TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 452/2020/KDTM-PT NGÀY 02/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Trong các ngày 07, 19, 26 tháng 5 năm 2020 và ngày 02 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 05/2020/TLPT-KDTM ngày 06 tháng 01 năm 2020 về việc tranh chấp hợp đồng dịch vụ.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 163/2019/KDTM-ST ngày 07/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1 bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1632/2020/QĐPT- KDTM ngày 10/4/2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn S (tên cũ: Công ty trách nhiệm hữu hạn Q Việt Nam) Địa chỉ: Số 06 đường TL, Phường A, quận T, TPHCM Người đại diện hợp pháp: Ông T và bà L, địa chỉ liên lạc: 06 TL, Phường A, quận T, TPHCM (có mặt).
(Giấy ủy quyền ngày 11/5/2020).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư A, sinh năm 1987, chi nhánh Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn M tại Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh. (có mặt) 2. Bị đơn: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu SGB Địa chỉ: Tầng 6 cao ốc F, số 231-233 T, phường B, Quận Y, TPHCM Người đại diện hợp pháp: Ông Đ, địa chỉ liên lạc: 18B4 đường P, Phường C, quận BT, TPHCM (có mặt).
(Giấy ủy quyền số: 10/2018/GUQ ngày 05/10/2018).
3. Người kháng cáo: Công ty trách nhiệm hữu hạn S (tên cũ: Công ty trách nhiệm hữu hạn Q Việt Nam).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 28/9/2017 và quá trình tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, Công ty trách nhiệm hữu hạn S (gọi tắt là Công ty S) trình bày:
Ngày 01/5/2016, Công ty S và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu SGB (sau đây gọi tắt là Công ty SGB) ký hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh số: 010516/2016/HDDV-EXPSGN, nội dung hợp đồng Công ty S tiếp nhận bưu gửi của Công ty SGB hoặc từ văn phòng đại diện Công ty SGB hoặc bất kỳ địa điểm nào Công ty SGB thông báo nhưng được giới hạn trong khu vực tiếp nhận bưu gửi của Công ty S tại Việt Nam. Thông qua mạng bưu chính của Công ty S sẽ chuyển phát đến người nhận của Công ty SGB theo quy trình điều hành chuẩn “SOP”.
Thực hiện hợp đồng, Công ty S đã thực hiện việc chuyển phát hàng cho Công ty SGB từ tháng 5/2016 đến tháng 11/2016. Sau khi hoàn thành việc vận chuyển, định kỳ vào ngày cuối tháng Công ty S gửi bảng kê, xuất hóa đơn cước vận chuyển phát để Công ty SGB thanh toán và tính đến ngày 30/12/2016 Công ty SGB còn nợ tiền cước vận chuyển là 924.257.541 đồng.
Tại đơn khởi kiện ngày 28/9/2017, Công ty S khởi kiện yêu cầu Công ty SGB thanh toán tiền nợ 924.257.541 đồng. Quá trình giải quyết vụ án qua kiểm tra chứng từ, Công ty S xác nhận Công ty SGB đã thanh toán được số tiền 424.080.637 đồng thông qua người nhận là ông T nhân viên của Công ty S. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Công ty S khởi kiện yêu cầu Công ty SGB phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ còn lại 500.176.904 đồng.
Tại Biên bản hòa giải ngày 08/7/2019, Công ty S thừa nhận đã nhận được số tiền 581.418.963 đồng từ Công ty SGB nên yêu cầu Công ty SGB tiếp tục thanh toán số tiền nợ còn lại 342.838.578 đồng nhưng tại Biên bản hòa giải ngày 22/7/2019, Công ty S lại xác nhận chỉ nhận được số tiền 424.080.637 đồng không phải là 581.418.963 đồng như Biên bản hòa giải ngày 08/7/2019 nên yêu cầu Công ty SGB tiếp tục thanh toán số tiền nợ còn lại 500.176.904 đồng.
Quá trình tham gia tố tụng, Công ty SGB trình bày:
Công ty SGB xác nhận lời trình bày của Công ty S về việc ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh số:
010516/2016/HDDV-EXPSGN ngày 01/5/2016 là đúng. Công ty SGB xác nhận giá trị hợp đồng là 581.418.963 đồng và Công ty SGB đã thanh toán hết số tiền trên cho Công ty S qua số tài khoản người nhận là ông T nhân viên của Công ty S nên đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S.
