TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
BẢN ÁN 68/2023/DS-PT NGÀY 23/06/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong các ngày 22 và 23 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 61/2023/TLPT-DS ngày 17 tháng 4 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 99/2022/DS-ST ngày 19/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố thành phố N, tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 72/2023/QĐXX-PT ngày 25 tháng 5 năm 2023, Thông báo dời ngày xét xử số giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Nguyễn T Địa chỉ: 06 LT, TB, phường TV, thành phố N.
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn:
1. Ông Nguyễn H, sinh năm 1977 Địa chỉ: Tổ 1, TB, phường TV, thành phố N. Có mặt.
2. Ông Phạm Văn U, sinh năm 1994 HKTT: Xã KT, huyện BP, tỉnh Thái Nguyên.
Địa chỉ liên hệ: Phòng P.5A tầng 5, tòa nhà TLT, 33 TTM, HY, GC, Hà Nội. Có mặt.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
1. Ông Nguyễn Quang V - Luật sư thuộc VPLS Phan Bạch M, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.
Địa chỉ: 22 KN, phường HP, thành phố N.
2. Ông Phan Kế I - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH TB, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội;
Địa chỉ liên hệ: Phòng P.5A tầng 5, tòa nhà TLT, 33 TTM, HY, GC, Hà Nội.
Luật sư Phan Kế I vắng mặt và có gửi bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn đồng thời đề nghị xét xử vắng mặt.
3. Ông Nguyễn Khả A và bà Trần Thị H - Luật sư thuộc VPLS Nguyễn Khả A, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.
Địa chỉ: 10 BCP, thành phố HT, tỉnh Phú Yên. Ông A có mặt; bà H có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt.
4. Luật sư Đặng Văn C - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH TB, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội;
Địa chỉ liên hệ: Phòng P.5A tầng 5, tòa nhà TLT, 33 TTM, HY, GC, Hà Nội; Luật sư Chiêu có mặt.
Bị đơn: Tổng công ty Bảo Hiểm VB Địa chỉ: 104 đường ĐTH, phường NC, Quận KH, Hà Nội.
Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân E - Tổng giám đốc Đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
1. Ông Nguyễn Xuân K - Phó phòng GĐBT - Công ty VB Khánh Hòa. Có mặt.
2. Ông Phan D - Chuyên viên Ban pháp chế và Kiểm tra nội bộ. Có mặt.
3. Ông Nguyễn Quang Y - Chuyên viên Ban giám định bồi thường Hàng Hải. Có mặt
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ngân hàng A Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Quang B Địa chỉ: 91-95 đường TTN, phường Phước Long, thành phố N; Ông Bùi Quang B có mặt.
2. Công ty cổ phần V Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hữu M - Giám đốc Địa chỉ: 159/21 đường 11, phường TT, thành phố ĐT; Vắng mặt và đề nghị xét xử vắng mặt.
3. Bà Võ Thị Mỹ L Địa chỉ: 06 LT, TB, phường TV, thành phố N. Vắng mặt và đề nghị xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Phạm Văn U và ông Nguyễn H đều trình bày: Ngày 20/8/2019, tàu cá của gia đình nguyên đơn mang biển số KH- 95678 - TS đang hành trình theo hướng đảo Trường Sa để khai thác thủy sản. Trong lúc đang hành trình đến tọa độ 9°10’N và 109°56′E thì tàu bị phá nước do ảnh hưởng thời tiết xấu, sóng to gió lớn khiến tàu bị chìm không trục vớt được, vị trí tàu bị nạn thuộc phạm vi vùng biển tỉnh Bình Thuận.
