Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 411/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 411/2023/KDTM-PT NGÀY 06/04/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Vào các ngày 16/02/2023, 16/3/2023, 06/4/2023 tại Phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 168/TLPT-KDTM ngày 23/12/2022 về việc: “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2022/KDTM-ST ngày 16/9/2022 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 138/2023/QĐXX-PT ngày 18/01/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 1872/QĐ-PT ngày 16/02/2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K Địa chỉ trụ sở: Số 164/13 Đường e, Khu phố f, phường T, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Vũ Đức Đ; chức vụ: Giám đốc; địa chỉ: Số 164/13 Đường e, Khu phố f, phường T, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo pháp luật; Vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Võ Quang V; địa chỉ: Số 35/1 Đường d, Phường 3, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 11/7/2022 và Quyết định phân công nhiệm vụ ngày 15/8/2022); Có mặt.

- Bị đơn: Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P Địa chỉ trụ sở: Tầng 21, 22 Tòa nhà M, số 229 Đường a, Quận Đ, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Hương G; chức vụ: Tổng giám đốc; địa chỉ: Tầng 21, 22 Tòa nhà M, số 229 Đường a, Quận Đ, Thành phố Hà Nội, là người đại diện theo pháp luật; Vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn:

1. Bà Nguyễn Thị Bích H; địa chỉ: Số 186 Đường c, Phường V, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 119/GUQ-TGĐ ngày 17/3/2022); Có mặt.

2. Ông Nguyễn Ngọc T; địa chỉ: Tầng 21, 22 Tòa nhà M, số 229 Đường a, Quận Đ, Thành phố Hà Nội, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 119/GUQ-TGĐ ngày 17/3/2022); Vắng mặt.

3. Ông Nguyễn Hoàng H1; địa chỉ: Tầng 21, 22 Tòa nhà M, số 229 Đường a, Quận Đ, Thành phố Hà Nội, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 46/GUQ-TGĐ ngày 15/02/2023); Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T; .

Địa chỉ trụ sở: Số 72-74 Đường b, Phường V, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh;Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông GR; chức vụ: Tổng Giám đốc; địa chỉ: Số 72-74 Đường b, Phường V, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh; là người đại diện theo pháp luật; Vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông ALPK, sinh năm: 1979; địa chỉ: Số 72-74 Đường b, Phường V, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh; là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền số TGSL/POA/04 ngày 01/10/2022 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn T); Vắng mặt.

- Người kháng cáo: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn trình bày tại Đơn khởi kiện ngày 25/4/2021 và đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 29/6/2022, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án của nguyên đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K (gọi tắt là Công ty K) đăng ký mua bảo hiểm theo đơn bảo hiểm số: P-20/SGO/P05/1200/000119, ngày 13/10/2020 của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P cho lô hàng sau: Số vận đơn: BLPLSGN2000320, ngày 12/10/2020, số containner/số seal: TTNU8031900-40RE/BLPL011725, loại hàng hóa: Gừng tươi, thiết lập nhiệt độ: + 12 độ C. Tên tàu biển vận chuyển: INCRES 341S. Cảng đi: Hồ Chí Minh, Việt Nam - cảng đến: Sohar, Oman. Ngày tàu rời cảng đi: 12/10/2020 và ngày tàu cập cảng đến: 06/11/2020. Giá trị lô hàng: 29.008,98 đô la Mỹ. Tổng số tiền bảo hiểm: 31.909,88 đô la Mỹ (110 % giá trị lô hàng). Đơn bảo hiểm do Công ty Bảo hiểm J - Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P (gọi tắt là Công ty J) cấp. Theo đó, Công ty K đã thanh toán phí bảo hiểm theo quy định và được Công ty Bảo hiểm J xuất hóa đơn số: 0048041 ngày 15/10/2020.

Tuy nhiên, sau khi nhận được hàng, người nhận hàng tại Sohar, Oman phát hiện toàn bộ lô hàng trên đã bị ướt, mốc, thối rữa nghiêm trọng. Ngay sau đó, người nhận hàng đã nhanh chóng liên hệ với các cá nhân, đơn vị liên quan để tiến hành giám định, xác định nguyên nhân, thiệt hại và mức độ tổn thất đối với lô hàng này vào ngày 10/11/2020.

