Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 11/2023/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 11/2023/KDTM-PT NGÀY 20/12/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 20 tháng 12 năm 2023 tại Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2023/TLPT-KDTM ngày 09 tháng 11 năm 2023 về “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2023/KDTM-ST ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Toà án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 128/2023/QĐPT-KDTM ngày 13 tháng 11 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 161/2023/QĐ-PT ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH vận tải biển P.

Địa chỉ: Tổ 6 Khu 6, phường Y, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Người đại diện theo pháp luật: ông Phạm Văn H, chức vụ: Giám đốc. Có mặt. Người đại diện theo uỷ quyền: ông Phạm Thế Trọng T; Nơi thường trú: Tổ 6A Khu 6, phường Y, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Theo Giấy uỷ quyền ngày 20/11/2023). Có mặt.

2. Bị đơn:

2.1. Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam (V).

Địa chỉ: Tầng 10-11 toà nhà 126 Đ, phường Đ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: bà Bùi Thị Thanh X, chức vụ: Phó Tổng Giám đốc. Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Lê Hải L - Trưởng phòng Hàng hải - Ban Bồi thường; Ông Lê Anh Đ1 - Chuyên viên Phòng Hàng hải, Ban Bồi thường; Bà Nguyễn Thị Minh T1 - chuyên viên Ban Pháp chế (theo Văn bản uỷ quyền số 1126/UQ-V10 ngày 01/4/2023 của Bảo hiểm V). Cả ba người có mặt.

2.2. Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP Đ2 (B).

Địa chỉ: Tầng 11 Toà nhà 263, phường D, quận C1, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: ông Trần Hoài A, chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: bà Vũ Thị Hồng N, chức vụ: Chuyên viên Ban Quản lý rủi ro; ông Đồng Quốc N1, chức vụ: Trưởng phòng Giám định bồi thường B chi nhánh Quảng Ninh; ông Bùi Mạnh H1, chức vụ: Phó Trưởng phòng Ban Giám định bồi thường (theo Giấy uỷ quyền ngày 18/12/2023 của Tổng Công ty bảo hiểm B). Đều có mặt.

2.3. Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Q (M).

Địa chỉ: Tầng 5-6 Toà nhà MB, Số 21 C2, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: ông Uông Đông H2, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Ngô X Thành - Chuyên viên chính Phòng Pháp chế & Điều tra chống trục lợi bảo hiểm; Ông Trần Bình D1 - Chuyên viên Phòng Pháp chế & Điều tra chống trục lợi bảo hiểm (theo Giấy uỷ quyền số 83/2023/GUQ-M ngày 16/01/2023 của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Q). Ông Thành vắng mặt, ông Dương có mặt.

3. Người giám định:

3.1. Ông Trần N2 - Giám định viên Công ty TNHH thương mại tư vấn và giám định N3.

3.2. Ông Vũ Văn Đ4 - Giám định viên Công ty TNHH thương mại tư vấn và giám định N3.

Địa chỉ: Số 08 L2, phường N4, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đều vắng mặt.

3.3. Ông Vũ Văn L - Giám định viên Công ty cổ phần giám định và dịch vụ hàng hải H3;

Địa chỉ: Số 3 L1, phường M, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai, phần trình bày tại các phiên hoà giải trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn - Công ty TNHH vận tải biển P trình bày có nội dung:

Công ty TNHH vận tải biển P (viết tắt là Công ty P) có ký hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự tàu thủy nội địa cụ thể như sau:

1. Công ty P ký Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu số:

018KD01.HD.TAU.22.000079 ngày 24/01/2022 với Công ty bảo hiểm V Quảng Ninh là chi nhánh của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam (viết tắt là Bảo hiểm V) và Công ty Bảo hiểm M Quảng Ninh là chi nhánh của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Q (viết tắt là Bảo hiểm M).

