Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 48/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

BẢN ÁN 48/2021/DS-PT NGÀY 15/06/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Ngày 15 tháng 6 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 48/2020/TLPT-DS ngày 22/4/2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 08/2020/DS-ST ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 104/2020/QĐ-PT ngày 14 tháng 7 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

1. Ông Đặng Lê H – sinh năm 1980;

2. Bà Lương Thị Ngọc H1 – sinh năm 1986;

Đều trú tại: thôn M, xã P, huyện T, tỉnh Phú Yên.

3. Ông Nguyễn Văn N – sinh năm 1979;

4. Ông Trần Trọng B – sinh năm 1966;

Đều trú tại: thôn M, xã H, huyện T, tỉnh Phú Yên.

5. Ông Lê Văn M – sinh năm 1975; trú tại: thôn M, xã H, huyện T, tỉnh Phú Yên.

Người đại diện theo ủy quyền của các ông bà H1, N, Trọng, M: Ông Đặng Lê H. Có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đồng nguyên đơn: Ông Ngô Minh T – Luật sư thuộc Văn phòng luật sư 1, Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên. Có mặt.

Bị đơn: Tổng công ty điện lực T; địa chỉ: 78A, phường Đ, quận H, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Khoa T1.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Hương Q, Luật sư thuộc Văn phòng luật sư P, Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Công ty điện lực P; địa chỉ: 104 L, phường 3, TP.T, tỉnh Phú Yên.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Khoa T1.

Điện lực T; Địa chỉ: Khu phố M, thị trấn P, huyện T, tỉnh Phú Yên.

Người kháng cáo: Các đồng nguyên đơn do ông Đặng Lê H đại diện.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, tài liệu có tại hồ sơ và tại phiên tòa, các đồng nguyên đơn do ông Đặng Lê H đại diện và luật sư trình bày:

Năm 2012, các ông bà H, H1, N, B, M ký kết hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng, mỗi năm thanh lý hợp đồng rồi lại ký hợp đồng mới. Ngày 26/01/2018, ông H đại diện ký kết Hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng số 451/HĐ-PYPC với Công ty điện lực P, thời hạn hợp đồng từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2019. Các ông bà H, H1, N, B, M ký quỹ với số tiền 296.000.000đồng tại Chi nhánh Ngân Hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam tại tỉnh Phú Yên. Hợp đồng dịch vụ số 451/HĐ-PYPC ngày 26/01/2018 thực hiện được 05 tháng thì các nguyên đơn nhận được Văn bản số 84/ĐLTaH ngày 16/5/2018 của Điện lực T về việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng tại xã P đối với các ông bà H, H1, N, B, M. Việc bị đơn chấm dứt hợp đồng dịch vụ nêu trên là gây thiệt hại cho các nguyên đơn vì Điện lực T không có thẩm quyền ra thông báo chấm dứt hợp đồng mà thẩm quyền này thuộc Công ty điện lực P nên các đồng nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại như sau:

- Bồi thường khoản mất thu nhập B quân 2.000.000đ/tháng x 06 tháng = 12.000.000đ x 05 người = 60.000.000đ.

- Bồi thường khoản tiền chênh lệch lãi suất đối với 02 sổ tiết kiệm của bà H1 và ông M (6,8%/năm) là 8.160.000đ do việc chấm dứt hợp đồng.

Theo tài liệu có tại hồ sơ và tại phiên tòa, bị đơn Tổng công ty điện lực T do người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Khoa T1 và luật sư trình bày:

Về thời gian ký kết hợp đồng, nội dung hợp đồng, bị đơn thống nhất với trình bày của nguyên đơn, thu nhập được tính là 2.398đ/hóa đơn. Về số tiền ký quỹ bị đơn có ý kiến: số tiền ký quỹ bao nhiêu phụ thuộc khả năng của bên nguyên đơn, bị đơn không bắt buộc phải cố định số tiền 296.000.000đ, số tiền ký quỹ nhiều thì bị đơn giao nhiều hóa đơn và ngược lại. Nguyên đơn ký kết hợp đồng bán lẻ điện năng với Công ty điện lực P từ năm 2012, đến hết năm thì thanh lý và ký lại hợp đồng, mọi giao dịch, thông báo giữa Công ty điện lực P và nguyên đơn đều thông qua Điện lực T, nguyên đơn không có ý kiến gì, đến năm 2018 xảy ra tranh chấp thì nguyên đơn mới viện lý do là không đồng ý thông báo của Điện lực T là không hợp lý. Thực hiện Hợp đồng dịch vụ số 451/HĐ- PYPC ngày 26/01/2018 đến tháng 5/2018 thì Công ty điện lực P có dự kiến thay đổi theo hướng giảm thấp số tiền chi trả cho mỗi hóa đơn và có thông báo miệng cho những người bán lẻ trong đó có nguyên đơn, nhưng họ nói thu nhập như vậy quá thấp họ không làm, do vậy những ai đồng ý thì bị đơn vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng, còn nếu không đồng ý thì thông báo chấm dứt hợp đồng để giao bên bưu điện thu. Ngày 16/5/2018, được sự thống nhất của Công ty điện lực P, Điện lực T có thông báo chấm dứt hợp đồng số 84 cho các nguyên đơn, lúc đầu họ đồng ý và yêu cầu giải tỏa sổ ký quỹ để có tiền trả nợ nên bị đơn giải phong tỏa đối với 05 sổ tiết kiệm, tổng số tiền 296.000.000đ dù họ chưa thực hiện thanh lý hợp đồng nhưng sau đó họ không đồng ý chấm dứt hợp đồng, thanh lý hợp đồng nên bị đơn phong tỏa lại nhưng ông M, bà H1 đã rút tiền nên chỉ còn phong tỏa 03 sổ của ông H, N, B. Đến ngày 27/6/2018, Công ty điện lực P có buổi làm việc đầu tiên với nguyên đơn, vì thiện chí bị đơn có thông báo trong thời gian chờ xin việc mới có thể tiếp tục làm lại nhưng đến ngày 29/6/2018 nguyên đơn có thông báo là không làm lại nữa. Đến ngày 23/10/2018, nguyên đơn tiếp tục có đơn nên đến ngày 05/11/2018 bị đơn mời nguyên đơn làm việc với nội dung như ngày 27/6/2018. Tổng công ty điện lực T ủy quyền Công ty điện lực P tại Văn bản số 99/UQ-EVNCPC ngày 05/01/2018 và Công ty điện lực P ủy quyền cho Điện lực T tại Văn bản ủy quyền số 155/ UQ-PYPC ngày 10/01/2018 thì Điện lực T có quyền thông báo chấm dứt hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng. Bị đơn chấm dứt hợp đồng với nguyên đơn là có căn cứ và đúng theo quy định tại điểm d Điều 10 của Hợp đồng dịch vụ số 451/HĐ-PYPC ngày 26/01/2018. Việc giải tỏa tiền ký quỹ và rút số tiền tiết kiệm sớm của bà H1, ông M gây thiệt hại lãi suất không liên quan gì đến Điện lực P. Hợp đồng giữa bị đơn và nguyên đơn là hợp đồng dịch vụ,có làm thì được trả công, không phải là hợp đồng lao động. Do vậy, bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Tại bản án dân sự số 08/2019/DS-ST ngày 14 tháng 02 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố T quyết định:

Căn cứ các Điều 422, 428, 513, 520 Bộ luật Dân sự 2015Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn đòi bị đơn phải bồi thường cho mỗi nguyên đơn số tiền 12.000.000đ về khoản thu nhập bị mất.

Không chấp nhận yêu cầu của bà Lương Thị Ngọc H1 đòi bị đơn bồi thường tiền lãi chênh lệch 4.385.951đ.

Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Văn M đòi bị đơn bồi thường tiền lãi chênh lệch 3.710.000đ.

