TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 326/2018/KDTM-PT NGÀY 27/03/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Trong các ngày 06 và ngày 27 tháng 3 năm 2018, tại Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 164/2017/TLPT-KDTM ngày 23 tháng 11 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 116/2017/KDTM-ST ngày 29-9-2017 của Toà án nhân dân quận Gò Vấp bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 631/2018/QĐ-PT ngày 08 tháng 02 năm 2018, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty TNHH M Địa chỉ: 83/10A đường H, Phường H1, quận H2, TP.Hồ Chí Minh Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Quỳnh N, sinh năm 1981 Địa chỉ: 15E đường T, phường T1, Q.T2, TP.Hồ Chí Minh.
Bị đơn: Công ty TNHH một thành viên VH Địa chỉ: 10/88A đường P, Phường P1, Q. P2, TP. Hồ Chí Minh. Đại diện theo ủy quyền: Bà Võ Hồng H, sinh năm 1991 Địa chỉ: Phòng 6, Tầng 15, Tòa nhà AB 76A đường A, phường A1, Quận A2, TP.Hồ Chí Minh.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
Công ty TNHH thương mại giao nhận vận tải H Địa chỉ: 226/8/15 đường B, Phường B1, Quận B2, TP.Hồ Chí Minh Đại diện theo ủy quyền: Bà Võ Hồng H, sinh năm 1991 Địa chỉ: Phòng 6, Tầng 15, Tòa nhà AB 76A đường A, phường A1, Quận A2, TP.Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
Luật sư Nguyễn Thanh V, sinh năm 1975 Thẻ luật sư số xxxx/LS do Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp ngày 01-8-2010 Thuộc Công ty luật TNHH NA.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Các luật sư thuộc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn L, gồm:
- Luật sư Hoàng Thị Hoa T, sinh năm 1977 Thẻ luật sư số xxxx/LS do Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp ngày 01-8-2010 - Luật sư Lê Minh P, sinh năm 1980 Thẻ luật sư số xxxx/LS do Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp ngày 21-1-2013
Những người được triệu tập tham gia tố tụng đều có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
I) Tóm tắt nội dung vụ án theo bản án sơ thẩm:
1- Nguyên đơn trình bày: Tháng 12-2014, Công ty TNHH M (gọi tắt là Công ty M), nhận thu xếp vận chuyển 09 containers hàng trái cây thanh long cho Công ty TNHH MTV VH (gọi tắt là Công ty VH) đến các đối tác ở nước ngoài bằng đường biển, đến các cảng quốc tế do Công ty VH yêu cầu.
Sau khi nhận được yêu cầu của Công ty VH, Công ty M đã liên hệ người vận chuyển là các hãng tàu để đặt chỗ. Do có mối quan hệ làm ăn quen biết từ trước nên giữa hai bên chỉ giao kết bằng lời nói, không lập hợp đồng bằng văn bản. Cụ thể, Công ty M nhận thu xếp vận chuyển 09 containers hàng thanh long theo các vận đơn sau:
- Vận đơn số: YMLUZ490141696 ngày 01-12-2014;
- Vận đơn số: YMLUS490000221 ngày 01-12-2014;
- Vận đơn số: YMLUS490000222 ngày 01-12-2014;
- Vận đơn số: NYKS3202508020 ngày 01-12-2014;
- Vận đơn số: YMLUS490000223 ngày 01-12-2014;
- Vận đơn số: 0394A46793 ngày 10-12-2014;
- Vận đơn số: APLU074895287 ngày 21-12-2014;
- Vận đơn số: APLU074895266 ngày 21-12-2014;
- Vận đơn số: 0394A48650 ngày 23-12-2014.
Công ty M đã thực hiện xong hợp đồng dịch vụ nhưng Công ty VH không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản, gồm: cước phí vận chuyển, phí xếp dỡ, phí niêm chì, phí chứng từ, tiền thuế GTGT, phí làm điện giao hàng, phụ phí an ninh, tổng cộng là 326.677.205 đồng. Yêu cầu Công ty VH thanh toán số nợ này cho Công ty M.
