TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 488/2023/DS-PT NGÀY 25/07/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN ĐỔI QSDĐ; YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QSDĐ VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN
Ngày 25 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 06/2023/TLPT-DS ngày 11 tháng 01 năm 2023 về “Tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất; yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại về tài sản”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 64/2022/DS-ST ngày 29/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1530/2023/QĐPT-DS ngày 28 tháng 6 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1951 – Vắng mặt;
Địa chỉ: Số 97 ấp Chợ, thị trấn C, huyện C, tỉnh Sóc Trăng;
Người đại diện hợp pháp của ông Nguyễn Văn N: Ông Trần Văn T, sinh năm 1970; Địa chỉ: Số 131 Huỳnh Phan Hộ, Khóm 6, Phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (Văn bản ủy quyền ngày 09/5/2019) – Có văn bản yêu cầu xét xử vắng mặt;
2. Bị đơn: Ủy ban nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng;
Địa chỉ: Ấp Phước Hòa B, thị trấn C, huyện C, tỉnh Sóc Trăng;
Người đại diện hợp pháp của Ủy ban nhân dân huyện C: Ông Lê Minh Đ1, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C (Văn bản ủy quyền số 2145/QĐ-UBND ngày 18/8/2022) – Có văn bản yêu cầu xét xử vắng mặt;
3. Người kháng cáo: Ông Trần Văn T là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn;
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 11/02/2017, đơn khởi kiện bổ sung ngày 15/10/2018 và các lời khai tiếp theo, nguyên đơn ông Nguyễn Văn N và người đại diện hợp pháp của ông trình bày:
Trước năm 1975, ông Nguyễn Văn N đi bộ đội, sau ngày giải phóng miền Nam, vì lý do sức khỏe, ông được cho ra quân về tham gia công tác Đoàn của xã An Thạnh Nhì. Năm 1977, được sự đồng ý của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã An Thạnh Nhì là ông Nhâm Văn Sáu, ông đã khai phá vùng bãi bồi, hoang hóa khu vực sông Bến Hạ có tứ cận: Đông giáp rạch Thầy Tư, Tây giáp rạch Thông Hảo, Nam giáp đất ông Nguyễn Văn Cười và Bắc giáp sông Bến Hạ. Diện tích khoảng 3.000 m2, làm bờ bao ngạn trồng lúa được vài năm thì chuyển sang trồng mía.
Ngày 04/5/1982, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã An Thạnh Nhì và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Long Phú (nay là huyện C) mời ông đến để trao đổi đất, theo tinh thần thỏa thuận thì Ủy ban nhân dân huyện Long Phú giao cho ông phần đất của ông Nguyễn Văn Dẹp để đổi lấy diện tích 3.000 m2 của ông cho Công ty Thương nghiệp huyện xây lò đường, phần hoa lợi trên đất (mía đã trồng khoảng 06 tháng) thì Công ty Thương nghiệp huyện chịu trách nhiệm chi trả cho ông bằng tiền mặt theo thời giá.
Ông đã giao đất để xây lò đường, nhưng Ủy ban nhân dân huyện không giao đất, cũng không chi trả tiền hoa lợi cho ông như đã hứa. Ông đã khiếu nại đến Ủy ban nhân dân xã An Thạnh Nhì và Ủy ban nhân dân huyện Long Phú rất nhiều lần, nhưng hai cơ quan cứ đổ lỗi cho nhau, nên từ năm 1983 đến nay, ông khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết.
