Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản số 09/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 09/2023/KDTM-PT NGÀY 28/07/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN

Ngày 27 và 28 tháng 7 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 06/2023/TLPT-KDTM ngày 08 tháng 3 năm 2023 về tranh chấp “Hợp đồng bảo hiểm tài sản”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2022/KDTM-ST ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 548/2023/QĐ-PT ngày 28 tháng 3 năm 2023 giữa các đương sự:

Ngun đơn: Tổng Công ty X (EVNNPT). Địa chỉ trụ sở: số 18, TNH, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: ông Phạm Lê P – Tổng giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: ông Võ Đình T- Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 – Chi nhánh Công ty X.

Địa chỉ trụ sở chi nhánh: số 7, Quốc lộ 52, phường TT, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

(Theo văn bản ủy quyền ngày 21/9/2021) Đại diện theo ủy quyền lại của ông Võ Đình T: ông Nguyễn Xuân Ph – Phó trưởng phòng Kiểm tra - Thanh tra và Pháp chế. (Có mặt) Địa chỉ: số 07, Quốc lộ 52, phường TT, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo văn bản ủy quyền ngày 12/11/2021)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:

- Luật sư Nguyễn Hữu H– Luật sư của Công ty Luật TNHH Luật sư Hà Nội (Có mặt).

- Luật sư PhạmTuấn L- Luật sư của Công ty Luật TNHH Luật sư Hà Nội (Có mặt).

Bị đơn: Tổng Công ty Y (MIC). Địa chỉ trụ sở: tầng 15, Tòa nhà MIPEC, số 229 Tây Sơn, N, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.

Địa chỉ hiện nay: tầng 5-6, số 21, CL, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Thàn h phố Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: ông Uông Đông H1- Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Như H2- Phó Tổng giám đốc. (Theo văn bản ủy quyền ngày 01/01/2022).

Đại diện theo ủy quyền lại:

- Bà Nguyễn Thị Hương L1 – Trưởng phòng pháp chế và điều tra chống trục lợi bảo hiểm (Có mặt).

- Ông Ngô Xuân T1– Chuyên viên chính phòng pháp chế và điều tra chống trục lợi bảo hiểm (Vắng mặt).

- Ông Nguyễn Ngọc Đ – Chuyên viên Khối GĐBT MIC (Vắng mặt).

(Theo văn bản ủy quyền ngày 23/9/2022)

- Bà Trương Thanh T2, sinh năm: 1965 (Vắng mặt) (Theo văn bản ủy quyền ngày 29/5/2023).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty Cổ phần môi giới bảo hiểm NA.

Địa chỉ trụ sở: số B48, Ngõ 113, phố NTĐ, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Đức T3 –Tổng giámđốc Đại diện theo ủy quyền:

- Ông Nguyễn Thành T4 - Phó giámđốc (Có mặt).

Địa chỉ: số B48, ngõ 113, phố NTĐ, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

(Theo văn bản ủy quyền ngày 01/7/2022) .

2. Công ty TNHH Z(RACO) (Xin vắng mặt).

Địa chỉ trụ sở: phòng 1008, tầng 10, Tòa nhà V.E.T, số 98 Hoàng Quốc V, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Hạ L2 – Giámđốc. Đại diện theo ủy quyền: ông Đinh Văn H2– Phó Giám đốc (Theo văn bản ủy quyền ngày 23/9/2022)

3. Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Xin vắng mặt).

Địa chỉ trụ sở: số 258, Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện: ông Nguyễn Đăng T5 – Phân viện trưởng. Đại diện theo ủy quyền: ông Lê Hùng D- Giám định viên Tư pháp.

4. Công ty Cổ phần giám định và thẩm định giá PĐ (OVI) (Vắng mặt).

Địa chỉ trụ sở: biệt thự BT5, số 52, đường Lĩnh Nam, phường M, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: ông Đỗ Trí D– Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đại diện theo ủy quyền: ông Ngô Xuân H3 – Trưởng Phòng nghiệp vụ- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

(Theo văn bản ủy quyền ngày 30/6/2022)

- Người kháng cáo: Bị đơn, Tổng công ty Y.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm, nguyên đơn Tổng Công ty X, có người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Xuân Ph trình bày:

Ngày 17/12/2019, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) – Tổng công ty Xvà Tổng công ty Y (MIC) đã ký Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số 10852/HĐ-PTC4 cho gói thầu: Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thuộc PTC4 từ ngày 01/01/2020 đến ngày 01/01/2021, được MIC cấp Chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ số 10852/HĐ-PTC4 ngày 17/12/2019.

Theo Hợp đồng này, MIC nhận bảo hiểm cho các tài sản tại các trạm biến áp, trụ sở thuộc PTC4 (có danh sách kèm theo) và tài sản phát sinh tăng, giảm theo thông báo của PTC4 trong 12 tháng, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 01/01/2021 được MIC cấp chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ.

Khoản 3.3 Điều 3 của Hợp đồng quy định Phạm vi bảo hiểm bao gồm:

“Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 và có mở rộng đến các nguyên nhân sau:

Bao gồm những tổn thất, thiệt hại do cháy, nổ, máy móc, thiết bị điện gây ra bởi các nguyên nhân: quá tải, chịu áp lực quá mức cho phép, ngắn mạch, phóng hồ quang, tự phát nóng hoặc bị rò điện, va đập hoặc do bất kỳ nguyên nhân nào về điện, cơ trong hệ thống điện kể cả do sét đánh trực tiếp hay gián tiếp.

Sét đánh (tất cả những tổn thất do sét đánh trực tiếp hoặc gián tiếp (sét lan truyền) gây ra cháy, nổ hoặc làm biến dạng hư hỏng máy móc, thiết bị điện và những hạng mục tài sản tham gia bảo hiểm đề cập trong E-HSDT thì thuộc phạm vi bảo hiểm”.

Các máy biến áp và tài sản thuộc danh mục tài sản được bảo hiểm của Hợp đồng số 10852/HĐ-PTC4 bị thiệt hại do cháy, nổ và chi phí khắc phục, sửa chữa như sau:

- Máy biến áp 220 kV-125 MVA hiệu AEG Trạm biến áp 220 KV Cai Lậy:

+ Nguyên nhân tổn thất:

Văn bản số 589/CV/C09B ngày 16/11/2020 của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Nguyên nhân gây tổn thất MBA AT2 220/110/66kV/AEG Trạm 220 kV Cai Lậy là do đã xảy ra sự cố ngắn mạch giữa các vòng dây pha C, lực điện động và hồ quang điện mang năng lượng cao hình thành đã làm xô lệch các vòng dây, đốt cháy lớp giấy cách điện giữa các vòng dây và gây hư hỏng MBA”.

