Bản án về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ (thuê đặt chỗ server phim online) số 656/2020/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 656/2020/KDTM-PT NGÀY 10/07/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ

Trong các ngày 25/5; ngày 23/6 và ngày 10/7/2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố H, số 26 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố H, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 11/2020/TLPT- KDTM ngày 13 tháng 01 năm 2020 về việc Tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 62/2019/KDTM-ST ngày 03/10/2019 và Quyết định sửa chữa, bổ sung quyết định sơ thẩm số 15/2019/QĐ-SCBSQĐ ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2048/2020/QĐ-PT ngày 27/4/2020, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 4701/2020/QĐ-PT ngày 25/5/2020 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 6279/2020/QĐPT ngày 23/6/2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH DV Truyền thông Thương mại G (nay là Công ty TNHH Truyền thông G); địa chỉ: Số 114/85 đường P, phường P, quận T, Thành phố H; Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Minh T, sinh năm 1964 (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Khắc Trung H là Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Thành G của Đoàn Luật sư Thành phố H (Có mặt).

2. Bị đơn: Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F; địa chỉ: Lô L.29B- 31B đường T, Khu chế xuất T, Phường T, Quận B, Thành phố H;

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Thị Thanh T (Theo Quyết định ủy quyền của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F số 108/2016NS/QĐ-FTEL-FTI ngày 01 tháng 7 năm 2016) (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Bùi Ngọc H và ông Phan Hồng V là Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH LVT (Có mặt).

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn- Công ty TNHH DV Truyền thông Thương mại G.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và tại các buổi làm việc tại Tòa án, đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn trình bày:

Từ đầu năm 2009, Công ty TNHH Truyền thông G (viết tắt Công ty G) và Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F (viết tắt là F) ký hợp đồng thuê đặt máy chủ tại F để kinh doanh online. Việc thực hiện hợp đồng trên liên tục được gia hạn hàng năm và Hợp đồng ký gần nhất là Hợp đồng số ID29613 ngày 25/02/2013 với nội dung: Công ty F cung cấp dịch vụ thuê máy chủ cho Công ty G để kinh doanh online, thời hạn thuê là 22 tháng (trước khi hết hạn hợp đồng 30 ngày làm việc Công ty G phải gởi đề nghị gia hạn tiếp hợp đồng cho Công ty F, nếu muốn tiếp tục gia hạn hợp đồng), giá thuê là 2.000.000đồng/tháng.

Hai Công ty đã thực hiện đúng theo thoả thuận trong hợp đồng cho đến tháng 7/2013, Công ty F đã di dời Server của Công ty G từ Quận 12 về Quận 7 và xảy ra sự cố làm hỏng Server của Công ty G và Công ty F đã mời chuyên gia để khôi phục lại nguyên trạng như ban đầu trước khi di chuyển nhưng vẫn không được (Các dữ liệu mất hoàn toàn gây thiệt hại nghiêm trọng cho G). Việc di dời server từ Quận 12 về Quận 7 là hoàn toàn chủ quan từ phía F, việc di dời vị trí thuê đặt hoàn toàn do phía F quyết định và thực hiện không thể hiện trong hợp đồng. Do vậy, khi sự thay đổi vị trí, theo chủ quan của F có sự cố xảy ra, phía F hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đây không phải là trường hợp bất khả kháng. Do đó mọi thiệt hại của khách hàng do sự thay đổi từ phía F phải chịu trách nhiệm bồi thường. Thật vậy, khi sự việc xảy ra phía có trách nhiệm của F khẳng định qua email trong quá trình làm việc giữa 2 bên “Phía F chịu mọi chi phí phát sinh sửa chữa để hệ thống hoạt động lại nhanh nhất cho G’’. Điều này đã thấy rõ phía F đã xác định lỗi thuộc về mình.

