Bản án về tranh châp hơp đông bảo hiểm số 06/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 06/2023/DS-PT NGÀY 10/02/2023 VỀ TRANH CHÂP HƠP ĐÔNG BẢO HIỂM

Ngày 06/02/2023 và 10/02/2023, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 83/2022/TLPT- DS ngày 10/11/2022 về tranh châp hơp đông bảo hiểm , do Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2022/DS-ST ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Đồng Hới bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 119/2023/QĐ-PT ngày 12/01/2023, giữa các đương sự:

-Nguyên đơn: Ông Nguyễn Thế L; địa chỉ: Thôn C, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; có mặt.

Ngươi đại diện theo ủy quyền cua Nguyên đơn:

+Ông Trần Hữu T1; đia chỉ: sô 213 C, phường 26, quận B, thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn:

+Ông Trịnh Văn T– Luật sư Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh ; đia chỉ: số 590/C5 C, phường 11, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

-Bị đơn: Tông Công ty cổ phần B; địa chỉ trụ sở: số 26 T, phường N, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Anh T3 – Chức vụ - Tổng Giám đốc;

Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Đức H– Chức vụ: Giám đốc Pháp lý; ông Nguyễn Huy T6 – Chức vụ: Chuyên viên Ban Bảo hiểm Hàng Hải; bà Nguyễn Lê Nam P – Chức vụ: chuyên viên pháp lý; bà Hoàng Thị Thanh V – Chức vụ: Nhân viên phòng Nghiệp vụ Công ty B Quảng Bình; địa chỉ: số 256 Lý Thường Kiệt, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; ông T6, bà P vắng mặt; ông H, bà V có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Duy N - Luật sư Công ty Luật TNHH H – Duy Nguyên thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội;

địa chỉ: P.116 – 117 Khu văn phòng Hồng Hà, ngõ 109 T, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; có mặt.

- Người có quyền và nghĩa vụ liên quan:

+Ngân hàng N; địa chỉ: số 02 L, phường T, quận B, thành phố Hà Nội; Đại diện theo pháp luật: Ông Tiết Văn T7 – Chức vụ: Tổng Giám đốc;

Đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Đăng K – Chức vụ: Giám đốc Ngân hàng N Chi nhánh huyện Q Bắc Quảng Bình; địa chỉ: số 377 Q, phường B, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; ủy quyền lại cho ông Nguyễn Tiến H2– Trưởng phòng Kế hoạch – Kinh doanh, ông Hoài có mặt.

+Bà Nguyễn Thanh T5; địa chỉ: Thôn C, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; có mặt.

-Những người làm chứng:

+Ông Nguyễn Văn D; địa chỉ: Thôn X, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt.

+Ông Nguyễn Khắc C; địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt.

+Ông Nguyễn Thành N; địa chỉ: Thôn C, xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình;

vắng mặt.

+Ông Trần Minh H3- Công ty B Quảng Bình; địa chỉ: số 256 L, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 06/6/2022 và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Nguyễn Thế L và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 19/06/2019, Công ty B Quảng Bình thuộc Tổng Công ty Cổ phần B (sau đây gọi là B) và ông Nguyễn Thế L có ký kết Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số AD:

0134/19B352002 AD: 0177/19IN52002 theo Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số AD: 0134/19B352002 AD: 0177/19IN52002 với các nội dung: Người được bảo hiểm: Nguyễn Thế L; tên tàu: QB- 93939TS; thời hạn bảo hiểm: Từ 00 giờ 00 ngày 21 tháng 6 năm 2019 đến 24 giờ 00 ngày 20 tháng 6 năm 2020; Đối tượng bảo hiểm:

Thân tàu: 18.000.000.000 đồng, phí bảo hiểm: 171.000.000 đồng; Thuyền viên (07 người): 50.000.000 đồng/người/vụ, phí bảo hiểm: 1.750.000 đồng. Sau khi ký kết hợp đồng, ông Nguyễn Thế L đã đóng phí bảo hiểm đủ và đúng hạn.

Ngày 26/06/2019, tàu cá QB- 93939TS xuất bến tại Cửa Gianh, Quảng Bình để đi hành nghề khai thác thủy sản. Vào lúc 01 giờ ngày 06/07/2019, trong lúc đang khai thác hải sản tại vùng biển có vị trí tọa độ 17o47’N - 107°15’E thì tàu cá QB- 93939TS bất ngờ có lửa, khói phát ra từ khu vực cabin và sau đó thì toàn thân tàu bị bốc cháy dữ dội. Ông L cùng các thuyền viên trên tàu đã cố gắng dập lửa nhưng không thể được. Khi không thể cứu vãn được tình hình, ông L cùng các thuyền viên buộc phải thả thúng xuống biển và di chuyển ra xa khỏi vị trí con tàu đang bốc cháy để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng. Tàu cá QB- 93939TS bị gió thổi đi và chìm dần xuống biển tại vị trí toạ độ 17o51’N – 106°59E vào khoảng 4 giờ cùng ngày.