Quá trình tham gia tố tụng, ông T có đơn xin vắng mặt nhưng có ý kiến trình bày:
Ông T là nhân viên kinh doanh của Công ty S, ông T xác nhận Công ty S và Công ty SGB có ký hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh số: 010516/2016/HDDV-EXPSGN ngày 01/5/2016. Trước khi nghỉ việc, ông T đã bàn giao lại các chứng từ liên quan cho Công ty S. Khi còn làm việc ông T thường liên hệ, làm việc với cô H là nhân viên của Công ty SGB, báo giá và gửi hợp đồng qua email.
Liên quan đến thanh toán nợ giữa Công ty S và Công ty SGB, ông T xác nhận Công ty SGB đã thanh toán cho Công ty S được 03 tháng nhưng không nhớ cụ thể vì thời gian đã lâu. Còn về giá cước, ông T là nhân viên nên mọi chính sách ông T không tự ý quyết định mà phải qua ông N là quản lý của Công ty S. Về hóa đơn giá trị gia tăng, ông T liên hệ xuất hóa đơn nhưng Công ty SGB không nhận nên đã bàn giao cho kế toán Công ty S xử lý. Hàng tháng, ông T gửi email bảng kê công nợ cho cô H để xác nhận thanh toán và Công ty SGB đã chuyển khoản cho ông T. Do Công ty SGB không lấy hóa đơn nên nhờ ông T thanh toán lại cho Công ty S số tiền cước vận chuyển 424.080.637 đồng. Tại Biên bản hòa giải ngày 07 tháng 5 năm 2019, ông T thừa nhận đã nhận của Công ty SGB số tiền 424.080.637 đồng và đã thanh toán lại cho Công ty S nhưng tại Biên bản hòa giải ngày 16 tháng 5 năm 2019, ông T lại xác nhận đã nhận của Công ty SGB số tiền 531.422.260 đồng, đã thanh toán lại Công ty S và ông T đang yêu cầu kế toán Công ty S cung cấp các chứng từ. Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty S, ông T không có ý kiến vì hiện ông T đã nghỉ việc.
Tại phiên tòa sơ thẩm:
Công ty S yêu cầu Công ty SGB thanh toán số tiền nợ cước vận chuyển 500.176.904 đồng. Công ty S nhận số tiền 424.080.637 đồng trực tiếp từ Công ty SGB chuyển khoản không nhận qua ông T. Số tiền cước vận chuyển chênh lệch 157.338.326 đồng giữa ông T và Công ty SGB là quan hệ dân sự nên tách ra trong một vụ án dân sự khác. Khi các bên ký hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh theo tập quán vận tải và thói quen giao dịch thì phí vận tải được công khai, niêm yết tại website của Công ty S nên không cung cấp bảng giá cước vận chuyển cho công ty SGB. Công ty S lập bảng kê, xuất hóa đơn nhưng Công ty SGB từ chối không nhận nên các bên chưa xác nhận số tiền còn nợ. Công ty SGB chỉ thanh toán cước vận chuyển được 3 tháng. Số tiền nợ cước vận chuyển còn lại 500.176.904 đồng của một phần tháng 8 và tháng 9, 10/2016, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S.
Công ty SGB giữ nguyên ý kiến đã trình bày nhưng bổ sung ý kiến khi ký hợp đồng Công ty S không cung cấp bảng giá tại phụ lục A đính kèm hợp đồng nên căn cứ theo cước vận chuyển do ông T báo thì Công ty SGB đã thanh toán đủ. Số tiền chênh lệch ông T nhận chuyển lại cho Công ty S là việc nội bộ của Công ty S. Theo thỏa thuận, ngày 25 hàng tháng Công ty S lập bảng kê và gửi cho Công ty SGB. Sau 02 ngày gửi bảng kê Công ty S xuất hóa đơn để Công ty SGB thanh toán nhưng Công ty S không gửi bảng kê và xuất hóa đơn. Các bên cũng chưa xác nhận số tiền cước vận chuyển còn nợ nên Công ty S yêu cầu Công ty SGB thanh toán tiền nợ cước vận chuyển 500.176.904 đồng là không có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S.
