Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 160/2021/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 160/2021/KDTM- PT NGÀY 30/09/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 30/9/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 90/2021/KTPT ngày 04/5/2021 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2021/KDTM- ST ngày 07/01/2021 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 434/2021/QĐXX- PT ngày 01/7/2021, Quyết định hoãn phiên tòa số 514/2021/ QĐPT- KDTM ngày 17/7/2021, giữa:

Nguyên đơn: Công ty cho thuê tài chính TNHH B…..- ST Trụ sở: ……………, TP HN.

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Thiều S- Tổng giám đốc;

Người đại diện theo ủy quyền: Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Đ…….. (địa chỉ tầng….., tháp B, số ….đường CG, phường DV, quận CG, TP HN, người đại diện theo pháp luật: ông Lương Phú C - Tổng giám đốc);

Người đại diện ủy quyền tham gia tố tụng: ông Nguyễn Xuân B, ông Nguyễn Tiến T, bà Hà Nguyệt M và bà Nguyễn Thị Phương T theo Quyết định số 55/QĐUQ-BAMC ngày 20/10/2020.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Đàm Đức T Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hà - Văn phòng luật sư quốc tế Hoàng Gia (địa chỉ …………………. TP Hà Nội).

Có mặt ông T và Luật sư T, Luật sư Hà tại phiên tòa. Vắng mặt ông B, bà M, bà Phương T.

Bị đơn: Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm P Trụ sở: …………………………...

Người đại diện theo pháp luật: ông Đào Nam H- Giám đốc;

Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Hoàng H, bà Phạm Thị Hồng H và ông Nguyễn Ngọc T (địa chỉ …………………………. theo Giấy ủy quyền số 325/GUQ-GĐ ngày 12/06/2020).

Có mặt ông H ông T tại phiên tòa. Vắng mặt bà H.

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH vận tải biển TNA Trụ sở: …………………………..

Người đại diện theo pháp luật: ông Lê Minh Đ- Giám đốc. Vắng mặt ông Đ tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn Công ty cho thuê tài chính TNHH B- ST (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) trình bày:

Công ty ….. là chủ sở hữu của tàu biển NMT- B (nay đã đổi tên NA….-B, sau đây gọi tắt là tàu NA). Tàu chở hàng tổng hợp đóng năm 2009 tại HP theo Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển VN-……-VT, Giấy Chứng nhận khả năng đi biển số …./17TB-SW ngày 16/1/2017. Tàu được Công ty B…. cho Công ty TNHH vận tải biển TNA (sau đây gọi tắt là Công ty TNA) thuê tài chính theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 1171600000/HĐCTTC ngày 30/5/2016, thời hạn thuê 08 năm.

Trong quá trình Công ty TNA sử dụng tàu thì phát sinh sự kiện là ngày 17/02/2017 tàu NA rời cảng C…, tỉnh QN đi GD, ĐN trả hàng. Đến 02 giờ 25 phút ngày 18/02/2017, tàu NA đang hành trình tại khu vực vùng biển TB- NĐ thì tàu bị sự cố máy chính sau đó bị tàu lạ đâm mạnh gây chìm toàn bộ tàu cùng toàn bộ hàng hóa, tài sản trên tàu. Công ty TNA đã có văn bản thông báo ngay sự cố gửi tới Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P- Công ty Bảo hiểm P….. LA (sau đây gọi tắt là P- LA), Công ty ….. và các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý vụ việc. Trên cơ sở chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng hải TB, Cảng vụ QN đã tiến hành điều tra tại nạn hàng hải tàu NA.

Căn cứ Quyết định số 57/2005/QĐ-BGTVT ngày 28/10/2005, Thông tư số 34/TT-BGTVT ngày 24/7/2015 và Công văn số 593/CHHVN-ATANHH ngày 20/2/2017 của Cục hàng hải Việt Nam về việc giao điều tra tai nạn đối với tàu NA bị chìm, Cảng vụ hàng hải QN đã ban hành Báo cáo điều tra tại nạn hàng hải số 362/BC- CVHHQN ngày 05/5/2017, kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn chìm đắm tàu NA.

Sau khi có Kết luận của Cảng vụ hàng hải QN, Công ty …. phối hợp với Công ty TNA đã liên hệ, phối hợp với đơn vị bảo hiểm là P…. LA để yêu cầu thực hiện bồi thường thiệt hại theo Hợp đồng bảo hiểm thân tàu đã ký. Tuy nhiên, qua nhiều lần làm việc, văn bản trao đổi qua lại, P... LA đều yêu cầu các bên liên quan và đơn vị giám định do P... LA chỉ định Công ty CP Giám định hàng hải PB (sau đây gọi tắt là NIC) phải bằng mọi giá xác định chính xác vị trí tàu NA chìm đắm và để NIC ban hành Chứng thư giám định.

