TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 171/2023/KDTM-PT NGÀY 03/08/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH
Ngày 03 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại, thụ lý số 166/2022/TLPT-KDTM ngày 17/11/2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 412/2023/QĐXX-PT ngày 28 tháng 6 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 462/2023/QĐ-HPT ngày 14/7/2023 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty S.
Trụ sở: phố B, phường L, quận H, thành phố Hà Nội Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thiều S - Tổng Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: Công ty Q. Địa chỉ: đường C, phường D, quận C, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Lương Phú C Ủy quyền lại: Bà Trương Diệu L, ông Nguyễn Tiến T, bà Nguyễn Thị Phương T, bà Hà Nguyệt M, ông Ngô Thế H, ông Nguyễn Tuấn C. (Có mặt).
2. Bị đơn: Công ty C.
Địa chỉ: xã Y, huyện G, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Văn C - Tổng Giám đốc HKTT và cư trú: xã Y, huyện G, thành phố Hà Nội. (Vắng mặt).
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Công ty D.
Địa chỉ: đường N, quận L, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Ngô Mạnh H - Tổng Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần K - Phó Tổng Giám đốc. (Có mặt).
Công ty luật K do ông Nguyễn Văn H là người đại diện theo ủy quyền. Địa chỉ: phường M, quận N, thành phố Hà Nội. (Có mặt).
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp: Luật sư Trần Văn T, Luật sư Đường Khánh N - Công ty luật K. (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án Nguyên đơn Công ty S do người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Công ty S và Công ty D (do ông Huỳnh Quang V - Tổng giám đốc đại diện) đã ký Hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-2037/HĐCTTC ngày 12/3/2007 theo đó Công ty S đầu tư để mua 01 dây chuyền sản xuất cáp quang đã qua sử dụng, do hãng NM sản xuất, chất lượng trên 85%, sản xuất năm 1997 được bán bởi Tập đoàn G và thông qua đơn vị ủy thác nhập khẩu là Công ty I và cho Công ty D thuê tài tài sản thuê tài chính này. Theo hợp đồng:
- Tổng số tiền đầu tư tài sản thuê tài chính gồm: tiền mua tài sản là 2.030.000 USD; các loại thuế nhập khẩu, VAT; Các chi phí hợp lý khác (gồm toàn bộ các phí từ khi mua đến khi đưa tài sản vào sử dụng như: phí mở L/C, phí ủy thác, vận chuyển, lắp đặt chạy thử,..).
- Tiền thuê tài chính bao gồm: tiền mua tài sản 1.624.000 USD, thuế nhập khẩu, VAT, phí ủy thác và các chi phí hợp lý liên quan đến việc mua tài sản,... (các khoản tiền này sẽ được quy đổi ra VND và nêu cụ thể tại các phụ lục thanh toán tiền thuê kèm theo hợp đồng).
Công ty D sẽ trả trước cho Công ty S số tiền 406.0000 USD tương đương 20% tổng số tiền mua tài sản 2.030.000 USD.
- Lãi suất thuê tài chính: Lãi suất thả nổi bằng lãi suất huy động vốn bình quân VNĐ của Công ty CTTC+0,25%, tạm tính tại thời điểm ký hợp đồng là 1,05%/tháng.
Lãi suất quá hạn: bằng 150% lãi suất thuê tài chính và chỉ áp dụng đối với phần dư nợ gốc bị chuyển nợ quá hạn.
- Thời điểm nhận nợ được tính từ ngày Công ty S thanh toán món tiền đầu tiên cho bên cung ứng.
- Thời hạn thuê tài chính: 60 tháng kể từ thời điểm Công ty D nhận nợ với Công ty S cho đến khi trả hết nợ tiền thuê.
- Kỳ hạn trả tiền thuê: 01 tháng/lần.
- Đồng tiền thanh toán: VND.
Ngày 14/3/2007, Công ty D đã trả trước 6.496.000.000 đồng cho Công ty S. Số tiền thuê tài chính của Công ty D với Công ty S là 26.303.912.050 đồng.
