Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 07/2022/KDTM-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN THANH KHÊ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 07/2022/KDTM-ST NGÀY 14/04/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Ngày 14 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 30/2021/TLST-KDTM ngày 12 tháng 10 năm 2021 về việc: “Tranh chấp về hợp đồng dịch vụ", theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:30/2022/QĐXXST-KDTM ngày 06 tháng 01 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa số: 05/2022/QĐST-KDTM ngày 26 tháng 01 năm 2022, Quyết định hoãn phiên toà số: 11/2022/QĐST-KDTM ngày 25 tháng 02 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên toà số: 16/2022/QĐST-KDTM ngày 25 tháng 3 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV P; Địa chỉ trụ sở chính: Số 02 đường T, phường H, quận T, thành phố Đ; Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Thị D, chức danh: Giám đốc. (Bà D có mặt).

2. Bị đơn: Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T; Địa chỉ: 659 đường Đ, phường A, quận T, thành phố Đ. Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Ngọc Phương D, chức danh: Giám đốc (vắng mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Du lịch H; Địa chỉ trụ sở: 127 đường P, phường 1, thành phố Đ, tỉnh L; Người đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Văn D, chức danh: Giám đốc (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 11/10/2021; biên bản về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 01/11/2021; biên bản hòa giải ngày 01/11/2021 và tại phiên tòa hôm nay, đại diện của nguyên đơn là bà Lê Thị D trình bày:

Công ty TNHH MTV P do tôi làm giám đốc có đặt vé máy bay của Phòng vé T Thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T (do ông Đào Ngọc Phương D làm giám đốc, MST: 0401289082; Địa chỉ: 659 Đ, Phường A, Quận T, TP Đ; ÐT: 02363.72.33.xx3 – 093588xxxx) cho đoàn Công ty đi du lịch, hành trình Đà Nẵng đi Đà Lạt ngày 16/05/2021 và chiều về từ Đà Lạt đi Đà Nẵng ngày 18/05/2021 có tổng giá trị: 55.170.000đ (có danh sách chi tiết về hành trình, giờ, ngày bay và số vé /code kèm theo). Ngày 27/04/2021 Công ty chúng tôi chuyển thanh toán hết số tiền vé máy bay là: 55.170.000 đồng Cho phòng vé theo Số tài khoản của Phòng vé T cấp: Tên tài khoản: Hoang Nguyen T, STK: 0041000648062, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Đà Nẵng do ông Đào Ngọc Phương D cung cấp (có biên lai chuyển tiền kèm theo).

Công ty TNHH MTV P có thỏa thuận thông qua điện thoại với Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T về Hợp đồng tour du lịch đi Đà Lạt trọn gói 3 ngày 2 đêm cho 42 người với tổng giá trị hợp đồng: 101.620.000 đồng, ông D có cho người đem bản thảo hợp đồng mà ông D đã ký và đóng dấu sẵn nhưng chưa ghi ngày tháng năm sang cho Công ty chúng tôi để chúng tôi xem xét ký hợp đồng nhưng do Covid-19 ập đến bất ngờ, nên chúng tôi hủy không ký hợp đồng này và cũng không đặt cọc.

Ngày 03/5/2021, thành phố Đà Nẵng có ca mắc Covid trong cộng đồng, thành phố Đà Nẵng có thông báo tạm ngừng các hoạt động vui chơi giải trí để chống dịch. Xét thấy tình hình dịch đang phức tạp, Công ty chúng tôi cũng muốn ngừng di chuyển lúc này để chung tay chống dịch, nên có đề nghị Phòng vé T xem có hoàn lại vé cho Đoàn của công ty chúng tôi hay không. Ngày 08/05/2021, trong khu hoạt động văn phòng của Công ty chúng tôi có ca F0 Covid -19, nên Công ty Chúng tôi đang nằm trong khu vực phong tỏa không thể đi được. Lúc này đại diện Công ty chúng tôi gọi điện thông báo cho ông D về tình hình Công ty chúng tôi bị phong tỏa như thế thì có được hoàn lại tiền vé máy bay không, nhưng ông D trả lời là không được. Cũng trong ngày này vào lúc 22 giờ 30 phút thì ông Đào Ngọc Phương D có gọi điện cho đại diện Công ty chúng tôi thông báo về công việc có thể hoàn lại được vé với phí hoàn lại là:

350.000 đồng trên mỗi vé (việc hoàn vé máy bay này do ông D nói là có quen người anh trong hãng nên ông D mới hoàn được và không cần thủ tục gì hết). Do là khách hàng lâu năm của phòng vé T, nên Công ty chúng tôi tin tưởng vào lời ông D nói mà không kiểm tra lại thông tin. Nhưng sau đó, chúng tôi được biết thời điểm này dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tát cả các hãng hàng không dừng một số chuyến bay từ Đà Nẵng đi đến một số nơi trong đó có chuyến bay từ Đà Nẵng đi Đà Lạt và ngược lại mà Công ty chúng tôi đã đặt vé và được hoàn 100% số tiền vé. Như vậy, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du lịch T là ông D đã thông báo không chính xác về việc hoàn vé máy bay tại thời điểm này cho chúng tôi nhằm mục đích ăn chặn tiền hoàn vé của khách hàng (là công ty của chúng tôi). Phòng vé máy bay T do ông D làm giám đốc đã được hoàn tiền vé máy bay từ các Hãng hàng không nhưng không trả lại tiền vé máy bay cho Công ty chúng tôi. Nay Công ty chúng tôi yêu cầu Toà án giải quyết buộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho số tiền: 55.170.000đ (Năm mươi lăm triệu, một trăm bảy mươi nghìn đồng) cho Công ty TNHH MTV P.

* Tại Đơn trình bày ghi ngày 25/10/2021; biên bản hòa giải ngày 01/10/2021 người đại diện theo pháp luật của bị đơn là ông Đào Ngọc Phương D trình bày: Bên khách hàng là Công ty TNHH MTV P do bà Lê Thị D là Giám đốc và Kế Toán là bà Hoàng Thị H có liên hệ qua điện thoại đặt vé máy bay và tour du lịch của Bên Công Ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ Du lịch T do tôi làm giám đốc.

Cụ thể: Vé máy bay từ Đà Nẵng đi Đà Lạt ngày 16/05/2021 với giá trị 27.150.00 VND (Vé không hoàn hủy); từ Đà Lạt về Đà Nẵng ngày 18/05/2021 với giá trị 28.020.000 VND (Vé không hoàn hủy). Giá trị Tour: Đà Nẵng - Đà Lạt - Đà Nẵng đi ngày 16/05/2021 về 18/05/2021 với giá trị 101.620.000 đồng.

Bên Công ty tôi có xác nhận chứng từ đặt vé, hoàn vé và đặt tour qua zalo giữa bên bán và bên mua. Vì thỏa thuận ngay từ đầu giữa bên bán và bên mua là vé và tour đã đặt xong rồi. Hợp đồng để bổ sung qua ký sau. Sau đó, bên công ty chúng tôi có đem hợp đồng qua ký nhưng bên khách hàng không ký vì lúc đó, Đà Nẵng đang có thông tin một ca covid nhưng chuyến bay vẫn bình thường. Ngày hôm sau, khách hàng Lê Thị D có liên lạc cho tôi trước nói tour du lịch không được đi và nhờ tôi xử lý miễn sao tiết kiệm được tiền vé, chuyến du lịch sau này sẽ đi. Vài ngày sau tôi có liên lạc cho khách hàng Lê Thị D báo vé hoàn thành xử lý 350.000đ một lượt/1 người. Sau đó khách hàng Lê Thị D nói để sáng mai trả lời. Sáng mai, kế toán Hoàng Thị H xác nhận với tôi là hoàn vé có kèm theo nội dung trong zalo. Tôi xác nhận với bên khách hàng có chuyển khoản tiền vé: 55.170.000 đồng. Hiện tại, số tiền hoàn vé tôi xử lý tiết kiệm cho bên khách hàng còn lại là 27.730.000đ nhưng vì bên khách hàng vẫn chưa đặt cọc tiền tour cho bên Công ty chúng tôi nên Công ty chúng tôi không đồng ý chuyển tiền lại. Tôi có xác nhận hãng hàng không có hoàn vé cho Công ty chúng tôi, tuy nhiên số tiền mà hãng hoàn vé bao nhiêu thì đây là vấn đề nội bộ nên tôi không cung cấp thông tin được. Tôi có liên lạc cho khách hàng Lê Thị D và kế toán Hoàng Thị H nói là số tiền hoàn lại còn thừa coi như đã đặt cọc bên trong tour, nếu năm này không đi được thì năm sau đi. Tiền tour tôi đã đặt cọc (phòng, xe, và các dịch vụ khác) có chứng từ đầy đủ. Chú ý: Chứng từ khách hàng xác nhận trong zalo hoàn vé, xác nhận đồng ý đặt tour và dời tour. Thứ nhất là bên mua xác nhận đồng ý hoàn vé; thứ hai là bên mua xác nhận đồng ý dời tour sang 31/12/2022.

