Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc số 554/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 554/2023/KDTM-PT NGÀY 11/05/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC

Trong các ngày 19/4/2023 và 11/5/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 34/2023/TLPT- KDTM ngày 21 tháng 02 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 230/2022/KDTM-ST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1104/2023/QĐ-PT ngày 15/3/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 3244A/2023/QĐ-PT ngày 06/4/2023, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 4504/2023/QĐ-PT ngày 19/4/2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần K Trụ sở chính: Phòng 310-11, 312&301, tầng A, tòa nhà S Center, số 37 đường T, phường B, Quận A, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Phạm Lan H, sinh năm 1983 - đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 11/12/2020); Địa chỉ: Phòng 310-11, 312&301, tầng A, tòa nhà S Center, số 37 đường T, phường B, Quận A, Thành phố H. (Có mặt) 2. Bị đơn: CCông ty Cổ phần F Trụ sở chính: Số 130, đường Trần Quang K, phường T, Quận A, Thành phố H.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đặng Quang V (có mặt ngày 19/4/2023, vắng mặt ngày 11/5/2023).

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Phạm Thị Ngọc L, sinh năm 1997 - đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 05/10/2022); Địa chỉ: C2- 02.OT04 Central A, Vinhomes Central Park, số 720A, đường Đ, Phường C, quận B, Thành phố H (Có mặt)

Người làm chứng:

1.1 Ông Nguyễn Việt H, sinh năm 1958 (Vắng mặt)

1.2 Bà Lê Thị Hoàng H, sinh năm 1973 (Vắng mặt)

1.3 Ông Đoàn Thiện T, sinh năm 1961 (Vắng mặt)

1.4 Bà Mai Thị Kim N, sinh năm 1987 (Vắng mặt)

1.5 Ông Võ Đăng C, sinh năm 1988 (Vắng mặt)

1.6 Bà Nguyễn Ngọc Khánh L, sinh năm 1989 (Vắng mặt)

Cùng địa chỉ liên hệ: Số 127 – 129, đường N, phường B, Quận A, Thành phố H.

* Người kháng cáo: Công ty Cổ phần Fiditour - là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án và quyết định của Bản án sơ thẩm như sau:

Theo đơn khởi kiện ngày 11/12/2020 và tại phiên tòa đại diện nguyên đơn trình bày:

Tháng 3/2019, nguyên đơn Công ty Cổ phần K (sau đây gọi là Công ty K) đã lựa chọn bị đơn Công ty Cổ phần F(sau đây gọi là Công ty F) là đơn vị tổ chức cho đoàn khách của nguyên đơn cùng các đối tác tham gia chương trình du lịch Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn 6 ngày 5 đêm và chương trình du lịch Sigapore 3 ngày 2 đêm. Dựa vào số lượng khách đăng ký tham gia chuyến du lịch nên bị đơn đã yêu cầu nguyên đơn phải tiến hành đặt cọc cho bị đơn số tiền 1.295.190.000 đồng và số tiền này bị đơn cam kết sẽ hoàn trả cho nguyên đơn sau khi nguyên đơn thanh toán chi phí đợt 1 cho bị đơn. Ngày 13/3/2019, nguyên đơn đã cử nhân viên đại diện chuyển đầy đủ số tiền 1.295.190.000 đồng vào số tài khoản của bị đơn (theo Giấy nộp tiền ngày 13/3/2019 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần A có nội dung: “Công ty CP H đặt cọc tiền du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn và Singapore tháng 04 + 05/2019”). Đến khi ký hợp đồng thì nguyên đơn và các đối tác đã ký riêng theo từng hợp đồng dịch vụ du lịch với bị đơn. Ngày 21/3/2019, nguyên đơn và bị đơn đã ký Hợp đồng dịch vụ du lịch nước ngoài số 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA. Theo nội dung hợp đồng thì bị đơn có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, tổ chức cho đoàn khách của nguyên đơn chuyến tham quan du lịch, cụ thể: Chương trình du lịch Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn 6 ngày 5 đêm thời gian chuyến đi đợt 1 từ ngày 23/4/2019 đến ngày 28/4/2019, đợt 2 từ ngày 07/5/2019 đến ngày 12/5/2019 và chương trình du lịch Singapore 3 ngày 2 đêm thời gian chuyến đi từ ngày 13/6/2019 đến ngày 15/6/2019, với tổng giá trị hợp đồng là 783.850.000 đồng.

