TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 06/2023/KDTM-PT NGÀY 06/04/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN
Ngày 06 tháng 4 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 03/2023/TLPT-KDTM ngày 07 tháng 3 năm 2023 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2022/KDTM-ST ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 04/2023/QĐ-PT ngày 07 tháng 3 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn S; trụ sở: Số 55 đường T, khóm 4, thị trấn T, huyện T, tỉnh An Giang.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Thanh T, là Giám đốc của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn S (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Huỳnh Văn B, sinh năm 1954; nơi cư trú: Khóm T, phường P, thành phố X, tỉnh An Giang (theo văn bản ủy quyền ngày 25/02/2022) (có mặt).
- Bị đơn: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N; trụ sở: Đường C, quận Đ, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Bùi Thị Thanh X, là Phó Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền số: 790/UQ-VBI10 ngày 03/4/2023):
1. Bà Nguyễn Thị Minh T, là cán bộ Ban pháp chế của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N (có mặt).
2. Ông Nguyễn Công Th, là cán bộ Phòng Tài sản kỹ thuật của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N (có mặt).
- Người kháng cáo: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N là bị đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Công ty Trách nhiệm Hữu hạn S (sau đây gọi tắt là Công ty S) trình bày:
Công ty S và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N (sau đây viết tắt là Tổng Công ty Bảo hiểm) có ký Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số:
088.KD01.HD.TS12.21.000346 ngày 25/3/2021 (sau đây gọi tắt Hợp đồng số 088). Theo Hợp đồng số 088, Công ty S mua bảo hiểm tài sản theo danh mục bảo hiểm, trong đó có Máy biến áp 3 pha hiệu THIBIDI, số máy 113120011, công suất 1250 KVA, điện áp 22/0,4 KV (sau đây gọi tắt là Máy biến áp); phạm vi bảo hiểm: Bồi thường những thiệt hại vật chất bất ngờ, ngẫu nhiên, không lường trước được đối với tài sản của Công ty S; điều kiện bảo hiểm, trong đó có sự cố do hỏa hoạn, sét đánh, nổ; thời hạn hợp đồng: Kể từ 17:00 ngày 25/3/2021 đến 17:00 ngày 25/3/2022.
Vào khoảng 15 giờ 00 ngày 16/8/2021, có xảy ra sự cố sét đánh trúng Máy biến áp của Công ty S, hậu quả Máy biến áp của Công ty S bị hư hỏng (có lập Biên bản giám định hiện trường ngày 20/8/2021 và ngày 22/10/2021).
Ngày 28/10/2021, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên H (sau đây gọi tắt là Công ty H) lập dự toán sửa chữa, với chi phí là 181.804.428đ, thuế GTGT là 18.180.443đ, tổng cộng chi phí sửa chữa và thuế là 199.984.870đ (làm tròn là 199.985.000đ), trừ phần phế liệu dây đồng Máy biến áp là 29.174.500đ, còn lại 170.810.500đ.
Nay Công ty S yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại với số tiền 170.810.500đ.
Theo văn bản trình bày ý kiến, bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm trình bày:
Tổng Công ty Bảo hiểm thừa nhận có ký kết hợp đồng bảo hiểm với Công ty S theo Hợp đồng số 088 như người đại diện của Công ty S trình bày; Tổng Công ty Bảo hiểm thừa nhận về sự cố xảy ra vào ngày 16/8/2021 đối với Máy biến áp của Công ty S, thừa nhận Máy biến áp của Công ty S bị hư hỏng và có thiệt hại như người đại diện của Công ty S trình bày.
Theo Hợp đồng số 088 có ghi nhận về điều kiện bảo hiểm phải theo quy tắc bảo hiểm ban hành kèm theo hợp đồng bảo hiểm, đó là Quyết định số: 2271/QĐ-VBI6 ngày 28/12/2017 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N (sau đây gọi tắt là Quyết định số 2271). Quyết định số 2271 có quy định: “Chỉ bồi thường thiệt hại đối với tài sản được bảo hiểm gây ra bởi sét đánh trực tiếp”.
Theo Biên bản giám định hiện trường lập ngày 20/8/2021 xác định Máy biến áp của Công ty S bị hư hỏng là: “Do sét đánh vào 01 điểm trên đường dây điện lưới tạo ra dòng điện với trị số điện áp cao đột ngột làm cho Máy biến áp bị xung điện, chập điện, phóng điện dẫn đến sự cố”. Như vậy, Máy biến áp của Công ty S bị hư hỏng không do sét đánh trực tiếp, không có dấu hiệu cháy nổ hoặc biến dạng bên ngoài khác nên không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của Hợp đồng số 088 (vì tổn thất không gây ra bởi rủi ro được bảo hiểm trong quy tắc bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm) và nguyên nhân gây ra tổn thất thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm được quy định tại điểm c Mục 1 Phần III của Quyết định số 2271.