Vận đơn số: BLPLSGN2000320, ngày 12/10/2020 đã xác định cụ thể lô hàng này cần được bảo quản ở nhiệt độ +12 độ C và vì tính chất đặc thù của mặt hàng gừng tươi phải được duy trì nhiệt độ ổn định, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và các trang thiết bị đầy đủ thì hàng hóa mới giữ được trạng thái tốt nhất trong suốt quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, theo biểu đồ nhiệt độ container chứa lô hàng của Công ty K (do Công ty Trách nhiệm hữu hạn T - đơn vị vận chuyển cung cấp tài liệu) thể hiện hệ thống làm lạnh của container đã bị mất điện từ 17:41 đến 00:04 vào ngày 16/10/2020 (07 giờ). Trong quá trình mất điện 07 giờ, biểu đồ nhiệt độ container duy trì nhiệt độ +16 độ. Do container bị mất điện suốt 07 giờ trong quá trình vận chuyển đã làm thay đổi đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ số gừng tươi này là nguyên nhân chính dẫn đến việc hư hỏng toàn bộ lô hàng. Do Công ty Trách nhiệm hữu hạn T (gọi tắt Công ty GLS Việt Nam) đã không có sự chuẩn bị trước cho sự cố đó nên việc mất điện dẫn đến hàng hóa bị nấm mốc là lỗi của Công ty GLS Việt Nam. Lô hàng của Công ty K được bốc lên tàu trong tình trạng tốt, đáp ứng đúng tiêu chuẩn, được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn thực hiện thủ tục kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật số: 105934/20/0201 ngày 12/10/2020, đủ điều kiện để xuất khẩu theo quy định pháp luật Việt Nam.

Khi xảy ra sự cố bên Công ty J cử đơn vị giám định thì bên Công ty K không có ý kiến về đơn vị giám định. Trong suốt quá trình cơ quan giám định thì cũng không có văn bản khiếu nại hay ý kiến về cơ quan giám định.

Theo Báo cáo giám định số OMN20IS0048 ngày 10/11/2020 tại khoản 8.1 Điều 8 của Báo cáo kết luận như sau “trên cơ sở xem xét nhật ký dữ liệu nhiệt độ được cung cấp từ Cảng và Hãng tàu cho container lạnh số TTNU8031900; chúng tôi cho rằng những bất thường đã nhận thấy đối với lô hàng Gừng tươi vận chuyển theo vận đơn: BLPLSGN2000320 và Cotainer số: TTNU8031900 có thể là do trước khi vận chuyển hoặc do tính chất riêng của hàng hóa”. Công ty K không đồng ý bản kết luận giám định này để yêu cầu xem xét Công ty J phải bồi thường và trả chi phí phát sinh theo đơn bảo hiểm. Ngày 27/01/2021, Công ty J ra Thông báo số 42/ CÔNG TY J -SGO-HHA từ chối trách nhiệm bảo hiểm vì hàng hư hỏng do bản chất của hàng hóa, nhưng phía bảo hiểm không chứng minh được bản chất hàng hóa hư hỏng là gì, xuất phát từ đâu. Công ty K không đồng ý bản báo cáo giám định tại Điều 5 về dữ liệu ghi thiết bị nhiệt độ và so sánh với tài liệu chứng cứ Công ty GLS Việt Nam cung cấp không trùng khớp với nhật ký ghi dữ liệu nhiệt độ mà Công ty GLS Việt Nam cung cấp cho Công ty K theo khoản 5.4, 5.5 Điều 5 của bản báo cáo.

Ngày 01/02/2021, Công ty K khiếu nại sự việc này đến Công ty J. Ngày 03/02/2021, Công ty J ban hành Công văn số 75/CÔNG TY J-SGO-HHA trả lời khiếu nại, xác nhận rõ việc mất điện nêu trên là có và kết luận rằng nhiệt độ container tăng cao đến 16,45 độ C, ở các thời điểm khác thì nguồn điện liên tục đóng mở không ổn định. Công ty J đã áp dụng điều khoản “Institute Frozen Food Clauses (A) 1/1/86” cho hàng hóa đông lạnh (trong khi mặt hàng của Công ty K là gừng tươi, không phải hàng đông lạnh) và xác định rủi ro mất điện này thuộc điều khoản loại trừ theo Điều 1, khoản 1.2, mục 1.2.1, không thuộc phạm vi bảo hiểm để tiếp tục từ chối nghĩa vụ bồi thường.