Ông L và 05 thuyền viên sau đó nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chủ tàu cá đang đánh cá vùng lân cận là anh Nguyễn Văn D (chủ tàu QB- 93348TS), anh Nguyễn Khắc C (chủ tàu QB- 93884TS) và anh Nguyễn Thành N (chủ tàu QB- 93860TS) nên đã vào bờ an toàn. Sau khi vào bờ, ông L ngay lập tức đến trình báo sự việc trên với Trạm Kiểm soát Biên phòng Roòn, Đồn Biên phòng Roòn và Uỷ ban nhân dân xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Sau khi xảy ra sự cố ông L cũng đã thuê phương tiện tìm kiếm tàu cá nhằm giảm bớt thiệt hại nhưng không có kết quả.

Theo yêu cầu của Công ty B Quảng Bình, ông L đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để khai báo và cung cấp các hồ sơ, tài liệu, giấy tờ cho Công ty B Quảng Bình để yêu cầu bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Ngày 27/10/2020, Tổng Công ty Cổ phần B đã gửi Công văn số 2410/2020-BM/HH thông báo về việc từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do tại thời điểm xảy ra sự cố chìm tàu, tàu cá QB- 93939TS vi phạm điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, cụ thể B cho rằng tại thời điểm xảy ra sự cố, tàu cá QB- 93939TS đang hoạt động chụp mực tại vùng biển có tọa độ được xác định là Vùng Lộng trong khi theo quy định về vùng hoạt động tại Giấy phép khai thác thủy sản số được cơ quan có thẩm quyền cấp thì tàu cá QB- 93939TS chỉ được phép khai thác thủy sản tại Vùng Khơi. Theo đó, tàu cá QB- 93939TS đã vi phạm về phạm vi khai thác. Mặt khác, căn cứ Điều 44 Mục 3 khoản e của Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 08/03/2019, tàu có chiều dài trên 24 mét phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 01/07/2019 nhưng tại thời điểm xảy ra sự cố thì tàu cá QB- 93939TS vẫn chưa lắp đặt thiết bị này.

Xét thấy những lý do của B đưa ra để từ chối bồi thường bảo hiểm đối với nguyên đơn là không chính xác. Bởi lẽ, tàu cá QB- 93939TS đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vào ngày 22/05/2019 và đơn vị lắp đặt là Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL), đã có Biên bản nghiệm thu lắp đặt thiết bị VMS cùng ngày. Sau khi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì đây là chuyến đi biển lần đầu tiên của tàu cá QB-93939-TS, việc thiết bị này không hoạt động hoặc hoạt động không liên tục là sự cố mà bản thân một ngư dân như ông Nguyễn Thế L cũng không thể nắm bắt và hiểu biết được để khắc phục.

Ngoài ra, dựa vào tọa độ tàu QB- 93939TS bị chìm mà B cho rằng tàu cá QB- 93939TS khai thác sai vùng so với giấy phép là không khách quan, bởi lẽ tàu QB – 93939TS đang hoạt động ở vị trí tọa độ 17°47’N - 107°15’E thì xảy ra sự cố, ông L cùng các thuyền viên đã ra khỏi tàu, tại thời điểm đó trên biển có gió đông nam cấp 4 – 5 đẩy tàu đến vị trí tọa độ 17°51N –107°15°E thì tàu bị chìm hẳn. Như vậy, vị trí tọa độ 17°51′N - 106°59°E là vị trí tàu chìm chứ không phải là vị trí khi tàu xảy ra sự cố cháy.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểmĐiều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm”.

Trong khi đó Hợp đồng bảo hiểm mà B đã ký kết với ông Nguyễn Thế L không có điều khoản quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Ngày 11/11/2020, ông Nguyễn Thế L đã làm Đơn kiến nghị đến B và cung cấp các bằng chứng chứng minh rằng tàu cá QB- 93939TS không vi phạm các điều khoản loại trừ bảo hiểm, đề nghị Tổng Công ty Cổ phần B, Công ty Cổ phần Giám định Thái Dương xem xét lại vụ việc để tàu cá QB- 93939TS được bồi thường thiệt hại.

Ngày 05/02/2021, B có văn bản phản hồi Đơn kiến nghị trên bằng Công văn số 0234/2021- BM/HH với nội dung tiếp tục từ chối bồi thường bảo hiểm.

Do đó, ông Nguyễn Thế L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Tổng Công ty Cổ phần B bồi thường bảo hiểm số tiền 18.000.000.000 đồng cho sự cố tàu cá QB- 93939TS bị cháy dẫn đến chìm hoàn toàn và tiền lãi do chậm thanh toán số tiền bồi thường theo lãi suất 10%/năm, số tiền lãi tạm tính từ ngày 02/7/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm 07/10/2022 là 03 năm 03 tháng 02 ngày là: 5.724.540.000 đồng và tiếp tục phải thanh toán tiền lãi phát sinh tương ứng với thời gian chậm bồi thường bảo hiểm.

Tại Bản tự khai ngày 30/6/2022 và các tài liệu có tại hồ sơ vụ án bị đơn Tổng Công ty Cổ phần B do ông Nguyễn Đức Hlà người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty bảo hiểm B Quảng Bình là đơn vị thành viên, hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty cổ phần B. Ngày 19/6/2019, Công ty B Quảng Bình có bán bảo hiểm cho tàu cá QB- 93939TS do ông Nguyễn Thế L làm chủ theo Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số AD: 0134/19B352002 AD: 0177/19IN52002. Ông Nguyễn Thế L đã đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn. Thời gian xảy ra tổn thất nằm trong thời hạn của Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá.