Căn cứ khoản 1 Điều 604 Chương XXI Bộ luật Dân sự, khi phía F tự ý di dời làm xảy ra sự cố hư hỏng server thì phía F có trách nhiệm khắc phục sự cố. Nếu sự cố không khắc phục được thì phía F có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại do lỗi gây ra. Đây là cơ sở pháp lý để phía G khởi kiện nếu phía F đề nghị bồi thuờng không thỏa đáng. Cụ thể qua làm việc trực tiếp và email phía F khẳng định chịu trách nhiệm và đề xuất bồi thường mấy ổ cứng và miễn phí sử dụng gói dịch vụ cao nhất 1 năm và các phí khác. Điều đó chưa tương xứng với thiệt hại của Công ty G. Do đó Công ty G khởi kiện và đề nghị bồi thường đúng thiệt hại là phù hợp pháp luật. Ở đây không thể nói phía F thiện chí hỗ trợ. Vì sự việc xảy ra và gây thiệt hại hoàn toàn do lỗi từ phía F di dời để xảy ra sự cố.

Việc di dời server với tình trạng được thể hiện trên hệ thống, trước ngày di dời hệ thống hoạt động tốt, phục vụ khách hàng an toàn. Sau khi di dời từ Quận 12 về Quận 7 hệ thống không hoạt động được. Mặc dù phía G liên tục thông báo cho Công ty F và được trả lời sẽ cố gắng khắc phục sớm nhất cho G. Sau một thời gian 2 tuần, phía F mời G đến Trung tâm Quận 7 chứng kiến sự khắc phục hệ thống. Nhưng dữ liệu hoàn toàn bị mất. Phía F đề nghị G cung cấp thông tin mua server từ IBM để nhờ phía IBM hỗ trợ khắc phục dữ liệu. Phía G đồng ý cung cấp thông tin và phía F đồng ý chịu mọi chi phí khắc phục (nội dung làm việc qua email đính kèm). Nhưng sau khi nhờ IBM hỗ trợ khắc phục vẫn không cứu được. Như vậy khẳng định trong quá trình di dời server và lắp đặt hệ thống phía F đã để xảy ra sự cố nghiêm trọng nên mất hoàn dữ liệu. Đây là chứng cứ cho phía G khởi kiện F là phù hợp và có cơ sở. Do đó việc phía F khẳng định phía G khởi kiện không có cơ sở và chứng cứ là không phù hợp. Việc F thông báo IBM phỏng đoán: không có nguyên nhân do sự bất cẩn của F trong quá trình di chuyển là không đúng vì trước khi di chuyển hệ thống hoạt động tốt, sau khi di chuyển hệ thống không hoạt động được thì rõ ràng nguyên nhân là do việc di chuyển làm hư. Hơn nữa, sau khi làm việc qua nhiều tháng để khắc phục sự cố, phía F thể hiện ý chí sẽ bồi thường các ổ cứng và phí dịch vụ. Đây là ý chí thể hiện của sự bồi thường chứ không thể nói thiện chí hỗ trợ được (vì đây là lỗi của F nên trách nhiệm bồi thường là của phía F, không thể nói là thiện chí hỗ trợ).

Công ty G thuê đặt chỗ server phim online tại F vì đánh giá F là đơn vị uy tín sẽ phục vụ tốt cho khách hàng sử dụng Internet. Và G hoàn toàn tin tưởng tài sản sẽ được bảo quản tốt và có trách nhiệm khi đặt tại F. Việc sao lưu hay không là do phía G hoàn toàn tin tưởng vào F và để giảm bớt chi phí cho kinh doanh trong điều kiện khó khăn chung. Không thể nói do phía G không sao chép nên hoàn toàn tự gánh chịu là không đúng. Việc thuê nhà kinh doanh, do phía chủ nhà tự sửa chữa di dời làm xảy ra hư hỏng mất mát, giờ đỗ thừa cho bên thuê không chịu thuê thêm căn nhà khác để dự phòng là không đúng. Phía cho thuê phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi gây ra thiệt hại chứ không thể đổ thừa do bên thuê không chịu thuê thêm nhà để dự phòng.

Về thời gian, nếu không xảy ra sự cố việc kinh doanh của G tiến triển tốt đẹp và việc gia hạn hợp đồng bình thường như mọi năm. Vì thực tế đã hơn 6 năm gia hạn và ký với nhau. Cho nên việc xác định thời gian theo hợp đồng là không quan trọng vì sẽ được gia hạn như mọi năm nếu không có sự cố xảy ra.

