TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 225/2021/KDTM-PT NGÀY 15/03/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Trong ngày 03 và ngày 15 tháng 3 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 171/2020/TLPT- KDTM ngày 10/11/2020, về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 61/2020/KDTM-ST ngày 07 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận B, Thành phố H bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 6660/2020/QĐ–PT ngày 30/12/2020 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh B Địa chỉ: đường Q, Khu phố S, phường B, quận B, Thành phố H (có mặt) .
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Ngô Thị Đ (có mặt); là đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 08/01/2020.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Quang V (vắng mặt), là Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV C, thuộc Đoàn luật sư Thành phố H.
Bị đơn: Công ty Cổ phần H Địa chỉ: đường M Cụm Công nghiệp A, phường A, thành phố H, tỉnh H.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Trần Nguyên C (có mặt), là đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 12/01/2021.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần Đầu tư K Địa chỉ: đường T, phường T, Quận B, Thành phố H.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Đoàn Thị M; là đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 14/12/2020 (có mặt ngày 03/3/2021, vắng mặt ngày 15/3/2021).
Người kháng cáo: Nguyên đơn là Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Công ty B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tóm tắt nội dung vụ án và quyết định của Bản án sơ thẩm như sau:
Tại Đơn khởi kiện ngày 08/01/2020 của nguyên đơn là Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh B (sau đây viết tắt là Công ty B) và lời trình bày của người đại diện hợp pháp là bà Đ như sau:
Công ty B và Công ty Cổ phần H (sau đây viết tắt là Công ty H) có thỏa thuận và ký kết 02 Hợp đồng bảo trì hệ thống điều hòa không khí số HĐBT0405BP17 ngày 07/4/2017 và số HĐBT1601BP18 này 16/01/2018. Theo đó, Công ty B sẽ cử nhân viên của mình đến Tòa nhà P có địa chỉ tại đường T, phường T, Quận B, Thành phố H có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư K (sau đây viết tắt là Công ty K) để bảo trì hệ thống điều hòa không khí. Công ty H có nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ cho Công ty B.
Đối với Hợp đồng số HĐBT0405BP17, Công ty B nhận bảo trì 720 dàn lạnh, phí dịch vụ bảo trì mỗi dàn lạnh FCU là 290.000đồng, tổng giá trị hợp đồng là 229.680.000đồng. Thực tế việc bảo trì chia làm 2 đợt:
- Đợt 01 (ngày 15/5/2017 – ngày 03/7/2017): Bảo trì 558 dàn lạnh FCU;
- Đợt 02 (ngày 25/12/2017 – ngày 07/01/2018): Bảo trì 169 dàn lạnh FCU.
Đến ngày 01/12/2017, Công ty H đã thanh toán xong phí dịch vụ bảo trì đợt 01 với số tiền là 178.002.000đồng. Đối với phí dịch vụ bảo trì đợt 02 tương ứng 169 dàn lạnh FCU là 49.010.000đồng, Công ty H chưa thanh toán. Công ty B đã gửi văn bản đề nghị thanh toán nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty B chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ Công ty H.
Đối với Hợp đồng số HĐBT1601BP18, Công ty B nhận bảo trì 268 dàn lạnh FCU VRV và 67 cụm dàn nóng VRV. Phí dịch vụ bảo trì cho mỗi dàn lạnh FCU VRV là 290.000đồng, mỗi cụm dàn nóng VRV là 250.000đồng. Tổng giá trị hợp đồng này là 103.917.000đồng.
Trên thực tế, Công ty B đã tiến hành bảo trì được 186 dàn lạnh FCU VRV và 67 cụng dàn nóng VRV được chia làm 02 đợt:
- Đợt 01 (ngày 31/3/2018 – ngày 16/4/2018): Bảo trì 136 dàn lạnh FCU VRV và 67 cụm dàn nóng VRV;
- Đợt 02 (ngày 09/11/2018 – ngày 20/11/2018): Bảo trì 50 dàn lạnh FCU VRV.
Tuy nhiên, Công ty H chỉ mới thanh toán phí dịch vụ bảo trị đợt 02 của 50 dàn lạnh FCU VRV với số tiền tương ứng là 15.950.000đồng. Còn lại, phí dịch vụ bảo trì đợt 01 của 136 dàn lạnh FCU VRV và 67 cụm dàn nóng VRV với số tiền là 56.190.000đồng vẫn chưa được Công ty H thanh toán. Công ty B đã gửi văn bản yêu cầu Công ty H thanh toán phần còn lại hạng mục bảo trì hệ thống điều hòa không khí tại Tòa nhà P với số tiền nêu trên. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty B vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Công ty H và cũng không nhận được khoản thanh toán nào nêu trên.
Công ty B đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty H thanh toán ngay công nợ còn thiếu nhưng đến nay Công ty H vẫn không thực hiện. Việc này vi phạm thỏa thuận giữa hai bên gây thiệt hại đến quyền lợi của Công ty B. Ngày 08/01/2020, Công ty B làm đơn khởi kiện yêu cầu Công ty H phải thanh toán các khoản sau đây cho Công ty B:
- Thanh toán nợ phí dịch vụ bảo trì hệ thống điều hòa không khí tại Tòa nhà P cho Công ty B đối với Hợp đồng số HĐBT0405BP17 là 49.101.000đồng và đối với Hợp đồng số HĐBT1601BP18 là 56.190.000đồng. Tổng tiền nợ phí dịch vụ là 105.200.000đồng.
