TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN ÁN 487/2023/DS-PT NGÀY 06/12/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC
Ngày 06 tháng 12 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố C xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 336/2023/TLPT-DS ngày 11 tháng 10 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 06 tháng 6 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện C bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 459/2023/QĐ-PT ngày 23 tháng 10 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Trần Minh L; cư trú tại: Ấp T, xã T, huyện C, thành phố C. (có mặt)
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Tùng L1; cư trú tại: Ấp T, xã T, huyện C, thành phố C là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 24/7/2023). (có mặt)
- Bị đơn: Ông Trịnh Thế H, sinh năm 1975; cư trú tại: Ấp T, xã T, huyện C, thành phố C. (có mặt)
- Người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan: Ông Lê Văn H1; cư trú tại: Ấp B, xã T, huyện V, thành phố C. (vắng mặt)
- Người làm chứng: Ông Nguyễn Văn D, cư trú tại: Ấp T, xã T, huyện C, thành phố C. (vắng mặt)
- Người kháng cáo: Ông Trịnh Thế H là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Trần Minh L trình bày:
Nguyên trước đây, ông Trần Minh L có thỏa thuận hợp đồng mua lúa tươi (hợp đồng miệng) với bị đơn ông Trịnh Thế H để mua lúa trên cánh đồng xã T và xã T thuộc địa bàn huyện C, thành phố C như sau: Giống lúa 5451, giá mua là 5.100 đồng/kg (lúa tươi) với diện tích là 780 công tương đương 650 tấn lúa và giống lúa 5451, giá là 52.000 đồng/kg (lúa tươi) với diện tích là 231 công tương đương 200 tấn lúa và số tiền đặt cọc là 300.000 đồng/công tầm 3m. Trường hợp, ông L không nhận lúa thì sẽ mất tiền cọc tương ứng với diện tích đất mà ông H đã đặt cọc mua. Tiền huê hồng ông H được nhận là 20.000 đồng/công nhưng trong trường hợp này ông H không nhận tiền huê hồng mà được ưu tiên nhận gia công cắt toàn bộ diện tích lúa mà ông H đặt cọc để mua. Sau khi thoả thuận xong, ông L giao cho ông H số tiền là 262.000.000 đồng để đặt cọc cho một số chủ ruộng lúa. Thời gian bắt đầu giao lúa là từ ngày 25/05/2020 đến ngày 10/6/2020 (âm lịch).
Trong thời hạn trên, ông H giao cho ông L 220 tấn lúa (lúa tươi) và khấu trừ tương đương với số tiền đặt cọc là 112.000.000 đồng. Số lượng 630 tấn lúa tươi còn lại, ông H không có đủ lúa để giao nên hai bên thương lượng lại, ông H tiếp tục mua lúa tươi và giao lúa cho ông L với giống lúa như trên diện tích là 200 công tầm 3m tương đương với số tiền đặt cọc là 60.000.000 đồng tại K thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang và hai bên thống nhất chấm dứt hợp đồng. Sau đó, ông H giao cho ông L số lượng 160 tấn lúa tươi và đã khấu trừ số tiền cọc là 30.000.000 đồng. Riêng số lượng lúa 29.353 kg (tương đương diện tích 40 công) của ông Phạm Văn N thì ông L có nhận lúa cho xuống ghe nhưng ông H không trả lại số tiền 30.000.000 đồng (tiền cọc lúa) nên ông không đồng ý nhận số lúa này. Ông H còn nợ lại số tiền là 120.000.000 đồng trước đây ông L đã giao nhưng đến nay chưa thanh toán.
Quá trình giải quyết, nguyên đơn ông Trần Minh L yêu cầu bị đơn ông Trịnh Thế H có trách nhiệm trả lại số tiền 120.000.000 đồng. Tại phiên toà hôm nay, nguyên đơn ông L chỉ yêu cầu bị đơn ông H có trách nhiệm trả lại số tiền 90.000.000 đồng.