Do đó, Công ty G đề nghị Tòa án buộc Công ty F bồi thường số tiền 10.010.673.050 đồng, bao gồm các khoản: Chi phí mua server: 50.000.000 đồng; Chi phí nén film và up film là: 1.813.000.000 đồng; Thiệt hại do không kinh doanh theo biên bản quyết toán thuế từ năm 2010 đến 2013 là 5.075.347.650 đồng; Lợi nhuận bình quân hàng năm (từ năm 2014 đến năm 2018, tổng cộng 05 năm) là 871.725.400 đồng; tình trạng Công ty G đang chờ phá sản sau sự cố do Công ty F gây ra với mức bồi thường 2.000.000.000 đồng tương đương vốn pháp định Công ty G đã đầu tư ban đầu; Bồi thường chi phí do thiệt hại sức khỏe, tinh thần cho chủ doanh nghiệp là 200.000.000 đồng vì tình trạng Công ty đang phát triển nhưng do sự cố xảy ra dẫn đến áp lực nợ nần, kinh doanh bế tắc làm chủ doanh nghiệp bị Stress kéo dài và bị tai biến đột quỵ, phải điều trị tại Bệnh viện nhân dân Gia Định nhiều ngày.

Công ty G không có ý kiến gì về kết luận giám định số 2388/C54B ngày 21/11/2017.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty G rút lại yêu cầu bồi thường chi phí do thiệt hại sức khỏe, tinh thần cho chủ doanh nghiệp là 200.000.000 đồng.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Đây là quan hệ tranh chấp về hợp đồng dân sự/kinh doanh, thương mại, theo khoản 3 Điều 25, điểm b khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (“Bộ Luật TTDS”), chứ không phải tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo khoản 6 Điều 25 Bộ Luật TTDS, nên điều kiện tiên quyết là phải căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng để giải thích và giải quyết tranh chấp. Ở đây, trong đơn khởi kiện G chỉ có một dòng duy nhất đề cập đến Hợp đồng cung cấp dịch vụ máy chủ số ID 29613 ký ngày 25/02/2013 giữa hai bên (“Hợp Đồng”), đã vậy khi nại ra các thiệt hại để yêu cầu F bồi thường thì G không nêu được căn cứ vào điều khoản nào của Hợp Đồng để cho rằng F đã vi phạm Hợp Đồng và phải bồi thường thiệt hại. Một khi không có căn cứ nào làm phát sinh quyền/nghĩa vụ của một hoặc hai bên tham gia Hợp Đồng thì việc G đi kiện F đòi bồi thường thiệt hại là không có cơ sở pháp lý và thực tế Công ty G cũng không đưa ra được chứng cứ “để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Công ty G cho rằng trong quá trình F thực hiện việc di chuyển Trung tâm dữ liệu từ Quận 12 về Quận 7 đã bất cẩn để xảy ra sự cố làm hỏng server của G chưa có cơ sở xác định là đúng thực, bởi không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi dịch chuyển và hậu quả server hỏng, bởi server của G bị hỏng có thể do nhiều nguyên nhân mà sau đó, trong các nguyên nhân chuyên gia IBM phỏng đoán không có nguyên nhân do sự bất cẩn của F trong quá trình di chuyển để xảy ra sự cố làm hỏng server của G. Còn F hứa hỗ trợ cho G 01 ổ cứng và miễn phí thuê chỗ đặt máy chủ 01 năm đơn thuần chỉ là thiện chí của F trong trường hợp hi hữu này, chứ không phải “chứng tỏ F đã biết lỗi do mình gây ra nên mới hứa bồi thường như vậy” như cách nói và cách giải thích chủ quan của G tại đơn khởi kiện. Mặt khác, theo Hợp Đồng thì F chỉ cung cấp cho G duy nhất dịch vụ “thuê chỗ đặt” máy chủ mà thôi, theo khoản 1.1 Điều 1 Hợp Đồng, còn việc quản trị mà cụ thể là sao lưu (bakckup) dữ liệu (quản lý dữ liệu, cập nhật và dự phòng hệ thống) hoàn toàn thuộc trách nhiệm của “khách hàng”, “do Bên A (G) tự thực hiện”, như thể hiện ở số thứ tự 11 tại khoản 1.2 Điều 1 và khoản 3.3 Điều 3 Hợp Đồng. Nên một khi F đã thông báo bằng văn bản cho mấy trăm khách hàng trong đó có G việc 07 ngày sau sẽ di chuyển Trung tâm dữ liệu về Quận 7 thì sự cố hỏng server trong khi G chủ quan, không có phương án sao lưu dữ liệu, dẫn đến thiệt hại (nếu có) thì trong trường hợp này G phải tự gánh chịu hậu quả, thiệt hại chứ không thể đỗ lỗi và buộc F chịu. G cũng không chứng minh được một cách thuyết phục mối quan hệ nhân quả giữa sự cố hỏng server dẫn đến hậu quả là thiệt hại kinh doanh phim online lên đến 5,327 tỉ đồng (làm tròn số) để buộc F phải bồi thường toàn bộ thiệt hại này. Việc tính toán thiệt hại của G đơn thuần chỉ là tự nêu ra các số liệu rồi cộng trừ nhân chia và phát ra số tiền yêu cầu bồi thường mang tính cảm tính chứ không có cơ sở xác thực chứng minh. Cũng như việc cho rằng doanh thu 30 – 35 tỉ đồng/năm nay do F gây ra sự cố sập server nên doanh thu giảm chỉ còn 5 tỉ đồng/năm cũng chỉ là cách nói ước lệ, không có căn cứ. Giả định xác định đúng server hỏng do lỗi của F đi chăng nữa, “làm gián đoạn dịch vụ” của G và “không thể khắc phục được”, thì như trình bày nêu trên và căn cứ khoản 3.10 (2) Điều 3 Hợp Đồng, F chỉ “có nghĩa vụ đưa ra phương án dịch vụ hoặc sản phẩm thay thế do Bên B (F) cung cấp cho Bên A (G), đồng thời Bên A được hưởng đền bù bằng dịch vụ, giá trị phần đền bù bằng 150% giá trị thời gian dịch vụ bị gián đoạn, quy đổi theo báo giá hiện hành Bên B đang áp dụng”. Theo đó thì G không có quyền đòi F phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do dịch vụ của mình bị gián đoạn, có chăng chỉ được quyền đòi và thực tế F đã có thiện chí đề nghị hỗ trợ cho G 01 ổ cứng mới và 01 năm miễn phí thuê chỗ đặt tại Trung tâm dữ liệu F.

