TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 744/2017/KDTM-PT NGÀY 16/08/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong các ngày 01 tháng 8 và ngày 16 tháng 8 năm 2017, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố H mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 44/TLPT-KDTM ngày 09 tháng 5 năm 2017, về việc: “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 543/2017/KDTM-ST ngày 03/4/2017 của Toà án nhân dân quận B, Thành phố H bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 390/2017/QĐXX-PT ngày 01 tháng 6 năm 2017 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty TNHH A Địa chỉ: Đường A, phường B, quận C, TPHCM.
Đại diện theo pháp luật: Ông B – Chức vụ Giám đốc Công ty.
Đại diện theo ủy quyền: Ông C (theo Giấy ủy quyền số 01/UQKK ngày 17/6/2016) (có mặt).
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông D, là luật sư của Công ty Luật TNHH E thuộc Đoàn luật sư TPHCM.
Địa chỉ: đường D, phường E, quận F, TPHCM.
Bị đơn: Công ty Cổ phần bảo hiểm E Địa chỉ: Đường G, quận H, Hà Nội.
Đại diện theo pháp luật: Ông F – Chức vụ Tổng Giám đốc Đại diện theo ủy quyền: Bà G – Chức vụ Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm E chi nhánh H (theo Giấy ủy quyền số 194/GUQ-TGĐ ngày 19/8/2016) (Có mặt tại phiên tòa ngày 01/8/2017, vắng mặt tại phiên tòa ngày 16/8/2017).
Địa chỉ: đường I, phường J, quận K, TPHCM.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà I, bà J là luật sư của công ty luật TNHH K thuộc Đoàn luật sư Thành phố H.
Người có quyền, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng L Địa chỉ: đường L, phường M, quận N, TPHCM.
Đại diện theo pháp luật: Ông M – Chức vụ Tổng giám đốc.
Đại diện theo ủy quyền: Ông N (theo Giấy ủy quyền số 86/2017/EIB/UQ-TGĐ ngày 20/6/2017) (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm nội dung vụ án như sau :
Theo đơn khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn A và tại bản tự khai ngày 21/7/2016, biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ các ngày 15/9/2016, 18/10/2016 và ngày 01/12/2016; biên bản hòa giải các ngày 05/10/2016, 18/10/2016, 01/12/2016 và tại phiên tòa hôm nay; Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ông C trình bày:
Công ty trách nhiệm hữu hạn A (gọi tắt là công ty A) có tham gia hợp đồng bảo hiểm ba bên gồm Công ty A (là người được bảo hiểm), Công ty cổ phần bảo hiểm E (thông qua chi nhánh H) là người bảo hiểm và Ngân hàng L chi nhánh S (là người thụ hưởng bảo hiểm); theo hợp đồng số P-15/GDI/P25/5100/0077 ngày 26/3/2015, có hiệu lực ngày 26/3/2015 đến ngày 26/3/2016.
Nội dung hợp đồng bảo hiểm:
- Đối tượng bảo hiểm: Xe đầu kéo hiệu DEAWOO, sản xuất năm 2015, số khung KL4V3TEF1FK000988, số máy: DE12TIS539817CA, biển kiểm soát 51C- xxxxx.
- Phí bảo hiểm: 29.750.000 đồng.
- Giá trị tham gia bảo hiểm: 1.750.000.000 đồng.
- Điều khoản trả bồi thường: Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và không kéo dài quá 30 ngày nếu phải xác minh.
Thực hiện hợp đồng trên, Công ty TNHH A đã chuyển nộp phí bảo hiểm cho Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H theo chứng từ ủy nhiệm chi số 220415.5P66.0063 ngày 22/4/2015 và được Công ty cổ phần bảo hiểm E cấp Chứng nhận bảo hiểm ô tô tự nguyện số 50011611 ngày 26/3/2015.
Vào khoảng 01 giờ 00, ngày 13/8/2015 đã xảy ra tai nạn giao thông tại đường Cao tốc thành phố H – Long Thành – Giầu Dây làm cho tài xế xe của nguyên đơn là ông Q chết, xe mang biển số 51C-xxxxx bị hư hỏng nặng đến 80% không còn giá trị sử dụng được.
Sau khi tai nạn xảy ra, nguyên đơn đã báo cho bị đơn trong thời gian hợp lệ và nộp tất cả các thủ tục theo yêu cầu của Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H để được bồi thường.