Công ty VH còn phải thanh toán tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ từ thời điểm chậm thanh toán từ ngày 01- 01-2015 đến nay. Thông thường vào cuối mỗi tháng thì hai bên chốt công nợ, nên thời hạn chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Công ty VH sẽ vào cuối tháng 12-2014 nhưng Công ty M tính tròn thời điểm chậm thực hiện nghĩa vụ của Công ty VH là vào ngày 01-01-2015. Tính đến ngày 27-9-2017 là khoảng 33 tháng nhưng tính chẵn là 32.5 tháng, số tiền lãi chậm thanh toán được tính là 129.527.512 đồng. Tổng cộng số tiền mà Công ty M yêu cầu Công ty VH phải thanh toán là 456.204.717 đồng.
Ngoài ra, Công ty M chỉ làm việc với Công ty VH. Việc Công ty M xuất hóa đơn cho Công ty TNHH thương mại giao nhận vận tải H (gọi tắt là Công ty H) là theo yêu cầu của Công ty VH. Còn việc giữa Công ty VH và Công ty H giao dịch thỏa thuận như thế nào thì Công ty M không biết. Công ty M không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty VH và yêu cầu độc lập của Công ty H vì không có căn cứ.
2- Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
- Công ty VH thuê Công ty M vận chuyển 09 containers hàng trái cây thanh long cho Công ty VH và Công ty H. Việc giao kết hợp đồng này hai bên không xác lập bằng văn bản mà bằng lời nói. Cụ thể, các containers hàng trái cây thanh long được vận chuyển theo các vận đơn như trình bày của Công ty M.
Công ty M nhận thu xếp vận chuyển 09 containers hàng trái cây thanh long cho Công ty VH thì trong đó có 05 containers là của Công ty VH và 04 containers của Công ty H. Tuy nhiên, Công ty VH là đầu mối thu xếp việc vận chuyển hàng nên Công ty VH sẽ có trách nhiệm thu tiền của Công ty H để thanh toán cho Công ty M tổng cộng tiền hàng vận chuyển của 09 container. Công ty VH chấp nhận cước phí vận chuyển 09 containers mà Công ty M yêu cầu là 326.677.205 đồng.
- Công ty VH có đơn phản tố yêu cầu Công ty M bồi thường 02 containers thanh long bị hư có giá trị tổn thất là 660.750.600 đồng, cụ thể yêu cầu được khấu trừ vào số tiền 326.677.205 đồng mà Công ty VH phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty M. Công ty VH không chấp nhận yêu cầu của Công ty M đối với số tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ, từ thời điểm chậm thanh toán từ ngày 01-01-2015 đến nay là 129.527.512 đồng.
Theo thông báo của Công ty M thì hàng hóa sẽ đến cảng vào ngày 15-12- 2014 theo hải trình của người vận chuyển. Thực tế, hàng hóa đến cảng vào ngày 22-12-2014, chậm 07 ngày so với thông báo ban đầu. Trong quá trình vận chuyển mặt dù đã biết là hàng hóa là thanh long dễ bị hư hỏng nhưng bên vận chuyển đã không giữ độ lạnh ổn định dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng.
Hình ảnh hàng hóa bị hư hỏng được chụp lại trong quá trình giám định tại kho đông lạnh Albatross shipping Limited, thuộc Shree Sadhak Stockage-midc Khairane, Navi Mumbai, Ấn Độ. Hàng hóa bị hư hỏng đã được giám định theo Báo cáo giám định ngày 30-12-2014.
Đề nghị Tòa án buộc Công ty M phải có trách nhiệm đối với Công ty VH như sau:
+ Bồi thường thiệt hại đối với 02 containers thanh long bị hỏng theo vận đơn số YMLUS490000221 và số YMLUS490000222 với giá trị là 660.750.600 đồng theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 30021005610 ngày 27-11- 2014 và tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 300212278500 ngày 27-11-2014;
+ Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại tính từ thời điểm ngày 15-12-2014 đến ngày 30-8-2017, tính theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại là 174.834.607 đồng.
Đối với bản gốc của các vận đơn số YMLUS490000221 (Chủ hàng là Công ty Anuyasa Fresh India) và số YMLUS490000222 (Chủ hàng là Công ty Agro World) thì hiện tại các chủ hàng đang giữ bản chính của các vận đơn nên Công ty VH không thể thực hiện dịch có công chứng.
3- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:
- Công ty H ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty VH vận chuyển 04 containers thanh long, được biết Công ty VH đã thuê Công ty M thực hiện vận chuyển.
