Bản án về tranh chấp hợp đồng đào tạo và cho vay số 01/2020/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN K, THÀNH PHỐ H

 BẢN ÁN 01/2020/DS-ST NGÀY 28/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐÀO TẠO VÀ CHO VAY

Ngày 28 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân quận K, thành phố H xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 02/2020/TLST-LĐ ngày 15/7/2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng đào tạo nghề và cho vay” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1065/2020/QĐST-LĐ ngày 07/9/2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 1107/2020/QĐST-LĐ ngày 25/9/2020 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH n (Viết tắt là Công ty n); địa chỉ: Số 9 đường C, quận H, thành phố H.

Đại diện theo pháp luật: Ông Takaya S - Tổng giám đốc Công ty TNHH N.

Ngưi đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Phạm Kim A – Giám đốc điều hành Công ty TNHH n (Theo giấy ủy quyền ngày 01/7/2017). (Có mặt).

Bị đơn: Ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M; cùng địa chỉ: Tổ Đ Kh, phường Đồng H, quận K, thành phố H. (Vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M: Ông Ngô Văn Th, địa chỉ: Số 2/2/71 Đông Kh, phường Đông Kh, Quận N, thành phố H (Theo giấy ủy quyền ngày 01/02/2020 của ông Tô Văn T và giấy ủy quyền ngày 23/3/2020 của bà Tạ Thị M). (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện ghi ngày 10/7/2020, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn trình bày:

Ngày 02/10/2017 ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M ký hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT với Công ty N với nội dung: Công ty cho ông T vay số tiền 99.010.000đ để chi phí đào tạo và chi phí làm thủ tục xuất nhập cảnh đi Nhật cho ông T. Việc ký kết hợp đồng giữa Công ty và ông T, bà M là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc.

Tại khoản 1Điều 3 của hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT các bên đã thỏa thuận: Sau khi đi học tập và làm việc bên Nhật 2 năm, ông T sẽ quay lại làm việc cho Công ty nữ trang tối thiểu là 7 năm, ông T không được tự ý chuyển việc, bỏ trốn, ở lại nước Nhật, nếu vi phạm ông T sẽ bị phạt số tiền bằng 3 lần số tiền Công ty cho ông T vay. Tại khoản 2 Điều 3 của hợp đồng vợ ông T là bà Tạ Thị M đã cam kết đứng ra chịu toàn bộ trách nhiệm nếu ông T không thực hiện hoặc không có khả năng trả nợ và sẽ chịu phạt hợp đồng bằng 3 lần số tiền vay (297.030.000 đồng) nếu ông T không thực hiện các cam kết trong hợp đồng và không có khả năng nộp phạt.

Trước khi Công ty có Quyết định số 01.2017 QĐ-DQ ngày 02/01/2017 về việc cử ông T đi đào tạo nâng cao tay nghề tại Nhật Bản thì ông T chỉ làm việc tại phòng mài; nhưng để được sang Nhật lao động và học tập thì người lao động cần phải có tay nghề cơ bản như làm được các công đoạn cơ bản để làm ra một sản phẩm và những công việc khác. Do ông T chưa đáp ứng được các điều kiện về tay nghề để được sang Nhật nên Công ty đã phải bố trí đào tạo nghề thêm cho ông T trước khi sang Nhật; trong thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 10/2017 Công ty vừa phải cử người hướng dẫn thêm cho ông T, vừa phải chi phí nguyên liệu để ông T tập làm. Ngoài ra Công ty còn phải chi phí cho phí cấp visa, thuê xe đưa ra sân bay, vé máy bay…dựa trên chi phí thực tế và dựa trên chi phí trước đó Công ty đã nhiều lần đưa người sang Nhật học tập; Công ty và ông T, bà M đã dự tính số tiền chi phí đào tạo, chi phí làm các thủ tục đi Nhật; các bên đã thống nhất số tiền Công ty cho ông T vay là 99.010.000 đồng, số tiền này đã được ghi vào trong hợp đồng; ông T bà M cũng đã nhất trí và ký hợp đồng. Tuy nhiên khi ký hợp đồng lúc đó chưa mua vé máy bay nên tiền mua vé máy bay chỉ là dự tính, sau này khi mua vé máy bay tiền mua vé ít hơn số tiền dự tính ban đầu nên số tiền chi phí thực tế so với số tiền ghi trong hợp đồng có sự chênh lệch. Số tiền thực tế chi phí là 97.173.000 đồng gồm: Chi phí nguyên liệu, công cụ, dụng cụ học nghề là 79.470.000 đồng, tiền cấp vi sa là 610.000 đồng, chi phí nhân viên đi công tác xin vi sa là 200.000 đồng, chi phí thuê xe đi H xin Visa là 3.400.000 đồng, chi phí thuê xe đưa ra sân bay là 1.700.000 đồng và chi phí vé máy bay là 11.793.000 đồng. Ngoài ra Công ty còn chưa tính đến việc trong thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 10/2017 Công ty vẫn phải trả lương cho ông T như một công nhân lao động bình thường.

