TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 1001/2020/KDTM-PT NGÀY 28/10/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong các ngày 06, 22 và 28 tháng 10 năm 2020, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 130/KTPT ngày 17/8/2020, về việc: “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.Do Bản án sơ thẩm số 60/2020/KDTM-ST ngày 01/7/2020 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị nguyên đơn kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 4661/2020/QĐXX-PT ngày 01/9/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 10024/2020/QĐ-PT ngày 18/9/2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần O.
Trụ sở: 168 P, phường A, quận B, Thành phố H.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Xuân C, chức vụ: Giám đốc Địa chỉ: Số 30, khu phố 4, phường Q, thành phố B, tỉnh Đ.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Ngọc N, sinh năm 1992 Địa chỉ: 78D đường số 3, phường T, quận T, Thành phố H (có mặt).
2. Bị đơn: Tổng công ty Cổ phần B.
Trụ sở: 26 T, Phường N, Quận S, Thành phố H.
Người đại diện theo ủy quyền:
- Ông Phan Minh A, sinh năm 1987 Địa chỉ: 106/19 Tôn Thất Hiệp, Phường x, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)
- Ông Đặng Tiến D, sinh năm 1982 Địa chỉ: 85/19A Lê Liễu, phường T, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).
- Ông Nguyễn Đức H, sinh năm 1989 Địa chỉ: 26 Tôn Thất Đạm, Phường N, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn Tổng công ty Cổ phần B: Luật sư Trần Mỹ L- Công ty Luật hợp danh N và C - Đoàn Luật sư Thành phố H (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án như sau: Đại diện nguyên đơn trình bày:
Ngày 24/9/2014, Công ty Cổ phần O (Sau đây gọi là Công ty O) và Tổng công ty Cổ phần B – B Chợ Lớn (Sau đây gọi là Công ty B) ký Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995. Theo Hợp đồng, nguyên đơn mua bảo hiểm mọi rủi ro tài sản cho tài sản của mình là lô hàng 29.350 tấn bắp hạt có giá trị là 162.940.780.750 đồng, số tiền bảo hiểm mua theo Hợp đồng cũng là 162.940.780.750 đồng; lô hàng được lưu tại kho số 1B, 3A và 4 của Công ty Cổ phần O Logistic, Đường số 4, KCN P, huyện T, tỉnh B; thời hạn bảo hiểm từ 00 giờ 00 ngày 24/9/2014 đến 24 giờ 00 ngày 09/3/2015. Sau đó, hai bên ký các Giấy sửa đổi bổ sung số PFM/00781955/01 ngày 23/10/2014 và Giấy sửa đổi bổ sung số PFM/00781955/02 & 03 ngày 04/3/2015, thay đổi địa điểm được bảo hiểm từ “Kho số 1B, 3A và 4 của Công ty Cổ phần O Logistic, Đường số 4, KCN P, huyện T, tỉnh B” thành “Kho số 1A (5.000 tấn), kho số 3A và kho số 4 của Công ty TNHH O Logistic, Đường số 4, KCN P, huyện T, tỉnh B”. Ngày 04/02/2015, nguyên đơn kiểm tra kho chứa hàng thì phát hiện hàng hóa bị ẩm mốc, hư hỏng, ngay trong ngày 04/02/2015, nguyên đơn đã thông báo tình trạng hàng hóa này tới Công ty B Chợ Lớn.
Theo yêu cầu của Công ty B Chợ Lớn, Nguyên đơn đồng ý để Công ty giám định P cử Giám định viên tiến hành phân loại, ghi nhận tình trạng tổn thất của lô hàng; việc giám định, phân loại hàng hoá bị hư hỏng kết thúc vào ngày 18/3/2015 (theo biên bản ghi nhận hiện trường), với số lượng hàng bị tổn thất là 6.009,590 tấn. Hai bên đã mời đơn vị giám định là Phân viện Khoa học hình sự giám định và xác định được nguyên nhân gây tổn thất cho lô hàng là do “đã xảy ra quá trình vi sinh vật hoạt động lên men tạo ẩm mốc và tự nung nóng làm biến đổi màu sắc gây hư hỏng các hạt bắp trong kho”.
