Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 55/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 55/2022/DS-PT NGÀY 16/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong các ngày 15 và ngày 16 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 39/2022/TLPT-DS ngày 27 tháng 7 năm 2022 về việc“Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do Bản án sơ thẩm số 14/2022/DS-ST ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 45/2022/QĐ-PT ngày 03 thang 8 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 74/2022/QĐ-PT ngày 30 tháng 8 năm 2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần C Địa chỉ: xã L, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Tường L - Văn phòng Luật sư Nguyễn Tường L thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa; địa chỉ: phường H, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.

- Bị đơn: Tổng công ty cổ phần A Địa chỉ: phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Anh T - Tổng giám đốc Người đại diện theo ủy quyền:

1. Ông Nguyễn Đức H

2. Bà Nguyễn Thị Hoàng L

3. Ông Nguyễn Hoàng A Cùng địa chỉ: phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Ông Đào Duy H Địa chỉ: phường T, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Ông Đào Duy H có mặt; còn lại đều vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Võ Thị M; địa chỉ: xã L, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.

2. Tổng công ty bảo hiểm V; địa chỉ: phường G, quận Hoàn Kiếm, Thành phố HN.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân V – Tổng giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Minh H và ông Cao Ngọc H; cùng địa chỉ: phường T, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Ông Ngọc H có mặt, ông H vắng mặt.

5. Tổng công ty cổ phần bảo hiểm X; địa chỉ: quận Đống Đa, Thành phố HN.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Hải N - Tổng giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Ngọc T; địa chỉ: quận Đống Đa, Thành phố HN. Vắng mặt.

6. Tổng công ty bảo hiểm Z; địa chỉ: quận Cầu Giấy, Thành phố HN. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Anh Đ - Tổng giám đốc. Vắng mặt.

7. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa; địa chỉ:

phường J, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt.

8. Ông Trần H; địa chỉ: phường VH, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt.

9. Ông Đặng Ngọc T; địa chỉ: phường J, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa.

Vắng mặt.

10. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng N; địa chỉ: phường VN, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Trân C va bi đơn Tổng công ty cổ phần A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 30/6/2018 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Trần C trình bày:

Ông Trần C là chủ sở hữu 02 tàu cá số hiệu KH-95743-TS và KH-92486- TS. Tháng 9 năm 2015, ông C mua bảo hiểm cho cả 02 tàu cá trên của Tổng công ty cổ phần A (gọi tắt là Công ty A).

Ngày 07/9/2016, 02 tàu cá của ông Trần C xuất trình Trạm kiểm soát biên phòng H đi Cam Ranh nhưng không may gặp thời tiết xấu nên cả 02 tàu cá đều bị chìm. Ông đã làm các thủ tục để yêu cầu Công ty A bồi thường thiệt hại nhưng chỉ được bồi thường đối với tàu KH-92486-TS, còn tàu KH-95743-TS không được bồi thường. Ông đã nhiều lần khiếu nại và tại cuộc họp ngày 25/10/2017, các đơn vị bảo hiểm thống nhất xem xét hỗ trợ cho ông 50% trên số tiền bảo hiểm 700.000.000đ, theo đó, Công ty A hỗ trợ cho ông 180.000.000đ, Công ty V hỗ trợ 50.000.000đ, Công ty cổ phần bảo hiểm X và Công ty bảo hiểm Pjico không đồng ý hỗ trợ. Do việc hỗ trợ không được thực hiện đúng như thỏa thuận ban đầu nên ông khởi kiện yêu cầu Công ty A phải bồi thường cho ông toàn bộ tổn thất đối với tàu KH-95743-TS là 700.000.000đ theo Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số AD0069/15B3580NH ngày 29/9/2015 vì những lý do sau:

- Công ty A đã bán bảo hiểm cho ông không đúng theo quy định, cụ thể: Ông không được lựa chọn công ty bán bảo hiểm mà buộc phải mua bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ quy định về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) trong khi ông không đóng tàu theo quy định này và thiếu bằng máy trưởng; Công ty M không giải thích và không cung cấp cho ông C quy định về việc phải có bằng máy trưởng; Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số AD0069/15B3580NH ngày 29/9/2015 cấp cho ông không thể hiện điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa ép ông phải mua bảo hiểm của Công ty A, nếu không mua thì sẽ không gia hạn giấy phép khai thác hải sản cho ông; ông không ký tên vào Giấy yêu cầu bảo hiểm nên không biết trách nhiệm của mỗi bên.