Vùng đất ông khai phá từ năm 1977 để trồng mía là đất bãi bồi, hoang hóa được Nhà nước khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa. Ủy ban nhân dân có thẩm quyền vận động ông hoán đổi đất và trả giá trị hoa lợi trên đất là theo tinh thần tự nguyện thỏa thuận giữa đôi bên. Ông đã tích cực thực hiện nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa thực hiện theo thỏa thuận và để kéo dài hơn 30 năm nay là quá thiệt thòi cho ông. Phần đất của ông Nguyễn Văn Dẹp mà Ủy ban nhân dân huyện hứa đổi cho ông thì lại cấp cho người khác, còn phần đất của ông sau khi lò đường giải thể thì không trả lại cho ông, mà cấp cho 14 hộ dân khác (hiện đất này tọa lạc tại ấp Chợ, thị trấn C, đoạn từ nhà của ông Nguyễn Văn Đơ đến nhà của ông Phan Văn Kiệt), gồm: Nguyễn Văn Đ, Lê Văn Mách, Nguyễn Văn Hảo, Mã Thành Rạng, Lê Văn C, Đặng Hoàng Tín, Trương Văn L, Nguyễn Văn Lưỡng, Nguyễn Văn Hải, Dương Văn A, Nguyễn Văn Phô, Phạm Kim Ngọc, Nguyễn Văn Nhi, Phan Văn Kiệt.
Ông Nguyễn Văn N khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:
1. Buộc Ủy ban nhân dân huyện C có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện thỏa thuận đổi đất mà hai bên đã ký kết ngày 04/5/1982; đồng thời phải trả cho ông Nuôi hoa lợi trên đất tương đương số tiền 15.000.000 đồng.
2. Nếu không có đất để hoán đổi, thì phải trả cho ông N giá trị của phần đất diện tích khoảng 3.000 m2 đã nhận của ông trước đây, theo giá thị trường là 12.358.112.000 đồng.
3. Hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Đ (thửa đất số 347); hộ ông Lê Văn C (thửa đất số 260 và 501); hộ ông Trương Văn L (thửa đất số 38 và 261).
Ngày 19/7/2019 và ngày 31/8/2022, ông Trần Văn T là người đại diện hợp pháp của ông Nguyễn Văn N có đơn rút khởi kiện đối với yêu cầu hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Đ (thửa đất số 347); hộ ông Lê Văn C (thửa đất số 260 và 501); hộ ông Trương Văn L (thửa đất số 38 và 261).
Bị đơn Ủy ban nhân dân huyện C do người đại diện hợp pháp trình bày:
Việc ông Nguyễn Văn N cho rằng Ủy ban nhân dân huyện Long Phú (nay là huyện C) có một Biên bản trao đổi đất với ông N, nhưng qua xác minh thì Ủy ban nhân dân huyện xác định không có việc trao đổi hay mượn đất của ông N. Tờ “Biên bản thỏa thuận trao đổi đất” do ông N cung cấp chỉ là bản photocopy không có giá trị pháp lý, những người có tên trong Biên bản không đúng chức vụ ở thời điểm đó. Biên bản ghi ông Trần Văn Dũng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Phú là không đúng, vì năm 1982 ông Dũng là Giám đốc Công ty Thương nghiệp, đến năm 1986 mới làm Phó Chủ tịch huyện Long Phú; Biên bản ghi ông Nguyễn Văn Căng là Phó Bí thư xã An Thạnh Nhì là không đúng, vì năm 1982 ông Căng là Bí thư chi bộ ấp Trung Tiến; Ông Trương Hoàng Bi lúc đó không phải là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, mà ông Bi đã được điều động về làm Phó Giám đốc Nông trường huyện; Chỉ có ông Trần Văn Tửng là người viết Biên bản chức vụ Phó Chủ tịch là đúng. Ủy ban căn cứ vào lý lịch đảng viên của những người có tên trong Biên bản đã cung cấp trong hồ sơ. Biên bản thỏa thuận đổi đất, nhưng hai chủ thể là Ủy ban đổi đất và ông N cho đổi đất cũng không có ký tên, còn Phó Chủ tịch xã và Chủ tịch xã chỉ là người chứng kiến.