* Tại đơn trình bày ý kiến ghi ngày 19/02/2022 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Du lịch H trình bày:

Công ty chúng tôi xác nhận thời điểm từ ngày 20/4/2021 đến ngày 26/4/2021 bên Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T có đặt dịch vụ phòng khách sạn và tour du lịch dự khởi hành ngày từ 16/5/2021 đến 18/5/2021 và đã đặt cọc dịch vụ hoàn tất.

Bên Công ty Chúng tôi có xác nhận chứng từ đặt dịch vụ và hợp đồng du lịch qua mail và zalo giữa hai bên (không có ký hợp đồng và đóng dấu của các bên). Vào ngày 27 tháng 4 năm 2021, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T có chuyển khoản đặt cọc cho Công ty chúng tôi số tiền:

36.040.000đ (Ba mươi sáu triệu, không trăm bốn mươi nghìn đồng).

Sau đó khoảng 10 ngày trước khi chương trình tour được khởi hành thì bên phía Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T có báo do tình hình dịch bệnh covid, các điểm vui chơi tạm ngưng và tránh tập trung đông người. Đoàn đồng ý dời tour từ nay đến cuối năm 2021 đến khi tình hình dịch được kiểm soát trở lại. Vì tình hình diễn biến của dịch bệnh phức tạp nên trong 2021 dự kiến dời ngày như đã trao đổi vẫn chưa thực hiện được. Bên phía Công ty chúng tôi và Khách hàng là Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T đã trao đổi và chấp nhận sẽ hỗ trợ dời ngày cho đoàn từ đây đến hết năm 2022 tức 31/12/2022. Trường hợp rơi vào các tháng cao điểm như tháng 6,7 giá sẽ có sự thay đổi tuỳ giai đoạn yêu cầu: Đoàn báo trước một tháng khi có ngày ấn định đi lại. Hiện tại, giữa Công ty chúng tôi và phía bên Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T chưa xảy ra bất kì mâu thuẫn hay phát sinh tranh chấp nào và hiện nay Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T chưa có bất kỳ thiệt hại nào liên quan đến việc đặt cọc đối với Công ty chúng tôi. Toà án có đưa Công ty chúng tôi vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Công ty chúng tôi xác định không có liên quan gì đến tranh chấp tiền vé máy bay giữa Công ty TNHH MTV P và Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ Du lịch T. Công ty chúng tôi ở xa nên không thể tham gia tố tụng được nên đề nghị Toà án xét xử vắng đại diện của Công ty chúng tôi, chúng tôi không có ý kiến khiếu nại gì. Trên đây là ý kiến trình bày của công ty chúng tôi, đề nghị Toà án xem xét giải quyết.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng phát biểu ý kiến tại phiên toà về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa cũng như việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:

+ Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các Điều 420, 422, 425 và 427 của Bộ luật dân sự để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty TNHH MTV P với bị đơn là Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T. Buộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T phải trả cho Công ty TNHH MTV P số tiền 55.170.000đ (Năm mươi lăm triệu, một trăm bảy mươi nghìn đồng) + Về án phí: Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị Quyết 326 ngày 30/12/2016 của Uỷ Ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án thì bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Toà án chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng phát biểu quan điểm về thủ tục giải quyết vụ án; sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về pháp luật áp dụng: Căn cứ vào thoả thuận giữa Công ty TNHH MTV P (gọi tắt là Công ty P) với Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T (gọi tắt là Công ty T) về việc tranh chấp hợp đồng dịch vụ là đặt vé máy bay. Các bên có tranh chấp, vì vậy Tòa án xem xét áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 2; khoản 1, khoản 9 Điều 3, các Điều 4, 6, 74, 75, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 85, 86 và 87 của Luật Thương mại; Các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết vụ án.

[2] Về thẩm quyền: Nguyên đơn là Công ty P khởi kiện đối với bị đơn là Công ty T có địa chỉ tại 659 đường Đ, phường A, quận T, thành phố Đà Nẵng nên căn cứ vào khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì đây là vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng dịch vụ và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

[3] Về tố tụng: Tại phiên tòa hôm nay, mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ ba nhưng đại diện bị đơn là Công ty T vẫn vắng mặt không lý do; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Du lịch H có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Vì vậy, áp dụng điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt đại diện bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[4] Về nội dung:

Giữa Công ty P với Công ty T có thoả thuận với nhau về việc đặt vé máy bay chiều đi từ Đà Nẵng – Đà Lạt ngày 16/5/2021 và chiều về từ Đà Lạt – Đà Nẵng ngày 18/5/2021 với tổng giá trị là 55.170.000đ (Năm mươi lăm triệu, một trăm bảy mươi nghìn đồng). Ngày 27/4/2021, Công ty P đã chuyển khoản thanh toán cho Công ty T số tiền 55.170.000 đồng. Việc thoả thuận của các bên là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội nên được pháp luật bảo vệ, phù hợp với Điều 74, 75 của Luật Thương mại; các Điều 513, 514 của Bộ luật dân sự.

