Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xây dựng số 40/2022/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 40/2022/DS-PT NGÀY 16/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐNG BẢO HIỂM XÂY DỰNG

Ngày 16 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 24/2022/DS – PT ngày 21 tháng 7 năm 2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xây dựng”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 35/2022/DS - ST, ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 35/2022/QĐ-PT, ngày 18 tháng 8 năm 2022; Quyết định hoãn số 37/2022/QĐ-PT ngày 06/9/2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang.

Địa chỉ: Số 150, đường X, phường M, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Viết C - Chức vụ: Giám đốc. Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Lê Duy B- Chức vụ: Phó phòng điều hành dự án. Có mặt tại phiên toà.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Đàm Quốc V, luật sư - CTLTNHHMTVQC thuộc Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang. Có mặt tại phiên toà.

2. Bị đơn: TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P Địa chỉ: Số 21, tầng 22, Tòa nhà MPT, số 229 TS, ĐĐ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Nam H - Chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Hoàng N - Có mặt; Bà Phạm Thị HV – Có đơn xin xét xử vắng mặt, Đều thuộc Văn phòng luật sư Nguyễn Hoàng N và cộng sự thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Địa chỉ: BT3 – Ô số 37, BT3, Khu bán đảo LĐ, phường HL, quận HM, thành phố Hà Nội.

- Bà Trần Thị G– Vắng mặt, địa chỉ: T21-22, tòa nhà E, 229 TS,ĐĐ, Hà Nội.

3. Người kháng cáo: Bị đơn TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản hoà giải, nguyên đơn trình bày:

BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang được thành lập theo Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2016 của UBNDtỉnh Tuyên Quang trên cơ sở sát nhập các ban gồm: Ban quản lý nâng cấp tỉnh lộ ADB; Ban quản lý dự án giao thông nông thôn 3; Ban quản lý dự án giao thông và Ban quản lý dự án vốn sự nghiệp kinh tế thuộc Sở giao thông vận tải. Là đơn vị kế thừa quyền và nghĩa vụ của 04 ban được sát nhập, BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang và được giao quyền tự chủ, không phải là đơn vị kinh doanh, không có mục đích lợi nhuận, với chức năng là chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông được giao.

Năm 2015, Ban quản lý tỉnh lộ ADB được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, dự án công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (đoạn Km0+00 - Km8+831,37) đã thực hiện việc lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức chào hàng cạnh tranh gói thầu bảo hiểm xây dựng đối với công trình này.

TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P là nhà thầu trúng thầu gói thầu số 09: Bảo hiểm xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (đoạn Km0+00 - Km8+831,37) theo Quyết định số 283/QĐ- SGTVT ngày 30/6/2015 của Sở GTVT Tuyên Quang. TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P ủy quyền cho PJC TUYÊN QUANG ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB (nay là BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang) theo giấy ủy quyền số 273/2015/P-GUQ ngày 26/6/2015 của Tổng Giám đốc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P. Ban Quản lý dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB - Sở GTVT Tuyên Quang và PJC TUYÊN QUANG ký hợp đồng số 01/HĐ-BHXD ngày 08/7/2015 về bảo hiểm xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (đoạn Km0+00 - Km8+831,37). Hợp đồng có các điều khoản chính gồm:

- Bên được bảo hiểm: Ban Quản lý dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB - Sở GTVT Tuyên Quang (nay là BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang); Các nhà thầu và các đơn vị khác có liên quan trực tiếp đến công trình;

- Bên bảo hiểm: PJC TUYÊN QUANG ;

- Loại hình bảo hiểm: Bảo hiểm mọi rủi ro về xây dựng và lắp đặt;

- Đối tượng bảo hiểm: Theo quy tắc bảo hiểm rủi ro về xây dựng và lắp đặt và các điều khoản bổ sung trong hợp đồng;

- Quyền lợi được bảo hiểm: Bên bảo hiểm sẽ bồi thường cho Bên được bảo hiểm những tổn thất, thiệt hại vật chất trực tiếp, bất ngờ và không lường trước được xảy ra trong quá trình thi công và thời gian bảo hành công trình (12 tháng) cho toàn bộ công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (đoạn Km0+00 - Km8+831,37) do bất kỳ nguyên nhân gì không bị loại trừ trong Quy tắc bảo hiểm xây dựng gây nên.

Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của Chủ đầu tư/ Chủ thầu phát sinh đối với tính mạng, thương tật thân thể hay/ và thiệt hại tài sản của Bên thứ 3 trong quá trình thực hiện công trình.

- Số tiền bảo hiểm tổn thất vật chất: 92.350.673.000 đồng;

- Thời hạn bảo hiểm: Bảo hiểm công trình tính từ thời điểm bắt đầu thi công từng hạng mục đến khi hoàn thành bàn giao công trình đưa vào sử dụng và cộng thêm thời gian bảo hành công trình 12 tháng (thời điểm bắt đầu thi công ngày 22/9/2015). Bên được bảo hiểm cam kết cho đến ngày ký kết Hợp đồng bảo hiểm chưa có phát sinh khiếu nại nào đối với công trình được bảo hiểm.