Theo đơn bảo hiểm số: P-20/SGO/P05/1200/000119, ngày 13/10/2020 nêu trên, điều khoản được áp dụng đối với lô hàng của Công ty K là “Cargo Institute Clauses (A) 1/1/82”. Theo đó, sự cố mất điện gây hư hỏng hàng hóa nêu trên không thuộc điều khoản loại trừ và CÔNG TY J phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất của lô hàng của Công ty K. Công ty K yêu cầu khởi kiện buộc CÔNG TY J phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm và chi phí phát sinh của lô hàng nêu trên cho Công ty K với số tiền là: 35.020,31 USD gồm: Số tiền bảo hiểm là: 31.909,88 USD và chi phí phát sinh là: 3.110,43 USD được quy đổi ra tiền đồng tạm tính tỷ giá USD tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam ngày 09/3/2021 là: 22.960 VNĐ/USD x 35.020,31 USD = 804.066.318 đồng trả một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

- Bị đơn Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P (sau đây gọi tắt là CÔNG TY J ) trong quá trình giải quyết có bà Nguyễn Thị Bích H và ông Nguyễn Ngọc T trình bày:

CÔNG TY J xác nhận có đơn bảo hiểm do Công ty Bảo hiểm J - Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P cấp cho Công ty K. Công ty J đồng ý với Công ty K về điều kiện, điều khoản áp dụng cho lô hàng theo điều kiện A- I.C.C 1982. Điều khoản điều kiện, điều khoản bảo hiểm áp dụng cho lô hàng khác so với điều kiện điều khoản bảo hiểm mà Công ty K lựa chọn cho các lô hàng xuất khẩu của Công ty K trước đó. Trước đây, kể từ năm 2018, Công ty K lựa chọn áp dụng điều khoản, điều kiện A - Thực phẩm đông lạnh - Institute Frozen Food Clauses 01/01/1986 (áp dụng điều khoản loại trừ 1.2.1) khi tham gia bảo hiểm hàng xuất khẩu với Công ty J.

Chứng thư số OMN20IS0048 do Lloyd phát hành cho thấy toàn bộ lô hàng đều trong tình trạng mốc xanh đầu mỗi củ/ miếng gừng. Cùng với đánh giá nguyên nhân tổn thất hàng hóa Lloyd xác định nguyên nhân tổn thất đối với hàng hóa như sau: “Trên cơ sở chúng tôi xem xét biểu đồ nhiệt độ được cung cấp từ cảng và hãng tàu cho container lạnh số TTNU8031900; chúng tôi cho rằng những điểm bất thường được ghi nhận đối với hàng hóa Gừng tươi được vận chuyển theo B/L: BLPLSGN2000320 và số container: TTNU8031900 có thể xảy ra trước khi vận chuyển hoặc do lỗi của hàng hóa”. Với kết luận của Lloyd như trên tổn thất của lô hàng sẽ bị loại trừ theo quy định tại điểm 4.4 Điều 4 I.C.C 1.1.1982. Theo quy định tại 4.4 ICC 1982 những mất mát hư hỏng hay chi phí trực tiếp gây ra bởi khuyết tật vốn có hoặc tính chất riêng của đối tượng bảo hiểm sẽ bị loại trừ bảo hiểm. Bên bảo hiểm hoặc Công ty bảo hiểm sẽ không phải bồi thường cho người được bảo hiểm đối với những hư hỏng hay chi phí trực tiếp gây ra bởi khuyết tật vốn có hoặc tính chất riêng của đối tượng bảo hiểm. Trong trường hợp cụ thể này, Lloyd đã xác định lô hàng đã bị hư hỏng (mốc xanh ở hai đầu) trước khi được đưa đi vận chuyển.

Về quyền lợi bảo hiểm và trách nhiệm mua bảo hiểm cho lô hàng: Căn cứ vào chứng từ của lô hàng kèm theo đơn khởi kiện của Công ty K thì lô hàng được xuất đi theo giá CNF theo Incoterms (Quy tắc thương mại Quốc tế). Theo hợp đồng xuất hàng này thì người mua hàng – Al Hakamani Al Brownnza tại Oman có trách nhiệm mua bảo hiểm cho lô hàng. Do đó, khi phát hiện bảo hiểm trùng, quyền và trách nhiệm bảo hiểm không hợp lệ, hai bên có thể tiến hành hủy Giấy chứng nhận bảo hiểm và người bảo hiểm sẽ hoàn phí lại cho người được bảo hiểm. Công ty J khẳng định lô hàng đã bị hư hỏng trước khi được đưa lên tàu vận chuyển đi Oman. Do vậy, thuộc điểm loại trừ theo quy định tại mục 4.4 ICC 1982. Do đó, Công ty J đề nghị bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty K.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Trách nhiệm hữu hạn T không đến Tòa và cũng không có văn bản gởi đến Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty K.