Theo đại diện nguyên đơn trình bày thì giữa Công ty P và Công ty T có thoả thuận qua điện thoại về Hợp đồng Tour du lịch Đà Lạt trọn gói 3 ngày 2 đếm cho 42 người với tổng cộng giá trị Hợp đồng dịch vụ là 101.620.000 đồng nhưng do dịch Covid-19 ập đến bất ngờ nên các bên huỷ không ký hợp đồng và không đặt cọc tiền. Do dịch Covid-19 nên các chuyến bay từ Đà Nẵng đi Đà Lạt ngày 16/5/2021 và từ Đà Lạt về Đà Nẵng ngày 18/5/2021 bị huỷ nên các hãng hàng không đã hoàn vé 100% tiền vé cho khách hàng và Công ty P được hoàn 100% tiền vé nhưng phía Công ty T đã không thông báo về việc được hoàn vé, sau này thì đại diện của Công ty T là ông Đào Ngọc Phương D thông báo cho Công ty P là được hoàn vé với phí hoàn là 350.000 đồng/vé. Theo đại diện nguyên đơn thì phía bị đơn đã không cung cấp thông tin về việc Công ty P được hoàn vé nhằm ăn chặn tiền hoàn vé nên đề nghị Toà án giải quyết buộc Công ty T phải hoàn trả số tiền mà Công ty P đã thanh toán tiền vé là 55.170.000 đồng.

Bị đơn là Công ty T xác nhận đã nhận của Công ty P số tiền vé đã chuyển khoản là 55.170.000 đồng và đã xử lý tiền tiết kiệm cho bên khách hàng còn lại là 27.730.000 đồng và trình bày do khách hàng chưa đặt cọc tiền tour nên không đồng ý chuyển tiền lại.

[5] Xét yêu cầu của các đương sự thì thấy:

[5.1] Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Công ty P đã chuyển khoản cho Công ty T thanh toán tiền vé máy bay bay chặng Đà Nẵng – Đà Lạt ngày 16/5/2021 và chặng bay từ Đà Lạt – Đà Nẵng ngày 18/5/2021 với tổng số tiền 55.170.000 đồng. Do tình hình dịch Covid-19 nên các chuyến bay nêu trên bị huỷ và được hoàn vé. Tại Công văn số 736/TCTHK-CNMT ngày 22/11/2021 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Chi nhánh Khu vực Miền trung phúc đáp Công văn số 310/CV-TA ngày 05/11/2021 của Toà án thể hiện: “Chuyến bay VN1955 ngày 16/5/2021 hành trình Đà Nẵng đi Đà Lạt bị huỷ chuyến vì lý do khai thác, khách hàng được hoàn vé miễn phí…” và tại Công văn số 4295A/2021/BAV-TM ngày 03/12/2021 của Công ty Cổ phần Hàng Không Tre Việt cung cấp cho Toà án thể hiện: “1. Bomboo Airways xác nhận chuyến bay chặng Đà Lạt – Đà Nẵng số hiệu chuyến bay QH2316 khởi hành lúc 19h45 phút ngày 18/5/2021 đã bị huỷ do dịch bệnh Covid-19; 2. Tiền vé thanh toán của chuyến bay trên được Bomboo Airways hoàn trả 100% cho đại lý thực hiện việc đặt vé là Công ty TNHH MTV TM&DV Du lịch T vào ngày 08/6/2021 (Danh sách code vé PNR và dữ liệu về việc hoàn vé cho Đại lý kèm theo công văn này)”. Như vậy có thể khẳng định các chuyến từ Đà Nẵng đi Đà Lạt ngày 16/5/2021 và từ Đà Lạt đi Đà Nẵng ngày 18/5/2021 mà Công ty P đã đặt vé tại Công ty T được hoàn vé 100% nên cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền mà nguyên đơn đã chuyển đặt vé là 55.170.000 đồng là có căn cứ phù hợp với các Điều 274, 275, 280, 420, 422, 425, 427, 513, 514, 516, 517, 518 và 519 của Bộ luật dân sự; Các Điều 86 và 87 của Luật Thương mại.