Nay Tổng Công ty Bảo hiểm không đồng ý bồi thường thiệt hại theo yêu cầu khởi kiện của Công ty S.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2022/KDTM-ST ngày 09/12/2022 của Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang quyết định:
Chấp nhận yêu cầu của Công ty S; buộc Tổng Công ty Bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại (thanh toán bảo hiểm) cho Công ty S số tiền 170.810.500đ.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án, án phí, quyền kháng cáo.
Ngày 22/12/2022, bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm nộp đơn kháng cáo, không đồng ý bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Ông Huỳnh Văn B là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Công ty S giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; đồng ý về mức thiệt hại thực tế có trừ 20.000.000đ theo quy định tại điểm 3.2.3 của Điều 3 của Hợp đồng số 088 và không yêu cầu thuế giá trị gia tăng.
- Bà Nguyễn Thị Minh T và ông Nguyễn Công Th là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Tổng Công ty Bảo hiểm giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không đồng ý bồi thường thiệt hại cho Công ty S, vì Máy biến áp của Công ty S thuộc trường hợp loại trừ được bảo hiểm theo quy định tại Quyết định số 2271.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phát biểu ý kiến:
Về tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về giải quyết vụ án: Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố Tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử: Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm; sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2022/KDTM-ST ngày 09/12/2022 của Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang về số tiền bồi thường bảo hiểm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Hình thức đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm nộp trong thời hạn pháp luật quy định và có nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Do đó, Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 293 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung:
[2.1] Về thiệt hại tài sản:
Theo các Biên bản giám định hiện trường, Biên bản kiểm tra Máy biến áp bị sự cố lập ngày 20/8/2021 và ngày 22/10/2021, giữa các bên: Công ty S, Công ty Bảo hiểm, Công ty H (đơn vị sửa chữa máy), ghi nhận: “Máy biến áp do ảnh hưởng của cơn mưa giông (kèm theo sấm sét), sét đánh vào 01 điểm trên lưới điện hoặc 01 điểm bất kỳ trên dây liên quan đến trạm biến áp của người được bảo hiểm. Dòng điện với trị số điện áp cao đột ngột đã làm cho Máy biến áp bị xung điện dẫn đến bị sự cố. Kết luận: Máy biến áp bị sét đánh lan truyền gây ra phóng điện chạm vòng 2 pha phía cao áp trụ bìa và giữa”.
Theo Bảng dự toán sửa chữa do Công ty H lập ngày 28/10/2021 về dự toán thiệt hại của Máy biến áp là 181.804.428đ, thuế giá trị gia tăng là 18.180.443đ, tổng cộng chi phí sửa chữa và thuế là 199.984.870đ, trừ phần phế liệu dây đồng của Máy biến áp là 29.174.500đ, còn lại 170.810.500đ.
Tại phiên hòa giải ngày 03/3/2022, Công ty S và Tổng Công ty Bảo hiểm thống nhất các Biên bản giám định hiện trường lập ngày 20/8/2021 và ngày 22/10/2021, thống nhất Bảng dự toán sửa chữa do Công ty H lập ngày 28/10/2021.
Như vậy, Công ty S và Công ty Bảo hiểm thống nhất nguyên nhân gây thiệt hại và mức độ thiệt hại đối với Máy biến áp của Công ty S.
Tuy nhiên, Tổng Công ty Bảo hiểm không đồng ý yêu cầu khởi kiện của Công ty S với lý do nguyên nhân gây thiệt hại đối với Máy biến áp của Công ty S thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Hợp đồng 088 và Quyết định số 2271 (Tổng Công ty Bảo hiểm gọi là Quy tắc bảo hiểm).
[2.2] Xét kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm:
Tại điểm 3.2.1 Điều 3 của Hợp đồng số 088 quy định về phạm vi bảo hiểm: “Bên B (là Tổng Công ty Bảo hiểm) sẽ bồi thường cho những thiệt hại vật chất bất ngờ, ngẫu nhiên, không lường trước được đối với tài sản được bảo hiểm của Bên A (là Công ty S) gây ra bởi các rủi ro được bảo hiểm và/hoặc nguyên nhân không bị loại trừ theo Hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt – phần thiệt hại vật chất ban hành kèm theo Quyết định số 2271 (gọi tắt là Quy tắc bảo hiểm), Hợp đồng bảo hiểm và những điều khoản bổ sung kèm theo Hợp đồng bảo hiểm này”.
Tại điểm 3.2.2 Điều 3 của Hợp đồng số 088 quy định về điều kiện bảo hiểm: “Bảo hiểm cho các rủi ro: A. Hỏa hoạn, sét đánh, nổ” nhưng tại Quyết định số 2271 quy định: “Chỉ bồi thường thiệt hại đối với tài sản được bảo hiểm gây ra bởi sét đánh trực tiếp”.