Tàu NA bị chìm toàn bộ cùng hàng hóa do vụ đâm va đã gây ra những thiệt hại nặng nề đặc biệt nghiêm trọng cho hoạt động kinh doanh của Công ty B…... Với tư cách đại diện theo ủy quyền của Công ty B…., Công ty B… yêu cầu P…. thanh toán số tiền bảo hiểm và phải bồi thường các khoản thiệt hại sau:

1. Thanh toán số tiền bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm:

Công ty B….. có đầy đủ cơ sở để xác định rằng tàu NA đã bị tổn thất toàn bộ bởi các lẽ sau:

- Tàu NA đã được Công ty B…. (chủ sở hữu), Công ty TNA (bên sử dụng), Cảng vụ hàng hải tỉnh QN và các bên liên quan nỗ lực đưa ra các giải pháp và hành động nhằm khắc phục tổn thất cũng như tìm kiếm xác tàu, làm rõ sự việc khách quan và việc không tìm thấy xác tàu là điều không bên nào mong muốn nhưng vẫn phải chấp nhận sự thật sau nhiều cố gắng nỗ lực.

- Việc tìm kiếm, trục vớt tàu đã được tổ chức, thực hiện 02 lần, trong đó lần thứ 02 có sự góp mặt, chứng kiến của đại diện bên giám định.

- Việc không tìm thấy xác tàu và từ thời điểm xảy ra tai nạn là ngày 18/02/2017 đến nay vẫn không có tung tích thì phải được xác định là tàu NA đã bị mất tích và làm cơ sở để Công ty B….. yêu cầu P…. xác định tàu NA bị tổn thất toàn bộ theo quy định của pháp luật.

Về giá trị của tàu: theo Giấy sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận bảo hiểm có ghi nhận nội dung giá trị tàu NA là 13 tỷ đồng.

2. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại:

Sau tai nạn chìm tàu và mất xác tàu NA, theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải TB, Công ty B… đã phải trực tiếp ứng 50% chi phí trục vớt tàu, số tiền thực tế chi phí là 605.000.000 đồng.

3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất:

Tàu NA là tài sản phục vụ cho mục đích kinh doanh cho thuê tài chính của Công ty B…. theo quy định của pháp luật. Theo thỏa thuận của Công ty B…. và Công ty TNA tại Hợp đồng cho thuê tài chính, tiền lãi thuê tài chính phát sinh kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn (18/02/2017) cho đến ngày đáo hạn Hợp đồng cho thuê tài chính (30/5/2024) là khoản lợi ích lẽ ra Công ty B…. sẽ thu được nếu không bị thiệt hại vì vụ tai nạn.

Dù vậy, khi P… thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho tàu NA, Công ty B… chỉ yêu cầu P…. phải bồi thường khoản lãi dư nợ thuê tài chính của Công ty TNA tại Công ty BSL phát sinh từ ngày có Công văn cuối cùng của P… thoái thác trách nhiệm thanh toán tiền bảo hiểm (13/9/2017) đến ngày bồi thường thực tế. Khoản lãi tạm tính từ ngày 13/09/2017 đến ngày 31/08/2019 là 6.072.455.103 đồng.

Bổ sung về số tiền chi phí tìm kiếm trục vớt tàu là 1.210.000.000 đồng.

Bổ sung về yêu cầu thanh toán lãi phát sinh kể từ ngày 06/7/2019 do chậm thanh toán bảo hiểm theo mức lãi suất quy định tại Án lệ số 09/2016/AL thông qua ngày 17/10/2016 (tạm tính) là 2.617.986.301 đồng.

Tổng cộng: yêu cầu P…. thanh toán tạm tính là 24.645.958.461 đồng.

Bị đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:

Ngày 19/05/2016, Công ty TNAvà P- LA đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm cho tàu NMT ….-B , với nội dung như sau:

- Đơn bảo hiểm số: P-16/LAN/NV1/2200/2000;

- Điều kiện bảo hiểm: điều kiện A- Phần I Quy tắc bảo hiểm thân tàu đối với tàu hoạt động trên biển và vùng nước liên quan đến biển Việt Nam- P…. 2012;

- Thời hạn bảo hiểm: từ ngày 24/5/2016 đến ngày 24/5/2017;

- Giá trị thực tế thân tàu: 16 tỷ đồng;

- Mức khấu trừ: 5% số tiền bồi thường, tối thiểu 10 triệu đồng/vụ.

Ngày 06/6/2016, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng bảo hiểm thân tàu số E- 16/LAN/NV1/2200/2000-01 về việc chuyển quyền thụ hưởng cho nguyên đơn.

Ngày 20/9/2016, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng bảo hiểm thân tàu số E- 16/LAN/NV1/2200/2000-02 về việc đổi tên tàu NMT ….- B sang tên mới là tàu NA.

Ngày 16/12/2016, theo đề nghị của Công ty Tân NA tại Công văn số 01/12/CV- 2016, bị đơn đã cấp Giấy sửa đổi bổ sung số E-16/LAN/NV1/2200/2000-03 về việc thay đổi giá trị bảo hiểm thân tàu NA là 13 tỷ đồng.

