TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H
BẢN ÁN 23/2024/KDTM-PT NGÀY 29/01/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Trong ngày 29 tháng 01 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 150/2023/TLPT-KDTM ngày 25 tháng 10 năm 2023 về việc: “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 132/2023/KDTM-ST ngày 09/8/2023 của Tòa án nhân dân quận T bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 5843/2023/QĐ-PT ngày 11 tháng 12 năm 2023 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T; Trụ sở: Số 87 đường N, Khu đô thị S, phường A, Thành phố T, Thành phố H.
Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn: Ông D, năm sinh 1965; Chức danh; Giám đốc.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà L, năm sinh 1998; Địa chỉ: Lầu 11, số 246 đường C, phường P, Quận Q, Thành phố H là người đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 02 tháng 7 năm 2021 và ngày 09 tháng 6 năm 2023. (có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Kh - Chi nhánh Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn T tại Thành phố H thuộc đoàn luật sư Thành phố H. (vắng mặt)
2. Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn E; Trụ sở: Lầu 4, Tòa nhà W, số 20 đường P, Phường W, quận T, Thành phố H.
Người đại diện theo pháp luật của bị đơn: Bà Q, năm sinh 1993; Chức danh: Giám đốc; Địa chỉ: Số 659 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận T, Thành phố H. (vắng mặt)
Người kháng cáo: Công ty TNHH T - Nguyên đơn.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận T kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm đã thể hiện:
Theo đơn khởi kiện đề ngày 02/7/2021, đơn sửa đổi yêu cầu khởi kiện ngày 20/7/2023 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn T (viết tắt Công ty T) và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền có bà L trình bày: Công ty T thỏa thuận với Công ty Trách nhiệm hữu hạn E (viết tắt Công ty E) để tổ chức sự kiện chương trình “Where’s Your Limit?” tại khu du lịch Đ. Thực hiện thỏa thuận, bà Tr (tên gọi khác là B) là người đại diện theo pháp luật Công ty T chuyển cho bà Q là người đại diện theo pháp luật của Công ty E tổng số tiền 990.000.000 đồng để Công ty E triển khai công việc. Do dịch Covid-19 bùng phát và theo quy định của Nhà nước không được trập trung đông người nên chương trình không được tổ chức theo dự kiến. Đối chiếu với những công việc mà Công ty E đã thực hiện và số tiền mà Công ty T đã thanh toán, tại thời điểm khởi kiện Công ty T cho rằng Công ty E hiện đang giữ 702.720.000 đồng nhưng sau khi đối chiếu và trừ đi 140.800.000 đồng đã thanh toán cho Công ty E theo hợp đồng dịch vụ số 0710/HDDV/EQ-VR thì số tiền còn lại là 561.920.000 đồng nên Công ty E có trách nhiện hoàn trả 561.920.000 đồng và trả một lần sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Bị đơn Công ty E có bà Q là người đại diện theo pháp luật trình bày: Công ty T cho rằng có thỏa thuận bằng miệng với Công ty E để tổ chức sự kiện chương trình “Where’s Your Limit?” tại khu du lịch Đ là không đúng. Khoảng tháng 9/2020, bà Tr (tên gọi khác B) là người đại diện theo pháp luật của Công ty T có liên hệ với bà Q để nhờ bà Q hỗ trợ giúp đỡ bà Tr làm dự án liên quan đến thể thao với tư cách cá nhân (vì trước đây bà Q từng làm trợ lý truyền thông cho bà Tr) và bà Q đồng ý, công việc bà Q đảm nhận là lập một nhóm để thực hiện công việc với Công ty T và tìm kiếm nhân sự. Để thuận lợi cho công việc, bà Tr đã chuyển vào số tài khoản của bà Q 990.000.000 đồng và bà Q đã thanh toán số tiền trên cho các cá nhân, tổ chức đã thực hiện công việc theo yêu của bà Tr, trong đó có 140.800.000 đồng cho Công ty E theo hợp đồng dịch vụ số 0710/HĐDV/EQ-VR. Công ty T khởi kiện yêu cầu Công ty E hoàn trả số tiền 702.720.000 đồng nhưng sau đó chỉ yêu cầu hoàn trả số tiền 561.920.000 đồng thì Công ty E không đồng ý vì giữa Công ty T và Công ty E không có thỏa thuận với nhau liên quan đến tổ chức sự kiện chương trình “Where’s Your Limit?” tại khu du lịch Đ, vì chương trình là quảng bá các hoạt động thể thao do Công ty V tài trợ mà Công ty E có thực hiện một số hạng mục như treo phướn sự kiện, thiết kế sự kiện và trưởng bộ phận điều phối theo theo hợp đồng dịch vụ số 0710/HĐDV/EQ-VR nhưng đã thực hiện xong. Công ty T dựa trên cơ sở nào để xác định đã chuyển cho Công ty E số tiền 990.000.000 đồng cũng như khối lượng công việc mà Công ty E đã thực hiện tương ứng số tiền 428.080.000 đồng và khối lượng công việc Công ty E chưa thực hiện tương ứng số tiền 561.920.000 đồng. Đối với số tiền bà Tr chuyển cho bà Q là giữa cá nhân bà Q với bà Tr, hiện bà Q còn chưa thanh toán hết và bà Q sẽ hoàn trả lại nếu bà Tr có yêu cầu, số tiền trên không liên quan đến Công ty E. Vì vậy, bà Q đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T.
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 132/2023/KDTM-ST ngày 09/8/2023 của Tòa án nhân dân quận T đã tuyên như sau:
Không chấp nhận yêu cầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn T buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn E hoàn trả số tiền 561.920.000 (Năm trăm sáu mươi mốt triệu chín trăm hai mươi nghìn) đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 24/8/2023, nguyên đơn là Công ty TNHH T có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm với lý do Hội đồng xét xử chưa đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Đề nghị sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn.
