TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 45/2023/KDTM-PT NGÀY 17/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT HÀNG
Trong các ngày 02, 07 và 17/3/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 187/2022/KTPT ngày 09/12/2022 về tranh chấp hợp đồng đặt hàng do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 118/2022/KDTM-ST ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân quận B bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 665/2022/QĐXX- PT ngày 27/12/2022, Quyết định hoãn phiên tòa số 30/2023/QĐPT- KDTM ngày 12/01/2023, giữa:
Nguyên đơn: Công ty T Trụ sở: tỉnh C. Người đại diện theo pháp luật: ông Hồng Quốc C. Người đại diện theo ủy quyền: anh Trần Đăng K, sinh năm 1973. Anh K xin vắng mặt tại phiên tòa.
Bị đơn: Cục Đ Trụ sở: TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: ông Vi Kiến T. Người đại diện theo ủy quyền: anh Trương Thế C và anh Nguyễn Thanh H. Anh C, anh H và ông T có mặt tại phiên tòa. Khi tuyên án có mặt anh H, vắng mặt ông T và anh C.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Công ty T do người đại diện hợp pháp trình bày:
Ngày 02/02/2010, Công ty T (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) và Cục Đ (sau đây gọi tắt là bị đơn) ký kết Hợp đồng đặt hàng thực hiện 03 tập bộ phim “H” (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 36). Bị đơn giao nguyên đơn sản xuất 03 tập đầu tiên bộ phim “H”.
Ngày 31/5/2010, nguyên đơn và bị đơn tiếp tục giao kết Hợp đồng sản xuất 20 tập bộ phim truyện truyền hình “H” (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 38). Bị đơn giao nguyên đơn sản xuất bộ phim truyện “H” và giá trị hợp đồng được điều chỉnh sau khi tổng dự toán 20 tập của bộ phim được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng mức đầu tư cho sản xuất bộ phim. Hợp đồng số 38 thay thế cho Hợp đồng số 36.
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 38 hai bên đã ký các Phụ lục bổ sung Hợp đồng số 01/2011/PLHĐ ngày 12/01/2011 (sau đây viết tắt là Phụ lục số 01), số 02/2011/PLHĐ ngày 30/8/2011 (sau đây viết tắt là Phụ lục số 02), số 03/2012/PLHĐ ngày 23/3/2012 (sau đây viết tắt là Phụ lục số 03), số 04/2014/PLHĐ ngày 28/7/2014 (sau đây viết tắt là Phụ lục số 04) để bổ sung, thay đổi giá hợp đồng theo từng giai đoạn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đồng thời bị đơn đã thanh toán đầy đủ các khoản tạm ứng cho nguyên đơn đúng như thỏa thuận.
Sau khi nguyên đơn hoàn thành sản xuất bộ phim và đã được bị đơn cấp Giấy phép phổ biến phim số 07/GPPBP-CĐA/2012V ngày 19/9/2012.
Ngày 29/7/2013, Kiểm toán nhà nước có Công văn số 217/KTNN- TH gửi Báo cáo kiểm toán chi phí sản xuất bộ phim truyện truyền hình “H”, Công văn số 1582/KTNN- TH ngày 26/11/2013 về việc chi phí sản xuất bộ phim “H” và Công văn số 882/KTNN- TH ngày ngày 17/7/2014 về việc xác nhận thuế GTGT và tổng chi phí Dự án sản xuất phim “H”.
Ngày 30/5/2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 807/TTg-KTTH về kinh phí sản xuất bộ phim “H”. Thủ tướng đồng ý tổng chi phí sản xuất bộ phim “H” là 44.237.604.978 đồng và cho phép tính lãi vay theo lãi suất Ngân hàng nhà nước ở từng thời điểm và các quy định của pháp luật là 4.686.600.000 đồng.
Ngày 25/12/2018, nguyên đơn và bị đơn lập Biên bản nghiệm thu hợp đồng thực hiện sản xuất bộ phim truyện truyền hình “H” số 01/NTHĐSXP-ĐA. Theo nội dung biên bản nguyên đơn đã hoàn thành việc sản xuất bộ phim truyền hình “H” đảm bảo yêu cầu về nội dung, chất lượng, độ dài và thời gian theo cam kết của Hợp đồng số 38/HĐ- CĐA, ngày 31/5/2010 và được bị đơn cấp phép phổ biến phim số 07/GPPBP- CĐA ngày 19/9/2012. Đồng thời, xác định tổng chi phí sản xuất phim theo Công văn số 807/TTg- KTTH ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ là 48.924.204.978 đồng (trong đó chi phí sản xuất phim là 44.237.604.978 đồng và lãi vay theo lãi suất Ngân hàng nhà nước ở từng thời điểm và các quy định của pháp luật là 4.686.600.000 đồng), số tiền nguyên đơn đã tạm ứng là 44.610.000.000 đồng.