Hợp đồng giữa G và F thực tế chỉ có giá trị 16 tháng, tính từ ngày 25/02/2013 đến ngày 25/06/2014, trong đó 12 tháng tính phí thuê dịch vụ và tặng thêm 04 tháng, theo khoản 2.1 và 2.2 Điều 2 Hợp Đồng (tại Điều 6 Hợp Đồng ghi nhầm là 22 tháng). Do hai bên không có thỏa thuận gia hạn Hợp Đồng nên về nguyên tắc Hợp đồng chấm dứt vào ngày 25/06/2014, nên G đi kiện yêu cầu F phải bồi thường thiệt hại tính từ tháng 07/2013 đến nay là không hợp lý. Do Công ty G là khách hàng lâu năm nên khi biết có sự cố lỗi ổ cứng trên máy chủ, kỹ thuật của F đã thông báo ngay và phối hợp cùng G kiểm tra, được sự đồng ý và trước sự chứng kiến của G đã tháo, cắm lại sợi cáp kết nối ổ cứng, và thực tế máy chủ đã hoạt động trở lại bình thường vào ngày 02/07/2013. F cũng rất thiện chí khi những nỗ lực khắc phục mà máy không tái khởi động lại được sau đó, bằng mối quan hệ của mình và được sự đồng ý của G, đã liên hệ trực tiếp với chuyên gia hãng IBM nhờ hỗ trợ xem xét, xác định nguyên nhân sự cố, đề xuất hướng xử lý và sửa chữa (nếu được) cho G, đã bỏ ra các chi phí liên quan mà không yêu cầu G hoàn lại, sau đó còn đề nghị được hỗ trợ ổ cứng mới để máy chủ vận hành bảo đảm hơn. Rất tiếc là tất cả thiện chí này của F không những không được G đáp trả mà ngược lại nay còn vịn vào đó để cho rằng F “có lỗi gây thiệt hại” nên mới hành động vậy. Kết quả giám định không xác định F có lỗi làm hỏng server. Do đó, đề nghị Tòa án tuyên xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty G đòi F bồi thường thiệt hại.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 62/2019/KDTM-ST ngày 03/10/2019 và Quyết định sửa chữa, bổ sung quyết định sơ thẩm số 15/2019/QĐ-SCBSQĐ ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố H tuyên xử:

1/ Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn Công ty TNHH Truyền thông G.

2/ Đình chỉ yêu cầu bồi thường chi phí do thiệt hại sức khỏe, tinh thần cho chủ doanh nghiệp là 200.000.000 đồng.

3/ Ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F hỗ trợ nguyên đơn Công ty TNHH Truyền thông G số tiền 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng).

4/ Về chi phí giám định: Công ty TNHH Truyền thông G phải chịu là 2.400.000 đồng theo phiếu thu số 47 ngày 19/12/2017 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố H. Công ty TNHH Truyền thông G đã nộp đủ.

5/ Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty TNHH Truyền thông G phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 117.810.673 đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà Công ty TNHH Truyền thông G đã nộp là 56.663.460 đồng theo biên lai thu số AA/2011/09935 ngày 15/12/2014 và 11.235.577 đồng theo biên lai thu số AA/2017/0025344 ngày 13/4/2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận 7, Thành phố H. Như vậy, Công ty TNHH Truyền thông G còn phải đóng 49.911.636 đồng (Bốn mươi chín triệu chín trăm mười một ngàn sáu trăm ba mươi sáu đồng) tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 15/10/2019, Nguyên đơn Công ty TNHH Truyền thông G kháng cáo Bản án sơ thẩm số 62/2019/KDTM-ST ngày 03/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố H.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và nguyên đơn trình bày: Công ty F tự di dời máy chủ từ Quận 12 về Quận 7, không có thỏa thuận trong hợp đồng và khi di dời cũng chỉ báo cho Công ty G qua mail mà chưa có ý kiến của Công ty G nên khi xảy ra sự cố hư Server của Công ty G là lỗi hoàn toàn thuộc về Công ty F, vì trước khi di dời Server hoạt động bình thường. Sau khi sự cố xảy ra, Công ty F đã làm việc qua nhiều tháng để khắc phục sự cố và cũng thể hiện ý chí sẽ bồi thường các ổ cứng và phí dịch vụ; điều này chứng minh Công ty F thấy mình có lỗi nên thể hiện ý chi bồi thường nhưng mức bồi thường không thỏa đáng so với thiệt hại mà Công ty G phải chịu do lỗi của Công ty F gây ra. Do đó, đề nghị tòa án căn cứ Điều 557 Bộ luật dân sự năm 2015, sửa bản án sơ thẩm, buộc bị đơn bồi thường số tiền 9.828.073.050 đồng, bao gồm các khoản: Chi phí mua server: 50.000.000 đồng; Chi phí nén film và up film là: 1.813.000.000 đồng; Thiệt hại do không kinh doanh theo biên bản quyết toán 05 tháng 2013 là 5.075.347.650 đồng; Lợi nhuận bình quân hàng năm (từ năm 2014 đến năm 2018, tổng cộng 05 năm) là 871.725.400 đồng; tình trạng Công ty G đang chờ phá sản sau sự cố do Công ty F gây ra với mức bồi thường 2.000.000.000 đồng tương đương vốn pháp định Công ty G đã đầu tư ban đầu.