Mục đích Công ty đưa nhân viên sang Nhật học là để nhân viên học các công đoạn để làm ra một sản phầm hoàn thiện ở bên Nhật, học sử dụng các dụng cụ chế tác hiện đại, tiếp thu những kinh nghiệm để sau khi về nước sẽ đào tạo hướng dẫn cho những công nhân của Công ty, phục vụ Công ty. Thực tế khoản tiền Công ty cho ông T vay này là khoản tiền Công ty đầu tư cho ông T đi sang Nhật học tập, nâng cao tay nghề để về phục vụ cho Công ty không phải hoàn lại nếu ông T không vi phạm thỏa thuận (cũng như các trường hợp đi sang Nhật trước đó). Toàn bộ chi phí để đưa ông T sang Nhật học nghề là do Công ty bỏ ra, Công ty không thu bất ký khoản tiền nào của người lao động cụ thể là của ông T. Việc ghi trong hợp đồng là cho ông T vay số tiền nêu trên là để ràng buộc trách nhiệm của ông T với Công ty sau khi đã được đi đào tạo nghề ở bên Nhật về. Khi ký hợp đồng Công ty không thỏa thuận về việc khi ông T đi lao động ở Nhật về sẽ được tăng lương, hay tăng chức cho ông T. Thực tế như những trường hợp trước đó, sau khi đi học tập về người lao động sẽ báo cáo Công ty là đã học tập được gì ở bên Nhật, Công ty sẽ cho thử tay nghề của người đi học tập về, nếu phù hợp với lĩnh vực nào thì Công ty sẽ bố trí công việc cho phù hợp.

Sau khi ký kết hợp đồng đào tạo Công ty đã làm đầy đủ các thủ tục và ông T đã được sang Nhật lao động và học tập từ ngày 17/10/2017 đến 17/10/2019 thì ông T về nước như thỏa thuận. Trong quá trình ông T lao động và học tập tại Nhật, ông T không có khiếu nại hay có ý kiến gì về việc lao động và học tập của ông T tại Nhật.

Sau 02 năm hoàn thành việc lao động và học tập tại Nhật, ngày 17/10/2019 ông T về Việt Nam và tiếp tục làm việc tại Công ty, tuy nhiên sau 01 tháng làm việc tại Công ty không hiểu lý do tại sao ông T có đơn xin nghỉ việc. Ngày 09/12/2019 ông T đã nộp đơn xin nghỉ việc (đơn đề ngày 07/12/2019). Công ty ra Quyết định cho thôi việc đối với ông T theo đơn đề nghị xin thôi việc của ông T đúng pháp luật. Do ông T vi phạm cam kết về thời gian làm việc cho Công ty sau khi đi Nhật về nên Công ty đã nhiều lần yêu cầu ông T phải thanh toán khoản tiền mà Công ty đã cho ông T vay và yêu cầu ông T nộp tiền phạt do vi phạm hợp đồng như ông T không thực hiện, Công ty cũng đã thông báo cho bà M là người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho ông T nhưng bà M cũng không thực hiện. Nay Công ty khởi kiện yêu cầu ông T, bà M phải thanh toán cho Công ty số tiền là 291.519.000 đồng, trong đó 97.173.000 đồng là khoản tiền Công ty đã chi phí thực tế cho ông T sang Nhật, 194,346.000 đồng là tiền phạt vi phạm hợp đồng.

* Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa đại diện của bị đơn trình bày:

