Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 13/2020/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 

BẢN ÁN 13/2020/KDTM-PT NGÀY 24/07/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 24 tháng 7 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 09/2020/TLPT - KDTM ngày 26 tháng 02 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”;

Do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 35/2019/KDTM-ST ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 50/2020/QĐ - PT ngày 27 tháng 5 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 44/2020/QĐ - PT ngày 25 tháng 6 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV thép VAS (Trước đây là Công ty Cổ phần thép VAS). Địa chỉ: Đường số 2, Khu Công nghiệp H, phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Công X - Chức vụ: Tổng giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Ông Đặng Văn V - Địa chỉ:

Số 147 đường T, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Có mặt).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Ngô Hoài P - Luật sư của Chi nhánh Công ty Luật P tại thành phố Đà Nẵng. (Có mặt).

- Bị đơn: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P. Địa chỉ: Tầng 21, 22 Tòa nhà M, số 229 phố T, quận Đ, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Nam H - Chức vụ: Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P.

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng:

1. Ông Bùi Quang H - Địa chỉ: Ô 8 tầng 4, tháp C, Tòa nhà D – G, B, thành phố Hà Nội. (Có mặt).

2. Ông Huỳnh Ngọc G - Chức vụ: Trưởng phòng bảo hiểm hàng hải của Công ty bảo hiểm P Đà Nẵng - Địa chỉ: 126 đường N, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty TNHH Thương Mại và Vận tải B - Địa chỉ: Số 22 đường T, phường H, quận H, thành phố Đà Nẵng. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Tấn T, chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Hồng T - địa chỉ: Số 365 đường O, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Vắng mặt).

2. Công ty TNHH Vận Tải Biển N. Địa chỉ: Khu phố T, phường Q, thành phố S, tỉnh Thanh Hóa. (Vắng mặt).

3. Công ty Cho thuê Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Đ. Địa chỉ:

472 – 472A-472C đường N, phường A, quận B, thành phố Hồ Chí Minh. (Vắng mặt).

4. Ông Lường Văn S, ông Trần Trí Th, ông Vũ Đức T, ông Thạch Kim H - Địa chỉ: Khu phố T, phường Q, thành phố S, tỉnh Thanh Hóa. (Vắng mặt).

- Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty Cổ phần Thép VAS V và bị đơn là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 31/12/2016, Công ty Cổ phần Thép VAS V ( gọi tắt là Công ty Cổ phần thép V ) và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P (gọi tắt là Tổng Công ty BẢO hiểm P) có ký kết Hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc số 17/DNA/HHA/1300/0007 để bảo hiểm cho lô hàng 1.799 tấn thép của Công ty Cổ phần thép V. Trên cơ sở của hợp đồng nguyên tắc đã ký P đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số P-17/DNA/HHA/1300/00057 và Giấy sửa đổi bổ sung số E- 17/DNA/HHA/1300/0007 để bảo hiểm cho lô hàng nói trên được vận chuyển bằng tàu Quang Trung 05-BLC hành trình từ Cảng Sơn Trà, Đà Nẵng đến Cảng Long Bình, Đồng Nai. Việc vận chuyển này được thực hiện theo Hợp đồng vận chuyển số 283/HĐVC-2017 ngày 05/10/2017 giữa Công ty B và Công ty vận tải Biển N, Công ty Cổ phần Thép VAS V đã thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ sau khi hợp đồng được ký kết.

Ngày 21/10/2017, khi đang trên hành trình vận chuyển lô hàng này, tàu Quang Trung 05-BLC đã xảy ra va chạm với phương tiện nội thủy nội địa New Port Cypress tại khu vực song Nhà Bè, luồng Sài Gòn – Vũng Tàu làm toàn bộ lô hàng thép bị chìm cùng với tàu Quang Trung 05-BLC.

Ngày 01/11/2017, các bên có liên quan đã thống nhất để thuê Công ty TNHH trục vớt S để trục với lô hàng và tàu Quang Trung 05-BLC. Được sự chấp thuận của Tổng Công ty bảo hiểm P tại Công văn số 2592/2017/DNA/HHA ngày 27/10/2017, Công ty Cổ phần Thép V đã tạm ứng chi phí trục vớt lô hàng cho Công ty Song Thương với toàn bộ chi phí là 744.744.000 đồng.