Ngày 31/12/2007, Công ty S; Công ty D và Công ty C đã ký Phụ lục số 01 nội dung thay đổi bên thuê từ Công ty D sang Công ty C và Trường hợp bên thuê mới (Công ty C) không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ của hợp đồng cho thuê tài chính thì bên thuê cũ (Công ty D) có trách nhiệm thực hiện thay cho bên thuê mới.
Các ngày 10/12/2008 và 27/5/2010 Công ty S và Công ty C đã ký Phụ lục 01A (Bút lục số 19), Phụ lục 01B (Bút lục 17) sửa đổi về lãi suất thuê tài chính.
Ngày 13/12/2012, Công ty S - Chi nhánh Hà Nội và Công ty C; Công ty D đã ký Phụ lục 02 nội dung:
- Sửa đổi về lãi suất thuê tài chính áp dụng theo phương thức thả nổi từ ngày 01/8/2012 là 15%/năm - Thời hạn thuê tài chính: 90 tháng kể từ thời điểm Công ty D nhận nợ với Công ty S cho đến khi bên thuê là Công ty C trả hết nợ tiền thuê.
- Trong thời gian gia hạn thời hạn thuê tài chính trường hợp bên thuê là Công ty C không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ và các nghĩa vụ khác quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-02327/HĐCTTC ngày 12/3/2007, bên bảo lãnh thanh toán tiền thuê là Công ty D có trách nhiệm thực hiện thay các nghĩa vụ cho Công ty C.
Quá trình thực hiện Hợp đồng cho thuê tài chính và các phụ lục kèm theo, Công ty C đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê tài chính đầy đủ, đúng hạn. Tính đến ngày 19/3/2014 (là ngày trả nợ cuối cùng), Công ty D và Công ty C đã trả được 32.189.845.842 đồng trong đó: nợ gốc 20.554.061.655 đồng, nợ lãi 11.635.78.187 đồng.
Ngày 04/12/2014, Công ty D có công văn số 556/PTP về việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ cho Công ty C do việc ký kết các phụ lục vượt quá thẩm quyền và trái với quy định của điều lệ công ty.
Tính đến ngày 29/10/2020, Công ty C còn phải trả cho Công ty S là 14.672.103.269 đồng trong đó nợ gốc 5.749.850.395 đồng, nợ lãi 8.922.252.874 đồng.
Nguyên đơn cho rằng việc người liên quan không thực hiện thanh toán tiền thuê đã vi phạm quy định pháp luật và thỏa thuận của các bên tại khoản 2.3 Điều 2 Phụ lục 01, khoản 12.7 Điều 12 Hợp đồng cho thuê tài chính.
Ngày 19/11/2014, Nguyên đơn đã ra quyết định và thông báo thu hồi tài sản thuê nhưng Công ty C không hợp tác trong việc bàn giao và xử lý tài sản thuê.
Nay Công ty S yêu cầu Tòa án giải quyết:
- Buộc Công ty C phải trả số tiền tạm tính đến ngày 29/10/2020 là 14.672.103.269 đồng trong đó nợ gốc 5.749.850.395 đồng và nợ lãi 8.922.252.874 đồng và các khoản nợ lãi, tiền phạt phát sinh theo lãi suất quá hạn, lãi phạt thỏa thuận tại Hợp đồng S và các phụ lục kèm theo kể từ ngày 30/10/2020 cho đến khi thanh toán xong toàn bộ khoản nợ. Đồng thời phối với hợp Công ty D phải bàn giao tài sản cho thuê tài chính là 01 dây chuyền sản xuất cáp quang đã qua sử dụng do hãng NM sản xuất năm 1997.
- Trường hợp Công ty C không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền nêu trên, không phối hợp cùng Công ty D bàn giao tài sản cho thuê tài chính nêu trên thì Công ty D phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán cho Công ty S số tiền còn thiếu cho đến khi thanh toán hết toàn bộ công nợ giữa các bên theo Phụ lục 01.
- Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu Công ty D và Công ty C không liên đới bàn giao tài sản cho thuê tài chính cho Công ty S, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ nêu trên và lãi phát sinh thì Công ty S có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế bàn giao tài sản nêu trên cho nguyên đơn và kê biên, phát mại các tài sản khác thuộc sở hữu của Công ty D để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán toàn bộ khoản nợ cho Công ty S. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán tài sản được dùng để thanh toán nghĩa vụ trả nợ của Công ty D theo thứ tự gốc, lãi, lãi phạt, phí,... (nếu có). Nếu số tiền thu được từ bán/xử lý tài sản cho thuê tài chính không đủ thanh toán hết khoản nợ, Công ty D vẫn phải có nghĩa vụ trả hết nợ cho Công ty S.
* Bị đơn Công ty C đã nhận được các văn bản tố tụng của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án nhưng không có văn bản trình bày ý kiến. Về dây chuyền sản xuất cáp quang vẫn trong xưởng sản xuất của công ty.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty D do người đại diện theo ủy quyền trình bày: Căn cứ vào Điều lệ Công ty D thì đại diện công ty khi ký kết các hợp đồng cho thuê tài chính, các phụ lục hợp đồng bảo lãnh cho Công ty C với Công ty S đã không báo cáo Hội đồng quản trị và không được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị khi ký kết. Do đó việc ký hợp đồng thuê mua tài chính và các phụ lục là trái quy định tại Điều lệ Công ty cũng như vượt quá thẩm quyền của Tổng giám đốc Công ty tại thời điểm ký. Công ty D từ chối thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến bảo lãnh trả nợ cho Công ty C.
Tại bản án sơ thẩm số 11/2022/KDTM-ST ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm, Hà Nội đã xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty S đối với Công ty C.
2. Buộc Công ty C phải trả cho Công ty S số tiền nợ gốc là 5.749.850.395 đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Công ty C phải bàn giao trả lại tài sản thuê cho Công ty S là 01 dây chuyền đồng bộ máy sản xuất cáp sợi quang đã qua sử dụng, chất lượng trên 85% do hãng NM (Phần Lan) sản xuất năm 1997, được xác định theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-02327/HĐCTTC ký ngày 12/3/2007 và các phụ lục đi kèm.
3. Không chấp nhận yêu cầu thanh toán nợ lãi của Công ty S đối với Công ty C. Nguyên đơn có quyền khởi kiện yêu cầu đòi khoản tiền lãi của số tiền gốc nêu trên bằng một vụ án khác khi đã xuất trình đủ các chứng cứ là các Quyết định điều chỉnh lãi suất kể từ ngày ký hợp đồng cho thuê tài chính cho đến thời điểm khởi kiện.
4. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, người phải thi hành án còn phải tiếp tục chịu khoản lãi của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính và các phụ lục hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.
Trường hợp trong Hợp đồng cho thuê tài chính và các phụ lục đi kèm, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của bên nguyên đơn thì bị đơn phải tiếp tục thanh toán cho nguyên đơn theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của nguyên đơn.
5. Trong trường hợp Công ty C không thanh toán được hoặc thanh toán không đầy đủ khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho Công ty S thì Công ty D phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho Công ty C.
6. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty S chịu cả và đã thanh toán xong.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Không đồng ý với bản án sơ thẩm Công ty D có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do:
- Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, mua sắm thiết bị là dây chuyền sản xuất cáp quang và việc ký Hợp đồng cho thuê tài chính của ông Huỳnh Quang V là vượt quá thẩm quyền, trái quy định tại Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty.
- Kế hoạch đầu tư và sử dụng dây chuyền sản xuất cáp quang theo hợp đồng cho thuê tài chính là của Công ty C. Công ty D không có kế hoạch sản xuất cáp quang và không có Biên bản họp, Nghị quyết của công ty phê duyệt dự án kinh doanh này. Tại thời điểm ký Hợp đồng cho thuê tài chính thì ông Huỳnh Quang V đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty C nên ông V đã tự ý ký kết. Công ty D chỉ thay Công ty C ký kết hợp đồng và tạm ứng trước cho Công ty C để đầu tư sản xuất cáp quang. Công ty C là bên lưu giữ, sử dụng dây chuyền sản xuất cáp quang.