Ngày 02/10/2017 ông Tô Văn T có ký hợp đồng đào tạo và cho vay số 01- 2017/HĐVT với Công ty N và bà Tạ Thị M là người bảo lãnh cho ông T như đại diện nguyên đơn trình bày là đúng, việc ký kết hợp đồng này các bên hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, ép buộc. Ông đã được sang Nhật như đã thỏa thuận, khi về nước ông T đã trở lại Công ty n làm việc khoảng hơn một tháng thì xin nghỉ việc tại Công ty và Công ty đã cho ông T nghỉ việc là đúng. Tuy nhiên hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT chỉ là ngụy tạo, lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết, nóng lòng muốn đi nước ngoài lao động nhằm mong cảnh thoát nghèo của vợ chồng ông T để ký hợp đồng, khi ký hợp đồng ông T bà M không đọc kỹ hợp đồng, không được cầm hợp đồng, không biết các nội dung trong hợp đồng; ông T đi sang Nhật theo diện lao động có tay nghề và được lĩnh lương chứ không được đào tạo như thỏa thuận trong hợp đồng. Ông T cũng có phản ánh vấn đề này với Công ty bên Nhật nhưng không có đơn hay văn bản, tài liệu gì thể hiện việc này; ông T không phản ánh vấn đề này với Công ty N vì ở bên đó không tiện cho việc liên lạc. Sau khi hết hạn hợp đồng ông T về nước và trở lại Công ty làm việc nhưng ông T không được Công ty bố trí vào vị trí tốt hơn, vẫn lao động và nhận lương như trước nên ông T đã xin nghỉ việc và đã được Công ty ra quyết định cho thôi việc. Phía bị đơn không đồng ý thanh toán trả Công ty số tiền là 291.519.000 đồng, trong đó 97.173.000 đồng là khoản tiền Công ty đã chi phí thực tế cho ông T sang Nhật, 194,346.000 đồng là tiền phạt vi phạm hợp đồng như Công ty yêu cầu vì các nguyên liệu dụng cụ học nghề ông T được Công ty cung cấp miễn phí, người nhận vật liệu không phải là tổ trưởng tổ ông T làm việc nhận; việc phạt vi phạm là trái quy định của Bộ luật Lao động nên bị đơn không chấp nhận đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Tại bản lấy lời khai ngày 28/7/2020 bà Vũ Thị Q là nhân viên của Công ty n, là người đi sang Nhật Bản học tập và làm việc cùng đợt với bị đơn trình bày:

Tôi làm việc tại Công ty n từ năm 2011. Khi mới vào Công ty công việc của tôi là làm khuôn sáp của sản phẩm nữ trang, sau đó tôi chuyển sang công việc kiểm tra chất lượng hàng. Năm 2015 Công ty có chương trình cho nhân viên đi đào tạo học nghề tại Công ty Cổ phần KOYANAGHI bên Nhật bản. Đến khoảng năm 2017 tôi có làm đơn và hồ sơ xin Công ty cho đi đào tạo học nghề bên Nhật; sau đó tôi được Công ty chuyển tôi sang Phòng mài của Công ty để tôi tập làm hoàn thiệt một sản phẩn để chuẩn bị cho việc đi học tại Nhật, toàn bộ những nguyên liệu để tôi tập làm sản phẩn tại phòng mài đều là do Công ty cung cấp, tôi không phải bỏ tiền ra mua; tôi không nắm được ông Tuyến có được tập việc tại Công ty nữ trang như tôi hay không vì Công ty đông người nên tôi không để ý. Ngày 01/12/2017 tôi và Công ty nữ trang có ký hợp đồng đào tạo và cho vay; trong Hợp đồng hai bên có thỏa thuận khoản tiền mà Công ty chi phí cho việc đưa tôi sang Nhật học là 100.540.000 đồng và Công ty cho tôi vay số tiền này với điều kiện sau khi học xong tôi phải trở lại Công ty n làm việc ít nhất 07 năm, sau 07 năm làm việc thì tôi không phải trả Công ty khoản tiền này, còn nếu vi phạm thì tôi bị phạt 3 lần số tiền này. Tôi đã nghiên cứu kỹ các điều khoản trong hợp đồng và tự nguyện ký hợp đồng. Khi làm hồ sơ, trước khi được sang Nhật và khi học xong ở bên Nhật quay lại làm việc tại Công ty n tôi không phải đóng một khoản tiền nào cho Công ty n, toàn bộ chi phí là do Công ty chi trả. Khi ở bên Nhật thì tôi chỉ phải trả tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền bảo hiểm và thuế cho bên Nhật. Khi sang bên Nhật tôi vừa lao động vừa học tập và được Công ty Nhật trả tiền lương 20.000.000 đồng/tháng.

Cùng làm hồ sơ xin đi học với tôi có ông Tô Văn T nhưng do hồ sơ của tôi có trục trặc nên ông T đã đi trước, sau đó tôi hoàn thiện hồ sơ và sang Nhật vào ngày 15/01/2018, đi sau ông T 03 tháng. Khi sang Nhật tôi và ông T làm cùng Công ty, ở cùng khu nhà và thường xuyên gặp nhau.