+ Giá trị chi phí khắc phục, sửa chữa thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng:

12.363.636.364 đồng (chưa bao gồm VAT).

- Máy biến áp 220 KV-125 MBA hiệu TBEA (AT2) Trạm biến áp 220 KV Cai Lậy (phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) ngày 08/07/2020, được bổ sung phát sinh tăng theo Hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 010852/HĐ-PTC4/06 ngày 15/6/2020. Chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ số 010852/HĐ-PTC4/06 ngày 15/6/2020.

+ Nguyên nhân tổn thất:

Văn bản số 396/CV-C09B ngày 04/8/2020 của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Nguyên nhân gây tổn thất cháy MBA AT2 là do đã xảy ra sự cố phóng điện từ vòng corona sứ xuyên 110 kV pha B lên ụ CT chân sứ phá B. Sự cố phóng điện phát sinh hồ quang điện mang năng lượng cao tạo áp lực lớn làm xô lệch gông từ, đồng thời gây hư hỏng các sứ xuyên 110 kV pha A, C, sứ 22 kV pha B, A, sứ trung tính và 03 sứ 10.5 kV, rơ le áp suất (van xả áp lực) làm dầu biến áp phun chảy ra ngoài kết hợp với không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy nổ lập tức bốc cháy bởi nhiệt độ cao phát sinh từ sự cố phóng điện và làm hư hỏng tổn thất MBA”.

+ Giá trị chi phí khắc phục, sửa chữa thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng:

11.545.000.000 đồng (chưa bao gồm VAT).

Đánh giá của bên bảo hiểm và người giám định, thẩm định giá” Theo Văn bản số 561/2021/MIC-GDBT TSKT ngày 17/6/2021; Văn bản số 145S/06/2021/CV-RACO ngày 15/6/2021 và Văn bản số 147S/06/2021/CV-RACO ngày 15/6/2021 về việc thông báo ý kiến độc lập về phạm vi trách nhiệm bảo hiểm và số tiền tính toán bồi thường vụ tổn thất MBA 125MVA/AEG, số tiền tính toán dự phòng bồi thường vụ tổn thất MBA 125MVA/TBEA:

- Đối với MBA 220kV-125MVA hiệu AEG Trạm 220 kV Cai Lậy MIC và RACO cho rằng: “Tổn thất không gây ra cháy (hỏa hoạn) nên không được xem xét theo Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số 10852/HĐ-PTC4 và quy định tại khoản 3.3 Điều 3, cũng như các điều khoản bổ sung Điều khoản về hệ thống thiết bị điện 4B, điều khoản về thiệt hại do dòng điện đốt nóng (giới hạn 10 tỷ đồng/vụ tổn thất và tổng cộng trong suốt thời hạn bảo hiểm). Tuy nhiên, Hợp đồng bảo hiểm có mở rộng “Điều khoản về hỏng hóc máy móc” nên tổn thất được điều chỉnh theo “Điều khoản về hỏng hóc máy móc” (GHTN: Tối đa không quá 10% giá trị tổn thất và tổng cộng trong toàn bộ thời hạn bảo hiểm không vượt quá 12 tỷ đồng)”.

Sau khi tính toán, MIC và RACO chỉ xem xét giá trị bồi thường đối với máy biến áp hiệu AEG là 0 đồng (không đồng).

- Đối với MBA 220kV-125MVA hiệu TBEA Trạm 220 kV Cai Lậy MIC và RACO cho rằng:

“- Các hạng mục hư hỏng trước khi cháy (hỏa hoạn) không được xem xét theo Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số 10852/HĐ-PTC4 và quy định tại khoản 3.3 Điều 3, cũng như các điều khoản bổ sung Điều khoản về hệ thống thiết bị điện 4B, điều khoản về thiệt hại do dòng điện đốt nóng (giới hạn 10 tỷ đồng/vụ tổn thất và tổng cộng trong suốt thời hạn bảo hiểm). Tuy nhiên, Hợp đồng bảo hiểm có mở rộng “Điều khoản về hỏng hóc máy móc” nên tổn thất những hạng mục hư hỏng này được điều chỉnh theo “Điều khoản về hỏng hóc máy móc” (GHTN: Tối đa không quá 10% giá trị tổn thất và tổng cộng trong toàn bộ thời hạn bảo hiểm không vượt quá 12 tỷ đồng)”.

- Các hạng mục khác bên ngoài MBA là thiệt hại hậu quả do cháy (hỏa hoạn) được xem xét theo quy định tại khoản 3.3 Điều 3 của Hợp đồng cháy nổ bắt buộc số 10852/HĐ- PTC4”.

Sau khi tính toán, MIC và RACO chỉ xem xét giá trị bồi thường đối với máy biến áp hiệu TBEA là 762.416.716 đồng.

Tổng công ty X(EVNNPT) và Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) không đồng ý với quan điểm đánh giá của Tổng công ty Y (MIC), Công ty TNHH Z (RACO), Công ty CP Giám định và Thẩm định giá PĐ (OVI) và đã có nhiều văn bản gửi MIC, RACO nêu rõ ý kiến này của mình, vì các đánh giá và tính toán của MIC, RACO, OVI không phù hợp với các thỏa thuận hợp pháp trong Hợp đồng số 010852/HĐ-PTC4; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 010852/HĐ-PTC4/06 ngày 15/6/2020; các kết luận của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh và các quy định của pháp luật hiện hành, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước giao cho EVNNPT, PTC4 quản lý.

Cụ thể là:

- Văn bản số 589/CV/C09B ngày 16/11/2020 của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Nguyên nhân gây tổn thất MBA AT2 220/110/66kV/AEG Trạm 220 kV Cai Lậy là do đã xảy ra sự cố ngắn mạch giữa các vòng dây pha C, lực điện động và hồ quang điện mang năng lượng cao hình thành đã làm xô lệch các vòng dây, đốt cháy lớp giấy cách điện giữa các vòng dây và gây hư hỏng MBA”.