Theo các thông tin mà bên được bảo hiểm cung cấp, Công ty TNA đã ký Hợp đồng cho thuê tài chính số 1171000007/HĐTCCT với nguyên đơn và tàu NAlà tài sản phục vụ cho mục đích kinh doanh cho thuê tài chính của Công ty BSL.

Vào khoảng 02 giờ ngày 18/02/2017, tàu NA đang hành trình tại khu vực vùng biển TB- NĐ thì gặp sự cố máy chính. Trong lúc Máy trưởng xin phép tắt máy để kiểm tra thì tàu đã bị tàu lạ (tàu X) đâm vào mạn phải và chìm ngay sau đó.

Cùng ngày 18/2/2017, Công ty TNA đã gửi thông báo về sự cố chìm đắm tàu đến P…. LA và Phòng giám định bồi thường. Sau khi nhận được thông báo sự cố tàu Nhật Anh, bị đơn đã tích cực hướng dẫn Công ty TNA, Công ty BSL và phối hợp với các ban ngành liên quan để trục vớt, tìm kiếm xác tàu NA và xác định tàu đã đâm va (tàu X).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNA vẫn chưa xác định được chính xác vị trí tàu NA bị tổn thất để bị đơn có cơ sở xác định trách nhiệm bảo hiểm của bị đơn và để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Về căn cứ từ chối bồi thường:

1. Chưa có căn cứ xác định vị trí tàu NA bị đắm nằm trong phạm vi quy định:

Tại Báo cáo điều tra tai nạn chìm tàu NA tại vùng biển TH ngày 05/05/2017 của Cảng vụ hàng hải QN ghi nhận về vị trí tàu xảy ra sự cố nhưng không xác định được vị trí của tàu khi xảy ra tai nạn:

Khoảng 02 giờ, tàu NA khi đó đang ở vị trí có tọa độ 19038’ N 106008’ E, sỹ quan trưởng phát hiện trên màn hình radar có một tàu phía trước mạn phải, khoảng cách ước lượng là 08 hải lý. Cũng vào thời điểm đó, sỹ quan máy trực ca Thuận thông báo cho Máy trưởng biết máy chính có tiếng động lạ, nhiệt độ khí xả và nước làm mát tăng cao. Máy trưởng ngay lập tức có mặt dưới buồng máy và phát hiện thấy máy chính đang bốc khói. Máy trưởng thông báo cho Thuyền trưởng và giảm máy. Khoảng 5 phút sau đó, Máy trưởng xin phép tắt máy để kiểm tra...

Tại Báo cáo giám định lần III ngày 12/04/2017, mục kết quả thẩm vấn lời khai thuyền viên tàu NA liên quan đến vụ chìm đắm tàu của ông HKN Thuyền trưởng khai báo rằng ông chỉ nhớ vị trí của tàu khi xảy ra sự cố máy chính:

14Q: xin ông cho biết vị trí tàu bị đâm va.

14A: tôi chỉ nhớ vị trí sự cố là Vĩ độ 19038’N, kinh độ 106008’E, vị trí tàu chìm tôi không xác định được. 7 Tại Kết quả dò tìm xác tàu ngày 25/03/2017 của Công ty MTN khẳng định sau 5 ngày nỗ lực tìm kiếm từ vị trí thông báo, mở rộng bán kính khoảng 5 hải lý, Công ty chúng tôi không tìm thấy xác tàu NA. Ngoài ra, Công ty MTN đã thực hiện công việc dò tìm lần 2 nhưng kết quả là vẫn không tìm thấy xác tàu.

Do đó, bị đơn cho rằng vẫn có khả năng tổn thất tàu NA không thuộc phạm vi bảo hiểm thân tàu, thuyền theo khoản 1 mục A Điều 6 của Quy tắc bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm rủi ro chiến tranh thân tàu và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với tàu, thuyền hoạt động trên sông hồ, vùng nội thủy và vùng biển Việt Nam. Cụ thể là P không nhận bảo hiểm và không chịu trách nhiệm bồi thường nếu tổn thất xảy ra do những nguyên nhân là tàu, thuyền không đủ khả năng hoạt động hoặc hoạt động ngoài phạm vi quy định.

Theo Giấy chứng nhận khả năng tàu biển số 041/17TB-SW của Cục đăng kiểm cấp ngày 16/1/2017 và hết hạn vào ngày 17/7/2017 thì tàu NA là tàu biển phân cấp hạn chế III, căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 06/2015/TT-BGTVT quy định về vùng hoạt động của tàu biển chở hàng trong Vịnh Bắc Bộ, thì tàu biển phân cấp hạn chế III được hoạt động cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn quá 20 hải lý trong trường hợp điều kiện thời tiết bảo đảm chiều cao sóng đáng kể (Hs) không vượt quá 2,5 mét và gió không quá cấp 5 Beaufort đồng thời phải thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này...