Thực tế tính đến thời điểm đi, do có sự thay đổi số lượng người tham gia chuyến du lịch nên số tiền theo hợp đồng dịch vụ giữa các bên còn 780.050.000 đồng (sau đó Công ty bị đơn đã thực hiện xuất hóa đơn số 0105235, ngày 20/6/2019 cho nguyên đơn theo số tiền này, hóa đơn do đại diện theo pháp luật của bị đơn ký). Theo thỏa thuận tại hợp đồng, trong vòng 03 ngày làm việc sau khi ký hợp đồng, nguyên đơn phải thanh toán trước cho bị đơn 90% giá trị hợp đồng nên ngày 25/3/2019, nguyên đơn đã thanh toán cho bị đơn số tiền 705.465.000 đồng (theo Ủy nhiệm chi ngày 25/3/2019 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần A). Như vậy, nguyên đơn đã thanh toán đúng như thỏa thuận của các bên tại hợp đồng nhưng bị đơn vẫn chưa hoàn trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc bị đơn đã nhận.

Ngày 06/9/2019, nguyên đơn đã gửi email cho bị đơn để yêu cầu bị đơn hoàn trả số tiền cọc 1.295.190.000 đồng nhưng bị đơn vẫn không thực hiện. Như vậy, nguyên đơn tự nguyện trừ cho bị đơn phần giá trị còn lại của hợp đồng mà nguyên đơn chưa thanh toán cho bị đơn nên nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền là 1.295.190.000 đồng - 74.585.000 đồng = 1.220.605.000 đồng.

Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, đặt cọc không bắt buộc phải lập thành văn bản/hợp đồng và cũng không bắt buộc khoản cọc này phải ghi nhận trong hợp đồng hay phải cấn trừ nghĩa vụ thanh toán đến hạn. Do đó, việc giao nhận cọc giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo đảm việc giao kết hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật. Nguyên đơn đã nhiều lần liên hệ yêu cầu bị đơn hoàn trả tiền đặt cọc còn lại nhưng bị đơn vẫn không thanh toán.

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền là 1.220.605.000 đồng và buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định của pháp luật là 427.044.544 đồng (thời gian chậm trả được tính từ sau ngày nguyên đơn thanh toán chi phí đợt 1 cho bị đơn là ngày 26/3/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm ngày 23/9/2022 là 1277 ngày theo mức lãi suất 10%/năm). Tổng cộng nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền là 1.647.649.544 đồng, thanh toán ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

* Tại bản khai, biên bản hòa giải, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà Phạm Thị Ngọc L - người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty Cổ phần F trình bày ý kiến:

Bị đơn xác nhận Công ty Fiditour và Công ty K đã giao kết Hợp đồng dịch vụ du lịch nước ngoài số 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA ngày 21/3/2019 với tổng giá trị hợp đồng là: 783.850.000 đồng. Sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, bị đơn xác nhận vào ngày 13/3/2019 và ngày 21/3/2019 bị đơn lần lượt đã nhận được khoản tiền 1.295.190.000 đồng và 705.465.000 đồng từ Công ty K.

Tuy nhiên, tại thời điểm các bên giao kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ thì ban lãnh đạo điều hành cũ của bị đơn là các ông/bà Nguyễn Việt H, Lê Thị Hoàng H, Đoàn Thiện T nhưng từ tháng 6/2019 đến nay thì bị đơn đã có ban điều hành mới và người đại diện theo pháp luật mới của bị đơn là ông Nguyễn Đặng Quang V. Do đó, theo Biên bản bàn giao ngày 23/7/2019 giữa ban điều hành cũ và ban điều hành mới chỉ ghi nhận liên quan đến nguyên đơn về việc: “Fiditour cần thanh lý và tất toán khoản công nợ phải thu tương đương 74.585.000 đồng cho Công ty K”, ngoài ra không có bất kỳ thông tin đề cập đến khoản đặt cọc 1.295.190.000 đồng. Trong khi đó đối với các khách hàng khác thì ban điều hành cũ ghi nhận rất cụ thể tình trạng thanh toán, đặt cọc và yêu cầu hoàn trả cọc (nếu có). Do đó, bị đơn chưa có đủ cơ sở để xác định số tiền 1.295.190.000 đồng mà nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn là tiền đặt cọc cho Hợp đồng dịch vụ du lịch nước ngoài số 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA ngày 21/3/2019 hay thực tế đây là khoản tiền nguyên đơn sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ tồn đọng khác tại công ty bị đơn. Ngoài Ủy nhiệm chi ngày 13/03/2019, nguyên đơn chưa cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc: “Công ty F đã yêu cầu Công ty K đặt cọc 1.295.190.000 đồng và cam kết sẽ hoàn trả sau khi Công ty K ký kết hợp đồng và thanh toán đợt 1”. Và giả sử thực tế Công ty F đã yêu cầu và cam kết với Công ty K nội dung trên, vậy tại sao sau khi thanh toán đợt 1 ngày 21/3/2019, Công ty K không ngay lập tức yêu cầu Công ty F hoàn trả 1.295.190.000 đồng tiền cọc mà đến ngày 06/9/2021 mới gửi email về việc này. Bị đơn không đồng ý đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Tại bản khai đề ngày 14/6/2021 và ngày 18/4/2022 người làm chứng ông Nguyễn Việt H, bà Lê Thị Hoàng H, bản khai đề ngày 15/7/2022 ông Đoàn Thiện T trình bày:

Trước ngày 18/4/2019, các ông, bà là 01 trong 09 thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần F nhiệm kỳ 2018 – 2022. Ngày 18/4/2019, các ông, bà được bãi nhiệm chức vụ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Liên quan đến việc thực hiện hợp đồng dịch vụ du lịch với nguyên đơn Công ty K ký ngày 21/3/2019, các ông, bà có ý kiến như sau:

Vào tháng 3/2019, nguyên đơn đã lựa chọn bị đơn là đơn vị tổ chức cho đoàn khách của nguyên đơn tham gia chương trình du lịch Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn 6 ngày 5 đêm (thời gian đi dự kiến tháng 4, tháng 5/2019) và chương trình du lịch Sigapore 3 ngày 2 đêm (thời gian đi dự kiến tháng 6/2019). Ngày 13/3/2019, bà Nguyễn Thị Huyền T - nhân viên công ty nguyên đơn đã chuyển vào tài khoản Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) của công ty bị đơn số tiền là 1.295.190.000 đồng, nội dung chuyển khoản ghi: “Công ty K đặt cọc tiền du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn và Singapore”. Tài khoản ngân hàng thể hiện rõ bị đơn đã nhận đủ số tiền trên.

Ngày 21/3/2019, nguyên đơn và bị đơn đã ký Hợp đồng dịch vụ du lịch nước ngoài số 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA với tổng giá trị hợp đồng là: 783.850.000 đồng.

Thực hiện đúng điều khoản thanh toán trong hợp đồng, ngày 25/3/2019 nguyên đơn đã chuyển khoản vào tài khoản Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) của bị đơn để thanh toán 90% giá trị hợp đồng, số tiền 705.465.000 đồng. Tài khoản ngân hàng thể hiện rõ bị đơn đã nhận đủ số tiền trên.

Sau khi kết thúc chuyến du lịch, do số lượng người tham gia thực tế có thay đổi nên tổng số tiền nguyên đơn phải thanh toán theo hợp đồng là 780.050.000 đồng. Vì vậy, vào ngày 20/6/2019, bị đơn đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho nguyên đơn theo số tiền này. Số hóa đơn đã xuất là 0105235, mẫu số 01GTKT3/002, ký hiệu AA/14P do ông Nguyễn Đặng Quang V - lúc này là Tổng giám đốc và là đại diện pháp luật của bị đơn đã ký phát hành.

Ông H, bà H xác nhận các bên khi thực hiện việc đặt cọc không lập hợp đồng hay văn bản thỏa thuận khác liên quan, các bên chỉ trao đổi và thực hiện việc đặt cọc. Ngoài ra, khi thực hiện việc đặt cọc các bên thỏa thuận số tiền đặt cọc này không dùng để cấn trừ. Số tiền nguyên đơn đã đặt cọc cho bị đơn 1.295.190.000 đồng lớn hơn giá trị các bên ký kết hợp đồng vì ban đầu bị đơn đưa ra số tiền đặt cọc dựa trên tổng lượng khách dự kiến tham gia của nguyên đơn cùng các đối tác tham gia chương trình du lịch nhưng khi ký hợp đồng thì lại ký từng hợp đồng riêng theo từng công ty có khách mời tham gia du lịch.

Hiện tại các ông, bà không còn làm việc tại công ty bị đơn nên các ông, bà không xác định được bị đơn đã hoàn trả hoặc giải quyết xong đối với số tiền cọc nêu trên của nguyên đơn hay chưa. Tuy nhiên việc giải quyết hoàn trả tiền cọc cho khách hàng thuộc nghĩa vụ của công ty bị đơn với khách hàng.