Để giảm thiểu thiệt hại cho lô hàng, trong thời gian đợi kết luận giám định, hai bên đã trao đổi và thống nhất bán thanh lý lô hàng theo phương thức chào hàng cạnh tranh (Các văn bản trao đổi số 256/OTMN/BH ngày 02/6/2015, số 257/2015/OTMNVBH ngày 04/6/2015 của Nguyên đơn, văn bản số 0778/2015- BM/TSKT ngày 03/6/2015 của Bị đơn). Ngày 18/6/2015, nguyên đơn tổ chức mở thầu bán thanh lý lô hàng với sự chứng kiến của bị đơn, kết quả bán thanh lý lô hàng thu được số tiền là 21.033.565.000 đồng. Tổng giá trị thiệt hại bao gồm: thiệt hại do bán hàng thấp hơn giá vốn là 14.374.394.173 đồng; chi phí ngân hàng liên quan đến thủ tục mở tín dụng chứng từ (L/C) nhập khẩu lô hàng, chi phí vận chuyển xếp dỡ hàng hoá, bốc xếp, chi phí bảo hiểm, v.v. là 1.885.102.920 đồng, tổng cộng là 16.259.497.000 đồng. Ngày 10/6/2015, bị đơn có Văn bản số 0830/2015 - BM/TSKT gửi nguyên đơn, thông báo tổn thất đối với lô hàng (phát hiện ngày 04/02/2015) là không thuộc phạm vi trách nhiệm của Hợp đồng và từ chối trả tiền bồi thường thiệt hại. Ngày 16/5/2016, nguyên đơn khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài Thương mại T yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền 16.259.497.000 đồng và đã được Trung tâm Trọng tài Thương mại T giải quyết. Tuy nhiên, phán quyết của Trung tâm Trọng tài Thương mại T đã bị Tòa án nhân dân Thành phố H hủy do vi phạm tố tụng theo Quyết định số 275/2017/QĐ-PQTT ngày 16/3/2017 về việc hủy phán quyết trọng tài.
Công ty Cổ phần O giữ nguyên yêu cầu khởi kiện yêu cầu Tổng công ty Cổ phần B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền là 16.259.497.000 đồng cho Công ty Cổ phần O theo đúng Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995 ngày 24 tháng 9 năm 2014 mà hai bên đã ký kết Đại diện bị đơn trình bày:
Bị đơn xác nhận Công ty B Chợ Lớn có ký kết với Công ty Cổ phần O hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995 ngày 24/9/2014 như nguyên đơn trình bày và kết quả giải quyết của Trung tâm Trọng tài Thương mại T giải quyết tranh chấp đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hủy vì vi phạm tố tụng theo Quyết định số 275/2017/QĐ-PQTT ngày 16/3/2017.
Ngày 04/02/2015, sau khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra thì Công ty O có thông báo ngay đến Công ty B về sự cố lô hàng bắp hạt bị ẩm mốc. Công ty B đã yêu cầu Công ty Cổ phần giám định P (Nori) tiến hành giám định tổn thất đối với lô hàng vào ngày 09/02/2015.
Căn cứ biên bản làm việc ngày 16/4/2015 và Công văn số 2180TMN/BH ngày 05/5/2015 của Công ty O thể hiện, Công ty O đồng ý mời Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an tại Thành phố H tiến hành giám định, điều tra nguyên nhân tổn thất. Ngày 21/5/2015, Phân viện Khoa học hình sự có công văn số 49/C54B(DV) kết luận nguyên nhân tổn thất như sau: “Nguyên nhân tổn thất là do đã xảy ra quá trình vi sinh vật hoạt động lên men tạo ẩm mốc và tự nung nóng làm biến đổi màu sắc gây hư hỏng các hạt bắp trong kho. Quá trình đó diễn ra như sau: Sự xuất hiện của các khe hở rạn nứt giữa nền và tường nhà kho dẫn đến độ ẩm tại khu vực này tăng cao, trong điều kiện sinh học thuận lợi (độ ẩm cao, nhiệt độ 30°C – 40°C), làm cho số lượng vi khuẩn ưa ẩm phát triển rất nhanh trong lớp hạt bắp (ngô) chứa trong khu vực này. Quá trình vi sinh vật hoạt động (vi khuẩn ưa ẩm và vi khuẩn ưa nhiệt) trong điều kiện có độ ẩm cao và sự tích tụ nhiệt kém thông thoáng làm cho lớp hạt bắp (ngô) bị tự nung nóng dần lên làm các hạt bắp (ngô) biến đổi màu sắc. Đồng thời, các vi khuẩn ưa ẩm hoạt động mạnh thúc đẩy quá trình lên men tạo thành nấm mốc gây hư hỏng các hạt bắp”.