- Hội đồng quản trị Công ty D không phê duyệt và không biết việc ông V ký Phụ lục 02 về việc Công ty D đứng ra bảo lãnh nghĩa vụ cho Công ty C. Việc ông V ký phụ lục 02 đã vi phạm điểm q khoản 1 Điều 31 Điều lệ Công ty D năm 2004. Căn cứ khoản 1 Điều 146 Bộ luật dân sự 2005 thì Công ty D không có trách nhiệm bảo đảm cho Công ty C do người đại diện xác lập giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
- Công ty S có sai phạm trong quy trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ cho thuê tài chính, bảo lãnh.
Tại phiên tòa, Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện .
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Công ty D giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Các đương sự xác nhận ngoài các tài liệu đã nộp cho Tòa án, thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác để xuất trình cho Tòa án.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty D sau khi tóm tắt nội dung vụ án và phân tích nội dụng vụ án có quan điểm: Việc ông Huỳnh Quang V ký kết các phụ lục Hợp đồng bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán trả tiền cho Công ty C là vượt quá thẩm quyền do không có sự đồng ý của Hội đồng quản trị của Công ty. Mặt khác Nguyên đơn cũng không xuất trình được các tài liệu chứng minh về việc đã thẩm định hồ sơ năng lực của người ký Hợp đồng bảo lãnh.
Tuy nhiên, Tòa án không tiến hành triệu tập các thành viên Hội đồng quản trị của Công ty D nhiệm kỳ 2007- 2010 nên không làm rõ được việc Hội đồng quản trị có đồng ý với việc ông V ký bảo lãnh thanh toán không. Do đó không có cơ sở buộc Công ty D phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán trả nợ thay cho Công ty C.
Do vậy, cần phải hủy bản án sơ thẩm , giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty D.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên tòa sau khi tóm tắt nội dung vụ án và phân tích nội dung vụ án có ý kiến:
+ Về tố tụng: Thẩm phán, thư ký đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử đã tiến hành xét xử vụ án theo trình tự luật định, các đương sự đã thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
+ Về nội dung: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ xét thấy việc các bên ký kết Hợp đồng và các phụ lục Hợp đồng 01,02 là hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, về hình thức, nội dung của hợp đồng và các phụ lục hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật, nên phát sinh hiệu lực đối với các bên. Vì vậy có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty D; Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội; Về án phí các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà.
[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của Công ty D làm trong thời hạn luật định, người kháng cáo đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm, nên việc kháng cáo là hợp lệ.
Về người tham gia tố tụng: Quá trình giải quyết Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự, nhưng tại phiên tòa hôm nay Công ty C vẫn vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt Công ty C.
Tại phiên tòa hôm nay người đại diện theo ủy quyền Công ty D đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa đề triệu tập thành viên Hội đồng quản trị của Công ty D nhiệm ký 2007-2010 để làm rõ việc Tổng giám đốc ký phụ lục hợp đồng vượt quá phạm vi thẩm quyền và đề nghị ngừng phiên tòa để thu thập các báo cáo tài chính của Công ty C. Xét thấy các yêu cầu này là không cần thiết và không liên quan đến việc giải quyết vụ án. Căn cứ khoản 1 Điều 259, Điều 304 Bộ luật tố tụng dân sự, nên không chấp nhận yêu cầu này của Công ty D,
[2]. Về Nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của Công ty D. Hội đồng xét xử xét thấy Hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-2037/HĐCTTC ngày 12/3/2007 giữa Công ty S và Công ty D được các bên ký kết trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện về hình thức và nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, nên phát sinh hiệu lực đối với các bên.