Khi xảy ra sự cố, nguyên đơn có liên lạc nhờ tàu cá KH - 98888 - TS đi cùng kịp thời chạy đến cứu vớt tính mạng anh em trên tàu, thông báo nhờ sự giúp đỡ từ đất liền, thông báo đài thông tin Duyên Hải cả nước, nhờ liên lạc bộ phận cứu hộ, cứu nạn, đồng thời gia đình nguyên đơn cũng thông báo cho Ngân hàng A thành phố N và công ty Bảo hiểm VB Khánh Hòa để tìm hướng giải quyết. Tàu cá KH-95678 - TS tham gia bảo hiểm VB từ ngày 08/6/2016 - 07/6/2020. Khi bị nạn chìm hết tài sản, được tàu KH - 98888 - TS cứu mạng anh em đưa về cảng cá RH, ĐP, thành phố N thì trạm Biên phòng RH, Công ty giám định được bảo hiểm cử đến để lấy thông tin. Đến ngày 15/7/2020 công ty Bảo hiểm VB gửi thông báo về vụ tàu cá KH-95678 - TS không được đền bù bảo hiểm với lý do cách đảo Phú Quý 98 hải lý về hướng Đông Nam do đăng kiểm tàu cá hạn chế II không được cách bờ, đảo quá 70 hải lý, khi đánh bắt chung tổ đội, tàu KH- 95678 - TS được cấp phép đánh bắt vùng khơi, được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ về đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Khi nhận được công văn trả lời của Tổng cục thủy sản Khánh Hòa, nguyên đơn trực tiếp đi đến Đồn Biên Phòng đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận để xin xác minh Hòn Hải, Bình Thuận là nơi tránh trú kịp thời khi có sóng to gió lớn. Qua xác nhận Đồn Biên phòng đảo Phú Quý, 03 nghiệp đoàn nghề cá Khánh Hòa cùng bà con ngư dân, theo đó đảo Hòn Hải cách vị trí tàu cá KH - 95678 - TS bị chìm là 68 hải lý, không vi phạm vùng hạn chế II, đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm. Trong hợp đồng bảo hiểm không có mục hạn chế, chỉ bán bảo hiểm trong vùng biển Việt Nam.
Tàu cá KH - 95678 - TS có vốn vay của Ngân hàng A thành phố N. Sau khi bị nạn, gia đình nguyên đơn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, khoản tiền đang nợ ngân hàng A thành phố N đều dựa vào con tàu này, từ thời điểm bị nạn, nợ nần ngày càng chồng chất, tinh thần hoang mang suy sụp. Nay nguyên đơn yêu cầu cầu bị đơn phải bồi thường số tiền bảo hiểm 5.800.000.000đ và khoản tiền lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ bồi thường tính từ thời điểm 17/6/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm là số tiền 1.446.160.000 đồng, tổng cộng là 7.246.160.000 đồng.
Tại bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Nguyễn Xuân K, Phạm Duy và Nguyễn Quang Y đều trình bày: Ông Nguyễn T là chủ sở hữu tàu cá KH-95678-TS tham gia bảo hiểm theo Hợp đồng Bảo hiểm tàu cá số KHHD06.TC.16.HD10A ngày 08/6/2016, Giấy chứng nhận bảo hiểm số 1942819 ngày 10/6/2019, Sửa đổi bổ sung lần 1: Thời hạn bảo hiểm lần cuối từ ngày 08/06/2019 đến ngày 07/06/2020 - Số tiền bảo hiểm 5.800.000.000 đồng. Khoảng 16 giờ 00 phút, ngày 20/08/2019, khi tàu KH-95678-TS đang hoạt động tại vùng biển có tọa độ 09°10'N và 108°56′E thuộc khu vực vùng biển cách đảo Phú Quý khoảng 98 hải lý đã gặp sự cố dẫn đến chìm tàu và gây tổn thất toàn bộ tàu. Sau khi nhận được thông báo về sự cố, ngày 21/08/2019, Bảo Hiểm VB (BHVB) đã mời Công ty Cổ phần Giám Định Kỹ Thuật Việt Nam (Công ty V) là đơn vị giám định độc lập đánh giá nguyên nhân mức độ tổn thất. Ngày 26/03/2020, ông Nguyễn T có giấy yêu cầu bồi thường gửi BHVB để yêu cầu bồi thường số tiền 5.800.000.000 đ cho tổn thất chìm đắm tàu KH-95678-TS.
Trên cơ sở hồ sơ vụ việc, Bảo hiểm VB xác định tại thời điểm xảy ra sự cố chìm đắm tàu KH95678-TS ngày 20/8/2019, tàu đang hoạt động ngoài tầm hoạt động tối đa, vi phạm điều khoản loại trừ bảo hiểm và đã ra văn bản từ chối bồi thường. Nay ông Nguyễn T khởi kiện yêu cầu Bảo hiểm VB bồi thường số tiền 5.800.000.000 đồng cho thiệt hại của tàu cá KH 95678-TS và số tiền lãi chậm bồi thường là 1.446.160.000 đồng, phía Bảo hiểm VB không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn T.