Các nguyên nhân tổn thất nêu trên đều thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại tiết ii điểm b khoản 1 điều khoản Loại trừ tại Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản của B. Các quy tắc bảo hiểm này đã được đính kèm với Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995 ngày 24/9/2014.
Ngày 10/6/2015, Công ty B có công văn số 0830/2015-BM/TSKT về việc từ chối yêu cầu bồi thường của Công ty O đối với tổn thất theo hợp đồng bảo hiểm nêu trên.
Đồng thời, Công ty O đã thanh lý lô hàng tổn thất thông qua biên bản mở thầu ngày 18/6/2015, Công ty TNHH Thương mại và Kho vận P đã trúng thầu mua lô hàng bị tổn thất của Công ty O, từ đó có đủ cơ sở Công ty O đã thanh lý lô hàng tổn thất và không có quyền yêu cầu Công ty B phải bồi thường phần giá trị Công ty O đã thu hồi sau thanh lý.
Công ty B từ chối toàn bộ yêu cầu bồi thường của Công ty O đối với tổn thất xảy ra theo Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995 ngày 24/9/2014 và không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Công ty O.
Bản án sơ thẩm số 60/2020/KDTM-ST ngày 01/7/2020 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần O, yêu cầu Tổng công ty Cổ phần B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bảo hiểm, bao gồm: thiệt hại do bán hàng thấp hơn giá vốn là 14.374.394.173 đồng; chi phí ngân hàng liên quan đến thủ tục mở tín dụng chứng từ (L/C) nhập khẩu lô hàng, chi phí vận chuyển xếp dỡ hàng hoá, bốc xếp, chi phí bảo hiểm, v.v. là 1.885.102.920 đồng, tổng cộng là 16.259.497.000 đồng (Mười sáu tỷ, hai trăm năm mươi chín triệu, bốn trăm chín mươi bảy nghìn đồng) theo đúng Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995 ngày 24 tháng 9 năm 2014.
Ngoài ra, án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 14/7/2020, nguyên đơn Công ty Cổ phần O có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện nguyên đơn rút một phần yêu cầu kháng kháo, yêu cầu khởi kiện, cụ thể: Rút một phần yêu cầu về chi phí quản lý nội bộ, chi phí mua bảo hiểm với số tiền là 1.409.485.423 đồng, chỉ yêu cầu bị đơn Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh bồi thường số tiền là 14.850.011.577 đồng; đại diện bị đơn giữ nguyên các ý kiến đã trình bày.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn tranh luận: Đề nghị hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trong trường hợp hội đồng xét xử xét thấy tổn thất của Otran thuộc phạm vi bảo hiểm và không bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì số tiền bồi thường của Công ty B đối với tổn thất 6.009.590 kg chỉ giới hạn trong số tiền 10.694.954.762 đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
Qua kiểm sát vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm này thấy rằng Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án, Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử và gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn, cấp và tống đạt các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử: Tại phiên tòa hôm nay, phiên tòa tiến hành đúng trình tự pháp luật Tố tụng dân sự.
Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý cũng như tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn, bị đơn, đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đề nghị căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Buộc bị đơn bồi thường số tiền 10.600.000.000 đồng theo số liệu mà bị đơn đưa ra. Đình chỉ giải quyết do nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; nghe ý kiến tranh luận của các đương sự; nghe ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Xét về nội dung kháng cáo: Nguyên đơn là Công ty Cổ phần O đề nghị chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm; bị đơn là Tổng công ty Cổ phần B đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đây là vấn đề cần xem xét.
