TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 122/2022/KDTM-PT NGÀY 26/07/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Trong ngày 26/7/2022, Tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 74/2022/KDTM-PT ngày 09/6/2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 268/2022/QĐXX - KTPT ngày 29/6/2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 303/2022/QĐHPT ngày 14/7/2022, giữa:
Nguyên đơn: Công ty TNHH Vận tải An Hoa Trụ sở: Thửa đất 690, tờ bản đồ 40, khu phố P, phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương Người đại diện theo pháp luật: Ông Dương Thành V - Giám đốc Công ty
Người đại diện theo ủy quyền: Công ty Luật TNHH Hà Việt Ủy quyền lại cho ông Bùi Hữu T Địa chỉ: Tầng 25, Tòa nhà I, số ** phố Đ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Bị đơn: Công ty Cổ phần Bưu chính Tám Nhanh Trụ sở: Số ** phố T, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đỗ H - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa chỉ nơi cư trú: Phòng **, Tòa F, số ** phố N, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội (Các đương sự có mặt tại phiên tòa)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Ngày 20/9/2018 Công ty TNHH Vận tải An Hoa (Gọi tắt là Công ty An Hoa) ký kết Hợp đồng dịch vụ mang số 092018/ORION/TAMNHANH-ANHOA (Gọi là Hợp đồng 09) với Công ty Cổ phần Bưu chính Tám Nhanh (Gọi tắt là Công ty Tám Nhanh). Nội dung hợp đồng thể hiện việc Công ty Tám Nhanh thuê Công ty An Hoa vận chuyển nội địa bằng đường bộ đối với hàng hóa là bánh Orion và các loại hàng hóa khác. Hợp đồng quy định chi tiết về giá dịch vụ, địa điểm giao nhận hàng, quy trình thực hiện dịch vụ, phương thức thanh toán và quyền, nghĩa vụ cùng trách nhiệm của mỗi bên. Cùng với Hợp đồng, hai bên còn ký kết Phụ lục hợp đồng số 01 cùng ngày 20/9/2018 để bổ sung giá cước vận chuyển từ địa chỉ nhận hàng là thị xã Bến Cát, Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương đến khu vực trả hàng là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh còn lại.
Thực hiện hợp đồng, Công ty An Hoa đã vận chuyển hàng hóa cho Công ty Tám Nhanh từ ngày 29/9/2018 đến ngày 15/11/2018 có giá trị vận chuyển là 757.959.400đ (sau GTGT), Công ty An Hoa đã liệt kê và gửi cho Công ty Tám Nhanh tại Bảng kê chuyển OT tháng 11/2018, đồng thời xuất hóa đơn GTGT mang số 0000234 cho Công ty Tám Nhanh trong ngày 20/11/2018.
Công ty Tám Nhanh mới thanh toán cho Công ty 378.979.700đ vào ngày 02/01/2019, sau đó không trả thêm đồng nào mặc dù Công ty An Hoa nhiều lần yêu cầu. Công ty An Hoa khởi kiện yêu cầu Công ty Tám Nhanh phải thanh toán trả toàn bộ số tiền gốc còn nợ 452.135.969đ cùng lãi suất chậm trả tính từ ngày 05/01/2019 đến 14/6/2020 theo mức lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm x 150% = 73.156.269đ.
Công ty Cổ phần Bưu chính Tám Nhanh thừa nhận có ký kết Hợp đồng số 09 với Công ty An Hoa và xác nhận hiện còn nợ tiền cước vận chuyển theo thông báo của Công ty An Hoa. Công ty Tám Nhanh mới thanh toán một phần nợ, chưa thanh toán nốt tiền bởi theo Hợp đồng số 09 đã quy định rõ trách nhiệm của Công ty An Hoa phải giao hàng và thu hồi chứng từ, thời điểm yêu cầu nhưng đến nay Công ty này không chứng minh được việc hàng hóa đã giao nhận hoàn thiện nên Công ty Tám Nhanh không được chủ hàng thanh toán. Do đó Công ty Tám Nhanh chưa thanh toán cho Công ty An Hoa. Ngày 22/01/2021 Công ty An Hoa có giao Công ty Tám Nhanh xem tập phiếu theo dõi sản lượng giao hàng giữa 2 Công ty nhưng phiếu này không thể hiện nội dung giao nhận chứng từ chỉ có việc giao nhận hàng hóa, phần người nhận là nhân viên tên Giáp nhưng không ghi rõ họ tên là đã nhận. Công ty Tám Nhanh có nhân viên tên Giáp nhưng không xác nhận được chữ ký ghi “Giáp” có phải là chữ của nhân viên tên Giáp của Công ty Tám Nhanh hay không.
