Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 06/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 06/2022/DS-PT NGÀY 24/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Ngày 24 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh H, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 17/2021/TLPT-DS ngày 01 tháng 4 năm 2021 về việc“ Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 58/2020/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 59/2021/QĐ-PT ngày 05 tháng 7 năm 2021, Thông báo dời ngày xét xử vụ án số 439/2021/TB-DS ngày 23/7/2021, Thông báo ngày xét xử số 604/2021/TB-DS ngày 23/12/2021, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 04/2022/QĐ-PT ngày 10/01/2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Lê Thị Bảo V Địa chỉ: phường M, quận D, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn:

- Ồng Nguyễn Đức T. Địa chỉ: phường L, quận H, Thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

2. Bị đơn: Công ty Đ Địa chỉ: Phường H, thành phố N, tỉnh Khánh Hoà; địa chỉ trụ sở hiện tại:

phường Th, thành phố N, tỉnh H.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Hồng Th - Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Phạm Thị Kiều H - Giám đốc pháp chế của Công ty, địa chỉ: phường N, quận K, Thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Lê Phan Thùy A - Luật sư Công ty Luật D thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Lê Thị Bảo V.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn bà Lê Thị Bảo V và người đại diện theo ủy quyền của nguyên trình bày:

Ngày 29/11/2018, bà Lê Thị Bảo V tham dự sự kiện do Công ty Đ (gọi tắt là Công ty Đ) tổ chức tại tầng 15 Tòa nhà Capital, số 109 phố Trần H Đạo, quận K, Thành phố Hà Nội.

Tại sự kiện, bà V được các nhân viên của Công ty Đ giới thiệu về Dự án Khu nghỉ dưỡng A với những cam kết hết sức hấp dẫn như chính thức khai trương vào cuối năm 2018, các gia đình chỉ cần trả tiền trước một lần, sau đó, yên tâm tận hưởng các kỳ nghỉ đều đặn trong suốt hàng chục năm tiếp theo mà không cần lo lắng về nguy cơ lạm phát hay hết phòng vào mùa cao điểm.

Bà V đã lựa chọn căn hộ loại A, kỳ nghỉ vào tuần thứ 41 hàng năm với giá là 18.500 USD. Sau khi lựa chọn căn hộ loại A này, bà V tiếp tục được nhân viên mời chào với ưu đãi giảm 50% giá căn hộ để mua tiếp. Vì vậy, bà V tiếp tục lựa chọn 1 căn hộ loại A, kỳ nghỉ vào tuần thứ 41 hàng năm với giá 9.250 USD. Sau khi quy ra tiền Việt, bà V đã nộp 194.513.625 đồng và được nhân viên của Công ty điền các thông tin cá nhân của bà V vào 02 bộ Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-H-031501 và PBRC-H-031504 ký kết ngày 29/11/2018.

Khi trở về nhà, bà V tìm hiểu trên mạng Internet và kiểm tra hợp đồng thì thấy rất nhiều vấn đề xung quanh dự án A của Công ty Vịnh thiên đường trái ngược với những gì Công ty đã tư vấn, quảng cáo và giới thiệu. Vì vậy, bà V đã liên hệ với nhân viên của Công ty đề nghị được chấm dứt hợp đồng và nhận lại số tiền đã nộp nH không nhận được phản hồi từ phía Công ty.

Vì vậy, bà V khởi kiện yêu cầu Tòa án: (1) tuyên bố Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-H-031501 và PBRC-H-031504 ký kết ngày 29/11/2018 vô hiệu kể từ thời điểm ký kết do vi phạm điều cấm của pháp luật; (2) yêu cầu Công ty Đ phải trả cho bà 194.513.625 đồng mà bà đã nộp cho Công ty Đ đối với 02 Hợp đồng trên bởi những lý do sau:

1. Công ty đã vi phạm khoản 6 Điều 17 Luật Doanh nghiệp khi thực hiện việc kinh doanh dịch vụ lưu trú khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Vi phạm quy định tại khoản 5 và khoản 8 Điều 9 của Luật Du lịch do quảng cáo khu nghỉ dưỡng 5 sao khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; xây dựng công trình không như mô hình đã được quảng cáo;

giữa mô hình quảng cáo và mô hình thực tế không giống nhau; liên tục ra các xuất bản phẩm quảng cáo khu nghỉ dưỡng 5 sao khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

3. Vi phạm điều cấm được quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng do Công ty có hành vi cung cấp thông tin không chính xác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về quyền sở hữu; cung cấp thông tin sai lệch về tiêu chuẩn căn hộ nghỉ dưỡng.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Công ty Đ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh H cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 371022000419 lần đầu ngày 05/02/2013, thay đổi lần thứ ba ngày 27/01/2015, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – mã số doanh nghiệp:

4201550314 đăng ký lần đầu ngày 05/02/2013, đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 14/5/2020 tại Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh H để đầu tư, thực hiện Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp có tên là “A” (“Khu Nghỉ dưỡng" hoặc “Dự án") tại các lô đất số D7a2, TT4, X6 thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo C, huyện L, tỉnh H, Việt Nam và thực hiện các hoạt động kinh doanh khác phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Công ty đã và đang triển khai mô hình chia sẻ quyền nghỉ dưỡng (“Quyền sở hữu kỳ nghỉ”) cho các khách hàng của Công ty. Theo mô hình này, hàng năm, một người được sử dụng quyền nghỉ dưỡng hàng năm tại một địa điểm trong một khoảng thời gian tại một thời điểm nhất định (tuần nghỉ dưỡng). Để xác lập quyền nghỉ dưỡng, khách nghỉ dưỡng và doanh nghiệp ký kết một hợp đồng, gọi là “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”, trong đó, ấn định thời hạn và thời điểm nhất định khách hàng sẽ sử dụng quyền nghỉ dưỡng của mình. Thông qua hợp đồng này, Công ty bán quyền nghỉ dưỡng và khách hàng mua quyền nghỉ dưỡng. Khoản tiền mà khách nghỉ dưỡng đã trả để mua quyền nghỉ dưỡng là cơ sở để khách hàng được hưởng quyền nghỉ dưỡng hàng năm đó, đồng thời hàng năm, khách nghỉ dưỡng sẽ nộp thêm một khoản phí duy trì/quản lý cơ sở nghỉ dưỡng tùy thuộc vào hiện trạng hoạt động của khu nghỉ dưỡng theo từng năm; thời hạn sử dụng quyền nghỉ dưỡng được xác định phù hợp với thời hạn hoạt động của Dự án (đến năm 2054). Dự án đã đi vào hoạt động kể từ ngày 29/12/2019. Để giới thiệu mô hình sở hữu kỳ nghỉ mà Công ty đang kinh doanh, Công ty đã mời một số khách hàng, trong đó có nguyên đơn, tham dự buổi giới thiệu về mô hình này do Công ty tổ chức. Khi mời tham gia sự kiện, nhân viên của Công ty đã nói rõ về nội dung của buổi sự kiện, thời gian, cách thức tham dự sự kiện, các quà tặng đi kèm... Sau khi được thông báo về thông tin sự kiện, khách mời có quyền cân nhắc để quyết định tham gia hoặc không tham gia. Trong trường hợp này, nguyên đơn đã đồng ý tham gia sự kiện do Công ty tổ chức.