- Phí bảo hiểm: 240.000.000 đồng (Đã bao gồm 10% thuế VAT);

- Trách nhiệm của Bên bảo hiểm: Hướng dẫn Bên được bảo hiểm trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm và các thủ tục cần thiết khi có tổn thất xảy ra; Sau khi nhận được thông báo có tổn thất của Bên được bảo hiểm, sau 48 giờ Bên bảo hiểm (hoặc đại diện Bên bảo hiểm) phải có mặt tại hiện trường để cùng Bên được bảo hiểm và các đơn vị liên quan khác tiến hành giám định và lập biên bản giám định hiện trường. Nếu quá thời hạn mà Bên bảo hiểm không có mặt thì Bên được bảo hiểm phải chấp nhận hiện trường và biên bản giám định mà Bên được bảo hiểm cùng các đơn vị liên quan lập; Sau khi nhận đủ hồ sơ khiếu nại của Bên được bảo hiểm, Bên bảo hiểm phải giải quyết bồi thường và thông báo kết quả cho Bên được bảo hiểm trong vòng 30 ngày phù hợp với Quy tắc bảo hiểm xây dựng và lắp đặt nêu trên, đồng thời Bên bảo hiểm tạm ứng trước tối đa 50% số tiền bồi thường tạm tính trước khi hoàn tất thủ tục khiếu nại cho Bên được bảo hiểm để nhanh chóng khắc phục tổn thất, đảm bảo tiến độ thi công công trình; Bên bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với Bên được bảo hiểm và các Bên liên quan thu thập hồ sơ bồi thường sau khi có tổn thất xảy ra; Bên bảo hiểm phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở Bên được bảo hiểm về hiệu lực của thời hạn bảo hiểm.

- Trách nhiệm của Bên được bảo hiểm: Thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ cho Bên bảo hiểm theo thỏa thuận và theo tiến độ cấp vốn của dự án; Trong thời hạn bảo hiểm, trường hợp phát sinh bất cứ tổn thất, thiệt hại nào được xác định thuộc phạm vi bảo hiểm thì Bên được bảo hiểm phải thông báo bằng điện thoại, Fax hoặc bằng văn bản cho Bên bảo hiểm trong vòng 24 giờ đối với ngày bình thường và 72 giờ đối với ngày nghỉ, lễ tết. Bên bảo hiểm sẽ mời chuyên gia hoặc cùng với Bên được bảo hiểm giám định thiệt hại và cùng nhau phối hợp thu thập hồ sơ yêu cầu bồi thường; Khi nhận được yêu cầu của Bên bảo hiểm, Bên được bảo hiểm sẽ có trách nhiệm cung cấp cho Bên bảo hiểm toàn bộ hồ sơ, chứng từ, tài liệu, lịch thi công, hồ sơ dự toán, ... có liên quan đến đối tượng tổn thất; Bên được bảo hiểm sẽ cung cấp hoá đơn GTGT của đơn vị trực tiếp thực hiện việc khắc phục tổn thất cho Bên bảo hiểm.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nêu trên, Bên được bảo hiểm đã các điều khoản trong hợp đồng cụ thể: Thanh toán phí; khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra đã cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu liên quan đến tổn thất cho Bên bảo hiểm; liên tục có các văn bản yêu cầu Bên bảo hiểm bồi thường tổn thất. Tuy nhiên, Bên bảo hiểm không tuân thủ các điều khoản quy định trong hợp đồng cụ thể: Trong quá trình thi công xây dựng công trình, xảy ra 04 vụ tổn thất vào các ngày 02/6/2016, ngày 9/8/2016, ngày 15/9/2016 và ngày 03/7/2017. Khi xảy ra tổn thất, Bên được bảo hiểm đã thông báo cho Bên bảo hiểm; Sau khi tiến hành khắc phục tổn thất, Bên được bảo hiểm đã cung cấp đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường theo đúng hợp đồng cho Bên bảo hiểm và đề nghị thanh toán kinh phí khắc phục tổn thất nhưng sau hơn hai năm kể từ khi tổn thất xảy ra, Bên bảo hiểm chưa thống nhất ý kiến giải quyết bồi thường, mặc dù Bên được bảo hiểm liên tục có văn bản yêu cầu giải quyết, cụ thể:

- Văn bản số 144/QLDA ngày 06/6/2017 về cung cấp đầy đủ hồ sơ và yêu cầu thanh toán kinh phí khắc phục tổn thất đối với vụ tổn thất (ngày 02/6/2016, ngày 9/8/2016, ngày 15/9/2016) gói thầu số 1 là 892.986.985 đồng; gói thầu số 2 là 146.627.202 đồng; gói thầu số 3 là 93.421.000 đồng; tổng số tiền là 1.133.035.097 đồng nhưng Bên bảo hiểm không có ý kiến giải quyết bồi thường.

- Ngày 05/9/2017 Bên được bảo hiểm tiếp tục có Văn bản số 283/QLDA đôn đốc việc thanh toán kinh phí khắc phục tổn thất đối với vụ tổn thất ( ngày 02/6/2016, ngày 9/8/2016, ngày 15/9/2016) gói thầu số 1 là 892.986.985 đồng; gói thầu số 2 là 146.627.202 đồng; gói thầu số 3 là 93.421.000 đồng; tổng số tiền là 1.133.035.097 đồng.

- Đến ngày 15/1/2018, CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC mới có báo cáo giám định cuối cùng số HDC0317XG068 cho vụ tổn thất ngày 02/6/2016 là 32.891.652 đồng (chưa thuế VAT); số HDC0317XG077 cho vụ tổn thất ngày 9/8/2016 là 8.191.419 đồng (chưa thuế VAT); số HDC0317XG078 cho vụ tổn thất ngày 15/9/2016 là 40.626.747 đồng (chưa thuế VAT); số HDC0317XG030 cho vụ tổn thất ngày 03/7/2017 là 46.742.333 đồng (chưa thuế VAT).