Ngày 26/06/2019, tàu cá QB- 93939TS xuất bến tại Cửa Gianh, Quảng Bình để đi khai thác thủy sản (chụp mực). Đến khoảng 1 giờ ngày 06/07/2019, trong lúc hoạt động khai thác thủy sản thì tàu bị cháy dẫn đến chìm đắm và tổn thất toàn bộ tại vị trí tọa độ 17°51′N - 106°59E.

Ngày 06/07/2019, sau khi nhận được thông báo sự cố của khách hàng, B đã chỉ định Công ty Cổ phần giám định Thái Dương (SICO) giám định tổn thất cho tàu QB- 93939-TS để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất và thu thập các chứng từ bồi thường theo quy định.

Ngày 27/02/2020, Chủ tàu Nguyễn Thế L có văn bản yêu cầu B bồi thường số tiền là 18.000.000.000 VNĐ.

Ngày 28/08/2020, SICO đã có Báo cáo giám định số 114TT/19TD đối với tổn thất của tàu cá QB- 93939TS. Căn cứ kết luận của Công ty Cổ phần giám định Thái Dương, ngày 27/10/2020, B có công văn số 2410/2019 về việc từ chối bồi thường đối với tổn thất của tàu cá vì lý do tại thời điểm xảy ra sự cố tàu cá QB- 93939TS đã vi phạm điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định tại mục 2.1, Điều 2 của Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá do Tổng Công ty Cổ phần B ban hành theo Quyết định số 0001/2017-BM/BHHH ngày 01/01/2017 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần B.

Ngày 10/12/2020, B có Công văn số 2770/2020-BM/HH gửi Tổng cục thủy sản - Bộ NN&PTNT v/v xác nhận việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá QB 93939-TS. Ngày 25/01/2021, B nhận được Công văn số 40/TCTS-TTTS của Tổng cục thủy sản v/v phúc đáp công văn của B.

Ngày 05/02/2021, B có công văn số 0234/2021-BM/HH gửi Chủ tàu về việc tiếp tục từ chối bồi thường bảo hiểm sau khi xác nhận thông tin từ các Cơ quan ban ngành chức năng.

Như vậy, tàu cá QB- 93939TS của ông Nguyễn Thế L tại thời điểm xảy ra sự cố cháy và chìm toàn bộ đã vi phạm các quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, cụ thể như sau:

- Thứ nhất: Tàu cá QB- 93939TS vi phạm vùng hoạt động:

Căn cứ lời khai của chủ tàu Nguyễn Thế L, lời khai của các thuyền viên tàu cá QB-93939-TS và lời khai của các chủ tàu tham gia cứu hộ ngay sau thời điểm tàu cá QB-93939-TS xảy ra sự cố cháy, Báo cáo giám định số 114TT/19TD của Công ty Cổ phần giám định Thái Dương kết luận như sau:

“… Tối ngày 05/7/2019, khoảng 19 giờ tàu thả dù giảm trôi và chong đèn đánh bắt tại vị trí tọa độ 17°51’N -.106°59’E. Tàu đánh được 04 dát lưới thì xảy ra sự cố. Khoảng lúc 0 giờ 30 ngày 05/7/2019, tàu kéo dát lưới thừ 04 lên đổ lên mặt xa quạ tàu để các anh em thuyền viên phân loại cá mực. Đến khoảng 1 giờ 00 ngày 06/7/2017, lúc thuyền trưởng, máy trưởng và 04 anh em thuyền viên đang ngồi phân loại cá thì đột ngột đèn điện trên tàu bị tắt, máy đèn tắt. Mọi người chạy vào cabin kiểm tra thì thấy khói mù mịt trong ca bin và có lửa lò lên từ khe sàn hầm máy… …Khi tàu QB-93680-TS đến thì tàu QB-93939-TS đã cháy rụi và chìm đắm xuống biến. Tàu QB-93939-TS chìm đắm khoảng 3 giờ 30 đến 4 giờ tại vị trí tọa độ 17°51’N -.106°59’E…” Tại Bản tường trình chủ tàu Nguyễn Thế L gửi Đồn biên phòng Roòn có nội dung: “Đến 01 giờ ngày 06/07/2019 tại vị trí tọa độ 17°51′N - 106°59’E trong lúc khai thác hải sản toàn bộ thuyền viên trên tàu ở boong để phân loại hải sản (cá mực)". Đột nhiên tôi thấy toàn bộ điện trên tàu tắt hết, tôi nhìn vào cabin thấy khói lửa bốc nghi ngút..” Tại Biên bản giám định hiện trường (tàu cá) lập ngày 07/7/2019, ông Nguyễn Thế L đã trình bày: “ngày 03/06 (AL) tàu chạy ra tiếp tục khai thác, khi ra khai thác tại tọa độ 17o51’N – 106o59’E được 04 dát mành...” Theo lời khai của ông Phạm Công Phong – Máy trưởng của tảu cá gặp nạn thì: “ngày 05/07/2019, tàu thả neo tại tọa độ 17°51′N - 106°59'E đánh được 04 dát mành..” Như vậy, đối chiếu với toàn bộ lời khai của các thuyền viên trên tàu và bản tường trình chủ tàu gửi Đồn Biên phòng Roòn ngay sau thời điểm chủ tàu và các thuyền viên được cứu đưa vào bờ an toàn; lời khai của các chủ tàu cứu hộ thì không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến tọa độ 17o47’N - 107°15’E mà ông Nguyễn Thế L kiến nghị.