[5.2] Đối với yêu của bị đơn thì thấy: Hội đồng xét xử thấy rằng, căn cứ vào hai văn bản mà các hãng hàng không đã phúc đáp cho Toà án nêu trên thể hiện các chuyến bay từ Đà Nẵng đi Đà Lạt ngày 16/5/2021 và chuyến bay từ Đà Lạt đi Đà Nẵng ngày 18/5/2021 được hoàn vé 100%, phía Công ty T đã không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến việc các hãng hàng không hoàn vé cho khách hàng, vi phạm Điều 78, 79, 80 và 81 của Luật thương mại nên cần buộc bị đơn là Công ty T phải thanh toán cho Công ty P số tiền 55.170.000 đồng là phù hợp với Điều 274, 275, 280, 420, 422 và 427 của Bộ luật dân sự; bị đơn cho rằng phía nguyên đơn chưa ký hợp đồng đặt tour và chưa đặt cọc nên không chấp nhận trả lại số tiền còn lại là 27.730.000 đồng là không có cơ sở để chấp nhận.

[5.3] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Công ty TNHH H xác định vào ngày 27/4/2021 có nhận tiền đặt cọc của Công ty T với số tiền 36.040.000 đồng và xác định giữa hai bên chưa xảy ra mâu thuẫn hay phát sinh tranh chấp nào và hiện nay Công ty T chưa có bất kỳ thiệt hại nào liên quan đến việc đặt cọc nêu trên và xác định không có liên quan gì đến tranh chấp tiền vé máy bay giữa Công ty P với Công ty T. Hội đồng xét xử xét thấy, Công ty TNHH H xác định không có liên quan gì đến tranh chấp tiền vé máy bay giữa nguyên đơn với bị đơn nên Hội đồng xét xử không đề cập giải quyết. Trường hợp giữa Công ty TNHH H và Công ty T có tranh chấp về hợp đồng đặt cọc mà các bên đã giao kết thì các bên có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.

[6] Bị đơn trình bày tại đơn trình bày ngày 25/10/2021 thể hiện: “..Hiện tại số tiền hoàn vé tôi xử lý tiết kiệm cho bên khách hàng còn lại 27.730.000 VND. Nhưng vì bên khách hàng vẫn chưa đặt cọc tiền tour cho bên tôi. Nên tôi không đồng ý chuyển tiền lại…”. Tại phiên toà đại diện nguyên đơn trình bày là giữa các bên có thoả thuận về “Hợp đồng phục vụ khách du lịch” qua điện thoại, zalo, Công ty T có gửi cho Công ty P bản hợp đồng phục vụ khách du lịch và lịch trình tour 3 ngày 2 đêm với giá 101.620.000 đồng nhưng các bên chưa tiến hành giao kết hợp đồng và chưa đặt cọc nên chưa phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Hội đồng xét xử xét thấy, hợp đồng cung cấp dịch vụ vé máy bay và Hợp đồng phục vụ khách du lịch là hai hợp đồng khác nhau; trong vụ án này nguyên đơn chỉ yêu cầu phía bị đơn thanh toán tiền vé máy bay mà nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn do vậy Hội đồng xét xử chỉ xem xét đến phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; trường hợp các bên có tranh chấp về “Hợp đồng Phục vụ khách du lịch” thì có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

[7] Xét đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng về nội dung giải quyết vụ án là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[8] Do chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch đối với khoản tiền phải trả cho nguyên đơn theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-20016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

[9] Hoàn trả cho Công ty TNHH MTV P số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147; điểm b khoản 2 Điều 227; Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 2; khoản 1 Điều 3; Các Điều 4, 6, 78, 79, 80, 81, 86 và 87 của Luật Thương mại.

- Căn cứ vào các Điều 274, 275, 280, 420, 422, 425, 427, 513, 514, 516, 517, 518 và 519 của Bộ luật dân sự;

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty TNHH MTV P đối với bị đơn là Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T về việc “Tranh chấp về hợp đồng dịch vụ”.

Buộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T phải trả cho Công ty TNHH MTV P số tiền là: 55.170.000đ (Năm mươi lăm triệu, một trăm bảy mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành án không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ thì còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Buộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch T phải chịu: 3.000.000đ (Ba triệu đồng).

3. Hoàn trả cho Công ty TNHH MTV P số tiền tạm ứng án phí 1.379.000đ (Một triệu, ba trăm bảy mươi chín nghìn đồng) mà Công ty TNHH MTV P đã nộp theo Biên lai thu số: 0002265 ngày 12/10/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

4. Án xử sơ thẩm công khai, nguyên đơn được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hôm nay. Bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận (hoặc niêm yết) trích sao bản án.

5. Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6,7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại điều 30 của Luật Thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1614
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 07/2022/KDTM-ST

Số hiệu:07/2022/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Thanh Khê - Đà Nẵng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 14/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về