Đối chiếu với Hợp đồng Bảo hiểm tàu cá KHHD06 TC 16HD10A ngày 8/6/2016, Giấy chứng nhận bảo hiểm số 1928 19 ngày 10/6 2019 Sửa đổi bổ sung lần 1 và Qui tắc bảo hiểm - vụ tổn thất chìm tàu KH-95678 ngày 20/8/2019 thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm qui định tại Khoản 1, điều 8, chương III quy tắc bảo hiểm thân tàu cá QTTC BV-2016 (Ban hành theo Quyết định số: 5373 QĐ-BHVB ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm VB). Do đó BHVB không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với tổn thất chìm tàu cá KH-95678 ngày 20/08/2019. Tuy nhiên BHVB có ý kiến về cơ sở xác định số tiền thiệt hại của tàu KH-95678-TS như sau:
Điều 1 Hợp đồng Bảo hiểm tàu cá số KHH.D06.TC.16.HD10A qui định: Giá trị tàu được xác định lại tại thời điểm xảy ra tổn thất, việc bồi thường tổn thất toàn bộ theo giá trị thực tế của tàu tại thời điểm xảy ra tổn thất” Theo đánh giá của Công ty giám định Công ty V, tại thời điểm bị tổn thất, giá trị tàu KH-95678-TS tương đương cùng thông số kĩ thuật là 3.577.467.800đ. Như vậy trong mọi trường hợp trách nhiệm của BHVB cũng không vượt quá số tiền 3.577.467.800 đồng theo qui định của Hợp đồng bảo hiểm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan công ty cổ phần V tại bản tự khai ngày 05/6/2022 trình bày: Theo yêu cầu giám định của Tổng công ty bảo hiểm VB, Công ty cổ phần V được chỉ định là đơn vị giám định tình trạng và mức độ tổn thất của tàu cá KH-95678-TS bị sự cố chìm đắm trên biển. Sau khi thu thập đầy đủ hồ sơ, chúng tôi đã cấp báo cáo giám định số 190172/VTC ngày 02/06/2020 gửi tới Tổng công ty bảo hiểm VB.
I. Vùng hoạt động của tàu:
1. Tàu hoạt động ngoài vùng phạm vi đăng kiểm Tàu cá KH-95678.TS có vùng hoạt động hạn chế II, cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 hải lý, trong trường hợp hoạt động tổ đội thì không quá 70 hải lý. Trong chuyến biển xảy ra sự cố, tàu hoạt động tổ đội với tàu bạn, như vậy vùng hoạt động cho phép của tàu là cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 70 hải lý. Theo quy định, nơi trú ẩn “là vùng nước tự nhiên hoặc nhân tạo được bảo vệ mà ở đó tàu có thể trú ẩn trong trường hợp sự an toàn của tàu bị đe dọa”. Căn cứ vào hồ sơ của cơ quan Biên Phòng, tìm kiếm cứu nạn, vị trí tàu bị sự cố cách nơi trú ẩn gần nhất là đảo Phú Quý với khoảng cách là 98 hải lý. Như vậy, tàu hoạt động ngoài phạm vi đăng kiểm tàu cá cho phép.
2. Đảo Hòn Hải: Đảo Hòn Hải thuộc tỉnh Bình Thuận, giám định viên phân tích đảo Hòn Hải không thể là nơi trú ẩn như sau:
Căn cứ vào công văn số 1188/TCTBĐATHHMN-ATHH ngày 07/06/2021. Căn cứ vào hải đồ biển ký hiệu số IA-800-07, Hải đồ Biển Đông từ mũi Lagan đến cửa Soi Rạp của cục bản đồ bộ tổng tham mưu Hải Quân Nhân Dân Việt Nam. Điều kiện tự nhiên: Đảo là một khối đá vuông cạnh mọc thẳng đứng, cao hơn 100m so với mực nước biển, đảo có điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt và bất thường (thường có gió to và sóng lớn) nên ít có tàu thuyền có thể ra vào đảo. Xung quanh đảo có độ sâu khoảng 29m. Như vậy với thời tiết xấu và độ sâu lớn, tàu không thể thả neo/ hoặc trú ẩn. Điều kiện nhân tạo: Trên đảo có hải đăng cấp I, giúp tàu thuyền ngoài khơi tỉnh Bình Thuận và gần đó định hướng, xác định vị trí của mình, trên đảo chỉ có lực lượng bảo đảm hàng hải quản lý trạm hải đăng. Không có cây cối và cư dân sinh sống, trên đảo không có hạ tầng, hoặc trang bị cơ sở vật chất làm nơi trú ẩn cho tàu. Như vậy, điều kiện tự nhiên và nhân tạo trên đảo không được coi là nơi trú ẩn cho tàu, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.