Tuy nhiên, ông đồng ý với Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số AD0069/15B35580NH ngày 29/9/2015 do Công ty A Khánh Hòa cấp cho tàu cá KH-95743-TS.

Ông không đồng ý thanh toán lại 180.000.000đ theo yêu cầu phản tố của Công ty A vì đó là tiền hỗ trợ của Công ty A theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Bị đơn Tổng công ty cổ phần A trình bày:

Ngày 29/9/2015, Công ty A Khánh Hòa đã cấp Giấy chứng nhận chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số AD0069/15B3580NH cho chủ tàu là ông Trần C với một số nội dung chủ yếu sau:

- Thời hạn bảo hiểm: 29/9/2015 đến 28/9/2016;

- Đối tượng bảo hiểm: Tàu cá KH-95743-TS;

- Số tiền bảo hiểm: 700.000.000đ;

- Các doanh nghiệp đồng bảo hiểm với tỉ lệ đồng bảo hiểm tương ứng bao gồm: A Khánh Hòa 55%, V 15%, PJICO 15%, Z 15%.

Vào khoảng 20 giờ 00 phút, ngày 07/9/2016, tại vị trí cách đảo Hòn Nội 04 hải lý về phía đông Bắc và cách bờ khoảng 14 hải lý, tàu cá KH-95743-TS gặp sự cố và bị chìm. Công ty A Khánh Hòa đã từ chối toàn bộ yêu cầu bồi thường bảo hiểm của ông Trần C đối với tổn thất của tàu cá KH-95743-TS. Việc từ chối này là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật, bởi lẽ:

Trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm, ông Trần C đã cung cấp 02 Bản đăng ký danh sách thuyền viên đi biển cho cùng 01 chuyến xuất bến ngày 07/9/2016 nhưng có nội dung hoàn toàn khác nhau về đăng ký thuyền viên đảm nhiệm chức vụ máy trưởng. Bản đăng ký thứ nhất được bà Võ Thị H - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã L, thành phố N và Đại úy Ngô Ngọc S – Trạm kiểm soát biên phòng H xác nhận thể hiện: Tàu cá KH-95743-TS có đăng ký máy trưởng là ông Trần Văn T. Bản đăng ký thứ hai được Thượng úy Nguyễn Đình D – Trạm kiểm soát biên phòng H xác nhận thể hiện: Tàu cá KH-95743- TS có đăng ký máy trưởng là ông Trần T và không đăng ký bất kỳ thuyền viên nào có tên là Trần Văn T.

Lý giải cho sự tồn tại 02 Bản đăng ký danh sách thuyền viên đi biển cho cùng 01 chuyến xuất bến ngày 07/9/2016 có nội dung khác nhau nêu trên, tại Đơn xin xác nhận ngày 02/12/2016, ông Trần C trình bày: “Việc kê khai danh sách người đi trên tàu do vợ ông là bà Võ Thị M thực hiện đã có sự nhầm lẫn” và xin đính chính máy trưởng ban đầu là ông Trần Văn T nay thay là ông Trần T. Trong khi đó, sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, ông C đã xác nhận “Trên tàu tôi không có máy trưởng”.

Tại Công văn số 438/BCH-TM ngày 24/02/2017, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa xác nhận Bản đăng ký danh sách thuyền viên do Đại úy Ngô Ngọc S ký là đúng, danh sách thuyền viên trên tàu cá KH-95743-TS trong chuyến xuất bến ngày 07/9/2016 phải được xác định theo Bản đăng ký này.