Điện lực P phải có trách nhiệm mở phong tỏa 03 khoản tiền ký quỹ cho ông Đặng Lê H, Nguyễn Văn N, Trần Trọng B tại Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam tại tỉnh Phú Yên.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 02/03/2020, các nguyên đơn do ông Đặng Lê H đại diện kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn và nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện và kháng cáo, rút yêu cầu khoản bồi thường tiền lãi chênh lệch lãi suất và yêu cầu mở phong tỏa 03 sổ tiết kiệm vì bị đơn đã mở phong tỏa xong.

Luật sư bảo vệ cho bị đơn và người đại diện của bị đơn đề nghị HĐXX xem xét lại văn bản ủy quyền của các nguyên đơn chỉ ủy quyền cho ông H tại cấp sơ thẩm nên chỉ giải quyết yêu cầu kháng cáo của cá N ông H. Bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về vụ án: Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật về tố tụng dân sự. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đương sự và Kiểm sát viên tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1]Luật sư của bị đơn đề nghị HĐXX xem xét việc các nguyên đơn chỉ ủy quyền cho ông H ở giai đoạn sơ thẩm nên chỉ xem xét kháng cáo của cá nhân ông H, HĐXX thấy rằng: Tại các Giấy ủy quyền, các nguyên đơn đều ủy quyền cho nguyên đơn H “được thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật” “cho đến khi kết thúc vụ án nêu trên”, do đó, việc ông H đại diện cho các nguyên đơn làm đơn kháng cáo là đúng quy định, nên cần xét kháng cáo cho tất cả 05 nguyên đơn. Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Điện lực T kèm theo Quyết định số 12/QĐ-EVN ngày 16/01/2015 của Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam thì bị đơn được xác định là Tổng công ty Điện lực T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Điện lực P và Điện lực T, tuy tại Bản án sơ thẩm số 08/2020/DS-ST ngày 14/02/2020 không ghi Điện lực T là người liên quan nhưng quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn hòa giải đến khi xét xử đều triệu tập họ tham gia tố tụng và đã có ý kiến trình bày, do đó, phúc thẩm bổ sung Điện lực T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

[2]Xét kháng cáo của các nguyên đơn về yêu cầu bị đơn phải bồi thường khoản mất thu nhập cho mỗi nguyên đơn số tiền 12.000.000đ (tổng cộng là 60.000.000đ): Theo trình bày của bị đơn thì giai đoạn 2018 – 2019, Công ty điện lực P có kế hoạch triển khai việc không in thông báo tiền điện và biên nhận thanh toán đối với khách hàng nộp tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tiền điện và các dịch vụ bán lẻ điện năng mà thực hiện qua tin nhắn SMS, Email, App CSKH, web CSKH. Các dịch vụ bán lẻ điện năng chỉ còn nhiệm vụ thu tiền, gửi biên nhận thanh toán cho khách hàng, do đó chỉ thanh toán tiền công bằng 70% công định mức thu tiền điện so với trước đây với đơn giá 1.679đ/hóa đơn áp dụng từ kỳ thanh toán tháng 6/2018. Thông qua Điện lực T, Công ty điện lực P đã thông báo cho các nhóm dịch vụ bán lẻ điện năng trên địa bàn huyện T, trong đó có nhóm ông H biết việc tiếp tục duy trì Hợp đồng theo đơn giá giảm hoặc chấm dứt Hợp đồng nếu không chấp nhận giá giảm nêu trên. Nhóm ông H đã nhận được thông báo nhưng không chấp nhận việc tiếp tục Hợp đồng nên căn cứ điểm d Điều 10 Hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng số 451/HĐ-PYPC ngày 26/01/2018 về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng có nội dung: “Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không có lợi cho bên A, bên A phải báo cho bên B biết trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lớn hơn hoặc 15 ngày”. Ngày 16/5/2018, Điện lực T có thông báo chấm dứt hợp đồng số 84 cho những bán lẻ do ông H làm đại diện. Ngày 07/6/2018, Điện lực T có thông báo số 103/ĐLTH gửi ông H về việc chấm dứt hợp đồng thu tiền điện tại xã P đối dịch vụ bán lẻ điện năng với ông H là hơn 15 ngày kể từ ngày ra thông báo chấm dứt hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng.