Ủy ban nhân dân huyện C có cơ sở để xác định nguồn gốc đất trước năm 1954 là của địa chủ Sáu Phấy (Lạc Long Quyền), do ông Hai Cười làm và đóng thuế cho địa chủ. Sau năm 1960, do phong trào đánh địa chủ nên Sáu Phấy không dám đến lấy thuế nữa. Nhà nước cũng có chủ trương công nhận đất cho người trực canh trên đất địa chủ theo Luật người cày có ruộng, nên ông Cười sử dụng luôn. Sau Tiếp thu (giải phóng miền Nam 30/4/1975), qua lời xác nhận của một số người lớn tuổi thì ông Cười cho một số nông dân mượn đất sản xuất như: Ông Phạm Văn Công, ông Nguyễn Văn Thông (hiện ở Cần Thơ không rõ địa chỉ), ông Nguyễn Văn N. Từ năm 1975 đến năm 1980, những thửa đất đã có sản xuất sẵn thì bình thường, việc ruồng lá, ruồng rừng thì không phải chủ trương của Nhà nước, nên việc ông N cho rằng ông tự khai phá năm 1977 là không có cơ sở. Do đó, Ủy ban không thừa nhận nguồn gốc đất này là của ông N và không thừa nhận Biên bản đổi đất, phần đất này không có đưa vào Tập đoàn sản xuất.
Do đó, Ủy ban nhân dân huyện C không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DS-ST ngày 25/9/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quyết định:
Đình chỉ đối với khởi kiện của ông N yêu cầu hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Đ (thửa đất số 347); hộ ông Lê Văn C (thửa đất số 260 và 501); hộ ông Trương Văn L (thửa đất số 38 và 261).
Không chấp nhận khởi kiện của ông N về việc yêu cầu buộc Ủy ban nhân dân huyện C có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện thỏa thuận đổi đất mà hai bên đã ký kết ngày 04/5/1982; đồng thời phải trả cho ông Nuôi hoa lợi trên đất tương đương số tiền 15.000.000 đồng; Nếu không có đất để hoán đổi, thì phải trả cho ông N giá trị của phần đất diện tích khoảng 3.000 m2 đã nhận của ông trước đây, theo giá thị trường là 12.358.112.000 đồng.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm; về chi phí đo đạc, định giá; về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 03/10/2019, nguyên đơn ông Nguyễn Văn N kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 139/2020/DS-PT ngày 28/5/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DS-ST ngày 25/9/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng và chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 64/2022/DS-ST ngày 29/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quyết định:
Căn cứ khoản 3 khoản 6 và khoản 9 Điều 26, khoản 4 Điều 34, điểm g khoản 1 Điều 127, Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính năm 2015; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Văn N về việc yêu cầu: Buộc Ủy ban nhân dân huyện C phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện thỏa thuận trao đổi đất vào ngày 04/5/1982, đồng thời phải hoàn trả cho ông Nguyễn Văn N số hoa lợi trên phần đất đã nhận khoảng 3.000 m2 để làm lò đường, tương đương số tiền là 15.000.000 đồng, nếu không thể giao đất hoán đổi, thì Ủy ban nhân dân huyện C phải trả giá trị phần đất có diện tích 3.000 m2, theo giá thị trường là 12.358.112.000 đồng.
2. Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N đối với yêu cầu:
2.1. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Long Phú (nay là Ủy ban nhân dân huyện C) đã cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Đ, đối với thửa đất số 347, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp Phước Hòa B, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (nay là ấp Chợ, thị trấn C, huyện C), tỉnh Sóc Trăng.
2.2. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Long Phú (nay là Ủy ban nhân dân huyện C) đã cấp cho hộ ông Lê Văn C, đối với thửa đất số 260 và 501, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp Phước Hòa B, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (nay là ấp Chợ, thị trấn C, huyện C), tỉnh Sóc Trăng.