Khi sang Nhật tôi vừa làm, vừa học; tôi được bố trí vào phong mài và tiếp tục làm hoàn thiệt một sản phẩm như khi tôi tập làm ở Công ty n, tuy nhiên sang Nhật, bạn cùng làm với tôi có tay nghề cao, tôi có thể học hỏi từ bạn cùng làm, những công đoạn nào khó hay tôi chưa đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm thì có người của Công ty Nhật chỉ dẫn cho tôi; hơn nữa công nghệ ở Công ty Nhật hiện đại hơn, sang Nhật tôi còn được Công ty Nhật cho học cách thiết kế đồ họa sản phẩm nữ trang 3D trên máy tính và được làm trực tiếp một khâu là cắm chân hỗ trợ sản phẩm 3D và học khắc chữ 3D trên máy tính; ngoài ra tôi còn được Công ty cho đi học tiếng Nhật 1 tuần 1 buổi tại trung tâm dậy tiếng Nhật không mất phí. Khi đi học tiếng Nhật lúc đầu tôi có thấy ông T đi học cùng, sau một thời gian thì ông T nghỉ học. Còn việc ông T được học những gì ở Nhật thì tôi không nắm được vì mặc dù làm chung công ty nhưng công việc của mỗi người lại khác nhau.

Sau 02 năm học bên Nhật, ngày 15/01/2020 tôi lại về Công ty n tiếp tục làm việc, Công ty phân công cho tôi làm tại phòng Quản lý sản xuất, hiện nay tôi vẫn đang làm việc tại Công ty. Đối với khoản tiền vay thỏa thuận trong hợp đồng là 100.540.000 đồng đây là tiền Công ty đầu tư đưa tôi sang Nhật đào tạo nếu không vi phạm hợp đồng thì tôi không phải trả Công ty khoản tiền này.

* Phát biểu của Kiểm sát viên: Về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: Đối với Thẩm phán, Hội đồng xét xử; thư ký phiên tòa, nguyên đơn, bị đơn về cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 70 , Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự. Ý kiến về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 3 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 228, Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 62 Bộ luật Lao động; các điều 119, 274, 275, 335, 336, 339, 342, 351, 358, 360, 385, 398, 401, 410, 418, 463, 466 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mực thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty n. Buộc ông Tô Văn Tuyến phải trả Công ty n số tiền là 252.649.800 đồng; trong đó: 97.173.000 đồng là tiền chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh đi Nhật, 155.476.800 đồng là tiền phạt vi phạm hợp đồng. Trường hợp ông T không trả được khoản tiền nêu trên thì bà Tạ Thị M là vợ của ông Tuyến phải trả thay cho ông Tuyến số tiền nêu trên. Không chấp nhận đối với yêu cầu của Công ty n về việc buộc ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M phải thanh toán khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 38.869.200 đồng. Về án phí: Bị đơn là ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M, nguyên đơn là Công ty n phải chịu án phí dân sự theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà Hội đồng xét xử nhận định:

- Nội dung tranh chấp của vụ án:

[1] Ông Tô Văn T là nhân viên của Công ty n. Ngày 02/10/2017 Công ty n và ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M có ký hợp đồng đào tạo và cho vay số 01- 2017/HĐVT với nội dung Công ty đồng ý đào tạo nâng cao tay nghề cho ông T tại Nhận Bản và hỗ trợ ông T vay tiền để hoàn thiện các thủ tục đi Nhật. Số tiền vay được chuyển giao bằng phương thức là Công ty đứng ra thanh toán các khoản chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh đi Nhật của ông T với số tiền vay là 99.010.000 đồng, lãi suất là 01/%/năm.

[2] Tại khoản 1 Điều 3 ông T đã cam kết: Sau khi đi học tập và làm việc bên Nhật 02 năm, ông T sẽ quay lai làm việc cho Công ty ít nhất là 7 năm; ông T không được tự ý chuyển việc, bỏ trốn, ở lại nước Nhật. Nếu ông T tự ý nghỉ việc trước 7 năm sau khi hết thời hạn học tập bên Nhật, thì ông T bị phạt số tiền bằng 3 lần số tiền mà Công ty cho ông T vay.

[3] Tại khoản 2 Điều 3 của hợp đồng bà Tạ Thị M là vợ ông T đã cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm nếu ông T không thực hiện hoặc không có khả năng trả nợ và chịu phạt Hợp đồng số tiền bằng 3 lần số tiền vay (297.030.000 đồng) nếu ông T không thực hiện các cam kết trong hợp đồng và không có khả năng nộp phạt.

[4] Ngoài ra các bên còn có điều khoản chung: Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu nẩy sinh vướng mắc ngoài các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng, các bên kịp thời thông báo, bàn bạc và giải quyết trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lợi ích mỗi bên.