Công ty H thống nhất số tiền phí dịch vụ nhận thu xếp vận chuyển mà Công ty M yêu cầu cho 9 container là 326.677.205 đồng. Công ty VH sẽ có trách nhiệm trả cho Công ty M nhưng yêu cầu được khấu trừ vào tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại mà Công ty VH đã yêu cầu Công ty M phải có nghĩa vụ theo đơn phản tố của Công ty VH. Việc thanh toán tiền cước vận chuyển các containers của Công ty H sẽ thông qua Công ty VH, không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.
- Yêu cầu độc lập của Công ty H đòi Công ty M phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại các khoản sau:
Bồi thường thiệt hại đối với 01 container thanh long bị hỏng với giá trị là 391.776.240 đồng theo Vận đơn số YMLUS490000223 ( theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 300215084060 ngày 01-12-2014);
Hoàn trả chi phí xử lý hàng hư là 27.619.800 đồng; Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền chậm trả chi phí xử lý hàng hư tính từ thời điểm ngày 15-12-2014 đến nay theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại;
Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại tính từ thời điểm ngày 15-12-2014 đến nay theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại là 110.972.192 đồng.
Hình ảnh hàng hóa bị hư hỏng được chụp lại trong quá trình giám định, tại kho đông lạnh Albatross Shipping Limited, thuộc Shree Sadhak Stockage-midc Khairane, Navi Mumbai, Ấn Độ và được giám định theo Báo cáo giám định ngày 30-12-2014.
Đối với bản gốc của vận đơn số YMLUS490000223 (Chủ hàng là Công ty IG International Pvt Ltd), hiện tại chủ hàng đang giữa bản chính của vận đơn nên Công ty H không thể cung cấp bản chính hoặc bản dịch có công chứng cho Tòa án được.
II) Quyết định của bản án sơ thẩm:
- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn:
Công ty TNHH MTV VH có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH M số tiền cước nhận thu xếp vận chuyển và lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ là 456.204.717 đồng.
Thanh toán một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
- Đình chỉ yêu cầu phản tố của Công ty TNHH MTV VH buộc Công ty M bồi thường thiệt hại đối với 02 containers bị hỏng hàng hóa theo các vận đơn số YMLUS490000221 và YMLUS490000222 với giá trị là 660.750.600 VNĐ (Theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 30021005610 ngày 27-11-2014 và Theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 300212278500 ngày 27-11-2014); Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại tính từ thời điểm ngày 15-12-2014 đến ngày 30-8-2017 tính theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại là 174.834.607 đồng.
- Đình chỉ yêu cầu độc lập của Công ty H buộc Công ty M Bồi thường thiệt hại đối với 01 Containers theo Vận đơn số YMLUS490000223 thanh long bị hỏng với giá trị là 391.776.240 VNĐ (Theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 300215084060 ngày 01-12-2014); Hoàn trả chi phí xử lý hàng hư là 27.619.800 VNĐ; Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền chậm trả chi phí xử lý hàng hư tính từ thời điểm ngày 15-12-2014 đến nay theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại; Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại tính từ thời điểm ngày 15-12- 2014 đến nay theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại là 110.972.192 đồng.
Bản án sơ thẩm còn tuyên trách nhiệm thi hành án; nghĩa vụ chịu án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
III) Kháng cáo, kháng nghị:
1. Bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với các lý do sau:
- Thiếu vô tư khách quan trong việc đưa ra phát quyết, sử dụng chứng cứ không có giá trị pháp lý để tiến hành giải quyết vụ án.
- Thiên vị không xem xét tới những chứng cứ hợp pháp do các đương sự khác cung cấp mà chỉ xem xét tới những tài liệu bất hợp pháp do nguyên đơn cung cấp;
- Có vi phạm nguyên tắc thu thập, đánh giá chứng cứ;
- Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật;
- Không triệu tập những người liên quan để lấy lời khai và có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng.
Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án.
2. Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị bản án sơ thẩm với nội dung:
Đây là vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ Logictic, với công việc cụ thể là sắp xếp vận chuyển hàng trái cây thanh long bằng đường biển từ Việt Nam đến cảng Ấn Độ, Indonesia và UAE, trong đó Công ty M là thương nhân kinh doanh dịch vụ Logictic, Công ty VH và Công ty H là khách hàng.