Sau khi có Biên bản nghiệm thu hợp đồng số 01/NTHĐSXP-ĐA nêu trên và Công văn số 3570/VPCP- KTTH ngày 02/5/2019 của Văn phòng Chính phủ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về xử lý dứt điểm các tồn tại sau khi sản xuất phim “H”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây viết tắt là Bộ Văn hóa) đã ban hành Quyết định số 2035/QĐ- BVHTTDL ngày 11/6/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh tổng dự toán Dự án sản xuất phim truyện truyền hình video “H” bằng kinh phí đặt hàng của nhà nước và Quyết định số 3612/QĐ-BVHTTDL ngày 17/10/2019 về việc phê duyệt quyết toán kinh phí sản xuất phim truyện truyền hình video “H” bằng kinh phí đặt hàng của nhà nước do nguyên đơn thực hiện. Theo đó, phê duyệt quyết toán tổng chi phí sản xuất phim “H” do nguyên đơn thực hiện là 50.669.612.757 đồng. Trong đó, nguyên đơn đã tạm ứng là 44.610.000.000 đồng, bị đơn làm thất thoát 5.490.000.000 đồng (số kinh phí này Bộ Tài chính đã giao dự toán cho Bộ Văn hóa và bị đơn để thanh toán tiến độ sản xuất bộ phim từ năm ngân sách 2010, tuy nhiên bị đơn đã làm thất thoát trong một vụ án khác năm 2011, nên từ năm 2011 đến nay không có kinh phí cấp cho nguyên đơn sản xuất theo tiến độ và theo quy định hiện hành về nghiệm thu, thanh lý hợp đồng), ngân sách cấp thiếu đến khi quyết toán là 569.612.757 đồng (số tiền ngân sách còn thiếu được bù trừ với nguồn thu phát hành phim tại Quyết định số 3612/QĐ-BVHTTDL ngày 17/10/2019).
Căn cứ trên Quyết định số 3612/QĐ- BVHTTDL ngày 17/10/2019, bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền là 6.059.612.757 đồng.
Ngay sau khi có Quyết định số 3612/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thì nguyên đơn đề nghị bị đơn thanh toán số tiền công nợ còn thiếu nêu trên theo thỏa thuận Hợp đồng số 38/HĐ- CĐA ngày 31/5/2010 và Phụ lục bổ sung Hợp đồng số 04/2014/PLHĐ ngày 28/7/2014. Tuy nhiên, đến nay bị đơn vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ này nên nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết:
- Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 5.490.000.000 đồng là khoản tiền nguyên đơn đã sản xuất bộ phim “H” theo đơn đặt hàng của bị đơn và tiền lãi chậm trả tính từ 13/8/2013 đến khi Tòa án xét xử sơ thẩm (20 %/năm).
- Yêu cầu bị đơn tiếp tục thanh toán tiền lãi cho đến ngày xét xử vụ án và cho đến ngày thi hành án xong.
Bị đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:
Năm 2010, bị đơn được Bộ Văn hóa giao nhiệm vụ là cơ quan đặt hàng nguyên đơn sản xuất bộ phim truyền hình nhiều tập “H” Hợp đồng số 38 giữa hai bên. Kinh phí do Bộ Văn hóa cấp cho bị đơn và toàn bộ kinh phí làm phim bị đơn đã nhận đủ từ Bộ Văn hóa.
Bộ phim đã hoàn thành và được cấp giấy phép Phổ biến phim số 07/GPPBP- CĐA/2012V ngày 09/9/2012. Số liệu về kinh phí sản xuất bộ phim đến thời điểm này cụ thể như sau:
- Tổng chi phí sản xuất phim Công ty được thanh toán (theo Quyết định phê duyệt quyết toán số 3612/QĐ- BVHTTDL ngày 17/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa) là 50.669.612.757 đồng. Bao gồm:
+ Chi phí sản xuất bộ phim (chưa có thuế GTGT) là 48.479.945.483 đồng;
+ Thuế GTGT nguyên đơn đã nộp ngân sách nhà nước (được Kiểm toán nhà nước xác nhận) là 444.259.495 đồng;
+ Thuế GTGT nguyên đơn còn phải nộp ngân sách nhà nước là 1.745.407.779 đồng;
- Kinh phí sản xuất phim nguyên đơn đã tạm ứng là 44.610.000.000 đồng;
- Kinh phí sản xuất phim bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn, bù trừ với khoản thu hồi nộp ngân sách nhà nước tiền bản quyền phát sóng bộ phim trên truyền hình nguyên đơn phải nộp là 569.612.757 đồng;
- Kinh phí sản xuất phim bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn là 5.490.000.000 đồng.
Việc bị đơn nợ nguyên đơn 5.490.000.000 đồng chi phí sản xuất bộ phim “H” là do nguyên nhân bất khả kháng từ vụ thất thoát kinh phí xảy ra tại bị đơn năm 2011. Số kinh phí bị thất thoát được Thủ tướng Chính phủ cho phép khoanh lại, không giảm trừ vào dự toán các năm sau của bị đơn (Công văn số 3606/VPCP- KTTH ngày 23/5/2012 của Văn phòng Chính phủ và Công văn số 1739/BVHTTDL- KHTC ngày 05/6/2012 của Bộ Văn hóa). Trong số kinh phí bị đơn bị thất thoát khi đó có 5.490.000.000 đồng kinh phí được cấp cho sản xuất bộ phim “H” của nguyên đơn.