Tháng 4/2020 Công ty Tám Nhanh đã được chủ hàng là Công ty FDI thanh toán tiền cước vận chuyển (Sau khi bị trừ khoảng 30% giá trị cước) do thiếu chứng từ, Công ty An Hoa chỉ là một trong nhiều đối tác Công ty Tám Nhanh ký kết hợp đồng dịch vụ vận chuyển. Sau khi nhận tiền thanh toán từ Công ty FDI, Công ty Tám Nhanh đã thông báo qua thư điện tử cho Công ty An Hoa và các đối tác biết việc bị thiệt hại do thiếu chứng từ trong đó có Công ty An Hoa. Công ty Tám Nhanh đề nghị Công ty An Hoa cùng chịu một phần thiệt hại này khoảng 30% nhưng Công ty An Hoa không đồng ý mà cho rằng đã chuyển đủ chứng từ trả. Công ty Tám Nhanh chỉ đồng ý thanh toán cho Công ty An Hoa 70% số tiền nợ gốc còn thiếu và không đồng ý trả tiền lãi chậm thanh toán.
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2022/KDTM-ST ngày 19/01/2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đã quyết định:
“1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty An Hoa đối với Công ty Tám Nhanh.
2. Buộc Công ty Tám Nhanh phải thanh toán cho Công ty An Hoa số tiền nợ gốc 303.183.760đ, lãi suất của số tiền nợ gốc phải thanh toán tính đến ngày xét xử là 108.336.279đ. Tổng cộng 411.520.039đ 3. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án là Công ty Tám Nhanh còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ba ngân hàng gồm Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công Thương và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tại thời điểm thanh toán…” Ngoài ra bản án còn tuyên về nghĩa vụ phải chịu án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.
Không đồng ý với bản án, ngày 06/4/2022 Công ty Tám Nhanh có đơn kháng cáo bản án cho rằng Công ty An Hoa không hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận bàn giao chứng từ đầy đủ theo hợp đồng, gây thiệt hại cho Công ty Tám Nhanh thể hiện trong Biên bản thanh lý hợp đồng và xác nhận bồi thường giữa Công ty FDI và Công ty Tám Nhanh nên Công ty An Hoa phải chịu mức 30% số công nợ như Công ty Tám Nhanh đã yêu cầu giảm tiền dịch vụ. Công ty Tám Nhanh không phải chịu lãi suất chậm thanh toán do Công ty An Hoa chưa kết thúc công việc thỏa thuận giảm tiền dịch vụ.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn giữ yêu cầu kháng cáo. Nguyên đơn trình bày tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án vào ngày 16/01/2022 ông Hoàng (Người đại diện của Bị đơn) có tham gia phiên tòa nhưng đến ngày 19/01/2022 khi tuyên án thì ông Hoàng vắng mặt không lý do, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào khoản 2 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để cho Bị đơn được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án nhưng Tòa án lại cho Bị đơn được kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án. Việc Tòa án buộc Bị đơn phải thanh toán 90% giá trị tiền cước còn nợ cho Nguyên đơn là làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn nhưng vì muốn sớm được thi hành án sớm nên Nguyên đơn đành chấp nhận nhưng việc Tòa án chậm tống đạt bản án (sau xét xử gần 3 tháng) làm cho vụ án thêm một thời gian dài mới được chuyển lên xét xử phúc thẩm. Nay Nguyên đơn đề nghị HĐXX xem xét và giữ nguyên bản án sơ thẩm, Nguyên đơn cũng nhắn nhủ Bị đơn sau khi xét xử thì nhanh chóng thanh toán trả tiền cho Nguyên đơn bởi Nguyên đơn là doanh nghiệp nhỏ, rất khó khăn vì chưa được thanh toán tiền dịch vụ.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án có nội dung chính:
Từ khi thụ lý đơn và được phân công giải quyết vụ án, thẩm phán đã chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định. Thư ký phiên tòa đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Các đương sự đã chấp hành đúng theo quy định tại Điều 68, 69, 70, 71, 72 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Kháng cáo của Bị đơn là hợp lệ. Xét nội dung kháng cáo: Công ty Tám Nhanh cho rằng chưa thanh toán tiền vì Công ty An Hoa chưa thực hiện việc bàn giao chứng từ yêu cầu Công ty An Hoa phải chịu phạt 30% giá trị dịch vụ cước vận chuyển, Công ty An Hoa cho rằng mình đã giao nộp đủ chứng từ. Mặc dù Hợp đồng số 09 có quy định phải hoàn trả chứng từ nhưng không nêu rõ là chứng từ gì. Biên bản thanh lý hợp đồng giữa Công ty Tám Nhanh và FDI các bên không nêu rõ chứng từ. Ngoài ra Công ty Tám Nhanh còn thuê nhiều công ty khác vận chuyển hàng hóa cho FDI (không chỉ riêng Công ty An Hoa) và cũng không chứng minh được Công ty An Hoa làm thiệt hại 30% số tiền Công ty Tám Nhanh bị FDI phạt nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Công ty Tám Nhanh.
Bản án sơ thẩm đã xét xử và buộc Công ty Tám Nhanh phải trả Công ty An Hoa số tiền cước vận chuyển 303.183.760đ cùng lãi suất chậm trả theo lãi suất bình quân 3 Ngân hàng là có căn cứ. Đề xuất: Bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Về thủ tục kháng cáo: Đơn kháng cáo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Công ty Cổ phần Bưu chính Tám Nhanh làm và nộp trong thời hạn luật định nên kháng cáo được chấp nhận.
Tại phiên tòa, Công ty Tám Nhanh đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty. Xét thấy phiên tòa được mở lần này là lần thứ hai, trước đó, tại phiên tòa đã được mở vào hồi 13h30 ngày 14/7/2022 đã bị hoãn vì Công ty Tám Nhanh vắng mặt lần thứ nhất tại phiên tòa. Công ty Tám Nhanh là người kháng cáo đã nhận Thông báo thụ lý vụ án phúc thẩm do có đơn kháng cáo của chính Công ty vào ngày 13/6/2022 và được nhận được Quyết định xét xử để tham gia phiên tòa lần 1 vào ngày 30/6/2022 là khoảng thời gian dài, lẽ ra Công ty phải chủ động mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình nhưng Công ty thực hiện, không nộp bản tự khai và thậm trí còn vắng mặt không lý do tại phiên tòa lần thứ nhất. Vì vậy đề nghị xin hoãn phiên tòa lần thứ hai không có căn cứ chấp nhận, HĐXX vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định.
Xét nội dung kháng cáo, HĐXX thấy rằng:
Hợp đồng dịch vụ vận chuyển số 092018//ORION/TAMNHANH-ANHOA (Hợp đồng số 09) giữa Công ty TNHH Vận tải An Hoa (Công ty An Hoa) và Công ty Cổ phần Bưu chính Tám Nhanh (Công ty Tám Nhanh) được ký kết đúng thẩm quyền về chủ thể, các bên giao kết đều tự nguyện, bình đẳng. Nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật nên có hiệu lực thi hành đối với các bên.
Theo quy định tại Điều 3, mục 3.2 của Hợp đồng nêu trên quy định thời gian hoàn chứng từ ghi rõ “Bên B (An Hoa) phải hoàn lại chứng từ giao hàng trước 10h30 ngày hôm sau đối với các đơn hàng nội thành và sau 48 giờ đối với các đơn trả tỉnh”.
Tiếp theo, quy định tại Điều 5.2.7 của Hợp đồng về quyền và nghĩa vụ của Bên B (An Hoa) “Trong quá trình giao hàng Bên B phải bảo quản chứng từ không bị hư hỏng cũng như thất lạc. Sau khi giao hàng (đến các nhà máy hoặc khách hàng của Bên A) bên B có trách nhiệm thu hồi lại chứng từ (đã được khách hàng, các nhà máy ký nhận) để hoàn trả cho Bên A".