II. Giá trị tàu tại thời điểm tổn thất:
Tàu bị sự cố chìm đắm và không trục vớt được xác tàu, do vậy việc xác định giá trị tàu theo hồ sơ do chủ tàu cung cấp, khảo giá thị trường. Đồng thời, tàu được tính khấu hao theo quy định của Bộ tài chính. Căn cứ theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính về khung thời gian trích khấu hao các loại tài sản cố định, trong đó các loại phương tiện vận tải có thời gian khấu hao như sau: Giá trị năm 2019 của tàu cá KH-95678.TS có chất lượng sử dụng còn lại ước tính là 80%. Giá trị Vỏ tàu + Máy tàu tương đương với tàu cá KH-95678.TS trước khi bị chìm đắm năm 2019 là: 3.577.467.800 VND. Kết quả tính toán do tàu chìm và không vớt được xác tàu, việc tính toán mang tính ước lượng, giám định viên lựa chọn kết quả tính toán giá trị tàu là 3.577.467.800 VND. Kết quả tính toán chỉ có giá trị tham khảo đối với Tổng công ty Bảo Hiểm VB.
Ngân hàng A, người đại diện theo ủy quyền ông Bùi Quang B trình bày: Ông Nguyễn T có vay ngân hàng và hiện nay mất khả năng thanh toán, nhưng phía ngân hàng không yêu cầu gì trong vụ án này.
Tại bản tự khai ngày 22/6/2022 bà Võ Thị Mỹ L trình bày: Tàu cá KH 95678 TS là đối tượng bảo hiểm theo hợp đồng số KHH.D06.TC.161.HD10A ký giữa ông Nguyễn T với công ty VB Khánh Hòa, thời gian bảo hiểm là 10 năm (từ 08.6.2016 đến ngày 08.6.2026). Ngày 20/8/2019, khi đang hoạt động tại vùng biển Bình Thuận cách đảo Hòn Hải 68 hải lý, tàu cá của ông T bị phá nước chìm đắm, không trục vớt được. Sau khi sự việc xảy ra, ông T đã thông báo tai nạn cho công ty VB Khánh Hòa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị tổng công ty Bảo Hiểm VB bồi thường. Tôi thống nhất như lời trình bày của ông Nguyễn T.
Tại hồ sơ vụ án còn có xác nhận của các ngư dân đi biển là ông Nguyễn S, ông Bùi Thanh N, ông Huỳnh Văn Ơ, ông Nguyễn Văn F, ông Nguyễn Văn G, ông Huỳnh Văn O, ông Bạch Văn P, ông Nguyễn Văn Q, ông Nguyễn Văn L, ông Nguyễn Văn Ư, ông Trương Duy W những người trực tiếp hoạt động đánh bắt cá quanh khu vực đảo Hòn Hải xác nhận: “…Tại đảo Hòn Hải luôn có người sinh sống và làm việc; Đảo Hòn Hải là vùng nước tự nhiên và là nơi để tàu của chúng tôi cũng như các ngư dân khác trú ẩn khi sự an toàn của tàu bị đe dọa như gặp sóng to, gió lớn…nếu đang hoạt động hoặc đang hành trình gần khu vực này”.
Bản án dân sự sơ thẩm số 99/2022/DS-ST ngày 19/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố thành phố N đã quyết định:
Căn cứ các Điều 26, Điều 35, Điều 40, Điều 147, Điều 288 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 357, điều 468 Bộ luật dân sự ; Điều 17, Điều 29, Điều 46 Luật kinh doanh Bảo Hiểm; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu nộp án phí và lệ phí tòa án;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn T đối với bị đơn Tổng Công ty bảo hiểm VB về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
2. Buộc Tổng Công ty bảo hiểm VB phải trả cho ông Nguyễn T số tiền bảo hiểm đối với tàu cá KH - 95678 TS là 5.800.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả là 1.446.160.000 đồng. Tổng cộng là 7.246.160.000 đ (Bảy tỷ hai trăm bốn sáu triệu một trăm sáu mươi ngàn đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 21/12/2022 bị đơn Tổng Công ty bảo hiểm VB có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty bảo hiểm VB, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của Tổng Công ty bảo hiểm VB đúng hạn luật định nên hợp lệ, cần được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần V và bà Võ Thị Mỹ L có yêu cầu xét xử vắng mặt, nên Tòa án tiến hành xét xử theo thủ tục chung.