[5] Về phía Công ty nữ trang: Công ty n đã chi phí số tiền là 97.173.000 đồng gồm: Chi phí nguyên liệu, công cụ, dụng cụ học nghề là 79.470.000 đồng, chi phí cấp visa là 610.000 đồng, chi phí nhân viên đi công tác xin visa là 200.000 đồng, chi phỉa thuê xe đi Hà Nội xin Visa là 3.400.000 đồng, chi phí thuê xe đưa ra sân bay là 1.700.000 đồng và chi phí vé máy bay là 11.793.000 đồng, [6] Về phía ông T: Ông T đã sang Nhật và làm việc tại Công ty TNHH Koy, hết thời hạn 02 năm ông T về Việt Nam đúng thời hạn và lại tiếp tục làm việc tại Công ty n được khoảng hơn 01 tháng thì ông T làm đơn xin nghỉ việc vì lý do mức lương của Công ty nữ trang chi trả ông T không thể lo đủ kinh tế cho gia đình, muốn đến một môi trường làm việc mới với mức lương tốt hơn.

[7] Ngày 09/12/2019 ông T nộp đơn xin nghỉ việc. Ngày 30/01/2020 Công ty đã Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông T. Ngày 05/02/2020 Công ty tổ chức buổi hòa giải nhưng không thành. Ngày 01/7/2020 Hòa giải viên lao động đã tổ chức hòa giải nhưng không thành vì vắng mặt người lao động.

[8] Yêu cầu của nguyên đơn: Công ty khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M phải thanh toán trả Công ty số tiền là 291.519.000 đồng; trong đó 97.173.000 đồng là khoản tiền chi phí thực tế, 194,346.000 đồng là khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng.

[9] Quan điểm của bị đơn: Ông T đi sang Nhật là lao động có tay nghề và được lĩnh lương chứ không được đào tạo một ngày nào. Bị đơn không đồng ý thanh toán trả Công ty số tiền là 291.519.000 đồng, trong đó 97.173.000 đồng là khoản tiền Công ty đã chi phí thực tế cho ông T sang Nhật, 194,346.000 đồng là tiền phạt vi phạm hợp đồng như Công ty yêu cầu vì các nguyên liệu dụng cụ học nghề ông Tuyến được Công ty cung cấp miễn phí, người nhận vật liệu không phải là tổ trưởng tổ ông T làm việc; việc phạt vi phạm là trái quy định của Bộ luật Lao động nên bị đơn không chấp nhận đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

- Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết:

[10] Do ông Tô Văn T vi phạm hợp đồng đào tạo và cho vay nên sau khi hòa giải tại Công ty và hòa giải viên lao động hòa giải không thành, Công ty đã khởi kiện yêu cầu ông Tô Văn T và người bảo lãnh là bà Tạ Thị M phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận. Hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT ngày 02/10/2017 được ký kết giữa Công ty và ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M được lồng ghép hai mối quan hệ vừa là quan hệ lao động (giữa người sử dụng lao động và người lao động) vừa là quan hệ dân sự (giữa người cho vay, người vay và người bảo lãnh). Việc Công ty hỗ trợ cho người lao động vay tiền để hoàn thiện các thủ tục đi Nhật đào tạo nâng cao tay nghề là một thỏa thuận độc lập nằm ngoài quan hệ lao động. Do vậy cần áp dụng cả Bộ luật Lao động và Bộ luật Dân sự để giải quyết vụ án. Yêu cầu của Công ty làm phát sinh quan hệ tranh chấp hợp đồng học nghề quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự và quan hệ tranh chấp về hợp đồng cho vay quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn là ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M cùng cư trú tại Tổ Đ, phường Đ, quận K, thành phố H, theo quy định tại khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp này được Tòa án nhân dân quận K thụ lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

- Thời hiệu khởi kiện:

[11] Do các bên đương sự không yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện; căn cứ khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử không áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện trong vụ án này - Về tư cách tham gia tố tụng:

[12] Công ty khởi kiện yêu cầu ông Tô Văn T và người bảo lãnh là bà Tạ Thị M phải thực hiện nghĩa vụ đã được ký kết tại hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT ngày 02/10/2017. Theo quy định tại Điều 335, 336, 342 Bộ luật Dân sự thì nghĩa vụ của bên bảo lãnh xuất hiện khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Ông Tô Văn T là bên được bảo lãnh đã không thực hiện nghĩa vụ với Công ty , bà Tạ Thị là người bảo lãnh phải có trách nhiện thực hiện nghĩa vụ thay cho ông Tô Văn T nên Công ty nữ trang đã khởi kiện yêu cầu cả người được bảo lãnh là ông Tô Văn T và người bảo lãnh là bà Tạ Thi M phải thực hiện nghĩa vụ là đúng quy định của pháp luật. Do vậy Công ty là nguyên đơn, ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M là bị đơn.