Thực hiện hợp đồng, Công ty An Hoa đã thực hiện việc vận chuyển hàng hóa cho Công ty Tám Nhanh trong thời gian dài từ ngày 29/9/2018 đến ngày 15/11/2018 có giá trị vận chuyển là 757.959.400đ (sau GTGT) thể hiện ở Bảng kê vận chuyển OT tháng 11/2018 đã được Công ty An Hoa gửi cho Công ty Tám Nhanh. Công ty An Hoa cũng đã xuất hóa đơn GTGT cho Công ty Tám Nhanh trong ngày 20/11/2018. Ngày 02/01/2019 Công ty Tám Nhanh đã thanh toán cho Công ty An Hoa 1/2 cước dịch vụ là 378.979.700đ. Hiện Công ty Tám Nhanh còn nợ số tiền còn lại nhưng không thanh toán. Tại Bản tự khai ngày 15/12/2020 người đại diện theo pháp luật của Công ty Tám Nhanh xác nhận việc Công ty nợ cước vận chuyển đúng như đơn khởi kiện của Công ty An Hoa. Tại các Biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm Công ty Tám Nhanh đều thừa nhận số nợ trên nhưng không đồng ý thanh toán với lý do Công ty An Hoa còn nợ chứng từ.
Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ thỏa thuận của các đương sự được quy định tại Điều 5.2.7 của Hợp đồng về quyền và nghĩa vụ của Bên B (An Hoa) “Trong quá trình giao hàng Bên B phải bảo quản chứng từ không bị hư hỏng cũng như thất lạc. Sau khi giao hàng (đến các nhà máy hoặc khách hàng của Bên A) bên B có trách nhiệm thu hồi lại chứng từ (đã được khách hàng, các nhà máy ký nhận) để hoàn trả cho Bên A".
Để buộc Công ty Tám Nhanh phải thanh toán trả Công ty An Hoa 90% số tiền cước còn lại của 378.979.700đ là 303.183.760đ cùng lãi suất chậm thanh toán là 108.336.279đ, tổng cộng cả gốc và lãi: 411.520.039đ là hợp lý, hợp tình.
Tuy nhiên bản án sơ thẩm ghi chưa đầy đủ tên, loại hình doanh nghiệp của Nguyên đơn và Bị đơn theo đăng ký kinh doanh nên cần sửa về cách tuyên. Người kháng cáo phải chịu tiền án phí phúc thẩm.
Quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.
Từ những nhận định trên Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
QUYẾT ĐỊNH
Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2022/KDTM-ST ngày 19/01/2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Vận tải An Hoa đối với Công ty Cổ phần Bưu chính Tám Nhanh.
Buộc Công ty Cổ phần Bưu điện Tám Nhanh phải thanh toán cho Công ty TNHH Vận tải An Hoa 90% số tiền nợ cước vận chuyển hàng hóa còn lại là 303.183.760đ cùng lãi suất chậm thanh toán tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 108.336.279đ. Tổng cộng 411.520.039đ.
Kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm (19/01/2022) Công ty Cổ phần Bưu chính Tám Nhanh còn tiếp tục phải chịu lãi suất đối với khoản tiền chưa thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Về án phí: Công ty Cổ phần Bưu chính Tám Nhanh phải chịu 20.460.000đ án phí sơ thẩm và 2.000.000đ án phí phúc thẩm, Công ty đã nộp tạm ứng 2.000.000đ theo biên lai số 0012401 (người nộp Nguyễn Đỗ Hoàng) nay được trừ vào tiền án phí; Công ty TNHH Vận tải An Hoa phải chịu 5.144.000đ tiền án phí sơ thẩm đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận, Công ty đã nộp 11.303.392đ tiền tạm ứng án phí theo biên lai 3647 ngày 03/11/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng nay được hoàn trả 6.159.392đ.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 122/2022/KDTM-PT
Số hiệu: | 122/2022/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 26/07/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về