Bản án về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ số 598/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 598/2022/DS-PT NGÀY 30/08/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ

Ngày 30 tháng 08 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số: 155/2021/TLPT-DS ngày 18/02/2021 về việc “Tranh chấp về hợp đồng cung ứng dịch vụ”;Do bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2017/DS-ST ngày 03/01/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo;

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1266/2022/QĐ-PT ngày 14/07/2022 giữa các đương sự:

1/Nguyên đơn:

Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1983 (vắng mặt);

Người đại diện của bà Nguyễn Thị Đ (văn bản ủy quyền ngày 18/07/2013):

Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1954 (có mặt);

Cùng địa chỉ: tổ , ấp Ch, xã P Th, huyện C C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền lợi của bà Nguyễn Thị Đ:

Luật sư Võ Vương Q, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2/Bị đơn:

Công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu (S);

Địa chỉ: đại lộ , phường P B, thành phố Th Đ, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện của công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (văn bản ủy quyền 29/08/2022):

Bà Huỳnh Thị L, sinh năm 1995 (có mặt).

3/Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1/Công ty Kabushikigaisha (công ty S) (vắng mặt); Địa chỉ: , Hamadashi Nagasawacho, 351-5, Nhật Bản.

3.2/Nghiệp đoàn Purchase Network Hiroshima (nghiệp đoàn K) (vắng mặt);

Địa chỉ: Nishiku Inokuchi, Nhật Bản.

3.3/Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh;

Địa chỉ: Ng D, phường B Ng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện của Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh (văn bản ủy quyền 16/08/2022):

Bà Trần Thị Kim Ph, sinh năm 1983 (có mặt);

4/Người kháng cáo:

Công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia, là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Đ trình bày yêu cầu khởi kiện như sau:

Bà Nguyễn Thị Đ là tu nghiệp sinh, đi tu nghiệp tại Nhật Bản theo hợp đồng số 2080278 ngày 04/06/2008 ký kết giữa bà Nguyễn Thị Đ và công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (công ty Suleco). Những nội dung chính của hợp đồng như sau:

-Thời hạn hợp đồng là 03 năm, tính từ ngày 15/06/2008, nhưng thời hạn tu nghiệp không quá 12 tháng; thời gian thực tập kỹ năng là 24 tháng;

-Nơi làm việc là công ty Kabushikigaisha Shinka (sau đây gọi là công ty Shinka). Tiền lương trong năm thứ nhất, mỗi tháng là 60.000 Yên Nhật; từ năm thứ hai trở đi (sau khi trừ các khoản chi phí), số tiền nhận được mỗi tháng là 69.755 Yên Nhật; công việc làm là đúc nhựa và các công việc liên quan đến ngành đúc nhựa.

Trước khi qua Nhật Bản làm việc, bà Đẹp phải nộp cho công ty Suleco số tiền đặt cọc và tiền bảo lãnh chống trốn, tổng cộng là 97.200.000 đồng.

Vào ngày 22/04/2010, bà Đẹp được ký hợp đồng gia hạn làm việc với công ty Shinka, thời điểm gia hạn bắt đầu từ ngày 15/06/2010. Tuy nhiên, đến ngày 06/09/2010, theo yêu cầu của công ty Shinka, bà Đẹp buộc phải về nước trước thời hạn mặc dù không vi phạm bất kỳ điều khoản nào được quy định trong hợp đồng đã ký kết. Vào ngày 06/09/2010, bà Đẹp đã trở về Việt Nam.

Sau đó, mặc dù đã nhiều lần yêu cầu, nhưng công ty Suleco không bồi thường, mà còn yêu cầu bà Đẹp phải trả số tiền 54.000 Yên Nhật (khoảng 13.000.000 đồng) với lý do: bà Đẹp về nước trước thời hạn.

Vì vậy, bà Đẹp nộp đơn khởi kiện, đòi công ty Suleco phải trả các khoản tiền như sau:

-Trả số tiền đặt cọc là 32.400.000 đồng; tiền bảo lãnh chống trốn là 64.800.000 đồng; tiền lãi tính từ ngày 02/06/2008 đến ngày 02/10/2010 (của khoản tiền 97.200.000 đồng) là 29.160.000 đồng; tiền lãi tính từ ngày 06/10/2010 đến ngày 06/12/2016 (của khoản tiền 97.200.000 đồng) là 95.013.000 đồng; số tiền tương ứng với 09 tháng về nước trước hợp đồng đã ký kết, là 120.721.914 đồng.