- Văn bản số 396/CV-C09B ngày 04/8/2020 của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Nguyên nhân gây tổn thất cháy MBA AT2 là do đã xảy ra sự cố phóng điện từ vòng corona sứ xuyên 110 kV pha B lên ụ CT chân sứ phá B. Sự cố phóng điện phát sinh hồ quang điện mang năng lượng cao tạo áp lực lớn làm xô lệch gông từ, đồng thời gây hư hỏng các sứ xuyên 110 kV pha A, C, sứ 22 kV pha B, A, sứ trung tính và 03 sứ 10.5 kV, rơ le áp suất (van xả áp lực) làm dầu biến áp phun chảy ra ngoài kết hợp với không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy nổ lập tức bốc cháy bởi nhiệt độ cao phát sinh từ sự cố phóng điện và làm hư hỏng tổn thất MBA”.

Kết luận này hoàn toàn phù hợp với Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy: “Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường”. Các nguyên nhân nêu trong 02 văn bản này đều thuộc trường hợp mở rộng trong Phạm vi bảo hiểm tại Khoản 3.3 Điều 3 Hợp đồng số 010852/HĐ-PTC4 ngày 17/12/2019:

“Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 và có mở rộng đến các nguyên nhân sau:

Bao gồm những tổn thất, thiệt hại do cháy, nổ, máy móc, thiết bị điện gây ra bởi các nguyên nhân: quá tải, chịu áp lực quá mức cho phép, ngắn mạch, phóng hồ quang, tự phát nóng hoặc bị rò điện, va đập hoặc do bất kỳ nguyên nhân nào về điện, cơ trong hệ thống điện kể cả do sét đánh trực tiếp hay gián tiếp.

Sét đánh (tất cả những tổn thất do sét đánh trực tiếp hoặc gián tiếp (sét lan truyền) gây ra cháy, nổ hoặc làm biến dạng hư hỏng máy móc, thiết bị điện và những hạng mục tài sản tham gia bảo hiểm đề cập trong E-HSDT thì thuộc phạm vi bảo hiểm”.

Những vấn đề nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết:

1. Buộc Tổng Công ty Y phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các tổn thất cháy 02 Máy biến theo các nguyên nhân được mở rộng trong phạm vi bảo hiểm Khoản 3.3 Điều 3 và Khoản 10.1 Điều 10 Hợp đồng bảo hiểm số 010852/HĐ-PTC4 ngày 17/12/2019, cụ thể:

- Máy biến áp 220kV-125MVA hiệu AEG số tiền là 12.363.636.364 đồng;

- Máy biến áp 220kV-125MVA hiệu TBEA nêu trên số tiền 11.545.000.000 đồng.

2. Tổng số tiền yêu cầu Tổng Công ty Y phải có nghĩa vụ bồi thường tổn thất cho nguyên đơn là 23.908.636.364 đồng (hai mươi ba tỷ, chín trăm lẻ tám triệu, sáu trăm ba mươi sáu ngàn, ba trăm sáu mươi bốn đồng).

Bị đơn Tổng Công ty Y trình bày tại đơn trình bày ý kiến ngày 21/02/2022 như sau:

Công ty Truyền tải 4 tham gia bảo hiểm tại Tổng Công ty Y (MIC) theo hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số 010852/HĐ-PTC4 ngày 17/12/2019. Thời hạn bảo hiểm từ 08h00 ngày 01/01/2020 đến ngày 31/02/2020, tài sản và địa điểm tài sản được bảo hiểm đính kèm theo hợp đồng.

Thông tin cụ thể về tổn thất máy biến áp MBA AT2 – TBEA và máy biến áp AT2 AEG thuộc sở hữu của Công ty Truyền tải điện 4 và giải quyết bồi thường của Mic:

- Máy biến áp MBA AT2 – TBEA:

+ Thời gian tổn thất: ngày 08/7/2020;

+ Nguyên nhân tổn thất:

Căn cứ văn bản số 396/CV/C09B của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Nguyên nhân gây tổn thất cháy MBA AT2 là do đã xảy ra sự cố phóng điện từ vòng corona sứ xuyên 110 kV pha B lên ụ CT chân sứ phá B. Sự cố phóng điện phát sinh hồ quang điện mang năng lượng cao tạo áp lực lớn làm xô lệch gông từ, đồng thời gây hư hỏng các sứ xuyên 110 kV pha A, C, sứ 22 kV pha B, A, sứ trung tính và 03 sứ 10.5 kV, rơ le áp suất (van xả áp lực) làm dầu biến áp phun chảy ra ngoài kết hợp với không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy nổ lập tức bốc cháy bởi nhiệt độ cao phát sinh từ sự cố phóng điện và làm hư hỏng tổn thất MBA”.

+ Mức miễn thường: căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1, Mục II, Phụ lục II Nghị Định số 23/2018/NĐ-CP, mức miễn thường được MIC áp dụng là 1% số tiền bảo hiểm.

+ Trách nhiệm bảo hiểm:

Căn cứ theo đánh giá của Công ty giám định độc lập Raco, các hạng mục tài sản thiệt hại xuất phát từ hiện tượng phóng điện/ hồ quang điện gây hư hỏng trước khi xảy ra cháy sẽ điều chỉnh theo điều khoản bổ sung số 09 theo Hợp đồng bảo hiểm số 010852/HĐ-PTC4. Các hạng mục thiệt hại là hậu quả do cháy sẽ được theo đơn cháy, nổ bắt buộc.

+ Số tiền trách nhiệm bảo hiểm:

Các hạng mục sứ xuyên pha B và gông từ cuộn dây bên tong MBA xảy ra chập điện hư hỏng trước khi cháy sẽ được xem xét theo điều khoản bổ sung hỏng hóc máy (10% giá trị tổn thất): 144.323.314 đồng;

Các hạng mục khác bên ngoài MBA là tổn thất hậu quả do cháy, nhiệt theo rủi ro cháy của Hợp đồng bảo hiểm: 1.699.643.162 đồng.

Tổng mức trách nhiệm bảo hiểm sau khi trừ đi mức miễn thường là 762.416.716 đồng.

- Máy biến áp AT2 AEG:

Căn cứ văn bản 598/Cv/C09B của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh:

+ Thời gian tổn thất: 21/4/2020;

+ Nguyên nhân tổn thất: “Nguyên nhân gây tổn thất máy biến áp AT2 AEG trạm 220 Kv Cai Lậy là do đã xảy ra sự cố ngắn mạch giữa các dòng dây pha C, lực điện động và hồ quang điện mang năng lượng cao hình thành đã làm xô lệch các dòng dây, đốt cháy lớp giấy cách điện giữa các dòng dây và gây hư hỏng máy biến áp”;

+ Mức miễn thường: căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1, Mục II, Phụ lục II Nghị Định số 23/2018/NĐ-CP, mức miễn thường được MIC áp dụng là 1% số tiền bảo hiểm.