Công ty P khai thác tàu VXX18-QN8196 chở xi măng, ngày 24/3/2022 từ cảng N5, Thanh Hóa đi cảng Kỳ Hà, Quảng Nam. Do thuyền viên đóng van nhưng sơ suất không kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống van bơm ballast, nên để nước rò rỉ vào két ballast của tàu và ngấm vào kHg hầm hàng làm ướt xi măng lớp dưới hầm hàng số 2 và số 3 của tàu. Khi phát hiện công ty đã báo cho các bên liên quan và chỉ đạo sỹ quan, thủy thủ xử lý hạn chế tối đa tổn thất, bàn giao số xi măng đảm bảo chất lượng cho khách hàng. Số hàng 640 tấn xi măng bị ướt thuê lưu kho, thuê người phân loại. Tổng số tổn thất các chi phí theo các chứng từ là 476.050.000đ.

Công ty P đã có công văn số 116A/CV-PT ngày 10/5/2022 yêu cầu Bảo hiểm V giải quyết, bồi thường bảo hiểm cho tàu VXX18. Ngày 07/9/2022 Bảo hiểm V có công văn số 2349/CV-V3.2 thông báo từ chối bồi thường tổn thất tàu VXX18.

2. Công ty P ký Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu số:

018KD01.HD.TAU.21.000804 ngày 27/7/2021 với Công ty bảo hiểm V Quảng Ninh là chi nhánh của Bảo hiểm V và Công ty Bảo hiểm B Quảng Ninh là chi nhánh của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm ngân hàng TMCP Đ2 (viết tắt là Bảo hiểm B).

Công ty P khai thác tàu VXX08-QN7283 chở hàng tro bay ngày 22/11/2021 từ cảng Quốc tế V1 về cảng N5, Thanh Hóa. Do trên đường hành trình có sóng gió to, tàu lắc ngang nên mối hàn khu vực mặt boong bị nứt ra, nước tràn vào theo đường nứt vào hầm hàng tàu làm ướt hàng tro bay. Công ty P đã thuê dỡ hàng nhanh để hạn chế lượng hàng bị ướt, bóc tách lượng hàng bị ướt đi xử lý, chôn lấp, đưa tàu về Hải Phòng dỡ tiếp 389,97 tấn hàng ướt còn nằm dưới hầm hàng để giải phóng tàu. Tổng chi phí bồi thường, khắc phục tổn thất là 708.911.214đ. Công ty P đã yêu cầu Bảo hiểm V và Bảo hiểm B bồi thường nhưng cả hai đều từ chối bồi thường.

Do đó, Công ty P khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết:

- Buộc Bảo hiểm V và Bảo hiểm M phải bồi thường trách nhiệm dân sự đối với tàu VXX18-QN8196 cho công ty P số tiền 476.050.000đ (Bốn trăm bảy mươi sáu triệu, không trăm năm mươi nghìn đồng).

- Buộc Bảo hiểm V và Bảo hiểm B phải bồi thường trách nhiệm dân sự đối với tàu VXX08-QN7283 cho công ty P số tiền 708.911.214đ (Bảy trăm linh tám triệu, chín trăm mười một nghìn, hai trăm mười bốn đồng).

Tại phiên toà sơ thẩm, Công ty TNHH Vận tải biển P thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể:

- Đối với tàu VXX08 yêu cầu bồi thường tổng số tiền 663.797.260đ, trong đó số tiền hàng bị tổn thất (3.363,52 T – 2.525,85 T) là 150.780.600đ; số tiền thuê cảng Đại Dương bốc xếp (2.525,85 T + 447,4 T) là 70.276.819đ; số tiền thuê xe vận chuyển hàng hỏng từ cầu cảng đến bãi tập kết là 2.237.000đ; số tiền thuê xe xúc hàng hỏng từ bãi tập kết lên ôtô là 2.237.000đ; số tiền thuê máy vun cào hàng hỏng tại bãi tập kết là 447.400đ; số tiền thuê xe chở hàng hỏng đi chôn lấp là 44.740.000đ; số tiền thuê xe ben tự đổ từ cảng Đại Dương về kho bãi công ty XMNS là 39.035.862đ; số tiền thuê máy xúc lật, máy bơm, nhân công và vận chuyển xỉ tro đi xử lý 389,97T tại Hải Phòng là 116.750.000đ; tiền sửa chữa tàu tại Hải Phòng là 71.912.000đ; tiền chi phí ngày tàu xử lý tổn thất là 97.936.272đ; tiền dầu DO chạy và neo tư NS-HP là 57.438.470đ; tiền dầu LO chạy và neo tư NS-HP là 832.200đ; phí đăng kiểm tàu sau sửa chữa là 9.173.636đ.