Để lưu giữ lô hàng trong khi chờ xử lý, giám định theo yêu cầu của Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm P, ngày 02/11/2017 Công ty Cổ phần Thép V đã ký Hợp đồng vận chuyển, xếp dỡ, lưu kho với Công ty liên doanh B để Công ty này cung cấp dịch vụ vận chuyển, kiểm đếm, lưu kho, lưu bãi đối với lô hàng nói trên. Chi phí Công ty Cổ phần Thép V tạm ứng là 1.572.580.730 đồng.

Ngày 15/11/2017, do lô hàng sau khi được trục vớt bị gỉ sét, không đảm bảo chất lượng dẫn đến việc người mua hàng từ chối mua, phía nguyên đơn và bị đơn đã thống nhất và triển khai việc bán đấu giá lô hàng để giảm thiểu tổn thất lô hàng và chi phí phát sinh.

Ngày 05/01/2018, Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Báo cáo điều tra tai nạn đâm va số 02/BCĐT/CVHHTPHCM. Theo đó, nguyên nhân của tai nạn đâm va được xác định là do tàu Quang Trung 05-BLC và phương tiện nội thủy New Port Cypress đã không tăng cường công tác cảnh giới từ xa một cách thích đáng và phù họp, chưa triệt để sư dụng rada để phát hiện sớm và theo dõi liên tục mục tiêu từ xa để đánh giá đầy đủ tình huống và nguy cơ đâm va, không sử dụng tín hiệu điều động và tín hiệu cảnh báo phù hợp trong quá trình điều động tránh va, cả hai phương tiện không tuân thủ quy định khi cắt qua luồng hàng hải.

Ngày 24/01/2018, Công ty Cổ phần Thép V thuê Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Đà Nẵng tổ chức bán đấu giá lô hàng, phí dịch vụ bán đấu giá là 74.012.594 đồng.

Ngày 05/3/2018, Công ty Cổ phần Thép V và Trung tâm đấu giá ký hợp đồng bán lô hàng cho đơn vị trúng đấu giá là công ty TNHH TM H với giá là 15.662.419.147 đồng.

Trong suốt quá trình chờ xử lý tai nạn đâm va kể từ khi xảy ra tai nạn, Công ty Thép V thuê Công ty Luật TNHH Quốc tế V tư vấn các vấn đề pháp lý nhằm giảm thiểu đến mức tối đa các tổn thất phát sinh. Chi phí dịch vụ pháp lý dã tạm ứng là 109.52.460 đồng.

Sau khi thu thập tất cả các chứng từ liên quan đến tai nạn đâm va và những tổn thất mà Công ty Thép V đã phải chịu theo yêu cầu của Công ty P, Công ty Thép V gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ đến Công ty P với tổng giá trị yêu cầu là 10.249.796.237 đồng. Tuy nhiên, Công ty P đã từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do tàu Quang Trung 05-BLC không đủ định biên là không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông.

Nay Công ty Cổ phần Thép V khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty CP Bảo hiểm P thanh toán các khoản tiền sau:

- Tiền bồi thường bảo hiểm và tất cả các khoản chi phí liên quan đến tổn thất lô hàng là 10.249.796.237 đồng (Mười tỉ, hai trăm bốn mươi chín triệu, bảy trăm chín mươi sáu nghìn, hai trăm ba mươi bảy đồng).

- Tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày 06 tháng 5 năm 2018 đến ngày Công ty Cổ phần Bảo hiểm P hoàn tất nghĩa vụ thanh toán số tiền bồi thường bảo hiểm nêu trên (tạm tính đến ngày 10 tháng 10 năm 2018) với mức lãi suất 13,5% năm là 598.981.243 đồng (Năm trăm chín mươi tám triệu chín trăm tám mươi mốt nghìn, hai trăm bốn mươi ba đồng).

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Theo nội dung báo cáo giám định của Nori và Báo cáo điều tra của Cảng vụ Cảng thành phố Hồ Chí Minh thì nguyên nhân tai nạn chủ yếu xuất phát từ việc thuyền viên của cả hai tàu đều không thực hiện đầy đủ công tác cảnh giới để phát hiện nguy cơ đâm và cả hai tàu đều điều động tránh đâm va là không hiệu quả và không phù hợp với kinh nghiệm của người đi biển lành nghề. Mặt khác yếu tố thời tiết xấu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự kiện đâm va này. Nội dung báo cáo điều tra ghi rõ “số lượng thuyền viên không phù hợp với định biên an toàn tối thiểu” và “số lượng thuyền viên không phù hợp với Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu của tàu”.