Xét thấy, tại Đơn kiến nghị gửi B ngày 11/11/2020 chủ tàu Nguyễn Thế L trình bày: “Tôi xin khẳng định tàu QB-93939-TS do tôi điều khiển đang hoạt động ở tọa độ 17o47’N - 107°15’E vào lúc 1 giờ ngày 06/07/2019 thì tàu xảy ra sự cố cháy...Trước đây tôi có khai báo vị trí 17°51’N -.106°59’E là vị trí của tàu chìm hắn chứ không phải là vị trí khi tàu xảy ra sự cố” và việc ông L cho rằng tàu QB-93939-TS bị gió Đông Nam cấp 4-5 đẩy tàu vào nên dẫn đến có sự thay đổi về vị trí khi xảy ra sự cố cho đến khi tàu chìm hẳn. Tuy nhiên, theo thông tin dự báo thời tiết biển của Vishipel thì vào đêm mùng 05 ngày 06/07/2019, thời điểm xảy ra sự cố có gió Tây Nam cấp 4- 5 và gió Tây Nam có xu hướng đấy tàu ra chứ không đẩy vào (theo xác nhận của giám định viên SICO). Ngoài ra, khi bị sự cố tàu đang thả dù và chủ tàu không thực hiện vic truyền tín hiệu về bờ theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Do đó, vị trí mà chủ tàu khai báo bị sự cố 17°47’N - 107°15’E cách vị trí tàu chìm đắm khoảng 15- 16 hải lý là không phù hợp và không có căn cứ để chứng minh.

Căn cứ theo khai báo của những người có liên quan trong Biên bản ghi lời khai thì vị trí mà tàu cá QB-93939-TS xảy ra sự cố cháy và chìm đắm tại tọa độ 17°51′N - 106°59'E được thể hiện tại Báo cáo của SICO thì: “Qua kiểm tra trên hải đồ, vị trí này thuộc vùng Lộng (nằm phía trong và cách đường giới hạn tuyến lộng khoảng 08 hải lý.” Xét tại Giấy phép khai thác thủy sản số: 00153/2012/QB-GPKTTS được Chi cục thủy sản Quảng Bình cấp ngày 14/06/2019, có giá trị đến ngày 01/5/2024. Tàu QB-93939-TS được cấp phép hành nghề gồm 02 nghề: Nghề chính: Vận chuyển thủy sản; Vùng hoạt động: Biển Việt Nam và Nghề phụ: Chụp mực - Vùng hoạt động:

Khơi.

Để có căn cứ xem xét về trách nhiệm bồi thường bảo hiểm và cung cấp chứng cứ cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, B tiếp tục có văn bản gửi Chi cục Thủy sản Quảng Bình về việc đề nghị cung cấp một số thông tin liên quan đến việc khai thác thủy sản. Đến ngày 09/9/2022 B nhận được Công văn số 470/CCTS-HCTT; ngày 16/9/2022 nhận được Công văn 483/CCTS-HCTT của Chi cục thủy sản Quảng Bình có nội dung như sau:

“+ Tọa độ 17051’N – 106059’E được xác định là Vùng lộng + Tọa độ 17047’N-107015’E được xác định là Vùng khơi” … Hoạt động thủy sản; phân vùng khai thác; quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam được quy định cụ thể tại Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ… Đi với trường hợp tàu cá đã được cấp Giấy khai thác thủy sản ở Vùng khơi nhưng có căn cứ xác định tàu cá đó đang hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển có tọa độ được xác định là Vùng lộng thì tàu cá đó được xác định là khai thác sai vùng (theo điểm đ, khoản 1, điều 60 của Luật Thủy sản năm 2017)…” Như vậy, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ như trên thì vào thời điểm xảy ra tổn thất tàu cá QB-93939-TS đang thực hiện hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển có tọa độ được xác định là vùng Lộng là vi phạm vùng đánh bắt thủy sản.

- Thứ hai: Tàu cá QB-93939-TS vi phạm quy định về vận hành thiết bị giám sát hành trình:

Căn cứ điểm g khoản 3 Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ thì: “g) Thuyền trưởng phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24 giờ/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố, ven biển 06 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng;” Tại Công văn số 40/TCTS-TTTS của Tổng Cục Thủy sản ngày 13/01/2020 thì thiết bị giám sát hành trình của tàu cá QB-93939-TS có tín hiệu cuối cùng vào lúc 12h50 ngày 26/06/2019 tại vị trí tọa độ 17°38.88’N - 106°44.466E, sau thời gian trên, thiết bị không có tín hiệu truyền về hệ thống giám sát tàu cá Movimar. Theo trình bày của ông Nguyễn Thế L thì ngày 01/7/2019 tàu có di chuyển về vụng Hòn La - Quảng Bình để tránh bão, đến ngày 05/7/2019 hết bão tàu chạy ra tiếp tục khai thác. Như vậy, tàu cá QB-93939-TS có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng thiết bị không hoạt động liên tục 24/24 như quy định.