Do Công ty TNA không xác định được chính xác vị trí tàu đắm nên bị đơn không có cơ sở để xác định thời điểm xảy ra tổn thất, tàu NA có nằm trong phạm vi hoạt động theo quy định pháp luật và được Cục đăng kiểm cấp phép. Vì vậy, bị đơn không chấp nhận yêu cầu bổi thường bảo hiểm thân tàu của nguyên đơn là 13 tỷ đồng.

Về số tiền tính lãi theo Hợp đồng cho thuê tài chính của nguyên đơn không thuộc đối tượng bảo hiểm:

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền 6.072.455.103 đồng là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất. Tuy nhiên, khoản tiền lãi theo Hợp đồng cho thuê tài chính giữa Công ty TNA và Công ty BSL hay lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất hoàn toàn không phải là đối tượng bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm tàu số P- 16/LAN/NV1/2200/2000. Vì đối tượng được bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm tàu số P- 16/LAN/NV1/2200/2000 và các Phụ lục kèm theo là thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tàu hoạt động trên biển. Do đó, số tiền 6.072.455.103 đồng là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất không có căn cứ để chấp nhận bồi thường.

Thực tế, nếu bị đơn có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho Công ty BSL thì tiền lãi nếu có sẽ là lãi phát sinh do chậm thanh toán tiền bồi thường. Để xác định được số tiền lãi chậm bồi thường bảo hiểm thì phải xác định được thời điểm người được bảo hiểm cung cấp đầy đủ hồ sơ bồi thường và mức lãi suất chậm thanh toán bồi thường.

Theo điểm 6.4.2 khoản 6.4 Điều 6 Hợp đồng bảo hiểm tàu quy định là bị đơn có trách nhiệm giải quyết bồi thường tổn thất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Nguyên đơn cho rằng ngày 13/9/2017 là ngày bị đơn có Công văn cuối cùng từ chối trách nhiệm bảo hiểm là ngày phát sinh trách nhiệm bồi thường là không đúng. Vì tại Công văn số 2633/2017/TSC/PTTH ngày 13/9/2017, bị đơn đề nghị Công ty T NA khẩn trương bằng mọi phương án xác định chính xác vị trí của tàu bị tổn thất để có cơ sở xác định trách nhiệm bảo hiểm.

Đến ngày 06/6/2019, bị đơn nhận được Giấy yêu cầu bồi thường của Công ty T NA thông báo về việc không tìm thấy xác tàu và đã cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan nên đề nghị bị đơn thanh toán tiền bồi thường. Tuy nhiên, trong hồ sơ khiếu nại của Công ty T NA không có Biên bản đối tịch có xác nhận của hai tàu nếu tàu đâm va với tàu khác, nội dung ghi rõ tên tàu đâm va, chủ tàu hoặc người bảo hiểm, vị trí đâm va, tốc độ của hai tàu, sơ bộ tổn thất của mỗi tàu theo Điều 6.2 và Điều 6.4 Hợp đồng bảo hiểm số P-16/LAN/NV1/2200/2000.

Như vậy, hồ sơ khiếu nại bồi thường của Công ty T NA là chưa đầy đủ và không hợp lệ, nên bị đơn không có trách nhiệm giải quyết bồi thường tổn thất cho Công ty T NA và không phải chịu khoản lãi chậm bồi thường bảo hiểm.

Về các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại:

Theo khoản 2, 3 Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải TB , Công ty BSL phải trực tiếp ứng 50% chi phí trục vớt tàu với số tiền thực tế là 628.000.000 đồng. Do vậy, bị đơn chỉ chấp nhận thanh toán chi phí trục vớt tàu thực tế Công ty BSL đã phải trả là 628.000.000 đồng.

Về tư cách khởi kiện của nguyên đơn là nguyên đơn:

Theo các tài liệu gồm Hợp đồng bảo hiểm cho tàu NMT ...-BIDV, Đơn bảo hiểm số P-16/LAN/NV1/2200/2000 và Phụ lục Hợp đồng bảo hiểm thân tàu số E- 16/LAN/NV1/2200/2000-01 về việc chuyển quyền thụ hưởng tiền bảo hiểm thân tàu cho BLC Chi nhánh Hà Nội, Phụ lục Hợp đồng bảo hiểm thân tàu số E- 16/LAN/NV1/2200/2000-02 về việc đổi tên mới là tàu NA và Giấy sửa đổi, bổ sung số E-16/LAN/NV1/2200/2000-03 thì đều thể hiện Công ty T NA là bên ký hợp đồng bảo hiểm và là người được bảo hiểm.

Trong khi đó nguyên đơn (trước đây là BLC) chỉ là bên được thụ hưởng bảo hiểm (không phải là bên mua bảo hiểm và tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm). Nên bị đơn hiểu rằng Công ty Tân NA mới là bên có tư cách ký và nộp đơn khởi kiện trong vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm này. Còn nguyên đơn chỉ là bên được nhận tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp Công ty Tân NA được giải quyết bồi thường.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Tân NA trình bày:

Công ty xác nhận Hợp đồng bảo hiểm cho tàu NMT ...-BIDV (sau đổi tên là tàu Nhật Anh) ký giữa Công ty Tân NA và P… LA ngày 19/05/2016. Công ty TNA đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và xin vắng mặt tại các buổi hòa giải cũng như xét xử.

Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không thành, các bên có ý kiến thống nhất như sau:

- Xác nhận nội dung Hợp đồng bảo hiểm ký giữa Công ty TNA và P…. LA ngày 19/05/2016.

- Xác nhận có sự kiện tai nạn, công việc phối hợp giữa các bên về việc xử lý tai nạn.

Những nội dung các bên chưa thống nhất: phạm vi loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Mức bồi thường bảo hiểm, bồi thường thiệt hại, chi phí hợp lý để khắc phục hậu quả (chi phí dò tìm xác tàu).

Tại phiên tòa sơ thẩm: nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể rút yêu cầu đòi khoản tiền lãi theo Hợp đồng cho thuê tài chính giữa Công ty TNA và Công ty BSL hay lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất hoàn toàn. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn:

- Thanh toán toàn bộ giá trị tổn thất theo Hợp đồng bảo hiểm là 13 tỷ đồng;

- Yêu cầu thanh toán lãi phát sinh từ ngày 06/7/2019 do chậm thanh toán bảo hiểm với số tiền là 2.949.308.219 đồng;

- Yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí tìm kiếm xác tàu với số tiền là 1.210.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh từ số tiền tạm ứng trước với số tiền là 346.553.116 đồng.

Tổng cộng số tiền nguyên đơn yêu cầu là 17.505.861.336 đồng.

Bị đơn xác nhận có ký Hợp đồng bảo hiểm ký giữa Công ty TNA và P Long An ngày 19/05/2016 và các Phụ lục hợp đồng bảo hiểm thân tàu; Xác nhận có sự kiện tai nạn, công việc phối hợp giữa các bên về việc xử lý tai nạn; Đồng ý với kết quả của Hợp đồng tìm kiếm xác tàu của Công ty Mạnh Tường Nguyễn; Bị đơn cho rằng không xác định được chính xác vị trí tàu đắm nên bị đơn không có cơ sở để xác định thời điểm xảy ra tổn thất, tàu NA có nằm trong phạm vi hoạt động theo quy định pháp luật và được Cục đăng kiểm cấp phép. Vì vậy, bị đơn không chấp nhận yêu cầu bồi thường bảo hiểm thân tàu, không chấp nhận tiền lãi và đề nghị xem xét tư cách khởi kiện của nguyên đơn.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2021/KDTM- ST ngày 07/01/2021 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn;

2. Đình chỉ đối với yêu cầu thanh toán tiền lãi cho thuê tài chính theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 1171600000/HĐCTTC ngày 30/05/2016 và các Phụ lục đi kèm.

3. Buộc bị đơn phải bồi thường cho Công ty Tân NA mà người thụ hưởng là nguyên đơn số tiền là 16.071.687.500 đồng (trong đó tiền bảo hiểm là 13 tỷ đồng, lãi là 1.657.500.000 đồng, chi phí tìm kiếm tàu cộng lãi là 1.414.187.500 đồng).

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Không đồng ý với Bản án sơ thẩm nêu trên, bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm số 02/2021/KDTM- ST ngày 07/01/2021 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm thân tàu và yêu cầu tính lại chậm trả đối với số tiền 605.000.000 đồng mà nguyên đơn đã thanh toán cho Công ty Mạnh Tường Nguyễn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện ủy quyền của bị đơn có kháng cáo trình bày: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Công ty Tân NA vắng mặt tại phiên tòa không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án do Công ty này đã chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho nguyên đơn và không có kháng cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục xét xử vụ án.

Về nội dung kháng cáo: do tàu NA bị chìm mà không tìm được xác tàu, nên bị đơn không xác định được phạm vi hoạt động của tàu có nằm trong vùng biển cho phép hoạt động hay không nên chưa đủ cơ sở để bồi thường thiệt hại.

Đối với các phần khác của Bản án sơ thẩm bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền tìm kiếm tàu NA như đã tuyên là không hợp lý, quá cao so với thực tế.

Bị đơn cung cấp cho Tòa án phúc thẩm một số báo giá của tàu NA và tàu MĐP 68 có vị trí tương tự nhau, độ sâu như nhau cùng có báo giá tìm kiếm tàu là 124.000.000 đồng (chưa thuế VAT) và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận chi phí tìm kiếm tàu với số tiền như trên.

Đối với tiền lãi của số tiền 605.000,000 đồng, đề nghị Hội đồng phúc thẩm sửa lại Bản án sơ thẩm tương ứng với số tiền bị đơn phải chịu cho chi phí tìm kiếm tàu NA bị chìm.

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Công ty Tân NA vắng mặt tại phiên tòa không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án do Công ty này đã chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho nguyên đơn và không có kháng cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục xét xử vụ án.