Như vậy, tàu Quang Trung 05-BLC không có đủ định biên an toàn tối thiểu theo quy định. Theo nội dung thỏa thuận tại Điều 2 Hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc và Quy tắc bảo hiểm số 460 được các bên thỏa thuận, Công ty P sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường nếu “Phương tiện vận tải không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông”. Như vậy việc Công ty P từ chối bồi thường lô hàng là có căn cứ.

Công ty P từ chối toàn bộ các yêu thường bảo hiểm nói trên và khẳng định rằng các đơn vị có liên quan đến vi phạm khi tàu Quang Trung 05-BLC chuyên chở hàng hóa và gây tai nạn trong hoàn cảnh thiếu “định biên tối thiểu” theo quy định của Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển số 2911/ĐKTB-2016 và các quy định của pháp luật, có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Nguyên đơn.

Người đại diện theo ủy quyền của Công ty B trình bày:

Tôi không thống nhất với trình bày của bị đơn về việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm. Việc ký kết hợp đồng bảo hiểm thực chất là cam kết chia sẻ rủi ro trong việc vận chuyển hàng hóa. Các điều kiện của phương tiện vận chuyển đều được ghi nhận trong hồ sơ bảo hiểm liên quan, do đó nếu phương tiện vận chuyển không thể đáp ứng yêu cầu thì Công ty có thể từ chối phương tiện đó từ ban đầu và đề nghị Tòa án xem xét rõ các chứng từ, tài liệu trong vụ án để làm rõ mối quan hệ tranh chấp bảo hiểm giữa các bên, nhằm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Với nội dung vụ án như trên, tại bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/KDTM - ST ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

Tuyên xử:

1. Áp dụng Khoản 1 Điều 30, điềm b Khoản 1 Điều 35, điềm a Khoản 1 Điều 39 và điểm b Khoản 1 Điều 40, Khoản 1 Điều 147, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 250, 261, 262 Luật Thương mại; Điều 322, 323, 324, 329, 330, 333 Luật Hàng hải; Điều 12, 13, 15, 16, 17 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2010.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần VAS V đối với Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P.

Buộc P phải bồi thường toàn bộ tổn thất hàng hóa cho công ty thép V là 7.750.150.453 đồng; chi phí trục vớt là 744.000.000 đồng; chi phí vận chuyển, kiểm đếm, lưu kho là 1.572.580.730 đồng; chi phí thuê Trung tâm đấu giá là 74.012.544 đồng. Tổng cộng tiền bồi thường bảo hiểm là 10.134.788.241 đồng.

Buộc Công ty P phải trả tiền lãi 9% đối với số tiền bồi thường tính từ ngày 16/5/2018 đến thời điểm xét xử là 1.454.411.529 đồng.

Tổng số tiền Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P phải trả cho công ty thép V là 11.589.199.770 đồng.

Bác yêu cầu đòi chi phí pháp lý của công ty thép V đối với Công ty P với số tiền là 109.052.460 đồng.

2. Án phí kinh doanh thương mại bị đơn phải chịu là 119.584.200; Nguyên đơn phải chịu là 5.452.623 đồng. Hoàn trả lại cho Công ty thép V số tiền 53.971.766 đồng đã nộp tạm ứng án phí tại biên lai thu số 0006644 ngày 30/10/2018 của Chi cục thi hành án quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của đương sự và quyền yêu cầu thi hành bản án có hiệu lực pháp luật.

* Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định Công ty thép VAS V có đơn kháng cáo về tiền lãi suất và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 06/5/2020, Công ty TNHH MTV thép V có gửi cho Tòa án Thông báo thay đổi thông tin đương sự. Theo đó, ngày 05/01/2020 Công ty cổ phần thép VAS V đã chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH MTV thép.

Ngày 21 tháng 7 năm 2020 Công ty TNHH MTV thép VAS có đơn xin rút kháng cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Thương Mại và Vận tải B; Công ty TNHH Vận Tải Biển N; Công ty Cho thuê Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Đ; ông Lường Văn S; ông Trần Trí Th; ông Vũ Đức Th và ông Thạch Kim H đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến phiên tòa xét xử lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nêu trên.