Như vậy, tại thời điểm xảy ra tổn thất, trên tàu KH-95743-TS chỉ có 02 người là ông Trần C và ông Trần Văn T, ngoài ra không còn bất kỳ người nào khác và không có ai tên Trần T. Ông Trần C cung cấp tài liệu, chứng cứ không đúng sự thật, cung cấp thông tin và kê khai không trung thực các chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, vi phạm điểm b khoản 2 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo biểm năm 2010.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá số 578/2011 do Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 04/9/2011, tàu KH- 95743-TS là tàu cá có công suất máy 360 sức ngựa. Theo khoản 3 Điều 4 Qui chế bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30/6/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, đối với tàu cá có công suất máy 360 sức ngựa, điều kiện hợp pháp để đảm nhiệm chức danh máy trưởng là phải có chứng chỉ máy trưởng hạng năm.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, ông Trần C và ông Trần Văn T đều không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh hai người có chứng chỉ máy trưởng hạng năm; đây là sự vi phạm khoản 6 Điều 8 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 và thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm được qui định tại điểm e khoản 1 Điều 15 Qui tắc bảo hiểm ban hành kèm theo Công văn số 15731/BTC-QLBH ngày 29/10/2014 của Bộ Tài chính.

Sau khi từ chối bồi thường đối với tàu cá KH-95743-TS cho ông Trần C, trên tinh thần thiện chí giúp đỡ, Công ty A đã đồng ý hỗ trợ ông Trần C 180.000.000 đồng. Ông Trần C đã nhận số tiền hỗ trợ này và ký Giấy nhận tiền ngày 08/02/2018 với nội dung “Đã nhận đủ số tiền hỗ trợ từ A là 180.000.000 đồng và cam kết không khiếu nại, khiếu kiện vụ tàu cá KH-95743-TS bị chìm”. Việc ông Trần C nộp đơn khởi kiện đề ngày 30/6/2018 đối với Công ty A là vi phạm cam kết không khiếu nại, khiếu kiện Công ty A được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Do vậy, Công ty A có quyền từ chối toàn bộ yêu cầu bồi thường của chủ tàu ông Trần C đối với mọi tổn thất của tàu cá KH-95743-TS, đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời, yêu cầu Tòa án buộc ông Trần C phải hoàn trả cho Công ty A toàn bộ số tiền đã hỗ trợ là 180.000.000 đồng.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

- Tổng công ty bảo hiểm V trình bày: Đối với hợp đồng bảo hiểm theo Giấy chứng nhận chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số AD0069/15B3580NH đối với tàu cá KH-95743-TS của ông Trần C, Công ty V là một trong các doanh nghiệp bảo hiểm đồng bảo hiểm (15%). Trường hợp tai nạn của ông Trần C, Công ty A từ chối bảo hiểm là đúng vì khi xảy ra tai nạn, trên tàu KH-95743-TS không có ai có bằng máy trưởng. Công ty V đã hỗ trợ cho gia đình ông Trần C 50.000.000 đồng và vợ chồng ông cũng đã có văn bản cam kết không khiếu nại Công ty V.

Ông Trần C khởi kiện ra Tòa án là quyền của ông; Công ty V sẽ chấp hành phán quyết của Tòa án đối với yêu cầu khởi kiện của ông Trần C.

- Bà Võ Thị M trình bày: Bà nhất trí với toàn bộ trình bày và yêu cầu khởi kiện của chồng bà là ông Trần C.

- Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa trình bày:

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/201 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (viết tắt là Nghị định 67), Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa là thành viên tổ tư vấn ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 tới ngư dân, tất cả cán bộ Chi cục có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách tới từng người dân. Trạm Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Hòa (đơn vị thuộc Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa) có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 tới ngư dân.

Công ty A là đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên theo Nghị định 67. Khi ngư dân có nguyện vọng mua bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định 67, cán bộ Chi cục hướng dẫn ngư dân liên hệ với công ty bảo hiểm được chỉ định để được hỗ trợ mua bảo hiểm theo quy định.

Đới với trường hợp của ông Trần C, khi chủ tàu có nguyện vọng mua bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định 67, ông Trần H – Trưởng Trạm và ông Đặng Ngọc T là nhân viên trạm đã phổ biến chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 để chủ tàu được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu và công ty bảo hiểm, trong lúc làm công tác đăng kiểm, cán bộ Trạm đã nhận giúp Công ty A số tiền mua bảo hiểm của ông Trần C, sau đó, chuyển lại cho Công ty.