* Người làm chứng bà Mai Thị Kim N, ông Võ Đăng C, bà Nguyễn Ngọc Khánh L có đơn xin vắng mặt nhưng không có bản trình bày nên Tòa án không thu thập được lời khai của những người làm chứng này đối với việc giải quyết vụ án.

Bản án kinh doanh thương mại số 230/2022/KDTM-ST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 30, điểm b Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 147, Khoản 2 Điều 229, Điều 271 và Khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Điều 328, Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

- Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần Kiến Á:

Công ty Cổ phần Fiditour có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Cổ phần K số tiền 1.647.649.544 đồng (bao gồm: 1.220.605.000 đồng nợ gốc và 427.044.544 đồng tiền lãi). Thanh toán ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Công ty Cổ phần K (đối với các khoản tiền phải trả cho Công ty Cổ phần K) cho đến khi thi hành án xong, Công ty Cổ phần F còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thi hành tại Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp kinh doanh thương mại:

Nguyên đơn Công ty Cổ phần K không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp là 27.444.075 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2019/0030283 ngày 31/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn Công ty Cổ phần F phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp kinh doanh thương mại là 61.429.486 đồng.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 05/10/2022, Công ty F nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bị đơn, đề nghị y án sơ thẩm.

Bị đơn: Công ty F vẫn giữ nguyên kháng cáo và trình bày: Án sơ thẩm đã không xem xét khách quan và đầy đủ toàn bộ vụ án. Công ty F đề nghị sửa Bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:

Qua kiểm sát vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm xét xử thấy rằng Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án, Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử và gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn, cấp và tống đạt các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử: Tại phiên tòa tiến hành đúng trình tự pháp luật Tố tụng dân sự.

Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý cũng như tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn, bị đơn đã thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc ủy quyền đúng theo quy định.

Về nội dung: Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Fiditour theo hướng: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty K yêu cầu Công ty F trả lại số tiền 1.220.605.000 đồng, không chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm trả trên số tiền cọc của Công ty K

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng, quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

Căn cứ vào đơn khởi kiện ngày 11/12/2020 của nguyên đơn cùng các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì việc khởi kiện của nguyên đơn là tranh chấp tiền đặt cọc.

Tại thời điểm nguyên đơn khởi kiện, bị đơn có trụ sở tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nên Tòa án nhân dân Quận 1 áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự để thụ lý giải quyết là đúng quy định của pháp luật.

Bị đơn kháng cáo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nên thẩm quyền giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đơn kháng cáo của bị đơn làm trong hạn luật định, bị đơn đã làm thủ tục kháng cáo đúng theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung:

[2.1] Xét kháng cáo của bị đơn là Công ty F không đồng ý thanh toán tiền cọc, Hội đồng xét xử xét thấy:

Theo giấy nộp tiền ngày 13/3/2019 có nội dung “Người thụ hưởng Công ty Cổ phần F, số tài khoản 0071000014726, số tiền 1.295.190.000 VND, nội dung Cty CP K đặt cọc tiền du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn và Singapore T04+05/2019”. Ngân hàng TMCP Á Châu đã thu đủ.

Ngày 21/3/2019, giữa Công ty Cổ phần F với Công ty Cổ phần K ký Hợp đồng số 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA, tổ chức cho Công ty Cổ phần K đi du lịch Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn 6 ngày 5 đêm chuyến đi đợt 1 từ ngày 23/4/2019 đến 28/4/2019, đợt 2 từ ngày 07/5/2019 đến ngày 12/5/2019 với giá trị hợp đồng là 559.650.000 đồng và đi du lịch Singapore 3 ngày 2 đêm từ ngày 13/6/2019 đến ngày 15/6/2019 với giá trị hợp đồng là 224.200.000 đồng.

Theo ủy nhiệm chi đề ngày 25/3/2019, thể hiện nội dung sau “Tên tài khoản Công ty Cổ phần K, số tài khoản 162213729, đơn vị thụ hưởng Công ty Cổ phần Fiditour số tài khoản 0071000014726, số tiền 705.465.000 VND, nội dung: Thanh toán đợt 1 tour du lịch Trung Quốc (503,685,000), Singapore (201.780.000) theo hợp đồng 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA”. Ủy nhiệm chi này do Ngân hàng Á Châu phát hành.

