng là 1.293.752.683 đồng. Do Bị đơn không thanh toán phí dịch vụ nên Nguyên đơn khởi kiện đòi thanh toán phí dịch vụ vận chuyển phát sinh theo 05 vận đơn hàng không nêu trên nên có cơ sở xác định tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn là tranh chấp hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa được quy định tại Điều 233 Luật thương mại năm 2005. Tranh chấp này là tranh chấp kinh doanh thương mại giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận. Do Bị đơn có trụ sở tại quận T, nên Tòa án nhân dân quận T thành phố H căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b Khoản 1 Điều 35, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để xác định thẩm quyền giải quyết là có cơ sở.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của Bị đơn, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[2.1] Về trình bày kháng cáo của Bị đơn yêu cầu nhập vụ án tranh chấp về số tiền bồi thường thiệt hại giữa Công ty G với Công ID đang được Tòa Án Nhân Dân Thành phố H giải quyết theo hồ sơ thụ lý số 02/2020/TLST-KDTM ngày 06/01/2020 vào giải quyết trong vụ này và tạm đình chỉ giải quyết vụ án này để chờ kết quả giải quyết vụ án được thụ số 02/2020/TLST-KDTM ngày 06/01/2020 nêu trên. Xét : theo thông báo thụ lý về việc thụ lý hồ sơ số 02/2020/TLST-KDTM ngày 06/01/2020 của Tòa án nhân dân thành phố H thì Công ty G khởi kiện Công ty ID tranh chấp về số tiền bồi thường thiệt hại đối với 02 lô hàng theo vận đơn số 79396646 và số 79396647. Do vậy đây là tranh chấp độc lập không liên quan đến vụ án tranh chấp giữa Công ty ID với Công ty G về số tiền chi phí vận chuyển phải thanh toán của 05 vận đơn mà Nguyên đơn khởi kiện trong vụ án này. Do vậy không có căn cứ pháp luật để chấp nhận trình bày của Bị đơn.

[2.2] Về trình bày kháng cáo của Bị đơn yêu cầu tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giải quyết vụ án được thụ lý theo hồ sơ số 84/2020/TLST-KDTM ngày 06/01/2020 của Tòa Án Nhân Dân Quận TB đối với yêu cầu của Công ty G về việc tuyên bố hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ Logictics (không ghi ngày tháng) giữa Công ty G và Công ty ID vô hiệu. Xét: Tại bản khai bổ sung do ông Ngô Thanh Hoàng là đại diện theo ủy quyền của Bị đơn nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm (tài liệu bút lục số 526) thì Bị đơn đã xác định Công ty ID đã gửi hợp đồng nguyên tắc cho Công ty G vào ngày 19/6/2019. Tại văn bản số 17/GP- 2019 ngày 12/7/2019 về việc cung cấp hợp đồng vận chuyển (tài liệu bút lục số 531) do Công ty G phát hành chuyển cho Công ty ID thể hiện nội dung: Công ty G đã ký hợp đồng và chuyển cho Công ty ID ký. Đối chiếu các tình tiết nêu trên với thời điểm xác lập dịch vụ vận chuyển của 05 vận đơn hàng không mà Nguyên đơn khởi kiện được phát hành vào các ngày: ngày 31/5/2019; ngày 05/6/2019; ngày 16/6/2019; ngày 21/6/2019 và ngày 02/7/2019 cho thấy các giao dịch về dịch vụ vận chuyển hàng hóa của 05 vận đơn được xác lập trước thời điểm Bị đơn ký hợp đồng nguyên tắc vào ngày 12/7/2019. Đồng nghĩa với việc tranh chấp hợp đồng nguyên tắc nêu trên đang được Tòa Án Nhân Dân Quận TB thụ lý tại hồ sơ số 84/2020/TLST-KDTM ngày 06/01/2020 không có liên quan đến tranh chấp yêu cầu thanh toán tiền cước phát sinh từ 05 vận đơn hàng không mà Nguyên đơn khởi kiện trong vụ án này. Do vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ pháp luật để chấp nhận trình bày nêu trên của Bị đơn.

[2.3] Xét hình thức và nội dung của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng các vận đơn hàng không giữa Nguyên đơn và Bị đơn.

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy :

[2.3.1] Về trình bày kháng cáo của Bị đơn cho rằng: Bị đơn có đơn phản tố về việc Tuyên giao dịch cung cấp dịch vụ Logictics giữa Công ty G và Công ty ID bị vô hiệu do vi phạm điều cấm giao dịch bằng ngoại tệ của pháp luật thì đây là yêu cầu phản tố của Bị đơn nhưng không được cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết.

Đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên thuộc trường hợp phải hủy án. Xét: Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn về việc tranh chấp đòi tiền dịch vụ phát sinh trong hợp đồng dịch vụ vận chuyển giữa Nguyên đơn và Bị đơn. Bị đơn cho rằng hợp đồng bị vô hiệu nhưng không yêu cầu giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu. Để có cơ sở giải quyết vụ án thì việc xem xét xác định hiệu lực pháp lý của giao dịch nêu trên giữa Nguyên đơn và bị đơn là cần thiết mà không căn cứ vào việc các bên có yêu cầu hay không yêu cầu xem xét hiệu lực pháp lý của giao dịch. Hơn nữa Bị đơn cũng không yêu cầu giải quyết về hậu quả của giao dịch vô hiệu, không buộc Nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ đối với Bị đơn. Do vậy yêu cầu tuyên bố giao dịch bị vô hiệu của Bị đơn trong trường hợp này được xác định là ý kiến phản đối của Bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn mà không phải là yêu cầu phản tố theo quy định tại Điều 200 Bộ Luật tố tụng dân sự. Trình bày của Bị đơn là không có căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[2.3.2] Về hình thức hợp đồng vận chuyển: Khi giao kết hợp đồng dịch vụ vận chuyển thì hai bên không xác lập bằng văn bản . Tại 05 vận đơn hàng không số ITL79396426 ngày 31/5/2019; ITL79396427 ngày 05/6/2019; ITL79396535 ngày 16/6/2019; ITL79396563 ngày 21/6/2019; ITL79396640 ngày 02/7/2019 thể hiện hai bên có thỏa thuận việc Nguyên đơn thực hiện dịch vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không theo yêu cầu của Bị đơn. Loại hàng hóa là quần áo phụ nữ. Nơi vận chuyển đi là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, điểm hàng hóa đến là Cảng hàng không Los Angeles, Hoa kỳ. Bị đơn đã giao hàng hóa cho Nguyên đơn để thực hiện dịch vụ vận chuyển. Quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì các bên đều thừa nhận nội dung của 05 vận đơn , Bị đơn đã giao hàng hóa cho Nguyên đơn, Nguyên đơn đã hoàn thành dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Căn cứ Điều 129 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam quy định “Vận đơn hàng không là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng,việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng”. Như vậy đủ cơ sở xác định hình thức hợp pháp của 05 vận đơn hàng không nêu trên và 05 vận đơn này là căn cứ cho thấy các bên đã xác lập hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng không.

[2.3.3] Về nội dung hợp đồng: Về đơn giá dịch vụ vận chuyển: tại các Email trao đổi của hai Công ty và tại Tòa các bên đều xác nhận đơn giá dịch vụ vận chuyển mà Nguyên đơn đưa ra là tiền Dollar Mỹ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng, sau khi hoàn thành dịch vụ vận chuyển thì Nguyên đơn đã gửi cho Bị đơn các thông báo nợ, hóa đơn tài chính và công văn đề nghị thanh toán phí vận chuyển của 05 vận đơn nêu trên. Tại các văn bản này đều thể hiện đơn giá bằng tiền đồng Việt Nam. Về phía Bị đơn xác nhận khoản tiền phí theo các văn bản này nhưng chỉ không đồng ý thanh toán vì cho rằng đã có văn bản tạm ngưng thanh toán do có sự mất mát hàng hóa đối với hai vận đơn khác mà không có sự phản đối nào về khoản nợ cũng như đơn giá nêu tại các thông báo về công nợ, hóa đơn tài chính và công văn đề nghị thanh toán của 05 vận đơn nêu trên do Nguyên đơn phát hành. Như vậy cho thấy trong quá trình thực hiện hợp đồng thì các bên đã không còn áp dụng đơn giá bằng Dollar Mỹ. Kháng cáo của Bị đơn cho rằng các bên vi phạm điều cấm về giao dịch bằng Dollar Mỹ nên giao dịch về dịch vụ vận chuyển của Nguyên đơn và Bị đơn bị vô hiệu là không có cơ sở.

[2.3.4] Về trình bày Công ty G cho rằng người thỏa thuận thực hiện giao dịch của Công ty G là không có thẩm quyền (không phải là người đại diện theo pháp luật). Xét: việc các bên tự trao đổi thỏa thuận thông qua thư điện tử, người thực hiện thỏa thuận nhân danh Công ty G để thỏa thuận với Công ty ID, Công ty G biết nhưng không phản đối. Do đó bản án sơ thẩm không chấp nhận trình bày của Công ty G là có cơ sở.