- Thanh toán tiền lãi chậm trả đối với Hợp đồng số HĐBT0405BP17 và tiền phạt vi phạm căn cứ tại Điều 6 của Hợp đồng số HĐBT1601BP18 như sau:
+ Tiền lãi quá hạn thanh toán đối với Hợp đồng số HĐBT0405BP17 được tạm tính từ ngày 07/02/2018 đến ngày 31/8/2020, mức lãi suất 10%/năm căn cứ theo khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự. Cụ thể:
49.010.000đồng x 10%/năm x 30 tháng = 12.252.500đồng.
+ Tiền phạt vi phạm hợp đồng do không thanh toán đúng hạn theo thỏa thuận của hai bên quy định tại Điều 6 Hợp đồng số HĐBT1601BP18: “nếu Công ty H vi phạm thời gian chậm thanh toán theo cam kết do lỗi của Công ty H thì bên Công ty H sẽ bị phạt 0,05%/ngày tổng giá trị chậm thanh toán, nhưng không quá 8% tổng giá trị hợp đồng”. Số tiền phạt tạm tính từ ngày 27/11/2018 đến ngày 31/8/2020 là 643 ngày được tính như sau:
56.190.000đồng x 0,05%/ngày x 643 ngày = 18.065.085đồng.
Tuy nhiên, 8% tổng giá trị Hợp đồng số HĐBT1601BP18 là 103.917.000đồng x 8% = 8.313.360đồng.
Tổng cộng số tiền Công ty H phải thanh toán cho Công ty B (tạm tính) đến ngày là 125.765.860đồng.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là ông Lê Quang V trình bày:
Công ty B và Công ty H có thỏa thuận ký 02 Hợp đồng bảo trì hệ thống điều hòa không khí số HĐBT0405BP17 ngày 07/04/2017 (Sau đây gọi là: “Hợp đồng số 17”) và số HĐBT1601BP18 ngày 16/01/2018 (Sau đây gọi là: “Hợp đồng số 18”) và thực hiện hợp đồng như đại diện phía nguyên đơn trình bày nêu trên.
- Đối với Hợp đồng số 17 ký ngày 07/4/2017:
Thứ nhất, số lượng dàn lạnh FCU cần bảo trì đã được các bên thỏa thuận và thống nhất rõ ràng trong Hợp đồng. Cụ thể:
Theo thỏa thuận tại Điều 1 của Hợp đồng có nêu rõ: “Dùng nước áp lực cao để vệ sinh 720 FCU, dàn lạnh, lưới lọc bụi, vỏ máy, quạt dàn lạnh, máng nước xả, đường ống xả nước, vệ sinh cuộn coil của FCU”. Như vậy, rõ ràng, theo thỏa thuận, các bên thống nhất số lượng bảo trì FCU là 720 cái, đây là căn cứ để Công ty B tiến hành hoạt động bảo trì. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công việc bảo trì được chia làm 02 (hai) đợt: Đợt 01 (từ ngày 15/5/2017 đến ngày 03/7/2017): bảo trì 558 Dàn lạnh FCU; Đợt 02 (từ ngày 25/12/2017 đến ngày 07/01/2018): bảo trì 169 Dàn lạnh FCU.
Thực tế, căn cứ trên số lượng dàn lạnh FCU đã thỏa thuận để bảo trì là 720 cái, phía bị đơn (Công ty H) cũng đã thanh toán số tiền tạm ứng theo nội dung Hợp đồng cho đơn hàng bảo trì số lượng 720 FCU là 20% giá trị hợp đồng tương đương với số tiền: 45.936.00 đồng vào ngày 19/5/2017 theo sao kê của ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (giai đoạn ngày 09/5/2017 đến ngày 09/6/2017).
Thứ hai, thời gian thực tế để thực hiện Hợp đồng không bị giới hạn bởi mốc thời gian đã thỏa thuận. Mặc dù thời hạn thực hiện Hợp đồng theo thỏa thuận là từ tháng 4/2017 đến tháng 6/2017, tuy nhiên tại Điều 3 của Hợp đồng cũng nêu rõ: “Hợp đồng có giá trị kể từ ngày ký và nó sẽ tự thanh lý khi hai bên đã thực hiện đúng và đầy đủ các điều khoản ghi trong hợp đồng”. Vì vậy, ngay cả khi hết thời hạn hợp đồng (tức tháng 6/2017) mà công việc bảo trì vẫn chưa được hoàn thành thì Hợp đồng chưa được thanh lý, tức thời hạn Hợp đồng vẫn mặc nhiên gia hạn. Điều này lý giải cho công việc bảo trì đợt 02 của Công ty B được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 25/12/2017 đến ngày 07/01/2018.