Ngày 24/8/2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận T kháng nghị Bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải thanh toán số tiền 561.920.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện nguyên đơn và cũng là người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu khởi kiện cũng như yêu cầu kháng cáo nêu trên.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu ý kiến:
Qua kiểm sát vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm này thấy rằng Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án, Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử và gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn, cấp và tống đạt các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử: phiên tòa tiến hành đúng trình tự pháp luật Tố tụng dân sự.
Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý cũng như tại phiên tòa các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị và kháng cáo, sửa Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; nghe ý kiến của các đương sự; ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức và thời hạn kháng cáo: Trong các ngày 05 tháng 7, ngày 09 tháng 8 năm 2023, Toà án nhân dân quận T đưa vụ án ra xét xử và ban hành Bản án số 132/2023/KDTM-ST. Ngày 24/8/2023, Viện kiểm sát nhân dân quận T có kháng nghị, nguyên đơn Công ty TNHH T có đơn kháng cáo. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 273 và khoản 1 Điều 280 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận T và kháng cáo của Công ty TNHH T là còn trong hạn luật định nên chấp nhận.
[2] Về tố tụng:
Nguyên đơn – Công ty TNHH T (sau đây gọi tắt là Công ty T hoặc Nguyên đơn) khởi kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ đối với bị đơn là Công ty TNHH E (sau đây gọi tắt là Công ty E hoặc Bị đơn) có trụ sở tại quận T, Thành phố H. Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 35; điểm b khoản 1 Điều 38; điểm c, khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân quận T có thẩm quyền giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Do có kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận T nên Tòa án nhân dân Thành phố H có thẩm quyền giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
[3] Về nội dung kháng nghị và kháng cáo:
Xét nội dung tranh chấp của các bên: Nguyên đơn tranh chấp Hợp đồng dịch vụ, yêu cầu Bị đơn hoàn trả số tiền còn lại sau khi thực hiện Hợp đồng dịch vụ là 561.920.000 (năm trăm sáu mươi mốt triệu chín trăm hai mươi nghìn) đồng. Hợp đồng dịch vụ được Nguyên đơn xác định là tổ chức sự kiện chương trình “Where’s Your Limit?” . Tuy nhiên Nguyên đơn xác định: Nội dung hợp đồng chỉ được bà Tr và bà Q trao đổi miệng qua điện thoại. Cụ thể công việc và giá trị hợp đồng được Nguyên đơn xác định theo nội dung trên group chat zalo giữa bà Tr, bà Q, và nhân viên của bà Tr là bà Lan, bà Tr BVSV, nhân viên của bà Q là ông Qu. Cụ thể là file thu chi nội bộ Công ty E do bà Q gửi lên group. Sau khi bà Tr và bà Q trao đổi qua điện thoại thì bà Tr đã chuyển khoản số tiền 990.000.000 đồng cho cá nhân bà Q. Mặc dù bà Q là đại diện pháp luật của Công ty E nhưng trong các lời khai tại cấp sơ thẩm phía Công ty E đều xác định giao dịch mà Nguyên đơn trình bày nêu trên được thực hiện giữa hai cá nhân bà Q và bà Tr, không liên quan đến Công ty E. Công ty E không nhận tiền và cũng không ký hợp đồng thực hiện dịch vụ tổ chức sự kiện chương trình “Where’s Your Limit?” với Công ty T.
Mặc dù bà Tr và bà Q là đại diện pháp luật của 2 công ty nhưng hành động giao dịch của 2 bà có nhân danh công ty không? Bà Q thực hiện dịch vụ cho cá nhân bà hay đại diện cho Công ty E? Bên cạnh đó, bà Q với tư cách đại diện Công ty E tham gia tố tụng trình bày mọi hoạt động thanh toán đều do chỉ đạo của bà Tr, chuyển tiền cho các cá nhân thực hiện công việc dịch vụ tổ chức sự kiện là theo ý kiến của bà Tr. Từ đó, Công ty E cho rằng giao dịch mà Nguyên đơn yêu cầu tranh chấp là giữa cá nhân bà Tr và bà Q. Cấp sơ thẩm không đưa cá nhân bà Tr và bà Q vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để tiến hành đối chất, làm rõ nội dung trình bày của Công ty E nêu trên, làm rõ các giao dịch chuyển tiền liên quan đến tài khoản của 2 cá nhân. Vì sao giao dịch cá nhân nhưng nội dung của group chat lại đăng tải file thu chi nội bộ của Công ty E? Bà Tr đã chỉ đạo bà Q chi tiền cho những dịch vụ, tổ chức cá nhân nào? Qua đó xác minh làm rõ giữa Công ty T và Công ty E có tồn tại thỏa thuận thực hiện dịch vụ tổ chức sự kiện hay không? Phạm vi, giá trị của giao dịch? Các hạng mục dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của các bên trong gói dịch vụ....
Làm rõ những nội dung này mới có căn cứ để xem xét nội dung yêu cầu khởi kiện, kháng cáo của Nguyên đơn và Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát. Cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Hội đồng xét xử Hủy bản án sơ thẩm.
Do hủy án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 2 Điều 35; điểm b khoản 1 Điều 38 và khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và danh mục kèm theo;
Tuyên xử:
1. Hủy Bản án sơ thẩm số 132/2023/KDTM-ST ngày 09/8/2023 của Tòa án nhân dân quận T; Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận T để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
2. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:
Công ty TNHH T không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả cho Công ty TNHH T số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000 (hai triệu) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2023/0023538 ngày 29/8/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, Thành phố H.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 23/2024/KDTM-PT
Số hiệu: | 23/2024/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 29/01/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về