Ông T vắng mặt.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 163/2019/KDTM-ST ngày 07/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1 quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn S (tên cũ: Công ty trách nhiệm hữu hạn Q Việt Nam) đòi Công ty cổ phần xuất nhập khẩu SGB phải có nghĩa vụ thanh toán tiền nợ cước vận chuyển 500.176.904 đồng (năm trăm triệu, một trăm bảy mươi sáu nghìn, chín trăm lẻ bốn đồng).
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.
- Ngày 15/10/2019, nguyên đơn – Công ty trách nhiệm hữu hạn S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triệu tập ông T để làm rõ thẩm quyền của ông T trong giao dịch giữa hai bên, sự gian dối trong việc nhận tiền của Công ty SGB, yêu cầu thuê đơn vị giám định để xác định giá do các bên không thống nhất, xem xét giải quyết về số tiền thuế VAT mà Công ty S đã thanh toán thay cho Công ty SGB; đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty S, buộc Công ty SGB thanh toán số tiền còn thiếu là 500.176.904 (năm trăm triệu, một trăm bảy mươi sáu nghìn, chín trăm lẻ bốn) đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện, không rút yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Nguyên đơn – Công ty S có các đại diện ủy quyền trình bày: Mặc dù hợp đồng có thỏa thuận ký phụ lục A để xác định giá dịch vụ nhưng thực tế các bên không ký bởi lẽ giá được xác định theo giá niêm yết của công ty tại website. Vì thực tế giá dịch vụ bưu chính thường xuyên thay đổi nên sẽ được cập nhật qua từng đơn hàng. Quá trình giao dịch giữa các bên, Công ty S đều có gửi email bảng kê giao dịch và xuất hóa đơn cho Công ty SGB. Cụ thể là email [email protected] của nhân viên tên H, đã lập vi bằng và cung cấp cho Tòa án. Thực tế, phía nhân viên H đã có phản hồi khi nhận các email của Công ty S. Điều này chứng tỏ Công ty SGB nhận được đầy đủ các bảng kê nhưng không có ý kiến và Công ty S xuất hóa đơn theo đúng thỏa thuận của hợp đồng cũng như dịch vụ đã cung cấp cho Công ty SGB. Trong nội dung những lần chuyển khoản của Công ty SGB cho Công ty S đợt tháng 5, 6, 7 và một phần tháng 8 đều có ghi nội dung cả về số tiền và số hóa đơn đúng với hóa đơn mà Công ty S đã xuất. Giá cước do ông T báo giá cho bị đơn không được thừa nhận. Các bảng kê do bị đơn cung cấp tại Tòa sơ thẩm có quá nhiều sai sót, sai về số vận đơn, sai về ngày tháng, sai về số lượng, bảng kê không thể hiện giá có thuế VAT. Công ty SGB cho rằng đã chuyển đủ tiền cước dịch vụ cho ông T nhưng bản tự khai của ông T ngày 07/5/2018 cũng xác định Công ty SGB chỉ mới thanh toán 3 tháng tiền cước. Cấp sơ thẩm chưa xem xét bảng kê, chưa xác định khối lượng hàng hóa theo giá do ông T báo giá cho Công ty SGB thì giá được xác định là bao nhiêu và thực tế Công ty SGB có thanh toán đủ số tiền này chưa. Vì vậy, đề nghị cho thẩm định giá để xác định giá thực tế của giao dịch các bên. Mặt khác, theo luật thuế thì thuế VAT là thuế thuộc nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ, Công ty S chỉ là người nộp hộ nên Công ty SGB phải thanh toán lại số tiền thuế đã nộp cho Công ty S. Đề nghị sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày tranh luận bổ sung: Dựa vào vi bằng do hai bên cung cấp thì bảng kê của ông T gửi Công ty SGB chỉ là bảng kê sơ bộ do giá báo chưa bao gồm phí, thuế, chưa đúng với số vận đơn. Hợp đồng các bên thỏa thuận việc thanh toán dựa vào hóa đơn chứ không phải căn cứ trên bảng kê vì vậy bị đơn cho rằng thanh toán đúng số tiền theo bảng kê của ông T là không đúng. Dịch vụ Công ty S cung cấp cho Công ty SGB đã được xuất hóa đơn, đã đóng thuế nhưng cấp sơ thẩm không xem xét phần đóng thuế hộ này là không phù hợp.