[2] Ngày 21 tháng 7 năm 2020 Công ty TNHH MTV thép V có đơn xin rút đơn kháng cáo, xét việc rút đơn kháng cáo là hoàn toàn tự nguyện nên HĐXX căn cứ khoản 2 điều 289 của Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của nguyên đơn.

Xét kháng cáo của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P:

[3] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với lô hàng thép của Công ty TNHH MTV thép V: HĐXX xét thấy, Hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số 17/DNA/HHA/1300/0007 được lập thành văn bản và ký kết bởi Công ty bảo hiểm P Đà Nẵng – là đơn vị trực thuộc của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P (gọi là Tổng công ty P) với Công ty Cổ phần sản xuất thép V (Nay là Công ty TNHH MTV thép V) (gọi tắt là Công ty thép V), đại diện các bên tham gia ký kết đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

[4] Về nội dung của Hợp đồng số 17/DNA/HHA/1300/0007 thỏa thuận số tiền bảo hiểm và đối tượng bảo hiểm là thép xây dựng, phôi thép… Do đó, Hợp đồng số 17/DNA/HHA/1300/0007 đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật hàng hải, Luật kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật dân sự. Vì vậy, Hợp đồng số 17/DNA/HHA/1300/0007 có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành.

[5] Sau khi hợp đồng được ký kết Công ty thép V đã thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và ngày 17/10/2017, Công ty P đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số P-17/DNA/HHA/1300/00057 và Giấy sửa đổi bổ sung số E-17/DNA/HHA/1300/0007 để bảo hiểm cho lô hàng 1.799 tấn thép của Công ty thép V được vận chuyển bằng tàu Quang Trung 05-BLC hành trình từ cảng Sơn Trà, Đà Nẵng đến cảng Long Bình, Đồng Nai.

[6] Ngày 21/10/2017, khi đang trên hành trình vận chuyển lô hàng này, tàu Quang Trung 05-BLC đã xảy ra va chạm với phương tiện nội thủy nội địa New Port Cypress tại khu vực song Nhà Bè, luồng Sài Gòn – Vũng Tàu làm toàn bộ lô hàng thép bị chìm cùng với tàu Quang Trung 05-BLC.

[7] Sau khi xảy ra tai nạn Tổng công ty P từ chối bồi thường số tiền bảo hiểm cho Công ty thép V với lý do nguyên nhân tai nạn chủ yếu xuất phát từ việc thuyền viên của cả hai tàu không thực hiện đầy đủ công tác cảnh giới để phát hiện nguy cơ đâm; tàu Quang Trung 05-BLC không có đủ định biên an toàn theo quy định nên thuộc trường hợp “ Phương tiện vận tải không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông ” theo nội dung thỏa thuận tại Điều 2 Hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc và Quy tắc bảo hiểm số 460.

[8] Theo báo cáo điều tra số 02/BCĐT-CVHHTPHCM ngày 05/01/2017 của cảng vụ hàng hải thành phố Hồ Chí Minh thì nguyên nhân tai nạn đâm va giữa tàu Quang Trung 05-BLC với phương tiện New Port Cypress xảy ra tại khu vực sông Nhà Bè, luồng Sài Gòn-Vũng Tàu ngày 21/10/2017 là do: “Tàu Quang Trung 05- BLC và phương tiện New Port Cypress 08 không tăng cường công tác cảnh giới từ xa một cách thích đáng và phù hợp, chưa triệt để sử dụng rađa để phát tín hiệu sớm và theo dõi mục tiêu từ xa để đánh giá đầy đủ tình huống và nguy cơ đâm va khi hành trình trong điều kiện trời tối, có mưa, tầm nhìn xa giảm, khu vực nhiều tàu thuyền đang hoạt động và neo đậu; Phương tiện New Port Cypress 08 trước khi hành trình cắt qua luồng hàng hải đã không thận trọng quan sát, kiểm tra tình hình tàu thuyền đang hoạt động trong luồng hàng hải; Tàu Quang Trung 05-BLC và phương tiện New Port Cypress 08 đã không sử dụng tín hiệu điều động và tín hiệu cảnh báo phù hợp theo COLREG 72 trong quá trình điều động tránh va; Tàu Quang Trung 05-BLC đã hành trình cắt qua khu neo Nhà Bè, không bám sát luồng hàng hải; Hành động tránh va chuyển hướng sang trái của tàu Quang Trung 05 và phương tiện New Port Cypress 08 thiếu hiệu quả, không phù hợp với kinh nghiệm của nguời đi biển hành nghề; Thời tiết xấu, trời mưa, tầm nhìn xa đã ảnh hưởng đến công tác cảnh giới bằng mắt thường của cả tàu và phương tiện”.