Về nội dung kháng cáo của bị đơn tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn cho rằng bị đơn trình bày là tàu NA bị chìm không xác định được vị trí tàu chìm nên chưa đủ căn cứ xác định tàu có hoạt động tại vùng biển được phép hay không, nguyên đơn cho rằng bị đơn trình bày không có lý vì vị trí con tàu bị chết máy, bị đâm va đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định và nguyên đơn, bị đơn đồng ý để thuê đơn vị tìm kiếm, trục vớt. Nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận trình bày này của bị đơn.

Về phần kháng cáo khác của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại về chi phí tìm kiếm tàu NA theo tài liệu, chứng cứ mới bị đơn cung cấp tại Tòa án phúc thẩm với mức báo giá là 124.000.000 đồng, nguyên đơn cũng nhất trí với quan điểm bị đơn về vấn đề này và đề nghị Hội đồng xét xử điều chỉnh lại phần lãi sao cho phù hợp với quy định của pháp luật và thời điểm tính lãi. Cụ thể là điều chỉnh lại phần lãi suất của số tiền 13 tỷ đồng theo như cách tính của Bản án sơ thẩm và phần lãi suất của số tiền tạm ứng là 124.000.000 đồng. Đây cũng là thiện chí của nguyên đơn đối với bị đơn, vì giữa nguyên đơn và bị đơn còn nhiều hợp đồng bảo hiểm khác. Do rút lại một phần yêu cầu khởi kiện nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét lại án phí sơ thẩm cho nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: bị đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.

Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được tham gia tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Công ty Tân NA vắng mặt tại phiên tòa không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án do Công ty này đã chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho nguyên đơn và không có kháng cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục xét xử vụ án Về kháng cáo của bị đơn: đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn điều chỉnh lại chi phí tìm kiếm tàu và phần lãi suất của số tiền này. Chấp nhận ý kiến của nguyên đơn về việc điều chỉnh lại yêu cầu khởi kiện. Đề nghị Hội đồng xét xử điều chỉnh lại án phí của cả nguyên đơn và bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng:

Đây là tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm giữa hai doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, bị đơn có trụ sở tại quận Đống Đa, nên theo quy định tại các Điều 30, 35 và 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân quận Đống Đa giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm là đúng quy định của pháp luật.

P Long An là Công ty thành viên của bị đơn, hạch toán phụ thuộc vào bị đơn, Tòa án sơ thẩm xác định P là bị đơn là đúng quy định pháp luật.

Bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.

Về việc vắng mặt của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Công ty Tân Nhật An không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án do Công ty này đã chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho nguyên đơn và không có kháng cáo nên Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục xét xử vụ án theo quy định chung.

Về nội dung kháng cáo của bị đơn Hội đồng xét xử thấy:

Nguyên đơn và bị đơn đều xác nhận Hợp đồng bảo hiểm ký giữa Công ty Tân NA và P Long An ngày 19/5/2016 và Phụ lục hợp đồng bảo hiểm thân tàu số E- 16/LAN/NV1/2200/2000-01 ngày 06/06/2016 về việc chuyển quyền thụ hưởng cho nguyên đơn và Phụ lục Hợp đồng bảo hiểm thân tàu số E-16/LAN/NV1/2200/2000- 02 ngày 20/09/2016 về việc đổi tên tàu NMT ...-BIDV sang tên mới là tàu NA là đúng.

Ngày 16/12/2016, theo đề nghị của Công ty Tân NA tại Công văn số 01/12/CV-2016, bị đơn đã cấp Giấy sửa đổi, bổ sung số E-16/LAN/NV1/2200/2000- 03 về việc thay đổi giá trị bảo hiểm thân tàu NA là 13 tỷ đồng; Xác nhận có sự kiện tai nạn, công việc phối hợp giữa các bên về việc xử lý tai nạn.

Căn cứ vào quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự, đây là điều đã được các bên đương sự thừa nhận không phải chứng minh.

Xét các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

1. Về yêu cầu thanh toán toàn bộ giá trị tổn thất theo Hợp đồng bảo hiểm thân tàu số P-16/LAN/NV1/2200/2000, Phụ lục 01, 02 và Giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung bảo hiểm tàu biển số E-16/LAN/NV1/2200/2000 ngày 16/12/2016 số tiền là 13 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử nhận thấy, Hợp đồng bảo hiểm ký giữa Công ty Tân NA và P Long An ngày 19/05/2016 là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với các quy định của pháp luật nên các bên có nghĩa vụ thực hiện.

Tại Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu biển số P- 16/LAN/NV1/2200/2000 và Phụ lục hợp đồng bảo hiểm thân tàu số E-16/LAN/ NV1/2200/2000-1, E-16/LAN/NV1/2200/2000-2 và Giấy sửa đổi, bổ sung số E- 16/LAN/NV1/2200/2000-03 của HĐBH số P-16/LAN/NV1/2200/2000, thì tàu NA được bảo hiểm thân tàu có giá trị 13 tỷ đồng.