- Đối với sự vắng mặt của ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M:

[13] Tòa án đã tiến hành tống đạt hợp lệ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định hoãn phiên tòa đối với ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M nhưng ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M đều vắng mặt tại phiên tòa tuy nhiên người đại diện theo ủy quyền của ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M có mặt tham gia phiên tòa. Căn cứ khoản 2 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.

- Xem xét Hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT ngày 02/10/2017:

[14] Trong hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT ngày 02/10/2017 các bên đã thỏa thuận về các khoản chi phí và khoản tiền vay trong hợp đồng phù hợp quy định tại Điều 463 của Bộ luật Dân sự; thỏa thuận về thời gian người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo, phù hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Lao động; thỏa thuận về mức phạt vi phạm phù hợp quy định tại Điều 418 của Bộ luật Dân sự; thỏa thuận về việc bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ phù hợp quy định tại Điều 335, Điều 342 của Bộ luật Dân sự.

[15] Hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT ngày 02/10/2017 giữa Công ty và ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M được ký kết trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, hợp đồng được lập thành văn bản, hình thức và nội dung phù hợp quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động; các điều 119, 385, 398, 418, 463, 335, 342 của Bộ luật Dân sự. Do vậy Hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT ngày 02/10/2017 là Hợp đồng hợp pháp, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên và các bên phải có trách nhiệm thực hiện các thỏa thuận, các cam kết trong hợp đồng.

- Quá trình thực hiện hợp đồng và yêu cầu của nguyên đơn:

[16] Trong quá trình thực hiện hợp đồng Công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã thỏa thuận; Công ty đã chi phí toàn bộ và làm các thủ tục để đưa ông T sang Nhật và ông Tđã sang Nhật làm việc tại Công ty TNHH Ko; khi hết hạn ông T quay về Việt Nam, Công ty đã tiếp nhận người lao động, bố trí việc làm và trả lương cho ông T.

[17] Ông Tô Văn T đã sang Nhật và làm việc 02 năm như đã thỏa thuận, khi ông T về Việt Nam, ông T đã trở lại Công ty nữ trang làm việc nhưng chỉ được khoảng hơn 01 tháng thì ông T làm đơn xin nghỉ việc. Việc ông T xin nghỉ việc trước thời hạn 07 năm đã vi phạm khoản 1 Điều 3 của Hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT được ký kết ngày 02/10/2017 giữa Công ty và ông Tô Văn T.

[18] Ông T cho rằng ông sang Nhật không được học tập như thỏa thuận trong hợp đồng nhưng ông T không phản ánh với Công ty đã ký hợp đồng và Công ty nơi mình đang làm việc và học tập và không cung cấp được những tài liệu chứng minh cho việc này nên không có căn cứ xem xét chấp nhận.

[19] Do ông T vi phạm khoản 1 Điều 3 của Hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT nên Công ty yêu cầu ông Tuyến, bà Miền phải trả các khoản tiền mà Công ty đã chi phí cho ông T sang Nhật và phải chịu khoản tiền phạt vi phạm là đúng thỏa thuận trong hợp đồng và đúng quy định tại 62 của Bộ luật Lao động; các điều 351 358, 360, 418, 466, 336, 342 của Bộ luật Dân sự.

[20] Tổng số tiền Công ty yêu cầu ông T, bà Mphải thanh toán là 291.519.000 đồng, trong 97.173.000 đồng là khoản tiền chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh đi Nhật, 194.346.000 đồng là khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng.

- Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải thanh toán số tiền vay mà Công ty đã chi tiền chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh đi Nhật 97.173.000 đồng :