[3]Xét thấy: ông Đặng Lê H đại diện ký Hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng số 451/HĐ-PYPC ngày 26/01/2018. Tại Điều 7 của Hợp đồng này, bị đơn cho phép ông H ủy quyền cho 04 nguyên đơn Lê Văn M, Nguyễn Văn N, Trần Trọng B, Lương Thị Ngọc H1 thực hiện các công việc theo Hợp đồng, việc bị đơn chấm dứt Hợp đồng này cũng là chấm dứt việc thực hiện Hợp đồng của cả 05 nguyên đơn. Về mặt chủ thể giao kết Hợp đồng dịch vụ bán lẻ đện năng là Công ty điện lực P (được Tổng công ty Điện lực T ủy quyền theo Giấy ủy quyền số 99/UQ-EVNCPC ngày 05/01/2018) thì Công ty điện lực P mới có quyền chấm dứt Hợp đồng. Đại diện theo ủy quyền của bị đơn cũng như Luật sư bảo vệ cho bị đơn cho rằng Công ty điện lực P đã ủy quyền cho Điện lực T ra thông báo cho các nguyên đơn thể hiện tại Công văn số 84/ĐLTaH ngày 16/5/2018 thì ghi “Điện lực T thông báo cho ông được biết kể từ ngày 31/5/2018, Công ty Điện lực P sẽ thanh lý Hợp đồng”, còn Công văn số 103/ĐLTaH ngày 07/6/2018 thì ghi “ Điện lực T – Công ty Điện lực P đơn phương chấm dứt Hợp đồng kể từ ngày 10/6/2018”, tuy nhiên tại Giấy ủy quyền số 155/UQ-PYPC ngày 10/01/2018 của Công ty điện lực P thì không có nội dung ủy quyền cho Điện lực T được ra thông báo chấm dứt hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng. Mặc khác, Công ty điện lực P cho rằng thông qua Điện lực T đã thông báo cho các nguyên đơn về việc giảm đơn giá dịch vụ và đề nghị bên nguyên đơn hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng với đơn giá giảm hoặc chấm dứt hợp đồng nhưng không có tài liệu nào chứng minh. Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn cung cấp các tài liệu về việc đã nhận được thông báo và đồng ý chấm dứt hợp đồng của các trường hợp tương tự để chứng minh bên nguyên đơn biết được nội dung chấm dứt hợp đồng là chưa phù hợp. Tại Công văn số 84/ĐLTaH “V/v: chấm dứt hợp đồng DV bán lẻ Điện năng tại xã P” ngày 16/5/2018, Công văn số 103/ĐLTaH ngày 07/6/2018 “V/v: chấm dứt hợp đồng DV bán lẻ Điện năng tại xã P”, Công văn số 110/ĐLTaH ngày 15/6/2018 “V/v: trả lời việc thanh lý hợp đồng DV bán lẻ Điện năng tại xã P”, các biên bản làm việc giữa bị đơn và nguyên đơn sau khi nguyên đơn có khiếu nại (các ngày 27/6/2018, ngày 05/11/2018) đều không nêu nội dung về giảm tiền dịch vụ để có sự trao đổi giữa các bên, tại mục Nội dung 1 của Biên bản làm việc ngày 27/6/2018 thì Điện lực P nêu “Công ty có kế hoạch không in biên nhận thanh toán đối với khách hàng nộp tiền điện thông qua tổ chức trung gian thanh toán tiền điện, vì vậy nếu không in biên nhận thanh toán thì DVBL điện năng sẽ khó khăn trong việc thu tiền điện”. Cho thấy trước khi bên nguyên đơn nhận được các Công văn số 84/ĐLTaH ngày 16/5/2018, Công văn số 103/ĐLTaH ngày 07/6/2018 thì bên bị đơn chưa trao đổi với bên nguyên đơn về lý do “không có lợi”. Như vậy, Công ty Điện lực có một phần lỗi trong việc chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho các nguyên đơn trong thời gian chưa tìm được việc mới, do đó HĐXX phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, sửa án sơ thẩm. Theo bảng tổng hợp thanh toán quyết toán chi phí dịch vụ bán lẻ điện năng từ tháng 01/2018 dến tháng 5/2018, cần chấp nhận mức bồi thường thu nhập B quân 2.000.000đ/tháng x 03 tháng = 6.000.000đ/người x 05 người = 30.000.000đ là có cơ sở, phù hợp với quy định pháp luật.