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn và bị đơn trình bày: đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm, vì bị đơn không có lỗi làm hỏng server của nguyên đơn; hơn nữa Hợp đồng số ID29613 ngày 25/02/2013 hai bên ký kết với nội dung, Công ty G chỉ thuê chỗ đặt máy chủ và Công ty G đảm bảo mọi thông tin do G tự cài đặt trên máy chủ và trong Hợp đồng không có điều khoản nào khi xảy ra sự cố bị đơn phải chịu trách nhiệm bồi thương.Vì là khách hàng lâu năm nên bị đơn chỉ đồng ý hỗ trợ cho Công ty G 01 ổ cứng, miễn phí thuê chỗ đặt máy chủ 01 năm và sẽ úp lại các phim vào ổ cứng mới khi Công ty G cung cấp các dữ liệu. Nhưng do Công ty G không còn nhu cầu tiếp tục thực hiện việc kinh doanh online trên nên sẽ hỗ trợ cho Công ty G số tiền là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng).

Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố H phát biểu ý kiến:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án: Tòa án đã thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử. Thẩm phán, Hội đồng xét xử, đã chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.

Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung: Tại phiên tòa Công ty G kháng cáo nhưng không chứng minh được việc kháng cáo của mình nên đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty G, giữ nguyên bản án sơ thầm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F ủy quyền cho bà Trần Thị Thanh T, việc ủy quyền này phù hợp với Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Về yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH Truyền thông Thương mại G yêu cầu Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F bồi thường số tiền 9.810.673.050 đồng.

Căn cứ vào Hợp đồng cung cấp dịch vụ máy chủ số ID29613 ngày 25/02/2013 và sự thừa nhận của các đương sự trong quá trình tòa án cấp sơ thẩm giải quyết, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm thì có cơ sở xác định Công ty TNHH Truyền thông G và Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F có ký hợp đồng thuê đặt máy chủ tại F để kinh doanh online từ đầu năm 2009, việc thực hiện hợp đồng trên liên tục được gia hạn hàng năm và Hợp đồng ký gần nhất là Hợp đồng số ID29613 ngày 25/02/2013 với nội dung: Công ty F cung cấp dịch vụ thuê máy chủ cho Công ty G để kinh doanh online.

Tháng 7/2013 Công ty F đề nghị di dời hệ thống máy chủ từ Trung tâm dữ liệu Quận 12 về Trung tâm dữ liệu tại Quận 7 thì xảy ra sự việc hư hỏng Server của Công ty G, Công ty G cho rằng trước khi Công ty F dời Server thì hệ thống máy vẫn hoạt động bình thường, máy có sự cố là do lỗi của Công ty F; ngược lại, Công ty F cho rằng trước khi di dời server từ Quận 12 về Quận 7, F có thông báo cho G và sau khi di dời xong F có thông báo cho G máy hoạt động bình thường nhưng sau đó Công ty G thông báo máy không hoạt động thì Công ty F cũng đã cho người đến khắc phục nhưng máy không tái khởi động lại, vì là khách hàng lâu năm nên Công ty F đã liên hệ trực tiếp với chuyên gia hãng IBM nhờ hỗ trợ xem xét, xác định nguyên nhân sự cố và bỏ ra các chi phí khắc phục, đồng thời đề nghị được hỗ trợ ổ cứng mới để máy chủ vận hành bảo đảm hơn nhưng Công ty G không đồng ý.

Xét thấy, theo hợp đồng cung cấp dịch vụ máy chủ số ID29613, Công ty G chỉ đăng ký gói dịch vụ thuê chỗ đặt, tức là Công ty G phải chịu trách nhiệm cung cấp máy chủ cho Công ty F và đảm bảo thông tin do G tự cài đặt trên máy chủ tại địa điểm thực hiện dịch vụ của F (theo Điều 3.1 và 3.2 của hợp đồng ID 29613). Điều này cũng có nghĩa là nguyên đơn phải tự có trách nhiệm sao lưu dữ liệu theo như thỏa thuận tại Điều 3.3 hợp đồng ID 29613 “Sao lưu (backup) dữ liệu: Việc quản lý dữ liệu, cập nhật và dự phòng hệ thống do bên A tự thưc hiện. Trường hợp bên A có đăng ký dịch vụ sao lưu dữ liệu: Bên A có trách nhiệm cung cấp cho bên B thông tin tài khoản truy cập máy chủ, thông tin các dữ liệu cần sao lưu và quyền sao chép các dữ liệu này. Bên B chỉ chịu trách nhiệm về dữ liệu được sao lưu tính đến kỳ sao lưu dữ liệu cuối cùng”; Hơn nữa, trước thời điểm di dời hệ thống máy chủ Công ty F đã thông báo bằng email cho Công ty G và hai bên cũng không hề có bất kỳ văn bản nào xác nhận trong hệ thống có chứa những thông tin mà Công ty G yêu cầu và tại kết quả của Phân viện Khoa học Hình sự tại Thành phố H “không xác định được nguyên nhân trực tiếp gây hỏng 02 ổ cứng nêu trên”.