hiểm:
[2] Về nội dung:
[2.1] Xét kháng cáo của Tổng Công ty bảo hiểm VB về trách nhiệm bảo [2.1.1] Ngày 08/6/2016, ông Nguyễn T- Chủ tàu cá KH-95678.TS và Công ty bảo hiểm VB (BHVB) Khánh Hòa ký kết hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D06.TC.16.HD10A có những nội dung cụ thể như sau:
- Bảo hiểm theo điều kiện A- Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 3583/BV/TT2000 ngày 22/11/2000 của Tổng giám đốc BHVB; Bảo hiểm điều kiện mở rộng thân tàu: Bảo hiểm tàu chìm đắm do phá nước hoặc do tàu khác không xác định được tung tích đâm va và những tổn thất không xác định chính xác nguyên nhân. Qui tắc bảo hiểm tàu cá và phụ lục tàu cá đính kèm là bộ phận không tách rời của hợp đồng này.
- Phí bảo hiểm thân tàu là 417.600.000 đồng, thời hạn bảo hiểm 10 năm từ 10 giờ ngày 08/6/2016 đến 10 giờ ngày 08/6/2026, phí bảo hiểm thanh toán theo từng năm với số tiền cụ thể là 41.760.000đ/năm.
- Trong mọi trường hợp mặc dù BHVB đã chấp nhận bảo hiểm và đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc giấy sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho ông T, hiệu lực bảo hiểm của tàu sẽ tự động chấm dứt ngay sau khi phát sinh một trong các trường hợp sau: Ông T không nộp phí đầy đủ và đúng hạn theo qui định tại Điều 4 Hợp đồng này (trừ khi có thỏa thuận khác bằng văn bản); Thay đổi cơ quan đăng kiểm của tàu mà không thông báo cho BHVB; Tàu được chuyển chủ; Tàu bị đình chỉ hoạt động hoặc đăng kiểm của tàu bị mất hiệu lực hay hết thời hạn.
- Trường hợp người được bảo hiểm không thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm theo thời hạn qui định, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự động chấm dứt hiệu lực ngay sau khi hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm của kỳ phí đến hạn thanh toán. Trường hợp sau đó người được bảo hiểm lại thanh toán đầy đủ khoản phí chưa trả nói trên thì bảo hiểm của tàu sẽ tự động được khôi phục hiệu lực ngay sau khi khoản phí đang nợ được thanh toán.
[2.1.2] Các đương sự đều thừa nhận tàu cá KH - 95678 TS do ông Nguyễn T làm chủ được bảo hiểm theo Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 1942819 do Công ty VB Khánh Hòa (Công ty thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty bảo hiểm VB) cấp ngày 10/06/2019. Đến khi xảy ra sự cố vào ngày 20/08/2019 thì tàu cá KH - 95678 TS vẫn còn trong thời hạn được bảo hiểm.
[2.1.3] Ông Nguyễn T là chủ tàu cá KH-95678.TS được Chi cục thủy sản Khánh Hòa cấp giấy phép khai thác thủy sản số 178/2019/KH-GPKDTTS ngày 17/5/2019 được phép đánh bắt nguồn lợi thủy sản (mành chụp và câu đèn) tại vùng khơi biển Việt Nam và được Chi cục thủy sản cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá ngày 21/5/2019.