+ Trách nhiệm bảo hiểm: căn cứ theo đánh giá của Công ty giám định độc lập Raco, các hạng mục tài sản thiệt hại xuất phát từ hiện tượng ngắn mạch điện gây hư hỏng trước khi xảy ra cháy sẽ điều chỉnh theo điều khoản bổ sung số 09 tại Hợp đồng bảo hiểm số 010852/HĐ/PTC4.

+ Số tiền trách nhiệm bảo hiểm:

Tài sản tổn thất do hiện tượng ngắn mạch đoản điện sẽ được xem xét theo điều khoản bổ sung hỏng hóc máy (10% giá trị tổn thất): 362.121.644 đồng.

Tổng mức trách nhiệm bảo hiểm sau khi trừ đi mức miễn thường: 0 đồng.

Từ những căn cứ trên, đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty truyền tải Điện 4 trong vụ án này, MIC bảo lưu quan điểm về số tiền trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho tổn thất máy biến áp MBA AT2 – TBEA và máy biến áp AEG.

Căn cứ theo quy định tại điều E-ĐKC 8.2, Mục Điều kiện cụ thể của Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số 010852/HĐ/PTC4 ngày 17/12/2019 giữa Công ty truyền tải điện 4 và MIC: “Giải quyết tranh chấp: Trường hợp hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được đưa ra Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Do vậy MIC kính đề nghị Tòa án chấp nhận thỏa thuận của hai bên theo Hợp đồng, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và chuyển vụ án tới Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là Tòa thụ lý, giải quyết tranh chấp trên.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty Cổ phần giám định và thẩm định PĐ (OVI) không có văn bản thể hiện ý kiến đối với yêu cầu khổi kiện của nguyên đơn.

2. Công ty TNHH Z(Raco) không có văn bản thể hiện ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

3. Công ty Cổ phần môi giới bảo hiểm NA gởi cho Tòa án 02 bản sao hồ sơ thẩm định giá số 02023913A –PD và 20203913B-PD và đề nghị vắng mặt tại các phiên họp.

4. Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2022/DS-ST ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã áp dụng: Điểm g khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 30, 48 của Luật kinh doanh bảo hiểm; Khoản 1, 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Tổng Công ty X.

Buộc Tổng Công ty Y phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho Tổng Công ty X số tiền cụ thể như sau:

- Máy biến áp AT2 - TBEA số tiền là 4.907.099.976 đồng.

- Máy biến áp hiệu AEG số tiền là 7.404.941.607 đồng. Tổng số tiền bảo hiểm phải là 12.312.041.583 đồng.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả tiền bảo hiểm 11.596.594.781 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 07/10/2022, bị đơn Tổng Công ty Y (MIC) có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm đã xét xử ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 20/4/2023, Tổng Công ty Y có đơn giải trình nội dung kháng cáo gửi Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang với nội dung:

1. Kháng cáo đối với nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm máy biến áp AEG:

- Về xác định tổn thất: tổn thất hư hỏng máy móc thuộc điều khoản bổ sung theo Khoản 9 Điều 3.3 của Hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, mức bồi thường bảo hiểm “Điều khoản về hỏng hóc máy móc - MB (GHTN: tối đa không quá 10% giá trị tổn thất và tổng cộng trong toàn bộ thời gian bảo hiểm không vượt quá 12 tỷ đồng).

- Về giá trị tổn thất được tính toán lại: Giá trị tổn thất theo tính toán của bản án sơ thẩm là 7.404,941,607đồng.

Mức bồi thường bảo hiểm theo Điều khoản về hỏng hóc máy móc của Hợp đồng bảo hiểm: 10% x 7.404,941,607đồng = 740.494.160đồng.

2. Kháng cáo đối với nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm máy biến áp TBEA: MIC không đồng ý với cách tính toán hạng mục chi phí vận chuyển để sửa chữa máy biến áp TBEA. Chi phí vận chuyển nguyên đơn yêu cầu là chi phí vận chuyển trước thuế và chi phí này đối với máy AEG cũng được Tòa án cấp sơ thẩm tính toán là chi phí vận chuyển trước thuế nhưng Tòa án đã căn cứ vào mức chi phí vận chuyển sau thuế để buộc nghĩa vụ bồi thường. Nếu tính toán chi phí vận chuyển trước thuế là 2.236.270.327đồng theo thủ tục đấu thầu công khai và nội dung đơn khởi kiện thì số tiền MIC trả bảo hiểm cho máy biến áp TBEA là 4.683,472,943đồng. MIC kính đề nghị Tòa phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa toàn bộ bản án sơ thẩm: Về nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm máy biến áp AEG, MIC bồi thường là 740.494.160đồng; nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm máy biến áp TBEA, MIC bồi thường là 4.683.472.943đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và bị đơn trình bày bổ sung nội dung kháng cáo là đối với máy biến áp AEG nếu Tòa án buộc bồi thường 100% giá trị thì MIC chỉ đồng ý bồi thường theo giá thực tế tại thời điểm trước khi tổn thất theo thẩm định giá của OVI là 6.750.000.000đồng và công ty Truyền tải điện 4 bàn giao máy biến áp AEG bị tổn thất cho MIC để bán thanh lý thu hồi. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng án sơ thẩm đã giải thích hợp đồng bảo hiểm không toàn diện dẫn đến việc áp dụng nguyên nhân, phạm vi bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm không phù hợp với hợp đồng bảo hiểm. Bản án phúc thẩm chỉ trích dẫn phần mở rộng phạm vi về nguyên nhân tổn thất mà không gắn liền với các điều khoản bổ sung là không đầy đủ, phiến diện dẫn đến quyết định không khách quan, toàn diện.

Đối với máy biến áp TBEA án sơ thẩm có nhầm lẫn trong tính toán chi phí bồi thường đối với hạng mục chi phí vận chuyển để sửa chữa máy biến áp. Cụ thể Tòa án đã căn cứ vào mức chi phí vận chuyển sau thuế trong khi nguyên đơn yêu cầu là chi phí vận chuyển trước thuế. Nếu tính chi phí vận chuyển trước thuế là 2.236.270.327đồng. Như vậy số tiền MIC phải trả bảo hiểm cho máy biến áp TBEA là 4.683.472.943đồng.