- Ngày 22/01/2018, Bên được bảo hiểm có Văn bản số 36/QLDA về việc không đồng ý giá trị bồi thường theo báo cáo cuối cùng của CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC và tiếp tục đề nghị thanh toán kinh phí khắc phục tổn thất vụ tổn thất xảy ra ngày 02/6/2016, giá trị là 41.659.000 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 09/8/2016 là 275.135.440 đồng, vụ tổn thất xảy ra ngày 15/9/2016 là 101.963.603 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 03/7/2017 là 402.887.000 đồng; Sau 1 tháng, Bên bảo hiểm không có ý kiến phản hồi.

- Ngày 22/02/2018, Bên được bảo hiểm tiếp tục có Văn bản số 88/QLDA- DAI về việc đề nghị thanh toán kinh phí khắc phục tổn thất vụ tổn thất xảy ra ngày 02/6/2016, giá trị là 41.659.000 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 09/8/2016 là 275.135.440 đồng, vụ tổn thất xảy ra ngày 15/9/2016 là 101.963.603 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 03/7/2017 là 402.887.000 đồng;

- Ngày 26/2/2018 Bên bảo hiểm có Văn bản số 12/2018/CV/TQu 13/2018/CV/TQU, 14/2018/CV/TQU, 15/2018/CV/TQU trả lời Ban QLDA về giá trị bồi thường 04 vụ tổn thất, tổng số tiền bồi thường của 04 vụ là 141.279.366 đồng. Trong đó vụ tổn thất xảy ra ngày 02/6/20.16, giá trị là 36.180.817 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 09/8/2016 là 9.010.561 đồng, vụ tổn thất xảy ra ngày 15/9/2016 là 44.689.422 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 03/7/2017 là 51.416.566 đồng; Sau khi nhận được Văn bản của Bên bảo hiểm, Bên được bảo hiểm đã có Văn bản số 100/QLDA ngày 01/3/2018 về việc không đồng ý số tiền bồi thường cho 04 vụ tổn thất và tiếp tục đề nghị thanh toán kinh phí khắc phục tổn thất vụ tổn thất xảy ra ngày 02/6/2016 giá trị là 41.659.000 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 09/8/2016 là 275.135.440 đồng, vụ tổn thất xảy ra ngày 15/9/2016 là 101.963.603 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 03/7/2017 là 402.887.000 đồng;

Ngày 8/3/2018, Bên bảo hiểm có Văn bản số 21/2018/CV/TQU về việc giải quyết bồi thường tổn thất 04 vụ với tổng số tiền là 141.279.366 đồng Ngày 15/3/2018, Bên được bảo hiểm có Văn bản số 131/QLDA-DA1 về việc chấp thuận, đề nghị thanh toán số tiền bồi thường vụ tổn tất xảy ra vào ngày 02/6/2016 là 36.180.817 đồng và tiếp tục đề nghị Bên bảo hiểm thanh toán tiền bồi thường 03 vụ còn lại với số tiền là 779.976.043 đồng, trong đó: Vụ tổn thất xảy ra ngày 09/8/2016 là 275.135.440 đồng; vụ tổn thất ngày 15/9/2016 là 101.963.603 đồng; vụ tổn thất xảy ra ngày 03/7/2017 là 402.887.000 đồng.

Đến ngày 23/4/2018, Bên bảo hiểm không có ý kiến phản hồi, Bên được bảo hiểm tiếp tục có Văn bản số 191/QLDA-DA1 về việc đề nghị thanh toán số tiền bảo hiểm theo nội dung Văn bản số 131/QLDA-DA1 ngày 15/3/2018.

Ngày 07/5/2018, CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC có văn bản số 753/CV-HDC về việc không bồi thường khối lượng đào bạt mái taluy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Ngày 15/6/2018, Bên được bảo hiểm tiếp tục có Văn bản số 303/QLDA- DA1 về việc chấp thuận, đề nghị thanh toán số tiền bồi thường vụ tổn thất xảy ra vào ngày 02/6/2016 là 36.180.817 đồng và tiếp tục đề nghị Bên bảo hiểm thanh toán tiền bồi thường 03 vụ còn lại với số tiền là 1.171.338.927 đồng, trong đó: Vụ tổn thất xảy ra ngày 09/8/2016 là 666.488.324 đồng; vụ tổn thất ngày 15/9/2016 là 101.963.603 đống; vụ tổn thất xảy ra ngày 03/7/2017 là 402.887.000 đồng.

Đến ngày 02/8/2018, Bên được bảo hiểm tiếp tục có Văn bản số 409/QLDADA1 về việc tiếp tục đôn đốc thanh toán bồi thường tổn thất 04 vụ tổn thất.

Sau nhiều lần đôn đốc, ngày 12/9/2018 Bên bảo hiểm mới có Văn bản số 55/2018/CV/TQU về việc thống nhất bồi thường khắc phục tổn thất, nêu ý kiến chưa thống nhất về khối lượng tại các vụ tổn thất: Toàn bộ phần đào bạt mái taluy để đảm bảo ổn định mái taluy không thuộc trách nhiệm của Bên bảo hiểm, Bên bảo hiểm chỉ đồng ý thanh toán số tiền hót đất sạt lở (Bên bảo hiểm hiểu đây là chi phi dọn dẹp hiện trường) tối đa 50% phí bảo hiểm của hợp đồng và tương ứng số tiền là 120.000.000 đồng tại báo cáo giám định cuối cùng số HDC0317XG030, HDC0317XG068, HDC0317XG077, HDC0317XG078 ngày 15/1/2018; Vụ tổn thất xảy ra ngày 03/7/2017 "đồng ý với ý kiến đề xuất bồi thường công việc đắp đất hoàn trả nguyên trạng mái ta luy với khối lượng đất đắp bằng khối lượng rọ đá là 208m. P sẽ điều tới Quý Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang về hạng mục này". Ngày 12/10/2018, Bên bảo hiểm có Văn bản số 65/2018/TBBT/TQU về việc thông báo bồi thường tổn thất xảy ra ngày 02/6/2018 với số tiền là 32.891.652 đồng (chưa bao gồm VAT).