Các bên đương sự đều xác nhận có sự kiện tai nạn, công việc phối hợp giữa các bên về việc xử lý tai nạn nhưng bị đơn không nhất trí bồi thường.

Bị đơn đưa ra quan điểm từ chối bồi thường vì chưa có căn cứ xác định vị trí tàu Nhật Anh bị đắm nằm trong phạm vi quy định. Căn cứ khoản 1 mục A Điều 6 Quy tắc bảo hiểm thân tàu, thuyền “không chịu trách nhiệm bồi thường nếu tổn thất xảy ra do tàu, thuyền … hoạt động ngoài phạm vi quy định”.

Thời điểm hoạt động cuối cùng của tàu đã được xác định theo lời khai của Thuyền trưởng tàu tại Kháng nghị hàng hải ngày 20/2/2017 và Biên bản phỏng vấn thuyền viên ngày 8/3/2017 của Giám định viên PESI thì vị trí tàu thả neo để kiểm tra là φ106°08'E λ19°38'N lúc 02h ngày 18/2/2017. Việc dừng tàu để kiểm tra “dừng máy, thả trôi” là việc tạm dừng hoạt động của tàu xảy ra trước thời điểm bị tàu lạ đâm va. Do vậy, tọa độ này được xác định là tọa độ hoạt động cuối cùng của tàu trước khi xảy ra tai nạn. Tọa độ này cách bờ biển Sầm Sơn, Thanh Hóa dưới phạm vi hải lý cho phép (dưới 20 hải lý).

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Thông tư số 06/2015/TT-BGTVT ngày 02/4/2015 quy định về vùng hoạt động của tàu biển chở hàng trong vịnh bắc bộ “tàu biển phân cấp hạn chế III được hoạt động cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn quá 20 hải lý trong trường hợp thời tiết đảm bảo chiều cao sóng đáng kể (Hs) không vượt quá 2,5 mét và gió không quá cấp 5 Beaufont đồng thời phải thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này”. Như vậy, tại điểm 2 Mục II Báo cáo điều tra tai nạn chìm tàu Nhật Anh tại vùng biển Thanh Hóa số 362/BC-CVHHQN ngày 05/5/2017 của Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh thì “theo bản diễn biến thời tiết tại vùng ven biển Thanh Hóa ngày 27/2/2017 của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, thời tiết ven biển Thanh Hóa từ 19h00 phút ngày 17/2/2017 đến 17h00 phút ngày 18/2/2017 như sau: đêm nhiều mây, không mưa, sáng sớm có sương mù nhẹ; gió đông đến đông nam cấp 1-2; tầm nhìn xa trên 10 km, giảm xuống dưới 1km trong sương mù; không có hiện tượng thời tiết nguy hiểm như gió mùa đông bắc, dông tố, bão”. Khoản 1 mục III Báo cáo cũng phân tích lại thời tiết xảy ra trùng khớp với bản tin dự báo thời tiết và tại thời điểm tàu bị va, đâm. Như vậy, thời tiết trùng khớp với lời khai của thuyền trưởng và thuyền viên về việc có sương mù vào sáng sớm. Thời tiết đảm bảo cho tàu Nhật Anh được hoạt động cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn quá 20 hải lý theo quy định (nếu có).

Mặt khác, căn cứ khoản 2.2 Điều 2 Hợp đồng bảo hiểm tàu số P- 16/LAN/NV1/2200/2000, Giấy chứng nhận bảo hiểm đi kèm thì phạm vi hoạt động của tàu được bảo hiểm là vùng biển và các vùng nước liên quan đến biển Việt Nam.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, nguyên đơn và bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã thuê đơn vị tìm kiếm xác tàu dò tìm, thậm chí dò tìm mở rộng phạm vi 05 hải lý nhưng vẫn không tìm thấy. Kết luận dò tìm xác tàu ngày 25/3/2017 của Công ty Mạnh Tường Nguyễn (đơn vị cung cấp dịch vụ dò tìm) và biên bản nghiệm thu dò tìm ngày 25/3/2017.

Trường hợp này xác định tổn thất toàn bộ thân tàu. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn. Buộc bị đơn bồi thường thiệt hại đối với tàu Nhật Anh cho Công ty Tân NA mà đơn vị thụ hưởng là nguyên đơn số tiền là 13 tỷ đồng là hoàn toàn phù hợp với các quy định trên của pháp luật và phù hợp với thỏa thuận của các bên ký kết trong Hợp đồng bảo hiểm.

2. Về yêu cầu thanh toán tiền lãi phát sinh kể từ ngày 06/7/2019 do chậm thanh toán bảo hiểm của nguyên đơn:

Ngày 06/06/2019, bị đơn nhận được Giấy yêu cầu bồi thường của Công ty Tân NA thông báo về việc không tìm thấy xác tàu và đã cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan nên đề nghị bị đơn thanh toán tiền bồi thường. Theo điểm 6.4.2 khoản 6.4 Điều 6 Hợp đồng bảo hiểm tàu quy định: “Bên B có trách nhiệm giải quyết bồi thường tổn thất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ”.