- Đối với tàu VXX18 yêu cầu bồi thường tổng số tiền 444.800.000đ, trong đó số tiền lượng xi măng hư hỏng là 310.000.000đ; tiền dỡ hàng từ tàu lên ôtô sử dụng cầu cảng là 16.000.000đ; tiền bốc xếp từ ôtô xuống kho dùng xe nâng là 30.720.000đ; tiền nhân công lựa hàng là 64.000.000đ; tiền phí trung chuyển hàng từ cầu vào kho cảng là 9.600.000đ; tiền phí kiểm đếm, giao nhận khi xuất kho là 1.280.000đ; tiền phí thuê kho 15 ngày là 13.200.000đ.

- Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai, phần trình bày tại các phiên hoà giải và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn - Bảo hiểm V trình bày: Về quá trình ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty P và Bảo hiểm V như đại diện Công ty P đã trình bày là đúng sự thật.

- Đối với thiệt hại hàng hóa của tàu VXX18:

Căn cứ Báo cáo giám định cuối cùng số 22034/GDHH ngày 25/08/2022 của Công ty TNHH thương mại tư vấn và giám định N3 có đánh giá nguyên nhân tổn thất hàng hóa như sau:

“Thuyền viên tàu VXX18 thiếu mẫn cán trong việc vệ sinh, bảo dưỡng các van chặn hệ thống bơm nước két ballast số 03 Phải, dẫn đến van chặn nước bị kẹt không đóng kín.

Tôn sàn hầm hàng số 3 và tôn vách ngăn hầm hàng số 2 trong quá trình khai thác có nhiều vị trí rỉ sét/thủng không được kiểm tra, bảo dưỡng, khắc phục, sửa chữa. Nước biển rò rỉ đầy két ballast 3 phải qua van chặn không kín, thâm nhập vào các hầm hàng thông qua các vị trí rỉ sét/thủng của tôn sàn hầm hàng và tôn vách ngăn hầm hàng gây tổn thất cho hàng hóa như mô tả trên”.

- Đối với thiệt hại hàng hóa của tàu VXX08:

Căn cứ Báo cáo giám định số 211131/HP/HH ngày 26/05/2022 của Công ty cổ phần giám định và dịch vụ hàng hải H3 có đánh giá nguyên nhân tổn thất hàng hóa như sau:

“Khu vực thành quầy miệng hầm hàng số 02 (mạn phải) của tàu VTT 08 có một số vị trí tôn bị mòn, bục rách và han gỉ tạo thành vết thủng rách vào bên trong kHg hàng. Trong quá trình hành trình từ cảng V1 - Bình Thuận về cảng N5 - Thanh Hóa nước biển đã xâm nhập vào bên trong hầm hàng qua vị trí các vết thủng rách nêu trên gây nên sự cố và tổn thất cho hàng hóa”.

Bảo hiểm V nhất trí với báo cáo giám định về số lượng hàng hòa bị tổn thất đối với hai tàu VXX08 và VXX18 của Công ty P.

Tuy nhiên căn cứ vào điểm 1 và điểm 4, khoản 8.1, Điều 8, Chương III - Quy tắc bảo hiểm phương tiện thủy nội địa và tàu ven biển ban hành theo Quyết định Số 2254/QĐ-V6 ngày 25/12/2017 của Bảo hiểm V thì thiệt hại đối với tàu VXX18 và VXX08 thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (do thuyền viên cẩu thả và do tàu cũ kỹ) do đó Bảo hiểm V không có căn cứ giải quyết bồi thường tổn thất hàng hóa xảy ra với tàu VXX18 và VXX08. Ngày 07/09/2022, Bảo hiểm V đã ban hành công văn từ chối bồi thường tổn thất hàng hóa đối với tàu VXX18. Ngày 01/06/2022, Bảo hiểm V đã ban hành công văn từ chối bồi thường tổn thất hàng hóa đối với tàu VXX08.