Căn cứ khoản 6 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản bao gồm: “Khai thác thủy sản bất hợp pháp”. Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 60 Luật Thủy năm sản 2017 quy định hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm: (i) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định...” Như vậy, tại thời điểm xảy ra sự cố tổn thất tàu cá QB-93939-TS vi phạm quy định về việc vận hành thiết bị giám sát là vi phạm quy định cấm trong hoạt động thủy sản và được xem là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định của Luật Thủy sản.

Căn cứ Mục 5.1.5 và 5.1.6 Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá 2017 quy định: “BẢO MINH không bồi thường những tổn thất xảy ra trong thời hạn bảo hiểm, kể cả những tổn thất gây ra bởi những rủi ro được bảo hiểm trong những trường hợp dưới đây:

5.1.5. Tàu được bảo hiểm vi phạm lệnh cấm, lệnh phong tỏa hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc hoạt động kinh doanh trái phép theo quy định của pháp luật;

5.1.6. Vi phạm các qui định của pháp luật về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, bao gồm nhưng không giới hạn những trường hợp sau đây:” Từ những cơ sở và lập luận như đã phân tích ở trên, việc B xác định tổn thất của tàu QB-93939-TS ngày 06/07/2019 thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm theo quy định tại mục 2.1, Điều 2 của Hợp đồng bảo hiểm ngày 19/6/2019, vi phạm mục 5.1.5 và 5.1.6 của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá 2017 và ra thông báo từ chối bồi thường là hoàn toàn phù hợp và có cơ sở. Do đó, đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Thế L thì Công ty cổ phần B không chấp nhận toàn bộ - Tại bản tự khai ngày và quá trình giải quyết vụ án người đại diện ủy quyền của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Q Bắc Quảng Bình- ông Nguyễn Tiến H2trình bày:

Trong vụ án này, đối tượng mà Tòa án giải quyết là tàu cá mang số hiệu QB93939TS của ông Nguyễn Thế L đang được thế chấp vay vốn tại Ngân hàng chúng tôi theo Hợp đồng tín dụng số: 194160824/HĐTD ngày 28/02/2017 và đảm bảo tại Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (tàu cá QB -93939TS) số: 19416082AHD ngày 22/02/2017 với dư nợ gốc lãi tạm tính đến thời điểm 30/8/2022 là: Gốc: 9.180.000.000 đồng; lãi: 2.173.000.000 đồng.

Về nội dung các bên đương sự có tranh chấp Ngân hàng đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngân hàng thống nhất với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, các lý do mà nguyên đơn đưa ra để yêu cầu B phải bồi thường là có căn cứ pháp lý, đề nghị Tòa án xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để nguyên đơn có điều kiện thanh toán nợ, đảm bảo quyền lợi cho Ngân hàng.

Cho đến thời điểm hiện tại giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Q Bắc Quảng Bình với B và chủ tàu Nguyễn Thế L chưa ký thỏa thuận ba bên nên trong trường hợp yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận thì giữa Ngân hàng và ông Nguyễn Thế L, bà Nguyễn Thanh T5 sẽ tự thỏa thuận, bàn bạc về người thụ hưởng số tiền mà chủ tàu cá được bồi thường.

Tại bản tự khai ngày 30/8/2022 và quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thanh T5 trình bày:

Nhất trí như ý kiến của ông Nguyễn Thế L (chồng bà) đã trình bày trong đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án. Tàu cá mang số hiệu QB93939TS do ông Nguyễn Thế L đứng tên sở hữu là tài sản chung của vợ chồng và vợ chồng bà đã thế chấp tài sản này để vay vốn đóng tàu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Q Bắc Quảng Bình. Đề nghị B thực hiện trách nhiệm bồi tường theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết để gia đình bà có khả năng trả nợ cho Ngân hàng và trang trải cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn do sự cố chìm vào năm 2019.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2022/DS-ST ngay 07/10/2022, Toà án nhân dân thành phố Đồng Hới đa quyêt đinh:

Căn cứ các Điều 26, 35, 40, 147, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ Điều 116, 117 Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 12.13, 14, 15, 16 và Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm; các điều 7, 50 và Điều 60 Luật thủy sản năm 2017; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định thi hành Luật thủy sản 2017; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Thế L đối với bị đơn Tổng Công ty Cổ phần B về buộc bồi thường số tiền bảo hiểm 18.000.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh 5.724.540.000 đồng.

Bản án sơ th ẩm còn quyết định vấn đề án phí , tiên tam ưng an phi va quyên kháng cáo của các đương sự.