Vì vậy, thời điểm bắt đầu tính lãi chậm thanh toán kể từ ngày 06/7/2019 tính đến ngày xét xử sơ thẩm 30/12/2020 là 17 tháng. Áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005Quyết định số 2868/QĐ- NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, số tiền lãi bị đơn phải trả cho Công ty Tân NA mà người thụ hưởng là nguyên đơn là 13 tỷ đồng x 0,75%/tháng x 17 tháng = 1.657.500.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu khởi kiện về số tiền lãi của số tiền 13 tỷ đồng và chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán 1.657.500.000 đồng theo như Bản án sơ thẩm, đây là ý chí của nguyên đơn và bị đơn cũng đồng ý với việc rút một phần yêu cầu khởi kiện này nên Hội đồng xét xử chấp nhận và nguyên đơn không phải chịu án phí sơ thẩm cho phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận.

3. Về yêu cầu thanh toán tiền lãi cho thuê tài chính theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 1171600000/HĐCTTC ngày 30/05/2016 và các phụ lục đi kèm. Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn đã rút yêu cầu nên Hội đồng xét xử sơ thẩm đã đình chỉ đối với yêu cầu này là đúng quy định của pháp luật.

4. Về yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại, chi phí tìm kiếm xác tàu mà nguyên đơn phải thanh toán theo Hợp đồng tìm kiếm xác tàu, Biên bản thanh lý và hóa đơn giá trị gia tăng với số tiền là 1.210.000.000 đồng:

Bị đơn kháng cáo về chi phí này và cho rằng chi phí này nguyên đơn yêu cầu không hợp lý, tại cấp phúc thẩm bị đơn xuất trình các tài liệu chứng cứ liên quan đến yêu cầu kháng cáo là các báo giá có tính chất tương tự như khối lượng công việc rà tìm và vị trí đắm tương tự, chi phí là 124.000.000 đồng là có căn cứ, nguyên đơn cũng chấp nhận điều chỉnh lại số tiền tìm kiếm tàu NA nên Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần sửa lại Bản án sơ thẩm về phần chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại, chi phí tìm kiếm xác tàu là 124.000.000 đồng.

Số tiền lãi phát sinh từ số tiền 124.000.000 đồng, thì Hội đồng xét xử thấy ngày bắt đầu chịu lãi là ngày 30/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm 30/12/2020 là 45 tháng. Áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005 và Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, số tiền là 124.000.000 đồng x 0.75% x 45 tháng = 41.850.000 đồng.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn, cụ thể cần buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền là 13 tỷ đồng + 1.657.500.000 đồng + 124.000.000 đồng + 41.850.000đồng = 14.823.350.000 đồng.

Về án phí: bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm, sửa lại án phí sơ thẩm của bị đơn. Nguyên đơn đã rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, bị đơn nhất trí và được Hội đồng xét xử chấp nhận nên không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

-Căn cứ:

Các điều 293, 294 và 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Các điều 570, 571, 572, 575, 576 và 579 Bộ luật dân sự năm 2005;

- Các điều 67, 224, 225, 226, 246 và 254 Bộ luật hàng hải;

- Các điều 12, 13, 18,28, 29, 30 và 47 Luật kinh doanh bảo hiểm;

- Căn cứ Điều 3, điểm b khoản 1 Điều 24, khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P…….

2. Sửa Bản án sơ thẩm số 02/2021/KDTM- ST ngày 07/01/2021 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa cụ thể như sau:

Buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P…..x phải bồi thường cho Công ty TNHH vận tải biển Tân NA mà người thụ hưởng là Công ty cho thuê tài chính TNHH B - ST số tiền là 14.823.350.000 (mười bốn tỷ tám trăm hai mươi ba triệu ba trăm năm mươi nghìn) đồng.

Kể từ ngày 08/01/2021, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P còn phải tiếp tục chịu lãi của số tiền 14.823.350.000 (mười bốn tỷ tám trăm hai mươi ba triệu ba trăm năm mươi nghìn) đồng đồng theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp Bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Về án phí:

- Án phí sơ thẩm: Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải chịu 122.823.350 (một trăm hai mươi hai triệu tám trăm hai mươi ba nghìn ba trăm lăm mươi) đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Công ty cho thuê tài chính TNHH B- S được nhận lại số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 63.850.000 (sáu mươi ba triệu tám trăm lăm mươi nghìn) đồng theo Biên lai số 0009983 ngày 03/03/2020 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa, TP Hà Nội.

- Án phí phúc thẩm: Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P được hoàn lại số tiền án phí phúc thẩm 2.000.000 (hai triệu) đồng đã nộp tại Biên lai số 15476 ngày20/01/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

996
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 160/2021/KDTM-PT

Số hiệu:160/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:30/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về