Ngày 29/11/2018, bà V tham dự sự kiện do Công ty Đ tổ chức. Tại buổi sự kiện, Công ty đã giới thiệu về mô hình sở hữu kỳ nghỉ thông qua trình chiếu video và qua các thông tin do người dẫn chương trình của sự kiện thuyết trình; nhân viên Công ty cũng đã trực tiếp giới thiệu về lịch sử phát triển của mô hình này trên thế giới, về đặc điểm của mô hình và các lợi ích khi khách mời sử dụng mô hình nghỉ dưỡng này, về Dự án của Công ty và mô hình Công ty đang triển khai tại Việt Nam, ghi nhận những chia sẻ và trả lời thắc mắc của các khách mời nói chung, trong đó có nguyên đơn. Sau khi giới thiệu tổng quát, đối với những khách mời quan tâm và muốn tìm hiểu thêm như trường hợp của nguyên đơn, từng nhân viên của Công ty sẽ giới thiệu chi tiết về sản phẩm, dịch vụ cũng như về nội dung Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và các chính sách ưu đãi (nếu có); khách hàng nếu đồng ý sẽ ký vào Xác nhận đặt chỗ và Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ sau khi nghiên cứu (nếu có nhu cầu). Trường hợp trong quá trình tìm hiểu, khách hàng có thắc mắc về Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hay về các quyền lợi, nghĩa vụ, chính sách liên quan, nhân viên Công ty sẽ giải đáp các câu hỏi, thắc mắc đó ngay tại chỗ để khách hàng thực sự hiểu về các nội dung Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và dịch vụ nghỉ dưỡng trước khi ký kết. Công ty hiểu rằng khách hàng chỉ ký kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ khi khách hàng đã hiểu rõ nội dung và có nhu cầu sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng.

Đối với trường hợp của nguyên đơn, nguyên đơn và đã ký với Công ty Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-H-031501 và PBRC-H-031504 ngày 29/11/2018 (sau đây gọi là “Hợp đồng") và đã thanh toán cho Công ty tổng số tiền là 194.513.625 đồng là một phần của khoản thanh toán theo Hợp đồng. Công ty đã thực hiện xuất hóa đơn đầy đủ cho các khoản thanh toán nêu trên.

Sau khi ký Hợp đồng và thanh toán cho Công ty, vì lý do cá nhân, nguyên đơn đã đề nghị chấm dứt Hợp đồng với Công ty. Nhận thấy các căn cứ để nguyên đơn đưa ra là không có cơ sở pháp lý nên Công ty không đồng ý. Công ty yêu cầu nguyên đơn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Bản án dân sự sơ thẩm số 58/2020/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh H đã căn cứ Điều 328, Điều 401, Điều 403, Điều 405, Điều 513 và Điều 514 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 17 Luật Trọng tài thương mại; Điều 14, Điều 42, Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Mục 4 Chương V Luật Du lịch; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTUQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, quyết định:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Bảo V về việc: (1) Tuyên bố Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-H-031501 và PBRC-H-031504 ngày 29/11/2018 được giao kết giữa bà Lê Thị Bảo V với Công ty Đ vô hiệu; (2) Yêu câu Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường trả lại số tiền đặt cọc giữ chỗ là 194.513.625 đồng.

2. Về án phí: Bà Lê Thị Bảo V phải chịu 9.725.681 đồng án phí dân sự sơ thẩm theo quy định; được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 4.862.800 đồng bà V đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0016383 ngày 19/3/2020 của Chi cục Thị hành án dân sự thành phố N. Bà Lê Thị Bảo V còn phải nộp thêm 4.862.881 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Ngày 28/11/2020, nguyên đơn bà Lê Thị Bảo V có đơn kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H tại phiên tòa phúc thẩm:

Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tại thời điểm Tòa án nhân dân thành phố N nhận được đơn khởi kiện của bà V là ngày 04/12/2019 và thời điểm Tòa án nhân dân thành phố N thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của bà V là ngày 23/3/2020, Công ty Đ có địa chỉ trụ sở chính tại Khu nghỉ dưỡng A, lô D7a2, TT4X6 khu du lịch Bắc bán đảo C, xã Cam Hải Đông, huyện L (thể hiện tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 ngày 20/11/2019) nên theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thẩm quyền giải quyết vụ án là Tòa án nhân dân huyện L; Tòa án nhân dân thành phố N thụ lý là không đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 8 ngày 14/5/2020, Công ty Đ đã thay đổi địa chỉ trụ sở chính tại số 22 đường Hát Giang, phường Phước Hòa, thành phố N và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 9 ngày 04/9/2020 thể hiện Công ty có địa chỉ trụ sở chính là phường Th, thành phố N nên Tòa án nhân dân thành phố N có thẩm quyền giải quyết vụ án. Vì vậy, Kiểm sát viên nhận thấy chỉ cần rút kinh nghiệm đối với Tòa án cấp sơ thẩm về nội dung này.