Sau khi ký kết hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-2037/HĐCTTC ngày 31/12/2007; Ngày 13/12/2012 ba bên Công ty S do ông Bùi Văn K ( giám đốc) đại diện, bên thuê cũ ( đồng thời là bên bảo lãnh) là Công ty D do ông Huỳnh Quang V- Tổng giám đốc đại diện và bên thuê mới là Công ty C do ông Nguyễn Đình G là Tổng giám đốc đại diện thống nhất ký phụ lục Hợp đồng số 01 với nội dung thống nhất điều chỉnh hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-20327/HĐCTTTC ngày 12/3/2007, toàn bộ nội dung hợp đồng giữ nguyên chỉ thay đổi bên thuê từ Công ty D (bên thuê cũ) sang bên thuê mới là Công ty C. Toàn bộ quyền và nghĩa vụ của bên thuê cũ được chuyển giao cho bên thuê mới. Ngày 13/12/ 2012 ba bên tiếp tục ký phụ lục số 02 thỏa thuận gia hạn thời hạn thuê tài chính với thời gian bảo lãnh từ 60 tháng lên 90 tháng, sửa đổi, bổ sung về lãi suất...
Quá trình thực hiện Hợp đồng, Công ty C đã thanh toán trả cho Công ty S 20.554.061.655 đồng nợ gốc và 11.635.784.187 đồng nợ lãi.
Do Công ty C vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng nên từ năm 2010 Công ty S đã nhiều lần làm việc với Công ty C yêu cầu thanh toán nợ nhưng Công ty C không thanh toán.
Ngày 06/10/2014, Công ty S có Công văn số 70/CV-KD gửi cho Công ty D yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho Công ty C.
Ngày 04/12/2014, Công ty D có văn bản số 556/PTP phúc đáp công văn số 70/CV-KDB gửi Công ty S cho rằng về chủ thể ký kết các phụ lục hợp đồng đã vượt quá thẩm quyền, nên các phụ lục Hợp đồng không có giá trị pháp lý, do vậy Công ty D không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Xét thấy, các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 31/12/2007, phụ lục số 01A ngày 10/12/2008, phụ lục số 01B ngày 27/5/2010 và phụ lục số 02 ngày 13/12/2012 là một phần không thể tách rời của Hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035- 20327/HĐCTTTC ngày 12/3/2007.
Về tư cách đại diện của Công ty C của ông G, căn cứ Văn bản số 04/QN- HĐQT ngày 26/12/2007 của Hội đồng quản trị Công ty C thể hiện Hội đồng quản trị đã nhất trí việc thuê tài chính dây chuyền sản xuất cáp quang và ủy quyền cho ông G làm đại diện ký hợp đồng liên quan ( BL564). Do đó, ông G có thẩm quyền ký kết các phụ lục Hợp đồng. Xét Phụ lục 01 ngày 31/12/2007 thể hiện các bên gồm: Công ty S, Công ty D (đại diện ông Huỳnh Quang V - Tổng giám đốc) và Công ty C (đại diện là ông G - Tổng giám đốc) đã thống nhất thay đổi bên thuê tài chính từ Công ty D sang Công ty C. Như nhận định ở trên thì ông Huỳnh Quang V và ông G có đầy đủ tư cách về chủ thể để đại diện Công ty tham gia ký kết hợp đồng cho thuê tài chính. Do đó về mặt hình thức phụ lục số 01, số 02 đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Về nội dung phù hợp quy định khoản 2 Điều 27 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001, nên khi chuyển bên thuê cũ sang bên thuê mới phải có bên bảo lãnh để đảm bảo cho việc chuyển giao. Việc các bên thỏa thuận bảo lãnh trong trường hợp Công ty C không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng cho thuê tài chính thì Công ty D sẽ thực hiện nghĩa vụ trả thay cho Công ty C là phù hợp với quy định pháp luật. Hơn nữa, Công ty D còn là một cổ đông sáng lập của Công ty C, nên các thành viên Hội đồng quản trị của Công ty D buộc phải biết việc này.
- Về nghĩa vụ bảo lãnh: Hội đồng xét xử xét thấy, Ngày 31/12/2007, ba bên đã ký phụ lục Hợp đồng bảo lãnh, xét thấy phụ lục Hợp đồng bảo lãnh đã được các bên ký kết trên cơ sở hoàn toàn tự nguyên, về nội dung và hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Hợp đồng bảo lãnh đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại Hà Nội, nên phát sinh hiệu lực đối với các bên.