Do đó, Bảo hiểm V không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty P.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn - Bảo hiểm B có quan điểm trình bày: Nhất trí với quan điểm của Bảo hiểm V, không đồng ý bồi thường bảo hiểm cho Công ty P vì tổn thất hàng hóa thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn - Bảo hiểm M có quan điểm trình bày: nhất trí với quan điểm của Bảo hiểm V không đồng ý bồi thường bảo hiểm cho Công ty P vì tổn thất hàng hóa thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh tại Cục Đăng kiểm Việt Nam về nguyên nhân tàu bị han rỉ, bục rách; kết quả xác minh thể hiện không đủ căn cứ để kết luận tàu bị han rỉ, bục rách do cũ kỹ hay do hao mòn tự nhiên. Ngoài ra, hiện tàu đã được sửa chữa và vận hành bình thường nên không thể giám định lại.

Tại Bản án kinh doanh sơ thẩm số 06/2023/KDTM-ST ngày 31/8/2023 của Toà án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty P.

Buộc bảo hiểm V và Bảo hiểm M có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Công ty P số tiền 444.800.000đ, theo Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu số 018KD01.HD.TAU.22.000079 ngày 24/01/2022 giữa Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm V và Bảo hiểm M với Công ty P đối với tàu VXX18-QN8196.

Buộc Bảo hiểm V và Bảo hiểm B có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Công ty P số tiền 459.150.105đ, theo Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu số 018KD01.HD.TAU.21.000804 ngày 27/7/2021 giữa Bảo hiểm V và Bảo hiểm B với Công ty P, đối với tàu VXX08- QN7283.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 12/9/2023, bị đơn Bảo hiểm V có đơn kháng cáo đối với toàn bộ Bản án sơ thẩm và đề nghị Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên toà phúc thẩm, bị đơn Bảo hiểm V giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; bị đơn Bảo hiểm M và Bảo hiểm B có quan điểm đề nghị Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, chấp nhận kháng cáo, trường hợp nếu Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì Bảo hiểm B đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét Bảo hiểm V và Bảo hiểm B chỉ liên đới trả số tiền bảo hiểm 292.692.000đ (hai trăm chín mươi hai triệu, sáu trăm chín mươi hai nghìn đồng) đối với tàu VXX08; Bảo hiểm M đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét Bảo hiểm V và Bảo hiểm M chỉ liên đới trả số tiền bảo hiểm 124.789.053 (một trăm hai mươi bốn triệu, bảy trăm tám mươi chín nghìn, không trăm năm mươi ba đồng) đối với tàu VXX18; nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và quan điểm đã trình bày, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người giám định trong vụ án, ông Trần N2 và Vũ Văn Đ4 là Giám định viên Công ty TNHH thương mại tư vấn và giám định N3 có văn bản giải thích về Kết luận giám định đối với nguyên nhân tổn thất hàng hoá trên tàu VXX18 như sau:

- Thuyền viên tàu VXX18 thiếu mẫn cán trong việc vệ sinh/bảo dưỡng các van chặn hệ thống bơm nước két ballast số 03 Phải, dẫn đến van chặn nước bị kẹt không đóng kín.

- Tôn sàn hầm hàng số 3 và tôn vách ngăn hầm hàng số 2 trong quá trình khai thác có nhiều vị trí rỉ sét/thủng do hao mòn tự nhiên không được kiểm tra, bảo dưỡng, khắc phục, sửa chưa. Nước biển rò rỉ đầy két ballast 3 Phải qua van chặn không kín, thâm nhập vào các hầm hàng thông qua các vị trí rỉ sét/thủng của tôn sàn hầm hàng và tôn vách ngăn hầm hàng gây tổn thất cho hàng hoá như mô tả trên.