Đối với máy biến áp AEG, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào công văn 589/CV/CO9B ngày 16/11/2020 của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh có nêu nguyên nhân tổn thất máy biến áp AEG là do “đã xảy ra sự cố ngắn mạch” là nguyên nhân tổn thất do cháy để buộc MIC trả tiền bảo hiểm cho máy biến áp AEG là không phù hợp, bởi lẽ đây là nguyên nhân thuộc diện loại trừ theo điểm a, khoản 2, điều 6, Nghị định 23. Tuy nhiên theo điều khoản mở rộng nguyên nhân tại khỏan 3.3, Điều 3 của hợp đồng thì nguyên nhân tổn thất máy biến áp AEG vẫn thuộc phạm vi bảo hiểm theo hợp đồng với các điều khoản bổ sung.

Theo thỏa thuận đã ký, hai bên đã mời RACO là đơn vị giám định độc lập trong danh sách đã liệt kê tại điều khoản 26 khoản 3 điều 3.3 của hợp đồng. Việc mời RACO để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng, đúng pháp luật và theo đó hai bên phải tôn trọng kết luận của RACO. Theo tính toán của RACO, tổng giá trị tổn thất máy biến áp AEG là 7.404.941.607đồng. Theo báo cáo cuối cùng ngày 02/8/2021 của RACO đã xác định: Nguyên nhân tổn thất được xác định là do sự cố phóng điện gây hư hỏng các bộ phận của máy biến áp. Theo MIC mức bồi thường bảo hiểm “Điều khoản hỏng hóc máy móc” 10% giá trị tổn thất là 740.494.160đồng. Trường hợp Tòa áp dụng bồi thường theo Nghị định 23 thì mức bồi thường theo giá thẩm định của OVI là 6.750.000.000đồng và công ty Truyền tải điện 4 phải bàn giao máy biến áp AEG bị tổn thất cho MIC theo khoản 3 điều 47 Luật kinh doanh bảo hiểm để bán thanh lý thu hồi.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng đối với máy biến áp TBEA nguyên đơn thống nhất với nguyên nhân tổn thất mà MIC đưa ra. Đối với máy biến áp AEG nguyên đơn không đồng ý với toàn bộ lập luận và đề nghị của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận Công văn giải thích của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh buộc MIC bồi thường toàn bộ với số tiền 7.404.941.607đồng.

Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm: Về việc tuân theo pháp luật: Từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến khi xét xử Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã tuân thủ theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng chấp hành đúng nội quy phòng xử án và thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng pháp luật; Về nội dung vụ án: Đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm đối với chi phí vận chuyển máy biến áp TBEA là chi phí trước thuế với số tiền là 2.236.270.327đồng.

Qua nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, nội dung yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty Y (MIC), lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Phần trích yếu của án sơ thẩm xác định tranh chấp “Hợp đồng bảo hiểm tài sản” và căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm để giải quyết vụ án nhưng phần đầu của án sơ thẩm lại ghi “… vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 02/2021/TLST-KDTM ngày 08/12/2021 về việc tranh chấp “Hợp đồng mua bán hàng hóa” là chưa phù hợp cần xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp là “Hợp đồng bảo hiểm tài sản” theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Z (RACO) có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt, Phân Viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh có đơn xin vắng mặt, Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá PĐ (OVI) vắng mặt. Tại phiên tòa hôm nay các đương sự đồng ý xét xử vắng mặt đối với OVI, xét thấy việc vắng mặt của OVI không ảnh hưởng đến việc kháng cáo và yêu cầu kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử căn cứ vào điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự xử vắng mặt đối với Công ty RACO, Công ty OVI và Phân Viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Về nội dung vụ án: Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) là chi nhánh thuộc Tổng công ty X(EVNNPT) được Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh với mã số chi nhánh 0102743068-007, người đứng đầu chi nhánh là ông Võ Đình T, chức vụ giám đốc và Tổng Công ty Y (MIC) ký hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số 010852/HĐ-PTC4 ngày 17/12/2019 và hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 010852/HĐ-PTC4/06 ngày 15/6/2020 cho gói thầu: Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thuộc Công ty Truyền tải điện 4 từ 01/01/2020 đến ngày 01/01/2021 và được MIC cấp giấy chứng nhận cháy, nổ số 010852/HĐ-PTC4 ngày 17/12/2019. Theo hợp đồng, MIC nhận bảo hiểm cho các tài sản tại các trạm biến áp, trụ sở thuộc Công ty Truyền tải điện 4 và tài sản phát sinh tăng giảm theo thông báo của Công ty Truyền tải điện 4 trong 12 tháng, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 01/01/2021 được MIC cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ.

Theo danh mục tài sản được MIC cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ trong đó có trạm biến áp 220kv Cai Lậy thuộc Khu 5, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang với số tiền bảo hiểm ban đầu là 97.353.618.341đồng. Sau khi thay đổi lần 6 theo hợp đồng sửa đổi, bổ sung số tiền bảo hiểm là 108.154.975.941đồng, mức khấu trừ tối đa 1% số tiền bảo hiểm nhưng không thấp hơn 60 triệu đồng/vụ tổn thất.

Thời hạn bảo hiểm các tài sản tính từ ngày 01/01/2020 đến ngày 01/01/2021.

Phạm vi bảo hiểm được quy định tại Khoản 3.3 Điều 3 của hợp đồng bao gồm: “Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 và có mở rộng đến các nguyên nhân sau:

Bao gồm những tổn thất, thiệt hại do cháy, nổ, máy móc, thiết bị điện gây ra bởi các nguyên nhân: quá tải, chịu áp lực quá mức cho phép, ngắn mạch, phóng hồ quang, tự phát nóng hoặc bị rò điện, va đập hoặc do bắt kỳ nguyên nhân nào về điện, cơ trong hệ thống điện kể cả do sét đánh trực tiếp hay gián tiếp.

Sét đánh (tất cả những tổn thất do sét đánh trực tiếp hoặc gián tiếp (sét lan truyền) gây ra cháy, nổ hoặc làm biến dạng hư hỏng máy móc, thiết bị điện và những hạng mục tài sản tham gia bảo hiểm đề cập trong E-HSDT thì thuộc phạm vi bảo hiểm”.