Liên quan đến vấn đề thời hạn hợp đồng dịch vụ, Điều 521 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định rõ: “Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, bên sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành”. Như vậy, có thể thấy mặc dù thời hạn thực hiện hợp đồng dịch vụ theo thỏa thuận giữa các bên đã hết nhưng vì công việc bảo trì chưa hoàn thành, phía nguyên đơn vẫn tiếp tục nghĩa vụ bảo trì và phía bị đơn biết nhưng không phản đối nên hợp đồng bảo trì hệ thống điều hòa không khí số 17 vẫn được tiếp tục thực hiện, tức là số lượng thiết bị 169 FCU mà nguyên đơn (Công ty B) đã bảo trì tại đợt 02 vẫn phải được ghi nhận theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, phía bị đơn (Công ty H) cho rằng thời gian thực hiện công việc bảo trì không quá 60 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng để không thừa nhận quá trình bảo trì FCU đợt 02 mà Công ty B thực hiện từ ngày 25/12/2017 đến ngày 07/01/2018, điều này là hoàn toàn vô lí. Bởi lẽ, mặc dù thời hạn hợp đồng đến tháng 6/2017 tuy nhiên công việc bảo trì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan có liên quan đến việc sắp xếp lịch hẹn với khách hàng cũng như việc phối hợp giữa các bên trong khâu bố trí kỹ thuật để có thể sắp xếp và phân bổ thời gian bảo trì cho phù hợp.
Tại văn bản đề nghị thanh toán ngày 18/10/2017 của Công ty B có nêu rõ: “đã xong giai đoạn 1 ngày 03/7/2017”. Mốc thời gian này là phù hợp với thời điểm ghi trong nhật ký công trình và đã được Công ty H thanh toán số tiền: 132.066.000 đồng, tức là đã thừa nhận hoạt động bảo trì đợt 01 hoàn thành vào tháng 7/2018 (quá thời hạn 60 ngày để thực hiện hợp đồng cũng như vượt quá thời gian hết hiệu lực hợp đồng).
Thứ tư, trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo trì, bộ phận giám sát của bị đơn thường xuyên có sự thay đổi người dẫn đến việc ký nghiệm thu hoạt động bảo trì gặp trục trặc. Phía Công ty B đã nhiều lần chủ động làm việc với bộ phận giám sát phía bị đơn và cả chủ đầu tư (tại Tòa nhà P) để tiến hành nghiệm thu nhưng không được, lí do là giám sát mới không thể ký nghiệm thu cho các đợt bảo trì mà giám sát cũ quản lý. Cũng vì vướng mắc liên quan đến thay đổi nhân sự phía bị đơn nên Công ty B không được cung cấp mẫu Nhật ký công trình kịp thời trong quá trình bảo trì nên phát sinh việc Công ty B chủ động dùng mẫu của mình để ghi chép thông tin Nhật ký công trình.
Trong nội dung các email trao đổi giữa Công ty H, Công ty B và P (vào các ngày 14/8/2017; 01/02/2019; 02/3/2019; 07/3/2019) đã thể hiện rõ việc các bên có ghi nhận số lượng 169 dàn lạnh FCU mà Công ty B đã thực hiện bảo trì. Vấn đề cần giải quyết lúc bấy giờ là do không thống nhất mẫu Nhật ký công trình cũng như chữ ký xác nhận của giám sát nên mới phát sinh việc số lượng 169 dàn lạnh FCU này chưa được nghiệm thu. Theo yêu cầu của bị đơn và chủ đầu tư (tại Tòa nhà P), phía nguyên đơn cũng đã chỉnh sửa, bổ sung để khớp các thông tin bảo trì và gửi toàn bộ hồ sơ đề nghị ký nghiệm thu kèm đề nghị thanh toán đến bị đơn nhưng không nhận được hồi đáp.
Vì vậy, việc bị đơn cho rằng không có yêu cầu nguyên đơn (Công ty B) tiến hành bảo trì số lượng dàn lạnh FCU của đợt 02 (tương đương 169 cái) là hoàn toàn vô lí.
- Đối với Hợp đồng số HĐBT1601BP18 ngày 16/01/2018:
Thứ nhất, giống như Hợp đồng số 17, số lượng dàn lạnh FCU cần bảo trì đã được các bên thỏa thuận và thống nhất rõ ràng trong Hợp đồng. Cụ thể: tại mục 3.1, Điều 3 của Hợp đồng số 18, các bên thỏa thuận số lượng bảo trì dàn lạnh FCU VRV là 268 cái và cụm dàn nóng VRV là 67 cái.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện công việc bảo trì, có chữ ký xác nhận của đại diện phía chủ đầu tư tại Tòa nhà P trong cả hai lần bảo trì đợt 01 (từ ngày 31/03/2018 đến ngày 16/04/2018) và đợt 02 (từ ngày 09/11/2018 đến ngày 20/11/2018).
Phía bị đơn lấy lí do Công ty B không cung cấp được bằng chứng cho thấy bị đơn có yêu cầu Công ty B thực hiện việc bảo trì tại Tòa nhà P nên không chấp nhận yêu cầu thanh toán là không thuyết phục. Bởi lẽ, chính người đại diện của chủ đầu tư P cũng thừa nhận giữa P và H có thỏa thuận việc bảo trì, sữa chữa hệ thống điều hòa không khí Công trình P Tower tại các Hợp đồng số 04/2017 và Hợp đồng số 07/2017 ngày 14/02/2017.