Theo trình bày của bị đơn, Công ty F xác nhận giữa Công ty K với Công ty Fiditour có ký Hợp đồng dịch vụ du lịch nước ngoài số 0103/HĐDV-DLNN- 2019-KA ngày 21/3/2019, với giá trị hợp đồng là 783.850.000 đồng, tuy nhiên giá trị phát sinh thực tế là 780.050.000 đồng, sau khi kiểm tra tài khoản Ngân hàng thì bị đơn xác nhận ngày 13/3/2019 có nhận số tiền cọc là 1.295.190.000 đồng và ngày 21/3/2019 đã nhận số tiền 705.465.000 đồng từ Công ty Cổ phần Kiến Á. Tuy nhiên vào thời điểm bàn giao giữa ban điều hành cũ và ban điều hành mới chỉ ghi nhận Công ty Cổ phần K còn nợ Công ty Cổ phần F số tiền 74.585.000 đồng (của hợp đồng 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA), chưa lập biên bản thanh lý hợp đồng, không có bất kỳ thông tin đề cập đến khoản đặt cọc 1.295.190.000 đồng. Mặt khác, bị đơn cho rằng do số tiền đặt cọc lớn hơn nhiều so với hợp đồng dịch vụ của các bên mà quá trình thực hiện hợp đồng các bên không cấn trừ nghĩa vụ vào trong hợp đồng dịch vụ nên bị đơn chưa có đủ cơ sở để xác định số tiền 1.295.190.000 đồng mà nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn là tiền đặt cọc cho Hợp đồng dịch vụ du lịch nước ngoài số 0103/HĐDV-DLNN- 2019-KA ngày 21/3/2019 hay thực tế đây là khoản tiền nguyên đơn sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ tồn đọng khác tại công ty bị đơn.

Căn cứ Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau “1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng; 2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Như vậy, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ và sự thừa nhận của bị đơn Công ty Cổ phần F có nhận số tiền cọc là 1.295.190.000 đồng (theo giấy nộp tiền qua tài khoản ngân hàng ngày 13/3/2019). Đồng thời, phía Công ty Cổ phần K còn nợ Công ty Cổ phần F số tiền 74.585.000 đồng chưa thanh toán, vì vậy Công ty Cổ phần K yêu cầu Công ty Cổ phần F trả lại số tiền cọc đã nhận là 1.220.605.000 đồng là phù hợp, cấp sơ thẩm tuyên xử chấp nhận yêu cầu này của Công ty Cổ phần K phù hợp với Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015. Xét kháng cáo của Công ty Cổ phần Fiditour không đồng ý trả số tiền này là không có cơ sở chấp nhận.

[2.2] Xét yêu cầu kháng cáo không chấp nhận trả lãi chậm trả cho nguyên đơn: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền lãi do chậm thanh toán từ ngày 26/3/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm 23/9/2022 trên số tiền 1.220.605.000 đồng với mức lãi suất 10%/năm.