Ngày 20/11/2018, BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang khởi kiện đối với TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P về việc vi phạm hợp đồng số 01/HĐ-BHXD ngày 08/7/2015, yêu cầu Tòa án giải quyết các nội dung sau:

- Chậm thanh toán tiền bảo hiểm: Tổn thất xảy ra từ ngày 02/6/2016, Bên được bảo hiểm đã cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu và chấp thuận giá trị bồi thường vụ tổn thất xảy ra ngày 02/6/2016 với giá trị là 36.180.817 đồng tại Văn bản số 131/QLDA-DA1 ngày 15/3/2018, mặc dù Bên bảo hiểm đã có 04 văn bản yêu cầu thanh toán nhưng đến ngày 07/01/2019 Bên bảo hiểm vẫn chưa thanh toán.

- Vi phạm hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình đã ký kết về thời gian giải quyết bồi thường, thiếu tinh thần trách nhiệm, chây ỳ, chậm thực hiện giải quyết bồi thường tổn thất đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh quyết toán dự án hoàn thành của Chủ đầu tư, cụ thể: Tổn thất xảy ra từ ngày 02/6/2016, ngày 9/8/2016, ngày 15/9/2016 và ngày 03/7/2017, Bên được bảo hiểm đã cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu liên quan và có nhiều văn bản đôn đốc yêu cầu thanh toán kinh phí bồi thường khắc phục nhưng đến ngày 12/9/2018 Bên bảo hiểm mới có ý kiến phản hồi. Vi phạm Điều 11, mục 11.1 Hợp đồng số 01/HĐ-BHXD ngày 08/7/2015.

- Không chủ động tính toán, tạm ứng trước 50% số tiền bồi thường tạm tính của 03 vụ tổn thất theo Điều 11, mục 11.1 Hợp đồng số 01/HĐ-BHXD ngày 08/7/2015.

- Bên được bảo hiểm đề nghị Bên bảo hiểm thanh toán tiền bồi thường tổn thất cho 03 vụ là 825.482.159 đồng. Bên bảo hiểm chỉ đồng ý thanh toán tiền bồi thường tổn thất cho Bên được bảo hiểm số tiền là 141.279.366 đồng.

Ngày 27 tháng 9 năm 2019, Tòa án nhân dân thành phố T đã xét xử sơ thẩm tuyên buộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P có nghĩa vụ bồi thường cho Ban Quản lý dự án số tiền 825.482.159 đồng và công nhận thỏa thuận về bồi thường tổn thất cho vụ sạt lở xảy ra ngày 02 tháng 6 năm 2016 với số tiền là 36.160.817 đồng sau đó bị đơn kháng cáo. Ngày 18 tháng 5 năm 2020 Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm vụ án công nhận thỏa thuận giữa các bên đương sự về vụ tổn thất ngày 02 tháng 6 năm 2016 với giá trị bồi thường là 36.160.817 đồng; hủy một phần bản án dân sự số 82/2019/DSST ngày 07 tháng 10 năm 2019 của Tòa án thành phố Tvề phần quyết định tuyên xử buộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P có nghĩa vụ bồi thường cho Ban Quản lý dự án số tiền 825.482.159 đồng, với lý do chính là chưa được giám định tổn thất.

Đến ngày 09/7/2020 bên bảo hiểm đã thanh toán số tiền 32.891.652 đồng (vụ tổn thất ngày 02/6/2016), còn thiếu 3.269.165 đồng (thuế VAT).

Ngày 20 tháng 7 năm 2020 Tòa án thành phố T thụ lý giải quyết vụ án (sơ thẩm lần 2). BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang đề nghị Tòa án:

- Mời các đương sự làm việc thống nhất về việc giám định 03 vụ tổn thất xảy ra các ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Ban Quản lý dự án đề nghị Tòa án thành phố T trưng cầu đơn vị giám định để đảm bảo đầy đủ căn cứ đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

- Xét xử việc bên Bảo hiểm vi phạm hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình đã ký kết về thời gian giải quyết bồi thường, thiếu tinh thần trách nhiệm, chây ỳ, chậm thực hiện giải quyết bồi thường tổn thất đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh quyết toán dự án hoàn thành của Chủ đầu tư, cụ thể: Tổn thất xảy ra từ ngày 02/6/2016, 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017, bên được bảo hiểm đã cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu liên quan và có nhiều văn bản đôn đốc yêu cầu thanh toán kinh phí bỗi thường khắc phục, nhưng đến ngày 12/9/2018 bên bảo hiểm mới có ý kiến phản hồi. Vi phạm điều 11, mục 11.1 hợp đồng số 01/HĐ-BHXD ngày 08/7/2015.

- Xét xử bên bảo hiểm thanh toán tiền bồi thường tổn thất cho 03 vụ tổn thất xảy ra các ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017 với tổng số tiền là 825.482.159 đồng (như quyết định tại Bản án sơ thẩm số 82 ngày 07/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố T).