2.3. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Long Phú (nay là Ủy ban nhân dân huyện C) đã cấp cho hộ ông Trương Văn L, đối với thửa đất số 38 và thửa 261, tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp Phước Hòa B, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (nay là ấp Chợ, thị trấn C, huyện C), tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí thẩm định tại chỗ, định giá; về án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 21/10/2022, ông Trần Văn T là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N có đơn kháng cáo yêu cầu sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:
Nguyên đơn và bị đơn đều có yêu cầu xét xử vắng mặt họ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự; Đơn kháng cáo đều hợp lệ về hình thức; Về nội dung đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Tuy trong văn bản ủy quyền không nêu rõ nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, nhưng có nội dung ông Nguyễn Văn N ủy quyền cho ông Trần Văn T đại diện cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật, nên ông T có quyền đại diện cho ông N kháng cáo bản án sơ thẩm. Vì vậy, đơn kháng cáo của ông Trần Văn T đảm bảo hình thức, thời hạn, đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Phiên tòa phúc thẩm được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, nguyên đơn và bị đơn đều có văn bản yêu cầu xét xử vắng mặt, nên theo quy định tại Điều 296 và Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án vắng mặt họ.
[2] Nguyên đơn ông Nguyễn Văn N xuất trình bản photocophy “Biên bản v/v thỏa thuận trao đổi đất ngày 04/5/1982” (sau đây viết tắt là “Biên bản trao đổi đất”) và lời khai của một số người có tên trong “Biên bản trao đổi đất”, cùng các tài liệu khác để khởi kiện yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện C thực hiện việc trao đổi đất hoặc bồi thường cho ông giá trị đất theo giá thị trường là 12.358.112.000 đồng, bồi thường hoa màu trên đất với số tiền 15.000.000 đồng.
Bị đơn Ủy ban nhân dân huyện C không thừa nhận có việc trao đổi đất, không thừa nhận “Biên bản trao đổi đất” nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông Nuôi.
[3] “Biên bản trao đổi đất” chỉ là bản photocopy không có công chứng hoặc chứng thực, nên không được xem là chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự.
[3.1] Ông Nguyễn Văn N cung cấp Tờ tường trình ngày 20/12/2012 của ông Trần Minh Chiến xác nhận đã cho ông N mượn bản gốc “Biên bản trao đổi đất” để ông photocopy lại, nhưng tại Biên bản xác minh ngày 03/3/2022 (bút lục số 1399 đến 1404), ông Trần Minh Chiến trình bày: “… ông N đánh máy sẵn, ổng nói ông Bi, ông Phước ký tên hết rồi, chỉ còn sót lại một mình tôi. Do có rượu nên tôi ký đại không có xem nội dung. Đến ngày 13/7/2018, tôi có làm đơn xin rút lại… Tôi xin xác định là tôi không có cho ông N mượn một tờ biên bản nào hết”.
[3.2] Ông Nguyễn Văn N cung cấp Giấy xác nhận ngày 27/12/2012 của ông Nguyễn Hữu Phước xác định có việc trao đổi đất như “Biên bản trao đổi đất” đã thể hiện, nhưng tại Biên bản xác minh ngày 04/3/2022 (bút lục 1378 đến 1384) thì ông Nguyễn Hữu Phước (Nguyễn Văn Phước) trình bày: “Do trước đây vào ngày 27/12/2012 tôi không rõ nguồn gốc đất, nên tôi mới xác nhận cho ông N. Nay tôi tìm hiểu thì biết nguồn gốc đất không phải của ông N, mà chủ sở hữu miếng đất này trước đây là của người khác, nên việc xác nhận của tôi ngày 27/12/2012 là không đúng”.
Ông Nguyễn Văn N cung cấp Giấy xác nhận ngày 09/3/2012 của ông Trương Hoàng Bi xác định có việc trao đổi đất như “Biên bản trao đổi đất” đã thể hiện, nhưng tại Biên bản xác minh ngày 18/02/2022 (bút lục 1385 đến 1389) thì ông Trương Hoàng Bi trình bày: “Việc tôi xác nhận vào Tờ xác nhận ngày 09/3/2012 là không chính xác, nên tôi xin rút lại việc xác nhận này”.