[2] Xét thấy: Giữa nguyên đơn và bị đơn có ký kết Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995 ngày 24/9/2014, tài sản được bảo hiểm là 29.350 tấn bắp hạt lưu kho theo chứng từ nhập khẩu số SI4106646 ngày 30/7/2014 có giá trị 162.940.780.750 đồng; số tiền bảo hiểm mua theo hợp đồng là 162.940.780.750 đồng, lô hàng được lưu tại kho số 1B, 3A và 4 của Công ty Cổ phần Ortran Logistic, đường số 4, KCN P, huyện T, tỉnh B; thời hạn bảo hiểm từ 00 giờ 00 ngày 24/9/2014 đến 24 giờ 00 ngày 09/3/2015. Sau đó, hai bên ký các Giấy sửa đổi bổ sung số PFM/00781995/01 ngày 23/10/2014 và Giấy sửa đổi bổ sung số PFM/00781995/02 và 03 ngày 04/3/2015 thay đổi địa điểm bảo hiểm từ “kho số 1B, 3A và 4 của Công ty Cổ phần O Logistic, đường số 4, KCN P, huyện T, tỉnh B” thành “kho số 3A và kho số 4 của Công ty Cổ phần O Logistic, đường số 4, KCN P, huyện T, tỉnh B”. Ngoài ra, hai bên không có sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ điều khoản nào khác cho Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995 ngày 24/9/2014.
[2.1] Về tổn thất hàng hóa khi sự kiện bảo hiểm xảy ra: Ngày 04/02/2015, nguyên đơn kiểm tra kho chứa hàng thì phát hiện hàng hóa bị ẩm mốc, hư hỏng và đã thông báo ngay cùng ngày tình trạng hàng hóa đến bị đơn. Theo biên bản ghi nhận hiện trường ngày 18/3/2015, với sự chứng kiến của hai bên cùng đơn vị giám định là Công ty Cổ phần Giám định P, ba bên cùng thống nhất xác định hàng hóa bị tổn thất là tại kho 3A với số lượng 6.009,590 tấn bắp hạt. Tại Công văn số 238OTMN/BH ngày 05/5/2015, nguyên đơn đồng ý trưng cầu giám định viên độc lập là Phân viện Khoa học hình sự tiến hành giám định về nguyên nhân gây tổn thất đối với lô hàng trên. Căn cứ Kết luận số 49/C54B (DV) ngày 21/5/2015 của Phân viện Khoa học hình sự, kết luận giám định về nguyên nhân gây tổn thất như sau: “Nguyên nhân tổn thất là do đã xảy ra quá trình vi sinh vật hoạt động lên men tạo ẩm mốc và tự nung nóng làm biến đổi màu sắc gây hư hỏng các hạt bắp trong kho. Quá trình đó diễn ra như sau: Sự xuất hiện của các khe hở rạn nứt giữa nền và tường nhà kho dẫn đến độ ẩm tại khu vực này tăng cao, trong điều kiện sinh học thuận lợi (độ ẩm cao, nhiệt độ 30°C – 40°C), làm cho số lượng vi khuẩn ưa ẩm phát triển rất nhanh trong lớp hạt bắp (ngô) chứa trong khu vực này. Quá trình vi sinh vật hoạt động (vi khuẩn ưa ẩm và vi khuẩn ưa nhiệt) trong điều kiện có độ ẩm cao và sự tích tụ nhiệt kém thông thoáng làm cho lớp hạt bắp (ngô) bị tự nung nóng dần lên làm các hạt bắp (ngô) biến đổi màu sắc. Đồng thời, các vi khuẩn ưa ẩm hoạt động mạnh thúc đẩy quá trình lên men tạo thành nấm mốc gây hư hỏng các hạt bắp.”Để giảm thiếu tổn thất đối với hàng hóa, thông qua các Văn bản trao đổi số 256/OTMN/BH ngày 02/6/2015, số 257/2015/OTMN/BH ngày 04/6/2015 của Công ty O Miền Nam và Văn bản số 0778/2015-BM/TSKT ngày 03/6/2015 của Tổng Công ty B, hai bên đã trao đổi và thống nhất bán thanh lý lô hàng theo phương thức chào hàng cạnh tranh, kết quả lô hàng trên được bán thanh lý, thu được số tiền là 21.033.565.000 đồng. Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa nguyên đơn cho rằng tổng giá trị thiệt hại bao gồm: thiệt hại do bán hàng thấp hơn giá vốn là 14.374.394.173 đồng; chi phí ngân hàng liên quan đến thủ tục mở tín dụng chứng từ (L/C) nhập khẩu lô hàng, chi phí vận chuyển xếp dỡ hàng hoá, bốc xếp, chi phí bảo hiểm, v.v. là 1.885.102.920 đồng, tổng cộng là 16.259.497.000 đồng. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì thiệt hại thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
[2.2] Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn không có ý kiến phản đối hiệu lực cũng như nội dung kết luận giám định tại Kết luận số 49/C54B (DV) ngày 21/5/2015 của Phân viện Khoa học hình sự. Căn cứ Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm, kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên. Như vậy, kết luận giám định đã kết luận tổn thất xảy ra có nguyên nhân bởi quá trình hoạt động của vi sinh vật xuất phát từ sự thay đổi của nhiệt độ và độ ẩm bao gồm các yếu tố “thay đổi màu sắc”, “nấm mốc”, “độ ẩm cao”, “sự tích tụ nhiệt” và “tự nung nóng”, phù hợp với tình trạng mô tả tại Thông báo tổn thất ngày 04/02/2015 của nguyên đơn.