Bị đơn – Công ty SGB có đại diện theo ủy quyền trình bày: Trong hợp đồng các bên không thỏa thuận sẽ căn cứ giá trên website nên ý kiến của nguyên đơn về việc căn cứ tính giá được niêm yết tại website là không đúng. Email có phần cuối saigonbay.vn đã được Công ty SGB đăng ký tên miền. Ngoài email [email protected] , Công ty SGB không sử dụng email với đuôi là gmail.com như nguyên đơn cung cấp. Công ty SGB cũng khẳng định không nhận được bất kỳ bảng kê nào như Công ty S trình bày. Ông T báo giá như thế nào thì Công ty SGB thanh toán đủ. Việc ông T và Công ty S là quan hệ nội bộ, không liên quan đến Công ty SGB. Thực tế Công ty S có nhận được tiền từ ông T chuyển suốt một thời gian dài nhưng không ý kiến gì, nay giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn mới phủ nhận việc nhận tiền của ông T. Hóa đơn do Công ty S tự xuất thì tự chịu, một năm sau mới gửi cho Công ty SGB nên không chấp nhận. Công ty SGB thừa nhận tất cả các vận đơn do Công ty S cung cấp, việc bảng kê do ông T cung cấp cho Công ty SGB có sự xáo trộn về thời gian có thể lý giải được và không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ việc. Các yêu cầu của nguyên đơn nêu ra là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Đối với yêu cầu thẩm định giá hàng hóa đang tranh chấp phía nguyên đơn đã không nêu ra tại cấp sơ thẩm là từ bỏ quyền yêu cầu này của mình, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự, bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, y án sơ thẩm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - ông T đã chết ngày 25/6/2019 theo giấy chứng tử số 64/2019 ngày 25/6/2019.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
- Về hình thức: Đơn kháng cáo của đương sự trong hạn luật định nên hợp lệ, đề nghị Tòa án chấp nhận. Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm.
- Về nội dung: Do cấp sơ thẩm chưa thu thập các tài liệu, chứng cứ mà cấp phúc thẩm không thể thu thập được nên đề nghị hủy án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận và sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức và thời hạn kháng cáo: Ngày 07 tháng 10 năm 2019, Toà án nhân dân Quận 1 đưa vụ án ra xét xử và ban hành Bản án số 163/2019/KDTM-ST, đại diện ủy quyền của Công ty TNHH S có mặt tại phiên tòa. Ngày 22/10/2019, Công ty TNHH S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì kháng cáo của Công ty TNHH S trong hạn luật định nên chấp nhận.
[2] Về tố tụng:
Nguyên đơn – Công ty TNHH S khởi kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ đối với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu SGB có trụ sở tại Quận 1. Do đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35; điểm b khoản 3 Điều 38; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân Quận 1 có thẩm quyền giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm do có kháng cáo.
[3] Về nội dung:
Căn cứ nội dung kháng cáo của đương sự, Hội đồng xét xử xét thấy:
[3.1] Đối với yêu cầu triệu tập ông T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ báo giá giữa ông T và Công ty SGB, thỏa thuận việc nhận tiền giữa ông T và Công ty SGB không được sự ủy quyền của Công ty S: Tại đơn khởi kiện và quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa, phía nguyên đơn là Công ty S chỉ có yêu cầu đối với Công ty SGB trong giao dịch thực hiện hợp đồng dịch vụ số 010516 ngày 01/5/2016 ký kết giữa Công ty S và Công ty SGB. Mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm đã triệu tập và có lưu lời khai của ông T thể hiện ông T xác nhận đã nhận tiền của Công ty SGB thanh toán cho hợp đồng dịch vụ số 010516 nêu trên, nhưng các đương sự và hồ sơ không có bất kỳ tài liệu chứng cứ nào chứng minh ông T được Công ty S ủy quyền được nhận tiền từ Công ty SGB thay cho Công ty S. Vì vậy, nếu thực tế Công ty SGB có đưa số tiền thanh toán của hợp đồng dịch vụ với Công ty S cho ông T thì đây là giao dịch giữa Công ty SGB và ông T. Công ty SGB có quyền tranh chấp đòi lại số tiền này với ông T trong một vụ án khác nếu có yêu cầu. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy ông T không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nào trong vụ án này. Ông T chỉ có tư cách là người làm chứng trong việc xác nhận thực tế quá trình giao dịch, báo giá và thanh toán giữa Công ty S và Công ty SGB. Tòa án cấp sơ thẩm xác định tư cách tố tụng của ông T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng. Tuy nhiên, căn cứ giấy chứng tử số 64 ngày 25/6/2019 thì ông T đã chết nên không thể triệu tập ông T làm chứng tại phiên tòa.