Theo bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Trịnh Thế H trình bày:
Bị đơn ông H thừa nhận trước đây, ông H có thỏa thuận hợp đồng mua lúa tươi (hợp đồng miệng) với bị đơn ông Trần Minh L trên cánh đồng xã T và xã T thuộc địa bàn huyện C như sau: Giống lúa 5451, giá là 5.100 đồng/kg (lúa tươi) với diện tích là 780 công tương đương 650 tấn lúa và giống lúa 5451, giá là 52.000 đồng/kg (lúa tươi) với diện tích là 231 công tương đương 200 tấn lúa, số tiền đặt cọc là 300.000 đồng/công tầm 3m. Tiền huê hồng ông H được nhận là 20.000 đồng/công nhưng ông H không nhận mà nhận gia công cắt toàn bộ diện tích lúa đã mua. Sau khi thoả thuận xong, ông L giao cho ông H số tiền là 262.000.000 đồng để đặt cọc cho một số chủ ruộng lúa. Thời gian bắt đầu giao lúa là từ ngày 25/05/2020 đến ngày 10/6/2020 (âm lịch). Đến thời hạn, ông H có giao số lượng lúa tươi diện tích 400 công tương đương với số tiền cọc là 112.000.000 đồng. Do mua không đủ số lượng lúa giao theo hợp đồng ở 02 cánh đồng trên nên ông H và ông L thỏa thuận là ông H đến mua diện tích 500 công đất lúa tươi tại kinh B thuộc ấp Đ, xã Đ, huyện T, tỉnh Kiên Giang để giao tiếp cho ông L theo đúng hợp đồng mà hai bên thỏa thuận. Toàn bộ số tiền 150.000.000 đồng còn lại trên ông H đã đặt cọc mua diện tích 500 công lúa tươi (300.000 đồng/công tầm 3m) và đặt tiền cọc cho các chủ ruộng.
Quá trình mua lúa tươi, ông đã giao cho ông L số lượng lúa diện tích 150 công và đã cấn trừ được số tiền đặt cọc là 30.000.000 đồng. Ngày 16/6/2020, khi thu hoạch lúa của ông Phạm Văn N có diện tích 50 công đã được ông L nhận lúa cho xuống ghe nhưng ông L không thanh đủ số tiền lúa mua này nên ông L bán toàn bộ sản lượng lúa là 29.353 kg cho ông Lê Văn H1 nhưng ông H1 thanh toán cho ông N nên ông thoả thuận mua lại số lúa này và bù lỗ thiệt hại với số tiền 30.00.000 đồng (trong đó có 12.000.000 đồng tiền đặt cọc và 18.000.000 đồng (bù lỗ giá trị lúa giảm). Do đó, ông L phải chịu số tiền này.
Đối với số tiền cọc còn lại 90.000.000 đồng (tương đương diện tích 300 công) thì ông đã đặt cọc mua cho các chủ ruộng. Khi đang thu hoạch lúa, ông H bị gãy tay nên nhờ ông Q dẫn ông L đi xem lúa. Ông Q và ông L cùng các chủ ruộng thống nhất ngày cắt lúa bắt đầu từ ngày 23/6/2020 đến ngày 30/6/2020. Việc thu hoạch lúa, ông H không biết gì chỉ biết các bên thống nhất với nhau ngày cắt, nhận lúa và số tiền cọc còn lại 90.000.000 đồng xem như đã cấn trừ xong.
Qua yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phía bị đơn không đồng ý trả lại 120.000.000 đồng, do ông đã đặt cọc mua cho các chủ ruộng nhưng phía ông L không lấy lúa nên ông L phải chịu mất cọc đối với số tiền trên.
Tại Biên bản lấy lời khai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn H1 trình bày:
Trước đây, ông có mua lúa của ông Trần Minh L, số lúa này là của ông L và ông H mua của ông Phạm Văn N (tại kinh B, tỉnh Kiên Giang). Sau khi cắt lúa xong, ông có đem ghe đến địa chỉ trên để nhận lúa. Số lượng lúa nhận là 29.353 kg (lúa tươi), giá mua là 4.800 đồng/kg. Trước khi nhận lúa, ông có thoả thuận bán lại cho Doanh nghiệp số lượng lúa này nhưng tại thời điểm nhận lúa thì Doanh nghiệp không có tiền nên ông hẹn lại ngày hôm sau sẽ giao đủ tiền nhưng ông N không đồng ý nên tự chở lúa về. Sau khi nhận lại lúa, các bên thoả thuận là không yêu cầu ông phải bồi thường trong trường hợp lúa bị hư hỏng.
Qua yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông không có yêu cầu gì, việc tranh chấp giữa ông L và ông H thì các bên tự giải quyết.
Tại Biên bản lấy lời khai người làm chứng ông Nguyễn Văn D trình bày:
Ông với ông Trần Minh L và ông Trịnh Thế H không có quan hệ họ hàng gì. Trước đây, ông có biết ông L có thỏa thuận miệng hợp đồng mua lúa tươi với bị đơn ông H trên cánh đồng xã T và xã T thuộc địa bàn huyện C, thành phố C như sau: Giống lúa 5451, giá mua: Giá thứ 1 là 5.100 đồng/kg (lúa tươi), giá thứ 2 là 52.000 đồng/kg (lúa tươi). Sản lượng, diện tích đất, tiền huê hồng và số tiền ông L để ông H đặt cọc mua lúa của các hộ dân bao nhiêu thì ông không biết rõ. Sau khi giao lúa 2 cánh đồng trên không đủ sản lượng theo thoả thuận nên hai bên phát sinh mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Sau đó, ông nghe nói là ông H mua lúa tươi tại kinh B, tỉnh kiên Giang để tiếp tục giao cho ông L. Việc ông L, ông H thoả thuận mua bán như thế nào đối với số lượng của trên kinh B thì ông không biết rõ.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 06 tháng 6 năm 2023, Tòa án nhân dân huyện C đã tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Minh L .