Với lý do Công ty M đã giao hàng trễ so với thời hạn đã thông báo, dẫn đến thiệt hại 03 container trái cây thanh long bị hư hỏng, thời hạn sử dụng bị sụt giảm nghiêm trọng không thể bán được do nhiệt độ không được duy trì trong container, ngắt quảng hệ thống giữ lạnh. Ngày 29-7-2015 Công ty VH có yêu cầu phản tố và Công ty H có yêu cầu độc lập buộc Công ty M phải bồi thường thiệt hại theo 03 vận đơn YMLUS490000221, YMLUS490000222 và vận đơn YMLUS490000223, các yêu cầu trên thuộc trường hợp qui định tại điểm a khoản 2 Điều 201 “yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập” và điểm b khoản 1 Điều 201 “yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết”. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định chủ hàng thanh long là các đối tác của Công ty VH và Công ty H mới có quyền khởi kiện hãng tàu vận chuyển nên xác định Công ty VH và Công ty H không có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hàng hóa tại cảng Nhava Sheva, Ấn Độ. Vì vậy, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam và căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 và khoản 3 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của Công ty VH và yêu cầu độc lập của Công ty H là không phù hợp với qui định tại điểm e khoản 1 Điều 46 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Mặt khác, đây là vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo qui định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nhưng Tòa án nhân dân quận Gò Vấp giải quyết là vi phạm thẩm quyền.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn sử dụng bản sao các vận đơn số YMLUS490000221, YMLUS490000222 và vận đơn YMLUS490000223 chưa được công chứng, chứng thực theo qui định làm chứng cứ để xem xét trong vụ án là vi phạm qui định tại khoản 3 Điều 96 bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
Đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền.
IV) Tại phiên tòa phúc thẩm:
1 - Bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng trình bày nội dung kháng cáo như sau:
Tòa án nhân dân quận Gò Vấp không triệu tập lấy lời khai của hãng tàu Yangming để làm rõ việc thuê tàu giữa Công ty M và hãng tàu; trách nhiệm của Công ty M với Công ty VH và Công ty H về số hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển; làm rõ các lý do dẫn đến hàng bị hỏng như: thời gian vận chuyển, điều kiện bảo quản.
Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đều thừa nhận Công ty M và Công ty VH tồn tại quan hệ hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển không phải là trung gian liên lạc đặt chỗ với người vận chuyển (hãng tàu) và quản lý thông tin liên quan như nhận định trong bản án sơ thẩm. Việc khởi kiện bồi thường của Công ty VH và Công ty H phát sinh từ những vi phạm của Công ty M trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển nên Công ty VH và Công ty H có quyền yêu cầu Công ty M bồi thường là phù hợp qui định tại Điều 302 và điều 303 Luật Thương mại 2005.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Công ty M không phát hành vận đơn và không có trách nhiệm đối với hàng hóa liên quan đến Bên gửi hàng và người vận chuyển (hãng tàu) là không chính xác và không có cơ sở pháp lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 77, Luật Hàng Hải năm 2005 qui định Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình vận chuyển.
Trong quá trình vận chuyển có 03 container đã bị hư hỏng. Theo Báo cáo giám định ngày 30-12-2014 mà Công ty VH đã cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm thì nguyên nhân hàng hóa hư hỏng do không đáp ứng được nhiệt độ yêu cầu và việc giao hàng bị chậm trễ 07 ngày so với ngày thông báo ban đầu.
Theo các trao đổi giữa đại diện của Công ty VH và đại diện của Công ty M trong quá trình vận chuyển hàng hóa, lý do hàng hóa không cập cảng đích đúng thời hạn do hàng hàng hóa bị ách tắc 06 ngày tại cảng chuyển tải.
Công ty M có quyền thuê lại hãng tàu Yangming thực hiện việc chuyên chở hàng hóa cho Công ty VH bằng đường biển nhưng căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 77 của Luật Hàng Hải năm 2005 thì Công ty M phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ những tổn thất hàng hóa của Công ty VH theo thỏa thuận vận chuyển giữa hai bên. Giữa Công ty VH và hãng tàu Yangming không ràng buộc quyền lợi hay trách nhiệm với nhau.
Công ty M đã không hoàn thành trách nhiệm với vai trò là bên cung cấp dịch vụ vận chuyển cho Công ty VH và gây ra những thiệt hại năng nề cho Công ty VH nên phải bồi thường thiệt hại. Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập là không phù hợp qui định của pháp luật.