[3.2] Về yêu cầu thẩm định giá xác định giá dịch vụ đối với các vận đơn mà hai bên đã thực hiện giao dịch, Hội đồng xét xử xét thấy: Các bên đều xác định đã tự nguyện thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ vận chuyển số 010516/2016/HDDV-EXPSGN ngày 01/5/2016 (sau đây gọi tắt là hợp đồng 010516) và thực tế các bên đã thực hiện giao dịch trong các tháng 5, 6, 7, 8, 9 và 10 năm 2018. Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng giá dịch vụ được niêm yết tại website của công ty còn bị đơn cho rằng hợp đồng thỏa thuận phải ký phụ lục A để xác định giá nhưng không có phụ lục A nên phía bị đơn căn cứ vào giá do ông T là nhân viên sale của nguyên đơn cung cấp. Xét thấy, hợp đồng 010516, các bên đã thỏa thuận giá được xác định tại phụ lục A. Nhưng thực tế hai bên không ký phụ lục A. Công ty SGB cũng không khiếu nại gì về việc này và vẫn yêu cầu Công ty S thực hiện giao dịch vận chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra nước ngoài theo các vận đơn. Do đó, việc không ký phụ lục A không phải lỗi của một phía nguyên đơn mà lỗi cả hai phía. Tại phần đầu của Hợp đồng 010516 các bên đã ghi nhận căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2005, căn cứ Luật Thương mại năm 2005, căn cứ Luật Bưu chính năm 2010. Đối tượng của hợp đồng là việc cung cấp và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh. Do đó, luật áp dụng không chỉ là Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại mà còn được điều chỉnh bởi Luật Bưu chính. Điều 28 Luật Bưu chính 2010 quy định: “Giá cước dịch vụ bưu chính 1. Căn cứ để xây dựng và điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính gồm:
a) Chi phí sản xuất, quan hệ cung cầu thị trường.
b) Mức giá cước cùng loại trên thị trường khu vực và cả thế giới.
… 3. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm:
a) Quyết định giá cước dịch vụ bưu chính do doanh nghiệp cung ứng, trừ dịch vụ bưu chính thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá cước;
b) Đăng ký, kê khai giá cước dịch vụ bưu chính theo quy định của pháp luật về giá;
c) Thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính giá cước các dịch vụ bưu chính;
d) Niêm yết công khai giá cước dịch vụ bưu chính” Như vậy, hoạt động dịch vụ bưu chính là hoạt động đặc thù, được nhà nước quản lý về giá theo quy định nêu trên. Giá dịch vụ không chỉ đơn thuần do doanh nghiệp cung ứng tự ý xác định mà phải được xây dựng và điều chỉnh theo khoản 1 Điều 28 Luật Bưu chính, phải đăng ký, kê khai, thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính và phải niêm yết công khai giá cước dịch vụ theo quy định tại điểm b, c, d khoản 3 Điều 28 Luật Bưu chính nêu trên. Cấp sơ thẩm không căn cứ Luật Bưu chính, không xem xét giá do cả hai phía Công ty S và Công ty SGB đưa ra có đúng quy định pháp luật nêu trên hay không để từ đó xác định có cần thiết thẩm định giá để xác định giá dịch vụ mà các bên sử dụng theo giá thị trường hay không (vì trường hợp này các bên không ký phụ lục về giá và cũng không thống nhất giá dịch vụ) mà đã đưa vụ án ra xét xử và bác yêu cầu của nguyên đơn là chưa đánh giá khách quan, toàn diện vụ án, thiếu căn cứ khi quyết định.