Tại phiên tòa sơ thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và ý kiến trình bày.

Bị đơn giữ nguyên ý kiến đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và ý kiến trình bày.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Trách nhiệm hữu hạn T vắng mặt.

Bản án số 21/2022/KDTM-ST ngày 16/9/2022 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử: Không chấp toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K về việc buộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P trả tiền bảo hiểm và chi phí phát sinh theo đơn bảo hiểm hàng hóa số: P-20/SGO/P05/1200/000119 ngày 13/10/2020 số tiền là: 35.020,31 USD gồm: Số tiền bảo hiểm 31.909,88 USD và chi phí phát sinh là: 3.110,43 USD được quy đổi ra tiền đồng theo tỷ giá USD tại ngày 16/9/2022 số tiền 804.066.000 đồng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 03/10/2022, ông Vũ Đức Đ là người đại diện hợp pháp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị y án sơ thẩm.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:

Qua kiểm sát vụ án từ khi thụ lý hồ sơ đến thời điểm xét xử thấy rằng Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án, xác định đúng quan hệ tranh chấp, xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án, tiến hành lập hồ sơ, ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn, việc cấp và tống đạt các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát theo đúng quy định tại Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án.

Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử: Tại phiên tòa hôm nay, phiên tòa tiến hành đúng trình tự pháp luật Tố tụng dân sự.

Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý cũng như tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn, bị đơn, đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 58, Điều 59, Điều 60, Điều 61, Điều 74, Điều 199, Điều 200, Điều, 201 Điều 209 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận của các đương sự; của các luật sư;

Sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát; Sau khi thảo luận và nghị án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của ông Vũ Đức Đ là Giám đóc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K – người đại diện theo pháp luật của công ty làm trong thời hạn luật định nên được chấp nhận.

[2] Xét yêu cầu triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Trách nhiệm hữu hạn T:

Trong quá trình giải quyết án sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Trách nhiệm hữu hạn T được Tòa án tống đạt hợp lệ Thông báo về việc thụ lý vụ án, Giấy triệu tập và Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định tại Điều 196, 208 và Điều 210 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trong quá trình giải quyết án phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Trách nhiệm hữu hạn T đã được Tòa án triệu tập, tống đạt hợp lệ Thông báo về việc thụ lý xét xử phúc thẩm vụ án, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định hoãn phiên tòa nhưng Công ty Trách nhiệm hữu hạn T không tham dự và không có ý kiến về việc giải quyết vụ án.

[3] Về nội dung: Nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K đề nghị sửa bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị y án sơ thẩm. Đây là những vấn đề cần xem xét.

[4] Xét thấy:

[4.1] Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì CÔNG TY J chọn Inchcape Shipping Services là đơn vị giám định và Công ty K thừa nhận không có ý kiến phản đối chọn đơn vị giám định để giám định lô hàng gừng tươi vào ngày 10/11/2020 nên ghi nhận ý kiến này. Đồng thời, trong đơn bảo hiểm hàng hóa số: P-20/SGO/P05/1200/000119 ngày 13/10/2020 có thỏa thuận như sau: “ Trong trường hợp tổn thất hoặc thiệt hại có thể liên quan đến yêu cầu bồi thường theo bảo hiểm này, yêu cầu bồi thường sẽ không được chấp nhận trừ khi thông báo giám định ngay đã được gửi và báo cáo giám định đã nhận được từ hoặc được chấp thuận của Inchcape Shipping Services…”. Vì vậy, báo cáo giám định OMN20IS0048 ngày 10/11/2020 của Inchcape Shipping Services phát hành có giá trị bắt buộc đối với Công ty K và CÔNG TY J là phù hợp quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm được sửa đổi năm 2010.