2- Nguyên đơn trình bày:
- Quá trình thụ lý tại các cấp sơ thẩm và phúc thẩm, Công ty VH và Công ty H đều xác nhận còn nợ chi phí vận chuyển là 326.677.205 đồng nên bị đơn kháng cáo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở.
- Về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bị đơn: Sau khi nhận dịch vụ vận chuyển hàng cho Công ty VH, Công ty M đã tiến hành ký hợp đồng vận chuyển với hãng tàu Yangming và liên hệ đặt chỗ. Ngày 22-12-2014, hàng đã tới cảng và giao cho người nhận và Công ty M đã thanh toán tiền vận chuyển cho hãng tàu Yangming. Theo qui định tại Điều 74 Bộ luật Hàng hải thì trách nhiệm của người vận chuyển đã chấm dứt.
Khoản 2 Điều 73 Bộ luật Hàng hải và Điều 57 Luật Thương mại qui định về rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định; Điều 62 Luật Thương mại qui định về thời điểm chuyển quyền sở hữu và rủi ro mất mát hàng hóa được chuyển giao sang cho người nhận hàng nên Công ty VH không còn quyền sở hữu đối với các hàng hóa.
Sau khi nhận hàng, ngày 30-12-2014 Công ty VH gửi thông báo hàng bị hỏng đến Công ty M là không đúng qui định tại khoản 2 Điều 96 Bộ luật Hàng hải vì sau khi nhận hàng thì người nhận hàng là chủ sở hữu hàng và có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về mất mát hàng hóa và hư hỏng chứ không phải là Công ty VH. Như vậy, kháng cáo không có căn cứ.
- Công ty VH yêu cầu đặt chỗ vận chuyển container cho Công ty H và Công ty M đã liên hệ đặt chỗ trên hãng tàu Yangming. Ngày 01-12-2014, hãng tàu phát hành vận đơn với thông tin người gửi hàng là Công ty H. Việc giao hàng đã hoàn thành nên theo qui định tại Điều 74 Bộ luật Hàng hải thì trách nhiệm của người vận chuyển đã chấm dứt từ thời điểm hàng được giao cho người nhận vào ngày 22-12-2014 quyền sở hữu được giao cho người nhận hàng, Công ty H không có quyền khiếu nại hay khởi kiện. Như vậy, kháng cáo không có căn cứ.
3- Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày kháng nghị:
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày nội dung kháng nghị theo Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 959/QĐKNPT- VKS-KDTM ngày 26-10-2017 của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
4- Ý kiến của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Theo thừa nhận giữa các bên thì có sự tồn tại một hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa Công ty VH và Công ty M. Hợp đồng này được giao kết phù hợp theo quy định tại khoản 1, Điều 70 Luật Hàng Hải năm 2005. Công ty M là bên xuất hoá đơn thu tiền cước phí vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Công ty VH chứ không phải Công ty Yang Ming thu từ Công ty VH.
Tại Biên bản hòa giải ngày 07-08-2015, Công ty M thừa nhận tháng 12- 2014 có nhận thu xếp vận chuyển 9 container trái cây thanh long cho Công ty VH bằng đường biển (trong đó có 04 container của Công ty H), sau đó Công ty M đã thuê tàu của Yang Ming để vận chuyển thanh long cho Công ty VH. Các bên cũng thống nhất về cước phí vận chuyển.
Theo quy định tại Điều 72.2 Bộ luật Hàng hải năm 2005 thì người vận chuyển là người tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển với người thuê vận chuyển. Trong trường hợp này Công ty M giao kết hợp đồng vận chuyển với Công ty VH, không phải là trung gian nên phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những tổn thất của Công ty VH trong quá trình hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển.
- Về tư cách khởi kiện đòi bồi thường: Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Công ty VH và Công ty H không có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại; Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam là không có cơ sở pháp lý. Căn cứ quy định tại Điều 186, Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 thì Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đều thừa nhận giữa Công ty VH và Công ty M tồn tại quan hệ hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, việc khởi kiện đòi bồi thường của Công ty VH phát sinh từ những vi phạm của Công ty M trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển. Do vậy, Công ty VH có quyền khởi kiện yêu cầu Công ty M bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.