Người giám định, ông Vũ Văn L là Giám định viên Công ty cổ phần giám định và dịch vụ hàng hải H3 có văn bản giải thích về Kết luận giám định đối với nguyên nhân tổn thất hàng hoá trên tàu VXX08 như sau:

- Khu vực thành quầy miệng hầm hàng số 02 (mạn phải) của tàu VXX08 có một số vị trí tôn bị mòn, bục rách và han gỉ/hao mòn tự nhiên tạo thành vết thủng rách vào bên trong kHg hoàng qua vị trí các vết thủng rách nêu trên gây nên sự cố và tổn thất cho hàng hoá.

Đại diện Viện kiểm sát có quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

- Về tố tụng: những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự đều chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về nội dung kháng cáo của bị đơn; đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn - Bảo hiểm V, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu của Công ty P về việc buộc Bảo hiểm V và Bảo hiểm B phải liên đới bồi thường tổn thất cho tàu VXX08; đối với tàu VXX18, tổn thất do hai nguyên nhân: vừa thuộc trường hợp được bảo hiểm vừa thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm, cần áp dụng nguyên tắc chia đều thiệt hại cho mỗi bên chịu ½ là phù hợp, vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử buộc Bảo hiểm V và Bảo hiểm M phải liên đới bồi thường tổn thất cho tàu VXX18 số tiền 222.400.000đ (hai trăm hai mươi hai triệu, bốn trăm nghìn đồng).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của bị đơn - Bảo hiểm V, thực hiện trong thời hạn luật định và hợp lệ nên được xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Hợp đồng bảo hiểm và thời gian xảy ra sự cố tổn thất hàng hóa yêu cầu bồi thường bảo hiểm vào năm 2021 và năm 2022 nên áp dụng Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Bộ luật Hàng Hải năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết.

[2] Xem xét nội dung kháng cáo, thấy: Xét hợp đồng bảo hiểm:

- Người ký hợp đồng, nguyên đơn là do ông Phạm Văn H - Giám đốc Công ty P; phía bị đơn là các ông Tạ Bá Đoán - Giám đốc Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP Đ2 chi nhánh Quảng Ninh, ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần bảo hiểm Q chi nhánh Quảng Ninh ký kết là đúng thẩm quyền.

- Nội dung hợp đồng: Các đương sự đều thừa nhận về việc ký kết hợp đồng; giao kết hợp đồng giữa các đương sự là tự nguyện.

- Hợp đồng các bên giao kết có nội dung và hình thức hợp đồng phù hợp quy định của pháp luật nên các hợp đồng bảo hiểm này hiệu lực pháp luật.

Xét thỏa thuận của các đương sự tại các hợp đồng đã ký, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và phần trình bày của các đương sự tại Toà án.

Hội đồng xét xử thấy:

- Căn cứ các hợp đồng bảo hiểm, các bị đơn đã phát hành Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu thuỷ nội địa số: 060022000080 (018.KD01.HD.TAU.22.000079) đối với tàu VXX18, Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu thuỷ nội địa số: 060221000331 (018.KD01.HD.TAU.21.000804) đối với tàu VXX08 của Công ty P. Như vậy, trách nhiệm bảo hiểm của các bị đơn đã phát sinh đối với trách nhiệm dân sự của chủ tàu. Tuy nhiên, các bên có tranh chấp về trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; nguyên đơn cho rằng theo thoả thuận của các bên tại hợp đồng bảo hiểm thì nguyên đơn được hưởng bảo hiểm, bị đơn cho rằng nguyên đơn không được hưởng bảo hiểm, vì tai nạn, rủi ro xảy ra thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Xem xét các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thấy:

[2.1] Về trách nhiệm bồi thường bảo hiểm của người bảo hiểm:

Căn cứ vào kết luận giám định, công văn giải thích của giám định viên (Công văn số 02/LIMASSCO/2022-CV ngày 30/5/2022 của Công ty cổ phần giám định và dịch vụ hàng hải H3; Công văn số 22034/CV-V ngày 01/9/2022 của Công ty TNHH thương mại tư vấn và giám định N3) đã kết luận, nguyên nhân gây tổn thất hàng hoá như sau:

- Đối với tàu VXX08 là do “Khu vực thành quầy miệng hầm hàng số 02 (mạn phải) của tàu VXX08 có một số vị trí tôn bị mòn, bục rách và han gỉ/hao mòn tự nhiên tạo thành vết thủng rách vào bên trong kHg hàng qua vị trí các vết thủng rách nêu trên gây nên sự cố và tổn thất cho hàng hoá”. Như vậy, tai nạn xảy ra là “do hao mòn tự nhiên của vỏ, máy móc hoặc trang thiết bị của tàu”; lỗi này, thuộc trách nhiệm của chủ tàu do quá cẩu thả không quan tâm việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu VXX08, theo đúng quy định. Căn cứ quy định tại Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000; quy đinh tại khoản 2, Điều 321 Bộ luật Hàng hải năm 2015; điểm 4, khoản 8.1, Điều 8, Chương III - Quy tắc bảo hiểm phương tiện thuỷ nội địa và tàu ven biển ban hành theo Quyết định số 2254/QĐ-V6 ngày 25/12/2017 của Tổng Công ty bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam.

Do đó, thiệt hại đối với tàu VXX08 của Công ty P thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Bảo hiểm V và Bảo hiểm B không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của tàu VXX08 cho Công ty P. Toà án cấp sơ thẩm trong quá trình xét xử, đã không xem xét, đánh giá các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ một cách toàn diện, theo đúng bản chất của sự việc, đã nhận định thiếu căn cứ (căn cứ vào kết quả xác minh tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) là phiến diện và đưa ra phán quyết có sai sót. Vì vậy, kháng cáo của bị đơn - Bảo hiểm V đối với việc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của tàu VXX08 của Toà án cấp sơ thẩm là có cơ sở, nên được chấp nhận.

- Đối với tàu VXX18, theo kết luận giám định: do “thuyền viên tàu VXX18 thiếu mẫn cán trong việc vệ sinh/bảo dưỡng các van chặn hệ thống bơm nước két ballast số 03 Phải, dẫn đến van chặn nước bị kẹt không đóng kín. Tôn sàn hầm hàng số 3 và tôn vách ngăn hầm hàng số 2 trong quá trình khai thác có nhiều vị trí rỉ sét/thủng do hao mòn tự nhiên không được kiểm tra, bảo dưỡng, khắc phục, sửa chữa. Nước biển rò rỉ đầy két ballast 3 Phải qua van chặn không kín, thâm nhập vào các hầm hàng thông qua các vị trí rỉ sét/thủng của tôn sàn hầm hàng và tôn vách ngăn hầm hàng gây tổn thất cho hàng hoá như mô tả trên”. Theo kết luận giám định, nguyên nhân gây tổn thất hàng hoá trên tàu VXX18 là do lỗi của thuyền viên tàu VXX18 thiếu mẫn cán trong việc bảo trì van chặn hệ thống bơm nước két ballast và có nhiều vị trí rỉ sét/thủng do hao mòn tự nhiên tại tôn hầm hàng số 3 và tôn vách ngân hầm hàng số 2.

Như vậy, nguyên nhân gây ra tổn thất hàng hóa bắt nguồn từ trách nhiệm của thuyền viên tàu VXX18 (do đóng van không kín). Theo quy đinh tại khoản 2, Điều 321 Bộ luật Hàng hải: “Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với tổn thất xảy ra do người được bảo hiểm quá cẩu thả hoặc cố ý không thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này”. Trường hợp đối với tàu VXX18, đây là lỗi của thuyền viên thiếu mẫn cán, tức là thuyền viên đã thiếu siêng năng, không hoàn thành tốt công việc, chứ không phải là lỗi quá cẩu thả của thuyền viên; tai nạn xảy ra nằm ngoài ý muốn và khả năng quản lý của chủ tàu, khi xảy ra tai nạn chủ tàu đã thực hiện đầy đủ mọi biện pháp để ngăn ngừa, hạn chế tổn thất và báo cáo ngay với người bảo hiểm.

Do đó, tai nạn của tàu VTT 18 không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hàng hải. Trách nhiệm bảo hiểm đối với tàu VXX18 được phát sinh và các Công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho chủ tàu.