Tuy nhiên, nguyên đơn đã nhận được Công văn số 01/2016/E-GDI-XCG-TB ngày 13/4/2016 của Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H từ chối bồi thường vì lý do tài xế sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ.
Ngày 05/6/2016, nguyên đơn đã có văn bản số 01/2016/BH-AT gửi trả lời Công văn từ chối bồi thường của Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H và chứng minh hồ sơ giấy phép lái xe của Q là hợp lệ, được cấp bởi Sở Giao thông vận tải Nghệ An nhưng Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H vẫn không chịu giải quyết.
Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H Căn cứ vào Giấy phép lái xe mang tên Q do Sở giao thông vận tải thành phố H cấp và Công văn trả lời đối với Giấp phép lái xe số 40009800xxxxx Sở giao thông vận tải thành phố H không quản lý để từ chối giám định là không đúng, vì Giấy phép lái xe này do Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cấp và có số Giấy phép lái xe trên trang thông tin giấy phép lái xe của Bộ Giao thông vận tải.
Nguyên đơn cũng đã thu thập toàn bộ chứng cứ chứng minh về quá trình ông Q học, sát hạch lái xe; đổi, cấp lại giấy phép lái xe tại Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An. Việc Giấy phép lái xe của ông Q cấp sau ngày tai nạn là do Giấy phép trước đó đã mất nên đang trong thời gian xin cấp lại giấy phép mới. Điều này chứng minh ông Q có Giấy phép lái xe hợp lệ tại thời điểm tai nạn giao thông xảy ra.
Nay nguyên đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận B, thành phố H tuyên buộc bị đơn là Công ty cổ phần bảo hiểm E phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền bồi thường bảo hiểm là 1.750.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh từ ngày xảy ra tai nạn đến nay là 18 tháng với mức lãi suất 1%/tháng là 315.000.000 đồng. Tổng cộng buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền bồi thường là : 2.065.000.000 đồng.
Bị đơn, Công ty cổ phần bảo hiểm E, người đại diện theo ủy quyền – bà G tại bản tự khai ngày 18/10/2016 và biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ các ngày 15/9/2016, 18/10/2016 và ngày 01/12/2016; biên bản hòa giải các ngày 05/10/2016, 18/10/2016, 01/12/2016 và tại phiên tòa trình bày: Vụ tai nạn xe ô tô mang biển số 51C-xxxxx xảy ra ngày 13/8/2015 tại đường Cao tốc Thành phố H – Long Thành – Giầu Dây, quận 9, thành phố H do người điểu khiển xe ô tô là ông Q không có giấy phép lái xe hợp lệ vì khi xảy ra tai nạn, Công an Quận 9 đã thu giữ giấy phép lái xe mang tên Q do Sở giao thông vận tải thành phố H cấp; Tuy nhiên, ngày 14/3/2016 Sở giao thông vận tải thành phố H có Công văn số 174/XM-SGTVT trả lời cho Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H là “Giấy phép lái xe số 40009800xxxxx Sở Giao thông vận tải Thành phố H không quản lý”. Đối với việc nguyên đơn cung cấp Giấy phép lái xe của ông Q số 40009800xxxxx do Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cấp ngày 14/9/2015 là cấp sau ngày xảy ra tai nạn. Do đó tại thời điểm ông Q gây tai nạn thì ông Q không có Giấy phép lái xe này mà sử dụng Giấy phép lái xe do Sở giao thông vận tải thành phố H cấp, và được Công an Quận 9 thu thập trong khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông. Điều đó khẳng định ông Q không có Giấy phép lái xe hợp lệ khi tai nạn xảy ra.
Tại hợp đồng bảo hiểm kết hợp xe ô tô, bị đơn chấp nhận bảo hiểm cho các xe ô tô thuộc bên A quản lý trong các Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe ô tô ban hành theo Quyết định số 304/2009/QĐ-PJCO-XCG ngày 05/5/2009. Theo Quyết định này thì bị đơn không phải bồi thường trong trường hợp lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ. Như vậy, khi ông Q gây tai nạn do không có giấy phép lái xe hợp lệ nên chúng tôi không đồng ý bồi thường như yêu cầu trong đơn khởi kiện của Công ty TNHH A. Bị đơn giữ nguyên quan điểm từ chối bồi thường như Công văn từ chối số 01/2016/E- GDI-XCG-TB, ngày 13/4/2016 của Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H từ chối bồi thường vì lý do tài xế sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ đã gửi cho Công ty TNHH A.