- Trách nhiệm của Công ty M đối với tổn thất hàng hóa:
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Công ty M không phát hành vận đơn và không có trách nhiệm đối với hàng hóa liên quan đến bên gửi hàng và người vận chuyển (hãng tàu) là không chính xác và không có cơ sở pháp lý theo quy định tại khoản 1, Điều 77, Luật Hàng hải năm 2005. Trong quá trình vận chuyển, 02 container của VH đã bị hư hỏng. Theo Báo cáo giám định ngày 30-12-2014 mà Công ty VH đã cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên nhân hàng hóa hư hỏng do hàng hóa không đáp ứng được nhiệt độ yêu cầu và việc giao hàng bị chậm trễ 07 ngày so với ngày thông báo ban đầu. Theo các trao đổi giữa đại diện của Công ty VHvà đại diện của Công ty M thì lý do hàng hóa không cập cảng đích đúng thời hạn do bị ách tắc 06 ngày tại cảng chuyển tải.
Đồng thời, mặc dù thuê hãng tàu Yangming thực hiện việc chuyên chở hàng hóa bằng đường biển nhưng căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Hàng hải năm 2005 thì Công ty M phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ những tổn thất hàng hóa trong quá trình vận chuyển với tư cách là người nhận vận chuyển hàng cho Công ty VH.
Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của Công ty TNHH một thành viên VH và Công ty TNHH thương mại giao nhận vận tải H 5- Ý kiến của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:
- Công ty M đã thực hiện xong việc vận chuyển hàng và Công ty VH đã xác nhận chi phí vận chuyển là 326.677.205 đồng. Do chậm thanh toán nên Công ty VH phải chịu lãi phạt. Quyết định của bản án sơ thẩm tuyên buộc Công ty VH phải thanh toán cho Công ty M chi phí vận chuyển và lãi phạt chậm thanh toán là đúng.
- Về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bị đơn và người liên quan:
Sau khi ký hợp đồng vận chuyển và đặt chỗ, ngày 1-12-2014, hãng tàu Yangming đã phát hành 2 vận đơn mang số hiệu YMLUS490000221 và YMLUS490000222 và Công ty M đã chuyển bản chính các vận đơn trên cho bị đơn để giao cho người nhận hàng. Ngày 22-12-2014, hàng hóa đã tới cảng và đã hoàn thành việc trả hàng cho người nhận hàng là Công ty Anusaya Fresh India và Công ty Argo World. Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật hàng hải thì trách nhiệm người vận chuyển đã chấm dứt tại thời điểm trả hàng cho người nhận hàng khi quyền sở hữu hàng hóa đã được chuyển giao từ Công ty VH sang người nhận hàng; đồng thời các rủi ro mất mát hàng hóa cũng được chuyển giao cho bên mua. Công ty VH không còn quyền sở hữu đối với các hàng hóa trên.
Ngày 30-12-2014, Công ty VH gửi thông báo hàng hóa hư hỏng đến Công ty M là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 96 Bộ luật hàng hải, vì sau khi nhận hàng vào ngày 22-12-2014 thì người nhận hàng là Công ty Anusaya Fresh India và Công ty Argo World đã là chủ sở hữu hàng hóa và có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về mất mát hàng hóa và hư hỏng chứ không phải Công ty VH. Tòa án nhân dân quận Gò Vấp áp dụng Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn và người liên quan là đúng quy định pháp luật.
V) Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm:
1) Về tố tụng:
- Về thụ lý vụ án; thời hạn chuẩn bị xét xử; thời hạn chuyển hồ sơ; cấp và tống đạt bản án trong giai đoạn phúc thẩm theo qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử: Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Việc chấp hành pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng khác trong giai đoạn thụ lý và chuẩn bị xét xử tuân theo những qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
2) Về nội dung kháng cáo:
Công ty VH và Công ty H kháng cáo với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử không đúng pháp luật, không dựa vào các chứng cứ thực tế do đương sự cung cấp và sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại và chấp nhận các yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập. Do Tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập về bồi thường thiệt hại với lý do các yêu cầu này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam nên để đảm bảo các cấp xét xử theo qui định tại Điều 17 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cấp phúc thẩm không xem xét các yêu cầu này theo trình tự phúc thẩm.
3) Về nội dung kháng nghị:
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên thừa nhận có thỏa thuận bằng lời nói về việc Công ty M thực hiện dịch vụ vận chuyển 09 container trái cây Thanh long bằng đường biển để giao cho các đối tác theo yêu cầu của Công ty VH. Do Công ty VH không thanh toán cước phí vận chuyển nên ngày 15-5-2015 Công ty M khởi kiện.