[9] Theo báo cáo trên thì nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do thời tiết xấu, tầm nhìn xa giảm và do cách xử lý của người điều khiển phương tiện thiếu kinh nghiệm, không tuân thủ đúng quy định chứ không xác định do thiếu định biên dẫn đến tai nạn như đại diện Tổng công ty P trình bày.

[10] Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Tổng công ty P cho rằng Thuyền trưởng Tàu Quang Trung 05-BLC đã có hành vi mượn chứng chỉ thuyền viên khai báo với Cơ quan chức năng để làm thủ tục cho tàu rời cảng, còn theo Công văn số 536/CVHHĐN-PC ngày 03/12/2019 của Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng nếu phát hiện ra hành vi vi phạm của Thuyền trưởng thì Tàu Quang Trung 05-BLC không được phép rời cảng và sẽ không xảy ra tai nạn. HĐXX xét thấy, Tàu Quang Trung 05- BLC là tàu đóng năm 2004 tại Việt Nam và được cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển số VN- 2056-VT ngày 13/6/2006. Tàu có đầy đủ các hồ sơ đăng kiểm kỹ thuật phù hợp, được cơ quan có thẩm quyền cấp và còn hiệu lực nên có đủ khả năng lưu hành. Mặt khác, Theo báo cáo điều tra số 02/BCĐT-CVHHTPHCM ngày 05/01/2017 của cảng vụ hàng hải thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận tại hiện trường xảy ra tai nạn trên tàu Quang Trung 05 – BLC chỉ có 04 thuyền viên không đảm bảo với quy định về định biên an toàn tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo cho một ca làm việc trên tàu biển, Thuyền trưởng, sỹ quan boong, thủy thủ lái của tàu và phương tện có đủ thời gian nghỉ ngơi trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình, cũng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/8/2019 đại diện Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã khẳng định việc định biên trên tàu khi xảy ra tai nạn là 04 thuyền viên đã đảm bảo cho một ca làm việc theo quy định của Bộ luật hàng hải và các văn bản hướng dẫn thi hành, mặt khác tại Công văn số 536 ngày 03/12/2019 Cảng vụ Đà Nẵng đã xác định: “ Tàu Quang Trung 05-BLC được cấp phép rời cảng Đà Nẵng lúc 16h00 ngày 18/10/2017”. Do vậy, HĐXX xét thấy Tàu Quang Trung 05-BLC là phương tiện vận tải có đủ khả năng để lưu hành, trường hợp không đủ định biên không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn của tàu nên không thuộc trường hợp “Phương tiện vận tải không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông ” theo nội dung thỏa thuận tại Điều 2 Hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc và Quy tắc bảo hiểm số 460 như lời trình bày của Đại diện Tổng công ty P cho nên không thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm theo quy định tại Điều 6 Chương III quy định về loại trừ bảo hiểm, điều này phù hợp với quy định của điểm a khoản 1 Điều 246 Bộ luật hàng hải là khi xảy ra các tình huống không thể tránh khỏi, thì người bảo hiểm sẽ không được miễn trách nhiệm bồi thường.