- Ông Trần H trình bày: Từ năm 2015 đến năm 2017, ông là trưởng trạm Trạm Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Hòa (nay là Trạm thủy sản Ninh Hòa), quản lý trên địa bàn xã L và thị xã Ninh Hòa. Trong thời gian làm trưởng trạm, ông có thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm tàu cá, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản, trong đó có tàu cá của ông Trần C.

Thực hiện Nghị định 67, Trạm Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Hòa đã tuyên truyền chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 và hỗ trợ ngư dân liên hệ Công ty bảo hiểm A hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bản thân ông H và nhân viên Trạm không phải là nhân viên bán bảo hiểm hay đại lý bảo hiểm của Công ty bảo hiểm A. Ông chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng kiểm và gia hạn giấy phép tàu cá. Nhân viên Trạm chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan.

Khi ngư dân có nguyện vọng mua bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ được qui định tại Nghị định 67, nhân viên Trạm hướng dẫn ngư dân liên hệ với công ty bảo hiểm và công ty bảo hiểm sẽ trực tiếp làm việc với chủ tàu có nhu cầu mua bảo hiểm tàu cá.

Với trường hợp của ông Trần C, để hỗ trợ chủ tàu, nhân viên Trạm là ông Đặng Ngọc T đã nhận giúp Công ty A phí bảo hiểm của ông Trần C, sau đó giao lại cho Công ty. Các thủ tục khác do nhân viên Công ty A làm việc với ông Trần C. Nhân viên Trạm hoàn toàn không biết chữ ký trong Giấy yêu cầu bảo hiểm khai thác hải sản ngày 25/9/2015 có phải là chữ ký của ông Trần C hay không.

- Ông Đặng Ngọc T trình bày: Từ năm 2013 đến năm 2016, ông là cán bộ Trạm Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Hòa (nay là Trạm thủy sản Ninh Hòa). Tại thời điểm tháng 9/2015, ông Trần C tới Trạm nộp hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật tàu cá và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản cho 02 tàu cá đăng ký số KH-92486-TS và KH-95743-TS. Khi ngư dân có nguyện vọng mua bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định 67, ông Trần H – Trưởng trạm và ông Tính đã phổ biến chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 để chủ tàu được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sau đó, ông C đã liên hệ với Công ty A để trao đổi về vấn đề bảo hiểm của 02 tàu cá trên. Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu và Công ty A, được sự phân công của ông Trần H, ông Tính đã nhận giúp Công ty số tiền mua bảo hiểm của ông Trần C, sau đó chuyển lại cho Công ty A. Ông Tính không phải là nhân viên hay đại lý bảo hiểm của Công ty A.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng N trình bày: Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng N đã có Văn bản số 438/BCH-TM ngày 24/02/2017 về việc kiểm tra xác minh phương tiện KH-95743-TS bị chìm ở khu vực Hòn Nội và đã nêu rõ lý do có 02 bản đăng ký danh sách thuyền viên phương tiện KH-95743-TS. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng N không có ý kiến gì về đến yêu cầu khởi kiện của ông Trần C đối với Tổng công ty cổ phần A.

Bản án sơ thẩm số 14/2022/DS-ST ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Khánh Hòa đa căn cứ các Điều 567, 570 Bộ Luật Dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 12, 13, 16, điểm d khoản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; quyết định:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần C về việc buộc Tổng công ty cổ phần A bồi thường cho ông Trần C 700.000.000đ (bảy trăm triệu đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Tổng công ty cổ phần A về việc buộc ông Trần C thanh toán lại số tiền đã hỗ trợ là 180.000.000đ (Một trăm tám mươi triệu đồng).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về an phi va quyền kháng cáo.

Ngày 31/3/2022, nguyên đơn ông Trần C có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngay 12/4/2022, bi đơn Công ty A co đơn khang cao đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu về việc buộc ông Trần C hoàn lại cho Công ty A 180.000.000đ tiền hỗ trợ.