Người có quyền, nghĩa vụ liên quan, đại diện theo ủy quyền – bà Y tại bản tự khai ngày 15/9/2016 và biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ các ngày 15/9/2016, 18/10/2016 và ngày 01/12/2016; biên bản hòa giải các ngày 05/10/2016, 18/10/2016, 01/12/2016 và tại phiên tòa trình bày: Căn cứ Hợp đồng bảo hiểm số P-15/GDI/P25/5100/0077 ngày 26/3/2015 có hiệu lực ngày 26/3/2015 đến ngày 26/3/2016. Ngày 13/8/2015 xe ô tô biển số 51C-xxxxx xảy ra tai nạn, đến thời điểm này Công ty cồ phần bảo hiểm E chi nhánh H không thực hiện theo nghĩa vụ thỏa thuận theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết về việc trả tiền bồi thường. Yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm E thực hiện nghĩa vụ trả tiền bồi thường theo hợp đồng nêu trên.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, luật sư D trình bày: Ngày 26/3/2015, nguyên đơn là Công ty TNHH A tham gia bảo hiểm tự nguyện với Công ty cổ phần bảo hiểm E thông qua chi nhánh H theo hợp đồng số P- 15/GDI/P25/5100/0077 với nội dung: đối tượng bảo hiểm là xe đầu kéo hiệu DEAWOO, biển kiểm soát 51C-xxxxx; phí bảo hiểm là 29.750.000 đồng; trị giá tham gia bảo hiểm 1.750.000.000 đồng; điều khoản trả bồi thường: Công ty cổ phần bảo hiểm E chi nhánh H thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và không kéo dài quá 30 ngày nếu phải chứng minh. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng từ ngày 26/3/2015 đến ngày 26/3/2016.
Sau khi ký hợp đồng, nguyên đơn đã đóng đủ tiền phí bảo hiểm theo chứng từ ủy nhiệm chi số 220415.5P66.0063 ngày 22/4/2015 và được Công ty cổ phần bảo hiểm E cấp Chứng nhận bảo hiểm ô tô tự nguyện số 50011611 ngày 26/3/2015. Như vậy, nguyên đơn đã thực hiện xong trách nhiệm đóng phí bảo hiểm và hợp đồng đã có hiệu lực.
Việc ông Q lái xe gây tai nạn và đã chết, xe bị thiệt hại 75% và không còn giá trị sử dụng. Sau tai nạn, nguyên đơn đã làm thủ tục khai báo đầy đủ và yêu cầu bị đơn bồi thường. Tuy nhiên, ngày 13/4/2016 phía bị đơn ban hành Công văn số 01/2016 từ chối trách nhiệm bồi thường với lý do tài xế Q không có giấy phép lái xe hợp lệ. Căn cứ để từ chối là Qui tắc bảo hiểm của E và Công văn số 174/XM-SGTVT ngày 14/3/2016 của Sở giao thông thành phố H trả lời về việc không quản lý giấy phép lái xe số 40009800xxxxx.
Giấy phép lái xe của ông Q là do Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cấp và Công văn số 2387/XM.SGTVT.QLPTNL ngày 09/8/2016 của Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An gửi công ty A về việc xác minh giấy phép lái xe, có căn cứ xác định tài xế Q có giấy phép lái xe hợp lệ. Việc Giấy phép lái xe đề ngày cấp sau ngày xảy ra tai nạn là do đang trong thời gian ông Q xin cấp lại, ông Q đã làm thủ tục cấp lại ở Nghệ An. Nguyên đơn cũng đã cung cấp toàn bộ chứng cứ chứng minh việc ông Q theo học lái xe, cấp, đổi giấy phép lái xe tại Nghệ An; do đó đủ căn cứ chứng minh tại thời điểm xảy ra tai nạn, ông Q có giấy phép lái xe hợp lệ và không vi phạm khoản 3 Điều 10 Qui tắc bảo hiểm xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định 304/2009 ngày 05/5/2009 của Tổng giám đốc E. Việc Công ty cổ phần E chi nhánh H làm văn bản xác minh giấy phép lái xe của ông Q tại Sở giao thông vận tải thành phố H làm căn cứ từ chối bồi thường là không đúng, vì Giấy phép lái xe do Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cấp.