Tại mục 2.3 Điều 2 của phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 31/12/2007 quy định: “ Trong trường hợp bên thuê mới không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-20327/HĐCTTC ký ngày 12/3/2007 thì bên thuê cũng phải có trách nhiệm thực hiện thay cho bên thuê mới các quyền nghĩa vụ đó…”; Ngày 8/12/2012 Công ty D còn có công văn gửi Công ty S cam kết kéo dài việc bảo lãnh. Hơn nữa tại điều 5 của phụ lục 02 ngày 13/12/2012 thể hiện Công ty D đều nhận trách nhiệm trường hợp Công ty C không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ và các nghĩa vụ khác quy định tại Hợp đồng thuê tài chính thì Công ty D sẽ có trách nhiệm thực hiện thay cho Công ty C các nghĩa vụ đó. Xét thấy, việc cam kết bảo lãnh của Công ty D xuyên suốt quá trình thực hiện Hợp đồng và các phụ lục Hợp đồng từ năm 2007 đến năm 2014. Mặt khác, Công ty D còn là một cổ đông sáng lập của Công ty C, do đó các thành viên Hội đồng quản trị của Công ty buộc phải biết việc bảo lãnh nhưng không có bất cứ văn bản phản đối nào đồng nghĩa với việc mặc nhiên thừa nhận phụ lục số 01 và 02. Mặt khác Hợp đồng cho thuê tài chính là hợp đồng không hủy ngang, nên trong thời hạn thuê Công ty D không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 27 của nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty S.
Hơn nữa, Công ty S ký hợp đồng cho thuê tài chính với Công ty D trên cơ sở Quyết định số 258/QĐĐT-HĐQT ngày 20/11/2006 của Hội đồng quản trị Công ty D về việc phê duyệt dự án đầu tư dây chuyền sản xuất cáp quang, theo đó Hội đồng quản trị Công ty D đã phê duyệt dự án đầu tư dây chuyền sản xuất cáp quang với tổng mức đầu tư là 48 tỷ đồng và Quyết định số 15/QĐĐT-HĐQT ngày 30/01/2007 của Hội đồng quản trị Công ty D về việc phê duyệt kết quả đấu thầu dự án đầu tư dây chuyền sản xuất cáp quang. Do vậy, Công ty S hoàn toàn không thể biết được thực tế nội bộ Hội đồng quản trị của Công ty D tại thời điểm ký hợp đồng cho thuê tài chính có họp và thống nhất các nội dung như 02 quyết định trên hay không. Ngoài ra, tại thời điểm ký Hợp đồng cho thuê tài chính thì ông Huỳnh Quang V là người đại diện theo pháp luật của Công ty D với chức danh Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty. Căn cứ khoản 1 Điều 138 Bộ luật dân sự 2005 về Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu thì Hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-2037/HĐCTTC ngày 12/3/2007 vẫn được công nhận có hiệu lực.
Hơn nữa, mục đích ký kết hợp đồng cho thuê tài chính là thuê mua dây chuyền sản xuất cáp quang để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của bên thuê tài sản (Công ty D). Công ty S đã ủy thác cho Công ty I để nhập khẩu dây chuyền sản xuất cáp quang theo Hợp đồng ủy thác nhập khẩu số 004/2007/UTNH-BĐ ngày 12/3/2007 (BL552). Công ty I đã hoàn tất việc nhập khẩu dây chuyền sản xuất cáp quang và giao hàng tại xưởng của Công ty D theo Biên bản thanh lý ngày 18/12/2007 (BL554). Dây chuyền sản xuất cáp quang được nhập về, được bàn giao và đặt tại trụ sở Công ty D tại đường N, quận L, Hà Nội sau đó được chuyển về trụ sở của Công ty C tại xã Y, huyện G, Hà Nội. Như vậy, Hội đồng quản trị của Công ty và Công ty mặc nhiên phải biết về việc này mà không có phản hồi gì, thì coi như đã đồng ý.