Ngày 10/11/2022, nguyên đơn ông Nguyễn Thế L kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét sửa Bản án sơ thẩm của TAND thành phố Đồng Hới; buộc Tổng Công ty cổ phần B bồi thường số tiền bảo hiểm là 18.000.000.000 đồng (Mười tám tỷ đồng) và thanh toán số tiền lãi chậm trả là 5.724.540.000 đồng (Năm tỷ bảy trăm hai mươi bốn triệu năm trăm bốn mươi nghìn đồng).

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện buộc Công ty B bồi thường 18 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thế L vì những lý do sau:

-Trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, nhân viên bán bảo hiểm không tư vấn giải thích đầy đủ các quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nên người mua bảo hiểm không nắm bắt và hiểu được các quy định về trách nhiệm loại trừ bảo hiểm; không cung cấp Quyết định 0001/2017/BMHH theo Hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng theo đúng qui định mà chỉ gửi văn bản bằng bản PDF. Theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm thì điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, nhưng trong hợp đồng bảo hiểm đang có tranh chấp không ghi cụ thể nên người mua bảo hiểm không thể biết các sự kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

-Tàu cá của ông L khi xảy ra sự cố cháy nằm ở Vùng khơi là vùng được đánh bắt khai thác theo giấy phép nhưng do thời điểm đó có gió Đông Nam nên trong khoảng thời gian hơn 3 tiếng tàu cháy đã đẩy tàu và chìm ở vùng Lộng.

-Thiết bị giám sát hành trình vừa mới được lắp đặt trên tàu, ông L thuyền trưởng chỉ biết bật công tắc, không nắm rõ quy định vận hành, không biết thiết bị hành trình bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa.

Công ty B đưa ra các lý do trên để từ chối bồi thường cho ông Nguyễn Thế L là không đúng quy định và thiếu căn cứ.

Bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn với các lý do:

-Trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, nhân viên bán bảo hiểm đã tư vấn đầy đủ để ông L được biết đến sản phẩm bảo hiểm, giải thích đầy đủ các quyền lợi và trách nhiệm của chủ tàu…thể hiện trong Giấy yêu cầu bảo hiểm tàu cá và hợp đồng bảo hiểm mà ông L đã được đọc, hiểu và ký tên.

-Tàu của ông L khai thác sai vùng theo giấy phép hoạt động, xảy ra sự cố khi đang đánh bắt, khai thác ở vùng Lộng, trong khi đó theo giấy phép hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cấp tàu chỉ được đánh bắt khai thác hải sản ở vùng Khơi.

-Không bật thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Đại diện ngân hàng Nông nghiệp trình bày trong quá trình thực hiện vay vốn tại ngân hàng thì Công ty B cũng không cung cấp Quyết định 0001/2017/BMHH theo Hợp đồng bảo hiểm cho Ngân hàng.

Tại phiên toà phúc thẩm, Đai diên Viên kiêm sat phat biêu quan điêm giai quyêt vụ án, nôi dung tom tăt như sau:

-Về tố tụng: Thâm phan, Hôi đông xet xư, Thư ky Toa an va nhưng ngươi tham gia tô tung đa tuân thu cac quy đinh cua phap luât tô tung dân sư;

- Về nội dung: Tàu cá của ông Nguyễn Thế L đã có những vi phạm thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trong Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, cụ thể được quy định tại mục 2.1, Điều 2 của Hợp đồng bảo hiểm; các mục 5.1.2;

5.1.5 và 5.1.6 Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá (ban hành kèm theo Quyết định số 0001/2017-BM/HH ngày 01/01/2017 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần B). Giấy yêu cầu bảo hiểm ngày 19/6/2019 do ông Nguyễn Thế L ký là căn cứ để xác định ông L đã được B cung cấp đầy đủ Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, các điều khoản, quy tắc bảo hiểm trong đó bao gồm Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá do Tổng Công ty cổ phần B ban hành theo Quyết định số 0001/2017- BM/BHHH ngày 01/01/2017; xác định việc ông L đã được giải thích, tư vấn về sản phẩm bảo hiểm mà mình tham gia ký kết hợp đồng. Từ đó, có căn cứ xác định trong quá trình tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm đối với tàu cá QB-93939-TS bên mua bảo hiểm là ông Nguyễn Thế L đã hiểu rõ về quy định trong Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá, trong đó bao gồm cả điều khoản quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại mục 5 của văn bản này. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Ngày 19/06/2019, nguyên đơn ông Nguyễn Thế L và bị đơn Công ty B Quảng Bình thuộc Tổng Công ty Cổ phần B có ký Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số AD:

0134/19B352002 AD: 0177/19IN52002 theo Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số AD: 0134/19B352002 AD: 0177/19IN52002 với các nội dung: Người được bảo hiểm: Nguyễn Thế L; tên tàu: QB- 93939TS; thời hạn bảo hiểm: Từ 00 giờ 00 ngày 21 tháng 6 năm 2019 đến 24 giờ 00 ngày 20 tháng 6 năm 2020; Đối tượng bảo hiểm: Thân tàu: 18.000.000.000 đồng, phí bảo hiểm: 171.000.000 đồng; Thuyền viên (07 người): 50.000.000 đồng/người/vụ, phí bảo hiểm: 1.750.000 đồng. Sau khi ký kết Hợp đồng, ông Nguyễn Thế L đã đóng phí bảo hiểm đủ và đúng hạn. Như vậy, Hợp đồng bảo hiểm này có hiệu lực pháp luật.