Bị đơn là Công ty cổ phần dịch vụ và xuất khẩu lao động và chuyên gia trình bày ý kiến như sau:

Vào ngày 04/06/2008, Công ty Suleco và bà Đẹp có ký kết hợp đồng tu nghiệp và thực tập có thời hạn tại Nhật Bản; thời hạn hợp đồng là 03 năm tính từ ngày 15/06/2008 (các nội dung khác thì giống như lời trình bày của bà Đẹp nói trên).

Bà Đẹp phải nộp trước các khoản tiền sau đây: tiền đặt cọc là 32.400.000 đồng, tiền bảo lãnh chống trốn là 64.800.000 đồng; các khoản tiền này sẽ được hoàn trả sau khi tu nghiệp sinh hoàn thành hợp đồng và trở về nước đúng hạn.

Ngoài hợp đồng ngày 04/10/2008, bà Đẹp và Công ty Suleco còn ký kết phụ lục hợp đồng; nội dung như sau: bà Đẹp phải nộp cho công ty Suleco số tiền 1.500 USD; trường hợp tu nghiệp sinh về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng hoặc vì lý do cá nhân, tu nghiệp sinh sẽ bị truy thu phí dịch vụ được tính từ ngày về nước trước thời hạn (theo hợp đồng 3 năm) theo Nghị định 81/CP; nếu các tu nghiệp sinh vi phạm Điều 5 của phụ lục hợp đồng, sẽ phải chịu các mức phạt tương ứng.

Đến ngày 25/08/2010, công ty Suleco nhận được thông báo từ Nghiệp đoàn Kumiai về việc bà Đẹp đã vi phạm các quy định, như cố ý làm hư hỏng sản phẩm; không tuân thủ nội quy công ty; có thái độ phản kháng; nghiệp đoàn đã nhiều lần nhắc nhở nhưng bà Đẹp không thay đổi. Vì vậy, nghiệp đoàn đã liên hệ với Cục xuất nhập cảnh của Nhật Bản và tổ chức JITCO, đưa bà Đẹp về nước trước thời hạn của hợp đồng; bà Đẹp về nước vào ngày 06/09/2010 và công ty Shinka sẽ thanh toán mọi khoản tiền liên quan đến việc hủy hợp đồng với bà Đẹp.

Sau khi bà Đẹp trở về Việt Nam, vào ngày 19/10/2010, công ty Suleco đã soạn thảo biên bản thanh lý hợp đồng với bà Đẹp, cụ thể như sau: công ty Suleco trả lại cho bà Đẹp số tiền đặt cọc là 32.400.000 đồng, trả lại tiền bảo lãnh chống trốn là 64.800.000 đồng; công ty Suleco thu tiền dịch vụ của bà Đẹp đối với 09 tháng về nước trước thời hạn, phí dịch vụ là 13.824.000 đồng. Như vậy, sau khi trừ phí dịch vụ, công ty Suleco sẽ trả lại cho bà Đẹp số tiền 88.909.920 đồng. Nhưng vì không đồng ý với nội dung thanh lý hợp đồng, bà Đẹp đã khởi kiện ra Tòa án.

Công ty Suleco vẫn giữ ý kiến đã nêu ra nói trên, đồng ý trả lại cho bà Đẹp số tiền là 88.909.920 đồng Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh trình bày ý kiến như sau:

Đối với yêu cầu của bà Đẹp trong vụ án này, công ty Suleco có trách nhiệm tự tính toán, tự chịu trách nhiệm và có văn bản đề xuất gửi Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là HFIC). Trên cơ sở đó, HFIC sẽ căn cứ hồ sơ, chứng từ chi tiết liên quan tới tu nghiệp sinh Nguyễn Thị Đ do Suleco cung cấp, để thực hiện việc trả tiền theo quy định, nhưng không được vượt quá phạm vi số tiền mà HFIC nhận chuyển giao, cụ thể là không vượt quá 97.200.000 đồng tiền gốc và 22.744.500 đồng tiền lãi (số tiền lãi 22.744.500 đồng là do công ty Suleco tự tính toán tiền lãi và chuyển cho HFIC theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/2017/DSST ngày 03/01/2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử như sau:

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 26; Điểm a Khoản 1 Điều 37; Khoản 2 Điều 227; Điều 273 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 ngày 27/02/2009 về Án phí, Lệ phí Tòa án.

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Đ.

Buộc công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia phải trả cho bà Nguyễn Thị Đ số tiền lãi từ ngày 02/06/2008 đến ngày 15/12/2016, là 51.926.670 đồng, sau khi đã trừ đi số tiền lãi 22.744.800 đồng mà Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh đang tạm giữ.