Vụ việc đã được giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an xử lý nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Về nội dung này, Bộ Văn hóa đã có Công văn số 751/BVHTTDL- ĐA ngày 10/3/2022 và Công văn số 1391/BVHTTDL- ĐA ngày 25/4/2022 đề nghị Bộ Công an xác nhận về tình trạng hiện tại của vụ thất thoát, để xác định khả năng thu hồi khoản kinh phí bị thất thoát, trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết số kinh phí bị thất thoát chưa xử lý được, nhằm thanh quyết toán dứt điểm các dự án hoàn thành có liên quan đến vụ thất thoát, trong đó có dự án sản xuất bộ phim “H” của nguyên đơn.
Để giải quyết dứt điểm khoản công nợ sản xuất phim này, bị đơn đã rất tích cực đề xuất Bộ Văn hóa phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp bổ sung khoản kinh phí sản xuất phim đã bị thất thoát nói trên để thanh toán cho đơn vị sản xuất phim, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có được kết quả như đề xuất của bị đơn.
Hiện nay, bị đơn thừa nhận chưa thanh toán cho nguyên đơn số tiền 5.490.000.000 đồng là khoản tiền nguyên đơn đã sản xuất bộ phim “H” theo đơn đặt hàng của bị đơn.
Đối với khoản lãi suất chậm trả cho số tiền trên, bị đơn không đồng ý thanh toán.
Ngày 20/06/2022, bị đơn có đơn yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án:
Buộc nguyên đơn chuyển trả toàn bộ số tiền thu phát hành phim “H” còn lại và tiền lãi phát sinh theo số liệu đã thống nhất giữa hai bên. Số tiền yêu cầu chuyển trả tạm tính đến ngày 20/6/2022 là 10.783.815.722 đồng. Trong đó:
- Tiền thu phát hành phim là 4.588.857.754 đồng;
- Tiền lãi chậm thanh toán (theo lãi suất 15% tạm tính từ tháng 6/2013 đến tháng 5/2022) là 6.194.957.968 đồng.
- Thu hồi các loại vật tư, dụng cụ, công cụ, phương tiện vận tải, phục trang... được mua sắm từ nguồn ngân sách để bàn giao, quản lý, bán thu hồi nộp ngân sách theo nội dung Quyết định số 38/QĐ-BVHTTDL ngày 07/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và theo các quy định của pháp luật hoặc hoàn trả bằng số tiền tương ứng (trong trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật). Tổng số tiền ngân sách nhà nước đã chi cho các hạng mục này thuộc phần chi phí thiết kế mỹ thuật theo Báo cáo kiểm toán chi phí sản xuất bộ phim “H” ngày 29/7/2013 của Kiểm toán nhà nước là 2.724.691.832 đồng.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, nguyên đơn có ý kiến như sau:
Nguyên đơn không đồng ý thanh toán số tiền phát hành phim (sau khi trừ các chi phí cần thiết) còn lại là 4.588.857.754 đồng và tiền lãi vì theo chủ trương của nhà nước thì khoản tiền này phải nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bị đơn không có văn bản nào yêu cầu nguyên đơn phải nộp số tiền trên vào tài khoản nào nên nguyên đơn chưa có cơ sở để chuyển số tiền trên vào ngân sách hơn nữa các bên cũng không có thỏa thuận về việc thanh toán khoản tiền này nên nguyên đơn không đồng ý đối trừ khoản tiền phát hành phim vào khoản tiền bị đơn còn chưa thanh toán cho nguyên đơn.
Đối với việc bị đơn yêu cầu thu hồi các loại vật tư, vật dụng, công cụ, phương tiện vận tải, phục trang,… trị giá 2.724.691.832 đồng, nguyên đơn không đồng ý thanh toán vì các bên chưa có biên bản chốt các loại đạo cụ nào sử dụng một lần, đạo cụ nào có thể thanh lý, đạo cụ nào phải giao trả... Trong Hợp đồng đặt hàng và các phụ lục Hợp đồng không có thỏa thuận về việc trách nhiệm của nguyên đơn là phải thanh lý và trả tiền cho bị đơn, do đó khi nào bị đơn có danh sách các vật dụng, đạo cụ, phục trang... sử dụng để làm phim thì nguyên đơn sẽ giao trả cho bị đơn. Nguyên đơn không đồng ý thanh toán tiền.
Tại Bản án sơ thẩm số 118/2022/KDTM- ST ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân quận B đã quyết định:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền 10.431.000.000 đồng, trong đó tiền còn thiếu theo Hợp đồng số 38 là 5.490.000.000 đồng, tiền lãi chậm trả là 4.941.000.000 đồng.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn. Buộc nguyên đơn phải trả cho bị đơn bản gốc của bộ phim “H” sau khi bị đơn thanh toán xong toàn bộ khoản tiền còn thiếu 10.431.000.000 đồng cho nguyên đơn.
Giành quyền khởi kiện cho bị đơn bằng một vụ kiện kinh doanh thương mại khác đối với yêu cầu nguyên đơn thanh toán khoản tiền thu được từ việc phát hành phim và thanh toán, thu hồi, giao trả các vật tư, trang thiết bị... sử dụng trong quá trình hoàn thành bộ phim khi bị đơn có đủ điều kiện khởi kiện.
Bác các yêu cầu khác của các đương sự Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo, quyền thi hành án của các bên đương sự.