[3] Về yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn đòi Bị đơn phải thanh toán khoản nợ tiền phí dịch vụ vận chuyển hàng hóa tổng cộng là 1.293.752.683 đồng và tiền lãi là 417.793.804 đồng. Thanh toán một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử nhận định:

[3.1] Về tiền phí vận chuyển: căn cứ các tài liệu chứng cứ gồm: 05 vận đơn do Nguyên đơn phát hành gồm: số 79396426 ngày 31/5/2019; số 79396427 ngày 05/6/2019; số 79396535 ngày 16/6/2019; số 79396563 ngày 21/6/2019; số 79396640 ngày 02/7/2019 ; các hóa đơn tài chính mà Công ty ID đã xuất cho Công ty G gồm: Hoá đơn giá trị gia tăng số 0016876 ngày 31/5/2019 với số tiền là 293.841.257 đồng, Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017131 ngày 13/6/2019 với số tiền là 213.005.269 đồng, Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017360 ngày 21/6/2019 với số tiền là 228.568.825 đồng, Hoá đơn giá trị gia tăng số 0017497 ngày 26/6/2019 với số tiền là 237.239.145 đồng, Hoá đơn giá trị gia tăng số 0018158 ngày 12/7/2019 với số tiền là 321.093.187 đồng; Công văn yêu cầu thanh toán do Nguyên đơn phát hành lần 1 ngày 31/07/2019 và lần 2 ngày 20/8/2019 thể hiện phí dịch vụ phát sinh từ 05 vận đơn hàng không tổng cộng là 1.293.752.683 đồng. Về phía Bị đơn không phản đối và không kháng cáo về khoản phí dịch vụ này nên có cơ sở xác định phí dịch vụ vận chuyển của 05 vận đơn nêu trên tổng cộng là 1.293.752.683 đồng.

[3.2] Về nghĩa vụ thanh toán tiền phí vận chuyển và lãi do chậm thanh toán: Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, Bị đơn xác nhận chưa thanh toán số tiền phí dịch vụ vận chuyển của 05 vận đơn nêu trên tổng cộng là 1.293.752.683 đồng nhưng nại lý do cho rằng Công ty G đã có văn bản tạm ngưng hợp đồng về nghĩa vụ thanh toán nên khoản tiền trên chưa có nghĩa vụ thanh toán. Xét: Như trên nhận định thì vận đơn là bằng chứng các bên xác lập giao kết hợp đồng. Tại các vận đơn do Nguyên đơn phát hành thì đều có ghi tại mục thông tin thanh toán là: “Cước phí thanh toán trước” nhưng không ghi cụ thể ngày, tháng, năm để xác định về thời điểm thanh toán. Tại Tòa Nguyên đơn giải thích việc “..thanh toán trước” là trước khi Nguyên đơn nhận hàng hóa từ Bị đơn. Về phía Bị đơn cho rằng theo hợp đồng nguyên tắc (không ghi ngày, tháng) được Nguyên đơn chuyển cho Bị đơn đã được Bị đơn ký và chuyển lại thì thể hiện thời hạn thanh toán là 30 ngày kể từ ngày Nguyên đơn giao bộ hồ sơ chứng từ thanh toán. Tuy nhiên do Hợp đồng Nguyên tắc không có liên quan đến các vận đơn như nhận định trên nên không có cơ sở để áp dụng theo hợp đồng nguyên tắc như trình bày của Bị đơn. Vận đơn do Nguyên đơn phát hành ghi không rõ thời điểm thanh toán nhưng việc giải thích của Nguyên đơn lại bất lợi cho Bị đơn và không phù hợp với nguyên tắc giải thích hợp đồng được quy định tại khoản 6 Điều 404 của Bộ Luật dân sự năm 2015 nên không có cơ sở để chấp nhận giải thích hợp đồng của Nguyên đơn. Hơn nữa tại phiên tòa phúc thẩm, chính Nguyên đơn cũng thừa nhận sau khi phát hành vận đơn thì Nguyên đơn còn phải mất một khoản thời gian để chuẩn bị các chứng từ liên quan đến thanh toán phí dịch vụ cho thấy trên thực tế thời điểm thanh toán cước phí không thể thực hiện như vận đơn thể hiện. Như vậy có cơ sở xác định khi xác lập hợp đồng hai bên đã không xác định rõ thời điểm thanh toán cước phí và có tranh chấp. Tuy nhiên, tại công văn đề nghị thanh toán công nợ do Nguyên đơn phát hành lần 1 vào ngày 31/7/2019, lần 2 vào ngày 20/8/2019 thể hiện Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn thực hiện thanh toán đối với khoản công nợ phát sinh từ 05 vận đơn nêu trên. Như vậy có cơ sở để xác định Nguyên đơn đã mặc nhiên xác định thời hạn thanh toán là trước ngày 10/8/2019 (Công văn ngày 31/7/2019) và gia hạn thời hạn thanh toán trước ngày 30/8/2019 (Công văn ngày 20/8/2019). Việc xác định lại thời hạn thanh toán của Nguyên đơn là không trái Điều 87 Luật Thương mại quy định về thời hạn thanh toán. Do đã quá thời hạn gia hạn thanh toán tiền chi phí vận chuyển đối với khoản nợ của 05 vận đơn nhưng Công ty G không thanh toán là vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Nguyên đơn yêu cầu Công ty G phải thanh toán tiền lãi do chậm nghĩa vụ thanh toán đối với thời gian chậm thanh toán tiền gốc là phù hợp Điều 306 Luật Thương mại. Tính đến thời điểm xét xử thì thời gian chậm thanh toán từ ngày 31/8/2019 đến ngày 22/9/2022 là 36 tháng 22 ngày. Tuy nhiên Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn về việc xác định thời hạn thanh toán theo ngày phát hành hóa đơn tài chính từng Vận đơn là không phù hợp với thời hạn đề nghị thanh toán tại các công văn ngày 31/7/2019 và ngày 20/8/2019 do chính Nguyên đơn phát hành.