[2.1.4] Tại giấy chứng nhận bảo hiểm số 1942819 ngày 10/6/2019 của Công ty VB Khánh Hòa (BL 57), nội dung thể hiện: Ông T là người được bảo hiểm đối với tàu khai thác thủy sản có số đăng ký KH-95678-TS, công suất 755cv, phạm vi hoạt động: Vùng biển Việt Nam theo qui định đăng kiểm, giá trị tàu là 6.500.000.000 đồng; phạm vi bảo hiểm (số tiền bảo hiểm/giới hạn trách nhiệm) gồm: Bảo hiểm thân tàu: 5.800.000.000 đồng (trong đó: Bảo hiểm vỏ tàu: 3.480.000.000 đồng, máy móc: 2.320.000.000 đồng); mức khấu trừ bảo hiểm thân tàu là 2% số tiền bồi thường, tối thiểu 1.000.000 đồng/vụ và giải quyết bồi thường tại Công ty VB Khánh Hòa. Giấy chứng nhận bảo hiểm này và các sửa đổi, bổ sung liên quan chỉ có hiệu lực khi phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn như được qui định trên giấy chứng nhận này và thông báo thu phí kèm theo trừ khi có thỏa thuận khác bằng văn bản giữa BHVB và người được bảo hiểm. Điều kiện bảo hiểm thân tàu: Điều kiện A-Phần 1 Quy tắc bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ đối với tàu cá hoạt động trong vùng biển Việt Nam thuộc Quy tắc bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, điều khoản rủi ro chiến tranh, qui tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tàu cá hoạt động trong vùng biển Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định 5373/QĐ-BHVB ngày 16/11/2016 của Tổng giám đốc BHVB). Điều kiện A- Quy tắc bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, điều khoản đối với tàu, thuyền cá hoạt động trong vùng nội thủy và vùng biển Việt Nam (QTTC/BV-2016). Thông tin chi tiết phí bảo hiểm: Phí bảo hiểm thân tàu là 41.760.000 đồng, thanh toán làm 02 kỳ (kỳ 1 thanh toán vào ngày 18/6/2019 với số tiền 20.880.000 đồng; kỳ 2 thanh toán vào ngày 07/12/6/2019 với số tiền 20.880.000 đồng). Thời hạn bảo hiểm từ 00 giờ ngày 08/6/2019 đến 23 giờ 59 phút ngày 07/6/2020;
Phụ lục giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số1942819 ngày 10/6/2019 của Công ty VB Khánh Hòa (BL 56), tại khoản 2 qui định về các trường hợp không bảo hiểm những tổn thất tàu cá, trong đó có qui định tại điểm d như sau: việc “Tàu bị đắm chìm do phá nước hoặc do tàu không xác định được tung tích đâm va và tổn thất không xác định được chính xác nguyên nhân. Trường hợp không áp dụng loại trừ rủi ro này thì phí bảo hiểm thu thêm 20%. ”.
[2.1.5] Ngày 20/8/2019, tàu cá KH-95678.TS của ông T đang trong hành trình theo hướng đảo Trường Sa để khai thác thủy sản; Khi đến tọa độ 9o 10’ N và 109o 56’E thì tàu bị phá nước, xác định được nguyên nhân là do ảnh hưởng thời tiết xấu, sóng to gió lớn khiến tàu bị chìm không trục vớt được, vị trí tàu bị nạn thuộc phạm vi vùng biển tỉnh Bình Thuận không thuộc các trường hợp loại trừ bảo hiểm những tổn thất thân tàu cá đã được liệt kê tại Phụ lục giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số1942819 ngày 10/6/2019 của Công ty VB Khánh Hòa và trong thời hạn bảo hiểm từ 00 giờ ngày 08/6/2019 đến 23 giờ 59 phút ngày 07/6/2020; ông T đã đóng phí đầy đủ và đúng hạn theo Phụ lục giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số1942819 ngày 10/6/2019 của Công ty VB Khánh Hòa. Do đó, có đủ cơ sở xác định ông T là chủ tàu cá KH-95678.TS phải được bảo hiểm bồi thường tổn thất đối với sự cố tàu cá KH-95678.TS bị chìm vào ngày 20/8/2019.
[2.1.6] Việc Tổng công ty bảo hiểm VB từ chối trách nhiệm bảo biểm với lý do tàu cá KH-95678 đã hoạt động ngoài phạm vi đăng kiểm tàu cá cho phép, vi phạm điều khoản loại trừ bảo hiểm để từ chối thanh toán số tiền bảo hiểm 5.800.000.000 đồng theo giấy yêu cầu của ông T vào ngày 26/3/2020 là không đúng, vì trong Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D06.TC.16.HD10A ngày 08/6/20, giấy chứng nhận bảo hiểm số 1942819 ngày 10/6/2019 và Phụ lục giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số1942819 ngày 10/6/2019 của Công ty VB Khánh Hòa không qui định tàu cá KH-95678 gặp sự cố ngoài phạm vi hoạt động 70 hải lý là trường hợp loại trừ bảo hiểm. (Theo qui định tại điểm đ khoản 1 Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 qui định về nội dung hợp đồng bảo hiểm phải ghi rõ điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm).
Mặt khác, Văn bản số 475/CCTS-ĐKTC ngày 02/6/2020 của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa xác nhận vị trí tàu cá KH-95678 gặp sự cố chìm tàu cách đảo Hòn Hải (nằm trên vùng biển tỉnh Bình Thuận) là 68 hải lý và đồn Biên phòng đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận xác nhận: “Theo thông lệ của ngư dân huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thì đảo Hòn Hải là nơi tranh trú tạm thời trong trường hợp tàu cá bị đe dọa về mặt an toàn khi có sóng to, gió lớn.”. Như vậy, tại thời điểm xảy ra sự cố bị chìm ngày 20/8/2019, vị trí tàu cá KH- 95678 đang hoạt động trong phạm vi cách nơi trú ẩn (Hòn Hải) không quá 70 hải lý, đảm bảo qui định tại mục 1.3.1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02- 21: 2015/BNNPTNN về trang bị an toàn tàu cá ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BNNPTNN ngày 01/6/2015.