Buộc Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh phải thanh toán cho bà Nguyễn Thị Đ số tiền đặt cọc, tiền bảo lãnh chống trốn, tiền lãi (đây là số tiền mà công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia gia đã tính toán và chuyển cho Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 6341/QĐ-UBND ngày 01/12/2015), là 119.944.800 đồng.

Việc thi hành án được thực hiện tại cơ quan Thi hành án Dân sự có thẩm quyền ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, vào ngày 11/01/2017, bị đơn là công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không bắt buộc công ty Suleco phải trả số tiền lãi tính đến ngày 19/10/2010, là 51.926.670 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự trình bày ý kiến như sau:

-Người kháng cáo là công ty Suleco, do bà Huỳnh Thị Lệ đại diện, không đồng ý trả số tiền lãi theo yêu cầu của bà Đẹp;

-Nguyên đơn là bà Đẹp, do bà Ven đại diện, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của công ty Suleco, giữ nguyên bản án sơ thẩm;

-Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại về nghĩa vụ chịu án phí của công ty theo bản án của Tòa án cấp sơ thẩm; lý do như sau: Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh không phải là nguyên đơn, cũng không phải là bị đơn, nên sẽ không phải chịu án phí trong vụ án này.

Luật sư bảo vệ quyền lợi của bà Đẹp đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của công ty Suleco, giữ nguyên bản án sơ thẩm (có văn bản trình bày ý kiến kèm theo), đồng thời đề nghị xem xét thêm về việc tính lãi trong thời gian chờ xét xử vừa qua.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh trình bày ý kiến như sau:

-Về thủ tục tố tụng: Tòa án các cấp và đương sự tham gia tố tụng thực hiện đúng thủ tục tố tụng;

-Về nội dung giải quyết vụ án:

Vào ngày 04/06/2008, công ty Suleco và bà Đẹp có ký kết hợp đồng tu nghiệp và thực tập có thời hạn tại Nhật Bản; thời hạn hợp đồng là 03 năm tính từ ngày 15/06/2008 (các nội dung khác thì giống như lời trình bày của bà Đẹp nói trên).

Sau khi bà Đẹp phải trở về Việt Nam trước thời hạn, đương sự yêu cầu công ty Suleco trả lại các khoản tiền đặt cọc, tiền chống bỏ trốn và những khoản tiền lãi, là có căn cứ pháp luật. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đẹp, là đúng pháp luật.

Với ý kiến nói trên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của công ty Suleco, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]Về thủ tục tố tụng:

Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa lần thứ nhất vào ngày 10/05/2022; mở phiên tòa lần thứ hai vào ngày 23/08/2022, nhưng phải hoãn vì không có mặt đủ các đương sự tham gia tố tụng.

Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa lần thứ ba vào ngày hôm nay (30/08/2022). Tại phiên tòa, người kháng cáo là công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia; người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Đ (do bà Nguyễn Thị Ven làm người đại diện) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh có mặt; vắng mặt hai pháp nhân tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.

Xét thấy Tòa án cấp phúc thẩm đã mở phiên tòa đến lần thứ ba. Do đó, việc xét xử vẫn được tiến hành theo luật định.

[2]Về nội dung giải quyết vụ án:

[2.1]Tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Đ và công ty Suleco dựa trên hợp đồng mà hai bên đã ký kết vào ngày 04/06/2008. Về bản chất, đây là hợp đồng cung ứng dịch vụ và Tòa án giải quyết tranh chấp giữa hai bên đương sự theo bản hợp đồng này (hợp đồng giữa bà Nguyễn Thị Đ với công ty Kabushikigaisha Shinka là hợp đồng lao động, không phát sinh tranh chấp; Tòa án không giải quyết trong vụ án này).

[2.2]Xét hợp đồng dịch vụ ký kết vào ngày 04/06/2008 giữa bà Nguyễn Thị Đ và công ty Suleco:

Tại bản hợp đồng ngày 04/06/2008, các bên ký kết thỏa thuận với nhau về việc công ty Suleco đưa bà Nguyễn Thị Đ sang Nhật Bản để làm tu nghiệp sinh trong thời hạn 03 năm; quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của hai bên trong thời hạn bà Nguyễn Thị Đ thực hiện hợp đồng lao động (với công ty Kabushikigaisha Shinka) tại Nhật Bản.