[2] Về việc ký hợp đồng bảo hiểm, tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn khai không được cán bộ bảo hiểm tư vấn đầy đủ, không được biết quyết định số 0001/2017-BM/BHHH ngày 01/01/2017 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần B về quy tắc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Ông Trần Minh H3– nhân viên bán bảo hiểm của Công ty B Quảng Bình khai đã tư vấn đầy đủ về quyền và nghĩa vụ cho khách hàng trước khi giao kết hợp đồng. Theo Giấy yêu cầu bảo hiểm tàu cá, nguyên đơn ông Nguyễn Thế L đã được cung cấp các thông tin liên quan đến đối tượng được bảo hiểm là tài cá số hiệu QB-93939-TS, và đã kiểm tra lại thông tin trên Giấy yêu cầu bảo hiểm tàu cá, đồng thời trên giấy yêu cầu có ghi rõ “Sau khi được cung cấp các điều khoản và/hoặc qui tắc bảo hiểm cũng như được tư vấn đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm liên quan, chúng tôi/tôi xin cam kết những điều kê khai trên đây về mọi phương diện là chính xác và đúng sự thật, không che dấu bất cứ một thông tin nào làm ảnh hưởng đến việc nhận bảo hiểm”. Ông Nguyễn Thế L đã ký tên và thừa nhận đó là chữ ký của mình. Do đó, lời khai của ông Nguyễn Thế L cho rằng không được biết các qui định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là không có căn cứ.

[3] Về nguyên nhân chìm tàu cá QB-93939TS, nguyên đơn ông Nguyễn Thế L trình bày vào ngày 06/7/2019 tàu cá QB-93939TS đang hoạt động đánh bắt thủy sản tại tọa độ 17o47’N – 107o15’E thì bắt đầu bốc cháy dữ dội. Trong thời gian cháy khoảng 3 giờ, tàu cá QB-93939TS đã bị gió Đông Nam đẩy đến tọa độ 17o51’N – 106o59’E mới chìm hẳn. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Thế L, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung trình bày về nguyên nhân, vị trí tọa độ tàu cá QB-93939TS bị bốc cháy và bị chìm hẳn.

Theo các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án thấy rằng sau khi sự cố tàu bị cháy và chìm vào lúc 01 giờ ngày 06/7/2019, thì ngay khi vào bờ ông Nguyễn Thế L cùng các thuyền viên trên tàu đã đến trình báo sự việc trên với Trạm kiểm soát Biên phòng Ròon, Đồn Biên phòng Ròon và UBND xã C, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Theo lời khai của ông Nguyễn Thế L tại phiên tòa phúc thẩm thì trước khi đi trình báo với cơ quan chức năng ông L cùng các thuyền viên trên tàu không bàn bạc gì về việc trình báo tàu bị sự cố dẫn đến cháy và bị chìm. Khi trình báo với cơ quan chức năng, cả ông L cùng năm thuyền viên khác tự trình bày độc lập, riêng biệt về sự cố chìm tàu. Lời khai của cả sáu người đều thể hiện sự trùng khớp các sự kiện xảy ra, do đó lời khai này là trung thực, khách quan. Chỉ đến khi Tổng Công ty cổ phần B từ chối trách nhiệm bảo hiểm cả sáu người này mới thay đổi lời khai về tọa độ tàu xảy ra sự cố. Việc những người làm chứng ông Phạm Công Phong – máy trưởng của tàu QB-93939TS, ông Nguyễn Khắc C – chủ tàu cá QB-93884TS, ông Nguyễn Văn D – chủ tàu cá QB 93348TS có lời khai ban đầu khi xảy ra sự cố trùng khớp với lời khai của ông L và các thuyền viên trên tàu ông L trình bày sau đó thay đổi lời khai cho rằng tàu cá QB-93939TS đang đánh bắt thủy sản tại tọa độ 17o47’N – 107o15’E, sau đó bị cháy và bị gió Đông Nam đẩy đến tọa độ 17o51’N – 106o59’E mới bị chìm hẳn là không phù hợp và không có cơ sở để chấp nhận. Theo thông tin dự báo thời tiết biển của Vishipel thì vào đêm mùng 5 ngày 06/7/2019, thời điểm xảy ra sự cố có gió Tây Nam cấp 4-5 và gió Tây Nam có xu hướng đẩy tàu ra chứ không đẩy vào (theo xác nhận của giám định viên SICO). Do đó, tàu cá QB-93939TS của ông Nguyễn Thế L khi đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển có tọa độ 17o51’N – 106o59’E thì gặp sự cố cháy dẫn đến chìm đắm là có cơ sở.