“Biên bản trao đổi đất” thể hiện có 06 người tham dự, nhưng 03 người đã chết không thể xác minh hoặc ghi lời khai được, gồm các ông: Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Căng và Trần Văn Tửng; còn sống 03 người thì ông Nguyễn Văn N là nguyên đơn trong vụ án, còn lại ông Nguyễn Hữu Phước và ông Trương Hoàng Bi tuy thời gian đầu xác nhận có việc trao đổi đất, nhưng sau đó và hiện nay, ông Phước và ông Bi đều xin rút lại xác nhận trước đây của mình, vì cho rằng trước đây không hiểu rõ nên đã xác nhận không đúng.
[3.3] Kết quả xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án xác định “Biên bản trao đổi đất” ghi không đúng chức danh của ông Nguyễn Hữu Phước và ông Trương Hoàng Bi. Đối với ông Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Căng và Trần Văn Tửng đã chết, nên không thu thập được các quyết định bổ nhiệm chức danh.
Như vậy, mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ, nhưng vẫn chưa có đủ căn cứ để chứng minh lời khai của ông N về việc trao đổi đất ngày 04/5/1982 và “Biên bản trao đổi đất” là có thật hay không.
[4] Về nguồn gốc đất:
Ông N trình bày vào năm 1977, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã An Thạnh Nhì đồng ý cho ông khai phá đất hoang hóa, bãi bồi được khoảng 3.000 m2 trồng lúa vài năm thì chuyển sang trồng mía cho đến năm 1982 thì thực hiện “Biên bản trao đổi đất” nên ông đã giao diện tích đất cho Ủy ban nhân dân huyện Long Phú làm lò đường. Ngoài lời trình bày bằng lời nói đơn phương của mình, ông N không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh đất tranh chấp là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông. Ông N không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh đất là của ông, cũng không có kê khai đăng ký quyền sử dụng đất theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980.
Tòa án xác minh, kết quả như sau:
Tại Biên bản ngày 11/6/2019 (bút lục 814 đến 816), ông Phạm Văn Công, sinh năm 1938, trình bày: “Tôi là cậu ruột ông N … Khi tôi trả lại đất cho ông Hai Cười thì ông N cũng trả lại đất để làm lò đường luôn, lúc đó ông N sử dụng đất làm ruộng có bao ngạn, sau đó Nhà nước trả đất lại cho ông Hai Cười rồi ông Hai Cười cho con, sau đó con ông Hai Cười mới bán đất lại”.
Tại Biên bản ngày 28/11/2017 (bút lục 118), ông Nguyễn Thanh Lợi, sinh năm 1952 trình bày: “Cha ruột ông N là anh ruột của mẹ tôi, tôi không có mâu thuẫn gì với ông N…Theo tôi biết thì nguồn gốc phần đất này trước đây là của ông Nguyễn Văn Cười, cha ruột của ông Nguyễn Văn Phô hợp đồng cho ông Nguyễn Văn N mượn khai phá trồng lúa. Sau đó thì có thỏa thuận trao đổi đất với Ủy ban nhân dân huyện Long Phú (cũ) hay không thì tôi không biết, tôi chỉ biết là sau này ông Nguyễn Văn Phô lấy lại chuyển nhượng cho người khác, nhưng tôi không biết tên họ của những người đó”.
Tại Biên bản ngày 19/7/2019 (bút lục 803, 804), vợ chồng ông Nguyễn Văn Phô, sinh năm 1940 và bà Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1944, trình bày: “Sau giải phóng có cho ông N mượn phần đất khoảng 01 công góc tư, ông N sử dụng khoảng 02 năm thì tôi lấy lại để sang cho người khác”.
Những người dân xung quanh đất tranh chấp như: Ông Đặng Văn Bé, sinh năm 1952 (bút lục 122); ông Diệp Thanh Bình, sinh năm 1962 (bút lục 124); đều xác định nguồn gốc đất là của ông Hai Cười.
[5] Về hoa màu trên đất:
Ông N yêu cầu bồi thường hoa màu (cây mía khoảng 06 tháng tuổi) trên đất nhưng Ủy ban nhân dân huyện C không đồng ý, vì cho rằng không có việc trao đổi đất. Ngoài lời trình bày bằng lời nói đơn phương của mình không được bị đơn thừa nhận, ông N không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh lời trình bày của mình là có căn cứ, không cung cấp được tài liệu hay biên bản thể hiện việc bàn giao đất và hoa lợi trên đất.