Không đồng ý với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nêu trên:
- Nguyên đơn kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm số 118/2022/KDTM - ST ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân quận B về phần tiền lãi chậm trả của Bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền nợ gốc là 5.490.000.000 đồng là tiền còn thiếu của Hợp đồng số 38 và số tiền lãi chậm trả. Tổng số tiền gốc và lãi bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 12.164.411.096 đồng.
- Bị đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 118/2022/KDTM- ST ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân quận B, vì Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa đánh giá xem xét toàn diện các tài liệu chứng cứ trong vụ án.
Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bị đơn có đơn trình bày đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét:
- Ngày 02/02/2010, bị đơn đã ký Hợp đồng số 36 với nguyên đơn đặt hàng thực hiện 03 tập (1, 2 và 3) bộ phim “Huyền thoại đường 1C”.
- Ngày 31/5/2010, bị đơn ký Hợp đồng số 38 với nguyên đơn để sản xuất 20 tập bộ phim truyện truyền hình “H”, giá trị hợp đồng là 20 tỷ đồng (đã bao gồm các khoản thuế phải nộp theo đúng quy định của pháp luật). Hợp đồng số 38 đã thay thế Hợp đồng số 36.
- Ngày 12/01/2011, bị đơn đã ký Phụ lục số 01 với nội dung giá trị hợp đồng bổ sung thêm 9.244.000.000 đồng (đã bao gồm thuế), thời gian hoàn thành là tháng 12/2011. Như vậy, tổng giá trị hợp đồng là 29.244.000.000 đồng.
- Ngày 30/8/2011, bị đơn đã ký Phụ lục số 02 về việc sản xuất 20 tập bộ phim truyền hình “Huyền thoại đường 1C”.
- Ngày 23/3/2012, bị đơn đã ký Phụ lục số 03 với nội dung giá trị thực hiện hợp đồng bổ sung thêm 5.100.000.000 đồng. Như vậy, tổng giá trị hợp đồng là 34.344.000.000 đồng.
- Ngày 28/7/2014, bị đơn đã ký Phụ lục số 04 với nội dung giá trị thực hiện hợp đồng được điều chỉnh là 48.924.204.978 đồng.
- Ngày 25/12/2018, bị đơn ký Biên bản nghiệm thu hợp đồng thực hiện sản xuất bộ phim truyện truyền hình “H” số 01.
- Ngày 21/01/2021, bị đơn ký Biên bản nghiệm thu đặt hàng sản xuất bộ phim truyện truyền hình “H” với 22 tập phim (45 phút/tập).
Theo Biên bản này thì tổng chi phí sản xuất phim là 50.669.612.575 đồng, số tiền làm phim mà bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn là 5.490.000.000 đồng.
Thời điểm thanh toán là sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nguồn kinh phí sản xuất phim bị thất thoát tại bị đơn năm 2011. Nguyên đơn phải nộp ngân sách nhà nước cho Bộ Văn hóa (qua Cục Đ) số tiền 4.588.857.754 đồng là chi phí phát hành phim và nộp tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra với số tiền là 1.745.407.779 đồng vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước tỉnh C.
Số tiền bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn chỉ còn là 5.490.000.000 đồng - 4.588.857.754 đồng = 901.142.246 đồng.
Theo Quyết định số 38 ngày 07/01/2011 và Quyết định số 2035 ngày 11/6/2019 của Bộ Văn hóa thì nguyên đơn còn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bàn giao, quản lý, bán thu hồi nộp ngân sách nhà nước đối với các loại vật tư, dụng cụ, công cụ, phương tiện vận tải, phục trang... với số tiền mà nguyên đơn đã thực hiện, đã quyết toán và cũng đã được kiểm toán là hơn 3.909.036.159 đồng. Sau khi trừ khấu hao theo quy định của pháp luật thì số tiền còn lại là 2.003.923.179 đồng.
Theo Quyết định số 2035 ngày 11/6/2019 của Bộ Văn hóa, hồ sơ thanh quyết toán của nguyên đơn đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán, các Báo giá liên quan đến sản xuất, mua công cụ, dụng cụ, trang phục do nguyên đơn lập, lấy và bảng thuyết minh chi tiết sản xuất một số đạo cụ do nguyên đơn lập, thì tổng số tiền phát hành phim mà nguyên đơn phải nộp ngân sách nhà nước cho Bộ Văn hóa (qua Cục Đ) là 4.588.857.754 đồng.
Tổng số tiền nguyên đơn phải có trách nhiệm thanh toán, hoàn trả cho bị đơn liên quan đến vật tư, dụng cụ, công cụ, phương tiện vận tải, phục trang... được mua sắm từ nguồn ngân sách mà nguyên đơn phải bàn giao, quản lý, bán thu hồi nộp trả cho bị đơn là 2.003.923.179 đồng.
Nguyên đơn còn phải thực hiện các nghĩa vụ bàn giao cho bị đơn toàn bộ hiện vật gốc làm phim là:
- Tư liệu gốc dùng trong chuyên môn do nguyên đơn mua từ kinh phí do ngân sách nhà nước cấp với tiền 81.503.346 đồng để bị đơn lưu hồ sơ theo đúng quy định.
- Phim ảnh chụp từ vật tư do nguyên đơn mua từ kinh phí do ngân sách nhà nước cấp với số tiền là 11.545.455 đồng để bị đơn lưu hồ sơ theo đúng quy định.