Mặt khác, Hợp đồng cung cấp dịch vụ số ID29613 ngày 25/02/2013 giữa Công ty G và Công ty F không có điều khoản nào quy định Công ty F phải có nghĩa vụ bảo đảm thông tin trong máy chủ của G và khi xảy ra sự cố thì Công ty F phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty G mà Công ty G phải có nghĩa vụ sao lưu mọi thông tin của mình nên việc Công ty G cho rằng Công ty F có lỗi trong việc dời Server nên phải chịu trách nhiệm bồi thường 9.810.673.050 đồng nhưng không có chứng cứ gì chứng minh được cho việc thiệt hại thực tế của mình; do vậy, với yêu cầu kháng cáo của Công ty G và ý kiến của luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công ty G là không có cơ sở chấp nhận.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty G, giữ nguyên bản án sơ thẩm như ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H.

Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo Công ty G nên phải chịu án phí 2.000.000 đồng (đã nộp đủ).

Các nội dung khác, đương sự không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị nên giữ nguyên án sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 148, Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 26 Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH ngày 27/2/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí tòa án;

Xử:

1/ Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH Truyền thông G.

2/ Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 62/2019/KDTM-ST ngày 03/10/2019 và Quyết định sửa chữa, bổ sung quyết định sơ thẩm số 15/2019/QĐ-SCBSQĐ ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố H bị kháng cáo.

3/ Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Truyền thông G yêu cầu Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F bồi thường thiệt hại số tiền 9.810.673.050 (Chín tỷ tám trăm mười triệu sáu trăm bảy mươi ba ngàn không trăm năm mươi) đồng (gồm chi phí mua Server 50.000.000 đồng + chi phí nén film và úp film 1.813.000.000 đồng + thiệt hại tài sản trong 05 tháng của năm 2013 là 5.075.347.650 đồng + lợi nhuận bình quân từ năm 2014 đến 2018 là 871.725.400 đồng và 2.000.000.000 đồng chờ phá sản công ty).

4/ Đình chỉ yêu cầu bồi thường chi phí do thiệt hại sức khỏe, tinh thần cho chủ doanh nghiệp là 200.000.000 (Hai trăm triệu) đồng.

5/ Ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế F hỗ trợ nguyên đơn Công ty TNHH Truyền thông G số tiền 50.000.000 (Năm mươi triệu) đồng.

6/ Về chi phí giám định: Công ty TNHH Truyền thông G phải chịu là 2.400.000 đồng theo phiếu thu số 47 ngày 19/12/2017 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố H. Công ty TNHH Truyền thông G đã nộp đủ.

7/ Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty TNHH Truyền thông G phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 117.810.673 (Một trăm mười bảy triệu tám trăm mười ngàn sáu trăm bảy mươi ba) đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà Công ty TNHH Truyền thông G đã nộp là 56.663.460 đồng theo biên lai thu số AA/2011/09935 ngày 15/12/2014 và 11.235.577 đồng theo biên lai thu số AA/2017/0025344 ngày 13/4/2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận 7, Thành phố H. Như vậy, Công ty TNHH Truyền thông G còn phải đóng thêm 49.911.636 (Bốn mươi chín triệu chín trăm mười một ngàn sáu trăm ba mươi sáu) đồng tại Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

8/ Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH Truyền thông G chịu 2.000.000 (Hai triệu) đồng, được cấn trừ theo Biên lai thu số AA/2018/0031820 ngày 18/11/2019 Của Chi cục thi hành dân sự Quận 7, Thành phố H.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

21
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ (thuê đặt chỗ server phim online) số 656/2020/KDTM-PT

Số hiệu:656/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 10/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về