* Tại Bản trình bày ý kiến ngày 25/11/2020, bị đơn – TCTBHPRX (gọi tắt là CTP) trình bày:

Ngày 08/7/2015, BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang và CTBHP Tuyên Quang đã ký kết Hợp đồng số 01/HĐ-BHXD bảo hiểm xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (đoạn Km0+00 - Km8+831,37). Thời hạn bảo hiểm công trình tính từ thời điểm bắt đầu thi công từng hạng mục đến khi hoàn thành bàn giao công trình đưa vào sử dụng và cộng thêm thời gian bảo hành công trình 12 tháng (thời điểm bắt đầu thi công là ngày 22/9/2015) với tổng chi phí bảo hiểm là 240.000.000 đồng. Trong quá trình thi công xây dựng công trình, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài trên địa bàn đã xảy ra 04 vụ tổn thất vào các ngày 02/6/2016 (1), 09/8/2016 (2), 15/9/2016 (3) và 03/7/2017 (4).

Quá trình giải quyết khắc phục tổn thất và yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm, do giữa BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang và CTBHP Tuyên Quang không thống nhất được với nhau về giá trị tổn thất/ hoặc theo báo cáo giám định các vụ tổn thất do CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC tiến hành/ hoặc theo yêu cầu của BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang nên dẫn đến tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 07/10/2019 và phúc thẩm ngày 18/5/2020: Tòa án thẩm đã công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc P có nghĩa vụ bồi thường cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang số tiền 36.180.817 đồng (đối với vụ tổn thất xảy ra ngày 02/6/2016); Tòa án phúc thẩm đã tuyên hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm đối với nội dung buộc P có nghĩa vụ bồi thường cho Ban quản lý số tiền 825.482.159 đồng (đối với 03 vụ tổn thất ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017); Nội dung này sẽ được xét xử lại cấp sơ thẩm và sẽ được phán quyết sau khi có kết quả giám định lại.

Căn cứ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật giám định tư pháp P có ý kiến:

Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, pháp luật quy định số tiền bồi thường phải dựa trên kết quả giám định mức độ tổn thất, không có tổn thất nào không được tính toán giá trị thiệt hại thực tế thông qua đơn vị giám định. Theo các báo cáo giám định của CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC, số tiền bồi thường đối với 03 vụ tổn thất ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017 là 105.118.549 đồng (đã gồm thuế VAT). Việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường số tiền 825.482.159 đồng mà không dựa trên kết quả giám định là vượt quá giá trị tổn thất. Theo biên bản thương thảo hợp đồng bảo hiểm xây dựng ngày 06/7/2015 và hợp đồng bảo hiểm xây dựng số 01 ngày 08/7/2015 thì P và Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang đã thống nhất đối tượng bảo hiểm là công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (đoạn Km0+00 - Km8+831,37) với số tiền bảo hiểm là toàn bộ giá trị xây lắp sau thuế được duyệt tại Quyết định số 496/QĐ-SGTVT ngày 08/12/2014(Kèm theo thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng của CTCPTVXDCTGT2). Đồng thời Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang cũng đã đóng phí bảo hiểm 240.000.000 đồng được tính trên số tiền bảo hiểm tạm tính là 92.350.673.000 đồng theo quy định điều 3 và điều 6 của hợp đồng bảo hiểm xây dựng ngày 08/7/2015. Do đó, trường hợp xảy ra tổn thất thì P sẽ có trách nhiệm bồi thường tổn thất cho Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang theo đúng thiết kế và dự toán xây dựng của những hạng mục công trình mà Ban Quản lý dự án tham gia hợp đồng bảo hiểm với P (Theo Quyết định số 496/QĐ-SGTVT ngày 08/12/2014 của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang lại căn cứ vào các hồ sơ thiết kế dự toán điều chỉnh, bổ sung do CTCPTVXDCTGT2 lập sau khi xảy ra tổn thất để yêu cầu P bồi thường. Trong đó báo cáo những hạng mục sửa chữa không có trong hồ sơ thiết kế (Theo Quyết định số 496/QĐ-SGTVT ngày 08/12/2014) là không đúng với đối tượng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm xây dựng ngày 08/7/2015.

Theo điều 9, điểm 3.2 Quy tắc bảo hiểm xây dựng (Ban hành kèm theo Quyết định số 633/2013/QĐ/TSC/TGĐ ngày 19/8/2013 của Tổng Giám đốc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P, cơ sở giải quyết bồi thường như sau: a, Đối với trường hợp tổn thất có thể sửa chữa được, cơ sở giải quyết bồi thường là chi phí cần thiết để phục hồi các hạng mục bị tổn thất trở lại trạng thái như trước khi xẩy ra tổn thất sau khi trừ đi phần giá trị thu hồi; b, Đối với trường hợp tổn thất toàn bộ, cơ sở để giải quyết bồi thường là giá trị thực tế của hạng mục đó ngày trước khi xảy ra tổn thất trừ đi phần giá trị thu hồi. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, P chỉ bồi thường sau khi đã chấp nhận các tài liệu, chứng từ cần thiết để chứng minh rằng việc sửa chữa đã được tiến hành hay việc thay thế đã được thực hiện. Mọi tổn thất có thể sửa chữa được đều phải được sửa chữa nhưng nếu chi phí sửa chữa tương đương hay vượt quá giá trị của hạng mục đó tại thời điểm trước khi xảy ra tổn thất thì việc thanh toán bồi thường sẽ được thực hiện trên cơ sở quy định tại điểm B, khoản 3.2 của điều này... P không có trách nhiệm bồi thường mọi chi phí nhằm cải hoán, bổ sung và/hoặc nâng cấp các hạng mục được bảo hiểm.