[3]Về yêu cầu bồi thường khoản tiền chênh lệch lãi suất đối với 02 sổ của bà H1 và ông M (6,8%/năm) là 8.160.000đ và yêu cầu mở phong tỏa 03 khoản tiền ký quỹ cho ông Đặng Lê H, Nguyễn Văn N, Trần Trọng B tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Phú Yên. Tại phiên tòa, nguyên đơn cho rằng bên bị đơn đã mở phong tỏa và bên nguyên đơn đã tất toán toàn bộ các sổ tiết kiệm và rút kháng cáo nội dung trên nên đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[4]Về án phí: Sửa một phần án phí sơ thẩm, các nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu không được chấp nhận và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm do sửa án sơ thẩm, bị đơn chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền phải bồi thường cho nguyên đơn.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Chấp nhận một phần kháng cáo của các nguyên đơn ông Đặng Lê H, bà Lương Thị Ngọc H1, ông Nguyễn Văn N, ông Trần Trọng B, ông Lê Văn M – Sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng các Điều 422, 428, 513, 520 Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Đặng Lê H, bà Lương Thị Ngọc H1, ông Nguyễn Văn N, ông Trần Trọng B, ông Lê Văn M. Buộc Tổng công ty Điện lực T bồi thường cho các nguyên đơn mỗi người số tiền 6.000.000đ (Sáu triệu đồng)/người x 05 người = 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng).

Đình chỉ yêu cầu của bà Lương Thị Ngọc H1 đòi bị đơn bồi thường tiền lãi chênh lệch 4.385.951đ. Đình chỉ yêu cầu của ông Lê Văn M đòi bị đơn bồi thường tiền lãi chênh lệch 3.710.000đ.

Đình chỉ yêu cầu Điện lực P phải có trách nhiệm mở phong tỏa 03 khoản tiền ký quỹ cho ông Đặng Lê H, Nguyễn Văn N, Trần Trọng B tại Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam tại tỉnh Phú Yên.

Về án phí: Nguyên đơn ông Đặng Lê H phải chịu 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí phúc thẩm, nhưng được trừ vào 1.704.000đ đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 0012172 ngày 21/01/2019 và và 300.000đồng đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 0001303 ngày 18/03/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự TP.T, nên hoàn trả lại cho ông H số tiền 1.704.000đ.

Nguyên đơn ông Nguyễn Văn N phải chịu 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí phúc thẩm, nhưng được trừ vào 300.000đồng được đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 0014810 ngày 08/8/2019 và 300.000đồng đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 000797 ngày 04/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự TP.T, nên hoàn trả lại cho ông N số tiền 300.000đ.

Nguyên đơn ông Trần Trọng B phải chịu 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào 300.000đồng được đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 0014811 ngày 08/8/2019 và 300.000đồng đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 000798 ngày 04/01/2021của Chi cục Thi hành án dân sự TP.T, nên hoàn trả lại cho ông B số tiền 300.000đ.

Nguyên đơn ông Lê Văn M phải chịu 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào 504.000đồng được đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 00148109 ngày 08/8/2019 và 300.000đồng đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 000796 ngày 04/01/2021của Chi cục Thi hành án dân sự TP.T, nên hoàn trả lại cho ông B số tiền 504.000đồng.

Nguyên đơn bà Lương Thị Ngọc H1 phải chịu 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào 504.000đồng được đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 00148108 ngày 08/8/2019 và 300.000đồng đã nộp tại biên lai tạm ứng án phí số 000795 ngày 04/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự TP.T, nên hoàn trả lại cho bà H1 số tiền 504.000đ.

Bị đơn Tổng công ty Điện lực T phải chịu 1.500.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án Dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án Dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

591
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 48/2021/DS-PT

Số hiệu:48/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:15/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về