Về mức bồi thường, căn cứ vào hợp đồng đã ký thì bị đơn phải bồi thường toàn bộ nếu thiệt hại trên 75% giá trị thực tế. Căn cứ kết quả giám định của công ty giám định X thiệt hại trên 75%. Như vậy người tham gia bảo hiểm được bồi thường toàn bộ tổn thất ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Về thời điểm bồi thường, lẽ ra khi có tai nạn xảy ra và có yêu cầu bồi thường thì bị đơn phải bồi thường ngay trong vòng 15 ngày và không quá 30 ngày nếu cần phải xác minh như hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, bị đơn đã không thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết, do đó buộc bị đơn phải chịu lãi suất theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền bảo hiểm là 1.750.000.000 đồng, tiền lãi từ ngày xảy ra tai nạn đến nay là 18 tháng với mức lãi suất là 01%/tháng là 315.000.000 đồng; tổng cộng buộc bị đơn phải bồi thường số tiền là 2.065.000.000 đồng.
Tại Bản án sơ thẩm số 543/2017/KDTM–ST ngày 03/4/2017 của Toà án nhân dân quận B, Thành phố H đã tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn – Công ty TNHH A. Buộc Công ty cổ phần bảo hiểm E trả cho Công ty TNHH A số tiền: 1.750.000.000 (một tỷ bảy trăm năm mươi triệu) đồng và tiền lãi là: 315.000.000 (ba trăm mười lăm triệu) đồng; tổng cộng là 2.065.000.000 đồng (hai tỷ không trăm sáu mươi lăm triệu) đồng. Trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Các bên thi hành án tại Chi cục thi hành án dân sự quận B, TPHCM.
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án mà Bị đơn chưa trả hết các khoản tiền trên, thì Bị đơn còn phải trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 11/4/2017, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận B.
Ngày 17/4/2017, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận B.
Tại phiên toà Phúc thẩm:
- Đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Tại thời điểm xảy ra tai nạn ông Q không có giấy phép lái xe hợp lệ, điều này thể hiện tại các biên bản hiện trường lập ngày 13/8/2015, hai biên bản khám nghiệm hiện trường lập lúc 9 giờ, 10 giờ ngày 25/8/2015 và biên bản trả lại tài sản ngày 01/9/2015. Tại giấy chứng nhận tai nạn giao thông số 856 ngày 07/10/2015 có ghi rất rõ rằng tại thời điểm xảy ra tai nạn ngày 13/8/2015 ông Q có giấy phép lái xe số hiệu 40009800xxxxx do Sở giao thông vận tải H cấp ngày 30/6/2014 có hiệu lực đến ngày 30/6/2020. Sau đó các hồ sơ liên quan đến việc bồi thường bảo hiểm do công ty A nộp để yêu cầu công ty E bồi thường có xuất hiện giấy phép lái xe do Sở giao thông vận tải Thành phố H cấp và đã được photo sao lưu trong báo cáo giám định, đồng thời trong giấy giới thiệu nhân viên đến nhận lại của công ty A có giấy phép lái xe do Sở giao thông vận tải Thành phố H cấp này. Còn giấy phép lái xe do Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An chỉ sau khi bên E không chấp nhận yêu cầu bảo hiểm thì phía công ty A mới cung cấp tài liệu xin cấp lại giấy phép lái xe, và tới tháng 9/2015 thì giấy phép mới được cấp lại. Bên bị đơn có gửi công văn tới Sở giao thông vận tải Thành phố H được trả lời là Sở không cấp và không quản lý giấy phép này, điều này là bất hợp lý và vi phạm quy định pháp luật. Theo khoản 2 Điều 51 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT việc quản lý giấy phép lái xe là quản lý thống nhất trên toàn quốc và mỗi người từ 01/01/2013 chỉ được cấp duy nhất một giấy phép lái xe, và phải có cùng số hiệu cùng cơ quan cấp. Trong hồ sơ có hai giấy phép lái xe cùng số hiệu nhưng do hai Cơ quan khác nhau cấp là không hợp lý.
Giấy phép lái xe do Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cấp không còn ý nghĩa vì tại thời điểm 13/8/2015 ông Q điều khiển xe thì lại không có giấy phép lái xe này, và giấy phép lái xe do Sở giao thông vận tải Thành phố H thì không hợp lệ. Xuyên suốt quá trình làm hồ sơ bồi thường không tồn tại một giấy phép lái xe có giá trị pháp lý. Vì vậy giấy phép lái xe do Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cấp có giá trị pháp lý nhưng không có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm của công ty E trong vụ án này.