Trong các cấp xét xử trước, các bên đã thống nhất là các hạng mục công trình tổn thất đều không thể trở lại trạng thái như trước khi xảy ra tổn thất và theo yêu cầu của BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang thì việc sửa chữa đã vượt quá giá trị của hạng mục theo thiết kế ban đầu. Do đó P khẳng định quan điểm: đối với 03 vụ tổn thất ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017, số tiền yêu cầu bồi thường 825.482.159 đồng của Ban quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang đã vượt quá giá trị thực tế của hạng mục trước khi xảy ra tổn thất (tức là theo thết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng của CTCPTVXDCTGT2 theo Quyết định số 496/QĐ-SGTVT ngày 08/12/2014). Vì vậy P đề nghị Tòa án nhân dân thành phố T xem xét lại khách quan toàn diện vụ án để tránh gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của P.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các bên đương sự nhưng không thành nên đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện (đã sửa đổi bổ sung tại phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải ngày 25/02/2022). Đề nghị Tòa án giải quyết buộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P có nghĩa vụ bồi thường cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang số tiền 707.197.021 đồng (Bảy trăm linh bảy triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn, không trăm hai mươi mốt đồng) đối với 03 vụ tổn thất sạt lở đường xảy ra vào các ngày 09/8/2016; 15/9/2016 và 03/7/2017 theo kết quả giám định tư pháp về xây dựng số 325- 11/2021/CNC/T.TN ngày 06/9/2021 của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn giữ nguyên ý kiến như văn bản ngày 25/11/2020. Bị đơn không nhất trí với báo cáo giám định tư pháp về xây dựng số 325 – 1-1/2021/CNC/T.TN ngày 06/9/2021 của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC đối với 03 vụ tổn thất ngày 09/08/2016;

15/09/2016 và ngày 03/07/2017 vì: chưa áp các quy định của luật Bảo hiểm vào việc lập dự toán; không bóc tách các hạng mục thuộc phạm vi bảo hiểm và không thuộc phạm vi bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm (mới); không thể hiện những phần giá trị vượt quá tình trạng ban đầu của từng hạng mục nên kết quả tính toán không đúng quy định. Ngoài ra, báo cáo giám định số 325-1- 1/2021/CNC/T.TN chưa khấu trừ số tiền miễn trừ 5.000.000đ/1 vụ tổn thất theo Điều 5 Hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình số 01/HĐ-BHXD ngày 08/07/2015 được ký kết giữa các bên. Bị đơn thấy các báo cáo giám định tư pháp của CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC trước đây là có căn cứ nên chỉ đồng ý bồi thường theo như các báo cáo giám định cuối cùng của CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC.

Tại phần tranh luận, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đối với 03 vụ tổn thất đối với việc sạt lở đường vào các ngày 09/8/2016; 15/9/2016 và 03/7/2017 là 707.197.021 đồng, theo như kết luận giám định của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC do Tòa án đã trưng cầu. Nguyên đơn đồng ý phần miễn trừ số tiền 5.000.000₫/vụ tổn thất x 03 vụ = 15.000.000 đồng theo thỏa thuận tại Điều 5 Hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình số 01/HĐ-BHXD ngày 08/07/2015. Ngoài ra không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề nào khác.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bầy: Hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình số 01/HĐ-BHXD ngày 08/07/2015 giữa BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang và PJC TUYÊN QUANG (thuộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P) đến nay chỉ có nội dung tranh chấp về yêu cầu bồi thương tổn thất đối với 03 vụ sạt lở đường vào các ngày 09/8/2016; 15/9/2016 và 03/7/2017 thuộc công trình cải tạo, nâng cấp đường TB– TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (đoạn Km0+00 - Km8+831,37). Về nguyên nhân: Do mưa lớn kéo dài (đã được Bên bảo hiểm và Bên được bảo hiểm thừa nhận bằng văn bản). Về giá trị thiệt hại: Đã được Tòa án nhân dân thành phố T trưng cầu giám định đối với đơn vị giám định độc lập. Phía nguyên đơn thấy rằng: Báo cáo giám định số 325-11/2021/CNC/T.TN ngày 06/9/2021 của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC là đúng quy định pháp luật; việc phía bị đơn cho rằng báo cáo giám định không đúng quy định là không có có căn cứ, vì báo cáo giám định đã tính toán chi tiết và cụ thể từng hạng mục, thể hiện các nội dung xác định giá trị thiệt hại đối với việc sạt lở đường vào các ngày 09/8/2016; 15/9/2016 và 03/7/2017. Số tiền miễn trừ 5.000.000₫/vụ tổn thất x 03 vụ = 15.000.000 đồng theo thỏa thuận tại Điều 5 Hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình số 01/HĐ-BHXD ngày 08/07/2015 không cần thiết phải thể hiện tại báo cáo giám định vì không thuộc phần giá trị thiệt hại của công trình được bảo hiểm. Đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang.

Vụ án đã được Toà án nhân dân thành phố T thụ lý (lần 2), hoà giải nhưng không thành và đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2022/DS - ST, ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố T đã quyết định:

Căn cứ các Điều 26; 35; 39; 147; 266; 271; 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ các Điều 385; 404; 419; 357; 468 Bộ luật Dân sự; Căn cứ các Điều 12; 21;30; 48 Luật kinh doanh bảo hiểm; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

* Tuyên xử:

Buộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P có nghĩa vụ bồi thường cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang tổng số tiền 692.197.021 đồng (Sáu trăm chín mươi hai triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn, không trăm hai mươi mốt đồng) đối với 03 vụ tổn thất (sạt lở đường) xảy ra vào các ngày 09/8/2016;

15/9/2016 và 03/7/2017 thuộc Công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (doan Km0+00 Km8+831,37).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành ăn theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

3. Về án phí: TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là 31.687.880 đồng (Ba mươi mốt triệu, sáu trăm tám mươi bảy nghìn, tám trăm tám mươi đồng).

BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang không phải chịu án phí.

4. Về chi phí tố tụng: TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P phải chịu và có nghĩa vụ hoàn trả cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang số tiền chi phí tổ tụng (giám định tư pháp xây dựng) là 133.711.000 đồng (Một trăm ba mươi ba triệu, bảy trăm mười một nghìn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/5/2022, Tòa án nhận được đơn kháng cáo bị đơn TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P – P với nội dung như sau: P kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 35/2022/DS-ST, ngày 12/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T với lý do Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào kết luận giám định của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC là không chính xác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của P. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào kết luận giám định của CNC là hợp lý và đúng theo quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, yêu cầu TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P – P hoàn trả số tiền bảo hiểm cho nguyên đơn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn – ông Đàm Quốc V trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn CTCPBHPTM, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 35/2022/DS-ST ngày 12/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T: Buộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P có nghĩa vụ bồi thường cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang tổng số tiền 692.197.021 đồng (Sáu trăm chín mươi hai triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn, không trăm hai mươi mốt đồng) đối với 03 vụ tổn thất (sạt lở đường) xảy ra vào các ngày 09/8/2016; 15/9/2016 và 03/7/2017 thuộc Công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang.

Người kháng cáo bị đơn TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P – người đại diện theo ủy quyền trình bày: ông giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không nhất trí với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố T. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án để đảm bảo quyền và lợi ích cho bị đơn.

Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của bị đơn TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P - P là hợp lệ, trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm.

Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 BLTTDS; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn CTCPBHPTM, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 35/2022/DS-ST ngày 12/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T: Buộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P có nghĩa vụ bồi thường cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang tổng số tiền 692.197.021 đồng (Sáu trăm chín mươi hai triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn, không trăm hai mươi mốt đồng) đối với 03 vụ tổn thất (sạt lở đường) xảy ra vào các ngày 09/8/2016; 15/9/2016 và 03/7/2017 thuộc Công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang.

Về án phí phúc thẩm: Yêu cầu kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận, TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về trình tự thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm, bị đơn nộp đủ tạm ứng chi phí tố tụng do đó đơn kháng cáo được công nhận là hợp lệ và được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn Hội đồng xét xử thấy rằng:

TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P (P) kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 35/2022/DS-ST ngày 12/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Tuyên Quang với lý do Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào kết luận giám định của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC buộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P thanh toán số tiền bồi thường cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang là 707.197.021 đồng (Bảy trăm linh bảy triệu một trăm chín mươi bảy nghìn không trăm hai mươi mốt đồng). P không đồng ý với phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào kết luận giám định của CNC là không chính xác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của P.

Ngày 08/7/2015, BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang và TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P (Ủy quyền cho PJC TUYÊN QUANG ) kí kết hợp đồng số 01/HĐ-BHXD về bảo hiểm xây dựng công trình cải tạo nâng cấp đường TB– TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (Đoạn Km0+00 – Km8+831,37) với những điều khoản trong hợp đồng là phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật. Việc BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang mua bảo hiểm công trình xây dựng là thủ tục bắt buộc để được cấp phép thi công xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định về Bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng. Theo hợp đồng hai bên đã ký kết thì thời hạn bảo hiểm được tính từ ngày bắt đầu thi công (22/9/2015) cho đến khi hoàn thiện bàn giao toàn bộ công trình đưa vào sử dụng và cộng thêm 12 tháng bảo hành công trình. Ngày 08/7/2015 hai bên kí kết hợp đồng thì đến ngày 02/6/2016 có tổn thất xảy ra và các tổn thất tiếp theo xảy ra vào các ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017. Những tổn thất trên đều nằm trong thời hạn bảo hiểm theo Điều 4 của Hợp đồng bảo hiểm.

Sau khi có tổn thất xảy ra, Bên được bảo hiểm, Bên bảo hiểm đã thực hiện đúng như các điều khoản trong hợp đồng ký kết tại Điều 11 của Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết về thông báo khi có tổn thất xảy ra và cùng nhau có mặt ở hiện trường, lập biên bản giám định hiện trường. Bên bảo hiểm cũng đã xác nhận nhận được toàn bộ hồ sơ, chứng từ, tài liệu, hồ sơ dự toán, hồ sơ thiết kế, … Sau khi các bên hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bồi thường nhưng không thống nhất được giá trị bồi thường tổn thất, Bên bảo hiểm đã mời CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC là đơn vị độc lập tham gia giám định theo Điều 11 Hợp đồng bảo hiểm xây dựng đã ký kết: “ … Nếu tổn thất phức tạp phải mời giám định độc lập (Do bên Bảo hiểm báo giá Bên được bảo hiểm chấp thuận) thì kết luận giám đinh độc lập sẽ là cơ sở khách quan để thực hiện…”. Sau khi CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC ban hành kết luận giám định cuối cùng với 4 vụ tổn thất xảy ra với tổng giá trị tổn thất là 141.279.366 đồng, đến ngày 09/7/2020 bên bảo hiểm đã thanh toán số tiền 32.891.652 đồng (vụ tổn thất ngày 02/6/2016), còn thiếu 3.269.165 đồng (thuế VAT). Còn 03 vụ tổn thất ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017 có tổng giá trị là 105.118.549 đồng và Bên bảo hiểm chỉ nhất trí chi trả tổng giá trị tổn thất theo như kết luận của CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁM ĐỊNH HDC hiện còn nợ là 105.118.549 đồng. Bên được bảo hiểm không nhất trí với kết luận giám định của HDC và đã đề nghị Tòa án là cơ quan đứng ra trưng cầu giám định độc lập, trong quá trình giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố T đã Quyết định trưng cầu CTCPTVCNTBVKĐXDCNC xác định giá trị thiệt hại (mức độ tổn thất) đối với các vụ sạt lở ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017 đối với hạng mục đoạn đường Km0+0.00 đến Km8+831,37 thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp đường TB– TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang”.