Tại khoản 2 Điều 16 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”.
Tuy nhiên, khi ký hợp đồng bảo hiểm, Tổng Công ty Bảo hiểm không gửi Quyết định số 2271 cho Công ty S; Tổng Công ty Bảo hiểm không cung cấp tài liệu, chứng cứ về việc đã giao và đã gửi Quyết định số 2271 cho Công ty S vào thời điểm giao kết hợp đồng; không cung cấp tài liệu, chứng cứ về việc đã giải thích đầy đủ cho Công ty S biết và hiểu các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (quy định tại Quyết định số 2271) khi giao kết hợp đồng; Tổng Công ty Bảo hiểm là bên soạn thảo hợp đồng nhưng không quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm các điều khoản cụ thể, ngôn từ cụ thể về các điều kiện bảo hiểm rủi ro, về trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Như vậy, Tổng Công ty Bảo hiểm không thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Chính vì vậy, Công ty S tin tưởng và ký kết hợp đồng với điều kiện bảo hiểm được ghi nhận tại điểm 3.2.2 Điều 3 của Hợp đồng số 088: “Bảo hiểm cho các rủi ro: A. ...,sét đánh,...” và Công ty S không biết trường hợp loại trừ bảo hiểm quy định tại Quyết định số 2271 là có cơ sở.
Hơn nữa, Công ty S ký hợp đồng mua bảo hiểm là để giảm phần thiệt hại về tài sản do những rủi ro ngoài ý muốn, những sự cố bất ngờ, bất khả kháng, điều này đã được thể hiện tại điểm 3.2.1 Điều 3 của Hợp đồng số 088, đây cũng là mục đích và tính chất của việc ký kết bảo hiểm mà Công ty S mong muốn khi xác lập Hợp đồng số 088.
Tại khoản 2 và khoản 6 Điều 404 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng. Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”. Tại khoản 2 Điều 405 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”. Tại Điều 21 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm”.
Do đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận lời khai phản đối của Tổng Công ty Bảo hiểm, chấp nhận lời khai của Công ty S là đúng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 91; Điều 93 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 46 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Tổng Công ty Bảo hiểm không cung cấp, tài liệu chứng cứ mới để chứng minh yêu cầu kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp. Do đó, cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang.
[2.3] Tuy nhiên, cấp sơ thẩm buộc Tổng Công ty Bảo hiểm bồi thường thiệt hại về tài sản cho Công ty S theo mức thiệt hại thực tế và thuế giá trị gia tăng là không đúng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật về căn cứ bồi thường bảo hiểm; đồng thời, cấp sơ thẩm không áp dụng thỏa thuận tại điểm 3.2.3 của Điều 3 của Hợp đồng số 088 để khấu trừ vào mức thiệt hại thực tế là chưa chính xác.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của Công ty S đồng ý về mức thiệt hại thực tế có trừ 20.000.000đ theo quy định tại điểm 3.2.3 của Điều 3 của Hợp đồng số 088 và không yêu cầu thuế giá trị gia tăng.
Vậy, cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về số tiền bồi thường thiệt hại, cụ thể: Chi phí sửa chữa thực tế là 181.804.428đ (theo Bảng dự toán lập ngày 22/10/2021) - 20.000.000đ (theo thỏa thuận tại điểm 3.2.3 của Điều 3 của Hợp đồng số 088) = 161.804.428đ – 29.174.500đ (phần phế liệu của Máy biến áp bị hư hỏng) = 132.629.928đ (làm tròn số là 132.630.000đ). Do đó, buộc Tổng Công ty Bảo hiểm có trách nhiệm trả cho Công ty S số tiền 132.630.000đ; Tổng Công ty Bảo hiểm phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 6.631.500đ.
[3] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 29 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án, Tổng Công ty Bảo hiểm không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
- Khoản 2 Điều 148, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Khoản 2 Điều 29 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N.
2. Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2022/KDTM-ST ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn S.
- Buộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N có trách nhiệm trả cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn S số tiền 132.630.000đ (một trăm ba mươi hai triệu sáu trăm ba mươi nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian và khoản tiền chưa thi hành án.
- Về án phí sơ thẩm:
+ Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 6.631.500đ (sáu triệu sáu trăm ba mươi mốt nghìn năm trăm đồng).
+ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn S được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp là 4.270.000đ (bốn triệu hai trăm bảy mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu số 0008125 ngày 07/02/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
3. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N không phải chịu án phí kinh doanh phúc thẩm. Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000đ (hai triệu đồng) theo Biên lai thu số 0009831 ngày 03/01/2023 và Biên lai thu số 0009905 ngày 22/02/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản số 06/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 06/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân An Giang |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 06/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về