- Băng dựng HD do nguyên đơn mua từ kinh phí do ngân sách nhà nước cấp với số tiền là 20.141.000 đồng để bị đơn lưu hồ sơ theo đúng quy định.
- Toàn bộ các băng đĩa của bộ phim “H” (bản gốc và bản quyền) để bị đơn lưu hồ sơ và vì đây là tài sản, bản quyền của bị đơn.
- Bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền có giá trị 5.490.000.000 đồng là không có cơ sở pháp lý, không đúng với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không đúng sự thật khách quan, không đúng quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, của bị đơn.
- Bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi của số tiền 5.490.000.000 đồng từ ngày 12/8/2013 đến ngày 12/8/2022 có giá trị là 4.941.000.000 đồng là không có căn cứ, không có cơ sở vì:
Bị đơn không có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thanh toán số tiền này vì số tiền mà nguyên đơn còn phải nộp, thanh toán cho bị đơn tiền phát hành phim là 4.588.857.754 đồng và tiền thanh lý vật tư, vật liệu, trang thiết bị… được mua sắm từ ngân sách nhà nước là 2.003.923.179 đồng.
Thời gian tính lãi trong Bản án sơ thẩm không đúng vì:
Ngày 11/6/2019, Bộ Văn hóa mới có Quyết định số 2035 về việc phê duyệt điều chỉnh tổng dự toán số tiền là 50.669.613.000 đồng.
Ngày 17/10/2019, Bộ Văn hóa mới có Quyết định số 3612 về việc phê duyệt quyết toán kinh phí sản xuất phim tổng chi phí là 50.669.612.757 đồng.
Ngày 21/01/2021, bị đơn mới ký Biên bản nghiệm thu đặt hàng sản xuất bộ phim truyện truyền hình “H”.
Bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi là 4.941.000.000 đồng là không có căn cứ pháp luật, không đúng với diễn biến vụ việc và hồ sơ tài liệu chứng cứ có trong vụ án vì số tiền mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn còn ít hơn số tiền mà nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn. Nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn tổng cộng là 6.592.780.933 đồng, trong đó tiền phát hành phim có giá trị là 4.588.857.754 đồng và tiền thanh lý vật tư, vật liệu, trang thiết bị... được mua sắm từ ngân sách nhà nước sau khi trừ khấu hao có giá trị là 2.003.923.179 đồng.
Bị đơn đã làm đơn phản tố yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn là 4.588.857.754 đồng và hoàn trả cho bị đơn bằng hiện vật và bằng tiền liên quan đến các tài sản, công cụ, dụng cụ, trang thiết bị máy móc, trang phục... được mua sắm từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước mà nguyên đơn đã mua, đã quyết toán và đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán xác nhận theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 38 ngày 07/01/2011 và Quyết định số 2035 ngày 11/6/2019 của Bộ Văn hóa.
Bản án sơ thẩm đã tuyên giành quyền khởi kiện cho bị đơn bằng một vụ kiện kinh doanh thương mại khác đối với yêu cầu nguyên đơn thanh toán khoản tiền thu được từ việc phát hành phim và thanh toán, thu hồi, giao trả các vật tư, trang thiết bị... sử dụng trong quá trình hoàn thành khi bị đơn có đủ điều kiện khởi kiện là sai, không đúng quy định của pháp luật.
Bị đơn đã thực hiện việc phản tố đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự. Việc phản tố của bị đơn đối với khoản tiền thu được từ việc phát hành bộ phim “H” là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Nguyên đơn đang giữ số tiền phát hành phim có giá trị là 4.588.857.754 đồng.
Nguyên đơn thừa nhận đang giữ số tiền này.
Nguyên đơn đã phát hành bộ phim “H” trên thực tế và thu được tiền phát hành bộ phim “H” với tổng số tiền là 5.158.470.511 đồng, trong đó đã sử dụng 569.612.575 đồng từ tiền thu bản quyền phát sóng này để quyết toán, thanh toán tiền làm phim cho nguyên đơn nên số tiền bản quyền phát hành phim mà nguyên đơn phải nộp trả cho bị đơn là 4.588.857.754 đồng để bị đơn nộp cho Bộ Văn hóa để nộp trả ngân sách nhà nước.
Như vậy, các yêu cầu phản tố của bị đơn đáp ứng được đầy đủ cả 3 tiêu chí theo quy định của pháp luật đó là để bù trừ nghĩa vụ đối với yêu cầu của nguyên đơn, loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và đặc biệt giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn có liên quan với nhau, đan xen nhau cần phải được xem xét, đánh giá và giải quyết một cách tổng thể trong cùng một vụ án thì mới chính xác và nhanh hơn. Việc tách yêu cầu phản tố của bị đơn thành một vụ án riêng sẽ làm cho việc giải quyết từng vụ án gặp nhiều khó khăn, không chính xác.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn buộc nguyên đơn phải trả bản gốc bộ phim “H” cho bị đơn và thu hồi các loại vật tư, dụng cụ, công cụ, phương tiện vận tải, phục trang:
Điều 2 Quyết định số 2035 ngày 11/6/2019 của Bộ Văn hóa, việc thu hồi các loại vật tư, dụng cụ, công cụ, phương tiện vận tải, phục trang... được mua sắm từ nguồn ngân sách để bàn giao, quản lý, bán thu hồi nộp ngân sách là có căn cứ và theo các quy định của pháp luật hoặc hoàn trả bằng số tiền tương ứng (trong trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật) là đúng. Tổng số tiền ngân sách nhà nước đã chi cho các hàng mục này thuộc phần chi phí thiết kế mỹ thuật theo Báo cáo kiểm toán là 2.724.691.832 đồng là đúng và có cơ sở nhưng Bản án sơ thẩm lại không chấp nhận là không đúng vì thực tế nguyên đơn đã mua, đã quyết toán kinh phí mua các máy móc, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, trang phục... bằng tiền ngân sách nhà nước cấp và đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán xác nhận.