Ngày 06/9/2021, CTCPTVCNTBVKĐXDCNC có bản báo cáo Giám định tư pháp về xây dựng số 325-1-1/2021/CNC/T.TN xác định tổng giá trị thiệt hại đối với việc sạt lở đường vào các ngày 09/8/2016; 15/9/2016 và 03/7/2017 thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp đường TB– TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang là 707.197.021 đồng, cụ thể: Giá trị thiệt hại ngày 09/8/2016 là 299.878.354 đồng; Giá trị thiệt hại ngày 15/9/2016 là 76.897.270 đồng; Giá trị thiệt hại ngày 03/7/2017 là 330.421.397 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nhất trí với kết luận giám định của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC, đồng thời nhất trí miễn trừ mức khấu trừ về thiệt hại vật chất do rủi ro thiên tai là 5.000.000 đồng x 03 vụ = 15.000.000 đồng theo thỏa thuận tại Điều 5 của Hợp đồng xây dựng như tại cấp sơ thẩm. Tổng giá trị thiệt hại bên nguyên đơn yêu cầu CTCPBHPTM phải thanh toán đối với các vụ sạt lở ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017 là 707.197.021 – 15.000.000 = 692.197.021đ (Sáu trăm chín mươi hai triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn, không trăm hai mươi mốt đồng).

Hội đồng xét xử, xét thấy: đối với báo cáo giám định số 325-1- 1/2021/CNC/T.TN ngày 06/9/2021 của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC: CTCPTVCNTBVKĐXDCNC là Công ty Cổ phần đã được Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, do đó việc Tòa án trưng cầu giám định độc lập với CTCPTVCNTBVKĐXDCNC là hợp lý. CTCPTVCNTBVKĐXDCNC đã thực hiện việc giám định xác định mức độ tổn thất theo đúng quy định của Luật giám định tư pháp; Luật xây dựng; Luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung cần giám định. Việc giám định được thực hiện độc lập theo Quyết định trưng cầu của Tòa án, phù hợp quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào báo cáo giám định số 325-1-1/2021/CNC/T.TN ngày 06/9/2021 của CTCPTVCNTBVKĐXDCNC là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ thiết kế xử lý sạt trượt, các biên bản làm việc kiểm tra, xác định thiệt hại và nguyên nhân xảy ra đối với 03 vụ tổn thất xảy ra vào các ngày 09/8/2016; 15/9/2016 và 03/7/2017, phía Công ty bảo hiểm đã nhất trí, không có ý kiến gì. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, các bên đương sự đều xác định trường hợp tổn thất trên (sạt lở taluy) không thể trở lại trạng thái như trước khi xảy ra tổn thất. Do đó, 03 vụ tổn thất ngày 09/8/2016, 15/9/2016 và 03/7/2017 thuộc trường hợp quy định tại Điều 3 và Điều 8 của Hợp đồng bảo hiểm xây dựng và không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nên cần xem xét chấp nhận yêu cầu bồi thường của BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang đối với TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P. Số tiền bồi thường được căn cứ theo kết quả giám định mức độ tổn thất, được tính toán giá trị thiệt hại thực tế thông qua đơn vị giám định.

Vụ tổn thất ngày 02/6/2016 đã được các bên đương sự thỏa thuận thực hiện xong, không còn tranh chấp nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử nhận thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn CTCPBHPTM, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm số 35/2022/DS-ST ngày 12/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T.

[3]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Yêu cầu kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận, TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn CTCPBHPTM, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm số 35/2022/DS-ST ngày 12/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T như sau:

Tuyên xử:

Buộc TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P có nghĩa vụ bồi thường cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang tổng số tiền 692.197.021 đồng (Sáu trăm chín mươi hai triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn, không trăm hai mươi mốt đồng) đối với 03 vụ tổn thất (sạt lở đường) xảy ra vào các ngày 09/8/2016;

15/9/2016 và 03/7/2017 thuộc Công trình cải tạo, nâng cấp đường TB- TLL, huyện LB, tỉnh Tuyên Quang (đoạn Km0+00 - Km8+831,37).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

- VÒ ¸n phÝ dân sự sơ thẩm: TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là 31.687.880đ (Ba mươi mốt triệu, sáu trăm tám mươi bảy nghìn, tám trăm tám mươi đồng).

BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang không phải chịu án phí.

- Về chi phí tố tụng: TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P phải chịu và có nghĩa vụ hoàn trả cho BQLDAĐTXDCCTGT tỉnh Tuyên Quang số tiền chi phí tố tụng (giám định tư pháp xây dựng) là 133.711.000 đồng (Một trăm ba mươi ba triệu, bảy trăm mười một nghìn đồng).

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Yêu cầu kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận, TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM P phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng theo quy định của pháp luật nhưng được trừ vào khoản tạm ứng án phí bị đơn đã nộp tại biên lai số 0000347 ngày 13/6/2022 tại Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (ngày 16/9/2022).

Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

819
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xây dựng số 40/2022/DS-PT

Số hiệu:40/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về