2. Buộc bị đơn ông Trịnh Thế H có trách nhiệm trả cho nguyên đơn ông Trần Minh L số tiền là 90.000.000 đồng (chín mươi triệu đồng).
3. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Buộc bị đơn ông Trịnh Thế H phải nộp số tiền 4.500.000đồng.
Nguyên đơn ông Trần Minh L được nhận lại số tiền 3.025.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 013543 ngày 17/11/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, thành phố C.
Bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các bên theo luật định. Tại đơn kháng cáo đề ngày 15 tháng 6 năm 2023, bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo hướng sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn giữ nguyên kháng cáo. Các bên không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án. Bị đơn cho rằng, số tiền cọc 90.000.000 đồng mà bị đơn đã nhận của nguyên đơn, bị đơn đã giao lại cho ông Q để đặt cọc cho các chủ ruộng nên bị đơn không có nghĩa vụ hoàn lại cho nguyên đơn.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố C tại phiên tòa: Người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, các quy định pháp luật liên quan, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị đơn thừa nhận đã nhận của nguyên đơn số tiền cọc 90.000.000 đồng.
Bị đơn không có chứng cứ về việc đã giao số tiền này cho ông Q và không chứng minh được việc giao tiền này có sự đồng ý của ông L. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị đơn trả lại tiền cọc cho nguyên đơn là có căn cứ, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Theo đơn khởi kiện và các chứng cứ đã thẩm tra cho thấy, khoản tiền mà nguyên đơn khởi kiện đòi lại là tiền dùng đặt cọc tương ứng số lượng lúa sẽ mua. Bị đơn cũng thừa nhận nội dung này. Do vậy, tranh chấp giữa các bên là tranh chấp hợp đồng đặt cọc. Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý theo điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm xác định chưa đúng quan hệ tranh chấp.
Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm điều chỉnh lại quan hệ tranh chấp phù hợp theo quy định.
[2] Theo sự thừa nhận của các bên thì khoản tiền đặt cọc cho việc mua lúa tại địa bàn huyện C cũng như khoản tiền cọc (30.000.000 đồng) để mua khối lượng lúa của ông N đã được xác định xong. Các bên thể hiện ý chí trong các bản khai không tranh chấp, không yêu cầu nên không đặt ra xem xét.
[3] Riêng khoản tiền cọc 90.000.000 đồng để mua lúa của 300 công tại địa bàn ấp Đ, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang thì bị đơn thừa nhận có nhận của nguyên đơn. Căn cứ vào Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự, đủ cơ sở xác định nguyên đơn có đưa tiền cọc cho bị đơn với số tiền 90.000.000 đồng.
[4] Theo kết quả xác minh cho thấy, bị đơn có mua lúa của 230 công tại địa bàn này và đã đặt cọc tương ứng là 69.000.000 đồng. Tuy nhiên, bị đơn không chứng minh được việc mình đã giao số lúa này cho nguyên đơn để thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận với nguyên đơn. Khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”. Theo đó, không đủ cơ sở xác định việc bị đơn đã thực hiện đúng nghĩa vụ đối với nguyên đơn. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả lại số tiền cọc 90.000.000 đồng là đúng pháp luật. Kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận.
[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn cho rằng số tiền cọc 90.000.000 đồng, bị đơn đã giao cho ông Q để đặt cọc cho các chủ ruộng nên không có nghĩa vụ hoàn trả cho nguyên đơn. Sự việc này, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không thừa nhận. Do vậy, nếu có sự kiện này thì ông H có quyền khởi kiện đối với ông Q thành vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.
[6] Về án phí dân sự phúc thẩm, do kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu theo quy định tại Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Buộc ông Trịnh Thế H có trách nhiệm trả cho ông Trần Minh L số tiền là 90.000.000 đồng (chín mươi triệu đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Buộc bị đơn ông Trịnh Thế H phải nộp số tiền 4.500.000 đồng.
Nguyên đơn ông Trần Minh L được nhận lại số tiền 3.025.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 013543 ngày 17/11/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, thành phố C.
5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn phải chịu 300.000 đồng, chuyển tiền tạm ứng án phí bị đơn đã nộp theo biên lai thu số 0004508 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện C thành án phí. Công nhận bị đơn đã nộp xong.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc số 487/2023/DS-PT
Số hiệu: | 487/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cần Thơ |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 06/12/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về