Ngày 13/8/2015 khi điều khiển xe ô tô đầu kéo số hiệu 51C- xxxxx gây tai nạn giao thông ông Q đã có hai hành vi vi phạm quy tắc bảo hiểm: thứ nhất, ông Q không có giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, thứ hai là sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ. Do vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 10 Quy tắc bảo hiểm công ty E được miễn trừ trách nhiệm bảo hiểm. Công ty E đề nghị HĐXX xem xét bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận đơn kháng cáo của công ty E.
Ngoài ra, một số lập luận của bản án sơ thẩm không có căn cứ và trái với quy định của pháp luật. Thứ nhất, tại bản án sơ thẩm khẳng định rằng khi điều khiển xe thì không nhất thiết phải mang theo giấy phép lái xe khi sự việc xảy ra đương sự chỉ cần xuất trình chứng cứ sau đó là hợp lệ. Đây là lập luận trái pháp luật cụ thể trái với khoản 6 Điều 3 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT, trong đó quy định giấy phép lái xe chỉ cấp cho người lái xe cơ giới và để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ và Điều 49 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT có quy định giấy phép lái xe phải được mang theo khi lái xe và đây là điểu kiện bắt buộc mà lái xe phải tuân theo, tại khoản 9 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ cũng có quy định là cấm điều khiển xe cơ giới mà không có giấy phép lái xe. Hành vi không mang theo giấy phép lái xe là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt với mức phạt từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Do vậy, việc bản án nhận định không nhất thiết phải mang giấy phép lái xe khi điều khiển xe là không đúng quy định pháp luật. Thứ hai, bản án sơ thẩm đã thiếu khách quan và không làm rõ chứng cứ quan trọng trong vụ án. Trong phần hỏi thì giấy phép lái xe hoàn toàn không hợp lệ nhưng bản án sơ thẩm chỉ cho rằng đây là mối quan hệ giữa ông Q với cơ quan có thẩm quyền nên không làm rõ chứng cứ này, đây là sự thiếu khách quan và sơ sài không làm rõ chứng cứ quan trọng trong vụ án, từ đó nhận định liên quan trong bản án sơ thẩm là không có căn cứ pháp lý. Bên cạnh đó, bản án sơ thẩm không xem xét yếu tố lỗi của công ty A trong việc giao xe cho người không đủ điều kiện điểu khiển phương tiện giao thông. Công ty A đã vi phạm pháp luật cụ thể là khoản 4 Điều 4 Thông tư 63/2014/TT- BGTVT, doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải kiểm tra giấy phép lái xe và cập nhật đầy đủ các thông tin về quá trình làm việc của lái xe, điều này cũng quy định tại Phụ lục b của Thông tư này.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm, Điều 1 Hợp đồng bảo hiểm, khoản 3 Điều 10 Quy tắc bảo hiểm, Điều 8, Điều 48 Luật giao thông vận tải, Điều 51 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT, đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu kháng cáo của công ty E và bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Đại diện ủy quyền của nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn bổ sung chứng cứ là bộ hồ sơ để yêu cầu bảo hiểm do công ty E đã thu thập từ công ty A.
Đối với yêu cầu kháng cáo của ngân hàng L: Căn cứ vào hợp đồng tín dụng đã được các bên ký kết và quá trình thanh toán nợ của công ty A thì hiện nay công ty A còn nợ ngân hàng L số tiền là 941.800.000 đồng. Trên cơ sở tự nguyện công ty A đồng ý sửa bản án sơ thẩm, chuyển 941.800.000 đồng từ số tiền công ty E bồi thường bảo hiểm để thanh toán nợ cho ngân hàng L, số tiền còn lại yêu cầu công ty E chuyển trả cho công ty A.
Đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn: Bị đơn cho rằng tại thời điểm xảy ra tai nạn tài xế không có giấy phép lái xe và việc có hai giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật, trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm định, nguyên đơn cũng đã cung cấp bản chính giấy phép lái xe của tài xế Q. Việc tài xế mất bằng lái xe không đồng nghĩa với việc tài xế không có bằng lái xe có giá trị. Phía bị đơn đã hiểu sai khi cho rằng bằng lái vào tháng 9/2015 mới được cấp nên không giá trị là không chính xác. Tài xế Q đã thi bằng lái vào năm 2009 và đã được cấp lại vào ngày 14/9/2015. Trong quá trình xin cấp lại tài xế vẫn tham gia giao thông là có vi phạm tuy nhiên đây là vi phạm về hành chính. Trong quan hệ hợp đồng giữa hai bên thì bên tham gia hợp đồng chỉ cần xác định tài xế có giấy phép lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp hợp lệ, khi sự việc bảo hiểm xảy ra điều kiện tham gia bảo hiểm đã thỏa mãn thì đương nhiên bên bảo hiểm phải thực hiện trách nhiệm của mình, do đó tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho công ty A là có căn cứ. Phía bị đơn cho rằng người của nguyên đơn đã qua nhận lại giấy tờ từ bị đơn nhưng tại phiên tòa HĐXX cũng đã hỏi có căn cứ gì không thì công ty E chỉ xuất trình được giấy giới thiệu, giấy giới thiệu này không thể hiện rõ bên nguyên đơn đã nhận lại hay không và đã nhận những gì. Tại phiên tòa phúc thẩm công ty A đã cung cấp biên nhận có chữ ký của nhân viên công ty E qua nhận hồ sơ. Trong hồ sơ đã chứng minh nguyên đơn đã cung cấp bằng lái xe do Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cấp cho bị đơn và yêu cầu bồi thường bảo hiểm là có căn cứ, vì thế nguyên đơn không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bị đơn.
- Đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: Ông Q là người có giấy phép lái xe hợp lệ tại thời điểm xảy ra tai nạn cụ thể là giấy phép lái xe số 40009800xxxxx do Sở GTVT tỉnh Nghệ An cấp, việc Công ty bảo hiểm E cho rằng ông Q sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ là không có cơ sở. Căn cứ Hợp đồng bảo hiểm kết hợp xe ô tô số P-15/GĐI/P25/5100/0077 ngày 26/3/2015 và các quy định pháp luật liên quan thì Công ty Cổ phần bảo hiểm E có trách nhiệm bồi thường số tiền theo đúng yêu cầu khởi kiện của Công ty A. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo của Công ty Bảo hiểm E.
Đối với yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng L: Tính đến ngày 26/7/2017, công ty A còn nợ Ngân hàng L. Tài sản thế chấp là Xe đầu kéo biển kiểm soát 51C-563.03 đứng tên công ty A đã bị hư hỏng toàn bộ, do đó ngân hàng L không thể yêu cầu phát mãi tài sản đảm bảo trên để thu hồi nợ.
Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận B không ghi nhận và không xem xét giải quyết yêu cầu của ngân hàng L về việc “Công ty Cổ phần bảo hiểm E chuyển trả trực tiếp cho ngân hàng L toàn bộ số tiền đền bù theo hợp đồng bảo hiểm” là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ngân hàng L. Căn cứ Điều 4 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 6 Hợp đồng bảo hiểm kết hợp xe ô tô số P-15/GĐI/P25/5100/0077 ngày 26/3/2015, ngân hàng L đề nghị Tòa phúc thẩm giải quyết, chấp thuận yêu cầu kháng cáo của ngân hàng L, sửa một phần nội dung bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận B theo hướng: Buộc Công ty E phải trả cho Công ty A số tiền 2.065.000.000 đồng, trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Công ty E chi trả trực tiếp số tiền trên cho người thụ hưởng là ngân hàng L theo đúng thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm kết hợp xe ô tô số P-15/GĐI/P25/5100/0077 ngày 26/3/2015.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TPHCM phát biểu ý kiến tại phiên tòa phúc thẩm: Đơn kháng cáo của các đương sự còn trong thời hạn luật định. Tòa án nhân dân Thành phố H thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền. Từ khi thụ lý đến khi xét xử tại phiên tòa những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Về nội dung: Đề nghị HĐXX sửa một phần bản sơ thẩm, ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn đồng ý chuyển 941.800.000 đồng từ số tiền công ty E bồi thường bảo hiểm để thanh toán nợ cho ngân hàng L, số tiền còn lại yêu cầu công ty E chuyển trả cho công ty A. Đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, sau khi thẩm vấn công khai tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà và phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên.
Đơn kháng cáo của các đương sự còn trong thời hạn luật định, nên chấp nhận.