Tổng kinh phí ngân sách nhà nước mà nguyên đơn đã sử dụng để mua tài sản, máy móc, công cụ, dụng cụ, trang phục... là 3.909.036.159 đồng.
Về nội dung kháng cáo buộc nguyên đơn phải nộp 1.745.407.799 đồng tiền thuế giá trị gia tăng:
Theo quy định Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008, Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng đã quy định, thì nguyên đơn là bên cung cấp dịch vụ, thực hiện bộ phim theo đặt hàng của nhà nước nên phải có nghĩa vụ, trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng. Tại Biên bản nghiệm thu ký ngày 21/01/2021 đã quy định nguyên đơn phải có nghĩa vụ, trách nhiệm nộp 1.745.407.779 đồng tiền thuế cho Kho bạc nhà nước tỉnh C.
Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm:
1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn đối với Bản án sơ thẩm số 118/2022/KDTM- ST ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân quận B.
2. Sửa Bản án sơ thẩm số 118/2022/KDTM- ST ngày 30, 31/8/2022 của Tòa án nhân dân quận B, cụ thể:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
Đối trừ số tiền mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn liên quan đến tiền làm phim là 5.490.000.000 đồng và số tiền phát hành phim mà nguyên đơn phải nộp trả cho bị đơn để bị đơn nộp trả ngân sách nhà nước là 4.588.857.754 đồng.
Số tiền làm phim mà bị đơn còn phải trả cho nguyên đơn chỉ còn lại là 901.142.246 đồng.
Số tiền này sẽ đối trừ với số tiền mà nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn liên quan đến các tài sản, vật tư, công cụ, dụng cụ, phương tiện vận tải, trang phục… được mua sắm từ ngân sách nhà nước có giá trị là 2.003.923.179.
Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu nguyên đơn còn phải thanh toán cho bị đơn số tiền là 1.102.780.933 đồng.
- Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn liên quan đến đòi bị đơn phải thanh toán tiền lãi đến ngày 28/3/2022 với số tiền lãi là 10.428.804.000 đồng và tiền lãi cho đến ngày xét xử sơ thẩm vì không có căn cứ, không có cơ sở pháp lý.
Hủy bỏ nội dung yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm trả cho nguyên đơn có giá trị là 4.941.000.000 đồng trong Bản án sơ thẩm.
- Buộc nguyên đơn phải hoàn trả bằng hiện vật cho bị đơn gồm:
- Tư liệu gốc dùng trong chuyên môn do nguyên đơn mua từ kinh phí do ngân sách nhà nước cấp số tiền là 81.503.346 đồng để bị đơn lưu hồ sơ theo đúng quy định.
- Phim ảnh chụp từ vật tư do nguyên đơn mua từ kinh phí do ngân sách nhà nước cấp với số tiền là 11.545.455 đồng để bị đơn lưu hồ sơ theo đúng quy định.
- Băng dựng HD do nguyên đơn mua từ kinh phí do ngân sách nhà nước cấp với số tiền là 20.141.000 đồng để bị đơn lưu hồ sơ theo đúng quy định.
- Toàn bộ các băng đĩa của bộ phim “H” (bản gốc và bản quyền) để bị đơn lưu hồ sơ và vì đây là tài sản, bản quyền của bị đơn.
- Buộc nguyên đơn phải nộp ngay cho Cục thuế tỉnh C tiền thuế cho Nhà nước với số tiền là 1.745.407.779 đồng theo đúng yêu cầu của Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa và có đơn rút đơn kháng cáo và rút một phần yêu cầu khởi kiện là đồng ý đối trừ tiền phát hành phim cho bị đơn và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tính lãi trên số tiền bị đơn còn nợ nguyên đơn theo quy định của pháp luật.
Đại diện ủy quyền của bị đơn trình bày lại các căn cứ nêu trên và đề nghị Hội đồng xét xử sửa lại Bản án sơ thẩm như văn bản đã trình bày.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:
Về thủ tục tố tụng: nguyên đơn và bị đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo là hợp lệ. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm nguyên đơn có đơn xin rút kháng cáo và đồng ý đối trừ tiền phát hành phim cho bị đơn, đây là tự nguyện của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của nguyên đơn.
Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, bị đơn đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về nội dung kháng cáo của bị đơn:
- Đối với yêu cầu buộc Công ty T chuyển trả toàn bộ số tiền thu phát hành phim “H” là 4.588.857.754 đồng.