[2.1.7] Như vậy kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm VB về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại của tàu cá KH-95678 là không có căn cứ để chấp nhận.
[2.2] Xét kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm VB đối với số tiền bảo hiểm phải thanh toán khi tàu cá KH-95678 gặp sự cố chìm ngày 20/8/2019:
[2.2.1] Điều 4 Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D06.TC.16.HD10A ngày 08/6/2016 thể hiện ông T phải đóng phí bảo hiểm thân tàu với tổng số tiền là 417.600.000 đồng, thời hạn bảo hiểm 10 năm (từ 10 giờ ngày 08/6/2016 đến 10 giờ ngày 08/6/2026), phí bảo hiểm thanh toán theo từng năm với số tiền cụ thể là 41.760.000đ/năm. Giá trị thực tế của con tàu là 6.500.000.000 đồng nhưng giá trị con tàu tham gia bảo hiểm hai bên thỏa thuận là 5.800.000.000 đồng nên mức phí đóng bảo hiểm tính trên giá trị con tàu tham gia bảo hiểm là 5.800.000.000 đồng.
[2.2.2] Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”. Điều 1 Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D06.TC.16.HD10A quy định: “Giá trị tàu được xác định lại tại thời điểm xảy ra tổn thất, việc bồi thường tổn thất toàn bộ theo giá trị thực tế của tàu tại thời điểm xảy ra tổn thất trong mọi trường hợp không vượt quá số tiền tham gia bảo hiểm”. Như vậy, giữa ông Nguyễn T với Tổng Công ty bảo hiểm VB đã có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm về số tiền mà Tổng Công ty bảo hiểm VB phải trả cho ông Nguyễn T. Do đó, số tiền bồi thường bảo hiểm sẽ được xác định dựa trên thỏa thuận của các bên. Tại Điều 1 Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D06.TC.16.HD10A ngày 08/6/2012, ông T và BHVB thống nhất giá trị tàu được xác định lại tại thời điểm xảy ra tổn thất, việc bồi thường tổn thất toàn bộ theo giá trị thực tế của tàu xảy ra tổn thất trong mọi trường hợp không vượt quá số tiền tham gia bảo hiểm.
Như vậy, ngày 20/8/2019, tàu cá KH-95678 gặp sự cố chìm, không trục vớt được nên thiệt hại thực tế là toàn bộ giá trị con tàu là 6.500.000.000 đồng ghi trong hợp đồng nhưng do giá trị con tàu tham gia bảo hiểm là số tiền 5.800.000.000 đồng nên ông T yêu cầu BHVB thanh toán số tiền bảo hiểm 5.800.000.000 đồng là có căn cứ. Vì vậy nội dung kháng cáo này của Tổng Công ty bảo hiểm VB cũng không có cơ sở để chấp nhận.
[2.2.3] Đối với Báo cáo giám định số 190172/VTC ngày 02/6/2016 của Công ty cổ phần V (Công ty V) thực hiện việc giám định theo yêu cầu giám định ngày 21/8/2019 của BHVB về tổn thất của tàu cá KH-95678.TS bị chìm, nhưng thực tế không trục vớt được tàu, cho thấy nội dung kết quả giám định này thể hiện căn cứ vào hồ sơ đăng kiểm và các tài liệu liên quan, giám định viên của Công ty V tính giá trị của con tàu dựa vào các thông tin về các bộ phận của con tàu từ đó tính ra giá trị tàu là 4.471.834.750 đồng vào thời điểm năm 2019 là không phù hợp với thực tế vì vào thời điểm năm 2016 khi con tàu được đóng mới đưa vào sử dụng (cách đây 03 năm về trước) đã có giá trị là 6.500.000.000 đồng. Hơn nữa, Báo cáo giám định này còn xác định tàu KH- 95678.TS đóng mới và đưa vào sử dụng từ năm 2016, đến thời điểm năm 2019 tàu bị chìm đắm. Như vậy, tại thời điểm năm 2019 tàu cá KH-95678.TS có chất lượng còn lại ước tính là 80% tương đương tính số tiền 3.577.467.800 đồng, trong khi thực tế tàu không trục vớt được nên việc đánh giá chất lượng tàu cá KH-95678.TS là không có căn cứ. Đồng thời, Báo cáo giám định số 190172/VTC ngày 02/6/2016 còn căn cứ vào chứng thư thẩm định giá tàu cá KH-95678.TS của Công ty cổ phần thẩm định giá EXIMA, số NTG2745/EXIMA ngày 07/6/2016 xác định giá trị tàu cá KH-95678.TS là 4.330.477.000 đồng để phục vụ Ngân hàng E xác định số tiền cho ông T vay và nhận thế chấp tàu cá này để đảm bảo số tiền vay, ngoài ra không phục vụ cho mục đích nào khác để từ đó xác định giá trị tàu cá KH-95678.TS tại thời điểm năm 2019 bị chìm là 3.577.467.800 đồng là không có căn cứ pháp luật.