[11] Đối với ý kiến của Tổng công ty P cho rằng trong quá trình vận chuyển tàu Quang Trung 05-BLC có các sai phạm như: không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu trên tàu; mượn Giấy chứng nhận thuyền viên và sổ thuyền viên của các ông Lương Ngọc T, Nguyễn Văn H, Phạm Văn L, Phan Thế A để làm thủ tục cho tàu rời cảng. Những sai phạm này đã bị Cảng vụ hàng hải thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải số 835/QĐ – XPVPHC ngày 02/3/2018 đối với Công ty TNHH Vận tải biển N và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải số 102A/QĐ – CVHHTPHCM ngày 26/4/2018 đối với ông Lường Văn S, thuyền trưởng tàu Quang Trung 05 – BLC nên Tổng công ty P cho rằng trách nhiệm bồi thường là của Công ty Biển N. HĐXX xét thấy hành vi sai phạm của bên thứ ba không phải là điều khoản loại trừ bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam do Tổng công ty P ban hành. Mặt khác, khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo hiểm đối với Công ty thép V, quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty P vẫn được đảm bảo theo quy định tại Điều 577 Bộ luật dân sự 2005; điểm e khoản 1 Điều 17 và Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm nếu xác định được người thứ 3 có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm. Do vậy, trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trước tiên là của Tổng công ty P là phù hợp với các quy định của pháp luật.

[12] Từ những phân tích trên, HĐXX xét thấy kháng cáo của Tổng công ty P về việc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là không có cơ sở để chấp nhận.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty TNHH MTV thép V :

[13] Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế …”. Xét thấy, sau khi xảy ra vụ đâm va Công ty thép V đã thông báo cho Tổng công ty P và Tổng công ty P đã đề nghị Công ty Cổ phần Giám định P tiến hành trưng cầu giám định tình trạng và mức độ tổn thất có liên quan đến lô hàng. Tuy nhiên, Tổng công ty P xác định đây là trường hợp loại trừ bảo hiểm nên đã không yêu cầu tiếp tục giám định nên Nori vẫn chưa xác định được mức độ và giá trị tổn thất. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã có công văn yêu cầu Công ty giám định C thực hiện việc giám định tổn thất và giá trị còn lại của lô hàng nhưng Công ty giám định C đã có công văn trả lời lô hàng thép đã được bán thanh lý không còn hiện trạng, số lượng, việc giám định lô hàng thép là không khả thi, không thể thực hiện được nên từ chối việc giám định.

[14] HĐXX xét thấy giá trị lô hàng là 23.412.569.600 đồng, Ngày 24/01/2018 Công ty thép V đã thuê Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Đà Nẵng tổ chức bán đấu giá lô hàng với sự đồng ý của Tổng công ty P với giá trị còn lại là 15.662.419.149 chênh lệch là 7.750.150.453 đồng. Việc mang lô hàng ra đấu giá thông qua Trung tâm đấu giá tài sản đã có sự chấp nhận của Tổng công ty P nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định số tiền chênh lệch chính là thiệt hại thực tế của Công ty thép V là có cơ sở.

[15] Theo quy định tại khoản 3, Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm : “Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người đươc bảo hiểm những cho phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm ” và cũng tại quy định tại Điều 5 trong quy tắc bảo hiểm hàng hóa quy định những chi phí cần thiết hợp lý sẽ được Tổng công ty P bồi thường. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận các chi phí khác như trục vớt lô hàng là 744.000.000; chi phí vận chuyển kiểm đếm, lưu kho thanh toán cho công ty B là 1.572.580.730 đồng; chi phí thuê Trung tâm đấu giá thực hiện bán đấu giá lô hàng là 74.012.594 đồng dựa trên các tài liệu, chứng cứ hợp pháp mà Công ty Thép V đã cung cấp là có cơ sở, ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi chi phí pháp lý với số tiền là 109.052.460 đồng, đối với yêu cầu này Công ty Thép V không kháng cáo nên HĐXX không xem xét.

[16] Tại phiên tòa, đại diện Công ty P đề nghị Tòa án căn cứ Án lệ số: của Tòa án nhân dân tối cao đối với trường hợp yêu cầu bồi thường bảo hiểm và cho rằng đối với các trường hợp tranh chấp bảo hiểm phải được giám định mức độ thiệt hại. Như đã phân tích trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã trưng cầu giám định mức độ thiệt hại đối với lô hàng thép nhưng do hàng không còn nên tổ chức giám định không thể tiến hành giám định được, mặt khác, sau khi Công ty Thép V thông báo về việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm đến Tổng Công ty P thì P đã cho tiến hành việc giám định tổn thất nhưng quá trình giám định không thực hiện vì cho rằng trường hợp này thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm. HĐXX xét thấy, việc giám định tổn thất là cần thiết nhưng không thể thực hiện được, ngoài ra, có thể căn cứ vào tài liệu chứng cứ chứng minh tổn thất của Công ty Thép V và các quy định của pháp luật như đã phân tích trên thì đủ căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà không thông qua kết luận giám định tổn thất thực tế như đại diện bị đơn đã trình bày là không có căn cứ.