Từ năm 2012, nguyên đơn đã phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình để phát sóng bộ phim “H” trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam và các đài phát thanh, truyền hình địa phương. Tại Công văn số 5847/BTC-HCSN ngày 29/4/2016 của Bộ Tài chính và xác nhận của Kiểm toán nhà nước tại Công văn số 1646/KTNN- CNIII ngày 28/12/2016 xác định nguồn thu bản quyền phát sóng phim là 5.158.470.511 đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có Công văn 37222 ngày 2/4/2018 trình Thủ tướng chính phủ giữ là số tiền 569.612.757 đồng để quyết toán chi phí làm phim. Do đó, số tiền còn lại phát sóng phim là 4.588.857.754 đồng.
Nguyên đơn cũng chấp nhận kết quả kiểm toán chi phí phát hành phim thể hiện tại Công văn số 09/TNP- TB ngày 10/3/2017 cụ thể kinh phí thu tiền bản quyền phát sóng bộ phim trên truyền hình nguyên đơn phải chuyển cho bị đơn để nộp ngân sách nhà nước là 4.588.857.754 đồng. Tại giai đoạn phúc thẩm, nguyên đơn cũng đồng ý đối trừ khoản tiền phát hành phim nên cần sửa lại phần Bản án sơ thẩm về vấn đề này, như sau:
- Đối với số tiền sản xuất phim bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền 5.490.000.000 đồng, số tiền chậm thanh toán từ ngày 13/8/2013 đến 28/12/2016 (3 năm 4 tháng 15 ngày) lãi suất 10% tương ứng với số tiền 1.852.875.000 đồng.
- Đối trừ số tiền phát hành phim bị đơn đang còn giữ là 5.490.000.000 đồng - 4.588.857.754 đồng = 901.142.246 đồng. Số tiền chậm thanh toán từ ngày 29/12/2016 đến 13/8/2022 (5 năm 7 tháng 13 ngày) lãi suất 10% tương ứng với số tiền 503.384.967 đồng.
Sau khi đối trừ thanh toán bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 2.356.259.967 đồng.
Đối với yêu cầu buộc nguyên đơn phải nộp 1.745.407.779 đồng tiền thuế của bị đơn và phần chi phí thiết kế mỹ thuật theo Báo cáo kiểm toán chi phí sản xuất phim “H” ngày 29/7/2013 của Kiểm toán nhà nước là 2.724.691.832 đồng.
Đề xuất áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật Điện ảnh năm 2006 và Nghị quyết số 326/2016 về án phí lệ phí Tòa án:
- Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn;
- Sửa Bản án kinh doanh thương mại số 118/2022/KDTM- ST ngày 30 và 31/08/2022 của Tòa án nhân dân quận B theo hướng phân tích trên.
- Về án phí: do kháng cáo được chấp nhận một phần nên bị đơn, nguyên đơn rút kháng cáo nên cả nguyên đơn và bị đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả hỏi tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng: nguyên đơn và bị đơn là hai doanh nghiệp tranh chấp phát sinh từ hợp đồng nên là tranh chấp về kinh doanh thương mại. Bị đơn có trụ sở tại quận B nên Tòa án nhân dân quận B thụ lý giải quyết sơ thẩm là đúng quy định định tại khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.
Nguyên đơn, bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn là hợp lệ. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn gửi đơn xin rút kháng cáo và rút một phần yêu cầu khởi kiện và đồng ý đối trừ tiền phát hành phim cho bị đơn và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Về tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do nguyên đơn và bị đơn nộp cho Tòa án sơ thẩm, có một số tài liệu là bản photocopy, đóng dấu của nguyên đơn hoặc bị đơn chưa được công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc chưa được đối chiếu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn cũng thừa nhận tất cả các tài liệu kể trên đều đúng với bản gốc mà các bên nhận được hoặc hiện đang lưu giữ nên đây là những chứng cứ không cần chứng minh.
Đối vối các khoản tiền mà bị đơn còn nợ nguyên đơn là 5.490.000.000 đồng. Số tiền phát hành phim nguyên đơn còn phải nộp lại cho bị đơn để trả vào ngân sách nhà nước là 4.588.857.754 đồng. Số tiền đối trừ nghĩa vụ giữa nguyên đơn, bị đơn là 901.142.246 đồng. Số tiền thuế nguyên đơn còn phải nộp cho Kho bạc nhà nước là 1.745.407.779 đồng. Các bên đã thống nhất thừa nhận về số liệu các khoản tiền trên, đây là tình tiết không cần chứng minh.
Về nội dung kháng cáo của nguyên đơn Hội đồng xét xử thấy: tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ việc giải quyết phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
Về kháng cáo của bị đơn Hội đồng xét xử thấy:
Đối với yêu cầu đối trừ tiền phát hành phim, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, nguyên đơn đã có văn bản trình bày việc đồng ý đối trừ nên Hội đồng xét xử xét thấy việc kháng cáo của bị đơn là có cơ sở nên cần chấp nhận sửa án sơ thẩm về vấn đề này.