Với vị trí tọa độ được xác định 17o51’N – 106o59’E, tàu cá QB-93939TS hoạt động đánh bắt thủy sản thì bị chìm đắm. Tọa độ này được xác định là vùng Lộng. Do đó, Bản án sơ thẩm xác định tàu cá QB-93939TS đã hoạt động sai vùng, vi phạm vùng hoạt động theo Giấy phép khai thác thủy sản số 00153/2019/QĐ-GPKTTT do Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cấp ngày 14/6/2019 có giá trị đến ngày 01/5/2024 là có cơ sở, có căn cứ pháp luật.

[4] Về thiết bị giám sát hành trình của tàu cá QB-93939-TS, ông Nguyễn Thế L trình bày tàu cá của ông đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vào ngày 22/5/2019, có biên bản nghiệm thu lắp đặt thiết bị của Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam. Sau khi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì đây là chuyến đi biển đầu tiên của tàu cá QB-93939-TS, việc thiết bị này không hoạt động hoặc hoạt động không liên tục là sự cố mà bản thân một ngư dân như ông Nguyễn Thế L cũng không thể nắm bắt và hiểu biết được để khắc phục. Về vấn đề này Hội đồng xét xử thấy rằng thiết bị giám sát hành trình của tàu cá QB-93939-TS phát tín hiệu cuối cùng vào lúc 12h50 ngày 26/6/2019 tại vị trí tọa độ 17o38.88’N – 106o44.466E, sau thời gian trên, thiết bị không có tín hiệu truyền về hệ thống Giám sát tàu cá Movimar. Tại Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá do Chi cục Thủy sản Quảng Bình cấp ngày 14/6/2019 thì tàu cá QB-93939-TS của ông Nguyễn Thế L có chiều dài 27 mét, thuộc trường hợp phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Như vậy, tàu cá QB-93939 đã vi phạm các quy định về vận hành thiết bị giám sát hành trình được quy định tại khoản 6 Điều 7; điểm i khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017; điểm e, g khoản 3 Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản quy định về thiết bị giám sát tàu cá; mục 5.1.6 của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá.

Vào ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản của nước ta do không tuân thủ quy định khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng không tuân thủ quy định khai thác IUU vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Một trong những tiêu chí để khắc phục những cảnh báo của EC đó là các tàu đánh bắt hải sản phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Thiết bị này để cơ quan chức năng theo dõi, quản lý phát tín hiệu cảnh báo khi đánh bắt, khai thác sai vùng biển, đồng thời giúp ngư dân trong các tình huống có sự cố tai nạn trên biển. Thời gian vừa qua, các cấp, các ngành đã tuyên truyền đến các ngư dân về qui định này, tuy nhiên ông Nguyễn Thế L là thuyền trưởng mặc dù đã được đào tạo và được tuyên truyền đầy đủ các qui định về việc vận hành thiết bị giám sát hành trình nhưng đã không thực hiện đầy đủ, không bật thiết bị và khi thiết bị bị hỏng không kịp thời thông báo để sửa chữa, đã thực hiện đánh bắt hải sản sai vùng theo Giấy phép khai thác thủy sản số 00153/2019/QĐ-GPKTTT do Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cấp.

[5] Tàu cá của ông Nguyễn Thế L đã có những vi phạm thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trong Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, cụ thể được quy định tại mục 2.1, Điều 2 của Hợp đồng bảo hiểm; các mục 5.1.2; 5.1.5 và 5.1.6 Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá (ban hành kèm theo Quyết định số 0001/2017- BM/HH ngày 01/01/2017 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần B). Do đó, Bản án sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Thế L là có căn cứ pháp luật.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thế L.

[6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do Tòa án xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Thế L nên theo khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, ông Nguyễn Thế L phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308; Điều 26, 35, 40, 147, 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 116, 117 Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 12, 13, 14, 15, 16 và Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm; các điều 7, 50 và Điều 60 Luật thủy sản năm 2017; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:

1.Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Thế L, giữa nguyên Bản án sơ thẩm như sau: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Thế Lưu đối với bị đơn Tổng Công ty cổ phần B về buộc bồi thường số tiền bảo hiểm 18.000.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh 5.724.540.000 đồng.

2.Về án phí:

+Án phí dân sự sơ thẩm: ông Nguyễn Thế L phải chịu án phí dân sự có giá ngạch với số tiền 131.724.540 đồng. Ông L được giảm 50% số tiền án phí dân sự phải chịu, buộc phải nộp số tiền án phí dân sự còn lại là 65.862.000 đồng (Sáu mươi lăm triệu, tám trăm sáu mươi hai nghìn đồng), khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông L đã nộp 31.500.000 đồng theo biên lai số 31AA/2021/0001252 ngày 15/6/2022 và 28.332.000 đồng theo biên lai số 31AA/2021/0001274 ngày 10/8/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Đồng Hới. Sau khi khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp, ông Nguyễn Thế L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm còn thiếu là 6.030.000 đồng (Sáu triệu, không trăm ba mươi nghìn đồng).

+Án phí dân sự phúc thẩm: ông Nguyễn Thế L phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm được khấu trừ vào số tiền mà ông Nguyễn Thế L đã nộp tại biên lai số 31AA/2021/0001294 ngày 11/10/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

3.Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phuc thâm (10/02/2023). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

48
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh châp hơp đông bảo hiểm số 06/2023/DS-PT

Số hiệu:06/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về