Đại diện P cũng thừa nhận rằng việc nhân viên bảo trì đến Tòa nhà P phải được sự giới thiệu của Công ty H thì mới được chỉ dẫn vào từng căn hộ cụ thể để tiến hành bảo trì. Việc thông báo và giới thiệu này được tiến hành vào đầu mỗi đợt bảo trì. Đây được xem là cơ sở để nhân viên của Công ty B vào từng căn hộ của Tòa nhà và bảo trì. Chữ ký xác nhận của nhân viên giám sát phía chủ đầu tư P trong Nhật ký công trình do nguyên đơn cung cấp được xem là căn cứ cho thấy phía Công ty H có yêu cầu Công ty B thực hiện việc bảo trì tại Tòa nhà P Tower. Rõ ràng nếu Công ty H không phát sinh yêu cầu Công ty B thực hiện hoạt động bảo trì hệ thống điều hòa không khí tại Tòa nhà P thì phía nguyên đơn đã không có đủ cơ sở và điều kiện được phép vào tòa nhà này để tiến hành hoạt động bảo trì.
Mặt khác, phía bị đơn cho rằng tính chất của các Hợp đồng số 17 và Hợp đồng số 18 là “hợp đồng nguyên tắc”, các bên chỉ thỏa thuận số lượng, địa điểm thực hiện hoạt động bảo trì, nội dung chi tiết về lịch trình công việc cụ thể sẽ được thông báo sau. Ở đây, có thể hiểu việc “thông báo” về thời gian, địa chỉ căn hộ cụ thể cần bảo trì hoàn toàn có thể là thỏa thuận miệng hoặc bằng văn bản, không có bất kỳ điều khoản nào của hợp đồng quy định việc “thông báo” này phải bằng văn bản. Vì vậy, không thể lấy việc bị đơn cho rằng không có phát văn bản yêu cầu Công ty B thực hiện công việc bảo trì trong đợt 02 của Hợp đồng số 17 và đợt 01 của Hợp đồng số 18 để phủ nhận toàn bộ số lượng dàn lạnh FCU VRV và dàn nóng VRV mà nguyên đơn đã bảo trì tại Tòa nhà P.
Thứ ba, tương tự như nội dung trình bày đối với Hợp đồng số 17, xuất phát từ nguyên nhân phía bị đơn và người có quyền, nghĩa vụ liên quan thường xuyên có sự thay đổi người giám sát nên phía Công ty B không được cung cấp mẫu Nhật ký công trình theo đúng yêu cầu của phía bị đơn, Công ty B đã chủ động sử dụng mẫu của Công ty mình để ghi chép Nhật ký công trình. Từ đó dẫn đến tình trạng các bên (gồm H, B và P) không thống nhất được mẫu Nhật ký công trình khiến cho việc nghiệm thu của đợt 01 bị ách tắc.
Tại phiên tòa, Công ty H và P thừa nhận có ký hợp đồng bảo trì, sữa chữa hệ thống điều hòa không khí Công trình P Tower tại các Hợp đồng số 04/2017 và Hợp đồng số 07/2017 ngày 14/02/2017, trong đó có liên quan đến hạn mục bảo trì của Hợp đồng được ký kết giữa B và H. Tuy nhiên, H và P không cung cấp các Hợp đồng này cho Hội đồng xét xử để đảm bảo quá trình xét xử vụ án được khách quan, công bằng.
Đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Bị đơn là Công ty H có người đại diện hợp pháp là bà Trần Nguyên C trình bày:
Công ty B và Công ty H có thỏa thuận và ký kết 02 Hợp đồng bảo trì hệ thống điều hòa không khí số HĐBT0405BP17 ngày 07/4/2017 và số HĐBT1601BP18 này 16/01/2018.
- Đối với Hợp đồng số HĐBT0405BP17: Công ty H không chấp nhận yêu cầu thanh toán của Công ty B cho phần công việc của đợt 02 tương đương với số tiền là 49.010.000đồng. Công ty H đã hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán dựa trên công việc có ký nghiệm thu giữa hai bên là đợt 01 và cho rằng yêu cầu thanh toán cho đợt 02 của Công ty B là không có cơ sở pháp lý vì:
Căn cứ theo thoả thuận trong Hợp đồng, chi phí và số lượng thiết bị bảo trì là ước tính, việc thực hiện bảo trì cụ thể căn cứ theo yêu cầu thực hiện của Công ty H. Theo mục c Điều 3 và Điều 5 của hợp đồng, việc thanh toán được thực hiện trong vòng 07 ngày kể từ ngày Công ty B hoàn thành công việc và được nghiệm thu. Biên bản nghiệm thu là trách nhiệm của Công ty H tiến hành lập biên bản kỹ thuật và trách nhiệm của Công ty B là cùng lập biên bản bàn giao và nghiệm thu. Cơ sở thanh toán bao gồm: Biên bản nghiệm thu đã được hai bên xác nhận; Hoá đơn Giá trị gia tăng; Giấy đề nghị thanh toán.
Trên thực tế, việc Công ty B thực hiện công việc bảo trì tại đợt 02 là không có thật, Công ty H không yêu cầu Công ty B thực hiện phần công việc đợt 02 như Công ty B đề cập. Vì vậy, không có biên bản nghiệm thu và bàn giao công việc như quy định trong hợp đồng.
Tất cả các nhật ký công trình và biên bản nghiệm thu đều thực hiện theo mẫu của Công ty H, trong khi những giấy tờ mà Công ty B cung cấp cho Toà án đều do Công ty B tự lập, không có bên nào xác nhận.