Về kháng cáo của nguyên đơn Lê Thị Bảo V: Tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, bà V biết và nhận thức được Khu nghỉ dưỡng A vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh song vẫn đồng ý đặt cọc cho Công ty số tiền 194.513.625 đồng để giữ chỗ, tức là bà V đã đồng ý việc sử dụng dịch vụ trong tương lai sau khi khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động. Trước khi dự án A đi vào hoạt động chính thức vào ngày 29/12/2019, Công ty Đ đã đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ. Bà V cho rằng Công ty Đ sử dụng ngoại tệ để ký 02 hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vi phạm Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối là không có cơ sở. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Bảo V là có căn cứ nên kháng cáo của bà V không được chấp nhận.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà V phải chịu án phí có giá ngạch 9.725.681 đồng là không đúng. Theo điểm a khoản 3 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bà V chỉ phải chịu án phí không có giá ngạch 300.000 đồng.

Vì vậy, đề nghị căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án sơ thẩm về án phí dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tất cả các đương sự và Luật sư đều vắng mặt tại phiên tòa và đều có yêu cầu xét xử vắng mặt nên căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt đương sự.

[2] Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-H-031501 và PBRC-H-031504 ngày 29/11/2018 được ký giữa bà Lê Thị Bảo V và Công ty Đ thực chất là hợp đồng cung cấp dịch vụ lưu trú. Tại thời điểm các bên ký kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, nguyên đơn hoàn T biết và nhận thức được khu nghỉ dưỡng vẫn đang trong quá trình xây dựng, song vẫn đồng ý đặt cọc cho Công ty để giữ chỗ, tức là đồng ý việc sử dụng dịch vụ trong tương lai sau khi khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động. Vì vậy, tại thời điểm ký kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, Công ty Đ chưa phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề dịch vụ lưu trú theo qui định tại khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2014, khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 về thực hiện qui định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch năm 2017 về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú.

[3] Tại thời điểm Công ty Đ chính thức khai trương và đưa Khu nghỉ dưỡng A đi vào hoạt động, chính thức cung cấp dịch vụ lưu trú cho các khách hàng là ngày 29/12/2019, Công ty Đ đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch 2017, cụ thể: Công ty đã được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh H cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự số 948/GCN ngày 18/11/2019, được Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của Công an tỉnh H cấp Văn bản số: 1731/NT-PCCC ngày 15/10/2019 nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, được UBND tỉnh H cấp Quyết định số 2562/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án ngày 04/09/2018 và Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số: 3176/QĐ-CT ngày 14/10/2019, được Sở Du lịch tỉnh H ban hành Văn bản số 1858/SDL-QLCSLT ngày 23/12/2019 xác nhận khu nghỉ dưỡng đảm bảo điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn.

[4] Như vậy, việc nguyên đơn cho rằng Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vô hiệu vì phía bị đơn vi phạm điều cấm của luật do thực hiện kinh doanh dịch vụ lưu trú khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật là không có căn cứ.

[5] Về ý kiến của nguyên đơn cho rằng bị đơn vi phạm quy định khoản 5, khoản 8 Điều 9 của Luật Du lịch do quảng cáo khu nghỉ dưỡng 5 sao khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, xây dựng công trình không như mô hình đã được quảng cáo, giữa mô hình quảng cáo và thực tế không giống nhau, Hội đồng xét xử thấy rằng: Trên thực tế, khu nghỉ dưỡng đã được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn 5 sao, đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao theo Quyết định số 932/QĐ-TCDL ngày 23/7/2020 về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch của Tổng Cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Không có chứng cứ để cho rằng khi giao kết hợp đồng, nguyên đơn đã bị lừa dối hay nhầm lẫn.