[2.3] Xét thấy: Hợp đồng bảo hiểm số PFM200781955 do bao gồm các phần sau: Đơn bảo hiểm, Điều kiện chung, Điều khoản bổ sung, Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản. Trong đó, đơn bảo hiểm do phía nguyên đơn ghi và các bên trực tiếp ký vào, còn lại là phần văn bản theo mẫu do bị đơn in sẵn. Theo Đơn bảo hiểm nêu “Phạm vi bảo hiểm” là: Bảo hiểm tổn thất thiệt hại vật chất bất ngờ cho tất cả các tài sản cố định và tài sản riêng đặt tại bất kỳ nơi nào trong địa điểm được bảo hiểm nêu trên bao gồm tài sản thuộc sở hữu của người được bảo hiểm và/hoặc thuộc trách nhiệm trông coi bảo quản của người được bảo hiểm trong thời hạn bảo hiểm gây ra bởi mọi rủi ro trừ khi bị loại trừ theo Đơn bảo hiểm này”. Đơn bảo hiểm cũng nêu 03 "Điều khoản loại trừ" gồm: "1. Điều khoản loại trừ rủi ro chiến tranh, khủng bố", "2. Điều khoản loại trừ rủi ro máy tính" và "3. Điều khoản loại trừ và hạn chế về cấm vận". Đơn bảo hiểm nêu Điều kiện và điều khoản bảo hiểm” là: “Theo Quy tắc bảo hiểm Mọi rủi ro tài sản của Tổng công ty Cổ phần B đính kèm và các điều khoản bổ sung sau:..."; tiếp theo đó là 25 Điều khoản bổ sung cụ thể, nhưng không hề đề cập hay thông báo còn có các "Điều khoản loại trừ" nào khác hay các trường hợp loại trừ nào khác có trong Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro.
[2.4] Như vậy, với nội dung của chính Đơn bảo hiểm, chỉ có 03 "Điều khoản loại trừ" nói trên là được quy định rõ trong Hợp đồng, mà không có các điều khoản loại trừ hay trường hợp loại trừ nào khác được các bên đề cập. Điều này có nghĩa là các trường hợp loại trừ nêu trong bản Quy tắc của bị đơn đã không được các bên thỏa thuận, đưa vào Hợp đồng. Trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài cũng như tại Tòa án, nguyên đơn cho rằng bị đơn không giải thích rõ cho nguyên đơn biết rằng Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản bao gồm rất nhiều các trường hợp mà bị đơn sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường, ngoài Điều khoản loại trừ trong Đơn bảo hiểm còn bao gồm nhiều trường hợp loại trừ khác có trong Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản. Mà thực nếu biết có những trường hợp loại trừ khác thì nguyên đơn đã không mua bảo hiểm.Vì đơn mua bảo hiểm là mua bảo hiểm mọi rủi ro và phía bị đơn chỉ nêu 3 trường hợp loại trừ. Nguyên đơn hoàn toàn không được biết một cách rõ ràng và đầy đủ về các điều khoản loại trừ trong Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản.
[2.5] Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm, "Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng." Tại Điểm a Khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm có quy định : “Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ: Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
[2.6] Tại Khoản 1 Điều 19 quy định: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.” Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn cho rằng do nguyên đơn không yêu cầu nên bị đơn không giải thích là không đúng theo quy định về trách nhiệm phải giải thích hợp đồng các quy định pháp luật viện dẫn trên đây.