[21] Tại thời điểm ký kết Hợp đồng đào tạo và cho vay số 01-2017/HĐVT được ký kết ngày 02/10/2017, hai bên đã thống nhất số tiền vay là 99.010.000 đồng, số tiền này đã được đưa vào trong hợp đồng, ông T không thắc mắc, khiếu nại hay ý kiến gì đối với khoản tiền này. Việc thỏa thuận này là hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, giao dịch xác lập đã đáp ứng được các lợi ích mà các chủ thể mong muốn đạt được. Khoản tiền mà Công ty cho ông T vay đã được chuyển giao bằng hình thức Công ty đứng ra thanh toán các khoản: Nguyên liệu dụng cụ học nghề là 79.470.000 đồng, phí cấp visa là 610.000 đồng, phí làm hộ chiếu là 200.000 đồng, chi phí đi Hà Nội xin visa là 3.400.000 đồng, chi phí đưa ra sân bay là 1.700.000 đồng, vé máy bay là 11.793.000 đồng. Tổng chi phí là 97.173.000 đồng. Tuy nhiên giữa khoản tiền vay được ghi trong hợp đồng và khoản tiền thực tế chi phí có sự chênh lệnh là do khi mua vé máy bay, giá vé thấp hơn dự tính là 1.837.000 đồng nên số tiền thực tế chi cho ông T chỉ còn là 97.173.000 đồng. Các khoản chi phí nêu trên thấp hơn số tiền mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng, phù hợp với các tài liệu chứng minh do Công ty cung cấp, phù hợp với thực tế nên cần được chấp nhận buộc ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M phải thanh toán trả Công ty khoản tiền chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh đi Nhật là 97.173.000 đồng.

[22] Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phía bị đơn không chấp nhận các khoản chi phí mà Công ty đưa ra tuy nhiên phía bị đơn không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở để chấp nhận.

- Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải thanh toán khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 194,346.000 đồng:

[23] Theo quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự thì “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trừ trường hợp luật có liên quan có quy định khác.” Luật có liên quan trong vụ án này là luật Lao động nhưng trong Bộ luật Lao động không có quy định về mức phạt vi phạm do vậy các bên căn cứ khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự để thỏa thuận về mức phạt là đúng quy định của pháp luật.

[24] Do ông Tuyến vi phạm hợp đồng nên Công ty khởi kiện yêu cầu ông T bà M phải trả khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là đúng với sự thỏa thuận của các bên tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Hợp đồng đào tạo và cho vay, phù hợp quy định của pháp luật cần được chấp nhận, tuy nhiên khi phạt vi phạm cần phải xem xét xác định lỗi dẫn đến vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ khi vi phạm như sau:

[25] Về phía người sử dụng lao động: Trong quá trình thực hiện hợp đồng Công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã thỏa thuận; Công ty đã chi phí toàn bộ và làm các thủ tục để đưa ông T sang Nh và ông T đã sang Nhật làm việc; khi hết hạn ông T đã quay về Việt Nam, Công ty đã tiếp nhận người lao động, bố trí việc làm và trả lương cho ông T; tuy nhiên khi ông T đi đào tạo nâng cao tay nghề trở về Công ty không yêu cầu ông T báo cáo kết quả học tập, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực, trình độ, chuyên môn của ông T để kịp thời bố trí công việc và mức lương phù hợp, dẫn đến ông T xin nghỉ việc; đây cũng là một phần lỗi của Công ty. Mặc dù vấn đề tăng lương hay bố trí công việc tốt hơn cho ông T sau khi đi học về không thỏa thuận trong Hợp đồng nhưng đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Do vậy Công ty phải chịu trách nhiệm 20% lỗi, tương ứng với 20% số tiền phạt vi phạm; cụ thể:

194.346.000 đồng x 20% = 38.869.200 đồng.

[26] Theo lời trình bày của Công ty là sau khi ông T trở lại làm việc, Công ty cũng có kiểm tra đánh giá năng lực, trình độ, chuyên môn, tay nghề của ông T nhưng do ông T không đáp ứng được các yêu cầu của Công ty đối với người được đi đào tạo về nên Công ty vẫn bố trí công việc cũ và mức lương cũ tuy nhiên Công ty không cung cấp được các tài liệu chứng minh cho vấn đề này nên không có căn cứ chấp nhận.