Và 42 điều khoản bổ sung trong đó có điều khoản về hỏng hóc máy móc.

Ngày 21/4/2020, máy biến áp 220kv-125 hiệu AEG xảy ra tổn thất. Ngày 08/7/2020 máy biến áp 220kv-125MVA hiệu TBEA (AT2) xảy ra tổn thất. Cả hai máy biến áp trên thuộc trạm biến áp Cai Lậy là tài sản thuộc danh mục tài sản được bảo hiểm của hợp đồng số 010852/HĐ-PTC4. Công ty Truyền tải điện 4 yêu cầu Tổng công ty Y bồi thường toàn bộ các tổn thất cháy 02 máy biến áp theo nguyên nhân được mở rộng trong phạm vi được bảo hiểm Khoản 3.3 Điều 3 và Khoản 10.1 Điều 10 Hợp đồng bảo hiểm số 010852/HĐ-PTC4 ngày 17/12/2019, cụ thể:

-Máy biến áp 220kv-125MVA hiệu AEG số tiền là 12.363.636.364 đồng;

- Máy biến áp 220kV-125MVA hiệu TBEA nêu trên số tiền 11.545.000.000 đồng.

Án sơ thẩm xử buộc Tổng công ty Y phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho Tổng Công ty X số tiền cụ thể như sau:

- Máy biến áp AT2 - TBEA số tiền là 4.907.099.976 đồng.

- Máy biến áp hiệu AEG số tiền là 7.404.941.607 đồng. Tổng công ty Y không đồng ý nên có yêu cầu kháng cáo.

[3] Xét nội dung kháng cáo và yêu cầu kháng cáo của Tổng công ty Y cũng như lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Y, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[3.1] Đối với máy biến áp AT2 – TBEA:

- Ngày 08/7/2020 xảy ra tổn thất.

Tổng công ty Y thống nhất bồi thường tổn thất theo thỏa thuận phương thức xác định số tiền bồi thường tại khoản 10.1 Điều 10 của Hợp đồng bảo hiểm hai bên đã ký kết theo cách tính của án sơ thẩm như sau:

+ Bồi thường 100% giá trị chi phí sửa chữa cần thiết để phục hồi các hạng mục bị tổn thất để đưa thiết bị trở lại trạng thái tương đương trước khi xảy ra tổn thất:

Chi phí sửa chữa máy biến áp, công trình sữa chữa máy biến áp AT2 220 kV-125 MVA hiệu TBEA, xác định chi phí trước thuế là 2.050.083.120 đồng.

Chi phí tháo dỡ, lắp đặt MBA 220 KV-125MVA phục vụ sửa chữa là 239.634.869 đồng.

+ Vật tư trong trường hợp phải mua mới được tính theo tỷ lệ phần trăm giữa số tiền bảo hiểm với giá trị tài sản mới tương đương tại thời điểm mua bảo hiểm. Tại phiên tòa sơ thẩm đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng ý yêu cầu tính giá trị còn lại của máy tại thời điểm tổn thất 30% MIC thống nhất và được tính chi phí vật tư, vật liệu, phụ kiện là 4.885.289.456 đồng x 30% = 1.465.586.838 đồng.

Giá trị vật tư thu lại nên tính khấu trừ, xác định vật tư thu có tổng trị giá là: 226.552.452 đồng.

Mức khấu trừ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng tại Điều 7 của hợp đồng xác định mức khấu trừ là 1% tính trên tổng giá trị từng địa điểm mua bảo hiểm được tính trên danh mục tài sản thay đổi lần 6 (bút lục số 213 trong hồ sơ bảo hiểm máy biến áp hiệu TBEA Cai Lậy), số tiền cụ thể là:

108.154.975.941 đồng x 1% = 1.081.549.759 đồng.

Riêng đối với chi phí vận chuyển MBA 220 KV-125MVA phục vụ sửa chữa án sơ thẩm tính 2.459.897.360 đồng đây là chi phí sau thuế MIC không đồng ý và yêu cầu được tính chi phí này là chi phí trước thuế với số tiền là 2.236.270.327đồng.

Nhận thấy trong yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/5/2023 người đại diện ủy quyền của nguyên đơn cũng xác định nguyên đơn yêu cầu chi phí khắc phục, sữa chữa là chi phí trước thuế. Hơn nữa tại phần chi phí sữa chữa máy biến áp cấp sơ thẩm cũng đã xác định chi phí trước thuế để buộc bồi thường. Như vậy việc buộc bị đơn bồi thường chi phí vận chuyển với số tiền được tính sau thuế 2.459.897.360đồng là chưa phù hợp cần xác định lại chi phí này được tính là chi phí trước thuế. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn đối với yêu cầu này là có cơ sở nên được chấp nhận. Như vậy chi phí vận chuyển máy biến áp phục vụ sửa chữa được xác định là chi phí trước thuế với tổng số tiền là 2.236.270.327đồng (bút lục từ 179 – 181 trong hồ sơ bảo hiểm máy biến áp hiệu TBEA Cai Lậy).

Như vậy tổng số tiền mà Tổng công ty Y phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho Công ty Truyền tải điện 4 thuộc Tổng công ty Xđối với tổn thất của máy biến áp AT2 – TBEA là 4.683.472.943đồng.

[3.2] Đối với máy biến áp AEG:

- Ngày 21/4/2020 xảy ra tổn thất;

- Nguyên nhân tổn thất:

Theo công văn số 589/CV/CO9B ngày 16/11/2020 của Phân Viện khoa học hình sự - Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định: Nguyên nhân gây tổn thất máy biến áp AT2 AEG trạm 220 Kv Cai Lậy là do đã xảy ra sự cố ngắn mạch giữa các dòng dây pha C, lực điện động và hồ quang điện mang năng lượng cao hình thành đã làm xô lệch các dòng dây, đốt cháy lớp giấy cách điện giữa các dòng dây và gây hư hỏng máy biến áp.

Tổng công ty Xvà Công ty Truyền tải điện 4 yêu cầu Tổng công ty Y bồi thường toàn bộ tổn thất máy biến áp AEG theo nguyên nhân được mở rộng trong phạm vi được bảo hiểm Khoản 3.3 Điều 3 và bồi thường 100% giá trị sữa chữa máy biến áp theo Khoản 10.1 Điều 10 Hợp đồng bảo hiểm số 010852/HĐ-PTC4 ngày 17/12/2019.