Căn cứ Điều 2 và Điều 4 của hợp đồng, thời hạn hiệu lực theo hợp đồng là từ tháng 04 năm 2017 đến tháng 06 năm 2017. Thời hạn để Công ty B thực hiện công việc là không quá 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Tuy nhiên, đợt bảo trì 2 mà Công ty B thực hiện từ ngày 25/12/2017 đến ngày 07/01/2018 không nằm trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
- Đối với Hợp đồng số HĐBT1601BT18: Hai bên thoả thuận chia làm 02 đợt thanh toán. Công ty H đã thanh toán đợt 02 với số tiền tương ứng 15.900.000đồng. Phần công việc cho đợt 01 bảo trì 136 dàn lạnh PCU VRV và 67 cụm dàn nóng tương ứng với số tiền là 56.190.000đồng thì Công ty H chưa thanh toán cho Công ty B. Công ty H không chấp nhận yêu cầu thanh toán của Công ty B cho phần công việc của đợt 01, cho rằng yêu cầu của Công ty B là không đúng và không có cơ sở pháp lý vì:
-Tương tự hợp đồng năm 2017, việc bảo trì phải có sự yêu cầu của Công ty H trước khi Công ty B thực hiện việc bảo trì cụ thể tại từng căn hộ, được các bên ký biên bản nghiệm thu và bàn giao khi hoàn thành.
-Việc Công ty B thực hiện công việc bảo trì đợt 01 là không có thật, Công ty H không yêu cầu Công ty B thực hiện. Chính vì vậy, hai bên không có biên bản nghiệm thu và bàn giao công việc như đã quy định trong hợp đồng.
-Nhật ký công trình mà Công ty B cung cấp cho Toà án đều do Công ty B tự lập mà không theo mẫu của Công ty H, chỉ có một bên là Công ty B xác nhận và Công ty B cũng không cung cấp được bằng chứng mà Công ty H yêu cầu Công ty B thực hiện công việc của đợt 01.
Nay Công ty H đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty K (sau đây viết tắt là Công ty K) có đại diện hợp pháp là bà Đoàn Thị M trình bày:
Đối với tranh chấp hợp đồng giữa Công ty B và Công ty H, Công ty K không liên quan và không có ý kiến, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án sơ thẩm số 61/2020/KDTM-ST ngày 07/9/2020 của Tòa án nhân dân Quận B, Thành phố H đã quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty B về việc yêu cầu Công ty H thanh toán số tiền 125.765.860đồng (một trăm hai mươi lăm triệu bảy trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm sáu mươi đồng) theo Hợp đồng số HĐBT0405BP17 ngày 07/4/2017 và Hợp đồng số HĐBT1601BP18 ngày 16/01/2018.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 21/09/2020 (Tòa án nhận ngày 22/9/2020), nguyên đơn là Công ty B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn là Công ty B có người đại diện đại diện hợp pháp là bà Đ trình bày:
Ngoài các nội dung đã trình bày tại bản án sơ thẩm nêu trên, nguyên đơn cung cấp thêm các email trao đổi giữa nhân viên của Công ty B với nhân viên của Công ty H theo Bản tự khai ngày 15/12/2020; Bản giải trình ngày 03/02/2021 và tại phiên tòa phúc thẩm như sau:
Các email được sắp xếp theo thứ tự thời gian được biểu thị các nội dung sau: Email ngày 13/5/2018: Đại diện của Công ty H (ông Lê Ngọc Bảo Nguyên) có gửi lịch thi công chính thức của Hợp đồng số HĐBT0405BP17 cho Công ty B nêu rõ thời gian, số lượng… để Công ty B thực hiện việc bảo trì tại Tòa nhà P. Theo đó, tổng số lượng FCU cần bảo trì là 717 cái.
Email ngày 14/8/2017: Đại diện của Công ty H yêu cầu tổ chức nghiệm thu giai đoạn 01 kết hợp song song triển khai tiếp gói 162 FCU cắt thạch cao (tức giai đoạn 2) của Hợp đồng số 17. Đồng thời, yêu cầu điều chỉnh lại hợp đồng/phụ lục theo thực tế giá trị 558 cái và 162 cái có phát sinh trần thạch cao.
Email ngày 14/12/2017: Đại diện phía P gửi danh sách các lỗ trần đã cắt cần bảo trì và yêu cầu Công ty B sắp xếp lịch thi công. Email được gửi vào ngày 14/12/2017 tương ứng với khoảng thời gian Công ty B thực hiện việc bảo trì đợt 02 của Hợp đồng số 17 (từ ngày 25/12/2017 đến ngày 07/01/2018).
Email ngày 02/01/2018: Đại diện phía P có gửi lịch Bảo trì các FCU cho Công ty B về việc tiếp tục thực hiện bảo trì đối với hệ thống các FCU tại Tòa nhà P Tower theo đợt 02 của Hợp đồng số 17.
Email ngày 09/7/2018: Công ty B gửi email cho Công ty H thông báo việc đã hoàn thành đợt bảo trì số 02 của Hợp đồng số số 17, đồng thời đã hoàn tất nghiệm thu, đã gửi cho Công ty Huetrnonics và yêu cầu thanh toán.
Email ngày 11/10/2018: Đại diện của P có gửi email cho đại diện của Công ty H và Công ty B về việc yêu cầu sắp xếp lịch khảo sát lại với P đối với các đợt bảo trì có liên quan đến hợp đồng số 17 và số 18.