[3.3] Bên cạnh đó, trường hợp xác định được giá, cũng chưa thể xem xét được yêu cầu của nguyên đơn có căn cứ hay không bởi lẽ các bên chưa thống nhất về số lượng dịch vụ đã sử dụng. Công ty SGB đưa ra những vận đơn cho rằng phía ông T cung cấp. Công ty S đưa ra những vận đơn làm căn cứ xuất hóa đơn. Mặc dù tài liệu do Công ty S cung cấp là bản photo nhưng được Công ty SGB thừa nhận các vận đơn chuyển hàng này là đúng những dịch vụ mà Công ty SGB đã sử dụng. Nhưng những vận đơn do nguyên đơn và bị đơn cung cấp là không trùng khớp cả về nội dung và số lượng. Bị đơn chỉ trình bày chung chung đã thanh toán đủ số tiền cước 581.418.963 (năm trăm tám mươi mốt triệu, bốn trăm mười tám nghìn, chín trăm sáu mươi ba) đồng theo báo giá của ông T. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ bị đơn thanh toán cho mỗi vận đơn là bao nhiêu tiền, theo đơn giá cước nào. Cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ giá mà bị đơn xác nhận là do ông T nêu ra đã bao gồm thuế và phí hay chưa. Khoản 3 Điều 9 Luật Bưu chính năm 2010 quy định “Chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi có giá trị pháp lý như hợp đồng giao kết bằng văn bản giữa các bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Như vậy, các vận đơn do nguyên đơn cung cấp được bị đơn xác nhận được coi là chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi. Khoản 2 và 12 Điều 29 Luật Bưu chính năm 2010 quy định: “Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính:
…2. Được thanh toán đủ giá cước dịch vụ bưu chính mà mình cung ứng.
… 12. Hưởng thù lao, chi phí hợp lý khi thay mặt người sử dụng dịch vụ bưu chính thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi quốc tế quy định tại Điều 15 của Luật này…” Khoản 9, 10 Điều 30 Luật Bưu chính năm 2010 quy định: “Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính:
…9. Thanh toán đủ giá cước dịch vụ bưu chính mà mình sử dụng, trừ trường hợp được miễn, giảm giá cước theo quy định của pháp luật hoặc các bên có thỏa thuận khác.
10. Trả thù lao, chi phí hợp lý khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi….” Như vậy, giá trị hợp đồng dịch vụ bưu chính không chỉ bao gồm giá cước mà còn bao gồm phí và thuế theo trình bày của nguyên đơn là có căn cứ. Cấp sơ thẩm chưa yêu cầu các bên giải trình và chưa tiến hành đối chất làm rõ những vấn đề này là chưa đánh giá toàn diện nội dung vụ án.
[3.4] Về số tiền thuế nguyên đơn cho rằng đã đóng thay cho bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy, thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, người sử dụng dịch vụ bắt buộc phải chịu phần thuế này, người cung cấp dịch vụ phải cộng thêm phần thuế giá trị gia tăng vào giá trị dịch vụ mình cung cấp. Vì vậy, việc bị đơn có lấy hay không lấy hóa đơn hay không không ảnh hưởng đến nghĩa vụ chịu thuế. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ phần giá dịch vụ do phía bị đơn xác định đã thanh toán là trên khối lượng bao nhiêu vận đơn, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng hay chưa như phân tích ở trên. Do đó, chưa thể xác định số tiền thuế mà nguyên đơn đã kê khai thuế có đúng là phần nghĩa vụ chịu thuế bị đơn phải chịu khi sử dụng dịch vụ do nguyên đơn cung cấp hay không để xem xét có chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu trả số tiền thuế đã đóng hộ của nguyên đơn.
[4] Từ những nhận định nêu trên và xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy cấp sơ thẩm điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và giao hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo qui định pháp luật.
[5] Do chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn nên nguyên đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ Khoản 1 Điều 30, điểm b Khoản 1 Điều 35; điểm b Khoản 3 Điều 38; điểm a Khoản 1 Điều 39, Khoản 3 Điều 148, Điều 259, Khoản 1 Điều 273, Khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ Khoản 3 Điều 9, Khoản 1 Điều 28, điểm b, c, d Khoản 3 Điều 28, Khoản 2 và 12 Điều 29, Khoản 9 và 10 Điều 30 Luật Bưu chính năm 2010;
- Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn.
1. Hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 163/2019/KDTM-ST ngày 07/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Quận 1 giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
2. Về án phí: Công ty trách nhiệm hữu hạn S không phải chịu án phí phúc thẩm, hoàn trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn S số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000 (Hai triệu) đồng theo Biên lai thu số AA/2019/0005233 ngày 08/11/2019 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 1.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 452/2020/KDTM-PT
Số hiệu: | 452/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 02/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về