[2.7] Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 2 Điều 407 Bộ luật dân sự thì : “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.”. Khi mua bảo hiểm cho lô hàng, nguyên đơn đã thể hiện ý chí rằng lô hàng được bảo hiểm tối đa trước các rủi ro, vì vậy đã chọn điều kiện bảo hiểm mọi rủi ro và điều kiện bảo hiểm này đã được ghi vào Đơn bảo hiểm (là văn bản mà hai bên trực tiếp ký tên và đóng dấu). Chỉ riêng tên gọi của điều kiện này-mọi rủi ro (mà không có bất kỳ sự giải thích nào khác từ phía bị đơn khi giao kết Hợp đồng) cũng đã cho thấy ý chí giao kết của nguyên đơn là cho mọi rủi ro, mọi nguyên nhân gây tổn thất. Do đó, trong trường hợp này phải hiểu theo nghĩa có lợi cho bên mua bảo hiểm.
[2.8] Hơn nữa, Bản Quy tắc Bảo hiểm mọi rủi ro được đính kèm theo Đơn bảo hiểm là do bị đơn in sẵn, chính là phần nội dung hợp đồng theo mẫu. Khoản 3 Điều 407 Bộ Luật dân sự quy định về vấn đề áp dụng hợp đồng theo mẫu để xác định trách nhiệm của các bên như sau: "Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự khẳng định: trước khi bán bảo hiểm, phía Công ty B có cho nhân viên đến các kho lưu giữ hàng của nguyên đơn để khảo sát và sau đó chấp nhận bán bảo hiểm, đây là trách nhiệm và quyền lợi của phía Công ty B. Do Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản có nội dung miễn trách nhiệm cho bên đưa ra hợp đồng theo mẫu là Công ty B, nhưng không được hai bên thoả thuận cụ thể về nội dung này, nên nội dung miễn trách nhiệm này không có hiệu lực, theo quy định tại Khoản 3 Điều 407 Bộ Luật dân sự nêu trên.
[2.9] Vận dụng Án lệ số 22/2018AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tình huống tranh chấp về trách nhiệm của đơn vị bán bảo hiểm nhân thọ có vận dụng Khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Trong trường hợp hợp đồng dân sự theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”; Tại khoản 4 Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng”; Tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm”. Căn cứ theo các quy định pháp luật nêu trên thì trong trường hợp các bên có sự giải thích khác nhau không rõ ràng khó hiểu thì Điều khoản này phải được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.
[2.10] Từ những nhận định nói trên, buộc bị đơn phải bồi thường số tiền bảo hiểm cho nguyên đơn.
[2.11] Về số tiền bồi thường: Công ty Cổ phần O yêu cầu Tổng công ty Cổ phần B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bảo hiểm, bao gồm: thiệt hại do bán hàng thấp hơn giá vốn là 14.374.394.173 đồng; chi phí ngân hàng liên quan đến thủ tục mở tín dụng chứng từ (L/C) nhập khẩu lô hàng, chi phí vận chuyển xếp dỡ hàng hoá, bốc xếp, chi phí bảo hiểm, v.v. là 1.885.102.920 đồng, tổng cộng là 16.259.497.000 đồng (Mười sáu tỷ, hai trăm năm mươi chín triệu, bốn trăm chín mươi bảy nghìn đồng). Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn rút một phần yêu cầu về chi phí quản lý nội bộ, chi phí mua bảo hiểm, chỉ yêu cầu số tiền là 14.850.011.577 đồng, phía bị đơn cho rằng nếu Tòa án buộc Bảo Minh phải có trách nhiệm bồi thường thì phía Bảo Minh chỉ đồng ý bồi thường số tiền là 10.661.389.762 đồng theo số liệu Phụ lục 1 đính kèm theo Báo cáo giám định số 15310128/HCM-FR của Công ty cổ phần giám định Phương Bắc. Đây là chứng cứ mới mà phía Bảo Minh xuất trình tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay.
[2.12] Xét thấy: Nguyên đơn cho rằng căn cứ Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì: “Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu” nên đã chứng minh rằng giá thị trường của 6.009.590 tấn bắp bị thiệt hại là phải tính trên giá gốc khi mua, cộng các khoản chi phí phát sinh khác như thuế nhập khẩu, chi phí lưu kho, chi phí mở LC…đính kèm là rất nhiều hóa đơn, chứng từ. Bị đơn thì không đồng ý, cho rằng phải có đơn vị giám định giá trị thị trường thì mới có căn cứ. Căn cứ Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “phải thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất”. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn và bị đơn đều không yêu cầu trưng cầu giám định giá trị thị trường của 6.009.590 tấn bắp bị hư hỏng. Do đó, không có cơ sở chấp nhận số liệu của nguyên đơn đưa ra.