[3.3]Về mức lãi suất: Căn cứ mức lãi suất quá hạn của 3 ngân hàng: Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam là 13.69%/năm; Ngân hàng ngoại thương Việt Nam là 15%/năm; Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam là 13.5%/năm. Bản án sơ thẩm căn cứ Điều 306 của Luật thương mại năm 2005 để nhận định cho rằng Nguyên đơn yêu cầu mức lãi suất10%/năm là phù hợp nên chấp nhận mức lãi suất theo yêu cầu của Nguyên đơn là có cơ sở. Tuy nhiên do bản án sơ thẩm xác định không đúng về thời điểm thanh toán như nhận định nêu trên và dẫn đến việc tính lãi chưa chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét lại lại tiền lãi. Cụ thể:

1.293.752.683 đồng x 10% x 36 tháng 22 ngày = 395.923.766 đồng.

Như vậy, tổng cộng số tiền phí dịch vụ và tiền lãi do chậm thanh toán mà Công ty G phải thanh toán cho Công ty ID là 1.689.676.449 đồng (trong đó gốc 1.293.752.683 đồng và lãi là 395.923.766 đồng). Việc Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tiền phí dịch vụ và tiền lãi do chậm thanh toán tổng cộng là 1.711.546.487 đồng và được Bản án sơ thẩm chấp nhận là không phù hợp với các chứng cứ tài liệu có nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Buộc Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn khoản phí dịch vụ và tiền lãi do chậm thanh toán tổng cộng 1.689.676.449 đồng.

Từ những phân tích trên, căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản sơ thẩm về tiền lãi do chậm thanh toán như ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên Tòa. Chấp nhận một phần kháng cáo của Bị đơn.

[4] Về án phí :

[4.1] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Sửa lại quyết định của bản án sơ thẩm về án phí cụ thể:

Nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm là 3.000.000 đồng đối với yêu cầu về số tiền lãi không được chấp nhận là 21.870.038 đồng (417.793.804 đồng - 395.923.766 đồng).

Bị đơn phải chịu án phí là 62.690.293 đồng.

[4.2] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do sửa một phần bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

[5] Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Do tại hợp đồng các bên không thỏa thuận việc trả lãi do chậm thanh toán là thuộc trường hợp phải áp dụng nghĩa vụ chậm thi hành án theo điểm b Khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Căn cứ Điều 26 Luật Thi hành án dân sự.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn may thời trang G. Sửa một phần bản án sơ thẩm như sau:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển ID.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn may thời trang G phải thanh toán cho Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển ID số tiền phí dịch vụ vận chuyển hành hóa tổng cộng là 1.689.676.449 đồng (một tỷ sáu trăm tám mươi chín triệu sáu trăm bảy mươi sáu ngàn bốn trăm bốn mươi chín đồng), trong đó nợ gốc 1.293.752.683 đồng và nợ lãi là 395.923.766 đồng.

2.Về án phí:

2.1.Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty trách nhiệm hữu hạn may thời trang G chịu là 62.690.293 đồng.

Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển ID phải chịu là 3.000.000 đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 28.854.180 đồng theo biên lai thu số AA/2019/0072131 ngày 17/5/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận T. Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển ID được hoàn lại số tiền dư là 25.854.180 đồng.

2.2. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Hoàn trả lại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn may thời trang G số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 2.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng số AA/2021/0036244 ngày 11/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận T Thành phố H.

3. Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Các bên đương sự thi hành tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

225
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa số 518/2023/KDTM-PT

Số hiệu:518/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:27/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về