Email ngày 05/12/2018: Đại diện Công ty H có gửi email cho Đại diện của P nêu vấn đề liên quan đến việc bảo trì căn hộ (tức giai đoạn 1 của Hợp đồng số 18 giữa Công ty B và Công ty H) bị trì hoãn (có kèm lý do), không hoàn thành đúng tiến độ dự kiến và có nêu phương án bảo trì theo lịch mới đối với số căn hộ còn lại chưa được bảo trì (tương ứng với giai đoạn 2 của Hợp đồng số 18).
Email ngày 11/12/2018: Đại diện của Công ty H có gửi email đến Đại diện chủ đầu tư Tòa nhà P để nêu vấn đề về những khó khăn về việc không liên hệ được với chủ các căn hộ cần bảo trì, khiến lịch bảo trì bị trì hoãn và kéo dài, không thể làm đúng tiến độ.
Email ngày 17/01/2019: Đại diện của Công ty H có gửi email cho Công ty B trình bày việc Công ty H chưa nhận được tiền ứng đợt 02 và tiền nợ đợt 01 (liên quan đến Hợp đồng số 18 giữa Công ty H và Công ty B) của P và vướng một số thủ tục chưa hoàn thiện hồ sơ nên chưa thanh toán kịp thời cho Công ty B.
Email ngày 17/01/2019: Đại diện của Công ty H gửi email cho Công ty B trình bày việc khối lượng bảo trì đợt 01, đợt 02 của Hợp đồng số 18 do B thực hiện không được P xác nhận do Nhật ký công việc chỉ có Công ty B. Công ty H yêu cầu Công ty B làm lại mẫu nhật ký công việc của đợt 01 Hợp đồng số 18 để làm cơ sở thanh toán. Đợt 02 của Hợp đồng 18 do làm theo mẫu của H nên sẽ được bị đơn thanh toán.
Email ngày 01/02/2019: Đại diện của Công ty H có gửi email cho B nêu rõ:
hồ sơ của đợt bảo trì số 1 của Hợp đồng số 18 (“Hồ sơ đợt 0202 căn hộ (bao gồm 72 dàn nóng + 130 FCU căn hộ)”) và đợt 02 của Hợp đồng số 17 (“Hồ sơ đợt 0169 FCU các tầng”) đang còn một số vướng mắc cần hoàn thành trước khi thanh toán và yêu cầu có đại diện Tòa nhà P ký xác nhận lại.
Email ngày 02/3/2019: Đại diện của H có gửi email cho đại diện của P và Công ty B để yêu cầu phối hợp xác nhận khối lượng đợt 02 – tháng 12 năm 2017 của Hợp đồng số 17 theo đúng mẫu của Công ty H, lấy căn cứ để yêu cầu P thanh toán.
Email ngày 07/3/2019: Đại diện của Công ty H có gửi email cho Công ty B thông báo việc đã điều chỉnh lại khối lượng đợt 02 của Hợp đồng số 17 theo thời gian phù hợp với thời gian sau đợt 01 và yêu cầu làm lại nhật ký khối lượng căn hộ (tức đợt 01 của Hợp đồng số 18) theo mẫu của Công ty H.
Email ngày 04/6/2019: Đại diện Công ty H yêu cầu Công ty B phối hợp nghiệm thu với P để lấy cơ sở thanh toán các đợt bảo trì.
Măc dù nội dung các email nêu trên không thể hiện cụ thể việc xác nhận của Công ty H về khối lượng công việc và số tiền phải thanh toán còn lại theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nhưng trên cơ sở nội dung trao đổi qua lại giữa nhân viên của Công ty H, P và Công ty B đã thể hiện rõ các vấn đề sau:
1. Chủ đầu tư P biết rõ việc Công ty H có thuê nhà thầu phụ là Công ty B để thực hiện việc bảo trì tại Tòa nhà P với tư cách là đại diện của Công ty H. Các email trao đổi qua lại giữa Công ty H và Công ty B có gửi cho P; giữa Công ty H và P cũng được gửi cho Công ty B.
2. Có phát sinh yêu cầu và lịch bảo trì dự kiến đối với các đợt bảo trì số 2 của Hợp đồng số 17 và đợt bảo trì số 1 của Hợp đồng số 18 do Công ty H và P gửi email cho Công ty B yêu cầu thực hiện.
3. Công việc bảo trì theo các Hợp đồng bị gián đoạn và kéo dài do nhiều nguyên nhân, đại diện các Bên đã thống nhất và yêu cầu tiếp tục thực hiện việc bảo trì tương ứng với số lượng thỏa thuận ban đầu.
4. Đại diện Công ty H thừa nhận việc Công ty B có thực hiện các đợt bảo trì số 2 của Hợp đồng số 17 và đợt bảo trì số 1 của Hợp đồng số 18. Vấn đề đặt ra là P không chấp nhận các mẫu nhật ký hoạt động ghi tên Công ty B và từ chối thanh toán. Vì vậy, phát sinh việc đại diện Công ty H yêu cầu Công ty B làm lại mẫu nhật ký theo mẫu của Công ty H để lấy cơ sở thanh toán.
Với tài liệu chứng cứ do nguyên đơn cung cấp và chứng minh nêu trên, Công ty B yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Công ty B thừa nhận:
Theo thỏa thuận tại Điểm c, điều 3 của Hợp đồng HĐBT1601BP17 ngày 07/4/2017 các bên thỏa thuận:
“Phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán:
Thanh toán lần 1: Tạm ứng 20% giá trị hợp đồng trong 3 ngày sau khi đồng ý giá và ký hợp đồng.