[2.13] Đối với số liệu của bị đơn đưa ra, hội đồng xét xử xét thấy bị đơn tính thiệt hại như sau: Số hàng bị hư hỏng là 6.009.590 tấn trong tổng số 29.350 tấn mua bảo hiểm, số tiền mua bảo hiểm là 162.940.780.750 đồng, nếu phân bổ số hàng bị hư hỏng là 5.551.651/tấn thì số hàng bị tổn thất có giá trị là 33.363.110.276 đồng, trừ 5% tổn thất là 1.668.155.514 đồng, trừ đi số tiền bán thanh lý của 6.000.590 tấn là 21.033.565.000 đồng. Số còn lại là 10.661.389.762 đồng. Tuy nhiên, cách tính này chưa chính xác, bởi theo điều khoản của hợp đồng, các bên thỏa thuận bị đơn được giữ lại 5% của giá trị tổn thất thì phải tính là như sau: giá trị hàng hóa bị tổn thất là 33.363.110.276 đồng – tiền hàng thanh lý thu về 21.033.565.000 đồng = 12.329.528.610 đồng – (12.329.528.610 đồng x 5 % = 616.476.430 đồng) = 11.713.053.180 đồng.
[2.14] Do đó, có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo, một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[3] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp nhận định của hội đồng xét xử nên ghi nhận.
[4] Về án phí:
[4.1] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên án phí sơ thẩm được tính lại như sau:
Bị đơn Tổng công ty Cổ phần B phải chịu án phí trên số tiền bồi thường cho là nguyên đơn 11.713.053.180 đồng. Án phí sơ thẩm phải chịu là 119.713.053 đồng.
Nguyên đơn Công ty Cổ phần O phải chịu án phí trên số tiền không được chấp nhận: 16.259.497.000 đồng - 11.713.053.180 đồng = 4.546.443.820 đồng. Án phí sơ thẩm phải chịu là 112.546.444 đồng.
[4.2] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Công ty Cổ phần O. Sửa bản án sơ thẩm số 60/2020/KDTM-ST ngày 01/7/2020 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh do tình tiết mới, với nội dung:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần O, buộc Tổng công ty Cổ phần B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số PFM/00781995 ngày 24 tháng 9 năm 2014 với số tiền là 11.713.053.180 (mười một tỷ bảy trăm mười ba triệu không trăm năm mươi ba ngàn một trăm tám mươi đồng).
2. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn là Công ty Cổ phần O yêu cầu bị đơn Tổng công ty Cổ phần B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bảo hiểm các khoản thiệt hại về chi phí quản lý, chi phí mua bảo hiểm với số tiền là 1.409.485.423 (một tỷ bốn trăm lẻ chín triệu bốn trăm tám mươi lăm ngàn bốn trăm hai mươi ba đồng).
Kể từ ngày Công ty Cổ phần O có đơn yêu cầu thi hành án mà phía Tổng công ty Cổ phần B không thi hành số tiền nói trên thì phải chiụ lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.
4. Về án phí:
4.1. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
Bị đơn Tổng công ty Cổ phần B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 119.713.053 (một trăm mười chín triệu bảy trăm mười ba ngàn không trăm năm mươi ba đồng) Nguyên đơn Công ty Cổ phần O phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 112.546.444 (một trăm mười hai triệu năm trăm bốn mươi sáu ngàn bốn trăm bốn mươi bốn đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí Công ty Cổ phần O đã nộp là 62.129.748 (sáu mươi hai triệu một trăm hai mươi chín ngàn bảy trăm bốn mươi tám đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0019725 ngày 19/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Cổ phần O còn phải nộp thêm 50.416.969 (năm mươi triệu bốn trăm mười sáu ngàn chín trăm sáu mươi chín đồng).
4.2. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Hoàn trả lại cho Công ty Cổ phần O 2.000.000 (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0029454 ngày 14/7/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền được thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu khởi kiện thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 1001/2020/KDTM-PT
Số hiệu: | 1001/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 28/10/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về