Cấp sơ thẩm xác định các bên không có hợp đồng đặt cọc nhưng nguyên đơn đã chuyển vào tài khoản cho bị đơn số tiền 1.295.190.000 đồng vào ngày 13/3/2019 và nội dung giao dịch của giấy nộp tiền cũng đã thể hiện nguyên đơn đặt cọc cho bị đơn để nguyên đơn đi du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn và Singapore tháng 04, tháng 05 năm 2019. Việc đặt cọc không dùng để cấn trừ nên có cơ sở xác định việc đặt cọc giữa các bên là để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng như trình bày của nguyên đơn theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015. Sau khi bị đơn đặt cọc thì các bên đã ký kết hợp đồng dịch vụ 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA ngày 21/3/2019, nguyên đơn cũng đã thanh toán cho bị đơn 90% giá trị hợp đồng do đó, bị đơn phải có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ số tiền cọc 1.220.605.000 đồng (đã trừ đi 74.585.000 đồng chưa thanh toán) cho nguyên đơn và quá thời hạn này là phát sinh trách nhiệm trả lãi đối với số tiền cọc mà bị đơn chậm trả cho nguyên đơn là chưa chính xác, bởi lẽ: các bên không thỏa thuận thời hạn phải trả cọc hay cấn trừ trong thanh toán. Hợp đồng dịch vụ 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA ngày 21/3/2019 cũng không đề cập đến số tiền nguyên đơn đặt cọc và phải trả thời gian nào. Nguyên đơn trình bày hai bên thỏa thuận sau khi ký hợp đồng và chuyển tiền đợt 1 thì Công ty F có trách nhiệm trả tiền cọc nhưng không được bị đơn xác nhận và những người làm chứng cũng không xác nhận thời điểm phải trả tiền cọc mà chỉ xác nhận Công ty Fiditour đã nhận đủ tiền cọc. Nguyên đơn cho rằng ngày 06/9/2019 có gửi email cho bị đơn có nội dung đòi lại tiền cọc. Hội đồng xét xử xét thấy Hợp đồng dịch vụ 0103/HĐDV-DLNN-2019-KA ngày 21/3/2019 nguyên đơn đã thanh toán 90% nhưng còn 10% chưa thanh toán cho bị đơn, hợp đồng hai bên chưa thanh lý để xác định kết thúc hợp đồng bên bị đơn có nghĩa vụ trả tiền cọc. Nguyên đơn có cung cấp emai, tuy nhiên trong hồ sơ thể hiện đại diện bị đơn không xác nhận có nhận email ngày 06/9/2019, email chỉ in ra không được cơ quan có thẩm quyền lập vi bằng để được xem là chứng cứ nên việc nguyên đơn xác định bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền cọc từ ngày 26/3/2019 là không có cơ sở. Do nguyên đơn cũng không xác định ngày trả chính xác để biết được thời điểm phải trả tiền cọc nếu bị đơn vi phạm sẽ tính phạt chậm thanh toán nên cấp sơ thẩm tính tiền lãi phạt chậm thanh toán là không có cơ sở. Hội đồng xét xử sửa một phần án sơ thẩm về phần tính lãi phạt chậm thanh toán.

[3] Cấp sơ thẩm cho rằng trong vụ án này các bên không tranh chấp về tiền hàng hoặc chậm thanh toán thù lao dịch vụ hay các chi phí hợp lý khác nên không áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 để giải quyết về lãi chậm trả mà xác định trả lãi theo mức lãi suất 10%/năm theo quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là không chính xác, bởi lẽ tại mục [1.1] của Bản án sơ thẩm xác định vụ kiện kinh doanh thương mại theo quy định Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự nên nếu có tính tiền lãi do chậm thanh toán cũng phải áp dụng theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[4] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận tiền lãi chậm trả. Hội đồng xét xử xét thấy đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử nên chấp nhận.

[5] Về án phí:

Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Yêu cầu kháng cáo của bị đơn được chấp nhận một phần, sửa một phần bản án sơ thẩm nên bị đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm và sửa án phí sơ thẩm căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên, Căn cứ vào Khoản 2 Điều 148, Điều 293, khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

QUYẾT ĐỊNH

- Chấp nhận 01 phần kháng cáo của Công ty Cổ phần Fiditour - Sửa 01 phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 230/2022/KDTM-ST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty Cổ phần Kiến Á về việc buộc Công ty Cổ phần F thanh toán cho Công ty Cổ phần Kiến Á, số tiền 1.220.605.000 đồng (Một tỷ hai trăm hai mươi triệu sáu trăm lẻ năm ngàn đồng). Thanh toán ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty Cổ phần K về việc buộc Công ty Cổ phần F thanh toán tiền lãi chậm trả là 427.044.544 đồng (Bốn trăm hai mươi bảy triệu không trăm bốn mươi bốn ngàn năm trăm bốn mươi bốn đồng).

Kể từ ngày Công ty Cổ phần K có đơn yêu cầu thi hành án nếu Công ty Cổ phần F không thi hành thì hàng tháng Công ty Cổ phần F còn phải chịu khoản tiền lãi theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

2. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty Cổ phần F phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 48.618.150 (Bốn mươi tám triệu sáu trăm mười tám nghìn một trăm năm mươi) đồng.

Công ty Cổ phần K phải chịu 21.081.782 đồng (Hai mươi mốt triệu không trăm tám mươi mốt ngàn bảy trăm tám mươi hai đồng) cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 27.444.075 đồng theo biên lai thu số AA/2019/0030283 ngày 31/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, vậy Công ty Cổ phần Kiến Á được hoàn trả 6.362.293 đồng (Sáu triệu ba trăm sáu mươi hai ngàn hai trăm chín mươi ba đồng).

3. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Công ty Cổ phần F được nhận lại 2.000.000đ (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2022/0000498 ngày 14/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự đã sửa đổi bổ sung năm 2014.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

29
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc số 554/2023/KDTM-PT

Số hiệu:554/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:11/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về