Trình bày của các đương sự và Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bên đương sự đều thừa nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số AD0068/15B3 580NH đối với tàu cá KH-95743-TS ngày 25/8/2015 do Công ty A Khánh Hòa cấp cho ông Trần C có hiệu lực vào thời điểm tàu cá trên bị nạn, thống nhất mức thiệt hại thân tàu và mức bồi thường trong trường hợp phải bồi thường bảo hiểm là 700.000.000đ.

Bị đơn Công ty A từ chối bồi thường cho ông Trần C là do tàu cá KH- 95743-TS của ông Trần C là tàu cá có công suất máy 360 sức ngựa. Theo khoản 3 Điều 4 Quy chế bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30/6/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông thì điều kiện hợp pháp để đảm nhiệm chức danh máy trưởng đối với tàu cá loại này là phải có chứng chỉ máy trưởng hạng năm. Tuy nhiên, ông Trần C và ông Trần Văn T là những thuyền viên trên tàu đều không có chứng chỉ này nên yêu cầu bồi thường của ông Trần C thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm được qui định tại điểm e khoản 1 Điều 15 Qui tắc bảo hiểm ban hành kèm theo Công văn số 15731/BTC-QLBH ngày 29/10/2014 của Bộ Tài chính. Ông Trần C đã vi phạm cam kết không khởi kiện Công ty A sau khi nhận 180.000.000đ hỗ trợ nên Công ty yêu cầu ông Trần C trả lại tiền hỗ trợ này.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty V đề nghị Tòa án giải quyết theo qui định của pháp luật.

Nguyên đơn ông Trần C trình bày ông không được biết về Qui tắc bảo hiểm mà Công ty A nói đến nói chung, trong đó có điều khoản loại trừ bảo hiểm, ông không biết việc máy trưởng loại tàu cá như của ông là phải có chứng chỉ máy trưởng; tại địa phương ông, không ai có chứng chỉ máy trưởng hạng năm. Ông yêu cầu bi đơn bồi thường bảo hiểm 700.000.000đ, đồng ý trả lại 180.000.000đ tiền hỗ trợ đã nhận từ Công ty A và 50.000.000đ từ Tổng công ty bảo hiểm V.

Phat biêu cua đai diên Viên kiêm sat nhân dân tỉnh Khánh Hòa tai phiên toa phuc thâm:

Tòa án đã thực hiện đúng các qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Lý do từ chối bồi thường của Công ty A là không đúng vì ông Trần C không được Công ty giải thích về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Vì vậy, đề nghị căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bi đơn Công ty A phải bồi thường bảo hiểm cho ông Trần C 700.000.000đ. Sau khi Công ty A bồi thường xong, các công ty đồng bảo hiểm phải thanh toán lại cho Công ty A mỗi công ty là 105.000.000đ. Ông Trần C phải trả lại 180.000.000đ tiền hỗ trợ đã nhận cho Công ty A. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Trần C về việc trả lại 50.000.000đ tiền hỗ trợ cho Công ty V. Các đương sự phải chịu án phí theo qui định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 qui định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm phải “giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm”; Điều 19 của Luật này qui định trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm: “khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm”; còn khoản 2 Điều 16 Luật này qui định: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được qui định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”.

[2] Điều 6 Qui tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 15731/BTC-QLBH ngày 29/10/2014 của Bộ Tài chính) trên cơ sở Qui tắc này, Công ty A chấp nhận cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản cho ông Trần C đối với tàu cá KH-95743-TS cũng qui định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là: “1. Cung cấp đầy đủ thông tin, qui tắc, điều khoản cho chủ tàu (nếu có yêu cầu của chủ tàu); giải thích, hướng dẫn về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến Qui tắc này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chủ tàu tham gia bảo hiểm”.