Từ những căn cứ trên có căn cứ xác định Hợp đồng thuê mua tài chính số 07- 2035-2037/HĐCTTC ngày 12/3/2007 và các phụ lục hợp đồng số 01A,01B,01,02 phát sinh hiệu lực đối với các bên.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2005 quy định "Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty……Nếu điều hành trái với quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty"; khoản 4 Điều 120 Luật doanh nghiệp quy định "Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được giao kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này. Người đại diện theo pháp luật của công ty, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó". Do đó trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty D xuất phát từ việc đại diện Công ty D ký hợp đồng cho thuê tài chính là quan hệ pháp luật dân sự giữa ông V với Công ty D (nay là Công ty D).
Do nghĩa vụ thanh toán đã được chuyển giao từ Công ty D (nay là Công ty D) sang Công ty C, nên Công ty C có nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ còn lại cho Công ty S theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035-2037/HĐCTTC ngày 12/3/2007.
Căn cứ Điều 369 Bộ luật dân sự 2005 khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. Do đó trường hợp Công ty D không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ thì Công ty S có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, phát mại các tài sản khác thuộc sở hữu của Công ty D để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán khoản nợ cho Công ty S.
Từ những căn cứ trên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty C phải thanh toán trả cho Công ty S số tiền nợ gốc là 5.749.850.395 đồng là có căn cứ và trường hợp Công ty C không trả được khoản nợ trên cho Công ty S thì Công ty D phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là có căn cứ.
Đối với yêu cầu trả lãi trên nợ gốc của nguyên đơn: Hội đồng xét xử xét thấy, do quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm nguyên đơn không xuất trình được đầy đủ tài liệu, chứng cứ về việc điều chỉnh lãi suất nên Tòa án cấp sơ thẩm tách ra và giành quyền khởi kiện cho nguyên đơn bằng một vụ kiện khác đối với yêu cầu này là hoàn toàn phù hợp quy định pháp luật. Sau khi có bản án sơ thẩm, các đương sự không có kháng cáo về nội dung này, nên hội đồng xét xử không xem xét.
Đối với tài sản cho thuê là 01 dây chuyền sản xuất cáp quang xét thấy:
Tại biên bản làm việc ngày 05/7/2021 (BL536), ông Đỗ Văn C là người đại diện theo pháp luật của Công ty C xác nhận trong nhà xưởng sản xuất của Công ty tại xã Y, huyện G, thành phố Hà Nội có lưu giữ 01 dây chuyền sản xuất cáp quang. Quá trình giải quyết Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ đối với dây chuyền sản xuất cáp quang này, tuy nhiên không thực hiện được vì Công ty C không hợp tác, không mở cửa. Theo các biên bản kiểm tra tài sản do Công ty S xuất trình và các lời khai của Công ty C thì tài sản thuê mua tài chính hiện vẫn còn tại xưởng sản xuất của Công ty C thiết bị Bưu Điện, nhưng Công ty không liệt kê được cụ thể những phần, bộ phận của dây chuyền do không có chuyên môn. Xét đây là tài sản thuê mua tài chính theo hợp đồng cho thuê tài chính số 07-2035- 20327/HĐCTTC ngày 12/3/2007 và các phụ lục hợp đồng. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty C phải bàn giao tài sản cho thuê tài chính là 01 dây chuyền sản xuất cáp quang cho Công ty S là phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ những phân tích trên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty D. Do đó giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đề nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty D không phù hợp các tài liệu có trong hồ sơ, nên không được chấp nhận.
Đề nghị của Viện kiểm sát phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ, nên được chấp nhận.
[3]. Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo của Công ty D không được chấp nhận, nên Công ty phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên!
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Khoản 1 Điều 30, 220; Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Áp dụng khoản 1 Điều 138; khoản 1 Điều 146; Điều 369 Bộ luật dân sự 2005. Áp dụng điểm g khoản 2 Điều 108; khoản 4 Điều 116; khoản 2 Điều 120 Luật doanh nghiệp 2005 Áp dụng khoản 2 Điều 27 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
1.Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại số 11/2022/KDTM-ST ngày 10/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
2. Về án phí phúc thẩm: Công ty D phải chịu 2.000.000 đồng tiến án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm được trừ vào 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí Công ty đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0073310 ngày 7/6/2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính số 171/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 171/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 03/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về