Tổng công ty Y cho rằng máy biến áp AEG không bị cháy mà bị hư hỏng, tổn thất hư hỏng máy móc thuộc điều khoản bổ sung theo Khoản 9 Điều 3.3 của Hợp đồng bảo hiểm. Theo đó mức bồi thường bảo hiểm “Điều khoản về hỏng hóc máy móc-MB (GHTN: tối đa không quá 10% giá trị tổn thất và tổng cộng toàn bộ thời gian bảo hiểm không vượt quá 12 tỷ đồng) và Tổng công ty Y chỉ đồng ý bồi thường 740.494.160đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/5/2023, anh Nguyễn Xuân Ph là người đại diện ủy quyền cho nguyên đơn cũng như chị Nguyễn Thị Hương L1 là người đại diện ủy quyền cho bị đơn đều xác định Công văn số 589/CV/C09B ngày 16/11/2020 của Phân Viện khoa học hình sự -Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh là văn bản pháp lý để xác định nguyên nhân gây tổn thất máy biến áp AEG. Do cách hiểu khác nhau, bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử xác minh nội dung Công văn 589/CV/C09B ngày 16/11/2020 của Phân Viện khoa học hình sự - Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 12/6/2023, Tòa án nhận được đơn đề nghị xác minh tài liệu chứng cứ của bị đơn đề ngày 02/6/2023 với nội dung: Đề nghị xác minh làm rõ nội dung Công văn số 589/CV/C09B ngày 16/11/2020 của Phân Viện khoa học hình sự -Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do chứng cứ trên có tính quyết định trong việc giải quyết vụ án mà tự đương sự không thể thực hiện được.

Ngày 07/6/2023, Tòa án có văn bản số 466/TAT-KT gửi Phân Viện khoa học hình sự -Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giải thích rõ hơn trong kết luận của Phân Viện khoa học hình sự -Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh là: cháy lớp giấy cách điện trong máy biến áp có được xem là cháy máy biến áp không hay máy biến áp chỉ hư hỏng do cháy lớp giấy cách điện? Ngày 29/6/2023, Phân Viện khoa học hình sự -Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 655/CV-C09B với nội dung trả lời “Lớp giấy cách điện là một bộ phận cấu thành máy biến áp, khi cháy lớp giấy cách điện này thì đã xảy ra sự cháy máy biến áp”.

Xét lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và lời bào chữa của luật sư bảo vệ cho bị đơn tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử nhận thấy: Tại công văn số 303S/11/2020/CV-RACO ngày 05/11/2020 về việc mời xác định nguyên nhân tổn thất máy biến áp AEG của RACO gửi Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh có nội dung “Do tính chất phức tạp của tổn thất liên quan đến chuyên ngành hẹp để có thể xác định nguyên nhân gây ra sự cố, bằng văn bản này chúng tôi kính đề nghị Quý Phân viện hỗ trợ chúng tôi trong việc xác địng nguyên nhân gây ra sự cố của máy biến áp nêu trên”. Và tại công văn số 369S/12/2020/CV-RACO ngày 10/12/2020 gửi Công ty Truyền tải điện 4 RACO xác định “ nguyên nhân tổn thất: Căn cứ vào văn bản số 589/CV/C09B của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh nguyên nhân tổn thất máy biến áp AT2 AEG được xác định như sau: nguyên nhân tổn thất máy biến áp AT2 AEG trạm 220kv Cai Lậy là do đã xảy ra sự cố ngắn mạch giữa các vòng dây pha C, lực điện động và hồ quang điện mang năng lượng cao hình thành đã làm xô lệch các vòng dây đốt cháy lớp giấy cách điện giữa các vòng dây và gây hư hỏng máy biến áp”. Tại công văn số 010S/01/2021/CV- RACO ngày 14/01/2021 gửi Công ty Truyền tải điện 4, RACO khẳng định RACO vẫn bảo lưu quan điểm theo nội dung đã đề cập trong công văn số 369S/12/2020/CV-RACO ngày 10/12/2020 và văn bản số 333S/11/2020/CV-RACO ngày 16/11/2020. Như vậy RACO đã khẳng định văn bản số 589/CV/C09B của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh là kết luận chính thức về nguyên nhân sự cố như tại văn bản số 333S/11/2020/CV- RACO ngày 16/11/2020.

Từ những phân tích trên, nhận thấy kết luận giám định số 589/CV/C09B ngày 16/11/2020 và nội dung văn bản số 655/CV-C09B ngày 29/6/2023 trả lời nội dung kết luận giám định trên của Phân Viện khoa học hình sự -Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có đủ căn cứ xác định nguyên nhân hư hỏng máy là phù hợp thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm 02 bên đã ký kết tại điểm 3.3 Điều 3 phạm vi bảo hiểm: “Bao gồm những tổn thất, thiệt hại do cháy, nổ máy móc, thiết bị điện gây ra bởi các nguyên nhân: quá tải, chịu áp lực quá mức cho phép, ngắn mạch, phóng điện hồ quang, tự phát nóng hoặc bị rò điện, va đập hoặc do bất kỳ nguyên nhân nào về điện, cơ trong hệ thống điện kể cả do sét đánh gián tiếp hay trực tiếp”.

Xét lời trình bày của người đại diện ủy quyền của bị đơn cũng như lời bào chữa của luật sư cho rằng bị đơn đồng ý bồi thường theo tính toán của RACO tổng giá trị tổn thất máy biến áp AEG là 7.404.941.607đồng theo điều khoản hỏng hóc 10% là 740.494.160đồng, trường hợp buộc phải bồi thường toàn bộ thì bị đơn chỉ đồng ý bồi thường số tiền là 6.750.000.000đồng theo giá thẩm định của OVI và Công ty Truyền tải điện 4 phải bàn giao máy biến áp AEG bị tổn thất cho bị đơn bán thanh lý thu hồi. Xét lời trình bày này là mâu thuẫn và không phù hợp. Hơn nữa trong tính toán của RACO đã có trừ tài sản thanh lý thu hồi với số tiền là 165.881.806đồng, phần này cũng đã được bị đơn đồng ý và cũng không kháng cáo đối với phần này. Xét lời trình bày này là không phù hợp, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Nhận thấy, máy biến áp AT2 –AEG là tài sản được bảo hiểm theo thỏa thuận hợp đồng tại khoản 3.1 Điều 3, vì vậy việc Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc Tổng công ty Y phải có nghĩa vụ bồi thường tổn thất cháy máy máy biến áp AT2 –AEG cho Công ty Truyền tải điền Quốc gia trong thời hạn bảo hiểm theo thỏa thuận phương thức xác định số tiền bồi thường tại khoản 10.1 Điều 10 của Hợp đồng bảo hiểm hai bên đã ký kết là có căn cứ và phù hợp. Cụ thể:

+ Bồi thường 100% giá trị chi phí sửa chữa cần thiết để phục hồi các hạng mục bị tổn thất để đưa thiết bị trở lại trạng thái tương đương trước khi xảy ra tổn thất:

Bảng tổng hợp chi phí sửa chữa máy biến áp, công trình sữa chữa máy biến áp AT2 220 kV-125 MVA hiệu AEG do Công ty Truyền tải điện 4 lập (Bút lục 96 trong hồ sơ bảo hiểm máy biến áp hiệu AEG Cai Lậy) xác định chi phí trước thuế (sau khi trừ chi phí vật tư, vật liệu, phụ kiện) là: 3.923.653.340 đồng.

Bảng tổng hợp dự toán xác định chi phí vận chuyển MBA 220 KV-125MVA phục vụ sửa chữa do Công ty Tryền tải điện 4 lập (bút lục 97 trong hồ sơ bảo hiểm máy biến áp hiệu AEG Cai Lậy) là 3.086058.375 đồng.

Bảng tổng hợp dự toán tính chi phí tháo dỡ, lắp đặt MBA 220 KV-125MVA phục vụ sửa chữa do Công ty Tryền tải điện 4 lập (bút lục 97 trong hồ sơ bảo hiểm máy biến áp hiệu AEG Cai Lậy) là 471.585.426 đồng.

+ Vật tư trong trường hợp phải mua mới được tính theo tỷ lệ phần trăm giữa số tiền bảo hiểm với giá trị tài sản mới tương đương tại thời điểm mua bảo hiểm.

Tại phiên tòa sơ thẩm đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng ý yêu cầu tính (giá trị còn lại của máy tại thời điểm xảy ra tổn thất 30% là có có lợi cho bị đơn nên Hội đồng xét xử chấp nhận là có căn cứ.

Bảng tổng hợp chi phí sửa chữa máy biến áp, công trình sữa chữa máy biến áp AT2 220 kV-125 MVA hiệu AEG do Công ty Truyền tải điện 4 lập (Bút lục 96 trong hồ sơ bảo hiểm máy biến áp hiệu AEG Cai Lậy) xác định chi phí trước thuế là: 3.903.586.773 đồng nên giá trị bồi thường tính 30% theo yêu cầu của đại diện nguyên đơn được tính như sau:

3.903.586.773 đồng x 30% = 1.171.076.031 đồng.

- Tại phiên tòa sơ thẩm hai bên thỏa thuận tính trừ lại giá trị vật tư thu lại nên án sơ thẩm tính khấu trừ theo bảng 11 Bảng tổng hợp vật tư thu hồi do Công ty Truyền tải điện 4 lập (bút lục 75 trong hồ sơ bảo hiểm máy biến áp hiệu AEG Cai Lậy) xác định vật tư thu có tổng trị giá là: 165.881.806 đồng là có căn cứ.

- Mức khấu trừ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng tại Điều 7 nên chấp nhận đề nghị của bị đơn xác định miễn thường là 1% tính trên tổng giá trị từng địa điểm mua bảo hiểm được tính trên danh mục tài sản thay đổi lần 6 (bút lục số 213 trong hồ sơ bảo hiểm máy biến áp hiệu TBEA Cai Lậy):

108.154.975.941 đồng x 1% = 1.081.549.759 đồng.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 điều 17 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và thỏa thuận trong hợp đồng ký kết giữa các bên tại điểm 3.3 Điều 3 điểm 10.1 Điều 10: buộc Công ty Y phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho Tổng công ty Xđối với tổn thất của máy biến áp AEG số tiền như sau:

(3.923.653.340 đồng + 1.171.076.031 đồng + 3.086.058.375 đồng + 471.585.426 đồng) – (1.081.549.759 đồng + 165.881.806 đồng) = 7.404.941.607 đồng.

[4] Từ những nhận định trên, xét thấy yêu cầu kháng cáo của bị đơn là có cơ sở một phần được Hội đồng xét xử chấp nhận và sửa một phần bản án sơ thẩm đối với nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm đối với máy biến áp AT2-TBEA và một phần án phí sơ thẩm.

[5] Xét lời đề nghị của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là có cơ sở phù hợp với nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận.

[6] Xét lời đề nghị của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn phù hợp với một phần nhận định của Hội đồng xét xử nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần lời đề nghị của luật sư.

[7] Xét lời đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định trên nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[8] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm nên Tổng công ty Y không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 2 Điều 308, điều 309 và điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ các Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 30, 48 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Khoản 1, 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội 

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Tổng công ty Y. Sửa một phần bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2022/KDTM - ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty X.

Buộc Tổng Công ty Y phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho Tổng Công ty Xsố tiền cụ thể như sau:

- Máy biến áp AT2 - TBEA số tiền là 4.683.472.943 đồng.

- Máy biến áp hiệu AEG số tiền là 7.404.941.607 đồng. Tổng số tiền bảo hiểm phải là 12.088.414.550 đồng.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty X yêu cầu Tổng công ty Y phải trả tiền bảo hiểm 11.820.221.814 đồng.

4. Về án phí: Tổng công ty Y phải chịu là 120.088.414 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Tổng công ty Y đã nộp 2.000.000đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0002646 ngày 07/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang còn phải nộp tiếp 118.088.414đồng.

Tổng công ty Xphải chịu là 119.820.221đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Tổng Công ty Xđã nộp 65.954.318đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0002141 ngày 30/11/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang còn phải nộp tiếp 53.865.903đồng.

Kể từ ngày Tổng công ty X yêu cầu thi hành án, nếu Tổng công ty Y chậm thi hành khoản tiền trên thì còn phải chịu thêm khoản lãi tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án, lãi suất phát sinh do chậm thi hành án được xác định theo điều 357 Bộ luật dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự; thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án tuyên vào lúc 08 giờ ngày 28/7/2023 có mặt nguyên đơn, vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

334
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản số 09/2023/KDTM-PT

Số hiệu:09/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về