Tại phiên tòa hôm nay, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nên Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Xét kháng cáo của bị đơn Công ty cổ phần bảo hiểm E cho rằng tại thời điểm xảy ra tai nạn ngày 13/8/2015 ông Q sử dụng giấy phép lái xe số hiệu 40009800xxxxx do Sở giao thông vận tải H cấp ngày 30/6/2014 là giấy phép lái xe không hợp lệ nên đây là trường hợp loại trừ và không thuộc phạm vi bảo hiểm. Hội đồng xét xử nhận thấy: Tại Khoản 3 Điều 10 Quy tắc bảo hiểm của công ty E có quy định điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như sau: “Lái xe không có Giấy phép lái xe, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng khi điều khiển phương tiện (đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng) hoặc có nhưng không hợp lệ; hoặc đã bị cơ quan chức năng tước ». Trong vụ án này, tại cấp sơ thẩm nguyên đơn đã cung cấp cho Tòa án các loại giấy tờ sau đây: Bản chính về việc học, sát hạch lái xe FC, bản chính giấy phép lái xe hạng FC có giá trị từ ngày 24/12/2009 đến hết ngày 14/9/2020, công văn số 2387/XM.SGTVT- QLPTNL ngày 09/8/2016 xác định rằng giấy phép lái xe số 40009800xxxxx mang tên Q được trúng tuyển kỳ sát hạch hạng FC ngày 14/9/2009 và được cấp lại vào ngày 14/9/2015. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ trên nhận thấy tài xế Q đã có 01 bằng lái xe hợp lệ.
Bị đơn căn cứ vào kết luận tai nạn giao thông của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 9, Thành phố H, theo đó tại thời điểm xảy ra tai nạn ngày 13/8/2015 ở hiện trường thu được một giấy phép lái xe số hiệu 40009800xxxxx do Sở giao thông vận tải H cấp ngày 30/6/2014 để từ chối trách nhiệm bảo hiểm là không có căn cứ bởi lẽ: Giấy phép lái xe số hiệu 40009800xxxxx do Sở giao thông vận tải H cấp ngày 30/6/2014 là do cơ quan chức năng thu nhặt được tại hiện trường chứ không phải do tài xế Q xuất trình với cơ quan chức năng hay do công ty A cung cấp cho bị đơn để làm hồ sơ yêu cầu bồi thường. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn đã cung cấp bộ hồ sơ có chữ ký xác nhận của nhân viên công ty E thu thập từ công ty A, theo đó, công ty A đã cung cấp các tài liệu để chứng minh hồ sơ giấy phép lái xe của Q là hợp lệ, được cấp bởi Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An.
Quy tắc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của công ty E quy định trong trường hợp “Lái xe không có giấy phép lái xe, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng khi điều khiển phương tiện” tuy nhiên không quy định rõ đối với từng trường hợp: lái xe không có giấy phép lái xe và lái xe mất giấy phép lái xe, đang chờ được cấp lại. Tại Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 có quy định về giải thích hợp đồng bảo hiểm như sau: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”. Do đó, việc tài xế Q đã có giấy phép lái xe hợp lệ có hiệu lực từ 24/12/2009 đến hết ngày 14/9/2020 do Sở GTVT tỉnh Nghệ An cấp, tuy nhiên đã bị mất và được cấp lại vào ngày 14/9/2015 không thuộc trường hợp lái xe không có giấy phép lái xe để loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của E.
Từ những phân tích trên, căn cứ các điều khoản của Hợp đồng bảo hiểm kết hợp xe ô tô số P-15/GĐI/P25/5100/0077 ngày 26/3/2015 và các quy định pháp luật thì kháng cáo của bị đơn về việc từ chối bồi thường bảo hiểm cho nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Bản án sơ thẩm buộc bị đơn có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho nguyên đơn số tiền 1.750.000.000 đồng là đúng quy định pháp luật.
Đối với kháng cáo của của bị đơn về quyết định của án sơ thẩm buộc bị đơn chịu lãi suất kể từ ngày xảy ra tai nạn đến ngày xét xử sơ thẩm là 18 tháng với mức lãi suất là 01%/tháng là 315.000.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy: Tại khoản 2 Điều 7 của hợp đồng bảo hiểm quy định: “Công ty E có trách nhiệm trả tiền bồi thường bảo hiểm trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường đầy đủ và hợp lệ”. Vào ngày 17/8/2015, nguyên đơn vẫn chưa nộp đầy đủ bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 và Điều 8.3 của Quy tắc bảo hiểm. Sau khi bổ sung Chứng thư giám định, hồ sơ được hoàn tất vào ngày 11/3/2016, do đó tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm nguyên đơn đã chậm thanh toán 11 tháng so với thỏa thuận giữa các bên tại hợp đồng bảo hiểm. Tại bản án sơ thẩm tính thời gian bị đơn chậm thanh toán 18 tháng là chưa chính xác, kháng cáo của bị đơn về nội dung này là có căn cứ để chấp nhận. Số tiền lãi chậm trả bị đơn phải có trách nhiệm trả cho nguyên đơn là 192.500.000 đồng. Tổng cộng số tiền buộc bị đơn có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho nguyên đơn: 1.750.000.000 + 192.500.000 = 1.942.500.000 đồng.