[4.2] Theo báo cáo giám định OMN20IS0048 ngày 10/11/2020 của Inchcape Shipping Services quy định về dữ liệu thiết bị ghi nhiệt độ tại khoản 5.4, khoản 5.5 Điều 5 như sau: “ 5.4 Vào ngày 24/11/2020, bên nhận hàng đã cung cấp cho chúng tôi nhật ký ghi dữ liệu nhiệt độ cho container nói trên từ Cảng Sohar, Oman. Chúng tôi đã xem xét nhận thấy nhiệt độ nằm trong phạm vi thiết lập +120C.

5.5 Ngoài ra, vào ngày 16/12/2020, bên nhận hàng đã cung cấp cho chúng tôi nhật ký ghi dữ liệu nhiệt độ cho container nói trên từ hãng tàu. Chúng tôi đã xem xét và nhận thấy nhiệt độ nằm trong phạm vi thiết lập +120C. Và kết luận tại khoản 8.1 như sau: “ Trên cơ sở xem xét nhật ký dữ liệu nhiệt độ đã được cung cấp từ Cảng & Hãng tàu cho container lạnh số TTNU8031900, chúng tôi cho rằng những bất thường đã nhận thấy đối với lô hàng Gừng tươi vận chuyển theo vận đơn: BLPLSGN200320 và Container số: TTNU8031900 có thể là do vấn đề trước khi vận chuyển hoặc do tính chất riêng của hàng hóa.”.

[4.3] Theo đơn bảo hiểm hàng hóa số: P-20/SGO/P05/1200/000119 ngày 13/10/2020 có thỏa thuận quy định về các điều khoản, điều kiện, sửa đổi bổ sung và bảo đảm như sau: “ Điều kiện bảo hiểm hàng hóa của Hiệp hội (A) 1/1/82” và theo điều khoản bảo hiểm hàng hóa (A)-01/01/1982- CL252 được quy định tại khoản 4.4 Điều 4 quy định loại trừ bảo hiểm như sau: “ Tổn thất hay chi phí gây ra bởi khuyết tật vốn có hoặc có tính chất riêng của đối tượng được bảo hiểm.” và theo kết luận báo cáo giám định OMN20IS0048 ngày 10/11/2020 của Inchcape Shipping Services nên đối tượng được được bảo hiểm là 4186 thùng carton, trọng lượng gộp 23023,000 kg gừng tươi của Công ty K thuộc loại trừ bảo hiểm của CÔNG TY J quy định. Như vậy, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của Công ty K là có cơ sở.

[4.4] Tại phiên tòa phúc thẩm, phía Công ty K trình bày, nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Công ty K thì đề nghị xác định trách nhiệm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Trách nhiệm hữu hạn T phải bồi thường cho Công ty K. Xét thấy, theo đơn khởi kiện ngày 25/4/2021 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 29/6/2022 nguyên đơn là Công ty K chỉ yêu cầu công ty Pijico bồi thường, do đó, trong phạm vi xét xử vụ án, Hội đồng xét xử không thể chấp nhận đề nghị này của Công ty K mà dành cho Công ty K quyền khởi kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn T trong vụ án dân sự khác theo quy định pháp luật.

[5] Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử nên ghi nhận.

[6] Về án phí kinh doanh thương mại:

[6.1] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: giữ nguyên án phí.

[6.2] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: do giữ nguyên bản án nên người kháng cáo phải chịu án phí.

Từ những phân tích trên;

Áp dụng:

QUYẾT ĐỊNH

- Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định vế án phí, lệ phí tòa án:

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K. Giữ nguyên Bản án số 21/2022/KDTM-ST ngày 16/9/2022 của Tòa án nhân dân Quận X.

2. Không chấp toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K về việc buộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P trả tiền bảo hiểm và chi phí phát sinh theo đơn bảo hiểm hàng hóa số: P- 20/SGO/P05/1200/000119 ngày 13/10/2020 số tiền là: 35.020,31 USD gồm: Số tiền bảo hiểm 31.909,88 USD và chi phí phát sinh là: 3.110,43 USD được quy đổi ra tiền đồng theo tỷ giá USD tại ngày 16/9/2022 số tiền 804.066.000 đồng.

3. Dành cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K quyền khởi kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn T trong vụ án dân sự khác theo quy định pháp luật.

4. Về án phí:

4.1. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: giữ nguyên án phí bản án sơ thẩm.

4.2. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu K phải chịu án phí phúc thẩm là 2.000.000 đồng được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số AA/2021/0007631 ngày 06/10/2022 của Chi cục thi hành án dân sự Quận X.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

269
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 411/2023/KDTM-PT

Số hiệu:411/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 06/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về