Ngày 29-7-2015, Công ty VH có đơn yêu cầu phản tố và Công ty H có Đơn yêu cầu độc lập buộc Công ty M bồi thường các khoản thiệt hại do hàng hóa bị hỏng. Nhưng, cấp sơ thẩm chỉ xem xét giải quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn mà không xem xét yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nhận thấy, với lý do hàng giao trễ so với thời hạn đã thông báo; nhiệt độ trong container không được duy trì, ngắt quãng hệ thống giữ lạnh dẫn đến hàng bị hư hỏng nên Công ty VH có đơn yêu cầu phản tố và Công ty H có Đơn yêu cầu độc lập buộc Công ty M bồi thường các khoản thiệt hại. Các yêu cầu này liên quan đến yêu cầu thanh toán cước phí của nguyên đơn, nên thuộc trường hợp qui định tại Điểm a Khoản 2 Điều 200 và Điểm b Khoản 1 điều 201 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.Tòa án cấp sơ thẩm nhận định chủ hàng là các đối tác nước ngoài của Công ty VHvà Công ty H mới có quyền khởi kiện là không phù hợp qui định tại Điểm e Khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015. Đồng thời xâm phạm quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự theo qui định tại Điều 4 và Điều 5 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
Tòa án nhân dân quận Gò Vấp sử dụng bản sao các vận đơn chưa được công chứng, chứng thực theo qui định làm chứng cứ để xem xét trong vụ án là vi phạm qui định tại khoản 3 Điều 96 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
Mặc dù các đương sự trong vụ án không tranh chấp chi phí vận chuyển mà Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán là 456.204.717 đồng nhưng trong vụ án có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn nên cần phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại một cách toàn diện cũng như bảo đảm quyền lợi của các đương sự trong giai đoạn thi hành án.
Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hủy tòa bộ bản án sơ thẩm và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ lại vụ án để giải quyết .
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; nghe ý kiến trình bày và tranh luận của các đương sự; nghe trình bày nội dung kháng nghị và ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] - Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Đơn kháng cáo của Công ty TNHH MTV VH và Công ty TNHH thương mại giao nhận H nộp cho Tòa án, còn trong thời hạn qui định của pháp luật nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] - Về nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát và kháng cáo của đương sự, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[2.1] Mặc dù không lập hợp đồng mà chỉ giao kết thông qua lời nói nhưng Công ty TNHH M và Công ty TNHH MTV VH đều xác nhận vào tháng 12- 2014, Công ty M đã thu xếp vận chuyển 09 containers hàng trái cây Thanh long cho Công ty VH đến các đối tác ở nước ngoài; thống nhất số tiền phí dịch vụ nhận thu xếp vận chuyển là 326.677.205 đồng. Như vậy, Công ty TNHH M đòi Công ty TNHH MTV VH phải thanh toán chi phí này là có cơ sở.
[2.2] Theo xác nhận của bị đơn thì thực tế hàng hóa đến cảng vào ngày 22- 12-2014, sau khi hàng được giao cho người theo chỉ định của bị đơn thì nguyên đơn có quyền đòi thanh toán mọi khoản tiền dịch vụ đã thỏa thuận. Như vậy, do Công ty VH không thanh toán chi phí dịch vụ đã hoàn thành nên Công ty M có quyền đòi chi phí dịch vụ này và lãi phát sinh do chậm thanh toán theo điều 306 Luật Thương mại. Công ty M yêu cầu Công ty VH trả lãi chậm thanh toán tính từ ngày 01-01-2015 đến ngày 27-9-2017 là ngày xét xử sơ thẩm, theo mức lãi suất quá hạn trung bình của ba tổ chức tín dụng và được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ.
[2.3] Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty M xác nhận thực hiện thỏa thuận vận chuyển hàng cho Công ty TNHH MTV VH thì Công ty M đã ký hợp đồng thuê hãng tàu Yangming vận chuyển hàng và Công ty M đã thanh toán chi phí vận chuyển cho hãng tàu Yangming. Như vậy, Chi phí vận chuyển nguyên đơn đòi Công ty VH là theo thỏa thuận giữa hai bên, không liên quan đến chi phí vận chuyển được thỏa thuận giữa Công ty M và hãng tàu Yangming.