[27] Về phía người lao động: Ông Tô Văn T đã được hưởng đẩy đủ quyền như thỏa thuận; ông T không phải bỏ ra bất kỳ khoản chi phí ban đầu nào mà ông T đã được sang Nhật – một đất nước hiện đại, phát triển để lao động và học tập theo nguyện vọng; ông T đã được tiếp xúc với nền công nghiệp mới, hiện đại để nâng cao về trình độ, chuyển môn, tay nghề và còn được hưởng mức lương cao hơn nhiều so với mức lương của ông T làm tại Việt Nam; tuy nhiên sau khi hết thời gian lao động và học tập ông T trở về Công ty nữ trang làm việc chỉ được khoảng hơn 01 tháng thì ông T đã làm đơn xin nghỉ việc với lý do mức lương của Công ty chi trả ông T không thể lo đủ kinh tế cho gia đình, muốn đến một môi trường làm việc mới với mức lương tốt hơn. Trong hợp đồng các bên không thỏa thuận về vấn đề tăng lương hay bố trí một công việc tốt hơn cho ông T sau khi đi lao động và học tập bên Nhật về nhưng ông T đã căn cứ vào lý do Công ty không tăng lương cho ông T để xin nghỉ việc là không chính đáng, ông T có thể sử dụng quyền của người lao động để đề nghị người sử dụng lao động kiểm tra, đánh giá, bố trí công việc và mức lương phù hợp với trình độ, năng lực, chuyên môn, tay nghề của mình sau khi đi đào tạo về để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng ông T không đề nghị Công ty xem xét về vấn đề này mà đã làm đơn xin nghỉ việc, chứng tỏ ông T không có ý thức thực hiện cam kết, lý do xin nghỉ việc chỉ là một cái cớ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, đã vi phạm cam kết trong hợp đồng về thời gian làm việc cho Công ty sau khi đi đào tạo về. Việc ông T xin nghỉ việc, không chấp nhận trả các chi phí mà Công ty đã chi phí để cho ông Tsang Nhật và không chấp nhận phạt vi phạm hợp đồng như đã thỏa thuận đã làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho Công ty về nhân lực lao động, kinh tế, uy tín và sự ổn định của Công ty. Do vậy ông Tô Văn T phải chịu 80% lỗi do vi phạm hợp đồng, tương ứng với 80% số tiền phạt vi phạm; cụ thể 194,346.000 đồng x 80% = 155.476.800 đồng.

[28] Trong Hợp đồng bên bảo lãnh là bà Tạ Thị M cam kết bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh là ông Tô Văn Tkhi ông T không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với Công ty; do vậy Công ty yêu cầu bà Tạ Thị M là người bảo lãnh cùng ông Tô Văn T phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm cho Công ty là đúng quy định tại các điều 335, 336, 339, 342 của Bộ luật Dân sự, cần được chấp nhận.

[29] Tổng số tiền ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M phải trả Công ty là 252.649.800 đồng; trong đó: 97.173.000 đồng là tiền chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh đi Nhật, 155.476.800 đồng là tiền phạt do vi phạm hợp đồng.

- Về án phí:

[30]Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, [31] Một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty được chấp nhận nên Công ty nữ trang không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu được chấp nhận; đối với phần yêu cầu không được chấp nhận thì Công ty nữ trang phải chịu án phí theo quy định của pháp luật; cụ thể: 38.869.200 đồng x 5% = 1.943.460 đồng.

[32] Bị đơn là ông Tô Văn Tvà bà Tạ Thị M phải chịu án dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của Công ty đối với ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M được Tòa án chấp nhận, cụ thể: 252.649.800 đồng x 5% = 12.632.490 đồng.

- Về quyền kháng cáo bản án:

[33]Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 3 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 228, Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 62 của Bộ luật Lao động; các điều 119, 274, 275, 335, 336, 339, 342, 351, 358, 360, 385, 398, 401, 410, 418, 463, 466 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty Buộc ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M phải trả Công ty số tiền là 252.649.800 đồng (Hai trăm năm mươi hai triệu sáu trăm bốn mươi chín nghìn tám trăm đồng); trong đó: 97.173.000 đồng (Chín mươi bảy triệu một trăm bảy mươi ba nghìn đồng) là tiền chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh đi Nhật, 155.476.800 đồng (Một trăm năm mươi lăm triệu bốn trăm bảy mươi sáu nghìn tám trăm đồng) là tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Không chấp nhận đối với yêu cầu của Công ty về việc buộc ông Tô Văn T và bà Tạ Thị M phải thanh toán khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 38.869.200 đồng (Ba mươi tám triệu tám trăm sáu mươi chín nghìn hai trăm đồng).

Về án phí: Bị đơn là ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 12.632.490 đồng (Mười hai triệu sáu trăm ba mươi hai nghìn bốn trăm chín mươi đồng). Công ty phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.943.460 đồng (Một triệu chín trăm bốn mươi ba nghìn bốn trăm sáu mươi đồng). Đối trừ với số tiền tạm ứng án phí, Công ty đã nộp là 4.500.000 đồng (Bốn triệu năm trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 00015021 ngày 15/7/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận K, thành phố H, trả lại Công ty số tiền là 2.556.540 đồng (Hai triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm bốn mươi đồng).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Quyền kháng cáo: Công ty, ông Tô Văn T, bà Tạ Thị M được quyền kháng cáo đối với bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

150
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng đào tạo và cho vay số 01/2020/DS-ST

Số hiệu:01/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Bình Thạnh - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:28/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về