[2.2.] Về số tiền thiệt hại đối với các tàu VXX08 và VXX18 theo yêu cầu của nguyên đơn được bảo hiểm.

Hội đồng xét xử, nhận định, đánh giá thiệt hại của tàu VXX08 thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, nên không xem xét yêu cầu đối với số tiền do nguyên đơn yêu cầu được bồi thường bảo hiểm.

Đối với thiệt hại của tàu VXX18, Công ty P yêu cầu được bồi thường bảo hiểm với tổng số tiền 444.800.000đ (bốn trăm bốn mươi bốn triệu, tám trăm nghìn đồng); trong đó có thiệt hại về hàng hóa là 310.000.000đ (ba trăm mười triệu đồng); số tiền 134.800.000đ (một trăm ba mươi bốn triệu, tám trăm nghìn đồng) là các chi phí cho ngăn ngừa, hạn chế tổn thất: tiền dỡ hàng từ tàu lên ô tô, tiền bốc xép từ ô tô xuống kho dùng xe nâng, nhân công lựa hàng, tiền phí trung chuyển hàng từ cầu tàu vào kho cảng, tiền phí kiểm đếm giao nhận khi xuất kho, phí thuê kho 15 ngày. Hội đồng xét xử thấy thấy, số tiền chi phí cho ngăn ngừa, hạn chế tổn thất mà Công ty P yêu cầu là đúng với thực tế mà Công ty P đã chi trả cho đơn vị thuê vận chuyển và có giấy tờ hóa đơn hợp lệ, đây là những chi phí hợp lý, nên chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường bảo hiểm đối với tàu VXX18.

Do đó, bị đơn là Bảo hiểm V và Bảo hiểm M có trách nhiệm liên đới bồi thường bảo hiểm cho nguyên đơn, với số tiền là 444.800.000đ (bốn trăm bốn mươi bốn triệu tám trăm nghìn đồng).

[3] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần yêu cầu bồi thường bảo hiểm không được Tòa án chấp nhận. Các bị đơn phải chịu án phí đối với phần yêu cầu bồi thường bảo hiểm của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

[4] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: do kháng cáo được chấp nhận một phần nên bị đơn - Bảo hiểm V không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 313, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn - Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam và sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng: khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 385, 401 Bộ luật dân sự;

các điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 54 và 55 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Điều 303, 304, 321, 322, 323, Điều 325 Bộ luật Hàng Hải; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH vận tải biển P.

- Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam (V) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Q (M) có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho Công ty TNHH vận tải biển P số tiền 444.800.000đ (bốn trăm bốn mươi bốn triệu, tám trăm nghìn đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH vận tải biển P về việc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam (V) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm ngân hàng TMCP Đ2 (B) có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Công ty TNHH vận tải biển P số tiền 663.797.260đ (sáu trăm sáu mươi ba triệu, bảy trăm chín mươi bảy nghìn, hai trăm sáu mươi đồng).

Kể từ ngày bên đương sự được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong nếu bên phải thi hành án không trả đủ số tiền phải thanh toán thì còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Về án phí sơ thẩm: Công ty TNHH vận tải biển P có nghĩa vụ nộp 30.551.890đ (ba mươi triệu, năm trăm năm mươi mốt nghìn, tám trăm chín mươi đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Công ty P đã nộp 27.680.000đ (hai mươi bảy triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng) tạm ứng án phí sơ thẩm theo Biên lai thu tạm ứng án phí Toà án số 0001258 và 0001259 ngày 16/12/2022, nguyên đơn còn phải nộp 2.781.890đ (hai triệu, bảy trăm tám mươi mốt nghìn, tám trăm chín mươi đồng). Buộc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam và Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Q mỗi bên phải nộp 10.896.000đ (mười triệu, tám trăm chín mươi sáu nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Về án phí phúc thẩm: Tổng Công ty bảo hiểm Ngân hàng TMCP C Việt Nam không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 2.000.000đ (hai triệu đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí Toà án số 0000076 ngày 17/10/2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

33
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 11/2023/KDTM-PT

Số hiệu:11/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ninh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 20/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về