Đối với yêu cầu tính lãi suất do không thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm đúng hạn của Công ty Thép V, HĐXX nhận định:

[17] Theo Điều 7 của Hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc mà các bên đã thỏa thuận “Trong vòng 30 ngày kể từ ngày bên B nhận được hồ sơ khiếu nại hoàn chỉnh và hợp lệ của bên A, bên B phải giải quyết bòi thường. Nếu từ chối hoặc có tranh chấp bên B phải có văn bản gửi cho bên A trong thời hạn đó”. Qua các tài liệu có trong hồ sơ đã thể hiện ngày 05/04/2018 Công ty thép V đã nộp đầy đủ hồ sơ liên quan đến sự cố và yêu cầu Tổng công ty P bồi thường nhưng đến ngày 16/05/2018, Tổng công ty P có văn bản từ chối bồi thường. Do các bên không xác định được ngày nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nên Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ ngày 16/05/2018 (là ngày Tổng công ty P có công văn từ chối bồi thường bảo hiểm) để xác định thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là có cơ sở. HĐXX xét thấy Tòa án sơ thẩm buộc Tổng công ty P phải trả cho Công ty thép V lãi chậm trả tính từ ngày 16/05/2018 đến thời điểm xét xử (ngày 19/12/2019) theo mức lãi suất 9%/năm với số tiền 1.454.411.529 đồng là phù hợp với pháp luật.

[18] Từ những nhận định trên, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Tổng công ty P và giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 35/2019/KDTM - ST ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng như đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát cũng như của quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích của Công ty thép V tại phiên tòa.

[19] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo nên Công ty P phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 2 Điều 296 và khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ các Điều 250, 261, 262 Luật Thương mại;

- Căn cứ các Điều 322, 323, 324, 329, 330, 333 Bộ luật hàng hải;

- Căn cứ các Điều 12, 13, 15, 16, 17 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2010.

- Căn cứ khoản 2 điều 26 và khoản 1 điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

I. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty TNHH MTV thép V.

II. Không chấp nhận kháng cáo của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P. Giữ nguyên nội dung bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/KDTM - ST ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH MTV thép V (Trước đây là Công ty Cổ phần thépV) đối với Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P.

1. Buộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P phải bồi thường toàn bộ tổn thất hàng hóa cho Công ty TNHH MTV thép VAS với số tiền là 7.750.150.453 đồng; chi phí trục vớt là 744.000.000 đồng; chi phí vận chuyển, kiểm đếm, lưu kho là 1.572.580.730 đồng; chi phí thuê Trung tâm đấu giá là 74.012.544 đồng và tiền lãi chậm trả đối với số tiền bồi thường tính từ ngày 16/5/2018 đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày 19/12/2019) là 1.454.411.529 đồng. Tổng cộng là 11.589.199.770 đồng. (Mười một tỷ năm trăm tám mươi chín triệu một trăm chín mươi chín nghìn bảy trăm bảy mươi đồng).

Kể từ ngày Công ty TNHH MTV thép V có đơn yêu cầu thi hành án nếu Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P không chịu trả số tiền nói trên thì hàng tháng Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền còn phải thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu đòi chi phí pháp lý của Công ty TNHH MTV thép V với số tiền là 109.052.460 đồng.

3. Về án phí:

3.1. Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P phải chịu 119.584.200 đồng;

Công ty TNHH MTV thép V phải chịu 5.452.623 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 53.971.766 theo biên lai thu số 0006644 ngày 30/10/2018 của Chi cục Thi hành án quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Hoàn lại cho TNHH MTV thép V số tiền 48.519.143 đồng.

[3.2] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P phải chịu là 2.000.000đ, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0008785 ngày 06/01/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Công ty thép V phải chịu 1.000.000đ, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000đ theo biên lai số 0008803 ngày 13/01/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Hoàn trả cho Công ty TNHH MTV thép V (Trước đây là Công ty Cổ phần thép V) số tiền 1.000.000đ.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hánh án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

118
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 13/2020/KDTM-PT

Số hiệu:13/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:24/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về