[3] Đối với yêu cầu của ông T buộc BHVB phải thanh toán cho ông khoản tiền lãi chậm trả số tiền bảo hiểm 5.800.000.000 đồng, với mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 17/6/2020 cho đến ngày xét xử sơ thẩm 14/12/2020 (29 tháng 28 ngày) là 1.446.160.000 đồng:
Theo qui định tại điểm c khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm qui định: “Doanh nghiêp bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người hưởng thụ hoặc cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.”; Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm qui định: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.
Như phân tích trên, Tổng Công ty bảo hiểm VB phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo hiểm 5.800.000.000 đồng cho ông T theo Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D06.TC.16.HD10A ngày 08/6/2016, giấy chứng nhận bảo hiểm số 1942819 ngày 10/6/2019 và Phụ lục giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số1942819 ngày 10/6/2019 của Công ty VB Khánh Hòa nhưng BHVB nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị thanh toán bảo hiểm của ông T vào ngày 02/6/2020 nhưng BHVB từ chối thanh toán gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của ông. Vì vậy, căn cứ Điều 8 Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D06.TC.16.HD10A ngày 08/6/2016, BHVB có trách nhiệm giải quyết bồi thường theo đúng qui tắc bảo hiểm trong phạm vi 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ là đến hết ngày 16/6/2020 nên ông T yêu cầu Tòa án giải quyết buộc BHVB phải thanh toán cho ông khoản tiền lãi chậm trả số tiền bảo hiểm 5.800.000.000 đồng với mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 17/6/2020 cho đến ngày xét xử sơ thẩm 14/12/2020 (29 tháng 28 ngày) với số tiền 1.446.160.000 đồng là có căn cứ chấp nhận.
[4] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên Tổng Công ty bảo hiểm VB phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm dân sự nhưng được trừ số tiền 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai số AA/2021/0010944 ngày 12/01/2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; Tổng Công ty bảo hiểm VB đã nộp đủ án phí phúc thẩm dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty bảo hiểm VB; Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 99/2022/DS-ST ngày 19/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố thành phố N.
Căn cứ các Điều 26, Điều 36, Điều 40, Điều 147, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 357, điều 468 Bộ luật dân sự ; Điều 17, Điều 29, Điều 46 Luật kinh doanh Bảo Hiểm; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu nộp án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn T. Buộc Tổng Công ty bảo hiểm VB phải trả cho ông Nguyễn T số tiền bảo hiểm đối với tàu cá KH - 95678 TS là 5.800.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả là 1.446.160.000 đồng. Tổng cộng là 7.246.160.000 đ (Bảy tỷ hai trăm bốn sáu triệu một trăm sáu mươi ngàn đồng).
2. Về án phí: Tổng Công ty bảo hiểm VB phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 115.246.000 đồng. Hoàn trả lại cho ông Nguyễn T số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 80.852.750 đồng (theo Biên lai số AA/2017/0000091 ngày 11/12/2020 và Biên lai số AA/2021/0002286 ngày 01/08/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố thành phố N).
Tổng Công ty bảo hiểm VB phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm dân sự nhưng được trư số tiền 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai số AA/2021/0010944 ngày 12/01/2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; Tổng Công ty bảo hiểm VB đã nộp đủ án phí phúc thẩm dân sự.
Quy định: Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành khoản tiền phải thi hành án thì hàng tháng còn phải chịu thêm một khoản tiền lãi theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án tại thời điểm thanh toán.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 68/2023/DS-PT
Số hiệu: | 68/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Khánh Hoà |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 23/06/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về