Sau khi đến Nhật Bản và thực hiện hợp đồng lao động với với công ty Kabushikigaisha Shinka, đến ngày 22/04/2010, bà Nguyễn Thị Đ được ký hợp đồng gia hạn làm việc 12 tháng, thời điểm gia hạn bắt đầu từ ngày 15/06/2010. Tuy nhiên, trong khi thời hạn làm việc chưa hết, thì đến ngày 06/09/2010, theo yêu cầu của công ty Kabushikigaisha Shinka, bà Nguyễn Thị Đ đã phải về nước trước thời hạn 09 tháng; về thực tế, vào ngày 06/09/2010, bà Nguyễn Thị Đ đã trở về Việt Nam.

Bản hợp đồng dịch vụ ký kết vào ngày 04/06/2008 giữa hai bên không nói rằng trong trường hợp bà Nguyễn Thị Đ phải về trước thời hạn (thời hạn tính theo hợp đồng lao động với công ty Kabushikigaisha Shinka), thì bà Nguyễn Thị Đ phải bị mất các khoản tiền đã nộp trước đây cho công ty Suleco. Vì vậy, việc bà Nguyễn Thị Đ yêu cầu công ty Suleco phải trả lại cho đương sự số tiền đặt cọc là 32.400.000 đồng và số tiền bảo lãnh chống trốn là 64.800.000 đồng, tổng cộng là 97.200.000 đồng, là có căn cứ pháp luật.

Đối với số tiền lãi mà công ty Suleco phải trả cho bà Nguyễn Thị Đ, tính trên số tiền vốn 97.200.000 đồng, hai bên đương sự không thỏa thuận được với nhau, cả về lãi suất và thời hạn tính lãi. Về việc tranh chấp này, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử như sau:

-Về lãi suất: Khoản 3 Điều 2 của hợp đồng dịch vụ ngày 04/06/2008 quy định rằng phía công ty Suleco phải trả lại tiền đặt cọc, tiền bảo lãnh chống trốn và tiền lãi cho bà Nguyễn Thị Đ, nhưng không nói rõ về lãi suất. Trong trường hợp đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước là 9%/năm, theo Khoản 2 Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (bộ luật có hiệu lực vào thời điểm xét xử sơ thẩm), tính trên số tiền vốn là 97.200.000 đồng, là có căn cứ pháp luật;

-Về thời hạn tính lãi: Tòa án cấp sơ thẩm tính từ ngày 02/06/2008 (ngày mà bà Nguyễn Thị Đ nộp đủ số tiền 97.200.000 đồng cho công ty Suleco) đến ngày 15/12/2016 (là ngày dự định xét xử sơ thẩm, nhưng sau đó, hoãn lại phiên tòa; đến ngày 03/01/2017 thì Tòa án sơ thẩm tuyên án), là có căn cứ pháp luật;

Như vậy, với cách tính nói trên, công ty Suleco phải trả lại cho bà Nguyễn Thị Đ các khoản tiền sau đây:

-Tiền vốn: 97.200.000 đồng; tiền lãi: 74.671.470 đồng; tổng cộng là 171.871.470 đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh đang giữ của bà Nguyễn Thị Đ tổng cộng (tiền vốn và lãi) là 119.944.800 đồng. Vì vậy, trách nhiệm trả tiền được xác định như sau:

-Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh phải trả lại cho bà Nguyễn Thị Đ số tiền 119.944.800 đồng;

-Công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia phải trả lại cho bà Nguyễn Thị Đ số tiền là 51.926.670 đồng.

[2.3]Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Đ như đã phân tích nói trên, là có căn cứ pháp luật.

Bị đơn là công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng không có chứng cứ gì khác, Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của đương sự.

Đối với yêu cầu của Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm (yêu cầu không buộc Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu án phí sơ thẩm):

-Xét thấy, sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty ĐTTC Thành phố Hồ Chí Minh không kháng cáo bản án sơ thẩm. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ pháp luật để xem xét lại bản án theo yêu cầu của đương sự về phần án phí sơ thẩm phải chịu.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 270; Điều 293; Điều 308; Điều 313 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Án phí, Lệ phí Tòa án;

1/Không chấp nhận kháng cáo của công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 04/2017/DSST ngày 03/01/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

2/Về án phí phúc thẩm: công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia phải chịu 300.000 đồng nhưng được trừ vào số tiền đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai số 0033541 ngày 17/02/2017 của Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh; công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia đã nộp đủ án phí phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

536
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ số 598/2022/DS-PT

Số hiệu:598/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về