Xét kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ngân hàng L yêu cầu về việc “Công ty Cổ phần Bảo hiểm E chuyển trả trực tiếp cho ngân hàng L toàn bộ số tiền đền bù theo hợp đồng bảo hiểm”, hội đồng xét xử xét thấy: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không đóng tiền tạm ứng án phí cho yêu cầu độc lập của mình nên Tòa án không có căn cứ để xem xét yêu cầu này. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn tự nguyện để Công ty cổ phần bảo hiểm E chi trả trực tiếp số tiền 941.800.000 đồng cho người thụ hưởng là Ngân hàng L – Chi nhánh S. Số tiền còn lại là 1.000.700.000 đồng yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm E chi trả cho nguyên đơn. Xét thấy sự tự nguyện của nguyên đơn không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên HĐXX phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm ghi nhận sự tự nguyện này của nguyên đơn.
Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do một phần yêu cầu của Công ty TNHH A được chấp nhận, nên bị đơn là Công ty cổ phần bảo hiểm E phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm trên số tiền 1.942.500.000 đồng phải thanh toán cho Công ty TNHH A theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn phải chịu án phí trên số tiền yêu cầu bồi thường không được chấp nhận là: 2.065.000.000 – 1.942.500.000 = 122.500.000 đồng.
Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo Công ty cổ phần bảo hiểm E và Ngân hàng L không phải chịu án phí phúc thẩm.
Áp dụng Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
QUYẾT ĐỊNH
- Áp dụng Điều 5, khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 266; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Áp dụng 567, 568, 576, 579 Bộ luật dân sự năm 2005;
- Áp dụng Điều 306 Luật thương mại 2005;
- Áp dụng Điều 21, 46, 47 Luật Kinh doanh bảo hiểm;
- Áp dụng Điều 2, 6, 7, 9, 30, 31 và 32 Luật thi hành án Dân sự có hiệu lực ngày 01/7/2009;
- Áp dụng Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 21/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử: Sửa bản án sơ thẩm:
1/ Chấp nhận một phần yêu cầu của Nguyên đơn – Công ty TNHH A. Buộc Công ty cổ phần bảo hiểm E trả cho Công ty TNHH A số tiền: 1.750.000.000 (một tỷ bảy trăm năm mươi triệu) đồng và tiền lãi là: 192.500.000 (một trăm chín mươi hai triệu năm trăm nghìn) đồng; tổng cộng là 1.942.500.000 đồng (một tỉ chín trăm bốn mươi hai triệu năm trăm nghìn) đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn Công ty TNHH A để Công ty cổ phần bảo hiểm E chi trả trực tiếp số tiền 941.800.000 đồng cho người thụ hưởng là Ngân hàng L – Chi nhánh S, còn lại 1.000.700.000 đồng chi trả trực tiếp cho Công ty TNHH A.
Trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Các bên thi hành án tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án mà Bị đơn chưa trả hết các khoản tiền trên, thì Bị đơn còn phải trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả.
2/ Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty cổ phần bảo hiểm E phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là: 70.275.000 đồng.
Công ty TNHH A phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 6.125.000 đồng sau khi cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm 34.875.000 đồng theo biên lai thu số 0008187, ngày 05/7/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự quận B, Thành phố H. Công ty TNHH A được nhận lại 28.750.000 đồng.
3/ Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:
Công ty cổ phần bảo hiểm E không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng theo biên lai thu số AA/2016/0034774 ngày 20/4/2017 của Chi cục thi hành án dân sự quận B, Thành phố H.
Ngân hàng L không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng theo biên lai thu số AA/2016/0034773 ngày 20/4/2017 của Chi cục thi hành án dân sự quận B, Thành phố H.
Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 744/2017/KDTM-PT
Số hiệu: | 744/2017/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 16/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về