Đối với yêu cầu xem xét lại việc tính lãi của bị đơn, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy Bản án sơ thẩm tính lãi suất chậm trả 10%/năm là có căn cứ. Tuy nhiên, thời điểm tính lãi và số tiền tính lãi là chưa chính xác cần sửa lại như sau:
Ngày 28/7/2014, nguyên đơn và bị đơn ký Phụ lục số 04 điều chỉnh kinh phí làm phim tăng lên 48.924.204.978 đồng, bị đơn đã nhận tạm ứng là 44 tỷ đồng. Như vậy, bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền là 4.924.204.978 đồng, bị đơn chưa trả được cho nguyên đơn do cán bộ của bị đơn chiếm đoạt, tại phiên tòa phúc thẩm ông Vi Kiến T là người đại diện theo pháp luật của bị đơn cũng cho biết là nguyên đơn không có lỗi trong việc này, do đó cần phải tính tiền lãi cho nguyên đơn từ ngày 28/7/2014 không phải tính từ ngày 13/8/2013.
Tại Quyết định số 2035 ngày 11/6/2019 của Bộ Văn hóa đã phê duyệt kinh phí làm phim là 50.669.613.000 đồng trong đó xác định số tiền bị đơn còn nợ nguyên đơn là 5.490.000.000 đồng. Số tiền phát hành phim nguyên đơn còn phải nộp lại cho bị đơn để trả vào ngân sách nhà nước là 4.588.857.754 đồng. Số tiền đối trừ nghĩa vụ giữa nguyên đơn, bị đơn là 901.142.246 đồng.
Như vậy, sau khi đối trừ bị đơn còn nợ nguyên đơn là 901.142.246 đồng, tiền lãi từ ngày 11/6/2019 được tính trên số tiền 901.142.246 đồng cho đến ngày xét xử sơ thẩm. Cách tính như sau:
- Ngày 28/7/2014 đến ngày 10/6/2019 số tiền lãi bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 4.924.204.978 đồng x 10%/năm = 2.557.887.912 đồng.
- Ngày 11/6/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm 31/8/2022 số tiền lãi bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 901.142.246 đồng x 10%/năm = 290.587.176 đồng.
Tổng cộng số tiền cả gốc và lãi bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 3.749.617.339 đồng.
Đối với kháng cáo bị đơn yêu cầu nguyên đơn còn phải nộp tiền thuế VAT là 1.745.407.779 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy đây là nghĩa vụ của nguyên đơn đối với nhà nước và khi nào cơ quan thuế có yêu cầu nguyên đơn sẽ có nghĩa vụ phải nộp. Đây không phải là quyền của bị đơn nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Đối với kháng cáo của bị đơn liên quan đến phần Bản án sơ thẩm giành quyền khởi kiện cho bị đơn bằng một vụ kiện kinh doanh thương mại khác đối với yêu cầu nguyên đơn thu hồi, giao trả các vật tư, trang thiết bị... sử dụng trong quá trình hoàn thành bộ phim khi bị đơn có đủ điều kiện khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy hiện nay nguyên đơn và bị đơn chưa làm việc đối chiếu với nhau về những vật tư, trang thiết bị... sử dụng trong quá trình hoàn thành bộ phim. Tại Công văn ngày 09/2/2023, bị đơn gửi cho nguyên đơn, bị đơn yêu cầu nguyên đơn về vấn đề này. Do đó, Bản án sơ thẩm giành quyền khởi kiện cho bị đơn trong một vụ án khác là có căn cứ pháp luật.
Về án phí: do sửa lại Bản án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử sửa lại phần án phí sơ thẩm đối với bị đơn. Nguyên đơn rút kháng cáo, bị đơn được chấp nhận một phần kháng cáo nên nguyên đơn và bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.
Rút kinh nghiệm Tòa án sơ thẩm thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm không đúng quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ:
- Các điều 293, 294 và 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Căn cứ khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
Xö:
1. Chấp nhận việc rút kháng cáo của Công ty T. Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty T.
2. Chấp nhận một phần kháng cáo của Cục Đ, chấp nhận một phần phản tố của Cục Đ, chấp nhận việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty T sửa lại Bản án sơ thẩm số 118/2022/KDTM- ST ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân quận B như sau:
- Buộc Cục Đ phải trả cho Công ty T số tiền còn nợ bao gồm gốc và lãi sau khi đối trừ tiền phát hành phim là 3.749.617.339 đồng.
- Buộc Công ty T phải trả cho Cục Đ bản gốc bộ phim “H”.
- Giành quyền khởi kiện cho Cục Đ bằng một vụ kiện khác đối với yêu cầu Công ty T trả lại các loại vật tư, dụng cụ, công cụ, phương tiện vận tải, phục trang… sử dụng trong quá trình hoàn thành bộ phim khi Cục Đ có đủ điều kiện khởi kiện.
3. Về án phí:
- Án phí sơ thẩm: Cục Đ phải chịu 106.992.347 (một trăm linh sáu triệu chín trăm chín mươi hai nghìn ba trăm bốn mươi bảy) đồng. Hoàn trả lại Công ty T số tiền tạm ứng án phí 56.745.000 (năm mươi sáu triệu bảy trăm bốn mươi lắm nghìn) đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền số AA/2020/68371 của Chi cục thi hành án dân sự quận B.
- Án phí phúc thẩm: hoàn trả cho Cục Đ và Công ty T số tiền 3.000.000 (ba triệu) đồng đã nộp theo Biên lai 0213 ngày 26/9/2022 và Biên lai số 2419 ngày 28/9/2022 của Chi cục thi hành án quận B.
4. Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt hàng số 45/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 45/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 17/03/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về