[6] Về ý kiến của nguyên đơn cho rằng bị đơn đã vi phạm điều cấm của luật khi không cho khách hàng được thực hiện đầy đủ các quyền chiếm hữu và định đoạt đối với quyền nghỉ dưỡng như tên của hợp đồng là “Sở hữu kỳ nghỉ” khi qui định nguyên đơn chỉ có thể chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng cho người thứ ba sau khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của Công ty, Hội đồng xét xử nhận thấy rằng: Việc chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng cho bên thứ ba được hiểu là bao gồm việc chuyển giao quyền của khách hàng được cung cấp dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng và chuyển giao cả nghĩa vụ của khách hàng phải thực hiện đối với Công ty được nêu trong Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ; việc chuyển giao nghĩa vụ này phải được sự đồng ý của Công ty là phù hợp với qui định tại Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[7] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy rằng Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và các phụ lục kèm theo được ký giữa nguyên đơn và Công ty Đ là sự tự nguyện ý chí, nội dung Hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức Hợp đồng phù hợp với qui định của pháp luật nên có hiệu lực pháp luật.

[8] Đối với yêu cầu trả lại tiền đặt cọc: Theo thỏa thuận của các bên thì tiền đặt chỗ mà nguyên đơn nộp cho Công ty Đ sẽ chuyển thành tiền thanh toán đợt 1 khi đến ngày khai trương chính thức. Như vậy, tại thời điểm xác lập Giấy xác nhận đặt chỗ thì số tiền trên là tiền đặt cọc nhằm đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng dịch vụ. Hợp đồng dịch vụ đã được Công ty Đ thực hiện theo thỏa thuận, nguyên đơn không chứng minh được bị đơn vi phạm hợp đồng. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn về hoàn trả tiền đặt cọc là không có căn cứ.

[9] Việc thu thập chứng cứ đã được Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện đầy đủ, không có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nên kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm của người kháng cáo là không có căn cứ theo qui định tại Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[10] Như vậy, kháng cáo của nguyên đơn không có căn cứ, không được chấp nhận.

[11] Về án phí: Nguyên đơn khởi kiện với 02 yêu cầu là yêu cầu tuyên bố 02 Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vô hiệu và yêu cầu Công ty Đ phải trả lại số tiền nguyên đơn đã nộp cho Công ty Đ. Cả hai yêu cầu này đều không được Tòa án chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch 300.000đ đối với yêu cầu thứ nhất và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 194.513.625 x 5% = 9.725.681 đồng đối với yêu cầu thứ hai theo qui định tại khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn chỉ phải chịu 9.725.681 đồng án phí là không đúng, Tòa án cấp phúc thẩm sửa lại cho đúng. Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 117, Điều 328, Điều 513 và Điều 514 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 14, Điều 42 và Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Điều 26 và Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử: Không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị Bảo V; sửa bản án sơ thẩm về án phí như sau:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Bảo V về việc: (1) Tuyên bố Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-H-031501 và PBRC-H-031504 ngày 29/11/2018 được giao kết giữa bà Lê Thị Bảo V với Công ty Đ vô hiệu; (2) Yêu cầu Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường trả lại 194.513.625 đồng tiền đặt cọc giữ chỗ.

2. Về án phí: Bà Lê Thị Bảo V phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, 9.725.681 đồng án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm nH được trừ vào 4.862.800 đồng tạm ứng án phí sơ thẩm và 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm mà bà V đã nộp theo các biên lai thu tiền số AA/2016/0016383 ngày 19/3/2020 và số AA/2017/0000328 ngày 18/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N. Như vậy, bà Lê Thị Bảo V chỉ còn phải nộp 5.162.881 đồng án phí.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

7
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 06/2022/DS-PT

Số hiệu:06/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Khánh Hoà
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:24/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về