Tại Biên bản xác minh ngày 30/7/2019 (bút lục 795 đến 797), ông Dương Văn Kiệt, sinh năm 1952, nguyên Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp Huyện năm 1984, trình bày: “Trước đây trạm Thu mua nằm tại khu vực đất nhà ông Đơ, còn sau này có xây dựng nhà máy đường hay không tôi không rõ. Nguồn gốc đất xây dựng Trạm thu mua trước đây tôi không rõ, tôi cũng không biết ông Nguyễn Văn N là ai luôn, trong thời gian tôi công tác tại Công ty Thương nghiệp thì cũng không có nghe ông Nguyễn Văn N có làm đơn xin lại đất”.
Ông N trình bày lò đường được xây dựng trên phần đất của ông, nhưng khi xem xét, thẩm định tại chỗ thì ông N lại xác định không đúng vị trí của lò đường trước đây.
[6] Các tài liệu khác do ông N cung cấp (bút lục từ 135 đến 151) gồm: Biên nhận ngày 16/02/1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhận đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn N; Giấy báo ngày 05/10/1983 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang; Biên nhận ngày 09/5/1989 của Ban Thư ký Ủy ban nhân dân huyện Long Phú; Thư mới ngày 15/01/1997 của Phòng Tư pháp huyện Long Phú; Phiếu nhận đơn ngày 27/9/2011 của Phòng tiếp công dân thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện C.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung có văn bản số 142/CTUBND-HC ngày 22/02/2016 giao cho Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Chánh Thanh tra Huyện xác minh, đề xuất khiếu nại của ông N. Tại Báo cáo số 70/BC-TNMT ngày 15/9/2016 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện C đã kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C trả lời cho ông N biết việc khiếu nại của ông là không có cơ sở. Ngày 30/6/2017, ông N rút đơn khiếu nại nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C ra Quyết định số 623/QĐHC-CTUBND ngày 18/7/2017 đình chỉ giải quyết khiếu nại của ông N.
Những vấn đề trên chỉ chứng minh được ông Nguyễn Văn N đã khiếu nại, khiếu kiện từ năm 1989 qua nhiều cơ quan, nhưng đều chưa được giải quyết, nên các tài liệu trên cũng không phải là cơ sở để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của ông N là có căn cứ.
[7] Từ các phân tích trên, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn N, giữ nguyên Bản án sơ thẩm theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp.
[8] Ông Nguyễn Văn N là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
[9] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm về việc đình chỉ giải quyết đối với việc ông Nguyễn Văn N rút khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ: Nguyễn Văn Đ, Lê Văn C, Trương Văn L; Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá; về án phí dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Các điều 12, 27 và Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
2. Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn N, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 64/2022/DS-ST ngày 29/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng;
Không chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N về việc yêu cầu: Buộc Ủy ban nhân dân huyện C phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện thỏa thuận trao đổi đất vào ngày 04/5/1982; đồng thời phải hoàn trả cho ông Nguyễn Văn N số hoa lợi trên phần đất đã nhận khoảng 3.000 m2 để làm lò đường, tương đương số tiền là 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng); nếu không thể giao đất hoán đổi, thì Ủy ban nhân dân huyện C phải trả giá trị phần đất có diện tích 3.000 m2, theo giá thị trường là 12.358.112.000 đồng (Mười hai tỷ ba trăm năm mươi tám triệu một trăm mười hai ngàn đồng).
3. Ông Nguyễn Văn N được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm về việc đình chỉ giải quyết đối với việc ông Nguyễn Văn N rút khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ: Nguyễn Văn Đ, Lê Văn C, Trương Văn L; Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá; về án phí dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp hợp đồng chuyển đổi QSDĐ; yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ và bồi thường thiệt hại tài sản số 488/2023/DS-PT
Số hiệu: | 488/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 25/07/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về