Thanh toán lần 2: Thanh toán 60% thanh toán trong vòng 7 ngày ngay sau khi bên B hoàn thành nội dung công việc quy định tại điều 1 của hợp đồng và được bên A nghiệm thu.
Thanh toán lần 3: 20% còn lại giá trị sau 01 tháng.
Phương thứcThanh toán: Chuyển khoản bằng Việt Nam Đồng Biên bản nghiệm thu đã được hai bên xác nhận, Hóa đơn Giá trị gia tăng; Giấy đề nghị thanh toán”.
Tại Khoản 3.3, Điều 3 của Hợp đồng HĐBT1601BP18 này 16/01/2018 các bên thỏa thuận:
“Phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán:
Thanh toán lần 1: Tạm ứng 20% giá trị hợp đồng (20.783.400 đ) trong 3 ngày sau khi đồng ý giá và ký hợp đồng.
Thanh toán lần 2: Thanh toán số tiền 83.133.600 đ trong vòng 7 ngày ngay sau khi bên B hoàn thành nội dung công việc bảo trì và bên A nhận được chứng từ thanh toán gồm: Biên bản nghiệm thu đã được hai bên xác nhận, Hóa đơn Giá trị gia tăng; Giấy đề nghị thanh toán”.Việc các bên chưa lập Biên bản nghiệm thu có hai bên xác nhận do phía bị đơn không thiện chí hợp tác.
Ngoài ra, Công ty B yêu cầu Công ty H cung cấp Hợp đồng số 04/2017 và Hợp đồng số 07/2017 ngày 14/02/2017 do Công ty H ký kết với P, trong đó có liên quan đến hạn mục bảo trì của Hợp đồng được ký kết giữa B và H để đảm bảo giải quyết vụ án khách quan.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là ông Lê Quang V có đơn đề nghị vắng mặt. Tại Bản luận cứ ngày 02/3/2021 (do đại diện hợp pháp của nguyên đơn là bà Đ nộp): Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bị đơn là Công ty H có người đại diện hợp pháp là bà Trần Nguyên C trình bày tại bản tự khai ngày 29/01/2021, ngày 15/3/2021và tại phiên tòa phúc thẩm:
Hợp đồng các bên tranh chấp là giao kết dân sự hợp pháp giữa Công ty H và Công ty B, hoàn toàn không liên quan đến bên thứ ba là Công ty K. Cả 02 bản hợp đồng này đều ghi rõ hồ sơ thanh toán bao gồm: Biên bản nghiệm thu đã được hai bên xác nhận; Hóa đơn giá trị gia tăng; Giấy đề nghị thanh toán. Tại Điều 5 về trách nhiệm của bên B (Công ty B) của cả 02 hợp đồng ghi rõ: “Cùng bên A kiểm tra, đo đạc, ghi nhận các thông số kĩ thuật của tất cả các hệ thống trước và sau khi thực hiện công tác bảo trì; Cùng bên A lập biên bản bàn giao và nghiệm thu”. Thực tế, Công ty B đã không cung cấp đầy đủ hồ sơ thanh toán theo quy định hợp đồng, do đó số tiền nợ mà Công ty B đề cập trong Đơn khởi kiện ngày 08/01/2020 và Bản tự khai ngày 15/12/2020 là không có cơ sở pháp lý.
Công ty K là một trong những khách hàng của Công ty H nhưng Công ty H chưa từng có bất kì ủy quyền nào đối với Công ty B để Công ty B đại diện Công ty H làm việc với khách hàng của Công ty H. Khi cần dịch vụ bảo trì của Công ty B, Công ty H sẽ thông báo với Công ty B kế hoạch bảo trì (bao gồm thông tin về yêu cầu công việc, số lượng căn hộ, số căn hộ, số tầng hoặc vị trí nào của tòa nhà, thời gian thực hiện…). Các email mà bà Đ ghi nộp cho Tòa án ngày 15/12/2020 và trình bày tại phiên tòa cho thấy Công ty H không yêu cầu Công ty B bảo trì đợt 02 HĐBT0405BP17 và đợt 01 HĐBT1601BP18, đồng thời, Công ty H không biết gì về việc bảo trì của Công ty B tại thời điểm bảo trì nêu trong đơn. Do đó, không có căn cứ thực tế về hoạt động bảo trì đợt 02 HĐBT0405BP17 (gồm 169 dàn lạnh) và đợt 01 HĐBT1601BP18 (gồm 268 dàn lạnh và 67 cụm dàn nóng) mà Công ty B đã trình bày trong đơn. Các email này do chỉ là trao đổi giữa nhân viên hai bên về dự kiến khối lượng và công việc sẽ thực hiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty B yêu cầu Công ty H cung cấp các Hợp đồng mà Công ty H đã ký kết với Công ty K. Tuy nhiên, nội dung các hợp đồng này ngoài việc bảo trì máy lạnh còn nhiều nội dung khác nên để bảo vệ định hướng và bảo mật trong hoạt động kinh doanh của Công ty, phía Công ty H không đồng ý cung cấp, giao nộp các hợp đồng này, vì không liên quan đến tranh chấp giữa Công ty B và Công ty H.