[3] Trong vụ việc cụ thể này, bên bán bảo hiểm là Công ty A đã không thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đã nêu trên, cụ thể: Bán bảo hiểm thông qua cán bộ của Trạm Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Hòa, không phải là nhân viên bán bảo hiểm hay đại lý bảo hiểm của Công ty, người của Trạm chỉ nhận tiền phí bảo hiểm của ngư dân và chuyển lại cho Công ty, Giấy yêu cầu bảo hiểm khai thác hải sản của ông Trần C cũng được hợp thức sau này do nhân viên khai thác bảo hiểm của Công ty ký thay; không giải thích cho ông Trần C về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm cũng như điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

[4] Vì vậy, Công ty A từ chối bồi thường với lý do yêu cầu bồi thường bảo hiểm của ông Trần C thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm do máy trưởng không có bằng cấp được qui định tại điểm e khoản 1 Điều 15 của Qui tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 15731/BTC-QLBH ngày 29/10/2014 của Bộ Tài chính) là không đúng. Yêu cầu bồi thường đối với tàu cá KH-95743-TS của ông Trần C có căn cứ. Kháng cáo của ông Trần C được chấp nhận.

[5] Theo qui định tại Hợp đồng nguyên tắc đồng bảo hiểm khai thác hải sản số 01/2014/ĐBH ngày 14/11/2014 được ký giữa Tổng công ty cổ phần A, Tổng công ty bảo hiểm V, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm X và Tổng công ty bảo hiểm Z, Công ty A phải chi trả toàn bộ tiền bồi thường bảo hiểm cho ông Trần C và các công ty đồng bảo hiểm, mỗi công ty thanh toán lại 15% tiền bồi thường, tương ứng 105.000.000đ cho Công ty A.

[6] Do yêu cầu bồi thường bảo hiểm của ông Trần C được chấp nhận nên ông phải trả lại 180.000.000đ tiền hỗ trợ đã nhận cho Công ty A. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần C tự nguyện trả lại cho Công ty V 50.000.000đ tiền hỗ trợ đã nhận nên Tòa án ghi nhận sự tự nguyện này.

[7] Án phí sơ thẩm: Công ty A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với 700.000.000đ phải bồi thường cho ông Trần C, án phí là: 32.000.000đ; sau khi Công ty A thi hành xong án phí này, 3 công ty đồng bảo hiểm còn lại, mỗi công ty phải thanh toán lại cho Công ty A 4.800.000đ án phí. Ông Trần C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với 180.000.000đ phải trả lại cho Công ty A, án phí là:

9.000.000đ.

[8] Những người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 12, Điều 13, Điều 16 và Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Điều 26 và Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử: Sửa bản án sơ thẩm.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần C. Tổng công ty cổ phần A phải bồi thường cho ông Trần C 700.000.000đ. Sau khi Tổng công ty cổ phần A bồi thường xong, Tổng công ty bảo hiểm V, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm X và Tổng công ty bảo hiểm Z mỗi công ty phải thanh toán lại cho Tổng công ty cổ phần A 105.000.000đ.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Tổng công ty cổ phần A. Ông Trần C phải trả lại cho Tổng công ty cổ phần A 180.000.000đ tiền hỗ trợ đã nhận.

3. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Trần C về việc trả lại cho Tổng công ty bảo hiểm V 50.000.000đ tiền hỗ trợ đã nhận.

4. Án phí:

4.1. Ông Trần C phải chịu 9.000.000đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 8.000.000đ tạm ứng án phí sơ thẩm và 300.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo các biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0009595 ngày 30/7/2018 và số AA/2021/0001677 ngày 29/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N. Như vậy, ông Trần C chỉ còn phải nộp 700.000đ án phí.

4.2. Tổng Công ty cổ phần A phải chịu 32.000.000đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 4.500.000đ tạm ứng án phí sơ thẩm và 300.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo các biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0010971 ngày 19/3/2019 và số AA/2021/00001712 ngày 09/5/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N. Như vậy, Tổng công ty cổ phần A chỉ còn phải nộp 27.200.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

4.3. Sau khi Công ty cổ phần A thi hành án xong án phí sơ thẩm, Tổng công ty bảo hiểm V, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm X và Tổng công ty bảo hiểm Z mỗi công ty phải thanh toán lại cho Tổng công ty cổ phần A 4.800.000đ án phí sơ thẩm.

Qui định chung:

- Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án và bản án có hiệu lực thi hành, nếu người phải thi hành án không thi hành án thì còn phải trả lãi theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

- Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

62
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 55/2022/DS-PT

Số hiệu:55/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Khánh Hoà
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:16/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về