Quá trình thụ lý vụ án tại cấp sơ thẩm, Công ty TNHH MTV VH có yêu cầu phản tố và Công ty TNHH thương mại giao nhận H có yêu cầu độc lập để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu đòi chi phí vận chuyển của nguyên đơn và các yêu cầu này có liên quan đến vụ án đang được giải quyết nên phải được xem xét giải quyết theo qui định tại Điểm a Khoản 2 Điều 200 và Điểm b Khoản 1 Điều 201 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015. Yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập đã được các đương sự đóng tạm ứng án phí nhưng cấp sơ thẩm không xem xét và đình chỉ giải quyết là không phù hợp qui định của pháp luật nên Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm.
Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Gò Vấp giải quyết lại nội dung quyết định của bản án sơ thẩm bị hủy theo thủ tục sơ thẩm.
Phần nội dung quyết định của bản án không bị hủy có hiệu lực thi hành theo qui định của pháp luật.
[3] – Về án phí:
[3.1] - Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
- Công ty TNHH MTV VH phải chịu án phí trên số tiền phải thanh toán cho Công ty TNHH M - Công ty TNHH M được nhận lại tạm ứng án phí đã nộp - Số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm Công ty TNHH MTV VH và Công ty TNHH thương mại giao nhận H đã nộp được xem xét khi giải quyết yêu cầu độc lập và yêu cầu phản tố.
[3.2] - Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;
Chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH một thành viên VH và Công ty TNHH thương mại giao nhận vận tải H.
Hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm số 116/2017/KDTM-ST ngày 29-9- 2017 của Toà án nhân dân quận Gò Vấp, cụ thể:
Phần nội dung quyết định của bản án bị hủy như sau:
- Đình chỉ yêu cầu phản tố của Công ty TNHH MTV VH buộc Công ty M bồi thường thiệt hại đối với 02 containers bị hỏng hàng hóa theo các vận đơn số YMLUS490000221 và YMLUS490000222 với giá trị là 660.750.600 VNĐ (Theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 30021005610 ngày 27-11-2014 và Theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 300212278500 ngày 27-11-2014); Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại tính từ thời điểm ngày 15-12-2014 đến ngày 30-8-2017 tính theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại là: 174.834.607 đồng.
- Đình chỉ yêu cầu độc lập của Công ty H buộc Công ty M Bồi thường thiệt hại đối với Containers theo Vận đơn số YMLUS490000223 thanh long bị hỏng với giá trị là 391.776.240 VNĐ (Theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 300215084060 ngày 01-12-2014); Hoàn trả chi phí xử lý hàng hư là 27.619.800 VNĐ; Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền chậm trả chi phí xử lý hàng hư tính từ thời điểm ngày 15-12-2014 đến nay theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại; Thanh toán tiền lãi chậm thanh toán đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại tính từ thời điểm ngày 15-12- 2014 đến nay theo mức lãi suất trung bình cho vay của 03 Ngân hàng thương mại là: 110.972.192 đồng.
2) Giữ nguyên một phần nội dung quyết định của bản án, cụ thể:
Công ty TNHH MTV VH có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH M số tiền cước nhận thu xếp vận chuyển và lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ là 456.204.717 đồng.
3) Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Gò Vấp giải quyết lại nội dung quyết định của bản án sơ thẩm bị hủy theo thủ tục sơ thẩm.
4) Về án phí:
Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
- Công ty TNHH MTV VH phải chịu án phí là 22.248.189 đồng - Công ty TNHH M được nhận lại tạm ứng án phí đã nộp là 8.656.930 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí Tòa án số AE/2014/0004044 ngày 03 -7- 2015 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Gò Vấp.
- Số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm mà Công ty TNHH MTV VH và Công ty TNHH thương mại giao nhận H đã nộp được xem xét khi giải quyết yêu cầu độc lập và yêu cầu phản tố theo thủ tục sơ thẩm Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:
Công ty TNHH MTV VH được nhận lại số tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0027819 ngày 03-11-2017 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Gò Vấp.
Công ty TNHH thương mại giao nhận vận tải H được nhận lại số tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0027820 ngày 03-11-2017 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Gò Vấp.
Việc thi hành án được thực hiện tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận Thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014.
Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay.
Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ (vận chuyển hàng hóa đi nước ngoài bằng đường biển) số 326/2018/KDTM-PT
Số hiệu: | 326/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 27/03/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về