Vì vậy, với chứng cứ và trình bày nêu trên, Công ty H không chấp nhận yêu cầu của Công ty B và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đồng thời yêu cầu Công ty B công khai xin lỗi và bồi thường chi phí phát sinh liên quan đến việc kiện.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty K có người đại diện hợp pháp là bà Đoàn Thị M trình bày tại phiên tòa ngày 03/3/2021:
Tòa nhà P đã được Công ty K chuyển nhượng cho nhiều đơn vị khác, hiện tại Công ty K không phải là đơn vị duy nhất đang quản lý toàn bộ tòa nhà.
Công ty K không biết việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo trì đang có tranh chấp giữa Công ty B và Công ty H.
Công ty K không đồng ý cung cấp, giao nộp các hợp đồng do Công ty K ký kết với Công ty H vì Công ty K không biết và không thừa nhận các nội dung trong các tài liệu do phía Công ty B cung cấp trình bày. Yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
Quá trình từ thụ lý cho đến tại phiên tòa, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tiến hành đúng trình tự tố tụng, đương sự đã chấp hành đúng pháp luật và có ủy quyền hợp lệ theo các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Đơn kháng cáo của đương sự phù hợp và trong thời hạn kháng cáo.
Về nội dung: Căn cứ tài liệu chứng cứ trong hồ sơ, nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật, yêu cầu kháng cáo của phía bị đơn là không có cơ sở để được chấp nhận.
Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng và ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố H tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
Đơn và thủ tục kháng cáo của đương sự là hợp lệ, trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Tòa án nhân dân Quận B, Thành phố H đã thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm là phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm g khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung:
Xét yêu cầu kháng cáo của Công ty B, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ thỏa thuận của các bên tại điểm c Điều 3 của Hợp đồng số HĐBT1601BP17 ngày 07/4/2017 và tại khoản 3.3 Điều 3 của Hợp đồng số HĐBT1601BP18 này 16/01/2018 về phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán là thanh toán trong vòng 07 ngày ngay sau khi bên B hoàn thành nội dung công việc bảo trì và bên A nhận được chứng từ thanh toán gồm: Biên bản nghiệm thu đã được hai bên xác nhận; Hóa đơn giá trị gia tăng; Giấy đề nghị thanh toán để nhận định Công ty B đã không cung cấp đầy đủ cho Công ty H bộ hồ sơ yêu cầu quyết toán hợp đồng theo như thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng. Do đó, nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ gốc theo Hợp đồng số HĐBT0405BP17 là 49.101.000đồng và Hợp đồng số HĐBT1601BP18 là 56.190.000đồng của Công ty H chưa phát sinh và do chưa phát sinh nghĩa vụ thanh toán nên không xác định được thời điểm vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện yêu cầu thanh toán nợ còn lại và tiền lãi nêu trên của Công ty B là có căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, xét thấy Hợp đồng số HĐBT1601BP17 ngày 07/4/2017 và Hợp đồng số HĐBT1601BP18 này 16/01/2018 do Công ty B và Công ty H xác lập, Công ty K xác định không biết việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa Công ty B và Công ty H đối với các hợp đồng nêu trên. Nội dung các email do nguyên đơn cung cấp và trình bày tại Tòa án cấp phúc thẩm không được Công ty H thừa nhận và không đủ cơ sở để xác định cụ thể khối lượng công việc mà nguyên đơn (Công ty B) đã thực hiện theo hợp đồng như đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Xét thấy, Công ty K và Công ty H không chấp nhận giao nộp các hợp đồng do Công ty K và Công ty H xác lập theo yêu cầu của nguyên đơn và các bên không tranh chấp các hợp đồng này nên không cần thiết xem xét thêm.
Với phân tích như trên, xét thấy yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn không có cơ sở để được chấp nhận.
Với nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm như yêu cầu của bị đơn và ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố H.
Về án phí: Công ty B chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/QH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 1 Điều 35; Điều 40, Điều 147; Điều 148;
khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 78 ; Điều 82 ; khoản 1 Điều 85; Điều 87 Luật Thương mại; Căn cứ Điều 26 Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Điều 26; Điều 29; Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/QH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
Giữ nguyên bản án sơ thẩm:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh B về việc yêu cầu Công ty Cổ phần H thanh toán số tiền 125.765.860đồng (một trăm hai mươi lăm triệu bảy trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm sáu mươi đồng) theo Hợp đồng số HĐBT0405BP17 ngày 07/4/2017 và Hợp đồng số HĐBT1601BP18 ngày 16/01/2018.
Về án phí:
- Án phí dân sự sơ thẩm:
Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh B phải chịu án phí sơ thẩm là 6.288.293đồng (sáu triệu hai trăm tám mươi tám nghìn hai trăm chín mươi ba đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 3.000.000đồng đã nộp theo Biên lai số 0032381 ngày 07/5/2020 của Chi cục Thi hành án Quận B, Thành phố H. Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh B còn phải nộp thêm 3.288.293đồng (ba triệu hai trăm tám mươi tám nghìn hai trăm chín mươi ba đồng).
- Án phí dân sự phúc thẩm:
Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh B phải chịu 2.000.000đồng (hai triệu đồng) án phí phúc thẩm, được trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 2.000.000đồng theo Biên lai số 0032943 ngày 23/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận B, Thành phố H.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành được thực hiện tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 225/2021/KDTM-PT
Số hiệu: | 225/2021/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 15/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về